Ai Cập là đất nước duy nhất trên trái đất này còn giữ lại được một trong bảy kỳ quan cổ đại của nhân loại. Nếu như Vườn Treo Babylon, Tượng Thần Zeus ở Olympia, Đền Thờ Nữ Thần Artemis, Lăng Mộ Mausolus, Ngọn Hải Đăng Alexandria tất cả đã trở thành dư âm thần thánh, thì các kim tự tháp của Ai Cập vẫn vượt qua thời gian để còn hiện hữu đến ngày nay.
Sau khi ngôn ngữ của người Ai Cập cổ ngủ yên trong lòng sa mạc gần hai ngàn năm, tưởng chừng như nền văn minh xưa của họ không còn ai có thể hiểu được. Nhưng nhờ sự tương duyên của chiến tranh, quân đội của Napoleon tìm thấy một tảng đá đen tại Rosetta, ghi lại một văn bản (thời Hy Lạp chiếm đóng Ai Cập) bằng ba ngôn ngữ: chữ viết cổ Ai Cập, ký tự Demotic, ngôn ngữ Hy Lạp cổ vào đầu thế kỷ 19. Khi đọc không ai hiểu gì cả, phải đợi cho đến khi nhà ngôn ngữ học người Pháp tên Champollion (1790-1832) giải mã ra được ngôn ngữ tượng hình của người Ai Cập cổ. Từ đó nền văn minh cổ xưa của Ai Cập bừng sống dậy! Từ đó thế giới khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều di tích, lăng mộ, đền đài, obelish, và pyramics Ai Cập nằm dọc theo sông Nile.
Một trong những di tích vĩ đại nhất của nền văn minh cổ mà ngày nay nhân loại vẫn thường nói đến, là các ngôi Pyramics, mà người Việt thường hay gọi là kim tự tháp. Kim Tự là tiếng Hán Việt, có nghĩa là “chữ Kim.” Và pyramic có hình dáng giống như chữ Kim nên được gọi là kim tự tháp. Cũng vì thế mà phần lớn người Việt thế hệ trước chỉ biết đến tên kim tự tháp hơn là Pyramic!
Ngày nay, người ta đã tìm ra hơn 138 pyramics trên khắp đất nước Ai Cập. Nhưng nói về ngôi pyramic cổ xưa nhất, thì chưa có ngôi nào cổ hơn Step Pyramic (kim tự tháp bậc thang) tại Saqqara. Cũng không có ngôi pyramic nào lớn hơn, vĩ đại hơn ngôi Pyramic Cheops (Khufu) tại bình nguyên Giza, phía Tây Nam của thủ đô Cairo.
Trước tiên, nói qua về ngôi kim tự tháp bậc thang. Saqqara nguyên là khu vực an nghỉ của các vị pharoh của các vương triều từ thứ 3 đến thứ 6 (trong số 20 vương triều của Ai Cập cổ). Nhưng điểm đáng nói nhất ở đây là ngôi tháp pyramic của Pharoh Djoser. Đây là một kim tự tháp khác hẳn so với tất cả các kim tự tháp khác, vì hình dáng của nó được xây lên từng tầng. Từ dưới mặt đất lên đỉnh tháp có tất cả sáu tầng nên được gọi là “kim tự tháp bậc thang.” Tháp này được xây bằng các phiến đá limestone, được cắt ra bằng phẳng và sắp xếp lên nhau, vào khoảng năm 2670 Trước Công Nguyên (tính đến nay gần 4,700 năm).
Step Pyramic Djoser chỉ cao khoảng 63 mét và chiều dài mỗi cạnh khoảng 120 mét. Với thời gian cổ xưa dài như vậy, cho đến ngày nay mà tháp vẫn còn tồn tại thì quả là một công trình đáng ngưỡng mộ! (Cho dù Step Pyramic này đã được chính quyền Ai Cập trùng tu đôi lần). Hiện tại, chung quanh ngôi kim tự tháp bậc thang cũng đang được các nhà khảo cổ tiếp tục đào xới, cố gắng tìm thêm những lăng mộ khác. Tuy nhiên, có lẽ sẽ không có lăng mộ nào được xây dựng hơn Step Pyramic Djoser.
Đi lần về hướng Bắc dọc theo sông Nile khoảng chừng hơn 25 km, bạn đặt chân đến khu vực Giza, nơi có ba ngọn Pyramics vĩ đại nhất trong lịch sử Ai Cập.
Hùng vĩ nhất là Great Pyramic Cheops hay còn gọi là Pyramic Khufu, cạnh đó là Pyramic Chephren, và sau cùng là Pyramic Mykerius.
Thoạt tiên, khi mới nhìn thoáng qua ai cũng tưởng là Pyramic Chephren lớn hơn Great Pyramic Khufu. Nhưng thực ra thì không như thế. Pyramic Chephren được xây trên một bề mặt cao hơn 10 mét so với Pyramic Khufu. Hơn nữa, ngọn pyramic này xây có góc cạnh thẳng đứng hơn so với ngọn tháp kia nên trông nó có vẻ lớn cao hơn.
Đại Kim Tự Tháp Khufu được xây dựng khoảng thế kỷ 26 Trước Công Nguyên, với nền hình vuông, mỗi cạnh nền dài 230 mét. Chiều cao tháp nguyên thủy khoảng 146 mét, nhưng do động đất và hư mòn theo thời gian, đã làm mất phần nhọn trên đỉnh nên hiện tại pyramic chỉ còn cao khoảng 138 mét. Bốn mặt của pyramic tương ứng với bốn hướng Đông Tây Nam Bắc. Toàn thể pyramic được dùng các phiến đá lớn limestone và granite xếp chồng lên nhau hết sức khít khao. Mỗi phiến đá phía ngoài trung bình đều nặng hơn 2.5 tấn, càng vào giữa trung tâm các phiến đá càng lớn, có phiến nặng đến 16 tấn. Người ta ước lượng hơn 2.5 triệu phiến đá như thế được người xưa dùng để hoàn thành Great Pyramic Khufu.
Người đời sau vẫn còn nhiều câu hỏi và thắc mắc làm sao người Ai Cập cổ có thể định hướng Đông Tây Nam Bắc như chúng ta biết ngày nay. Làm sao họ có thể vận chuyển một số lượng phiến đá đẽo gọt to lớn như thế đến đây để xây dựng pyramic. Bằng cách nào họ đã chồng chất sắp xếp các phiến đá đó lên theo ý muốn của họ!
Riêng Đại Kim Tự Tháp Khufu đã được các nhà khảo cổ tìm ra được cửa vào bên trong pyramic ở sườn phía Bắc. Bên trong có hai con đường hẹp nhưng khá dài (có đến cả 100 mét). Một con đường đi thông sâu xuống dưới, một đường đi lên hướng trên vào một không gian tương đối rộng rãi nơi đặt quan tài của pharoh. Tôi đã có dịp vào bên trong hầm mộ, nhưng tất cả đều trống trơn. Không còn gì ngoài một quan tài đá còn để lại trong hầm mộ pharoh. Nếu bạn tò mò muốn đi vào trong pyramic để xem bên trong, thì bạn nên check lại cái lưng xem bạn có thể cúi cong người đi trong hầm mộ dài như thế hay không (bạn nên nhớ đi vào và còn phải đi ra)!
Năm 1954, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy một chiếc thuyền gỗ cổ xưa được chôn bên ngoài phía Nam kim tự tháp. Con thuyền dài 43 mét nhưng đã được tháo rời ra 1,224 mảnh lúc phát hiện. Người ta cho rằng đây là chiếc thuyền của Pharoh Khufu dùng lúc sống, và khi ông chết, thuyền được chôn theo để vị Pharoh này có thể dùng đi về thế giới nơi chốn thần Re (thần Mặt Trời) ngự trị.
Về ngôi Pyramic Chephren, đây là ngôi pyramic tuy nhỏ hơn Great Pyramic, nhưng không vì thế mà không có cái vĩ đại của nó. Điểm đặc biệt nhất của ngôi pyramic này là có một con đường thần lộ dài gần 500 mét, nối dài từ chân pyramic đến tượng Sphinx, một con nhân sư khổng lồ nằm phủ phục trước lăng mộ Chephren. Không một ai được phép đi trên con đường thần lộ, nhưng du khách được đến rất gần tượng Sphinx để chụp hình và thưởng ngoạn không gian tuyệt vời giữa nhân sư và Pyramics. Tượng nhân sư được tạc khắc đục đẽo từ một khối đá to rất đẹp, cao 20 mét dài 70 mét, là một hình ảnh tượng trưng cho quyền uy và dũng mãnh của các vị pharoh Ai Cập. Tuy nhiên, phía mặt của tượng đã bị phá hỏng, một bên mũi của tượng đã bị hư hỏng. Người ta không biết là do thời gian tàn phá, hay chính con người vì một thiên kiến nào đó đã phá hỏng đi một phần tuyệt tác của nhân loại.
Đến đây, bạn có thể cảm nhận cả một không gian lịch sử Ai Cập cổ xưa hiện về. Ba ngôi pyramics sừng sững uy nghi, bên cạnh tượng nhân sư đầu Pharoh mình sư tử dũng mãnh nằm trong tư thế phủ phục, giữa vùng sa mạc nóng bỏng mênh mông. Không gian đó không khỏi làm người du khách buâng khuâng về một câu chuyện huyền bí Ai Cập trong trí tưởng tượng của mình.
Về Pyramic Mycerinus, đây là pyramic nhỏ nhất với chiều cao chỉ có khoảng 65 mét, và cạnh dài 103 mét, nên rất khiêm nhượng nếu so với hai ngôi pyramic Chephren và Khufu. Tuy nhiên, nhờ vậy mà không gian Giza có được một chuỗi pyramics nối nhau. Sự liên kết này cũng tạo cho các nhà thiên văn học ngày nay một cái nhìn về vị trí liên kết của các ngôi sao trên bầu trời.
Bốn ngàn năm lịch sử thường gợi nhớ cho tôi câu chuyện Lạc Long Quân-Âu Cơ, chuyện con Rồng cháu Tiên để tôi biết tôi là người đất Việt. Chỉ thế thôi! Nhưng vượt qua không gian trái đất chật hẹp, nhìn về 4,500 năm trước ở một vùng đất sông Nile, một thời con người vùng đó đã có một nền văn minh vô cùng rạng rỡ, đã để lại cho hậu thế những câu chuyện tưởng như là huyền bí mà thế kỷ 21 này nhân loại vẫn còn thắc mắc tò mò muốn biết! Bạn hãy đến và tận mắt nhìn những điều “huyền bí” đó.
Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel