Thứ Năm, 24 Tháng Năm, 2012

Nguyệt Biều - Mái ấm tình thương

 

Giữa sự trầm lắng của mảnh đất Cố đô với dòng Hương Giang và những tà áo tím thướt tha là tấm lòng của những người đang ngày đêm chăm lo cho biết bao mảnh đời bất hạnh. Họ sống vì người khác một cách âm thầm như chính mảnh đất nơi đây.
     Con đường Bùi Thị Xuân quanh co đã dẫn chúng tôi đến với Trung tâm Nuôi dạy Trẻ Khuyết tật Nguyệt Biều (số 650 Bùi Thị Xuân). Ngôi nhà nhỏ nằm khuất sau vườn cây xanh tốt đang là nơi cư trú của 45 mảnh đời bất hạnh với 34 em khuyết tật và 11 em mồ côi. 
     Trung tâm đang là cơ sở Xã hội của Hội dòng Mến Thánh Giá Huế và đã có tuổi đời 10 năm nay. Tiếp đón chúng tôi là Sơ Catarina Hồ Thị Liên - Bề trên Giám sở. Sau một hồi trò chuyện, Sơ dẫn chúng tôi đi tham quan Trung tâm. Ban đầu sơ cũng ngần ngại: “Đang giờ cho các em ăn trưa nên cũng không tiện lắm!” nhưng thấy chúng tôi “năn nỉ” nên Sơ đồng ý. 
     Để đảm bảo việc chăm lo sức khoẻ và nuôi dạy các em, hiện nay Trung tâm đã có phòng dành riêng cho các em khiếm thính, phòng vật lý trị liệu và phòng học cho các em chậm phát triển trí tuệ. Tuy nhiên, với số phòng và cơ sở hạ tầng như hiện tại thì mới chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu cho các em.
     Hiện tại, tất cả mọi công việc chăm sóc các em từ việc ăn, tắm rửa, giặt giũ cho đến ngủ nghỉ chỉ có 9 sơ của Dòng Mến Thánh Giá Huế và 6 tình nguyện viện mà Trung tâm thuê được từ các tỉnh lân cận. Quả thực, phải đến thực tế mới thấy được sự vất vả của những người làm công việc thầm lặng này. Khó khăn nhất vẫn là chăm sóc các em bị bệnh não, có khi để cho một em ăn được một bát cơm phải mất hàng tiếng đồng hồ… Khi được hỏi, Sơ Liên bộc bạch: “Để có thể phục vụ các em thì con số 15 người là ít nhưng tìm được người làm công việc này thì quả là không hề đơn giản. Mấy năm nay, Trung tâm cũng liên tục thuê người nhưng công việc vất vả quá nên nhiều người đến thử việc mà không dám làm”. Để phục vụ, các chị phải thức khuya, dậy sớm, nhưng điều quan trọng hơn cả là phải có tình thương yêu các em. Bạn Têrêxa Đinh Thị Hương Đào (quê Quảng Bình), tình nguyện viên, tâm sự: “Mình đến đây vì lòng thương yêu các em và chính tình yêu đã thôi thúc tụi mình làm việc hết mình”.  

     Được biết, kinh phí để chăm sóc trẻ khuyết tật tại đây chủ yếu là nhờ vào lòng hảo tâm của quý ân nhân, một số ít của các tổ chức xã hội và của Hội Dòng; cho đến nay, Trung tâm chưa nhận được sự hỗ trợ nào từ phía Nhà nước. Để giảm bớt chi tiêu và có thêm thực phẩm an toàn, Trung tâm đã trồng thêm rau, củ, quả ngay trong khuôn viên. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng nhận coi trẻ cho các hộ gia đình ở khu vực gần Trung tâm với giá 100.000 đồng/tháng.
     Rời Trung tâm với sự khâm phục công việc thầm lặng của những thiện nguyện, hiện lên trong tôi là nụ cười hồn nhiên - những nụ cười không được tròn cho lắm - của các em khuyết tật. Nụ cười ấy các em đã may mắn có được nhờ tấm lòng của những người đang ngày đêm âm thầm phục vụ. Câu nói của một thiện nguyện viên: “Đời các em đã bất hạnh nhiều rồi. Mình chăm sóc các em hết lòng mong bù đắp phần nào những thiệt thòi, bất hạnh đó cho các em” như còn vang vọng mãi đâu đây. Còn chúng ta? Hãy cho các em có thêm những nụ cười!

 

Josephus Nguyễn

Bài viết khác

Kinh Lạy Nữ Vương

Kinh Lạy Nữ Vương

02/09/2024

Thưa cha, tại sao trong kinh Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành... mà lúc thì gọi Mẹ Maria là Mẹ, lúc thì gọi là Bà? Có ý nghĩa gì và tại sao?

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art