Đóng cửa hơn 3 tháng do dịch bệnh Coronavirus, tháp Eiffel đã mở cửa trở lại cho công chúng vào thứ năm 25 tháng 6 năm 2020. Sau đây là 10 giai thoại ít được biết đến về công trình kiến trúc được xây dựng vào năm 1889.
Tháp Eiffel là một trong những di tích nổi tiếng nhất của Pháp, thậm chí trên toàn thế giới. Kể từ khi được xây dựng, tháp Eiffel đã mê hoặc và thu hút rất nhiều người tò mò từ khắp nơi trên thế giới: từ 6 đến 7 triệu người đến tham quan mỗi năm, nó là công trình mua vé vào cửa được ghé thăm nhiều nhất trên thế giới. Ngày 25.6.2020, sau hơn 3 tháng đóng cửa vì Coronavirus, công chúng lại có thể tiếp cận tháp Eiffel.
Amanda Keravel, nữ tổng biên tập quyển sách hướng dẫn du lịch Pháp Routard, và Fran#ois Vey, tác giả quyển sách về những bí mật của "Bà Đầm sắt" (La Dame de fer) (theo La Tour Eiffel, vérités et légendes, éditions Perrin. 2018), kể lại 10 giai thoại ít người biết về tháp Eiffel khánh thành nhân cuộc triển lãm thế giới vào năm 1889.
1. Tháp Eiffel đã có thể có một cái tên khác
Tháp Eiffel có thể đã được gọi là tháp Bonickhausen bởi vì kỹ sư Gustave Eiffel, người tham gia xây dựng tháp Eiffel ở Paris, không được sinh ra với cái tên như chúng ta biết ngày nay. Gia đình ông có gốc là người Đức, tên khai sinh của ông là Gustave Bonickhausen.
"Lúc đầu, Gustave Eiffel giữ tên Đức của mình. Sau đó, trong cuộc chiến tranh Đức-Pháp năm 1870, cái tên này đã gây khó khăn cho công việc kinh doanh của ông ấy", Fran#ois Vey giải thích.
Ông đã tiến hành hồ sơ gởi Hội đồng Chính phủ để thay đổi họ của mình và đã được chấp thuận vào năm 1881, tức vài năm trước khi thiết kế và xây dựng tòa tháp. Điều này giải thích vì sau nó được gọi là tháp Eiffel chứ không phải là tháp Bonickhausen.
2. Gustave Eiffel đã không sáng tạo, thiết kế Tháp Eiffel, mà đã mua lại bằng sáng chế của những nhà phát minh đầu tiên
Lịch sử đã giữ lại tên của Gustave Eiffel. Nhưng như Amanda Keravel cho biết: "Gustave Eiffel không phải là người phát minh ra tháp". Fran#ois Vey cho biết thêm: "Được bao quanh bởi những kỹ sư xuất sắc, ông đã đề nghị họ làm việc trong một dự án chuẩn bị cuộc Triển lãm thế giới tại Paris năm 1889. Hai kỹ sư Maurice Koechlin và Émile Nouguier đã tưởng tượng ra dự án này và vẽ ra nguyên mẫu đầu tiên".
Sau đó, một kiến trúc sư, Stephen Sauvestre, đã đưa ra hình dáng như chúng ta thấy ngày nay. Lấy cảm hứng từ dự án, Gustave Eiffel sau đó đã mua lại bằng sáng chế của hai kỹ sư và thuyết phục tất cả giới chính trị và công nghiệp tiến hành xây dựng tháp. Ông cũng là người cung cấp kinh phí cho công trình.
Đó là lý do tại sao tên của nhà công nghiệp và doanh nhân vĩ đại này rất nổi tiếng trong thế giới chính trị lúc bấy giờ, được sử dụng để đặt tên cho tòa tháp.
3. Khi xây dựng, tháp Eiffel là công trình cao nhất thế giới
"Xây dựng tòa tháp cao nhất thế giới là một dự án tưởng tượng đối với tất cả các kỹ sư thời ấy", Fran#ois Vey giải thích. Khi thiết kế tháp Eiffel, mục đích là xây dựng một tòa tháp cao 1.000 feet, tức khoản 300 mét. Do đó, trong nhiều năm liền, tháp Eiffel là tòa tháp cao nhất thế giới.
"Đó thật sự là một kỳ công kỹ thuật vào thời điểm đó. Người Mỹ rất tò mò, thậm chí ghen tị. Báo chí Mỹ rầm rộ đưa tin trên trang nhất về ngày lễ khánh thành tòa tháp. Nhiều phái đoàn Mỹ đã đến xem", Fran#ois Vey kể lại.
Mãi đến năm 1930, tháp Eiffel mới bị truất ngôi bởi tòa nhà Chrysler ở New York (319 mét) và tòa nhà Empire State Building (381 mét). Ngày nay, nhiều tòa tháp khác có chiều cao gấp đôi tháp Eiffel như tháp Đài Bắc (508 mét) hay tháp Burj Dubai (828 mét).
4. Tháp Eiffel đã nhiều lần thoát khỏi bị phá hủy
Amanda Keravel cho biết: "Khi xây dựng xong, tháp Eiffel chỉ là một điểm tham quan và không có chức năng nào khác. Do đó hợp đồng ban đầu dự kiến sẽ phá hủy tòa tháp". Việc nhượng quyền được lên kế hoạch trong 20 năm kể từ năm 1890. Do đó, vào năm 1910, tòa tháp đáng lẽ phải được tháo dỡ.
Nhưng Gustave Eiffel đã thể hiện rõ quyết tâm giữ lại tòa tháp. Fran#ois Vey cho biết thêm: "Trong phần lớn cuộc đời mình, Gustave Eiffel đã đấu tranh để gia hạn nhượng quyền".
Cuối cùng, nhượng bộ đã được gia hạn nhiều lần. Và sau đó, sự hâm mộ của công chúng cũng như những công dụng khác nhau của tháp Eiffel đối với các công nghệ mới đã khiến nó không thể thiếu. Ngày nay, không một ai tưởng tượng tháp Eiffel sẽ bị tháo dỡ.
5. Bị trưng dụng và chiếm đóng bởi quân Đức, tháp Eiffel đóng vai trò lớn trong hai cuộc thế chiến
Trong toàn bộ lịch sử của nó, tháp Eiffel chỉ đóng cửa không cho công chúng vào tham quan đúng 3 lần: trong đại dịch Coronavirus 2020, và trong hai cuộc thế chiến 1914-1918 và 1939-1945. Fran#ois Vey giải thích: "Năm 1914, quân đội Pháp trưng dụng tháp Eiffel để làm trung tâm nghe các đài phát thanh Đức".
Thông tin thu thập được giúp người Pháp có thể xác định một điểm tấn công quyết định cho trận La Marne. Trong Thế chiến thứ hai, quân Đức đã chiếm đóng tháp Eiffel để đặt ăngten ở đỉnh tháp. Được giải phóng vào năm 1944, tháp Eiffel được quân đội Mỹ sử dụng như một nơi để binh lính thư giãn: một hộp đêm được hình thành ở tầng một. Tháp chỉ được trao lại cho Pháp vào năm 1946.
Ngoài các cuộc xung đột trên, tháp còn được sử dụng cho nhiều thí nghiệm quân sự. Một tòa nhà gợi nhớ lại quá khứ "quân sự" này. "Một bongke được xây dựng dưới chân tháp. Ngày nay, nó được sử dụng làm nhà chứa máy móc của hệ tháng máy. Nó cũng được sử dụng để vận chuyển thực phẩm lên các nhà hàng của tháp Eiffel. Vì các nhà hàng tương đối nhỏ, một số món ăn được chuẩn bị trong bongke này", Amanda Keravel cho biết.
6. Tháp Eiffel đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của truyền hình
Nhờ có tháp Eiffel, người dân Pháp đã có thể xem trực tiếp lễ đăng quang của Nữ hoàng Anh vào năm 1953. "Ăng-ten giúp thu hình từ Anh và phát ra ở Pháp", Amanda Keravel nói. Giai thoại này minh họa tầm quan trọng của tháp Eiffel đối với ngành viễn thông.
Trong suốt lịch sử, ăng-ten đặt trên đỉnh tháp Eiffel đã được sử dụng cho nhiều thí nghiệm về truyền sóng. Fran#ois Vey cho biết thêm: "Năm 1903, các thí nghiệm điện báo không dây đầu tiên đã được thực hiện trên tháp. Tháp Eiffel cũng được sử dụng cho đài phát thanh và hiện đang phát sóng truyền hình kỹ thuật số mặt đất tại Paris.
7. Một kẻ lừa đảo đã giả vờ bán tháp Eiffel trước khi bỏ trốn với số tiền thu được
Năm 1925, một kẻ gian đã bán được tháp Eiffel dù không bao giờ sở hữu nó. Amanda Keravel kể: "Victor Lustig đã đọc được một bài báo giải thích rằng việc sửa chữa tòa tháp là rất tốn kém. Từ đó Victor nảy ra ý tưởng giả vờ rằng nó được rao bán. Tên này đã gởi đến một số đại lý mua bán sắt vụn lời đề nghị sẽ bán tòa tháp cho người nào trả giá cao nhất, đồng thời nói rõ rằng điều cần thiết là phải giữ bí mật về dự án này cho đến khi bán xong".
Một nhà buôn bán phế liệu đã rơi vào bẫy và ký một tấm séc có giá trị lớn. Và sau đó, Victor đã bỏ chạy với số tiền gạt được. "Nạn nhân đã xấu hổ đến độ không bao giờ thưa kiện", Tổng biên tập sách hướng dẫn du lịch Pháp Routard đưa tin.
8. Tháp Eiffel chưa bao giờ có màu nâu và 3 màu sơn vẫn được sử dụng
Khi nhìn tháp Eiffel, bạn chỉ có thể thấy một màu xuyên suốt tòa tháp. Tuy nhiên, đây chỉ là một hiệu ứng quang học ! "Gustave Eiffel đã nghĩ ra một kỹ thuật: để màu sắc có vẻ đồng nhất khi nhìn từ bên dưới, phải sử dụng ba màu. Màu sậm hơn ở dưới và màu sáng hơn ở trên", Amanda Keravel tiết lộ. Thủ thuật này vẫn được sử dụng cho đến nay.
Tuy nhiên, tòa tháp không phải lúc nào cũng có màu nâu. "Tháp Eiffel được sơn đi sơn lại thường xuyên. Giữa màu gốc và màu ngày nay, đã có gần 12 màu chính thức khác nhau được sử dụng, trong đó có màu nâu đỏ, màu nâu, màu đất son và màu be (beige)", Fran#ois Vey kể.
9. Nó co lại vào mùa đông và xê dịch vào mùa hè
Giống như tất cả các công trình có độ cao, tháp Eiffel khá nhạy cảm với môi trường. Nhiệt độ thấp của mùa đông có thể khiến nó co lại từ 4 cm đến 8 cm. Trong những tháng hè nóng nực, kim loại sẽ làm xê dịch tháp. Trong thực tế, sắt chịu tác động của lực giãn nở khiến cho tháp to thêm vài cm và có thể làm cho tháp nghiêng một chút. Nếu mặt trời làm nóng một bên, tháp có thể nghiêng về phía bên kia vài cm.
Ngược lại, tháp không nhạy cảm với gió. Lý do rất đơn giản: "Cấu tạo của nó cho phép gió thổi qua", Fran#ois Vey nhấn mạnh.
10. Từ nay đến năm 2024, tháp Eiffel sẽ có khuôn mặt mới
Vào năm 2024, tháp Eiffel sẽ trở thành tâm điểm chú ý của thế giới khi Thế vận hội Olympic diễn ra tại Pháp. "Đây cũng là biểu tượng sử dụng cho logo đầu tiên của Paris năm 2024", Fran#ois Vey cho biết. Một kế hoạch hiện đại hóa đang được tiến hành cho khu vực lân cận.
Nhiều chỉnh trang được lên kế hoạch để tạo điều kiện cho du khách dạo chơi. Công viên lớn Trocadéro sẽ nối liền với tháp Eiffel. Hiện tại, hai công trình này bị cách ngăn bởi một con đường. Nhiều ki-ốt thông tin và quầy bán đồ ăn sẽ được đặt trên lối đi dạo và trong các khu vườn mới chung quanh tháp Eiffel, đủ để mang lại diện mạo mới cho "Bà đầm sắt" đã trên 130 tuổi này.