Săn sóc lốp xe
“Thường thì ít khi lốp xe được để ý tới, cho tới một ngày cách đây đúng 1 tháng, người trong gia đình tôi gặp một tai nạn lớn, xảy ra chỉ vì lốp xe. Kể từ hôm đó trở đi, mỗi lần ngồi sau tay lái là mỗi lần chúng tôi bị ám ảnh về bộ lốp. Theo tôi nghĩ lốp xe phải được coi là bộ phận quan trọng nhất trong xe.” Ðó là một đoạn tâm tình Phạm Ðình nhận được qua thư độc giả. Xin tiếp lời ngay rằng bạn nói đúng, chúng tôi cũng đồng ý như vậy, và xin chia sẻ với bạn một vài lý do tại sao chúng ta phải đặt lốp xe ở một vị trí quan trọng như thế.
Tai nạn lốp xe
Nhưng trước tiên xin mời tất cả các bạn nghe hết câu chuyện về tai nạn: “Khoảng 1 giờ trưa hôm đó, tôi nhận được phone của một người lạ. Với một giọng Mỹ ồm ồm vội vã, người lạ xưng mình là nhân viên xe cứu thương. Thì ra, một người trong gia đình tôi bị thương nặng trong một tai nạn xe hơi, đang nằm trên xe Ambulance, chuẩn bị đưa gấp vào bệnh viện. Ông nhân viên cấp cứu chỉ kịp báo địa chỉ của bệnh viện rồi cúp phone mà không nói thêm một chi tiết gì khác. Ngay lập tức tôi gạt bỏ công việc trước mắt để tìm đến bệnh viện. Chờ khoảng nửa tiếng đồng hồ ngoài phòng khách, chúng tôi được thông báo là bệnh nhân đã nhận phòng, và hiện đang chờ mổ. Bước vào phòng bệnh, chúng tôi thấy 3, 4 người y tá còn đang lau máu trên đầu trên mặt của nạn nhân, còn bệnh nhân thì kêu la đau đớn vì các vết thương làm vỡ đầu, gẫy tay và trẹo xương cổ! Nghe qua câu chuyện thì mặc dầu nhìn thấy nạn nhân thương tích nặng nề, nhưng mọi người vẫn lấy làm mừng vì anh ta còn sống sót sau một vụ lật xe giữa xa lộ, chiếc xe lăn nhiều vòng qua các lane đường rồi nằm ụ lại dưới một cái mương, chổng 4 bánh lên trời. Những người trong xe bị va đập như một trái banh được tung hứng với kỹ thuật “bật tường” của các cao thủ túc cầu trên sân cỏ. Trái banh da thì không sao, nhưng với da thịt con người, còn giữ được mạng sống trong một hoàn cảnh như thế phải gọi là may. Còn chuyện vỡ đầu, lệch cổ, gẫy tay, tức ngực thì phải coi như chuyện đương nhiên. Vì xe bị nổ bánh đang lúc phom phom trên carpool lane của xa lộ! Chiếc xe lăn tròn đến mấy vòng, may sao đường xa lộ khi đó vắng, nên không gây tai nạn thêm cho ai khác. Khi cảnh sát và cứu hỏa đến, họ phải dùng dụng cụ phá cửa xe mới lôi ra được từng nạn nhân trong đó. Sự việc xảy ra cho đến nay đã được một tháng, bệnh nhân thì từ từ bình phục, nhưng chúng tôi vẫn bị ám ảnh bởi bộ lốp, từ cái xe bị tai nạn rồi lan man nghĩ tới cái xe của mình. Không khi nào bước vào ngồi sau bánh lái mà không lo lắng tự hỏi: Không hiểu mấy cái lốp trên xe mình có làm sao không? Cặp bánh trước mới thay được vài tháng, chắc không sao! Nhưng còn 2 bánh sau? Liệu có bảo đảm không? Những câu hỏi như vậy cứ luẩn quẩn trong đầu cho đến lúc lái xe bình yên về nhà lúc bấy giờ mới thực sự nghĩ rằng mình còn sống.”
Những điều cần biết về lốp xe
Cám ơn bạn đã chia sẻ một hoàn cảnh đau lòng để mọi người cùng rút kinh nghiệm. Thực ra, chuyện ám ảnh tâm lý cũng là điều bình thường, từ từ rồi nó sẽ phôi pha. Chỉ sợ rằng những cảnh giác tối thiểu cần thiết đối với sự an nguy của lốp xe, hay nói một cách khác, ý thức săn sóc lốp xe của chúng ta cũng từ từ phôi pha theo. Cho đến khi một sai lầm trầm trọng xảy ra! Vì thế, thay vì sống với sự ám ảnh, bạn hãy cố nhớ lấy một ít điều quan trọng sau đây về lốp xe.
1. Áp suất và hệ thống TPMS
Áp suất có được nhờ lượng hơi trong lốp xe do chủ xe bơm vào. Bơm hơi cho lốp xe có đủ áp suất, đó là chuyện dễ dàng quên lãng. Ðúng, đó là chuyện dễ làm, nhưng dễ quên mới là điều đáng nói.
Chính vì thế, nhiều nhà sản xuất các kiểu xe mới đã phải thêm vào một bộ phận gọi là TPMS, là chữ viết tắt của Tire Pressure Monitoring System, có nghĩa là Hệ Thống Theo Dõi Áp Suất Lốp Xe. Với TPMS, chủ xe có thể yên trí là khi xe thiếu hơi hoặc quá nhiều hơi, hệ thống sẽ báo động để chủ xe điều chỉnh bằng cách bơm thêm hay rút bớt.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bảo vệ người tiêu thụ báo động, “Ðó là một cảm giác yên trí sai lầm, xuất phát từ sự hiểu biết chưa tường tận về TPMS”. Sự thực là thế này: TPMS không nhất thiết báo động mỗi khi lốp xe thiếu hơi đâu, bởi vì đó không phải là công việc của nó. Quả thực vậy, TPMS chỉ buộc phải báo động khi lốp xe đã thiếu tới 25% (tức là 1/4) mức áp suất cần thiết do nhà sản xuất xe đề nghị. Thí dụ: Nhà sản xuất Honda đề nghị bộ lốp phải có áp suất 44 psi, thì 25% tương đương với 11 psi. Nếu xe có TPMS, thì bạn chỉ được báo động khi áp suất lốp xe đã xuống tới 33 psi. Theo khuyến cáo của tổ chức AAA (American Automobiles Association) thì “mức áp suất đó là quá thấp, so với mức cần thiết để chạy xe an toàn”. Hiệp Hội Các Nhà Sản Xuất Sản Phẩm Cao Su Hoa Kỳ (Rubber Manufacturers' Asscociation) nói thêm, “Áp suất đó chỉ vừa đủ để cho trọng tải tối đa của xe mà thôi” chứ không có liên quan gì tới sự an toàn cả. Và TPMS là một phương tiện đưa ra lời cảnh giác vào phút chót trước khi lốp xe bị hư. Nó không phải là dụng cụ giúp bạn đo lường sự an toàn về áp suất lốp xe.
Vì thế các chuyên gia đi đến một lời khuyên thực tế như sau: Dù xe đời mới hay đời cũ, có TPMS hay không, bạn vẫn cần phải có một máy đo áp suất thật tốt (Tire Gauge), và điều chỉnh áp suất trong lốp theo đề nghị được nhà sản xuất ghi sẵn. Nhưng nhà sản xuất nào? Nhà sản xuất xe, hay nhà sản xuất lốp xe? Câu hỏi này nêu lên thật đúng lúc, bởi vì chúng ta thường có 2 ý kiến khác nhau ở đây: Có thể ý kiến của nhà sản xuất xe - ghi trên tấm giấy dán trên thành cửa xe bên tài xế (gọi là door jamb) - là 38 psi. Trong khi đó, ý kiến của nhà sản xuất lốp là 42 psi.
Chúng ta cần hiểu ý nghĩa của hai loại tin tức này ra sao? 42 psi là áp suất thích hợp để lốp lăn với độ an toàn nhất, còn 38 psi là áp suất thích hợp để xe chạy với hiệu quả cao nhất. Vậy, chúng ta phải theo ai? Với sự suy luận bình thường, chúng tôi cho rằng mình phải “đi” với con số thấp hơn, và từ đó có thể tăng lên chừng 3 psi nữa.
Cần lưu ý thêm vài điều sau đây:
-Máy đo áp suất không phải là luôn luôn chính xác, vì thế nếu có thời giờ, chúng ta nên đo đi đo lại 2, 3 lần. Ngay cả đối với cái dụng cụ y khoa gọi là máy đo áp suất máu, tức là máy đo tăng xông, nhà sản xuất cũng khuyên bệnh nhân phải đo 2 hoặc 3 lần mới lấy được con số trung bình áp huyết chính xác mà.
-Trở lại chuyện lốp xe, xin nhớ rằng lốp xe dù còn mới vẫn có thể bị xì hơi mỗi tháng chừng 1 psi. Vì thế chúng ta nên xem lại hơi trong lốp xe ít nhất 3 tháng một lần.
2. Thay lốp và chuyển lốp
Ai cũng biết rằng lốp xe không mòn đều, với 2 bánh trước thường mòn nhiều hơn, và lâu lâu thì lại thay đổi vị trí 4 bánh một lần, 2 bánh trước ra sau, và 2 bánh sau ra trước. Ðó là điều được các thợ máy gọi là Rotation. Rồi đến khi thay bánh, chúng ta sẽ được khuyên chỉ cần mua 2 lốp, thay vào cho trục bánh trước là đủ.
Nhưng đó không phải là ý kiến của các nhà chuyên môn, và nếu có ai bị ám ảnh bởi cái tai nạn khốc liệt gây ra do vụ nổ lốp xe giữa xa lộ được nói tới ở trên, thì lời khuyên sau đây của các chuyên gia tại Pepboys không phải là vô ích: “Khi thay lốp xe, phải thay cả 4 bánh.”
Nếu chỉ có thể thay 2 lốp, thì theo ý của các chuyên gia trên mạng www.popularmechanics.com , chúng ta phải dùng 2 lốp mới cho trục bánh sau, bất kể xe của bạn thuộc loại gì, đẩy bằng 2 bánh trước FWD, đẩy bằng 2 bánh sau RWD, hay là sức đầy đặt trên cả 4 bánh AWD...
Cái ý kiến này coi bộ rắc rối, chúng ta sẽ bàn luận thêm trong bài sau.
Tiếng nói của lốp xe
Nhắc lại bài lần trước, để bảo đảm an toàn cho “chân cẳng” của cái xe, nếu có thể được mỗi khi thay mới, chúng ta phải thay cả 4 lốp. Ðó là ý kiến của Pepboys, một hệ thống cửa hàng chuyên sửa chữa và bảo trì xe cộ lớn vào hàng đầu của nước Mỹ.
Còn nếu không thay được cả 4, mà chỉ có thể thay 2 lốp, thì không phải là 2 lốp trước mà chính là 2 lốp sau mới cần được thay sớm. Ðó là ý kiến xem ra nghịch đời của các chuyên gia thuộc trang mạng www.popularmechanics.com. Họ lý luận như thế này: Hai lốp ở trục sau mới là nơi cung cấp sự vững vàng cho xe khi di chuyển. Nếu không có sự vững vàng đó, thì khi phải bẻ lái hoặc khi thắng trên đường trơn ướt, chiếc xe có thể bị xoay tròn. Nếu bạn có 2 bánh mới toanh ở trục trước, thì bánh xe có thể dễ dàng gạt nước ra để di chuyển, trong lúc bánh sau, vốn là 2 bánh đã cũ, sẽ không có khả năng đó. Với những đường rãnh đã mòn, chúng không thể rẽ nước được dễ dàng như bánh trước, mà sẽ di chuyển như “người lướt sóng”, để cho nước nâng cặp bánh mòn ra khỏi mặt đường. Rõ ràng hơn nữa là khi phải bẻ cua, hoặc đi trên mặt đường vun lên ở giữa với 2 cạnh đường thoai thoải (crowned road), chiếc xe sẽ xoay tròn rất nhanh. Và những gì xảy ra sau đó là chuyện chỉ có ông Trời mới biết được mà thôi!
Thực tế, những chuyên gia nói trên không đơn độc trong lập trường của mình, càng ngày càng có nhiều lập luận đưa đến khuyến cáo tương tự: Nếu bánh xe đã mòn và bạn không có đủ khả năng thay 4 bánh một lúc, thì ít nhất phải thay 2 lốp, và cặp lốp mới phải được lắp vào cho ‘trục bánh sau’.
Lốp xe là dấu chỉ về tình trạng của xe
Nếu câu nói “Ðôi mắt là cửa sổ của tâm hồn” mà đúng, thì chúng ta cũng có thể mạnh dạn phát ngôn, “Bộ lốp chính là dấu chỉ về tình trạng của cái xe”. Mặc dầu là một thành phần ít được ngó ngàng tới vì ở “miệt dưới”, nhưng bộ lốp là thành phần duy nhất nối kết chiếc xe với mặt đường, và nó có rất nhiều điều để nói với bạn về tình trạng cái xe. Chúng ta thử “nghe” một vài “tiếng nói” tiêu biểu:
1.Lốp xe mòn ở giữa
Qua hình 1, bạn có thấy là cái lốp này trũng xuống ở giữa, còn 2 cạnh thì vẫn nở nang đầy đặn hay không? Hình ảnh này nói lên điều gì?
Ðó là bánh xe thường được bơm quá căng (overinflation) khiến chỉ có đường vòm trung tâm là bắt được với mặt đường, vì thế nên nó bị mòn nhiều hơn, dẫn đến hậu quả là lốp xe mòn vẹt ở giữa.
Có nhiều người cho rằng, lốp cần được bơm căng thì xe chạy mới đỡ hao xăng. Bạn có thể tiết kiệm được chút xăng, nhưng lại phải sớm thay lốp thì không biết có bù vào đó được không. Thêm nữa, lốp bơm quá căng khiến cho diện tích bám đường giảm, làm tăng nguy cơ tai nạn, và buộc bạn phải tăng khoảng cách với xe trước mặt. Ấy là chưa kể, lốp xe bơm quá căng làm mất thăng bằng giữa lốp và dàn nhún, khiến các thành phần của hệ thống suspension mau hư hơn.
Nếu tai nạn trầm trọng xảy ra, như trường hợp một độc giả mô tả trong bài trước, thì nguyên nhân dẫn đến tai nạn sẽ được điều tra rất kỹ càng. Khi điều tra viên khám phá ra rằng, lốp xe được bơm căng quá 10% trên con số do nhà sản xuất đề nghị, thì chủ xe sẽ bị qui kết phần nào trách nhiệm gây ra tai nạn. Và nếu người lái cũng là chủ xe, kiêm luôn nạn nhân, thì tình cảnh thật đáng buồn!
Vậy, hành động phải có đối với lốp xe là gì? Bơm xe đúng với áp suất do nhà sản xuất đề nghị như chúng ta có đề cập trong bài trước.
2.Lốp xe nứt nẻ, phồng rộp
Ðây là hậu quả của thói quen lái xe cẩu thả, để lốp phải chịu đựng quá nhiều va chạm, như ổ gà, gờ đường, hoặc chướng ngại trên đường.
Các đường nứt lớn ở vách lốp, chạy vòng theo đường viền trên niềng bánh xe (rim) chứng tỏ lốp bị va chạm mạnh nhiều lần, hoặc vì yếu hơi thường xuyên.
Những đường nứt nhỏ ở vách lốp hoặc ở các đường răng cho thấy lốp đã có tuổi, nếu không thì cũng là do nhiều va chạm nhẹ.
Lốp bị phồng rộp, thường là trên vách lốp, là dấu chỉ cho thấy sự va chạm nào đó trước đây đã gây ra tổn hại bên trong, nhưng mãi đến bây giờ mới có cơ hội “lên tiếng”. Ông Woody Rogers, chuyên viên của Tire Rack, khuyến cáo, “Lốp bị nứt hoặc phồng rộp cần phải được thay ngay, đừng ngần ngại tốn kém. Bởi vì, không biết nó hư lúc nào!”
3.Lốp “lũng đồi”
Có thể cách gọi nghe hơi lạ, nhưng nhìn hình ảnh chắc bạn sẽ không lạ: Lốp xe bị lẹm lam nham, chỗ lõm xuống như thung lũng, chỗ lại cao lên như đồi, có chỗ thì lũng đồi tiếp nối lũng đồi. Tình trạng này xảy ra khi hệ thống ống nhún (suspension) đã hư hại ít nhiều, khi xe lăn bánh thì lốp bị nẩy lên rồi hạ xuống mạnh, làm mặt lốp bị mòn nhiều ở một nơi so với nơi khác, dẫn đến tình trạng “lũng đồi, lũng đồi” nối tiếp.
Gặp trường hợp này thì trước hết phải đặt vấn đề với hệ thống suspension, và chỉnh đốn ngay nếu quả thực nó bị hư hại. Bằng không thì chẳng phải bộ lốp mà còn nhiều thành phần khác trong xe bị ảnh hưởng theo.
4.Lốp mòn chéo
Lốp mòn theo kiểu “lũng đồi” nhưng tiếp nối với nhau theo đường chéo ngang trên mặt lốp.
Tình trạng này thường xảy ra với các lốp sau của một xe FWD (lực kéo đặt trên bánh trước). Cũng có thể do chủ xe không để ý đến tire rotation (đổi vị trí lốp trước ra sau, sau ra trước) đúng thời hạn. Giả thuyết khác là do xe thường xuyên chở nặng ở cốp (trunk), khiến cho cấu trúc hệ nhún (suspension) bị biến dạng, đưa đến tình trạng “lốp mòn chéo”.
Nếu đã biết nguyên nhân là như vậy thì bạn có thể kiếm cách điều chỉnh được không?
5.Lốp mòn hai cạnh
Trường hợp này diễn tiến ngược lại với trường hợp 1: Vòm trung tâm không mòn, nhưng 2 cạnh bìa, bìa trong và bìa ngoài thì mòn nhiều.
Ðây là hậu quả của tình trạng lốp yếu hơi (underinflation). Theo kết luận của nhiều người trong giới am tường thì lốp yếu hơi là tình trạng nguy hiểm nhất đối với lốp xe. Và đáng tiếc thay, đây lại là tình trạng xảy ra thường xuyên nhất. Phạm Ðình biết có những người... cả năm chẳng coi đến lốp xe, nói gì đến việc để ý lốp xe non hơi, đủ hơi, hay quá căng hơi. Bị bỏ bê như vậy thì chắc chắn lốp chỉ có non hơi, chứ hơi ở đâu ra mà có đủ hoặc quá căng được.
Lốp xe non hơi buộc phải “gồng” mình để chịu đựng nhiều hơn, từ đó nhiệt lượng tích lũy nhanh có thể dẫn đến nổ lốp. Lốp xe bơm non không thể thẩm thấu sức nẩy khi xe gặp những chỗ lồi lõm trên lề đường, khiến trục bánh trước không cân (misaligned) và hệ nhún bị tổn hại.
Không biết có ai còn nhớ vụ lùm sùm giữa hãng xe Ford và hãng lốp Firestone, xảy ra từ năm 2001 hay không? Các trường hợp rủi ro đã xảy ra phần lớn cũng là vì lốp xe non hơi mà thôi.
Ðể tránh tình trạng lốp xe non hơi, chúng ta cần phải kiểm tra áp suất lốp ít nhất mỗi tháng một lần. Ðừng chỉ dựa vào cái đèn báo động TPMS ở trước mặt. Như lần trước chúng ta đã nói, và hôm nay, ông Woody Roger có đề cập, “Hệ thống cảnh báo này chỉ hoạt động khi lốp xe đã xẹp tới 25%, tức là đã mất 1/4 số hơi cần thiết. Như vậy nếu lốp xe của bạn cần ít nhất 28 psi thì khi áp suất xuống còn 21 psi, đèn báo động mới bật sáng”. Chả cần phải xuống tới mức đó, áp suất 22 psi cũng đã đủ để làm tiêu đời bộ lốp rồi.
Một lần nữa, để biết lốp xe cần một mức áp suất bao nhiêu là thích hợp, chúng ta phải xem lại những con số ghi trên vách lốp và trên thành cửa xe (door jamb). Nếu 2 số này khác nhau thì lấy con số thấp hơn, rồi cộng thêm 3 psi nữa. Nếu nhà có nhiều xe, bạn nên sắm sẵn một cái bơm và máy đo áp suất ở nhà. Ðành rằng chúng ta có thể xin bơm nhờ miễn phí ở các cây xăng, nhưng chạy ra chạy vào cũng bất tiện, và những cái lốp xe vốn ít được để ý trước nay, bây giờ “người ta” sẽ có cớ để nhắm mắt luôn... thì chắc đến lúc tai nạn xảy ra mới mở mắt!
Phạm Ðình
dinhcpham@yahoo.com