Thứ Tư, 08 Tháng Bảy, 2020

Nước trà giúp cơ thể chống lại một số bệnh

Nước trà giúp cơ thể chống lại một số bệnh - 1

Phụ nữ uống một ly trà mỗi ngày có thể giảm nguy cơ ung thư buồng trứng tới 50%. (Hình: Charly Triballeau/AFP via Getty Images)

 

Nước trà là loại nước uống rất phổ biến với số tiêu thụ đứng vào hàng thứ nhì trên toàn thế giới, sau nước thiên nhiên. Phụ nữ uống một ly trà mỗi ngày có thể giảm nguy cơ ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, phụ nữ có thai không nên uống nhiều nước trà.

Nước trà được chế biến từ lá của một loại thực vật có tên khoa học là Camellia Sinensis.

 
Người Á Châu biết thưởng thức hương vị của trà từ nhiều ngàn năm về trước. Mãi đến thế kỷ thứ 17, trà mới được dân chúng Âu Châu biết tới mà dùng. Các quốc gia sản xuất trà nhiều nhất trên thế giới hiện nay là Ấn Ðộ, Trung Hoa, Sri Lanka.

Phẩm chất của nước trà tùy thuộc giống trà, nơi trồng trà, khí hậu tại địa phương, thời gian thu hái trà, tuổi của trà, cách hái trà và cách chế biến trà.

Sau khi chế biến, trà được nhà sản xuất gửi cho chuyên viên về trà của các quốc gia tiêu thụ để phân định phẩm chất và ước định giá cả. Trà càng ngon thì giá càng cao.

Chế biến 

Lá trà tươi mới hái về đều được rửa sạch rồi phân loại. Thường thường chỉ có nụ trà và mấy lá ở phía trên được hái, các lá già ở phía dưới rất ít hương vị trà.

Cho tới nay, công việc hái trà vẫn là bằng tay, tuy tốn nhiều nhân lực nhưng có thể phân loại ngay lá trà tốt, xấu. Máy hút để thu hái lá trà thường được dùng cho các loại trà hạng thường.

Sau khi hái, trà được đưa qua nhiều giai đoạn chế biến, với hai cách:

1-Ép, xé nát rồi cuộn bằng máy. Máy sẽ ép chất dầu từ lá trà ra, xé nhỏ, cuốn gọn lại thành từng cục nhỏ, rồi sấy khô. Cách này dùng cho trà hạng thường và khi muốn sản xuất nhiều.

2-Cách cổ điển thì phức tạp hơn và thực hiện bằng tay với ba giai đoạn chính:

-Trải lá trà dưới bóng mát để lá héo khô tự nhiên cho dễ cuộn và không làm rách lá.

-Cuộn chặt lá lại để các hóa chất trong trà hòa lẫn với nhau. Có thể cuộn bằng tay hoặc bằng máy.

-Ðể lá trà oxy hóa hoặc lên men với các hóa chất có chứa sẵn trong lá. Sự oxy hóa này phân chia trà ra làm ba loại: trà xanh không oxy hóa, trà đen oxy hóa lâu khoảng vài ba giờ và trà ô long chỉ oxy hóa trong một thời gian rất ngắn. Ngoài ra còn trà Trắng, lá trà thu hoạch về được hấp rồi sấy khô.

Trà cũng được ướp với các hương vị thơm của các loại hoa hoặc trái cây như trà sen, trà hoa nhài…

Sự lên men tạo ra một số tinh dầu cho trà, đồng thời cũng thay đổi một chút về các thành phất hóa chất của lá. Chẳng hạn trà đen được để oxy hóa lâu thời gian nên còn lại rất ít hóa chất cathechin và nước trà có màu xanh hoặc đỏ hồng. Trà xanh không qua giai đoạn oxy hóa nên có tỷ lệ hóa chất này cao hơn.

Trà cần được cất giữ trong đồ chứa kín hơi, có màu đục để tránh ánh sáng, để ở nơi mát mẻ, khô ráo. Không nên giữ trà quá lâu vì trà sẽ bay mất mùi thơm. Người Trung Hoa có kinh nghiệm về cất giữ trà với câu nói: “Tửu việt trần việt hương, trà việt tồn việt thứ,” nghĩa là “Rượu càng để lâu càng ngon, trà càng để lâu càng dở.”

Trên thị trường, còn thấy bán một loại nước uống gọi là thảo trà (herbal tea hoặc tisanes). Ðây không phải nước uống làm từ lá của cây trà Camellia Sinensis, mà là từ lá, cành, củ hoặc vỏ của nhiều thực vật khác nhau, như là bạc hà, lá thìa là, lá chanh, gừng, nước gạo rang, cam thảo, hồng mai… nên không có hương vị của trà và không có chất caffeine. Thảo trà hiện nay rất được ưa chuộng và được giới thiệu là có tác dụng vừa kích thích vừa làm thư giãn cơ thể, có khả năng loại trừ độc chất trong các bộ phận, giúp giảm cân…

Thành phần hóa học 

Trà không cung cấp năng lượng, không có chất béo, muối natri, chất đạm, mà chỉ có một ít carbohydrate, vài muối khoáng như kali và magnesium.

Trong trà có một số hóa chất thuộc nhóm Polyphenol với flavanols, flavandiols, flavonoid, phenolic acid, tannin, catechin…

Trà còn có caffeine, theobromine, theophylline. Hàm lượng caffeine trong trà xanh là 30 mg/180 ml trà; trà đen có 40 mg/180 ml trà. Sau khi loại bỏ caffeine thì trà chỉ còn từ 2-3 mg caffeine/180 ml trà.

Những ích lợi được nêu ra 

Ngoài giá trị dinh dưỡng như một loại nước uống, nước trà đã được người thường xuyên dùng ca tụng vì có nhiều tác dụng tốt với sức khỏe của cơ thể, như là:

-Tăng sức đề kháng của cơ thể với nhiều bệnh tật.

-Tăng máu huyết lưu thông trong cơ thể.

-Giúp cơ thể bớt mệt mỏi, làm tinh thần sảng khoái, trí tuệ minh mẫn hơn.

-Tăng sự chuyển hóa thực phẩm, giúp cho sự tiêu hóa được dễ dàng.

-Kéo dài tuổi thọ con người.

-Phòng chống hư răng.

-Làm thị giác rõ ràng hơn.

-Giải nhiệt, giúp tránh tai nạn gây ra do nóng nắng.

-Giúp bài tiết rượu, nicotin trong thuốc lá ra khỏi cơ thể mau hơn.

-Lợi tiểu tiện, làm nước tiểu trong hơn.

-Giúp giảm bớt đau nhức xương khớp…

Trung Hoa là quốc gia dùng trà như một thứ nước uống đầu tiên trên thế giới. Y học Trung Hoa coi trà là một dược phẩm hảo hạng. Sách “Bản Thảo Di” của Trần Tàng Khí đời Ðường viết “Trà ví vạn bệnh chi dược” nghĩa là “Trà là loại thuốc trị được cả vạn thứ bệnh.” Danh y Trung Hoa xưa kia là Hoa Ðà cũng từng có nhận xét: “Dùng trà đắng có thể làm con người thông minh, lanh lợi.” Người Nhật cũng xem trà như một linh dược trị được nhiều bệnh.

Người dân Hy Lạp xưa kia coi trà như một loại “lá siêu phàm” – divine leaf – đặc biệt chữa được cảm lạnh, ho suyễn, viêm cuống phổi…

Vào thế kỷ thứ 19, các khoa học gia nước Nga gọi trà là “thuốc trường sinh bất lão” – elixir of life – vì những tác dụng tốt cho sự tuần hoàn, tiêu hóa, thần kinh và mang lại sinh lực cho con người.

Nước trà giúp cơ thể chống lại một số bệnh - 2
Nông dân hái lá trà tại một nông trại ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Trà là một trong những sản phẩm nông nghiệp xuất cảng chính của Việt Nam sau gạo và cà phê. Việt Nam là quốc gia sản xuất trà lớn thứ bảy thế giới. (Hình Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images)


Kết quả nghiên cứu khoa học 

Vì số người uống nước trà ngày một gia tăng đồng thời cũng có nhiều ý kiến khác nhau về tác dụng của trà với sức khỏe, nên trong những thập niên vừa qua đã có nhiều nghiên cứu khoa học về trà. Kết quả một số nghiên cứu cho hay các hóa chất thuộc nhóm Polyphenol trong trà có thể có một số tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại một số bệnh.

Bác Sĩ Jeffrey Blumberg, trưởng Phòng Nghiên Cứu Về Chất Chống Oxy Hóa của đại học Tufts University, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ, phát biểu: “Ngày nay, không phải là ta chỉ lưu tâm tới sinh tố, khoáng chất trong thực phẩm, mà cần để ý tới những chất dinh dưỡng thực vật – phytonutrients – chẳng hạn chất chống oxy hóa flavonoid. Trà với nhiều flavonoid và không cung cấp năng lượng là món giải khát lý tưởng cho mọi người muốn có một sức khỏe lành mạnh.”

1-Chống ung thư. Quan sát cho hay, trà có khả năng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư nhờ có các hóa chất gọi là polyphenol trong trà, như tannin, catechin…

Năm 1993, Bác Sĩ Chung S Yang, đại học Rutgers University ở tiểu bang New Jersey, Hoa Kỳ, cho hay là trà với chất polyphenol có khả năng ngăn chặn sự thành hình và tăng trưởng của tế bào ung thư.

Kết quả nghiên cứu tại Viện Ung Thư British Columbia bên Canada cho hay tannin của trà có thể ngăn chặn sự thành hình của hóa chất gây ung thư nitrosamine.

Vào Tháng Mười Hai, 2005, nhóm nghiên cứu tại Viện Karolinska bên Thụy Ðiển cho biết phụ nữ uống một ly trà mỗi ngày có thể giảm nguy cơ ung thư buồng trứng tới 50%. Ðó là do tác dụng của các chất polyphenol trong trà.

2-Chống virus. Một số nghiên cứu tại Hoa Kỳ vào thập niên 1940 cho hay chất tannin trong trà với vị chát của nó, có tác dụng chống lại các virus gây ra bệnh cúm.

Nghiên cứu tại Ấn Độ cho hay tannin có thể vô hiệu hóa các tác hại của virus bệnh mụn rộp (herpes simplex virus).

Nước trà được dùng ở Liên Bang Xô Viết xưa kia để chữa bệnh kiết lỵ.

3-Chống hư răng. Khả năng này là do tác dụng của chất fluor trong trà. Ðây là một lợi điểm cho những người tiêu thụ nước không có đủ chất fluor, như nước giếng… Tại nhiều quốc gia, nước cung cấp cho dân chúng được cho thêm fluor và nhờ đó tỷ lệ hư răng giảm xuống rất nhiều.

Kết quả nghiên cứu tại đại học Nha Khoa University of Illinois at Chicago College of Dentistry cho hay hóa chất tannin trong trà cũng có khả năng diệt các vi khuẩn gây viêm nướu răng.

Nhật Bản có sản xuất loại kem đánh răng có chứa hóa chất tannin.

4-Trà với bệnh tim mạch. Chất catechin trong trà có thể có tác dụng hạ cholesterol trong máu, do đó giảm nguy cơ vữa xơ động mạch. Chất này cũng có khả năng giảm cao huyết áp, làm huyết quản bền mạnh hơn.

Kết quả một nghiên cứu ở Hòa Lan cho hay uống hai, ba ly nước trà một ngày có thể làm giảm nguy cơ vữa xơ động mạch tới 45%.

Tiến sĩ sinh hóa học Joe Vinson thuộc đại học The University of Scranton, tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, khám phá ra rằng nồng độ cholesterol và LDL trong máu của loài chuột nuôi với trà xanh và trà đen giảm xuống rất nhiều.

Tháng Hai, 2005, các khoa học gia tại Viện Sức Khỏe Nhi Anh Quốc công bố một kết quả nghiên cứu, theo đó hóa chất trong trà xanh có khả năng bảo vệ đối với các tổn thương gây ra vì cơn suy tim và tai biến mạch máu não.

Ông Belinda Linden, giám đốc Viện Tim Anh Quốc, cho hay trà xanh đã được coi như có khả năng làm giảm nguy cơ bệnh động mạch tim nhờ có nhiều chất chống oxy hóa trong trà.

Tháng Chín, 2002, ông Joseph Judd, giám đốc Trung Tâm Dinh Dưỡng Beltsville, tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ, cho biết uống nước trà liên tục trong ba tuần lễ có thể làm giảm cholesterol LDL tới 10%.

5-Tránh khô nước. Uống nhiều nước trà cũng là một phương thức để mang nhiều nước vào cơ thể, tránh tình trạng khô nước.Tuy nhiên, trà là chất lợi tiểu nhẹ, nên tác dụng có thể không hữu hiệu như uống nước thiên nhiên. Thành ra phải uống hai ly trà thì mới bằng uống một ly nước tự nhiên.

6-Tác dụng trên trí nhớ. Tháng Hai, 2004, nhóm nghiên cứu tại đại học Newcastle University, Anh Quốc, công bố rằng uống trà đều đều mỗi ngày có thể làm tăng trí nhớ. Các nhà khoa học đang nghiên cứu xem liệu các hóa chất trong trà có tác dụng tốt nào cho bệnh nhân bị sa sút trí tuệ như bệnh Alzheimer.

Mấy điều cần lưu ý 

Uống quá nhiều nước trà, thí dụ 2 lít một ngày, có thể gây táo bón, giảm hấp thụ sắt trong thực phẩm đưa đến bệnh thiếu máu. Vì thế không nên cho em bé uống nhiều nước trà.

Uống nhiều trà đậm tăng bài tiết nước tiểu.

Caffeine trong trà có thể gây mất ngủ ở một số người.

Trà kích thích niêm mạc dạ dày tiết ra nhiều acid, có thể đưa tới loét bao tử.

Caffeine trong trà kích thích thần kinh, làm cho tim đập nhanh, mạnh.

Trà làm răng đổi màu.

Phụ nữ có thai không nên uống nhiều nước trà vì trà có nhiều caffeine, có thể ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của thai nhi.

Bệnh nhân nóng sốt cao không nên uống trà đậm, vì chất thein trong trà kích thích trung tâm phát nhiệt trong cơ thể, làm cho thân nhiệt lên cao hơn.

Uống trà quá nóng sẽ gây kích thích niêm mạc miệng, thực quản và bao tử và đưa tới tổn thương cho các cơ quan này.

Không nên uống trà quá đặc khi uống nhiều rượu vì các hóa chất trong trà và rượu gây kích thích cho cả hệ tim mạch lẫn hệ thần kinh.

Mỗi ngày chỉ nên uống khoảng từ 4-5 chén trà loãng hoặc 2-3 chén trà đậm.

Sữa uống với nước trà có điểm lợi và bất lợi: sữa sẽ vô hiệu hóa một số lượng chất chống oxy hóa tannin và khoáng fluor của trà. Nhưng đây lại là lợi điểm cho người bị loét dạ dày, vì bớt tannin thì bao tử ít bị kích thích và giảm tiết ra acid.

Kết luận 

Trà là một thứ nước uống được ưa chuộng và hầu như đã trở thành một nhu yếu phẩm mà con người phụ thuộc vào.

Cứ tự nhiên dùng nước trà để thỏa mãn một phần nhu cầu nước của cơ thể hoặc như là một thú tiêu khiển trong lúc “trà dư tửu hậu” thì ít phải suy nghĩ hơn là khi xem trà như một linh dược trị bá bệnh. Cho tới nay, kết quả các nghiên cứu về công dụng y học của trà cũng chưa được hoàn toàn xác định.

Ðiều đáng lưu ý là, người dành thì giờ để thưởng thức trà có thể có đời sống lành mạnh hơn, không hút thuốc, uống rượu, không tiếp cận với các hóa chất có hại, dinh dưỡng cân đối nhiều thực phẩm khác nhau, vận động cơ thể đều đặn… cho nên họ có sức khỏe tốt. Và đó là điều mà mọi người nên áp dụng.

Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức

Bài viết khác