Thứ Tư, 04 Tháng Bảy, 2012

'Ông Bụt' người Hàn của trẻ em Việt

'Ông Bụt' người Hàn của trẻ em Việt

Trong thời buổi đối với rất nhiều người, đồng tiền là quan trọng thì việc làm từ thiện, chia sẻ với những người nghèo ngày càng hiếm. Nhưng đặc biệt “hiếm” hơn nữa khi có một người làm ngoại quốc sẵn sàng chia sẻ tấm lòng của mình với những đứa trẻ nghèo không cùng nòi giống, cưu mang giúp đỡ, mang đến cho chúng những niềm vui nho nhỏ. Chúng tôi trích đăng bài viết từ trong nước của Vnexpress viết về một doanh nhân người Nam Hàn dù mang trọng bệnh vẫn luôn nghĩ đến những trẻ em nghèo Việt Nam, mời quý vị cùng theo dõi.

Hơn chục năm nay, nhà hàng Gà Tần Sâm của một người đàn ông xứ Hàn ở Hà Nội đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của nhiều thực khách Việt Nam và Hàn Quốc, trong đó đặc biệt là nhiều thế hệ trẻ em nghèo Việt Nam.

Nhắc đến cái tên Lee Jung Yeol, hầu hết những người Hàn Quốc sống và làm việc ở Hà Nội đều biết và tỏ lòng kính trọng, không phải vì kinh nghiệm thương trường 17 năm ở Việt Nam mà chính bởi tấm lòng ông dành cho trẻ em nghèo.

 

Bác Lee Jung Yeol chơi cùng trẻ em ở Trung tâm Hy vọng Lập Thạch, Vĩnh Phúc cuối những năm 1990. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giai đoạn đầu khi mới đến Việt Nam kinh doanh tấm lợp PVC năm 1995, ông gặp thất bại do không gặp thời. Những khó khăn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu khiến ông xoay sang mở nhà hàng Gà Tần Sâm từ tháng 10/1996 trong khu Giảng Võ, nay chuyển về Ngọc Khánh.

Trước khi mở nhà hàng, ông Lee quan sát thấy người Việt hồi đó ai cũng nhỏ bé do chế độ dinh dưỡng kém. Nhưng mọi người đều thích ăn thịt gà và sâm Hàn Quốc. Bởi vậy, ông muốn phục vụ món gà tần sâm bổ dưỡng để nâng cao sức khỏe cho mọi người. Ông cũng không ngờ mình sẽ gắn bó với việc kinh doanh món ăn này tới 16 năm liền.

Từ năm 1998-2005, thời điểm làm ăn phát đạt nhất, có tháng nhà hàng ông thu lời 6.000 USD. Nhưng hiện nay, khi các nhà hàng Hàn Quốc mọc lên như nấm, cạnh tranh về thị phần ngày càng khốc liệt. Bên cạnh đó, giá thực phẩm tăng cao, chi phí nhân công cũng tăng trong khi giá thành các món ăn trong nhà hàng không thay đổi nhiều. Bởi vậy, dù là một trong những nhà hàng Hàn Quốc lâu đời nhất, khá nổi tiếng trong cộng đồng người Hàn ở Việt Nam, thu nhập của quán hiện chưa bằng một nửa lúc "ăn nên làm ra". Số nhân viên trong quán cũng bị cắt giảm một nửa so với hồi đầu.

"Trong cuộc sống, công việc có lúc thăng lúc trầm, có những lúc tôi không kiếm được mà chỉ tiêu tiền, nhưng cứ nhẫn nại và chăm chỉ làm việc rồi cũng sẽ vượt qua", ông Lee chia sẻ.

 Những tình thương bé nhỏ

Nhưng ông Lee quan niệm những lúc gặp khó khăn mà chia sẻ những gì mình có cho người khác mới đích thực là công việc có ý nghĩa. "Dùng tiền thì rất nhiều, ăn cũng không ít, cứ tính toán thì không bao giờ giúp được người khác", ông Lee tâm sự.

Ngay từ năm 1997, qua sự giới thiệu của một người bạn Hàn, ông đã tìm đến với các trẻ em mồ côi ở trung tâm Hy vọng Lập Thạch, Vĩnh Phúc mới thành lập. Lần đầu đến trung tâm, thấy các em đều bé nhỏ, nhưng khuôn mặt rạng rỡ và lương thiện, ông Lee tự nhủ mình phải thường xuyên đến đây hơn. Lúc đó, chế độ dinh dưỡng cho các em còn kém nên ông Lee đã nghĩ ra cách chiêu đãi bằng món ăn “cây nhà lá vườn”: đùi gà rán. Trong suốt 5 năm từ 1997-2002, một tháng ông Lee đến trung tâm 2 lần, cùng vài người Hàn Quốc, Thụy Điển khác mang theo đồ ăn thức uống, mua chăn màn, chơi đùa và dạy các em chút ít.

"Hồi đó bác vẫn còn trẻ chứ không như bây giờ", Lưu Văn Hùng, một thanh niên sống 10 năm ở trung tâm, cười khi kể về lần đầu gặp "bác Lee". "Hồi bé khi được ăn đùi gà rán, em từng coi bác Lee là thần tượng. Khi lớn lên, tình cảm đó dần trở thành sự quý mến", Hùng nói thêm.

Ông Lee tâm sự, khi mang đùi gà rán đến, bọn trẻ rất mê và chờ đợi ông đến lần sau, nhưng dần dần các em không chờ đợi bác mang đùi gà đến nữa mà thay vào đó mong chờ sự xuất hiện của ông. "Đó là kết quả của việc không chỉ giúp đỡ về vật chất, mà quan trọng hơn là giúp đỡ về mặt tinh thần và tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người", ông Lee nói.

Khi trung tâm Lập Thạch đã phát triển hơn, ông Lee lại tiếp tục tìm kiếm những cô nhi viện khó khăn hơn, giúp đỡ các trẻ em ở cô nhi viện Kim Động, Hưng Yên, trung tâm trẻ em khuyết tật ở Hà Tây... Nhà hàng Gà Tần Sâm của ông Lee thỉnh thoảng lại chiêu đãi các cháu ở cô nhi viện mỗi lần đến thăm Hà Nội.

Thấy một mình mình giúp các em không xuể, năm 2007, ông đã tập hợp những người Hàn Quốc cùng chung tâm huyết, thành lập hội Little Love (Tình thương nhỏ) với mục đích hỗ trợ các em học hành cho đến nơi đến chốn. Mỗi gia đình người Hàn sẽ nhận đỡ đầu cho một em học sinh khó khăn, hỗ trợ mỗi tháng từ 300-500.000 đồng cho tới khi các em tốt nghiệp cấp ba hoặc đại học.

Từ lúc mới có 10 em khi thành lập hội, đến nay đã có 50 em ở Sơn La, 50 ở Lào Cai và 30 ở Thanh Hóa đã có cha mẹ đỡ đầu người Hàn Quốc. Cá nhân ông Lee nhận đỡ đầu và tài trợ cho một em người dân tộc H'Mong có tên A Tủa ở Lào Cai cho đến khi tốt nghiệp đại học.

Đến nay, đã có 120 người Hàn Quốc ở Hà Nội và các vùng lân cận quyên góp được 25.000 USD. "Tình thương nhỏ" là hội đầu tiên của người Hàn Quốc ở Việt Nam nhận giúp đỡ các em trong một quá trình lâu dài, từ lúc bắt đầu đi học cho tới khi tốt nghiệp cấp ba hoặc đại học. Mỗi tháng các thành viên của quỹ tụ họp lại để gửi tiền cho các em, mỗi năm một lần hội tổ chức chuyến thăm gặp gỡ động viên các trẻ em được đỡ đầu ở Lào Cai, Sơn La, những nơi thực sự cần giúp đỡ. Nhiều người sau khi về nước vẫn tiếp tục đóng góp vào quỹ của hội và giới thiệu thêm người tham gia.

Suốt 15 năm làm từ thiện hoàn toàn bằng tình thương và tấm lòng, ông Lee chỉ có một tâm nguyện duy nhất: nuôi hy vọng cho trẻ em nghèo. Ông muốn các em thấy chỉ cần học tập và làm việc chăm chỉ sẽ đỗ đại học và thành công.

Cách đây hai năm, khi thủ tục hỗ trợ học phí cho sinh viên mồ côi trở nên phức tạp hơn, hai sinh viên Nguyễn Quốc Đăng và Lưu Văn Hùng tại trung tâm Hy vọng Lập Thạch vẫn không được cấp học phí tại địa phương. Không để các em phải bỏ học giữa chừng, ông Lee tài trợ mỗi em 1 triệu đồng/tháng cho tới khi tốt nghiệp. "Dù bác Lee không có râu tóc bạc phơ, em thấy bác có tấm lòng của ông Bụt", Đăng nói.

Ông Lee cũng thường khuyên trẻ sống chân thật, ngay thẳng để được tôn trọng, và phải biết giúp đỡ người khác. "Tôi mua con bê, con lợn con cho các cháu nuôi bán lấy tiền. Khi chúng đẻ con, tôi khuyên các cháu đem một con cho người khó khăn hơn mình, những con khác các cháu có thể giữ", Lee chia sẻ.

 Coi ung thư là người bạn lâu năm

Nhìn nụ cười thường trực và nước da hồng hào, ít ai biết người đàn ông có một vợ và hai con trai này đã 11 lần lên bàn mổ, cắt bỏ khối u ung thư bàng quang. "23 năm sống cùng căn bệnh này rồi, tôi coi nó như một người bạn lâu năm. Nó đến thì đến còn không thì cũng là một điều may mắn", Lee tâm sự.

Nhờ bài thuốc kỳ diệu của một lương y Việt Nam, hệ miễn dịch của ông Lee nay đã được tăng cường, tình trạng sức khỏe ổn định. Mỗi 6 tháng, ông lại về Hàn Quốc kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện Seoul một lần.

Tuy quen biết "bác Lee" hơn chục năm, nhưng các em ở Trung tâm Hy vọng Lập Thạch cũng không hề biết bác Lee bị bệnh cho tới khi tình cờ đọc được một bài báo về những người chống chọi với ung thư khoảng 5 năm trước. "Em thấy thương và cảm phục bác Lee nhiều hơn", Lưu Văn Hùng ở trung tâm tâm sự.

Bệnh tật hay công việc làm ăn không thuận lợi, tất cả đều không ngăn cản được người đàn ông 66 tuổi này tiếp tục công tác từ thiện, như lời răn của thánh Matthew mà ông tâm đắc : "Nếu muốn giữ sự sống mình thì sẽ chết, còn hy sinh mạng sống mình thì sẽ sống".

Monday, 02 July 2012 Cali Today News –

Bài viết khác