Thứ Ba, 05 Tháng Sáu, 2018

Những bức tượng đá (còn gọi là moai) trên Đảo Phục Sinh

Những chiếc mũ đá nặng 13 tấn

Những bức tượng đá (còn gọi là moai) trên Đảo Phục Sinh là một di tích bí ẩn của nền văn minh Polynesia bị mất từ lâu nhưng các nhà khoa học tuyên bố đã tình cờ phát hiện những bằng chứng khảo cổ chưa từng thấy về đầu của những phiến đá khổng lồ này.

Các nhà khoa học đã trải qua hàng thập kỷ cố gắng để tìm hiểu nguồn gốc bí ẩn và mục đích của 887 đầu người bằng đá nằm rải rác trong vườn quốc gia Rapa Nui (Đảo Phục Sinh).

Lạ lùng hơn, các nhà khảo cổ đã rất khó khăn để tìm hiểu xem bằng cách nào một số bức tượng cổ xưa có những chiếc mũ đá scoria đỏ nặng tới 13 tấn trên đầu.

Một nhóm các nhà nhân chủng học tại Mỹ tin rằng họ đã tìm thấy bằng chứng khảo cổ để giải mã bí ẩn này với sự trợ giúp của kỹ thuật chụp ảnh và hình ảnh 3-D.

Tốt nghiệp khoa nhân chủng học Penn State, Sean Hixon cho biết: "Rất nhiều người đã đưa ra ý tưởng, nhưng chúng tôi là người đầu tiên đưa ra ý tưởng cùng với bằng chứng khảo cổ học."

Theo nhà nghiên cứu, những chiếc mũ đá, còn gọi là pukao, được những người Polynesia cẩn thận lăn từ một mỏ đá xa 12 km trên đảo về phía bức tượng.

Nhưng bằng cách nào, những người dân đảo thế kỷ 13 nhấc được những tảng đá khổng lồ lên độ cao đến 10 m để đặt trên đầu các bức tượng đá?

Bằng chứng mới cho thấy pukao đã được lăn trên những mặt phẳng nghiêng đặc biệt lên đầu bức tượng và được chạm khắc thủ công thành các hình dạng cụ thể.

Ông Hixton nói: “Giải thích tốt nhất cho việc di chuyển mũ pukao từ mỏ đá là lăn nguyên liệu thô đến vị trí của những bức tượng moai. Khi ở moai, pukao được lăn lên những đoạn đốc cao tới đỉnh của bức tượng đứng bằng cách sử dụng kỹ thuật parbuckling. ”

Kỹ thuật parbuckling liên quan đến việc sử dụng một sợi dây thừng dài quấn quanh một đối tượng và di chuyển đối tượng đi lên theo một mặt phẳng nghiêng.

Một khi lên đến đỉnh đầu, chiếc mũ đỏ được xếp vào vị trí và tạo thành hình dạng cuối cùng. Và nghiên cứu cho thấy sẽ không cần quá 15 công nhân để di chuyển chiếc mũ lớn nhất lên dốc.

Giáo sư Carl Lipo, Đại học Binghamton, cho biết: “Đây là lần đầu tiên người ta khám phá một cách có hệ thống bằng chứng cho việc làm thế nào những chiếc mũ to lớn được đặt lên đỉnh của những bức tượng khổng lồ trên Đảo Phục Sinh. Chúng tôi đã kết hợp mô hình 3-D tiên tiến với phân tích đồ họa và các mô hình được rút ra từ vật lý để đưa ra câu trả lời tốt nhất.”

Các nhà nhân chủng học cũng đã chỉ ra người Polynesia di chuyển đầu tới các điểm đến dừng nghỉ bằng cách rung lắc chúng dọc theo những con đường được xây dựng cẩn thận.

Theo Tiến sĩ Lipo: “Các bức tượng được di chuyển sử dụng các quy trình vật lý đơn giản theo một cách tao nhã và hiệu quả đáng kể.”

Những phát hiện trong nghiên cứu mới này đã được công bố tạp chí khoa học Journal of Archaeological Science.

Đào Hiền (Theo Express)

 

3 hiện tượng kì lạ trên đảo Phục Sinh

Đảo Phục Sinh trở thành di sản văn hóa thế giới và là điểm đến mơ ước của những người yêu thích khám phá. Thế nhưng, hòn đảo này ẩn chứa rất nhiều điều kì dị. Trong đó có 3 điều kì dị nhất mà giới khoa học mãi vẫn chưa tìm ra được câu trả lời chính xác.

Nằm ngoài khơi bờ biển phía Tây Chile, đảo Phục Sinh là một trong những di sản thế giới được công nhận năm 1995, và là đảo ít người sống nhất. Nơi đây nổi tiếng với 887 bức tượng hình người bằng đá, hay còn gọi là Moai, cùng "cái rốn của Trái đất" và nhiều hiện tượng kỳ lạ đến nay vẫn thôi thúc trí tò mò của nhân loại.

1. Moai đã di chuyển như thế nào?

Theo nhận định của các nhà khoa học, tượng đá Moai được người Rapa Nui cổ tạc từ tro núi lửa cô đặc, hầu hết có chiều cao đến cả chục mét, nặng mấy chục tấn. Một số bức tượng đặc biệt cao hơn 20 mét và nặng gần 300 tấn. Ước tính tuổi thọ của những bức tượng Moai khoảng 6.000 năm.

Điều bí ẩn khiến các nhà khoa học đau đầu nghiên cứu về Moai chính là cách thức người xưa tạo ra các bức tượng và di chuyển chúng.

Ban đầu, những bức tượng Moai được phát hiện chỉ có phần đầu và thân trên, một số tượng có mũ. Không ai ngờ rằng phần thân dưới của Moai lại được chôn chặt dưới lòng đất cho tới năm 2012, khi các nhà khảo cổ tiến hành khai quật bên dưới thân của các bức tượng. Khám phá này đã mở ra thêm nhiều điều bí ẩn khiến nhân loại ngỡ ngàng: Làm cách nào mà người Rapa Nui cổ có thể di chuyển các bức tượng lớn như vậy và chôn chúng khắp trên đảo?

Giới khoa học đã đặt ra nhiều giả thiết về cách thức người xưa di chuyển Moai như là: họ đã sử dụng con lăn, xe kéo để đẩy các bức tượng, hoặc Moai vốn dĩ đã được thiết kế để có thể di chuyển thẳng trong chuyển động lắc do con người tác động.

Kênh truyền hình National Geographic từng cho phát sóng tập phim nói về việc kỹ sư người Séc Pavel và nhà thàm hiểm người Na-Uy Thor Heyerdahl cùng đội ngũ của họ đã thử sử dụng sức kéo của con người để di chuyển một bức tượng đá khác tựa Moai cao 4m, nặng 9 tấn nhờ những sợi dây thừng. Trước đó khoảng 10 năm, một nhóm khảo cổ Mỹ khoảng 25 người đã di chuyển thành công một bản sao của Moai cao hàng chục mét, nặng gần 10 tấn bằng xe trượt tuyết.

Mặc dù các giả thiết đặt ra về cách thức Moai di chuyển được thử nghiệm thành công, nhưng giới khoa học vẫn chưa công bố chính xác cách người Rapa Nui cổ đã di dời các pho tượng như thế nào. Bí ẩn này đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.

2. Người ngoài hành tinh từng tới đảo Phục Sinh?

Một giả thiết khó tin về những bức tượng Moai do tác giả Erich von Daniken của cuốn sách "Chariots of the Gods: Giải quyết các bí ẩn của quá khứ" là Moai được người ngoài hành tinh tạo ra. Daniken cũng cho rằng các kim tự tháp Ai Cập không thể do con người xây dựng.

Tuy nhiên, đây chỉ là một giả thiết không có cơ sở. Giới khoa học nghiêng về nhận định Moai do người Rapa Nui cổ, xưa kia sống trên đảo tạo ra. Mục đích tạc những pho tượng đá nặng cả chục tấn và chôn khắp đảo với nửa thân trên lộ ra khỏi mặt đất, nửa thân dưới chìm sâu dưới lòng đất hiện vẫn còn gây tranh cãi.

Theo kết quả phân tích mẫu đá Moai, đây chính là tro núi lửa cô đặc lại. Trước kia, phía đông bắc hòn đảo này có một ngọn núi lửa tên Rano Raraku nhưng ngày nay đã ngừng hoạt động. Thậm chí đến bây giờ, người ta vẫn tìm thấy nhiều tảng đá trong tình trạng được chạm khắc dở dang gần núi lửa.

3. Bí ẩn về "Cái rốn của Trái đất"

Trước khi được biết tới với cái tên đảo Phục Sinh, hòn đảo này từng được gọi là "Te Pito o Te henua" (có nghĩa là cái rốn của Trái đất) và "Mata Ki Te Rani" (nghĩa là đôi mắt trông lên thiên đường). Sở dĩ có cái tên như vậy bởi nơi đây có một hòn đá với hình tròn hoàn hảo, bề mặt nhẵn và phát ra từ tính rất mạnh khiến mọi la bàn đều mất tác dụng khi lại gần.

Theo truyền thuyết, vua Hotu Matua - người khai sinh ra hòn đảo đã đặt hòn đá đặc biệt này ở đây để cân bằng chiếc xuồng của mình đồng thời đánh dấu lãnh địa. Xung quanh hòn đá lớn còn có 4 hòn đá nhỏ, tượng trưng cho các phương hướng. Trước kia, khi khoa học chưa vào cuộc, người ta đồn thổi những câu chuyện tâm linh liên quan đến hòn đá đặc biệt này.

Chính bởi những bí ẩn chưa có lời giải trên hòn đảo vắng người này mà nơi đây trở thành một trong những điểm đến thu hút những ai yêu thích khám phá, tìm tòi.  

Bài viết khác