Thứ Hai, 21 Tháng Năm, 2012

Thầy giảng Anrê Phú Yên và tước hiệu Tử đạo tiên khởi

Thầy giảng Anrê Phú Yên và tước hiệu Tử đạo tiên khởi

     Sắc lệnh tôn vinh chân phước Thầy giảng An-rê Phú Yên gọi ngài với tước hiệu "Tử đạo tiên khởi Việt Nam". Có người thắc mắc về sự chính đáng của tước hiệu nầy. Chúng ta thử nghiên cứu vấn đề  nêu lên về mặt lịch sử.
     Ngay từ lúc đầu người ta đã từng nhắc đến An-rê Phú Yên  kèm theo tên gọi "vị tử đạo tiên khởi". Nhưng trong các bản văn vào thế kỷ 17, cách gọi như thế lại đi kèm với thành ngữ của Xứ Đàng Trong (Cochinchine). Nếu phải đối chiếu với các thực tại địa lý chính trị hoặc xã-hội-học hiện nay, hẳn có thể dịch lại là "Vị tử đạo tiên khởi miền Trung Việt Nam".
     Tuy nhiên một lối xưng hô như vậy có điều bất tiện là nhấn mạnh đến những khác biệt của mỗi vùng, trong lúc đó người dân  xưa nay luôn mạnh mẽ ý thức về sự thống nhất đất nước và thống nhất văn hóa;  những giai đoạn đất nước bị phân chia và xâu xé nhau luôn được xem là những giai đoạn đen tối và bất hạnh của lịch sử.
     Ngày nay, người Việt Nam ai cũng khát vọng, mong mõi thống nhất; sự kiện đó thúc đẩy mọi người vượt qua mọi giới hạn để xét xem tước hiệu "vị tử đạo tiên khởi Việt Nam" có thể áp dụng được cho An-rê Phú Yên  hay không. Kỳ thực năm 1820, khi đất nước được thống nhất (lúc ấy), linh mục văn sĩ Filipe do Rosário Bỉnh, gốc người Hải Dương, Bắc Việt Nam đã không ngại viết thế nầy: "Thầy giảng An-rê Phú Yên, là người đầu tiên chịu tử đạo trong nước An-nam, đúng vào ngày 26.7.1644". Chữ An-nam ở đây phải được hiểu là toàn bộ nước Việt Nam.
     Ngày nay, khi đọc kỹ lại các tài liệu lịch sử, một số người lại thắc mắc về danh hiệu nầy. Thật thế, An-rê không phải là người Việt Nam đầu tiên đã chịu chết vì đức tin. Tác giả Phạm Đình Khiêm trong cuốn Người chứng thứ nhất đã đề cập đến vấn đề và kết luận rằng, dù có chứng cớ ngược lại, nhưng tước hiệu nầy vẫn xứng hợp với An-rê. Tuy thế, tác giả liên hệ cũng chỉ xét đến một phần của hồ sơ thôi.
     Sau đây là một số tài liệu có thể bổ túc thêm hồ sơ :
     
     1- Truyện của Phan-xi-cô (Francisco) thành Thăng long (+ 1630)

     Người Việt Nam đầu tiên chết cho đức tin mà người ta còn nhớ và còn nhắc  là một người tên Phan-xi-cô sống ở thủ đô miền Bắc, thành Thăng Long; cái chết của vị nầy được biết đến qua bút tích của linh mục Alexandre de Rhodes. Đây là sự kiện được chép lại trong một bản văn đã được phát hành.
     "Chương 41: Một người tân tòng Xứ Đàng Ngoài tuyên xưng Đức Tin một cách anh dũng cho đến chết; và có một vài phép lạ."
     "Một người tên Phan-xi-cô đã chịu phép rửa cùng với những người khác đã hai năm trước đó. Người nầy hết sức chuyên cần làm việc phước đức, nhất là việc chôn cất kẻ chết: ông đích thân cõng người  chết trên mình.
     Người ta kể lại sự việc cho người em vua, là người chủ của Phan-xi-cô; vị nầy vốn không ưa gì người Kitô hữu. Phan-xi-cô bấy giờ ở trong đội khiêng kiệu cho vị hoàng thân ấy. Hoàng thân tức tối cho gọi Phan-xi-cô và truyền cho ông phải bỏ đạo Kitô, và nhất là không được đụng hoặc vác xác người Kitô hữu đến huyệt mộ. Ông nói rằng cử chỉ đó bất xứng: ngươi khiêng anh em nhà vua không thể nào bị xác kẻ chết làm ô uế. Phan-xi-cô trả lời: "Bẩm ngài, tôi là người Kitô hữu; tôi phải giữ luật Kitô giáo để được cứu rỗi; do đó, tôi không cách gì bỏ đạo được, cũng như không làm việc phước đức của đạo tôi. Tôi vẫn luôn cung cúc phục vụ ngài, nhưng đối với những điều đức tin Kitô giáo và luật Chúa Kitô đòi buộc, tôi muốn giữ trọn vẹn cho đến hơi thở cuối cùng của đời tôi".
     Khi nghe những lời ấy, Hoàng thân nổi giận và truyền đuổi Phan-xi-cô tức tốc ra khỏi dinh của ông. Phan-xi-cô vâng lệnh và tiếp tục làm việc nghĩa hầu chuẩn bị một cái chết lành thánh. Một vài ngày sau, vị hoàng thân ấy còn tức bực Phan-xi-cô nên triệu ông về dinh, và lại truyền lệnh cho ông phải bỏ đạo. Phan-xi-cô trả lời mạnh mẽ và nhất quyết: "Làm sao bỏ đạo được?" "Chỉ có đức tin Kitô giáo mới giúp cứu độ thật sự và đời đời, tôi không muốn chối bỏ đức tin". Hoàng thân bừng bừng nổi giận. Ông ra lệnh ném Phan-xi-cô vào tù, cho tra tấn và đánh đập. Vì Phan-xi-cô vẫn trung kiên tuyên xưng đức tin của mình, nên hoàng thân cho lấy rìu đập vào đầu gối để hành hình; sau đó ông xuống lệnh chặt đầu: Phan-xi-cô bấy giờ trả lại linh hồn mình cho Chúa để vĩnh viễn hưởng hạnh phúc. Chính ông là người đầu tiên trong những người Kitô hữu Đàng ngoài, đã đại độ dâng hiến đời mình, và chịu chết vì người ta ghét đạo Chúa Kitô".
     Trong thực tế, truyện nầy là một chứng tá nổi bật về đức tin của những người đạo mới ở Đàng Ngoài nước Việt Nam. Hiện không tìm được những chứng nhân tại chỗ, để có thể chân nhận cái chết của Phan-xi-cô là do người ta ghét bỏ đức tin, bổ sung cho bản văn của Alexandre de Rhodes. Vào lúc xảy ra sự việc, không có vị thừa sai nào hiện diện trong xứ. Sau đó, đúng ra phải có sự đối chất với các chứng nhân trực tiếp, nhưng công việc nầy đã không được thực hiện. Ngoài ra, có thể những lúc quan trọng nhất lại là cuộc đối đầu giữa nạn nhân và người bắt hại ông mà thôi. Nên ngày nay khó mà trưng dẫn chứng cớ về cuộc tử đạo của Phan-xi-cô, và truy tặng cho ông tước hiệu "Tử đạo tiên khởi".

     2- Truyện thầy giảng Gio-an (João) Bố Chính (+ khoảng 1638)
     Trường hợp của thầy giảng Gio-an ít được biết đến so với trường hợp của thầy Phan-xi-cô. Tuy thế, cũng cần nêu lên ở đây. Đây là bản văn của Alexandre de Rhodes : 
     "Cái chết hạnh phúc lành thánh của vài người đạo mới, Chương 46".
     "Tôi sẽ bắt đầu câu truyện bằng việc kể lại cái chết khốc liệt mà thầy giảng Gio-an, ở tỉnh Bố Chính phải chịu do sự tàn ác của vị quan tổng đốc, phò mã của nhà vua; tại tỉnh Bố Chính nầy, người thợ truyền giáo miệt mài công tác trong bảy hoặc tám năm mang lại những lợi ích vô cùng cho nhiều người; những thành quả quí giá ấy xứng hợp với bao công lao quí giá (của thầy giảng Gio-an) trước mặt Chúa và mọi người. Thầy được Chúa ban ơn chữa lành bệnh tật, làm cho mọi người quí mến đức độ và con người của thầy; mọi người ngưỡng mộ và tìm cách thân quen với thầy, ngay cả những người lương; và cả đến quan tổng đốc, là người ngoại giáo cũng xác tín tài næng đức độ của thầy. Nguyên nhân do chuyện một trong những nàng hầu mà quan tổng đốc yêu quí nhất, vốn thù ghét người Kitô hữu và luật đạo của Chúa, bị đau thật nặng, quan tổng đốc lo lắng nên sai người tìm thầy Gio-an xin thầy cầu nguyện để chữa lành bệnh cho người quan yêu mến. Nhưng người tôi tớ tốt lành của Chúa, vì không học biết, nên suy nghĩ (sai) và (tin) rằng thầy không thể dùng ơn Chúa ban cho để chữa lành cho một người phụ nữ ác độc, thù nghịch với Chúa Giêsu Kitô, nhục mạ luật Chúa và danh Chúa; do vậy thầy nhất mực từ chối không đến gặp bà nầy; cho dù được mời nhiều lần và hết sức khẩn khoản, có lúc còn đe dọa, nếu thầy không chịu đến; nhưng thầy vẫn nhất mực từ chối, thà chịu chết chứ không làm điều mà quan tổng đốc ra lệnh, vì điều ấy Chúa cấm thầy làm. Quan tổng đốc nghe vậy, nổi giận sai bảy người lính dưới quyền kéo ông ra ngoài đồng và phóng lao giết chết thầy. Họ đã hành quyết người ngay lành nầy một cách ác độc, chỉ vì thầy sợ tội hơn là sợ chết, chỉ vì thầy nghĩ rằng làm theo ý quan tổng đốc là làm trái lương tâm. Vì thế Chúa đã sớm bênh vực chính nghĩa của kẻ vô tội nầy và trả thù về sự sai lạm hại đến con người ấy: ngài đã đảy vợ con của vị tổng đốc vào tay chúa Xứ Đàng Trong; họ đã bị chúa  nầy bắt làm tù nhân trong một cuộc chinh phạt trên vùng tỉnh mà quan tổng đốc nầy cai trị; và chính quan nầy cũng bị bắt vào tù của chúa Đàng Ngoài, là nơi mà ông đã chạy ra để lánh nạn; ông bị kết án về một số tội chống lại nhà nước, và bị xử cho chết đói trong tù; xác ông bị bêu ba ngày  trước công chúng, (đó là) một hình phạt nhục nhằn ghê gớm ở xứ Đàng Ngoài".
     Dường như không cần phải bàn cãi thêm về những nguyên nhân gây nên cái chết của thầy giảng Gio-an, vì chúng đã được Alexandre de Rhodes phân tích rồi. Thật thế Alexandre de Rhodes vừa cho ta thấy nét cao cả và giới hạn của việc hy sinh đời mình mà thầy giảng nầy đã thực hiện. Ngoài ra, ở đây cũng vậy, không tìm được chứng nhân trực tiếp, không có một bản cung khai nào chứng thực các sự kiện hoặc trình bày nguyên cớ của các sự kiện liên quan. Cũng như trường hợp của Phan-xi-cô, ở đây không thể nêu lên được chứng cớ về việc tử đạo của thầy giảng Gio-an.
     Ngoài hai chứng nhân Kitô giáo nầy tại Xứ Đàng Ngoài, không có một người Việt nam nào khác được nêu lên trong các tài liệu, đã hiến cuộc sống mình vì đức tin trước tháng bảy năm 1644; như thế nghĩa là trước thầy giảng An-rê Phú yên.

     3- Những vị thừa sai đầu tiên của Việt Nam đã chết vì đức tin
     Về thời kỳ lịch sử trước ngày An-rê qua đời, cũng cần nghiên cứu trường hợp của một số nhà truyền giáo của Việt Nam chết vì đức tin, hẳn có quyền mang tước hiệu là tử đạo tiên khởi của giáo hội nầy; chúng tôi cố sức trình bày sự việc dựa vào những tài liệu qui chuẩn hơn cả.
Trường hợp của Pedro Ortiz Cabezas, O.F.M., và Luís da Fonseca, Jorge da Mota, Juan Bautista Maldonado và Pedro Labastida, O.P. (+ 1598)
     Theo linh mục Bùi Đức Sinh, tác giả của nhiều tác phẩm rất hữu ích về Giáo-hội Viêt Nam (được nhiều nhà nghiên cứu sử khác của giáo-hội nầy lặp lại về điểm nầy), thì các vị tử đạo tiên khởi hẳn nên tìm nơi phía các vị thừa sai dòng Đa-minh đến trong vùng vào thế kỷ 16; theo tác giả thì lịch sử của các vị nầy  có thể chưa được truy cứu rõ. Trong các vị được gợi ý mang tước hiệu tử đạo tiên khởi, Linh mục Bùi Đức Sinh nêu lên cái chết khốc liệt của Louis de Fonseca và "Grégoire de la Motte", Juan Bautista Maldonado và Pedro Labastida; địa điểm "tử đạo" của các vị có thể là Quảng nam. Nhưng rất tiếc là trước đó tác giả đã không truy cứu được các bản văn rất chuẩn xác nói đến các thời kỳ nầy của phái đoàn truyền giáo Đa-minh tại Viễn-đông, của sử gia dòng Đa-minh Benno Biermann. Tác giả Benno Biermann đã truy cứu kỹ lưỡng các tài liệu để trình bày rõ rệt những vấn đề nầy một cách hầu như dứt khoát.
     Năm 1583, Pedro Ortiz Cabezas là một tu sĩ dòng Phan-xi-cô người Tây-ban-nha, ngài là một trong tám vị tu sĩ Phan-xi-cô đã phiêu lưu mở một cuộc truyền giáo vào Việt Nam. Phái đoàn nầy do Diego de Oropesa làm trưởng đoàn hướng dẫn đến bờ biển Việt Nam, nằm trong vịnh Đà Nẵng, phía Bắc của hải cảng nầy hiện nay. Nổ lực nầy hoàn toàn thất bại; các đương sự không được lưu trú trên đất liền, và sau mười ngày đành phải ra khơi trở lại. Họ có thể xem như là những nhà truyền giáo của Việt Nam theo nghĩa rất xa. Pedro Ortiz sau nầy hướng đến nước Cao-Miên. Ở đây người ta dễ chấp nhận hơn và ngài có thể lưu lại nhiều năm tại thủ đô Lovek, phía trên thành phố Nam-Vang hiện nay.
     Luís da Fonseca và Jorge da Mota là hai tu sĩ Đa-minh người Bồ-đào-nha đến tăng viện cho phái đoàn truyền giáo Đa-minh ở Cao-Miên năm 1589. Dường như họ sống nhiều næm ở Angkor. Trong cuộc đột nhập của quân đội Xiêm vào Cao-Miên từ 1593-1594, họ bị bắt làm tù nhân và bị dẫn về Xiêm, nhưng sau đó họ được trả tự do, và còn nhận những vinh dư ở Hoàng-cung Ayuthia. Luís da Fonseca đã rửa tội cho một phụ nữ Nhật-bản làm cho chồng bà ấy tức giận để rồi giết ông ngay trên bàn thờ tại Ayuthia, có lẽ vào năm 1598, sau vụ ấy người Bồ-đào-nha và người Nhật xung đột. Jorge da Mota cảm thấy sinh mạng bị đe dọa nên tìm cách thoát chạy đến một chiếc tàu Tây-ban-nha để ra khỏi xứ trong năm ấy; nhưng trên đường chạy trốn ngài bị thương và chết trên thuyền giữa biển.
     Juan Bautista Maldonado và Pedro Labastida là hai tu sĩ dòng Đa-minh người Tây-ban-nha: Lịch sử của họ gắn liên với chuyến viễn chinh thứ hai của những người Tây-ban-nha ở Phi-luật-tân, năm 1598, vừa nhằm chiếm Cao-Miên bằng quân sự, vừa nhằm lý do tôn giáo.
     Cuộc xâm chiếm ấy  gặp nạn, người Tây-ban-nha bị đạo quân người Mã-lai đánh thuê cho Cao-Miên phục kích. Sự việc xảy ra tại thủ đô Lovek. Pedro Labastida bỏ mạng đồng thời với tu sĩ Phan-xi-cô Pedro Ortiz Cabezas đã nói đến trên đây. Còn Juan Maldonado chạy trốn được với nhiều người đồng hương khác thoát nạn. Tàu của họ là chiếc tàu đã đón Jorge da Mota ở Xiêm trong lúc chạy trốn. Nhưng Maldonado cũng bị thương như Jorge da Mota: tay ngài bị một viên đạn thần công cắt đứt, ngài từ trần ngày 22.12.1598 khi tàu đi gần kề các bờ biển Xứ Đàng Trong.
     Nếu nhìn theo quan điểm địa lý, thì không ai trong bốn bị tu sĩ Đa-minh nêu lên đây có thể thuộc về lịch sử Giáo-hội Việt Nam được hết. Giả thiết có một hình thức sinh hoạt ở Quảng Nam do một vài tác giả nêu lên không dựa trên một căn cứ tài liệu nào cả và không æn khớp với các dữ kiện của lịch sử. Cũng như, tuyệt đối không thể nào cứ xác quyết là họ có thể chết vì đạo (nghĩa là vì người ta ghét đạo) trong vùng nầy. Cái chết của Maldonado "hướng nhìn bờ biển Việt Nam" có thể được xem như báo hiệu một điềm tốt cho các công cuộc truyền giáo tương lai của Dòng Đa-minh tại nước nầy.
     Ở phần xa hơn nữa, chúng tôi đã nói về vai trò hoàn toàn tượng trưng của tu sĩ Phan-xi-cô Pedro Ortiz trong lịch sử truyền giáo tại Việt Nam. Nhưng cái chết khốc liệt của ngài ở nơi xa, không nằm trong khuôn khổ truyền giáo tại đây.
     Hơn nữa, có thể trừ trường hợp của Luís da Fonseca, các hoàn cảnh và nguyên cớ về cái chết của các nhà truyền giáo nêu lên đây, khó lòng áp dụng cho tước hiệu "tử đạo".

     Rafael da Madre de Deus, O.S.A. (+ 1606)
     Các tu sĩ "Ẩn sĩ của Thánh Augustinô" thuộc tỉnh dòng Bồ-đào-nha đúng là những vị tiên phong đích thực trong công cuộc truyền giáo tại Việt Nam, trước khi các tu sĩ Dòng Tên đến Việt Nam vào năm 1615. Vậy mà công việc của họ bị tất cả các nhà viết sử của Giáo-hội Việt Nam quên lãng hoặc bị giảm thiểu đến mức tối đa. 
     Lịch sử của An-rê Phú Yên nói đến một Kitô hữu "An-rê Anh cả", lúc ấy 73 tuổi, là người Kitô hữu xa xưa nhất của Quảng Nam. Dường như ông đã được các tu sĩ dòng Augustinô giúp gia nhập đạo.
Trong các vị ấy, Rafael da Madre de Deus phải được xem là nhân vật nổi bật nhất. Ngài truyền giáo tại Việt Nam từ năm 1595 đến 1602 hoặc 1603, và bị người Hòa-lan chận bắt ở giữa biển và bị giữ làm con tin trong nhiều năm tại Johore (ở Mã-lai, đối diện với Tân-gia-ba). Ngài là vị truyền giáo giảng Phúc-âm kiên trì cho người Hồi-giáo, đã bị dân chúng Mã-lai sát hại tại Johore ngày 03.10.1606.
     Có thể xem Rafael như vị truyền giáo đầu tiên của Việt Nam đã hiến mình để rao giảng Phúc-âm; nhưng không thể nói ngài là "tử đạo của Viêt Nam" nên tước hiệu mà truyền thống trao cho An-rê  như tử đạo tiên khởi của Việt Nam không thể bị ảnh hưởng gì.

     Chân-phước Diogo de Carvalho, SJ (+ 1624)
     Những nhận định tương tự có thể áp dụng cho một nhà truyền giáo Dòng Tên, đã từng đi qua Việt Nam, và chết tử đạo ở Nhật-bản; và cái chết tử đạo ấy đã được Giáo-hội nhìn nhận. Đó là linh mục Bồ-đào-nha Diogo de Carvalho, từ næm 1615 đến 1616, thuộc đoàn truyền giáo đầu tiên được Hôi-dòng Áo-môn gửi đến Hoài Phố (Hội An), cùng với Phan-xi-cô Buzomi. Nhưng kỳ thực Diogo đã được chỉ định từ trước để hướng đến Nhật-bản và tìm cách nhập với đoàn truyền giáo nầy khi có dịp thuận lợi nhất. Ngài làm tông đồ cho đảo Yêso (Hokkaido) và chịu tử đạo tại đây vào næm 1624. Ngài được phong Chân-phước vào ngày 07.7.1867.
     Chân-phước Diogo de Carvalho là tên được nhắc đến đầu tiên trong tử-đạo-lục riêng của Giáo-hội Việt Nam. Nhưng ngài không thể được xem như vị tử đạo tiên khởi của Việt Nam được.

     Kết Luận
    Trong các danh sách các "vị tử-đạo" của Việt Nam được xuất bản, lúc đầu bằng Pháp ngữ qua tác phẩm của Montézon và Estève sau đó bằng tiếng Việt trong các bài viết của tu-sĩ Benoît, An-rê được xếp vào chỗ thứ hai sau Phan-xi-cô Thành Thăng Long. Hai tác giả nầy, trước hết là những nhà nghiên cứu kỹ các bản văn của Alexandre de Rhodes, nên đã lấy các dữ kiện được viết ra vào thời kỳ liên hệ.
Dựa vào những gì đã trình bày trên đây, và không hề muốn thất kính hay giảm lòng ngưỡng mộ đối với Phan-xi-cô và Gio-an cũng như các vị truyền giáo mà chúng ta nêu tên trong bài nầy, thì dường như tước hiệu "tử đạo tiên khởi của Việt Nam" thuộc về thầy giảng An-rê Phú Yên một cách chính đáng, không thể nào chối cãi được.

Roland Jacques, OMI

Bản dịch Việt ngữ Định Hướng

Bài viết khác

Kinh Lạy Nữ Vương

Kinh Lạy Nữ Vương

02/09/2024

Thưa cha, tại sao trong kinh Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành... mà lúc thì gọi Mẹ Maria là Mẹ, lúc thì gọi là Bà? Có ý nghĩa gì và tại sao?

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art