Rome là nhà của hàng trăm hầm mộ bí ẩn và những hòm thánh tích được giấu kín, nơi các tín hữu có thể cầu nguyện trước hài cốt và những chiếc lọ đựng máu đã tồn tại qua hàng trăm năm.
Trong số này, có những nơi đặc biệt nổi bật vì mức độ quan trọng. Và tất nhiên, bạn không cần phải là Kitô hữu mới tham quan thế giới ngầm đầy thánh thiêng bên dưới lòng đất.
Santi Vincenzo e Anastasio a Trevi
Tên tiếng Việt là nhà thờ Thánh Vincent và Anastasius ở đài phun nước Trevi. Như cái tên đã nêu ra, nhà thờ có kích thước khiêm tốn này tọa lạc trên quảng trường đặt đài phun nước Trevi nổi tiếng. Đối với những du khách bình thường, ắt hẳn toàn bộ sự chú ý của họ đều tập trung vào đài phun nước vốn là kiệt tác kiến trúc có niên đại 1723. Công trình này từng xuất hiện trong nhiều bộ phim nhờ vào truyền thuyết cho rằng bất kỳ ai quẳng đồng xu vào bể nước và cầu nguyện sẽ được thỏa ước. Tuy nhiên, ít ai biết được nhà thờ sát bên lại có lai lịch không tầm thường. Được biết đến với tên gọi “giáo xứ của các giáo hoàng”, đây là biệt danh hàm ý rằng nơi này không đặt toàn bộ di hài của các đấng kế vị thánh Phêrô, nhưng vẫn đủ quan trọng để bảo quản các cơ quan nội tạng của giáo hoàng, chẳng hạn như quả tim. Vì Vatican cấm ướp xác người đứng đầu Giáo hội, nên nhiều cơ quan nội tạng và các phần quả tim, tên Latin là praecordia, của các ngài được lấy ra trong giai đoạn từ khi qua đời đến trước thời điểm chôn cất. Các quả tim được đặt vào hũ và đưa đến nhà thờ nhỏ bé của thành Rome. Tổng cộng tim của 22 vị giáo hoàng đang được lưu giữ nơi đây, trước khi truyền thống bị loại bỏ sau khi Đức Giáo Hoàng Lêô XII qua đời vào năm 1903.
Tim của các vị giáo hoàng |
Arciconfraternita Santa Maria dell’Orazione e Morte
Nhà thờ Thánh Maria của những lời ngợi ca và người chết tràn ngập những hình ảnh của người đã lìa thế, từ các hộp sọ được khảm vào mặt tiền của tòa nhà đến chùm đèn làm từ xương sống người trong hầm mộ bên dưới. Công trình được xây dựng từ đầu thế kỷ 16, bên trên một nghĩa trang, vốn được một nhóm các Kitô hữu sùng đạo thu gom và chôn cất xác chết bị vứt ngổn ngang xung quanh thành phố. Nơi này nhanh chóng trở thành điểm gặp gỡ bí mật của các góa phụ và những phụ nữ thề trọn đời không lập gia đình. Họ đến đây cầu nguyện cho những linh hồn bị lạc lối trong cõi luyện ngục, với hài cốt được chất đầy các kệ và những đống xương người xếp cao trong hầm mộ. Đến nay, nhà thờ Thánh Maria của những lời ngợi ca và người chết vẫn thu hút những người muốn đến và chiêm nghiệm cái vô thường giữa ranh giới sống - chết để trở nên hướng thiện hơn. Nhà thờ không phải lúc nào cũng mở cửa từ cổng chính, nên khách hành hương có thể thử lối vào ở cổng sau dọc theo dòng Tiber. Tuy nhiên, tạm thời cả nhà thờ và khu hầm mộ đều đang trải qua đợt trùng tu lớn, trong đó bao gồm công tác làm sạch các lớp nến đèn cầy dồn đống trên nền đá cẩm thạch. Nơi này sẽ mở cửa lại vào mùa hè.
Bức tượng hình khuôn mặt bằng đá hoa cương (Bocca dellia Verità) |
Santa Maria della Concezione dei Cappuccini
Khi các tu sĩ dòng Anh Em Hèn Mọn Capuchin bị buộc phải chuyển sang tu viện mới vào năm 1631, Đức Giáo Hoàng ra lệnh cho họ phải mang theo mọi hài cốt các tín hữu được chôn cất trong hầm mộ, dù nơi ở mới khá chật hẹp để có thể dung chứa toàn bộ số này. Thế là các tu sĩ quyết định tách xương cốt của những người anh em và lấy từng bộ phận trang hoàng cho hầm mộ bên dưới tu viện, giờ đây có tên Đức Maria Thụ Thai, bao gồm sọ người, xương ngón tay, xương đùi, xương chậu. Bằng cách nào đó, họ phát hiện biện pháp ban đầu chỉ mang tính “chữa cháy” lại mang đến vẻ đẹp lạ lùng cho hầm mộ, dù không ít người thời nay luôn cảm thấy rợn gáy khi bước vào nơi này, nên các vị tu sĩ quyết định giữ truyền thống dùng xương trang trí suốt hơn 300 năm. Cho đến thời điểm hiện nay, hài cốt của tổng cộng hơn 4.000 tu sĩ qua đời trong giai đoạn từ năm 1528-1870 đang được tập trung bên dưới hầm mộ của nhà thờ. Những người đến tham quan có thể chiêm ngưỡng những bức tường xếp đầu lâu dày đặc và các bức tranh trên trần nhà đều sắp xếp từ ngón tay và ngón chân. Thậm chí còn có cả hầm mộ chứa toàn xương chậu.
Hài côt ở Santa Maria |
Santa Maria in Cosmedin
Nhà thờ Thánh Maria ở Cosmedin có niên đại từ thế kỷ thứ 4 có lẽ được biết đến nhiều nhất với bức tượng hình khuôn mặt bằng đá hoa cương gọi là Bocca della Verità (Miệng của sự thật) được đặt ở đây từ năm 1632. Khách tham quan xếp hàng nhiều giờ để chờ đến lượt chụp ảnh với cánh tay đưa vào miệng, với truyền thuyết cho rằng khuôn mặt sẽ cắn đứt tay bất kỳ người nào dối trá. Tuy nhiên, “bảo vật” hiếm có nhất đang được cất giữ tại nhà thờ từ thời Trung cổ chính là hộp sọ của thánh Valentine nằm bên trong hòm thánh tích bằng thủy tinh. Vào ngày lễ tình nhân, hòm thánh tích sẽ được mang lên trưng bày ở cung thánh. Khi đó, các đôi tình nhân sẽ mang hoa hồng đến đặt xung quanh để ngỏ lời tri ân sau khi lời nguyện cầu của họ được đáp lại.
Hầm mộ Capuchin |
Có những nhà thờ tại Rome vẫn đang lưu giữ nhiều thánh tích đặc biệt và “bảo vật” từ thời Chúa Giêsu, thu hút rất nhiều tín hữu đến thăm viếng.
San Giovanni in Laterano
Qua mấy chục thế kỷ, nhiều thánh tích nhỏ bé nhưng vô cùng quan trọng của Chúa Giêsu đã được cất giữ bên trong căn phòng khóa chặt của nhà nguyện Scala Sancta. Nơi đây cũng đặt cầu thang thánh bằng đá cẩm thạch mà Chúa Giêsu từng bước qua trước khi bị Tổng trấn Philatô xét xử. Khi đến đây, các tín hữu lần lượt leo từng bậc bằng đầu gối để thể hiện lòng thành kính. Về phần thánh tích, một phần dây rốn của Chúa Giêsu được cho là đang được lưu giữ ở Pháp, phần còn lại được bảo quản bên trong một căn phòng đặc biệt của Vương Cung Thánh Đường San Giovanni in Laterano (Thánh Gioan Latêranô) ở phía bên kia đường, cũng là Vương Cung Thánh Đường đầu tiên của thế giới.
Vương Cung Thánh Đường San Giovanni in Laterano |
Những người muốn “săn lùng” thánh tích tại Rome còn có thể tìm thấy ở đây một mảnh gỗ được lấy từ bàn của buổi tiệc ly và một tấm gỗ từ bàn thờ từng được vị giáo hoàng đầu tiên là thánh Phêrô dâng lễ. Và không nên bỏ qua nhóm tượng của 12 thánh tông đồ, tất cả được khắc họa trong tư thế bị hành hình.
Santa Croce in Gerusalemme
Ở phía cuối đường, cách Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Latêranô không xa là Vương Cung Thánh Đường Santa Croce in Gerusalemme (Thánh Giá Giêrusalem), nơi đặt những thánh tích quan trọng nhất về cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Toàn bộ thánh tích được trưng bày bên trong một chiếc hòm bằng thủy tinh nằm ở nhà nguyện cuối lối đi bên trái của nhà thờ chính. Hai cái gai lấy từ mão gai nằm kế bên tấm bản gỗ được cho là từng treo trên thập giá hành hình Chúa Giêsu, bên trên có dòng chữ Titulus Crucis. Tại đây cũng đang lưu giữ 3 mẩu lấy từ cây “thánh giá của sự thật”, kèm theo “ngón tay ngờ vực” của thánh tông đồ Tôma. Vị thánh tông đồ này tỏ vẻ hoài nghi không tin rằng Đức Giêsu quay về từ cõi chết nên kiểm chứng bằng cách kiểm tra các vết thương trên người Thầy khi bị đinh đóng.
Vương Cung Thánh Đường Santa Croce in Gerusalemme |
Một bức tượng của thánh Helena được đặt trong khuôn viên nhà nguyện nhỏ bé bên trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Giá Giêrusalem. Mẹ của Hoàng đế Constantine I được ghi nhận với công lao tìm kiếm các di vật của thánh giá sự thật đã bị thất lạc.
San Paolo Fuori Le Mura
Vương Cung Thánh Đường San Paolo Fuori Le Mura (Thánh Phaolô Ngoại Thành) là một trong bốn Vương Cung Thánh Đường quan trọng nhất ở Rome. Sở dĩ có từ “ngoại thành” trong tên của nhà thờ này là do nằm ngoài phạm vi tường thành được hoàng đế La Mã dựng nên vào khoảng năm 271. Được xây dựng trên địa điểm hành hình và chôn cất thánh Phaolô, nhà thờ quan trọng này là nơi mọi tín hữu đều mong muốn ghé thăm khi có dịp hành hương đến Rome. Nơi đây chứa bộ sưu tập thánh tích lớn nhất có thể tìm thấy được tại thủ đô Ý, từ các lọ máu đến móng tay, mẩu sọ của các đời giáo hoàng và thánh nhân. Nhà nguyện thánh tích thuộc khuôn viên Vương Cung Thánh Đường còn đặt những thánh tích đầy ấn tượng, bao gồm dây xích 9 mắt từng trói thánh Phaolô, và một mảnh gỗ từ thánh giá sự thật.
Vương Cung Thánh Đường San Paolo Fuori Le Mura |
Chiesa del Sacro Cuore del Suffragio
Khi một nhà nguyện đằng sau nhà thờ Chiesa del Sacro Cuore del Suffragio (Thánh Tâm Chúa Chuyển Cầu) bị cháy trong một trận hỏa hoạn vào năm 1897, cha xứ người Pháp của giáo xứ này đã thấy được khuôn mặt của một linh hồn bị mắc kẹt trong chốn luyện ngục xuất hiện khi ngọn lửa bốc cao. Tin tưởng mạnh mẽ vào điều mình thấy, vị linh mục quyết định cho xây một nhà nguyện mới và đặt tên là “Bảo tàng các linh hồn nơi địa ngục”, trưng bày hàng trăm ví dụ mô tả những linh hồn bị lạc lối đang đợi ngày lên thiên đàng. Trong số các mẫu vật gây tò mò tại viện bảo tàng là những dấu tay trên Kinh Thánh và giấy da dê, và chiếc mũ mềm của một người đàn ông cam đoan rằng đã chờ được người vợ quá cố quay về liên lạc trong giấc mộng. Tại đây không thiếu các bộ lễ phục của những linh mục cho biết đã thấy linh hồn, và nhiều đồ vật khác được trưng bày nhằm nhắc nhở rằng các linh hồn cần lời cầu nguyện để thoát khỏi chốn luyện ngục.
Nhà thờ Chiesa del Sacro Suffragio |
Ngày 2.11, tức ngày lễ Các Đẳng Linh Hồn, là dịp đặc biệt cho viện bảo tàng lẫn nhà thờ. Vào thời điểm này, các tín hữu đã đến đây cầu nguyện cho những linh hồn vẫn còn chưa được về Nước Chúa.
LING LANG