Bệnh Gout đã được nhân loại biết đến từ hơn 2000 năm trước và nguyên thủy được gọi là “bệnh của Vua” vì thường chỉ có vua chúa hay người nhà giầu mới mắc bệnh này do có điều kiện ăn uống quá độ, toàn những thức ăn ngon đầy chất đạm. Ngày nay, ai cũng có thể có điều kiện ăn uống quá độ, do đó bệnh gout có thể xẩy đến cho bất cứ ai, không phân biệt gì cả. Trên toàn nước Mỹ có tới 2 triệu người đang mắc bệnh này.
Thường bệnh nhân thình lình thức giấc nửa đêm vì ngón chân cái nóng dẫy lên như đang bị phỏng. Ngón chân ấy sưng đỏ, nóng và đau không thể tả, đau đến mức đắp chăn cũng chịu không nổi.
Đàn ông thường bị bệnh này nhiều hơn đàn bà, nhưng gần đây, đàn bà tuổi mãn kinh đã mắc bệnh này càng ngày càng nhiều hơn.
Triệu chứng
Triệu chứng bệnh gout xuất hiện rất thình lình, thường là vào đêm và không có gì báo trước cả. Bệnh thường xẩy ra ở ngón chân cái nhưng cũng có thể xẩy ra ở chân, cổ chân, đầu gối, bàn tay hay cổ tay. Những khớp xương này thình lình sưng đỏ và đau dữ dội. Cơn đau thường kéo dài 5 tới 10 ngày mới ngừng. Sự khó chịu giảm dần trong vòng 1 tới 2 tuần lễ. Sau đó, khớp xương trở lại bình thường hoàn toàn cho đến khi bị cơn đau kế tiếp.
Nguyên nhân
Nguyên nhân của bệnh này là do mức độ chất uric acid tăng lên quá cao. Chất uric acid là một chất thải từ sự tiêu hủy chất purines, có nhiều trong một số thức ăn, nhất là đồ lòng : gan, óc, thận, lá lách. Cá cơm (anchovies), cá trích (hering) và cá thu (mackerel) cũng có nhiều chất này. Nói chung, tất cả các loại thịt, cá, gà vịt đều có chứa khá nhiều chất này.
Bình thường, chất uric acid hòa tan trong máu và được thải ra nước tiểu qua đường thận. Khi cơ thể làm ra quá nhiều chất này hoặc không tiết ra nước tiểu được, nồng độ chất này tăng lên, tạo nên những tinh thể hình cây kim đọng trong các khớp xương gây sưng và đau đớn.
Một bệnh khác thường gọi là thống phong “giả” gây ra do những tinh thể chất calcium pyrophosphate dihydtrate và thường xẩy ra ở các khớp xương lớn như đầu gối, cổ tay và cổ chân.
Những yếu tố dễ gây bệnh
Những yếu tố sau đây có thể làm tăng mực độ chất uric acid dẫn đến bệnh thống phong:
Lối sống: Uống nhiều rượu, nhất là bia, là nguyên nhân thông thường nhất gây ra thống phong. Nhiều ở đây có nghĩa là uống hơn 2 ly rượu mỗi ngày đối với đàn ông và hơn 1 ly mỗi ngày đối với đàn bà. Cân nặng cũng là một nguyên nhân khác. Nặng 30 pounds nhiều hơn trọng lượng lý tưởng làm tăng khả năng bị bệnh này.
Bệnh và thuốc uống: Một số bệnh khiến người ta dễ bị thống phong hơn. Đó là bệnh cao máu, tiểu đường, cao chất mỡ và cholesterol, động mạch bị hẹp. Mổ xẻ, bệnh nặng hay bị thương thình lình, nằm lâu một chỗ... đều có thể dễ gây ra thống phong. Về thuốc men, thuốc lợi tiểu diazide, aspirin hay thuốc chống phản ứng thải chất lạ khỏi cơ thể (cho những người đã thay một bộ phận trong người)...đều có thể tăng mức uric acid. Hóa học trị liệu cho ung thư cũng làm tăng chất này.
Di truyền: Một trong 4 người bị thống phong có người trong gia đình bị bệnh này.
Tuổi và phái tính: Đàn ông bị thống phong nhiều hơn đàn bà vì ở đàn bà, mực uric acid thường thấp hơn. Tuy nhiên, ở tuổi mãn kinh, đàn bà có mực uric acid gần bằng đàn ông nên dễ bị bệnh hơn. Đàn ông cũng bị bệnh này sớm hơn, ở tuổi 30 tới 50, trong khi đàn bà thường bị bệnh này sau 50 tuổi.
Định bệnh : Bác sĩ có thể chích lấy nước trong khớp xương đau để tìm những tinh thể uric acid trong các bạch huyết cầu hoặc thử chất uric acid trong máu và nước tiểu để định bệnh.
Chữa cơn đau : Trong lúc lên cơn đau, có thể dùng thuốc chống đau NSAIDs như Advil hay Motrin. Thuốc này có phản ứng phụ là đau bao tử, chẩy máu hay loét bao tử. Trường hợp quá nặng, bác sĩ có thể cho uống thêm chất steroids như prednisone. Thuốc này cũng có nhiều phản ứng phụ tai hại, không nên dùng lâu. Đau nhiều hơn nữa, bác sĩ có thể chích thuốc steroids thẳng vào khớp xương nhưng cách này cũng vẫn có phản ứng phụ và chỉ giới hạn 3 lần mỗi năm.
Phòng ngừa
Những cách sau đây có thể làm giảm khả năng bị bệnh thống phong hay làm giảm hoặc chận đứng cơn đau kế tiếp:
Thuốc allopurinol (Zyloprim, Aloprim) và probenecid (Benemid) uống mỗi ngày làm giảm mực uric acid.
Giảm bớt cân nặng: xuống cân từ từ có thể làm giảm mực uric acid. Giảm cân quá nhanh có thể tạm thời làm tăng mực uric acid.
Tránh ăn chất đạm động vật nhiều: thuốc uống giúp bệnh nhân khỏi phải kiêng ăn quá nhiều. Tuy nhiên, giảm ăn những chất đạm động vật có thể giúp khỏi bị cơn bệnh nặng và cũng là một cách giúp những bệnh nhân không uống thuốc được. Không nên ăn quá 6 ounces thịt nạc, gà hay cá mỗi ngày. Tránh ăn lòng như gan, óc, thận hay lá lách. Cũng nên tránh ăn cá cơm, cá trích hay cá thu là những thức ăn chứa nhiều purines.
Tránh uống rượu: uống quá nhiều rượu làm giảm việc thải chất uric acid ra nước tiểu.
Uống nhiều nước: nhiều nước giúp làm loãng nồng độ uric acid trong cơ thể và nước tiểu.