Thứ Hai, 30 Tháng Mười Hai, 2019

Tăng nhập khẩu điện từ Lào

Chính phủ Việt Nam đã đồng ý mua 1.200 MW điện của Lào, vượt mức kế hoạch đề ra là 1.000 MW của năm 2020 và sẽ tăng mua tới 5.000 MW đến 2030.

Tăng nhập khẩu điện từ Lào - 1
Cửa xả tràn thủy điện Đắk Sin 1 (Đăk Nông, Việt Nam). (Ảnh FB)


Thông tin do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tại cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 7/12 về thúc đẩy hợp tác với Lào.

Chính phủ cho biết trong 10 tháng năm 2019, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Lào là 940 triệu USD, ước cả năm 2019 đạt 1,1 – 1,2 tỷ USD, tăng 12,6%, vượt mục tiêu hai Chính phủ đề ra là 1 tỷ USD và tăng 10%/năm. Trong đó, Lào xuất khẩu gần 400 triệu USD (tăng 16%).

Hiện các doanh nghiệp Việt Nam vào Lào có 413 dự án, tổng vốn đầu tư 4,22 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào.

Trong lĩnh vực năng lượng, Chính phủ cho biết Việt Nam đã đồng ý mua 1.200 MW điện của Lào, vượt kế hoạch đề ra là 1.000 MW của năm 2020; dự kiến sẽ mua tới 5.000 MW vào năm 2030.

Một số dự án như thủy điện Luang Prabang, muối mỏ kali, thủy điện Xekaman 3, hợp tác cảng Vũng Áng… được Chính phủ hai nước thừa nhận hai bên phối hợp chưa tốt, bị chậm giải ngân, vướng mắc về thủ tục, khó khăn về nguồn vốn…

Quý 3/2019, Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển Điện lực cho biết giai đoạn 2021-2025, sản lượng điện sản xuất cần bổ sung bình quân 26,5 tỷ kWh/năm. Tuy nhiên, hệ thống sẽ bị thiếu điện trong cả 5 năm này do nhiều dự án nguồn điện lớn bị chậm tiến độ. Mức thiếu hụt điện tại miền Nam dự báo tăng từ 3,7 tỷ kWh (năm 2021) lên gần 10 tỷ kWh (năm 2022), mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỷ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỷ kWh năm 2024 và 3,5 tỷ kWh năm 2025.

Một trong các giải pháp do cơ quan tham mưu của Chính phủ đưa ra là tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào, xây dựng các công trình lưới điện 220 kV để mua điện nhập khẩu.

Phía Việt Nam cho biết hiện Việt Nam vẫn viện trợ hàng năm không hoàn lại cho Lào, dự kiến trong giai đoạn 2016-2020 là 3.250 tỷ đồng, trong năm tài khóa 2019 là 707 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm 2018 để phát triển các dự án hạ tầng cơ sở, nhất là các dự án giao thông, năng lượng, đào tạo cán bộ, an sinh xã hội… Khoản tài chính do các địa phương, các ngành trực tiếp hỗ trợ đối tác Lào ước tính khoảng 200 tỷ đồng.

Năm 2019, khoảng 5 dự án viện trợ cho Lào đã hoàn thành, đạt chất lượng, đưa vào sử dụng; mở mới 2 dự án; một số dự án đang triển khai như công trình Nhà Quốc hội Lào (do Chính phủ Việt Nam xây tặng, tổng vốn 100 triệu USD), sân bay Nong Khang (do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai làm chủ đầu tư, tổng vốn 40 triệu USD)…

Về hỗ trợ nông nghiệp, đầu năm 2019, Việt Nam viện trợ 300 tấn hạt giống lúa cho Lào để hỗ trợ khôi phục sản xuất sau thiên tai.

Nguyễn Sơn

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art