Tại sao chúng ta cần ngủ? Tại sao lại “phí phạm” đến 8 giờ quý báu, 1/3 cuộc sống để ngủ? Câu trả lời thoạt nghe khá đơn giản: ngủ để bồi dưỡng, để phục hồi não bộ. Tuy nhiên hơn 120 năm qua, cho dù nhiều nghiên cứu được tiến hành nhưng vẫn chưa giải thích thoả đáng những bí ẩn của giấc ngủ.
Giấc ngủ, được hình thành qua tiến trình tiến hóa của nhân loại, để tồn tại. Khi ta ngủ, thật ra cơ thể tiêu thụ năng lượng tương đương như khi tỉnh thức. Trong hoang dã, khi ta ngủ, là dễ bị nguy hiểm đến tính mạng, thế nhưng giấc ngủ vẫn được duy trì, thế thì phải có cái lý do của nó.
Ai cũng biết, chẳng cần đến một văn bằng tiến sĩ này hay bác sĩ nọ để hiểu rằng giấc ngủ rất cần thiết cho đời sống. Những ai ngủ không yên giấc, qua một đêm, sẽ thấy ngày kế tiếp dài đăng đẳng không khác gì “Ngày Dài Nhất” của cuộc đổ bộ Normandy vào Thế Chiến Thứ Hai!
Các nghiên cứu gia thường xuyên tìm ra thêm những lý do để lý giải cho việc ngủ: từ việc cô đọng lại những sự kiện kiến thức mới thu thập được, đến việc loại bỏ những đau đớn của biến cố không tốt xảy đến, và thậm chí, ngủ giúp giảm bớt những xung đột, “nội chiến từng ngày” với người bạn đời của mình. Người ngủ ngon, thường ít quạu quọ, cau có trong cuộc sống vợ chồng.
Hàng chục thập niên nghiên cứu về giấc ngủ đã liên kết giấc ngủ đến việc chọn lựa và đúc kết trí nhớ, cân bằng về tâm tư và tình cảm, và cả việc tẩy rửa những chất dơ trong não bộ, đại loại như máy giặt đồ. Một số “chất dơ” ấy có thể đưa đến bệnh mất trí nhớ Alzheimer’s, và cả một số bệnh liên hệ đến hệ thống thần kinh.
Một nghiên cứu mới đây đăng trên tờ báo Science, từ trường Đại Học Boston University, dùng máy MRI để theo dõi giấc ngủ của những người tình nguyện. Giấc ngủ được xen kẽ bởi những giai đoạn ngủ mê gọi là “non-REM sleep”, và giai đoạn “ngủ tỉnh”, khi mà não bộ hoạt động như còn tỉnh, với tròng mắt di động nhanh chóng, gọi là REM, “rapid eye movement”.
Trong giai đoạn ngủ mê, là lúc mà nước tủy sống tẩy rửa não bộ để loại trừ độc tố. Một số chức năng về sinh hóa được phục hồi.
Riêng về giấc mơ, thường xảy ra trong giai đoạn “ngủ tỉnh”. Thường thường những chi tiết xảy ra trong giấc mơ lại là những “uẩn khúc” mà ta không thể giải quyết được khi ta còn tỉnh. Một nghiên cứu cho thấy, ví dụ, nằm mơ thấy một người bạn lâu năm, hay một người đã khuất mặt, chỉ vì trong tâm tư ta có những “trắc trở” gì đó mà những người, hiện đến hay sự kiện xảy ra, trong giấc mơ chỉ là những biểu tượng để hóa giải mà thôi. Những chuyện ấm ức mà ta không thể giải quyết được trong khi tỉnh, thường được giải quyết qua giấc mơ. Ví dụ khác, nói cho vui, nằm mơ thấy mình trúng số độc đắc, đa phần để bớt ấm ức, vì mua vé số hoài mà chẳng bao giờ trúng!
Nghiên cứu còn cho thấy, hệ thống tế bào thần kinh được sử dụng khi tỉnh cũng được tác động trong khi mơ. Giấc mơ do đó còn giúp tinh lọc trí nhớ, và giúp cho não bộ thêm bén nhạy, giải quyết vấn đề chính xác hơn, lúc tỉnh.
Giấc mơ cũng giúp tháo gỡ bớt những giao động không tốt đến tâm tư và tình cảm. Ví dụ, khi ta bị kinh sợ vì một biến cố nào đó, như chết hụt vì bị đụng xe chẳng hạn, giấc mơ sẽ làm giảm nhẹ hậu quả tác hại lâu dài đến tâm thần.
Một số nghiên cứu khác cho thấy những người ít ngủ hay đi ngủ trễ thường là do thói quen, vì chỉ có 25% là do chi phối của gene di truyền. Đối với những người có gene ít ngủ, thường không có vấn đề, cho dù họ chỉ ngủ dưới 6 tiếng mỗi đêm.
Riêng đối với đại đa số “người thường”, chúng ta cần ngủ từ 6 đến 8 tiếng mỗi ngày. Ngoài ra, nếu nói rằng người già không cần ngủ là điều không đúng. Người cao tuổi vẫn cần ngủ đầy đủ, nhất là để tránh bệnh mất trí nhớ.
Thông điệp cuối cùng của bài viết nầy là, ngủ là một nhu cầu tối quan trọng. Giấc ngủ giúp ta có được một não bộ lành mạnh, một cơ thể ít bị bệnh tật, kể cả các bệnh tim mạch, tai biến não, và các loại ung thư. Do vậy, lần tới, nên suy xét cẩn thận và nhớ đến những nghiên cứu đề cập trên đây, trước khi tiếp tục xem phim bộ Đại Hàn, hay phim trên Netflix mỗi đêm. Nếu muốn sống lâu, sống khoẻ, thay vì sống “dật dờ” qua ngày, thì, mỗi đêm nên tắt đèn sớm, đi ngủ! (Hồ Ngọc Minh)