II. Một dân tộc đọc lại đời sống của mình.
Thánh Kinh, đặc biệt Cựu ước là cuốn sách dễ làm lạc hướng. Dù chưa mở ra, mọi người đều đinh ninh Thánh Kinh là sách thánh của người Do Thái, của Kitô giáo, và sẽ đọc được chính Lời Chúa nói như một thứ giáo lý hay một thứ luân lý !
Nhưng khi mở sách ra thấy toàn những truyện tích cổ xưa của một dân tộc bé nhỏ, một lịch sử thường không đáng chú ý, những câu chuyện về luân lý không đáng nên gương, có chuyện không dám đọc to kẻo xấu hổ, những cuộc chém giết dữ tợn, những trận chiến dã man, những bài thơ gọi là “Thánh Vịnh” cũng không dễ giúp cho ta cầu nguyện, những lời khuyên đạo đức lỗi thời và dễ dàng coi như bài phụ nữ. Thánh Kinh, sách đánh lạc hướng... nhưng có phải là một cuốn sách hay không ?
Trước hết đó là một Thư viện gồm 64 cuốn sách được hoàn thành trải dài trên một ngàn năm. Nhưng Thánh Kinh không phải thư viện không biến động nhưng còn là một vũ trụ mời đi vào một cuộc phiêu lưu lịch sử của một dân tộc say mê đi tìm Thiên Chúa.
Một dụ ngôn để làm sáng tỏ ý hướng này :
1. Chiều ngày lễ vàng hôn phối...
Khi tôi tới, tiệc tùng đã xong, con cháu thân thuộc đã về. Ở nhà chỉ còn cụ ông cụ bà. Chúng tôi trải qua một buổi chiều thật huyền diệu. Tôi nghĩ mình biết rõ cuộc đời hai người bạn cao niên : hai cụ sống đơn sơ âm thầm, giữa bao vui buồn của một nửa thế kỷ. Chiều hôm ấy, tôi lại khám phá ra họ với cái nhìn mới vì họ đã mở cho tôi thấy kho tàng của họ. Đó là một cái hộp bằng “các tông” chứa đựng đủ mọi thứ : hình ảnh kỷ niệm ngày lễ cưới, bữa tiệc, nụ cười trẻ em hay phong cảnh vùng họ đi hè. Những bưu thiệp tầm thường, có những tấm đã gảy góc vì được ông bỏ trong chiếc áo trận thời chiến tranh. Từ từ, hai cụ giải thích những hình ảnh đó như những chứng nhân đau khổ và vui vẻ của khoảng một thời gian trong cuộc đời.
Cuộc sống của họ cũng đã lộ ra trong đống giấy tờ gia đình : bản gia phả ghi chép tiên tổ dòng họ với đầy đủ chi tiết; một tờ hợp đồng thuê nhà không còn là một tài liệu tỉ mỉ nhưng là giấc mơ của một đời làm lụng và dành dụm nay đã thực hiện qua việc tậu được căn nhà riêng. Những bức thư trao đổi khi hai người còn trong thời gian hỏi, nằm cạnh với những bản kinh do hai cụ soạn cho ngày lễ cưới. Ngoài ra, bản văn bài giảng hôm lễ cưới được đặt kề với bài thơ vụng về do một người cháu biên tặng...
Chiều hôm ấy qua đi đẹp như một giấc mơ ! Tôi có cảm tưởng như quen biết hai cụ từ lâu, và một lượt cùng hai cụ khám phá ra ý nghĩa cuộc đời. Tất cả hình ảnh, giấy tờ thật bình thường không giá trị. Thế nhưng nó trở thành vô giá : các thứ ấy không còn là những đồ vật nhưng gói trọn một cuộc đời tóm lượm và diễn giải. Mỗi vật đơn sơ có chổ đứng trong dòng lịch sử và kết nên ý nghĩa. Một cuộc đời được viết thành văn !
2. Cuộc đời viết thành văn.
Những giấy tờ, hình ảnh... hai cụ, hơn những vật kỷ niệm vô hồn đã làm sống lại cuộc đời hai cụ. Nhờ chúng và với chúng, tôi có thể đi vào thăm thế giới riêng tư, và tham dự phiêu lưu vào chuyện tình của họ. Cũng thế, các Sách trong Thánh Kinh, bề ngoài coi rất tầm thường, không gây thích thú gì, nhưng qua đó chúng ta đi vào cuộc mạo hiểm của một dân tộc và vũ trụ của họ.
3. Sau này mới hiểu.
“Đây là bức thư tình đầu tiên của tôi”, cụ ông nháy mắt vừa cười vừa cho tôi đọc. Đó là một bài toán đại số. Thuở ấy, hai người còn là học sinh trung học. Hôm ấy, bà đau nên nhờ ông ghi bài và gửi về cho bà. Một lá thư thật tầm thường, nhưng đã khai ngòi cho cái gì đó, và... sau đó còn có những lá thư khác kế theo. Lá thư tự nó không ích lợi gì, nhưng được tình cờ gìn giữ và được đọc lại sau khi họ thành hôn, và vì vậy nó thật sự trở thành bức thư tình đầu tiên.
Có những biến cố tự nó không có nghĩa gì, nhưng vì chúng đi vào lịch sử đời ta, nên mang ý nghĩa quan trọng. Biến cố được chụp ngay cùng lúc không lợi ích, nhưng khi được nhìn lại sau đó lại mang tầm quan trọng.
Mỗi biến cố có thể tự mang nhiều nghĩa nhưng ta không nhận ra ngay lúc đó; nếu như thật sự quan trọng, chúng ta sẽ suy tư lại và khám phá ra sự phong phú. Thời gian càng lùi xa biến cố càng quan trọng. Thuật lại một biến cố, không chỉ kể lại cho đúng, chụp hình cái đã qua nhưng dựng lại biến cố làm nổi bật ý nghĩa đối với ta hôm nay. Nếu sau kể lại nửa, ta lại khám phá ra khác nhiều yếu tố khác. Đôi khi người bạn nói một câu ta không để ý, sau ta nhớ lại và kêu lên : “ A ! Đó là điều anh ấy muốn nói”. Chúng ta sẽ thuật lại lời nói đó thế nào : lập lại như lời anh ấy nói hay theo như ý ta hiểu ? Nói cách khác ta lập lại Đúng lời anh ấy đã nói, hay ta thêm ý nghĩa Thực ý anh ấy muốn để lại cho chúng ta ?
4. Đúng hay thật ?
Chúng ta thường nghe hỏi : "Những gì Thánh Kinh chép, có thật không ? Phép lạ đó có thật không ?" Trước khi trả lời, ta tìm hiểu thế nào là "thật". Tiếng "thật" có nhiều nghĩa. Ta thường nói "chuyện ấy có thật, tiểu thuyết ấy nói thật" Hai chữ thật trong câu trên có nghĩa khác nhau. Trong tiểu thuyết mọi tình tiết thường được tưởng tượng ra, thế nhưng nó có thể "thật" nếu như ta thấy hợp ý vì cuốn truyện viết lại những thực thể nhân loại : không đúng theo những gì đã xảy ra hay theo lịch sử nhưng tất cả đều thật đúng tâm lý.
"Đúng" có nghĩa chuyện xảy ra trong lịch sử như một tấm hình chụp hay tiếng nói được thu vào máy. "Bức thư tình đầu tiên" của hai cụ chỉ là một bài toán được trao gửi. Câu nói của người bạn già sẽ được lấy lại với những từ chính xác. Những công thức toán đại số ấy "thật" là "một bức thư tình", và cách tôi nói lại câu nói của họ cũng rất thật nếu như nó chính xác.
Vậy Thánh Kinh có thật không ? Thánh Kinh thật trong ý nghĩa vừa nêu trên. Chúng ta sẽ tìm thấy những điều không chính xác cách thuật lại các biến cố, hay những lời không chính xác, thế nhưng nó sẽ thật vì chất chứa ý nghĩa ta khám phá ra.
5. Tin để hiểu
Thực chất của biến cố, ta không thấy được, ta chỉ suy đoán theo những dạng thái lịch sử biến cố mà ta thấy. Đi đường ta thấy hai người hôn nhau. Đó là sự thật đã xảy ra, nhưng ta chưa thể kết luận được gì : Họ yêu nhau hay họ chào nhau ? Nếu ta cho rằng họ yêu nhau thì cái hôn đó mang một ý nghĩa. Nụ hôn đó là dấu chỉ tình yêu. Còn "nếu như người ta nói..." tức là ta tin những gì người khác nói với ta; và vì ta tin nên ta hiểu nụ hôn đó như một cử chỉ yêu. Muốn hiểu phải tin, điều hiểu làm tăng thêm lòng tin. Chúng ta tiến lên như trôn ốc, dù quay tròn nhưng ta vẫn tiến đều.
Thánh Kinh cũng vậy. Các tác giả thuật lại các biến cố; nhưng các biến cố chỉ có ý nghĩa vì các ông đã tin. Điều này cũng thế khi ta đọc Thánh Kinh ngày hôm nay. Chúng ta có thể học hỏi Thánh Kinh dù ta là người có đức tin hay không. Ta có thể tìm hiểu chính bản văn ấy muốn nói gì. Nhưng ta sẽ hiểu khác đi, nếu như ta chia sẻ niềm tin với tác giả, nếu ta đi cùng hướng với tác giả.
Tất cả điều vừa nói có vẻ rắc rối nhưng dần dà trên chặng đường thực tế sẽ làm ta hiểu rõ hơn. Ý nghĩa bản văn là gì ? "Đọc" cách gì ?
(xem tiếp: Ý nghĩa một ban văn)