Thứ Năm, 15 Tháng Năm, 2025

Chúa Nhật V Phục Sinh C

Chúa Nhật V Phục Sinh C

Bài Ðọc I: Trích sách Tông đồ Công vụ (Cv 14, 20b-26).

Trong những ngày ấy, Phaolô và Barnaba trở lại Lystra, Icôniô và Antiôkia, củng cố tinh thần các môn đồ, khuyên bảo họ giữ vững đức tin mà rằng: “Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi gian truân mới được vào nước Thiên Chúa”. Nơi mỗi hội thánh, các ngài đặt những vị niên trưởng, rồi ăn chay cầu nguyện, trao phó họ cho Chúa là Ðấng họ tin theo.

Sau đó, các ngài sang Pisiđia, đi đến Pamphylia. Sau khi rao giảng lời Chúa tại Perghê, các ngài xuống Attilia, rồi từ đó xuống tàu trở về Antiôkia, nơi mà trước đây các ngài đã được trao phó cho ơn Chúa để làm công việc các ngài mới hoàn thành. Khi đến nơi, các ngài tụ họp giáo đoàn, thuật cho họ nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài và đã mở lòng cho nhiều dân ngoại nhận biết đức tin.

Bài Ðọc II: Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan (Kh 21, 1-5a).

Tôi là Gioan đã thấy trời mới và đất mới. Vì trời cũ và đất cũ đã qua đi, và biển cũng không còn nữa. Và tôi là Gioan đã thấy thành thánh Giêrusalem mới, tự trời xuống, từ nơi Thiên Chúa: tề chỉnh như tân nương được trang điểm cho tân lang của mình. Và tôi nghe có tiếng lớn tự ngai vàng phán ra: “Ðây là Thiên Chúa ở với loài người, và chính Thiên Chúa sẽ ở với họ. Người sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ. Sự chết chóc sẽ không còn nữa, cũng không còn than khóc, không còn kêu la, không còn đau khổ: bởi vì các việc cũ đã qua đi”. Và Ðấng ngự trên ngai vàng đã phán rằng: “Này đây, Ta đổi mới mọi sự”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 13, 31-33a. 34-35).

Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền phán: “Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển.

“Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau”.

Vài ý chính Tin Mừng theo Thánh Gioan 13, 31-33a.34-35

Khi Giuđa vừa ra khỏi phòng bữa tiệc ly cuối cùng của Chúa Kitô với các môn đệ. Satan đã nhập vào anh ta (13,27). Chúa Giêsu đã khuyên anh ta nhanh chóng làm "điều anh phải làm", nghĩa là phản bội Người.

Bây giờ, Thầy chỉ còn lại với mười một môn đệ, những người sẽ được Người trao cho di chúc của mình, dưới hình thức một bài diễn văn từ biệt dài. Các câu 31-32 nói về việc Chúa Con tôn vinh Thiên Chúa và Chúa Cha tôn vinh Chúa Con. Nói cách khác, bằng cách tự nguyện chấp nhận cái chết trên thập giá (12, 27), Chúa Giêsu đã trao tất cả "sức nặng" của mình (đây là ý nghĩa trong tiếng Do Thái của từ "vinh quang") cho chân lý Thiên Chúa được Người bày tỏ. Và Chúa Cha, đến lượt mình, sẽ tôn vinh Con của Người, nghĩa là Người sẽ chấp nhận hiến dâng Con mình và qua đó xác nhận vinh quang Người đã ban cho Người từ trước (1,14; 17,1-4-5,24).

Tóm lại, hai câu đầu tiên này tóm tắt toàn bộ ý nghĩa cuộc Khổ nạn sắp đến.

Sự tôn vinh Chúa Kitô sẽ mở ra cho các môn đệ một thời kỳ mới trong cuộc sống. Họ sẽ phải hiểu Đấng Phục Sinh hiện diện dưới hình thức vắng mặt thể xác của Thầy mình [câu 33).

Tuyên bố được đưa ra khá đột ngột sẽ là chủ đề thảo luận giữa Chúa Kitô và những người của Người cho đến cuối bài diễn văn từ biệt đầu tiên (14, 31).

Nhưng trước khi bắt đầu vấn đề này (từ 13, 36), Đấng sắp bước vào cuộc Khổ nạn đã trao cho những người của Người một yếu tố quan trọng trong di chúc chúng ta đọc ở các câu 34-35.

Chúa Kitô truyền cho các môn đệ yêu thương nhau, theo nghĩa một tình yêu vô vị lợi, giống như tình yêu Người đã dành cho họ trong suốt thời gian đồng hành với họ và cuộc Khổ nạn là đỉnh cao.

Thoạt nhìn, lời khuyến khích để mỗi người quan tâm đến người khác không liên quan gì đến vấn đề Chúa Kitô ra đi được nêu trong các câu trước đó (câu 31-33).

Tuy nhiên, nó tạo thành một phần câu trả lời. Thật vậy, một chút sau đó, Chúa Giêsu sẽ tuyên bố: "ai gắn bó với các điều răn của Thầy và tuân giữ chúng, người đó yêu mến Thầy: và người yêu mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và đến lượt mình, Thầy sẽ yêu mến người đó và tỏ mình ra cho người đó" (14, 21). Điều kiện để có thể tiếp cận kinh nghiệm Phục sinh chính là: tuân giữ các điều răn, chủ yếu điều răn về tình yêu huynh đệ được nêu trong 13, 34-35. "Cách mô tả điều kiện để tiếp cận kinh nghiệm Phục sinh này, J. Zumstein viết, có tính độc đáo lớn, có nghĩa kinh nghiệm Phục sinh được phi lịch sử hóa: không còn đặc quyền của một nhóm nhân chứng đặc biệt và giới hạn trong một thời đại, nhưng hiện đang mở ra cho mọi tín hữu ở bất kỳ nơi nào và bất kỳ thời đại nào" (Phúc âm theo Thánh Gioan, Geneva 2007, tr.80).

Tóm lại, các câu 34-35 của Chúa nhật này đạt đến đỉnh điểm, bao gồm một " mới mẻ" kép:

- Lời khuyên sống trong tình yêu huynh đệ (được biết đến trong truyền thống Cựu Ước; xem Lv 19, 18, và trong lòng nhân ái cổ đại) là mới vì không dựa trên một Luật lệ, nhưng dựa trên chính Chúa Kitô, Đấng đã yêu cầu điều đó. Hành động của Chúa Kitô [xem việc rửa chân trong Ga 13, 12-20) là nền tảng cho hành động các môn đệ.

- Việc thực hành tình yêu huynh đệ cho phép tín hữu tiếp cận hiệp thông với Chúa Kitô và Chúa Cha vượt qua thời gian và không gian.

Người ta có thể tóm tắt lộ trình các bài Phúc âm như sau.

Sau Lễ Phục sinh (Chúa nhật thứ 2), Thánh Gioan mời gọi chấp nhận nền tảng đức tin chúng ta vào Đấng Phục sinh chủ yếu dựa trên lời chứng các nhân chứng trực tiếp. Không nên tìm cách "nhìn thấy" Chúa Kitô, nhưng tin tưởng vào những người đã tuyên bố: "Chúng tôi đã thấy Chúa" (20,25). Phúc âm Chúa nhật thứ 3 đã đưa vào cuộc sống Giáo hội hậu Phục sinh. Đấng Phục sinh trao cho các môn đệ một nhiệm vụ. Người kêu gọi họ trở thành những nhà truyền giáo vượt qua mọi biên giới. Vì sứ mệnh này, Người đặt Phêrô làm mục tử, một khi ông đã tuyên xưng tình yêu chân thành dành cho Chúa Kitô.

Chúa nhật thứ 4, câu chuyện quay lại tầm quan trọng sự gắn bó của tất cả các tín hữu với Chúa Kitô phục sinh, vị mục tử đàn chiên. Sự biện minh cho hiệp thông của các môn đệ với Chúa Kitô nằm ở chỗ Chúa Con là "một" với Chúa Cha. Sự hiệp thông các môn đệ với Chúa Kitô được thiết lập về mặt thần học. Nhờ mối quan hệ Cha - Con - môn đệ, sự phục sinh của tín hữu được cung cấp "ở đây và bây giờ".

Cuối cùng, vào Chúa nhật thứ 5, Phúc âm đào sâu vấn đề tiếp cận "kinh nghiệm" hậu Phục sinh cuộc gặp gỡ với Đấng Phục sinh. Sau Lễ Phục sinh, trong thời điểm Giáo hội, các Kitô hữu có thể sống trong sự hiện diện của Đấng Phục sinh, không chỉ bằng đức tin vào lời chứng các tông đồ (20, 25), còn nhờ vào việc thực hành tình yêu cộng đồng. Cuối cùng, Ga muốn nói với chúng ta sống trong sự hiện diện của Đấng Phục sinh, hôm nay và ngày mai, giả định sống trong hiệp thông huynh đệ nhân danh Người.

Jean-Philippe Kaefer

Giáo sư giải thích Kinh thánh tại Trung tâm Đào tạo Giáo phận (ISCP) ở Liège

 

Bài giảng: Yêu thương như Chúa Kitô

"Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điều này: là anh em có lòng yêu thương nhau." Thật là một thử thách! Người Kitô hữu không được nhận biết trước hết bởi dấu hiệu phân biệt và bên ngoài này hay kia, thậm chí không phải bởi khả năng nói về Chúa Kitô, nhưng bởi cường độ tình yêu của họ. Đối với Chúa Giêsu, tình yêu là dấu hiệu nhận biết người Kitô hữu.

Từ "tình yêu" bao gồm nhiều thực tế khác nhau. Có tình yêu muốn sở hữu và giữ lấy: đó là tình yêu đam mê, tình yêu chiếm hữu, đôi khi quá mức. Có tình yêu kết hợp những người yêu nhau và muốn chia sẻ cuộc sống và hạnh phúc của họ: đó là tình yêu việc yêu và được yêu, tình yêu được chia sẻ và hạnh phúc. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi xa hơn nữa. Người yêu cầu các môn đệ yêu thương... như Người yêu thương chúng ta. Tình yêu Chúa Giêsu đi đến mức yêu thương cả những người làm hại Người, những người từ chối Người, thậm chí những người ghét Người. Người sẽ nói với Phêrô rằng phải tha thứ đến 77 lần 7 lần! Trên thập giá, Người tha thứ cho những kẻ hành hình Người. Ai có thể yêu thương như Người yêu thương chúng ta? Ai thậm chí có thể muốn yêu thương đến mức đó?

Để yêu thương người bách hại, người làm tổn thương chúng ta sâu sắc nhất trong tâm hồn, chúng ta cần được nâng đỡ bởi hơi thở Lễ Phục sinh đã làm Chúa Giêsu sống lại. Yêu thương người bách hại không phải là điều con người có thể làm, nhưng là điều thiêng liêng. Đó là dấu hiệu sự xâm nhập Thần Khí Thiên Chúa vào cuộc sống chúng ta, dấu hiệu sự hiện diện của Đấng Phục sinh trong trái tim các môn đệ. Mỗi khi chúng ta thấy một người đàn ông hoặc một người phụ nữ làm chứng cho tình yêu hoàn toàn và tuyệt đối này, chúng ta biết Chúa Kitô đang sống. Chính đức tin vào Chúa Kitô phục sinh cho phép chúng ta đón nhận tình yêu này và sống với nó. Nếu chúng ta yêu thương nhau với chính tình yêu Chúa Kitô, người ta sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ Người và Người thực sự ở trong chúng ta.

Bài đọc đầu tiên nhắc đến việc thành lập các cộng đồng Kitô giáo đầu tiên bởi Phaolô và Barnaba, nhắc nhở Giáo hội về tầm quan trọng việc duy trì tinh thần truyền giáo. Phúc Âm phải được công bố và chia sẻ để Tin Mừng này được truyền đạt đến tất cả mọi người. Lời Chúa Giêsu dạy trong bữa tiệc ly - Phúc âm hôm nay - chỉ ra chính khả năng yêu thương "như Chúa Giêsu" cuối cùng sẽ khơi dậy đức tin và làm cho chúng ta được nhận biết là môn đệ Người. Sự phục sinh của Chúa Kitô không thể được chứng minh, nhưng có thể được nhìn thấy trong mọi hành động yêu thương chân thật và chân thành.

Patrice Eubelen

Phỏng dịch theo Feu Nouveau

Bài viết khác