Thứ Ba, 22 Tháng Năm, 2012

Thánh Gioan Bosco

Thành tâm ghi ơn Giảng viên đoàn các lớp Giáo lý Cộng đoàn Đức Mẹ Lavang Strasbourg.

     Lời nói đầu :

     Phần đông người Việt nam chúng ta đã nghe nói, hoặc đã từng gởi con em vào Dòng Salêsiô ở Đà lạt. Vậy để am tường mục đích của dòng này, Nhịp cầu hân hạnh giới thiệu tới quý độc giả hạnh tích của Thánh Gioan Bosco, là Đấng đã sáng lập dòng Salêsiô.

     Mặt khác, chúng ta cũng thường nghĩ rằng các vị Thánh, nam cũng như nữ, từ bé đến lớn đều không mắc phải một tánh xấu nào. Nghĩ như vậy là sai, vì các ngàicũng là người như chúng ta, cũng da mỏng thịt mềm, cũng đầu đen máu đỏ, cũngcó nết tốt cũng có tật xấu, song các ngài đã biết tự đấu tranh với bản thân và khắc phục mọi khó khăn...

     Thánh Gioan Bosco, lúc thơ bé, cũng nghịch ngợm, cũng hung hăng đấm đá; nhưng nhờ có lòng sùng kính Mẹ Maria, lại nhờ thân mẫu là bà Magarita, một thôn nữ rất mực đạo đức, rất hiền hoà và khôn ngoan giáo dục, nên Gioan Bosco, đã được bước lên bàn thờ dâng thánh lễ, và trở thành vị Tông đồ của giới trẻ, công trình xây dựng của ngài lan tràn khắp mọi Lục địa, ngày càng phát triển, ích lợi cho linh hồn người ta nhất là giới trẻ nghèo nàn.

     Như vậy, suốt đời ngài, Thánh Gioan Bosco đã theo đúng phương châm : Làm mọi việc vì Thiên chúa, với Thiên chúa, cho Thiên chúa để trở thành một trongnhững vị Thánh cả của Giáo hội Khải hoàn (Eglise Triomphante).

     Gioan Bosco chào đời

     Gia đình Bosco quê ở thôn Becchi, cách thị xã Turin độ 20 km, thuộc tỉnh Piémont ở miền bắc nước Ý-đại-lợi. Ông Bosco là một nông dân chuyên làm mướn cho điền chủ, ông siêng năng cần mẫn, và là người đạo đức sốt sắng lắm. Do cuộc hôn nhân đầu tiên, ông được một cậu con trai tên là Antoine. Bà Bosco qua đời lúc Antoine còn bé bỏng, nên ông Bosco phải nghĩ đến việc tục huyền để có người coi trong ngó ngoài, và nuôi nấng con thơ.

     Ông Bosco cưới được cô Magarita là một thôn nữ đoan trang, cần mẫn, can đảm và phúc hậu. Ngày 16.08.1815, Gioan Bosco chào đời; và hôm sau thì được lãnh bí tích Rửatội tại nhà thờ Giáo xứ Châteauneuf. Thời gian sau, bà Magarita sinh thêm được một trai nữa là Joseph. Từ đây, gia đình tuy nghèo nàn song cũng cơm lành canh ngon, cảnh gia đạo cũng vui vẻ, duy chỉ có Antoine đôi khi cũng hung hăng với hai em trai của mình; Ở đời, cái cảnh cùng cha khác mẹ cũng hay sinh ra rắc rối là lẽ thường; ấy cũng do mặc cảm mà ra, mặc dầu ông bà Bosco vẫn một lòng thương yêu ba đứa con của mình.

     Tuy vậy, ông bà quý Gioan hơn, vì Gioan khoẻ mạnh, đầy sinh lực, luôn luônvui vẻ, không hề càu nhàu; đôi mắt sáng quắc, thỉnh thoảng cũng láu lỉnh; cậu ta thích để ý quan sát tất cả mọi cái, rồi nhớ rất kỹ. Từ bé bỏng, Gioan đã biết làm dấu Thánh giá.

     Mồ côi cha

     Tai họa không ngờ đã xảy đến cho gia đình Bosco. Nguyên do cũng vì lương tâm nghề nghiệp mà ông Bosco thọ bệnh. Hôm ấy, ông Bosco từ ngoài đồng về, mồ hôi nhễ nhại, mà điền chủ sai Bosco xuống hầm rượu để xếp chai. Không muốn cho điền chủ chờ đợi mình, Bosco không kịp thay áo xống, xuống hầm rượu bắt tay vào việc, nên bị cảm lạnh mà sưng phổi. Thuở ấy, y dược chưa phát minh được các thứ thuốc men linh nghiệm như thời nay, nên sau đó mấy ngày ông qua đời, ngày 17.5.1817, hưởng dương 34tuổi mà thôi, sau khi lãnh đầy đủ các phép Bí tích của Hội thánh, để lại ba đứa con mồ côi cha. Trong cơn hấp hối, ông còn được tỉnh táo khuyên vợ con rằng : Dù có thế nào chăng nữa, em và các con hãy vững tin vào Thiên chúa. Nói xong, linh hồn lìa khỏi xác. Gioan chưa tròn hai tuổi, song biến cố xótthương này đã in sâu vào tâm trí của Gioan. Gioan chẳng muốn rời khỏi bố. Bà Magarita, lòng xót xa gọi con :

     - Gioan ơi! Con ra đây với mẹ!

     Gioan đáp :

     - Nếu bố không ra theo thì con quyết ở lại đây.

     Bà Magarita :

     - Nhưng con ơi! Ở trên cõi đời này con không còn có bố nữa.

     Nói xong, bà Magarita nắm tay con kéo ra khỏi phòng.

     Tuổi thơ

     Sau khi đã lo cho ông Bosco được mồ yên mả đẹp, bà Magarita không buông trôi mặc cho số phận, không ươn hèn ngồi khóc than kêu trời van đất; trái lại, đãcan đảm thu xếp việc nhà, để một thân khai thác một thửa đất. Gặp lúc đại hạn, nạn đói đã làm cho nhiều người trong vùng phải thiệt  mạng, song, Thiênchúa không bỏ những ai có lòng tin cậy vào ngài, cho nên bà Magarita cũng lo cho ba đứa con, và nhạc mẫu có đủ lương thực hằng ngày.

     Điều mà bà Magarita lo lắng nhất là giáo dục cho các con nên người can đảm, sống đạo đức. Mặc dù không đọc được sách vở vì cảnh hàn vi, lúc thơ ấu không đủ phương tiện đi học, song bà ta biết nhìn lên thiên nhiên tạo vật, là cảmột pho sách vĩ đại của Chúa cả trời cao. Bà thường bảo các con :

     - Các con ơi! Thiên chúa thấy rõ các con tất cả, chúng con không thể chedấu Ngài bất cứ một việc gì, hay bất cứ một ý nghĩ gì.

     Suốt ngày làm việc vất vả nhọc nhằn luôn tay, bà Magarita vẫn luôn hướng tâmhồn lên cùng Chúa, để trình bày với Chúa hoàn cảnh và số phận của con cái mình. Hằng ngày, lúc chiều tối, sau bữa cơm đạm bạc, trước khi đi ngủ, bà gọi cả bacon đến ngồi cạnh lò sưởi với mình, để nghe mình kể chuyện về Cựu ước, Tân ước, hoặc kể hạnh tích ông Thánh nọ, bà Thánh kia. Gioan và Joseph chăm chỉnghe mẹ vì mẹ có giọng nói dịu dàng. Ban ngày, con cái cũng theo sức lực và khả năng của mình, giúp đỡ mẹ trong công việc đồng áng hoặc các việc lặt vặt trong nhà. Tuy vậy, trong một gia đình mà thiếu người đàn ông, công việc đồng áng nặng nhọc, cũng khó mà sống sung túc. Và, con mà thiếu bố thì cũng là một thiệt thòi lớn lao

     Ngoài việc giúp mẹ các việc vặt vãnh trong nhà theo sức mình, thỉnh thoảng,Gioan cũng được mẹ cho phép đi chơi với các trẻ con cùng xóm. Một hôm nọ, Gioan về nhà, trên đầu mang mấy cục u sưng vù, và áo xống rách tả tơi. Bà Magarita dùng muối thấm nước thoa vào cho tan máu, thay áo xống cho con và dịu dàng nói : Từ rày, mẹ không muốn con nô đùa với bọn ấy nữa. Gioan thưa lại :

     - Thưa mẹ, mẹ cứ cho phép con tiếp tục chơi với chúng nó, vì có con thì chúng không còn uýnh nhau, và cũng không dám nói lời tục tĩu thô bạo.

     Đúng như vậy, vì hễ thấy chúng nó sắp có chuyện cãi vã nhau, thì Gioan bảo :

     - Nếu anh em thích thì tôi kể chuyện đời xưa nầy cho mà nghe, lý thú lắm.

     Vậy là cả bọn ngồi xúm nhau quanh Gioan để nghe chuyện đời xưa. Gioan kể chuyện về Cựu ước, về Tân ước hoặc hạnh tích các thánh mà Gioan đã được mẹ kể cho, vànhờ trí nhớ sắc bén, nhờ lợi khẩu, nhờ cách thức trình bày hấp dẫn, nên bạn bè nghe mà không chán.

     Bà Magarita không những là một người đàn bà siêng năng cần mẫn, đạo đức, phúc hậu, lại có lòng từ nhân, cho nên, tuy cảnh nhà nghèo thật, song hễ thấyngười nghèo khó cần đến mình, thì sẵn lòng chia sẻ chén cơm manh áo, vì bà Magarita tin vững vàng rằng, Thiên chúa không bao giờ bỏ quên những người đã làm việc từ thiện, dù nhỏ, dù lớn; và bà còn quan niệm rằng : Bố thí cho kẻ nghèo là bố thí cho chúa Giêsu.

     Gioan cũng theo gương tốt của mẹ để thi hành đức bác ái với bạn bè theo cách của mình, theo hoàn cảnh của mình. Trong số trẻ con cùng xóm, có một đứa bécon nhà nghèo, thường ngày phải ăn bánh mì đen (pain noir), còn Gioan thì được mẹ cho ăn loại bánh mì làm bằng bột lúa mì (pain blanc). Gioan thường đổi bánh của mình với bánh của thằng bạn nghèo. Gioan nói :

     - Tôi khoái ăn loại bánh đen, anh đổi cho tôi thì tôi thích lắm.

     Đến đây, chúng ta, nhất là các cậu thiếu niên, đừng nghĩ rằng Gioan là mộtcậu bé lành thánh, trong sạch như thiên thần; song phải nghĩ rằng Gioan cũng có những lỗi lầm, song nhờ mẹ là người hiền hòa mà cương nghị, cho nên mỗi lần Gioan phạm lỗi trong lời nói hay trong hành động, thì được mẹ giảng giải,giáo dục mọi lẽ thiệt hơn, cốt làm sao cho con mình ngày càng phát triển, càng tiến bộ, càng nên tốt hơn.

     Phần Gioan, lãnh nhận mọi lời răn dạy của mẹ, và luôn tuân giữ một cách thànhthật, không bao giờ dối trá sai chạy, xảo quyệt.Vì nhà cửa chật hẹp, nên bà Magarita thường bảo : Các con muốn đùa giỡn thì ra ngoài trời mà đùa giỡn, kẻo nhà ta chật chội, đồ đạc ngổn ngang, lỡ ra vô ý có thể bị thương, hoặc cũng có thể làm hư hỏng không cái nọ thì bể, gẫy cái kia.

     Hôm nọ, mẹ phải đi mua thức ăn ở làng bên cạnh, nên ở nhà Gioan đùa giỡn với Antoine. Trong lúc hăng say, sơ ý làm bể chum dầu ăn. Dầu ăn thời ấy đắt lắm,và dầu vung vãi ra nhà làm hư hỏng nhiều đồ đạc. Gioan nghỉ chơi, lo lau chùi nhà cửa và đồ đạc, song chum thì bị vỡ, dầu” thì đâu còn nữa; lỗi sờ sờ ra đó rồi, lãnh phạt là đáng lắm. Gioan khóc nức nở vì hối hận, rồi ra vườn đốnmột khúc cây để làm roi, và ra ngồi ngoài cửa chờ mẹ về. Trong thời gian chờ mẹ - hơi lâu - Gioan bèn dùng dao chạm khúc gỗ thành một công trình đẹp lắm.

     Khi mẹ vừa về đến (để dùng cơm tối), thì Gioan lễ phép và kính cẩn trình chomẹ hay lỗi lầm của mình, và dâng cây roi đã chạm trổ để lãnh phạt. BàMagarita thấy con ngay thẳng và thật lòng biết lỗi thì cảm động, ôm con vào lòng và tha lỗi cho con. Thái độ hiếu thảo với Mẹ và biết nhận lỗi của Gioan, cũng giống thái độ hiếu thảo của Vua Tự Đức đối với mẹ là Bà Từ Dũ. Người ta kể câu chuyện như sau : Một hôm, trời cuối Hạ, ở Huế thường nóng bức do ngọn gió từ Lào thổi về, nên Vua Tự Đức thường về cửa Thuận an hóng mát và giải trí. Bất ngờ gió đổi chiều, rồi sau đó thì mưa tầm tã, các quan Triều đình cấp tốc ra lệnh cho đoànthị vệ gấp rút rước Vua về. Đến Hoàng cung,  Vua thân hành đi lấy chiếc roi bằng vàng đặt lên chiếc mâm bạc rồi sang cung Diên Thọ, đến trước mặt Bà Từ Dũ, Vua quì xuống dâng roi để lãnh phạt. Bà Từ Dũ không nhìn Vua, song với giọng oai nghiêm, chậm rãi quở rằng : Làm Vua mà không lo việc dân việc nước, lại còn đi chơi dông dài làm cho Quan quân phải mất công đi tìm đi rước. Lần nàyt a tha cho, đừng tái phạm nữa. Vua Tự Đức lạy mẹ rồi trở về Hoàng cung.

     Được rước lễ vỡ lòng

     Gioan, bẩm tính là người rất hiếu học, song nhà nghèo, mà trong thôn Beechi không có trường học, vả lại người anh cả là Antoine hay ganh tị, viện lý do là đồng áng lắm việc, cần mọi người phải dồn mọi sức lực vào thì công việc mới trôi chảy được. Tuy vậy, vào tiết Đông thiên, công việc cũng có giảm bớt phần nào, nên hằng ngày Gioan sang Thôn bên cạnh để được Cha sở dạy khai tâmcho rồi Gioan mang sách về nhà vừa chăn bò vừa học, nhờ các sách Cha sở cho mượn. Gioan ham mê học hành làm cho bạn bè ngạc nhiên; có đứa tìm cách khuấy rầy hoặc giựt sách. Gioan ôn tồn bảo : Các bạn hãy để tôi học vì tôi linh cảmrằng Chúa muốn chọn tôi làm Linh mục. Nghe vậy, bọn trẻ chẳng những khônglàm rầy mà tự nhiên sinh lòng cảm mến kính phục Gioan hơn nữa; trái lại Antoine không muốn nghe nói đến Chủng viện, lại còn chế nhạo Gioan một cách độc ác, làm cho Gioan muốn tiếp tục học, buộc lòng phải trốn tránh ông anh của mình.

     Bây giờ Gioan lên mười tuổi rồi, Gioan được mẹ dạy giáo lý để biết các phépbí tích, như phép giải tội (bây giờ gọi là bí tích hòa giải), phép mình ThánhChúa và chuẩn bị cho Gioan được rước lễ vỡ lòng vào dịp lễ Phục sinh năm 1826. Để ghi nhớ biến cố trọng đại này, bà Magarita cũng sắm cho gia đình một bữa cơm, tuy chẳng có gì là cao lương mỹ vị, song cả nhà đều hoan hỉ chung vui. Riêng Gioan, suốt ngày ấy, đã triền miên mặc niệm, suy ngắm.

     Bắt đầu học Latinh

     Tháng 4.1826 là năm toàn xá, Gioan được mẹ cho phép sang giáo xứ Buttigliera cách Becchi 4 km để nghe giảng tĩnh tâm. Buổi sáng, buổi chiều, giáo hữu tấp nập tham dự. Gioan mới 10 tuổi và như vậy, mỗi ngày hai lượt đi và hai lượt về, tính ra cũng hơn 16 km. Trên đường đi đi, về về, Gioan lần hạt mân khôi hoặc suy niệm lại bài giảng vừa được nghe ở nhà thờ. Buổi chiều nọ, trên đường về nhà, Gioan gặp một vị linh mục. Vị linh mục nầy đã để ý và thấy sự sốt sắng, chuyên cần của Gioan nên hỏi :

- Con ở đâu?

- Thưa con ở Becchi.

- Con cũng tham dự cuộc tĩnh tâm ư?.

- Vâng con thích nghe vị giáo sĩ thuyết giảng lắm.

- Thế con có hiểu, có nhớ chút gì không?

- Thưa Cha, con hiểu hết tất cả.

- Vậy nghe đây, Cha sẽ thưởng cho con 4 xu nếu con lặp lại cho Cha nghe bốn câu trong bài giảng.

- Thưa Cha, bốn câu trong bài giảng thứ nhất hay bài thứ nhì?

- Tùy ý con. Trong bài giảng thứ nhất, ngài nói gì?

- Thưa, ngài dạy ta cần phải vâng lời Chúa, hầu khỏi mất ơn cứu rỗi.

- Tốt lắm con ạ.

- Thưa Cha, nếu Cha muốn, con sẽ đọc lại suốt cả bài giảng.

     Nói xong, Gioan đọc lại bài giảng buổi sáng rồi bài giảng buổi chiều một cách rành mạch trôi chảy, làm cho vị linh mục khoái chí lắm, ngài lại hỏi Gioan về gia cảnh và về trình độ văn hóa. Gioan trình bày là biết đọc, biết viết, song chẳng biết gì về văn phạm, về toán học, về sử, địa. Gioan muốn đi học và muốn được làm linh mục, để sau này lo cho trẻ con. Phần mẹ Magarita không ước mong gì hơn, song anh Antoine luôn luôn cản trở cho nên chẳng biết phải xử trí cách nào...

     Vị Linh mục chăm chú nhìn Gioan, nắm tay Gioan và bảo :

     - Cha là Don Calosso phụ trách làng Murialdo. Chủ nhật nầy, con và Mẹ đến nhà xứ Murialdo gặp cha rồi chúng ta cùng thảo luận xem, chúng ta sẽ giúp ích gì được cho con không.

     Lòng tràn ngập sung sướng, Gioan trở về Becchi và tường trình mọi sự việc cho mẹ nghe. Đến ngày chủ nhật, hai mẹ con đến nhà xứ Murialdo yết kiến Cha Colosso. Vậy là từ đây, cứ mỗi buổi sáng, Gioan đến để được Cha Colosso dạy Latinh - còn buổi chiều thì chăn bò và tiếp tục học. Tối đến, Gioan mãi miết học, sự kiện này làm cho anh cả là Antoine bực bội, giận dữ, đôi khi còn đánh đập Gioan nữa. Suốt ngày chủ nhật, Gioan đến Murialdo giúp lễ rồi tập hát vàtổ chức các trò chơi cho trẻ con cùng lứa tuổi.

     Có một chiều nọ, người ta tổ chức khiêu vũ cạnh Thánh đường, mà đã đến giờ kinh chiều rồi, song thiên hạ cứ xúm quanh dàn nhạc, chưa muốn vào nhà thờ.Gioan không biết làm thế nào để lôi kéo bạn trẻ, bèn cất giọng hát một bài Thánh ca rất phổ quát. Giọng hát thanh bai ngọt ngào hấp dẫn nên mọi người xúm lại rồi cùng cao hứng hát theo; Gioan dẫn đầu, vừa đi vừa hát và tiếnvào nhà thờ. Bọn nhạc công ngưng đàn rồi nhiều người cùng ùa theo để nghe cậubé hát. Vậy là, mới có 11 tuổi, Gioan đương nhiên trở thành một hướng dẫn viên... Song, oái ăm thay! Gioan thụ giáo chưa được bao lâu thì Cha Colosso nhuốm bệnh. Trong cơn hấp hối, Cha Colosso trao cho Gioan số tiền của ngài để Gioancó phương tiện học hành. Khi cha Colosso qua đời rồi, Gioan trao số tiền ấy cho những người cháu của Cha Colosso, chứ không giữ lại cho mình đồng xu nào như lời Mẹ dạy là luôn luôn thật thà, trung hậu và ngay thẳng.

     Giấc mộng tiên báo

     Trong khoảng thời gian này, trong một giấc ngủ, Gioan lâm vào một giấc mộng ly kỳ, thật lạ đời : Gioan thấy mình đang đứng giữa một đám đông bạn bè cùng một lứa tuổi với mình. Chúng nô đùa nghịch ngợm, phá làng phá xóm, chúng uýnhlộn nhau, chúng mắng nhau bằng những lời lẽ tục tĩu thô bạo. Không nhịn được Gioan liền xông vào đấm đá túi bụi làm cho chúng khiếp sợ. Đoạn Gioan lại thấy một người mặt mày sáng ngời hiện ra, bảo mình rằng :

     - Không phải là bằng võ lực, cũng đấm cũng đá mà cảm hoá chúng nó được, để tạo chúng nó thành bằng hữu. Trái lại, con phải giải thích cho bọn chúng, làm cách nào để trở nên người tốt.

     Gioan kinh hoàng hỏi :

     - Nhưng ông, Ông là ai chứ?

     Mỉm cười người lạ mặt đáp :

     - Ta là con của một Bà mà Mẹ của cậu dạy cho cậu mỗi ngày phải chào kính ba lần. Cậu cứ hỏi Mẹ cậu thì sẽ biết đến tên ta.

     Trong khoảng khắc sau đó thì có một bà rất đẹp xuất hiện. Áo choàng của bà đầy ngôi sao. Gioan không dám cử động nữa. Bà nắm lấy tay Gioan rồi chỉ : Con hãy nhìn đây. Mấy đứa bé kia biến đâu mất, song thay vào đó, Gioan thấymột bầy ác thú đang gầm gừ. Bà ấy lại bảo :

     - Con hãy nhìn cho kỹ; bầy ác thú này ta sẽ biến thể nó. Sau nầy con sẽ cải hóa những trẻ con mà con có nhiệm vụ trông nom dạy dỗ.

     Gioan chăm chú nhìn và chẳng thấy bầy ác thú đâu cả nhưng lại thay vào đó làmột đàn cừu đang gặm cỏ. Gioan bèn thức giấc, ngủ không được nữa vì giấc mơ rất ly kỳ. Sáng ngày, Gioan tường thuật giấc mộng cho mọi người trong nhà nghe.

     Joseph bảo :

     - Thế là anh sẽ là một chú chăn cừu chứ gì?”

     Antoine với ác ý bảo :

     - Mầy sẽ là một tướng cướp không sai.

     Bà Magarita tiên đoán :

     - Có lẽ con sẽ làm linh mục.

     Gioan liền nói :

     - Thưa mẹ, con muốn làm linh mục đó là ý của con có từ lâu rồi.

     Bà Magarita :

     - Con ơi nhà ta giàu có gì! Nhưng sao con lại muốn làm linh mục?”

     Gioan thưa :

     - Con muốn hiến dâng trọn đời con để lo cho trẻ con. Con sẽ được chúng nó thương mến và con sẽ dạy cho chúng nó biết thờ phượng và kính mếnThiên chúa.

     Từ đó, vừa chăn bò vừa học hành, Gioan suy nghĩ về tương lai sau nầy làm cách nào để lôi kéo trẻ con - Và ngay bây giờ - Bạn bè sống cùng thôn xóm để chúng nó biết kính mến Thiên chúa.

     Làm xiếc (cirque), đánh đu, nhồi bóng

     Việc trước mắt của Gioan là làm cách nào để thu hút, để lôi kéo bạn bè vàtrong tương lai làm thế nào để tập hợp giới trẻ về với Chúa, mối lo ấy thườngám ảnh Gioan. Thế rồi, một hôm, Gioan được theo mẹ sang làng bên cạnh xem hội chợ (Foire) ngoài các gian hàng bán quà bánh, bắn súng, câu cá, ném phi lao, bắn cung,Gioan chỉ mê mệt theo dõi đám làm xiếc : Chúng nó đi trên dây, chúng nhồi bóng... Thiên hạ chen nhau xem, vỗ tay tán thưởng. Gioan bèn nghĩ rằng : Ước gì mình cũng làm được những trò ấy, thì mình sẽ có đông khách hàng. Để bù vào tiền vé vào cửa, mình sẽ mời họ lần một chuỗi mân khôi hoặc hát một bài Thánh vịnh.

     Về đến nhà, Gioan ra vườn cây, lấy giây thừng buộc vào hai cây, căng thật thẳng, dùng ghế leo lên để tập đi dây trèo lên té xuống, nhưng Gioan khôngthối chí và sau nhiều ngày luyện tập, Gioan đi dây được, tiếp theo là việcnhồi bóng - Rồi vừa đi trên dây vừa nhồi bóng, thấy cũng ngon lành lắm;người trong xóm rủ nhau đến xem; đông hơn hết là số trẻ con, ai ai cũng vỗtay khen ngợi tán thưởng; họ càng ngạc nhiên khi nghe Gioan đang đứng trên dây tuyên bố : Thưa quí ông bà và các bạn trẻ, tôi xin đề nghị chúng ta cùnhát một bài ca vịnh Mẹ Maria, nếu quí vị và các bạn không hát thì tôi sẽ té vỡ mặt bây giờ. Nói xong, Gioan cất tiếng hát và mọi người hiện diện cùnghát theo. Lần khác, vẫn đi trên dây, Gioan mời công chúng có mặt cùng lần hạt mân khôi với mình; gọi đó là giá vé xem xiếc. Có một sáng chúa nhật, một tên làm xiếc thứ thiệt, đến trong làng, cạnh ngôi Thánh đường, diễn các trò như đi dây, nhồi bóng, làm cho thiên hạ xúm nhauxem đông đảo mà giờ Thánh lễ cũng sắp đến rồi, Gioan tự nghĩ : Thế nầy thì không được, ta phải đánh cuộc với y một trận đấu chia làm ba hiệp, nếu y thua thì phải cuốn gói đi ngay để bà con vào dự Thánh lễ.

     Hiệp thứ nhất chạy đua. Gioan thắng. Hiệp thứ nhì nhảy qua con suối. Tên xiếc té xuống suối, Gioan nhảy qua còn quá 50 phân. Hiệp thứ ba là trèo lên cây lê xem ai leo lên đến chóp cây. Gioan thắng nữa, tên xiếc nhà nghề thua cuộc. Vậy là tên xiếc lẳng lặng xách đồ nghề ra đi, còn Gioan và đoàn giáo dân lớn bé đều vào giáo đường dự thánh lễ. Bấy giờ Gioan mới lên mười lăm tuổi.

     Đi làm mướn.

     Antoine, trưởng nam trong gia đình, vẫn ganh tị, vẫn dọa nạt Gioan. BàMagarita gởi Gioan qua giúp việc cho ông Môglia, là một nông gia tốt bụng -Không phải là để cho gia đình bớt đi miệng ăn - Song là để chấm dứt đi mọi xô xát giữa hai anh em cùng cha khác mẹ; âu đó cũng là một cách làm cho người hòa thuận. Đúng như trong tám mối phước thật mà Chúa Giêsu đã phán dạy : Ai làm cho người hòa thuận, ấy là có phước vì sẽ được gọi là con thiên chúa.

     Sang làm mướn tại nông gia của ông Môglia, Gioan không lãng phí thời giờ, cho nên dù công việc nhọc nhằn, vẫn kiếm thời giờ để ôn lại các bài học latinh,sở dĩ, Gioan có đầy đủ can trường nghị lực và luôn luôn vui vẻ là nhờ vào việc cầu nguyện. Hôm nọ, nông trại phải gieo hạt giống. Đến trưa, nghe chuông nhà thờ đánh đểđọc kinh Nhựt một, Gioan bèn quì gối giữa luống đất cày và đọc kinh như thường lệ. Ông Môglia lớn tiếng hỏi :

     - Chú mầy làm gì đó? Đứng lên và gieo giống đi chứ!

Gioan đọc kinh xong đứng lên và ôn tồn đáp :

     - Thưa ông, trong lúc làm việc mà mình cầu nguyện thì Chúa chúc lành cho công việc của chúng ta. Nếu ta cũng gieo kinh nguyện cùng một lượt với hạt giống ta gieo xuống đất, thì Chúa sẽ ban cho ta thu hoạch được gấp bội. Có một hôm, Cậu ruột của Gioan đến thăm ông Môglia, Gioan lợi dụng cơ hội trình bầy với cậu, mình rất thiết tha muốn làm Linh mục. Ông cậu liền can thiệp và nhờ vậy mà Antoine không còn viện lý do nọ kia gây chướng ngại cho ơn Thiên triệu của em mình nữa.

     Vào trường trung học

     Từ đó, Gioan được lên Chateauneuf để vào trường trung học. Gioan ở trọ nhà của bác thợ may. Ngoài giờ học ở trường, Gioan giúp việc cho Bác thợ may gọilà để trả tiền cơm, Gioan chăm chỉ học vá, học may, học cắt vải và đã tỏ ra làmột người học nghề hoàn hảo. Qua năm sau, Bà Magarita cho con lên Chieri để học lớp cao hơn. Đến thị xã Chieri, Gioan tạm trú tại nhà một Bác thợ Mộc. Để có tiền mua sách vở, Gioan bán tất cả những thứ thực phẩm, do mẹ và bà con xóm giềng đã mua sắm cho mình, còn về phần cơm nước hằng ngày, thì ngoài giờ đi học ở trường, Gioan học nghề mộc : Cũng cưa, cũng bào đục chạm; chẳng bao lâu mà tự mình cũng đóng được bàn ghế tủ.

     Về phần học vấn, Gioan nhờ vào trí nhớ, nhờ thông minh, nhờ siêng năng chuyên cần, cho nên học đâu nhớ đó. Trong số học sinh, phần đông ỷ mình là con nhà giàu có, chẳng mấy ai chăm chỉ học hành lại còn lêu lổng phá phách. Gioan bèn chọn lấy một số bạn bè ngoan ngoãn, tổ chức thành nhóm để họp nhau hát xướng, du ngoạn, kinh nguyện...

     Hôm nọ, nhân lúc giáo sư vắng mặt, nhiều cậu bày ra khiêu vũ gây náo loạn,duy chỉ có Louis vẫn nghiêm chỉnh học bài, làm cho tên đầu đàn bực mình tát vào mặt Louis. Bình tĩnh Louis nói : Chú mầy bằng lòng chưa? Thôi! Tao tha lỗi cho chú mầy, song yêu cầu để cho tao học bài. Thấy vậy, Gioan sinh lòng cảm mến Louis. Và từ đó, Gioan và Louis kết thân với nhau hóa nên tâm giao tri kỷ, cùng nhau bàn đến mọi dự tính trong tương lai.

     Vào đại chủng viện

     Xong phần trung học, Gioan được vào đại chủng viện. Lòng tràn ngập sung sướng vì từ đây, Gioan có thời giờ vào Nguyện đường để cầu nguyện cho bản thân, cho gia đình và cho những linh hồn mình sẽ trông nom trong tương lai... Louis về sau, cũng vào đại chủng viện. Hai bạn thường thích đàm luận về Thiên đàng rồi hứa với nhau rằng : Trong hai chúng ta, nếu ai chết trước thì sẽ về báo cho bạn biết số phận muôn kiếp của mình. Thật vậy, cả hai bạn tâm giao đã tỏ ra là không sợ chết, vì chết là biến cố tự nhiên không ai tránh được, và đã là Kitô hữu - phải nghĩ đến cái chết vì chết không phải là hết sống, song là thay đổi cái sống ở đời tạm trần gian, để được vào cuộc sống vĩnh cửu là thiên đàng.

     Hôm nọ, cả hai bạn cùng du ngoạn, khi qua một cánh đồng nho, Louis quan sát và thấy cây nho không được tươi tốt, bèn nói :

     - Năm nay mất mùa nho”

Gioan nói :

      - Có lẽ qua sang năm sẽ được mùa.

Louis :

     - Có lẽ thế, nhưng tôi sẽ không được uống loại rượu của sang năm.

Gioan :

     - Phải rồi, vì anh chỉ có uống nước lã mà thôi.

Louis :

     - Sang năm tôi sẽ uống thứ rượu ngon hơn kia.

Gioan :

     - Thế nghĩa là gì?”

Louis :

     - Tôi nói thật với anh tôi rất khát khao Thiên đàng. Tôi linh cảm rằng Chúa sắp gọi tôi rồi.

     Qua năm sau, buổi sáng ngày 25.3 Lễ Đức Bà chịu truyền tin. Louis cùng các bạn đồng môn đang điểm tâm ở nhà cơm, bỗng nhiên Louis thấy trong người khó chịu, và được các bạn dìu lên nhà ngủ để tịnh dưỡng; song chẳng ai biết được lý do gì mà cơn sốt trở nên dữ dội. Suốt cả tuần, Louis bị sốt mê man, lăn lóc quằn quại trên gường. Gioan được bề trên cho phép canh chừng bạn. Ngày thứ ba trong tuần Bát nhật Phục sinh (2.4.1839) Louis qua đời bình yên trong tay của Gioan Bosco. Đám tang Louis xong rồi thì tối hôm ấy, hai mươi đại chủng sinh trong nhà ngủ của Gioan thoạt nghe tiếng động ồn ào giống như một toán xe bò đang tiến tới, làm rung chuyển trần nhà và sàn nhà. Bỗng chốc cửa nhà ngủ tự nhiên mở toang ra, một ánh sáng kỳ diệu chiếu tỏa vào rồi mọi người được nghe một giọng nói ngọt ngào êm dịu và quen thuộc rằng :

     - Anh Bosco ơi! Tôi được ơn cứu rỗi, đích thật là Louis giữ lời hứa.

     Chẳng bao lâu, Gioan lại chiêm bao tiền báo là mình được mặc phẩm phục Linh mục, và mình đang khâu những tấm áo xống rách tả tơi. Gioan đi trình với Cha Don Cafasso và được giải thích như sau : Giấc chiêm bao ấy có nghĩa là Chúa không sai Thầy đi lo cho kẻ tốt lành ngoan đạo song Ngài sai thầy đi lùng kiếm những trẻ con hư hỏng và đã từng phạm tội như cướp bóc, chém trâu đốt nhà người ta.

     Thọ phong Linh mục

     Thời gian thấm thoát thoi đưa, Mới ngày nào bước chân vào đại chủng viện mà nay, Gioan đã qua được các lớp, được bề trên chứng nhận để được Thụ phong Linh mục ngày 05.06.1841.

     Ngày 6.6.1841, Cha Gioan Bosco dâng Thánh lễ đầu tiên tại đền thờ Thánh Phanxicô Salêsiô có Cha Don Cafasso phụ tế. Ngày 7.6.1841, Ngài dâng Thánh lễ tại đền thờ La Consolata, là một Thánh đường rất có tiếng ở Bắc Ý đại Lợi.

     Ngày Lễ kính mình và máu Thánh Chúa Giêsu, thì Ngài dâng Thánh lễ long trọng tại nhà thờ xứ Châteauneuf, là nơi Ngài đã lãnh bí tích rửa tội cách đây vừa tròn 26 năm. Sáng ấy, trong Thánh đường, người ta đã dành một ghế một bàn quỳ ở hàng đầu cho Bà Magarita, thật là hạnh phúc tràn trề cho cả mẹ lẫn con.

     Chính nhờ Mẹ dày công giáo dục con khi còn tấm bé, chính nhờ lời cầu nguyện và gương lành của Mẹ, chính nhờ mẹ bất quản công lao khó nhọc làm lụng vất vả để con có đủ cơm ăn áo mặc, chính nhờ bao hy sinh cao cả của Mẹ mà ngày nay con được bước lên bàn Thánh để dâng Thánh lễ, để phụng thờ Thiên Chúa – Song sự thành công vẻ vang nầy cũng có phần nhờ con nữa, vì nhờ con rất mực hiếu thảo biết nghe lời Mẹ khuyên răn, nhờ con biết đáp lại lời Chúa kêu gọi để được tận hiến cuộc đời mình qua bao giai đoạn nghèo túng : Vừa chăn bò vừa học, vừa học nghề để có cơm ăn, có phương tiện trau dồi văn hóa.

     Giờ đây, con dâng Thánh lễ trên bàn thờ Chúa; mỗi lần xoay mặt ra chào giáo hữu, con nhìn Mẹ, Mẹ nhìn con, hai cặp mắt gặp gỡ nhau và tim mẹ tim con cùng hòa một nhịp, cùng xúc động tình cảm chứa chan - Rồi khi mẹ tiến đến bàn Thánh để được con trao mình Thánh Chúa cho mình, thì Mẹ càng sung sướng mà con cũng thỏa dạ biết bao. Âu, đây cũng là phần thưởng Chúa ban cho Bà magarita ngay khi còn ở đời này; Một góa phụ nghèo nàn, làm lụng vất vả nuôi dạy con trong niềm kính yêu thờ phụng Chúa được bước lên bàn thờ dâng lễ. Cha Gioan tuy không nói ra, nhưng tâm hồn cũng tạ ơn Chúa đã chiếu cố kêu gọi mình; Đồng thời cũng luôn thầm thì cảm ơn thân mẫu vì công đức sánh bằng trời biển.

     Thánh lễ vừa xong, Bà Magarita gặp riêng con, và theo sự đơn sơ mộc mạc của người dân quê, Bà nói :

     - Con ơi, chính nhờ sự hy sinh hãm mình mà Linh mục làm nên ơn ích cho người ta - Con bắt đầu dâng Thánh lễ thì con cũng khởi sự sống đau khổ; rồi đây con sẽ thấy và xin con hãy nhớ lời Mẹ nói đây.

     Bắt đầu đời sống Linh Mục

     Cha Gioan Bosco sẽ làm gì? Sẽ lãnh nhiệm vụ gì? Người thì muốn Cha dạy học vì Ngài mến trẻ con; Người ở Giáo xứ Châteauneuf thì muốn rước Ngài về phụ tá cho Cha chánh xứ. Song Cha Don Cafasso nhìn xa thấy rộng và biết rõ tài đức của vị Tân Linh mục mà mình có công hướng dẫn mấy năm nay, nên khuyên Cha Gioan Bosco nên tiếp tục học thêm. Vậy nên Cha Gioan ở lại Turin, xin nhập vào nhóm Convitto để chuyên cần học hỏi thêm mấy năm nữa, hầu thêm kinh nghiệm trong các sinh hoạt mưu cầu phần rỗi linh hồn người ta.

     Nhóm Convitto do một Linh mục thánh thiện và tài đức vẹn toàn điều khiển và cùng nhau sống trong tu viện dòng Thánh Phanxicô khó khăn (St Francois d'Assise) cạnh nhà thờ kính Thánh Phanxicô Salêsiô (St Francois de Sales) : Nhóm Convitto một mặt rất mộ mến Thánh Phanxicô khó khăn, song lại muốn đặt mình dưới sự bảo trợ của Thánh Phanxicô Salêsiô, giám mục thành Genève, Thủ đô nước Thụy sĩ; Chính Thánh Phanxicô Salêsiô, cuối thế kỷ mười sáu đã làm nhiều người thệ phản trở lại công giáo.

     Sở dĩ Nhóm Convitto theo gương Thánh Phanxicô Salêsiô vì Ngài dịu dàng, hiền hòa, có tinh thần truyền giáo hăng say, cho nên vừa học được những lời giáo huấn của ngài, họ cương quyết noi gương hăng hái sốt sắng của Ngài trong chương trình kế hoạch thực thi đức bác ái với tha nhân. Thời bấy giờ, Turin đang trên đà phát triển mở mang về mọi mặt. Đâu đâu người ta cũng xây dựng nhà cửa xí nghiệp, thiếu niên các làng bỏ quê ra tỉnh kiếm việc làm như : phụ thợ nề, phụ thợ mộc hoặc làm công nhân; tuy vậy, người ta không thâu nhận được tất cả, chỉ có một số ít được tuyển dụng, song số nầy lại xa cha mẹ, không người trông nom săn sóc, hướng dẫn giáo dục, nên chúng phung phí tiền lương của mình vào bài bạc đen đỏ hoặc xài những trò du hí khác.

     Buổi sáng nọ, Cha Bosco sắp ra nhà thờ dâng Thánh lễ thì có đứa trẻ đến đứng ở ngưỡng cửa, vẻ mặt bơ phờ hốc hác. Chú Từ bèn dùng cán chổi đánh đuổi nó vì ngỡ rằng nó đang rình để dở trò cướp giựt. Bấy giờ Cha Bosco liền can thiệp. Cha Bosco hỏi :

     - Chú Từ, vì sao Chú đánh nó? Nó có tội gì? Tôi cấm Chú đối xử với bạn tôi như thế.”

Chú Từ :

     - Thằng bé trộm cắp mà là bạn của Cha ư?

Cha Bosco :

     - Tất cả những trẻ con đều là bạn của tôi, nhất là nếu chúng bị hành hạ. Bây giờ tôi yêu cầu chú gọi nó vào đây vì tôi muốn gặp nó.

Chú Từ cụt hứng, mặt xìu xuống, bất đắc dĩ phải chạy đi kiếm và may mắn gặp được thằng bé, dẫn nó vào phòng Thánh (Sacristie) Cha Bosco đợi nó, Ngài trấn an, bảo nó ngồi rồi ôn tồn nói :

     - Cha là bạn của con, vậy con tên gì?

Thằng bé :

     - Thưa Cha con tên là Barthélemy Garelli.

Cha Bosco :

     - Bây giờ con hãy cho Cha biết hoàn cảnh của con đi.

Thằng Bé :

     - Thưa Cha, con ở Asti, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Con không biết đọc không biết viết. Con xin vào phụ thợ để sinh nhai.

Cha Bosco :

     - Con đã được xưng tội và rước lễ chưa?”

Thằng Bé :

     - Thưa Cha, con thích lắm nhưng vì nhà con thì xa, vả lại cha mẹ con chết hết rồi mà con thì lớn, cho nên khi con đi học giáo lý thì bọn trẻ chúng chế nhạo con.

Cha Bosco :

     - Vậy, nếu Cha dạy riêng một mình con mà thôi thì con nghĩ sao?”

Thằng Bé :

     - Thưa Cha, thế thì có gì hơn nữa.

     Cha Bosco bắt đầu dạy nó biết Chúa Giêsu. Barthélemy khoái trá và cảm động trước tấm lòng nhân hậu của vị Linh mục trẻ tuổi này. Nó đi khoe với bạn bè và rủ chúng để ngày Chủ nhật hôm sau đến gặp. Cha Bosco cho cả bọn vào phòng cạnh phòng Thánh, tập cho chúng hát Thánh ca, dạy giáo lý và đời sống Chúa Giêsu, làm cho chúng nó ham nghe lắm. Cứ theo cái đà ấy, bọn trẻ kéo nhau đến để được cha Bosco dạy cho. Ngài biết xếp đặt thời khóa biểu xen lẫn trò chơi hay bài hát vào trước hoặc sau bài học; có khi thì cha Bosco với bọn chúng cùng quây quần quanh pho tượng Đức Mẹ để đọc kinh kính Mẹ. Cha Bosco khuyên chúng hãy chọn Mẹ Maria làm mẹ thật của mình, để cầu xin Mẹ ban cho mình những gì cần thiết cho mình. Trong bọn trẻ có số đông là mồ côi Mẹ, nghe cha Bosco dạy và khuyên như thế nên lấy làm sung sướng hân hoan, và đi đâu chúng cũng khoe trụ sở Convitto mà chúng xem như gia đình của chúng vậy. Mỗi lần đến Convitto, chúng chăm chỉ thụ giáo và được tha hồ chơi đùa thoải mái. Chúng nó làm ồn ào náo loạn thật, song hai vị bề trên để mặc vì trước mắt các ngài, kết quả thật là khích lệ. Bọn chúng cứ tuyên truyền và rủ nhau, có ngày cả vài trăm đứa, nhà Convitto không còn chỗ chứa.

Hoạt động Tông đồ

     Sau ba năm học hỏi, Cha Bosco được cử làm Tuyên úy Viện mồ côi Le Refuge do bà Hầu Tước Barolo đỡ đầu. Thoạt tiên, bà Barolo bằng lòng để cha Bosco chuyển tất cả cơ sở về viện để tiện sinh hoạt, song bọn trẻ thường hay dẫm lên các luống hoa, ông thợ làm vườn khiếu nại với bà Hầu tước nên cha bosco được mời dọn đi nơi khác.

     Cha Bosco vẫn bình tĩnh vui vẻ dẫn bọn trẻ con đi kiếm đất cắm dùi. Cũng may, cạnh nghĩa địa có khoảng đất trống. Cha Bosco được Cha sở chấp nhận. Tại đây, mọi việc tưởng cũng êm xuôi, vừa thoáng khí vừa có đất trống, tha hồ cho bọn trẻ - bấy giờ con số đã lên tới 300 - Như vậy, cả Cha lẫn con sanh hoạt chưa được bao ngày tháng thì lại phải rời đi nữa. Số là bọn trẻ chơi đùa chạy nhảy làm cho đàn gà mái hoảng sợ; ngoài ra chúng đá bóng làm vỡ mấy tấm kiếng, hơn nữa chúng la hét làm cho Bà Quản gia của Cha Xứ nhức đầu chịu hết nổi. Bà ta thỉnh cầu Cha Sở phải để Cha Bosco đi kiếm nơi khác, bằng không bà phải thôi việc.

     Cha Bosco, hiểu câu chuyện thì lo kiếm chỗ khác. Bọn trẻ giới thiệu là trước nhà St Martin có khoảng đất trống, lát gạch, bằng phẳng không lồi lõm, quả bóng dội cao hơn. Song tiếng đùa giỡn của hơn 300 đứa trẻ làm ồn ào quá xá, dân chúng quanh đó chịu hết nổi nên họ nổi giận đến khiếu nại với Ông xã Trưởng.

     Không hề thối chí nản lòng, một lần nữa, cha Bosco phải thiên đô. Ngài mướn được ba phòng ở chung cư Moretta, để buổi tối dạy cho mấy đứa mù chữ, song oan nghiệt thay, mấy gia đình trong chung cư đồng loạt phản đối viện cớ là bọn du đãng làm ồn quá, họ chịu không nổi. Bấy giờ cha Bosco đặt kế hoạch mới : Cứ sáng tinh sương thì cha con thầy trò đưa nhau đến ngoại ô Turin, dẫn đầu cũng kèn trống như quân nhạc, rời khỏi thành phố, ghé vào nhà thờ viếng mình Thánh Chúa; đến trưa thì cùng nhau ăn cơm, sau đó thì theo Toán theo Đội mà đùa giỡn : Đá bóng,chạy đua, kéo dây; những thửa ruộng hoang biến thành sân vận động mãi đến xế chiều thì mới chấm dứt. Kế hoạch nầy thi hành được một thời gian : Ngày thì bọn trẻ vui vẻ chơi đùa ở ngoại ô, song tối đến thì xóm giềng bị ồn ào náo động làm cho Chính quyền lo ngại. Bởi thế, Vị Tỉnh trưởng là Hầu Tước Cavour cho mời Cha Bosco đến tiếp chuyện, rồi buộc cha phải giải tán bọn làm rối loạn. Cha Bosco ôn tồn giải thích là Cha không làm chính trị, Cha chỉ mưu ích cho bao trẻ con bị bỏ rơi, bị lãng quên nên chúng mới làm bậy bạ vì không một ai săn sóc giáo dục chúng.

     Bị Bắt Cóc

     Cha Bosco vẫn nhìn xa trông rộng nên tính chuyện lâu dài. Cha muốn đón nhận tất cả trẻ con bị bỏ rơi. Ngài nghĩ rằng số trẻ con phạm pháp sẽ được giảm thiểu nếu có gia đình nâng đỡ và có Linh mục hướng dẫn. Ngài thường tự bảo :

     - Nếu ở vào điạ vị chúng nó tôi còn xấu xa hơn chúng nó và ngược lại, nếu chúng ở vào địa vị của tôi, với bao hồng ân tôi đã được lãnh nhận thì chắc chắn chúng sẽ tốt lành thánh thiện hơn tôi nhiều.

     Cha Bosco đi gặp nhiều giới trong giáo quyền cũng như chính quyền để trình bày kế hoạch và chương trình của mình; kêu gọi sự ủng hộ và cộng tác song ngán thay, có người đã tỏ ra hèn nhát, có người ganh tị và bài bác, công kích rồi khước từ; có người còn dám nghĩ rằng : Có lẽ Cha Bosco điên cái đầu rồi, có người lại muốn đưa Ngài vào dưỡng trí viện bằng cách bắt cóc Ngài vì họ vẫn sợ bị bọn trẻ con nổi loạn, vì chúng thương Ngài như thương Cha đẻ của chúng vậy. Họ phái hai người vị vọng, ăn mặc bảnh bao; họ mướn xe (thời ấy chỉ có xe ngựa mà thôi) đến mời Cha Bosco đi dạo chơi một vòng gọi là để giải trí. Cha Bosco vui vẻ tiếp đón khách quí rồi nói : Vâng, tôi sẵn lòng lắm; mời hai Ngài lên xe trước đi. Hai người ấy lên xe, ngồi đàng hoàng rồi thì cha Bosco lanh tay đóng cửa xe và bảo tài xế : Anh cho xe đưa hai Ngài đến nơi đã định, vì người đang chờ để đón rước hai ngài.

     Hai vị khách ngạc nhiên, la lối om sòm; càng la lối thì anh tài xế càng thúc ngựa phi nhanh. Khi đến nơi đã định, xe ngừng lại, hai vị ấy bước xuống xe thì rụng rời vì thấy mình đang ở trong nhà thương điên thì bực tức và la lớn lối lớn tiếng, làm cho nhân viên tưởng họ bị điên thật, nên cho nhốt họ vào phòng của người điên. Câu chuyện hy hữu lý thú nầy, được loan truyền khắp phố phường, ai nghe cũng cười hỉ hả vỡ bụng, và từ bấy giờ, không ai còn nói cha Bosco là người điênnữa.

     Xây dựng cơ sở đầu tiên

     Ngày tháng trôi nhanh như thoi đưa. Thu chưa qua mà đông giá cũng gần đến rồi. Cha Bosco lo âu khắc khoải không biết cho bọn con cái của mình nương ngụ vào đâu, vì tuyết giá, không thể nào sinh hoạt ngoài đồng được. Song mẹ Maria không nỡ lòng nào bỏ quên những ai trông cậy vào lòng lành của mẹ.

     Thật nhiệm mầu thay ơn Chuá quan phòng! Cha Bosco đang sốt ruột suy nghĩ, hầu như là cùng đường rồi, thì có một người lạ mặt đến gặp Cha và thưa rằng : Cha muốn có một ngôi nhà ư! Con xin biếu Cha ngôi nhà Pinardi của con đấy

     Sáng hôm sau,Cha Bosco dọn cơ sở về đấy; nhưng ngôi nhà chỉ là một dãy nhà đang còn trống trước trống sau, phải gấp rút sửa chữa nhiều lắm mới có thể tá túc được. Bấy giờ tất cả, cha và con bắt tay vào việc; mấy chú đã học nghề: Thợ nề, thợ mộc chia nhau thành từng toán, vui vẻ hăng say tùy chuyên môn, vừa làm vừa hát ngợi khen Thiên Chúa quan phòng dưới sự bảo trợ của mẹ Maria.

     Tuy vậy, bậc thánh nhân dù thánh thiện bao nhiêu cũng không tránh khỏi thử thách; hay nói cách khác nhờ thử thách mà con người hóa nên thánh thiện, miễn là biết Xin vâng lãnh nhận với tất cả lòng thành. Cha Bosco vì quá cực nhọc nên lâm bệnh phải liệt giường; lương y khám bệnh rồi lắc đầu không cứu được, cái chết của cha gần kề. Bấy giờ đàn con của Cha hốt hoảng tuyệt vọng, cùng nhau cầu nguyện sốt sắng và đơn sơ rằng : Lạy chúa, bất cứ với giá nào, xin để cho Cha Bosco sống với chúng con. Riêng cha Bosco, trái lại, ngài ao ước được chết để ngài muôn đời hưởng nhan thánh Chúa, ngài khuyên mọi người đừng cầu nguyện cho ngài được lành. Nhưng khi nghĩ lại đàn con mồ côi rồi đây sẽ bơ vơ hư hỏng, nên ngài nguyện rằng : Lạy Thiên chúa toàn năng và từ nhân xin Chúa cho con được lành bệnh không phải vì lợi ích riêng con, song là cho đàn trẻ con” mà Chúa đã gởi cho con trông nom và giáo dục. Liền đó, phép lạ xảy ra. Cha Bosco hết sốt, sức khoẻ ngày mỗi khá rồi lành hẳn, bọn trẻ của ngài vui mừng khôn tả, chúng kiệu ngài lên vai, reo hò vui mừng và hát Thánh vịnh để tạ ơn Thiên Chúa.

     Rước mẹ đến giúp việc

     Công việc đa đoan, được bên ngoài thì mất bên trong, nên cha Bosco nghĩ rằng việc nội trợ tề gia thì chẳng ai sánh được với mẹ mình, nếu mẹ bằng lòng thì mẹ sẽ là mẹ chung của cả đàn trẻ con. Cha Bosco về làng thăm mẹ và trình bày xin mẹ đến giúp mình một tay. Thật tình, bà Magarita cũng không đành rời xóm phường làng mạc, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi mình đã sinh sống hằng mấy chục năm nay; mặt khác, nếp sống quen thuộc nơi thôn dã của một người đàn bà tuổi cũng ngoài ngũ tuần rồi; song trước lời thỉnh cầu của con, nên bà không đành lòng từ chối, bèn theo con đến Pinardi. Đến nơi, bà Magarita nhìn quanh rồi nói :

     - Ở đây thiếu hết cả mọi thứ.

Cha Bosco thưa :

     - Thưa mẹ, mẹ cứ vững lòng trông cậy đi. Bây giờ, con máng lên tường bức ảnh mẹ Maria, rồi nhờ ngài, chúng ta lần lượt sẽ có đủ tất cả.

     Bà Magarita bắt tay vào việc: Vá áo xống, săn sóc mấy đứa trẻ bệnh, nấu ăn, giặt giũ... Trên môi luôn có nụ cười thật là phúc hậu. Bây giờ, cha Bosco đã hoàn toàn bình phục, nên tổ chức các lớp học buổi tối để dạy văn hóa, dạy giáo lý, quyết tâm chống nạn mù chữ và nhất là nạn mê muội của đời sống vô đạo đức. Ngài đón tiếp mọi người đến với ngài; ngài lắng tai nghe lời của bao kẻ nghèo khó lầm than, ngài cứu vớt nhiều người thiếu cơm thiếu áo; ngài không tiếc lời khuyên lơn an ủi để nhiều người sám hối sửa mình để đời sống đạo đức được điều hòa.

     Công việc ngày càng nhiều, phạm vi ranh giới hoạt động càng lan rộng; đến tối, hai mẹ con mệt nhoài, nhưng lòng ngập tràn hạnh phúc. Pinardi ở vào một khu vực thiếu an ninh. Một hôm nọ, trời nhá nhem tối, cha Bosco bị ba kẻ vô loại chận đường muốn cướp giựt. Rất bình tĩnh, không một chút giao động, cha hiền hòa nói chuyện với họ, dẫn họ vào quán cà-phê, đãi cho họ một chầu, rồi dẫn họ về nhà Pinardi; họ được bà Magarita mang chăn chiếu mùng nệm cho chúng ngủ. Sáng ngày, mọi người trong nhà đang ngon giấc, thì ba tên du đãng cuốn trọn mùng mền chăn chiếu lặng lẽ ra đi, và bán tất cả để lấy tiền nhậu nhẹt.

     Sau đó vài hôm, có một cậu bé phụ nề, đến Pinardi gõ cửa, cậu ta bị ướt như chuột vì cơn mưa rào. Cậu ta được đón tiếp nồng hậu, bà Magarita cho nó sưởi ấm, cho nó cơm ăn; còn cha Bosco thì dọn giường, cũng chăn nệm ấm áp sạch sẽ, để nó ngủ.

     Vài hôm sau, gần nhà Convitto, một đứa bé đang ngồi bên gốc cây cạnh vệ đường. Mẹ tên này vừa qua đời được mấy ngày, mà ông chủ nhà quá độc ác, đuổi nó ra khỏi nhà. Cha Bosco dẫn nó về, thưa với mẹ : Thưa mẹ, đây là đứa bé Chúa gởi cho mình, xin mẹ cho nó ăn và cho nó ngủ. Bà Magarita đón đứa này đến đứa khác, ngày nọ sang ngày kia làm cho số trẻ con được tá túc tại Pinardi lên đến 150 đứa; tầng dưới tầng trên đều chật chội.

     Về áo xống của bầy trẻ, phần nhiều đều cũ kỹ rách rưới, cho nên cha Bosco nhớ lại có lần mình đã học may, nên cứ tối đến, soạn kim chỉ ra, thức đêm có khi đến khuya khoắc, để vá lại đàng hoàng cho chúng, bất quản đã khó nhọc suốt ngày. Thật là : Rách mà khéo vá hơn lành vụng may. Về phần giầy dép của chúng thì cha Bosco cũng đã từng học đóng giày, nên ngài vừa vá giày vừa dạy cho chúng nó đóng giày.

     Bị Thù Hằn

     Điều mà cha Bosco lo lắng hơn hết là dạy cho chúng biết Phúc âm. Trong bọn chúng cũng có đứa đã biết đọc song chúng đọc bất cứ loại sách gì; phần đông thiên hạ không để ý đến sự thiệt hại linh hồn, nếu đọc những sách không đạo đức hoặc đọc các loại sách báo vô luân; cũng có những loại sách dạy về khoa học song trình độ của con cái hạng bình dân không hiểu thấu được. Vì vậy cha Bosco soạn viết một loại sách và một loại báo hợp với kiến thức tầm thường của chúng để cho chúng nó giải trí vừa để giáo dục chúng. Lối văn của cha Bosco gọn gàng, khúc chiết, sống động không cầu kỳ nên rất nhiều người thích đọc.

     Thiên Chúa cũng chúc lành cho công việc của Cha. Để đáp ứng nhu cầu về phần rỗi cho linh hồn người ta, cha Bosco không bao giờ chịu từ bước trước bất cứ một cản trở nào. Số là thời kỳ ấy có nhóm lạc Đạo là nhóm VAUDOIS đi tuyên truyền trong giới bình dân, người ta nghe và tin theo cũng đông. Trong số ấy có tên Pierre nguyên trước đây là đồ đệ của cha Bosco. Khi biết Pierre lâm trọng bệnh thì cha Bosco đến thăm nó, ngay lúc ấy vị Mục sư cũng có mặt bên giường của Pierre. Cha Bosco lên tiếng :

     - Pierre con ơi! Cha rất sung sướng đến thăm con đây.

Pierre thưa :

     - Con cũng sung sướng được gặp cha.

Cha Bosco :

     - Cha nghĩ rằng con đã biết hối hận.

Vị mục sư xen vào :

     - Yêu cầu ông rời khỏi nơi đây ngay.

Cha Bosco :

     - Nhưng tôi có ý ở lại đây và tôi bắt đầu ngồi đây

Mục sư :

     - Ông có biết ông đang nói chuyện với ai đấy chứ.

Cha Bosco :

     - Tôi biết ngài lắm chứ!”

Mục sư :

     - Tôi là Amédée, mục sư của phái Vaudois.

Cha Bosco :

     - Tôi là Don Bosco, giám đốc viện mồi côi Saint Francois de Sales.

Mục sư :

     - Ông muốn làm gì ở đây với đứa bé mồi côi này.

Cha Bosco :

     - Tôi chỉ muốn cứu linh hồn nó mà thôi.

Mục sư :

     - Nó thuộc về phái của chúng tôi rồi.

Cha Bosco :

     - Nhưng trước đây nó đã thuộc về tôi. Tuy vậy, để nó hoàn toàn tự do lựa chọn; tôi không cưỡng ép lương tâm nó.

Ông mục sư không thể bác bỏ ý kiến tôn trọng tự do tư tưởng được. Cha Bosco liền hỏi Pierre :

     - Giữa Cha và Mục sư, con chọn ai thì con được tự do nói hẳn ra.

Pierre sốt sắng thưa :

     - Thưa cha, con chọn cha. Con sinh ra là người công giáo, thì bây giờ con cũng muốn chết theo công giáo.

     Phái Vaudois tức giận tràn hông nên nghĩ cách trả thù. Họ cắt cử người rình rập các ngã đường, họ mắng nhiếc ngài, hành hung ngài, song ngài vẫn tỏ ra hiên ngang không hề nhát sợ. Có một hôm, ngài đang dạy giáo lý trong nhà thì có một tên Vaudois núp ngoài đường, dùng súng lục bắn ngài, song viên đạn bay ngang cánh tay ngài. Cha Bosco bình tĩnh trấn an bọn học sinh. Ngài nói :

     - chúng ta hãy tiếp tục bài học của chúng ta; ông ấy không phải là một tay thiện xạ, hơn nữa Đức Mẹ maria không cho ông ấy bắn trúng đích.

     Lần khác, người ta viện lý do cha Bosco đi giúp kẻ liệt; người ta mời ngài một cốc rượu. Cha Bosco nhận cốc rượu, song trở lại đưa sang mời con người đã đi rước ngài. Những người có mặt hôm ấy rất đỗi ngạc nhiên vì cha Bosco đoán rằng trong cốc rượu có độc. Cũng viện lý do ngài đi giúp kẻ liệt, bọn Vaudois đưa ngài vào một căn phòng có tên lưu manh đón sẵn, dùng gậy gộc hành hung ngài. ChaBosco dùng chiếc ghế để che đầu rồi thoát thân.

     Chú khuyển bí mật

     Chúa quan phòng luôn luôn can thiệp để bảo vệ cha Bosco một cách hy hữu. Mỗi lần vì công tác mục vụ, mà cha phải dấn thân vào một khu xóm nào kém an ninh, thì không biết từ đâu xuất hiện một con chó to lớn theo sát bên mình cha; ngài vuốt ve nó, song khi cha rời khỏi vùng hiểm nguy thì nó cũng biến đi đâu mất. Con chó có bộ lông xù màu xám, cha đặt tên nó là Griglo.

     Một buổi chiều kia, một tên cướp núp sau cây mận bắn ngài. Bắn phát súng thứ nhất hỏng, liền nạp đạn để bắn phát thứ hai, song chưa kịp lảy cò thì không biết từ đâu Griglo bỗng xuất hiện nhẩy vồ tên cướp, cha Bosco thoát nạn, Hôm nọ, hai tên cướp dùng bao bố trùm lên đầu cha, quyết hạ sát ngài. Lần nầy khó thoát, song bất thần Griglo xuất hiện nhẩy vồ cắn cổ tên cướp, tên kia hoảng hồn lo tẩu thoát. Cách đó chẳng bao lâu sau, bọn Vaudois gồm 12 tên phục kích, chờ ngài đi qua, quyết phen nầy hạ thủ ngài chúng mới hả dạ. Thì Griglo xuất hiện theo sát ngài. Khi chúng vừa vung gậy gộc định ra tay thì Griglo lên tiếng gầm gừ một cách rùng rợn, bọn chúng bỏ chạy thoát thân. Griglo trở nên bạn thân của bọn trẻ trong viện, chúng nâng niu vuốt ve Griglo, và lạ lùng thay Griglo khônghề ăn một thức ăn gì.

     Lại một hôm nọ, Griglo nằm ngang chắn cửa ra vào quyết ngăn cản không cho cha ra khỏi viện. Cha bỏ ý định ra ngoài, ở nhà làm việc khác. Sau đó khoảng 15 phút, có người đến báo tin cha biết có một bọn lập mưu để ám sát cha. Bọn Vaudois, cuối cùng, cảm động, vì thấy cha Bosco có lòng nhơn từ quá độ nên không tìm cách hại ngài nữa và cũng từ đó sự bảo vệ cha hóa ra không cần, và rồi Griglo cũng biệt tăm luôn.

     Đối với tù vị thành niên

     Đối trẻ con của thành phố Turin, cha thương xót đặc biệt số phận của 300 bị giam rải rác trong các nhà tù. Gặp năm ngài giảng tĩnh tâm phục sinh cho tù nhân vị thành niên bị câu lưu tại lao xá trung ương. Thấy chúng nó mỗi ngày chỉ được vài ba phút dạo quanh trong sân nhà lao thiếu ánh sáng mặt trời, ngài lấy làm xót xa nên quyết định tổ chức cho chúng được ra ngoài một ngày trọn, để được hưởng không khí lành mạnh và đùa giỡn thoải mái.

     Ngài đi gặp giám đốc nhà lao để xin phép một mình trông nom, dẫn 300 tù nhân vị thành niên ra khỏi nhà lao một ngày, giám đốc nhà lao hoảng hốt nói :

     - Điều mà cha xin, tôi không thể chấp nhận; chưa bao giờ có chuyện hy hữu trái với pháp luật như vậy; và rồi chúng nó tẩu thoát cao chạy xa bay thì làm sao tầm nã bắt lại cho đủ số được, rồi mọi trách nhiệm đổ trên đầu tôi.

     Nhưng cha Bosco không phải là hạng người thiếu bản lãnh; ngài không lánh nặng tìm nhẹ, không lùi bước trước khó khăn thử thách. Để đạt cho được mục tiêu, ngài xin yết kiến ông Bộ trưởng tư pháp là ông Urbain Ratazzi, một người không thích giáo quyền. Bề ngoài, ông bộ trưởng tiếp ngài niềm nở, khen ngợi ngài theo lối xã giao, song cho lời yêu cầu của ngài có vẻ ngộ nghĩnh, muốn chiều theo ý ngài, ông nói :

     - Được lắm. Cha cứ chọn ngày tạnh ráo tốt trời, còn phần tôi, tôi sẽ phái đủ lực lượng cảnh sát để giữ trật tự và đề phòng mọi bất trắc.

Cha Bosco nói :

     - Thưa ngài Bộ trưởng, tôi không muốn có người cảnh sát nào cả, vì tôi muốn chúng hoàn toàn được do một ngày, tôi xin cam đoan với ngài là đến chiều, tôi sẽ dẫn chúng về lao xá đúng giờ cơm tối mà không thiếu xót một tên nào cả.

Trước sự cam kết đó, ông bộ trưởng xiêu lòng, chấp thuận và nói :

     - Cha làm sao đó tùy ý cha. Đoạn ông ký giấy phép theo luật lệ hướng hành.

     Vậy, một buổi sáng đẹp trời, cửa nhà lao mở rộng, 300 tù nhân trẻ hớn hở ra tù, hàng lớp trật tự, đi qua các phố phường, hướng về đồng nội, chỉ một mình cha Bosco trông nom. Bữa ăn trưa thì cha dùng một lừa để tải đồ ăn. Khi đến địa điểm đã được lựa chọn trước rồi, cha tổ chức cho chúng nó các trò chơi, tập hát, dạy giáo lý rồi dâng thánh lễ. Cơm trưa được soạn ra; mọi người đều ngồi trên cỏ xanh tươi mát mẻ, ăn uống ngon miệng. Xong bữa cơm, lại chơi đùa rồi nghe cha kể chuyện các thánh, hoặc chuyện các thánh tổ đời cựu ước; bọn chúng sung sướng thỏa thuê, mãi đến chiều thì tập họp, điểm danh, rồi hàng ngũ chỉnh tề tiến về trại tù, vừa đi vừa hát. Chúng nó cao hứng mời cha cưỡi trên lưng lừa, còn chúng nó thì bẻ cành lá rồi vây quanh ngài, tung hô vạn tuế giống như ngày xưa Chúa Giêsu vinh quang tiến lên đền thờ Giêrusalem vậy. Về đến nhà lao, cai tù điểm danh, không xót một tên. Toàn thể nhà lao rất đỗi ngạc nhiên, họ nói với nhau :

     - Thật chỉ có thánh sống mới làm được những chuyện phi thường như vậy.

     Những phép lạ cả thể

     Chúa đặc biệt ban ơn để cho cha Bosco, lúc còn sanh tiền làm được nhiều phép lạ Ngày kia, 300 học sinh của viện đang xếp hàng để lãnh phần bánh của mình, song, oan nghiệt thay, vì nợ nhà hàng bánh mì nên chủ nhà bánh không giao hàng nữa. Vậy làm sao bây giờ, 300 học sinh nhốn nháo vì trong giỏ chỉ còn 15 miếng bánh mà thôi. Cha Bosco liền bảo :

     - Được rồi, mang 15 miếng bánh đến đây.

     Đoạn ngài bắt đầu phát bánh; mà hễ mỗi lần cha thò tay vào giỏ để lấy ra miếng bánh để phát, thì trong giỏ có thêm mười miếng, 20 miếng, 50 miếng, 100 miếng. Khi 300 học sinh đã lãnh đủ rồi, thì trong giỏ vẫn còn nguyên vẹn 15 miếng bánh khi lúc đầu. Thật tình là thiên Chúa, qua tay cha Bosco, đã diễn lại phép lạ khi xưa, mà phúc âm theo thánh Mát-thêu đã thuật lại với 5 chiếc bánh, 2 con cá, mà Chúa Giêsu đã nuôi 5000 người đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con, sau đó còn thu được 12 thúng bánh dư (Mat. 14/14 đến 21)

     Một lần khác, nhằm lễ sinh nhật Đức Mẹ, cha Bosco dâng thánh lễ. Khi giáo hữu rước mình thánh Chúa, thì cha thấy trong bình thánh (Ciboire) chỉ còn 14 chiếc bánh mà thôi. Ngài ngước mắt lên trời cầu nguyện sốt sắng, rồi cho trên 600 người rước lễ xong rồi, trong bình thánh vẫn còn lại 14 chiếc bánh thánh (hostie consacrée). Tuy vậy trong các phép lạ mà Chúa đã ban cho cha Bosco thực hiện, có phép lạ sau đây mới vẻ vang và quan trọng.

     Số là trong bọn học sinh có một đứa tên Charles. Charles là một đứa bé ngoan ngoãn, vui vẻ lanh lẹ. Một buổi chiều nọ, nó thấy trong người khó chịu, và người ta khám thấy quả là bệnh tình trầm trọng, chắc chỉ sống được vài tiếng đồng hồ nữa mà thôi. Trong cơn mê man, nó cứ gọi tên cha Bosco vì nó mến ngài hết sức, song rủi thay, cha Bosco lại đi vắng. Khi cha về đến nơi thì Charles đã chết lâu giờ rồi; người ta đặt nó trong tấm vải liệm để khâu lại theo phong tục xứ ấy. Bên thi hài của Charles, mẹ nó đang ngồi khóc con. Cha Bosco ban phép lành cho nó, đoạn ngài lên tiếng :

     - Charles! hãy chỗi dậy đi con.

Charles mở mắt, thấy ngài nó nói :

     - Ôi! Lạy cha, con kêu cha từ lâu rồi. Con tưởng là con sa hỏa ngục rồi vì có mắc một tội trọng mà không bao giờ con xưng tội ấy cả; ấy cũng chỉ vì con muốn xưng với chỉ một mình cha mà thôi. Thế rồi có một bà kia đuổi quỉ đi. Bà bảo với quỉ rằng : Để nó yên, nó chưa bị phán xét. Thế là con được cứu thoát thì cha cũng vừa đến!

Charles xưng tội và sống thêm được vài tiếng đồng hồ nữa. Cha hỏi nó :

     - Con muốn sống ở thế gian này với cha mẹ con, với cha, hay là con muốn lên thiên đàng vĩnh viễn?

Charles thưa :

     - Thưa cha! con muốn được lên thiên đàng ngay từ bây giờ.

Cha Bosco:

     - Thế thì vĩnh biệt con.

     Chốc lát sau đó, Charles vĩnh viễn ra đi, mặt mày tươi tỉnh, với nụ cười sáng sủa. lần nọ, cha Bosco được mời giảng tĩnh tâm tại một vùng bị đại hạn, tình trạng mùa màng quá bi đát. Thấy con chiên bổn đạo lo âu, cha cũng ngậm ngùi. Ngài hứa :

     - Nếu anh chị em tham dự đông đảo tĩnh tâm, cầu nguyện với Mẹ Maria, chắc chắn trời sẽ đổ mưa xuống.

     Đến ngày bế mạc, cha Bosco lên tòa giảng; lúc ấy trời còn nắng gay gắt lắm. Cuối bài giảng, ngài lên tiếng nguyện rằng :

     - Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ cũng biết là con đã hứa với giáo dân là nhân danh Mẹ, trời sẽ đổ mưa.

     Sau đó vài ba phút, một cơn mưa giông xảy đến làm cho đất đai khô cằn vì đại hạn dài ngày, bây giờ được hứng nước mát mẻ. Cha Bosco còn được đặc ân là tiên đoán được nhiều biến cố trong tương lai. Có một ngày nọ, trong lúc đang dẫn đoàn học sinh du ngoạn, ngài yêu cầu bọn chúng cầu nguyện cho một đứa bạn ở Turin, sẽ bị chết thình lình. Ngài đọc được trong tâm hồn người ta như đọc trong pho sách được mở vậy. Vì vậy mà có nhiều đứa bé ngây ngô, tưởng rằng ngài đọc trên trán chúng, nên chúng lấy nón che khuất trán và cả đôi mắt nữa. Tuy thế, xuyên qua nón, ngài vẫn đọc được tâm hồn của chúng nó. Phần chúng nó, chúng cũng lấy làm sung sướng, chúng xác nhận rằng :

     - Ngài đọc được tâm hồn ai không phải là rầy la quở mắng, song là để hướng dẫn và giáo dục, hầu được thoải mái bình an.

     Những ngày cuối đời, cha Bosco, dù kiệt lực, vẫn đón những cựu môn sinh đến để xưng tội với ngài. lại bị thử thách

     Sức khỏe của cha Bosco ngày càng mòn mỏi, thế mà, trong một cơn mưa giông, ngài bị cú sét làm cho ngài gần như mù; song ngài vẫn vui vẻ vác gánh nặng Chúa đặt trên vai, nhất là vấn đề tài chánh eo hẹp không đủ để lo ăn lo mặc, lo phòng ốc, lo trang bị phòng ngủ, làm cho ngài lo âu, song ngài vẫn một lòng trong cậy vào Chúa quan phòng an bải kỳ diệu để Ngài trang trải mọi nhu cầu mỗi khi cần đến.

Phần bà Magarita, tuy tuổi già sức yếu, nhưng chẳng quản nhọc nhằn, đã mang hết năng lực để săn sóc đàn học sinh. Cho đến ngày kia bà bị thọ bệnh, bà bị sưng phổi nặng, kiệt quệ và liệt gường, rồi qua đời một cách lành thánh. Cha Bosco và bọn mồi côi, bọn học sinh, đều cảm thấy một nỗi buồn thấm thía, và cái chết của bà Magarita đã tạo ra cho cha và cả viện một nỗi trống vắng sâu rộng vô bờ.

     Sáng hôm sau, cha vào đền thờ Đức Bà yên ủi kẻ âu lo, đến kính viếng Đức Bà và nguyện rằng : Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã thấy rõ rồi đó. Bây giờ con mồi côi mẹ, và con có rất đông con. Xin mẹ vui lòng thay mẹ ruột con, vì gia đình không có mẹ thì không phải là một gia đình nữa. Từ đó, cha Bosco dạy mọi người cầu nguyện theo tước hiệu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (Notre Dame Auxiliatrice)

     Mở trường huấn nghệ

     Số học sinh nội trú ngày càng đông, nên cha Bosco chia ra hai loại : Loại theo học văn hóa và loại theo học các nghề thủ công. Đối với loại được học văn hóa thì ngài rước giáo sư đến dạy. Đối với loại học thủ công thì ngài gởi chúng nó đến các xưởng : Nghề mộc, nghề may, nghề đóng giầy. Bọn này cứ sáng sớm, sau bữa điểm tâm, thì mỗi đứa lãnh một chiếc bánh để ăn trưa, và 5 xu tiền túi (argent de poche) đến chiều thì chúng trở về viện.

     Sau một thời gian theo dõi bọn học nghề, thì ngài thấy rằng các chủ xưởng ngược đãi chúng nó, xử dụng chúng như đầy tớ trong nhà, chứ về nghề nghiệp thì chẳng được học bao nhiêu; đó là chưa kể chúng bị tiêm nhiễm thói hư tật xấu, nói tục tĩu, cử chỉ thô bạo, có khi còn bị hành hạ đánh đập làm mất cả phẩm giá con người, Ngài quyết định thu hồi chúng nó về và mở ngay những lớp dạy nghề tại viện Pinardi.

     Nhớ lại thưở bé hàn vi, mình đã học được lắm nghề nên đầu tiên, ngài mở ngay lớp học may, học đóng giầy, học đóng sách, đóng bàn ghế, làm ổ khóa v..v.. Tự bản thân cha Bosco là người dạy nghề cho chúng nó. Thiên Chúa quan phòng và chúc phúc cho công việc của cha, cho nên dần có nhiều ân nhân đến giúp, mở rộng nhiều trường, nhiều xưởng trang bị máy móc tân thời.

     Cũng vì hằng lưu tâm đến việc truyền bá chân lý bằng sách vở, báo chí, nên ngài tổ chức nhà in. Vào khoảng gần cuối đời của ngài, ngài vui mừng trình bày mọi công tác đã được thực hiện cho một vị linh mục trẻ tuổi ở Milan. Thật ý Chúa quá nhiệm mầu. Không ngờ vị linh mục ấy lên ngôi Giáo Hoàng, niên hiệu là Piô XI, chính vị Giáo Hoàng ấy đã phong cha Gioan Bosco lên Á thánh năm 1925, rồi đại lễ Phục sinh năm 1934 thì phong lên Hiển thánh.

     Trong số môn sinh của viện Pinardi, có một cậu tên là Dominique Savio. Bề ngoài, cậu ấy chẳng có gì khác biệt với bạn bè đồng môn; cũng tham gia đùa giỡn, cũng chăm nom học hành, nhưng cậu thường được nói chuyện với Chúa Giêsu. Cậu ấy qua đời như một vị thánh lúc mới lên 15 tuổi. Đức Giáo Hoàng Piô XII đã phong cậu Dominique Savio làm gương mẫu cho thiếu nhi khắp toàn cầu, rồi ngày 12.6.1952 thì phong lên Hiển thánh (nếu Thiên Chúa ban phép, Nhịp Cầu sẽ hân hạnh giới thiệu hạnh tích Thánh Dominique Savio sau khi sưu tầm đầy đủ tài liệu để hầu quý độc giả).

     Thành lập dòng Salêsiô

     Năm 1854, cha Bosco hội họp các vị giáo sư và tuyên bố ý định thành lập một tu hội gọi là dòng Salêsiô (Salésien) để kính nhớ Thánh Phanxicô Salêsiô mà cha Bosco có lòng tôn sùng cách riêng. Thánh Phanxicô salêsiô là giám mục Genève-Annecy, tiến sĩ hội thánh, sinh tại lâu đài De Sales, tỉnh Savoie (1567-1622) cùng với thánh Nữ Jeanne de Chantal, ngài đã lập dòng Nữ tu Visitation, là dòng mà cô Magarita Maria vào tu tại Paray le Monial ở Lyon.

     Ngày 25.3.1855, lễ Đức Mẹ Maria chịu tuyền tin, cha Bosco nhận lời tuyên hứa của tập sinh tiên khởi là thầy Michel, sau này làm linh mục lấy tên Rua. Năm 1863, dòng salêsiô có được 39 tu sĩ, song nay có được 16.000 phục vụ khắp hoàn cầu. Tiếp tục công trình của đấng sáng lập, ngày nay các tu sĩ Salêsiô đã lập nhiều trường tối tân, không những chỉ có ở Âu châu, song cũng có tại những xứ truyền giáo xa xôi, để thanh thiếu niên học nghề với kỹ thuật tinh vi. lập dòng nữ đức bà hằng cứu giúp Từ trước đến nay, cha Bosco chỉ chuyên chú lo cho bọn nam nhi mà thôi. Song, Mẹ Maria đã tuyền dạy là cha không được bỏ rơi bọn nhi nữ : Bọn nhi nữ đông đảo lắm, và cũng là con cái của Mẹ; con phải tiếp nhận. Mẹ trao ban cho con đấy”.

     Thế rồi, tại một làng nọ mà trước đây cha Bosco đã từng tổ chức trại hè cho trẻ con; có một cô thôn nữ, dáng điệu khỏe mạnh, sức lao động chẳng kém giới mày râu; tên của cô là Maria Dominique Mazzarello. Cô thôn nữ này chẳng những là siêng năng lo việc công việc đồng áng, mà còn là một người phúc hậu, có lòng từ tâm bác ái, thường hay đi săn sóc giúp đỡ những bệnh nhân nghèo nàn, vì vậy mà cô ta mắc bệnh thương hàn nhập lý đến gần chết. Bấy giờ cô ta lên 23 tuổi. Nhờ người ta tích cực chạy chữa và cũng nhờ lời cầu nguyện của cha Bosco mà cô ta trở lại bình phục nhanh chóng. Sau đó, cô bỏ hẳn công việc đồng áng, rồi cùng một cô bạn thành lập một xưởng may, để dạy nghề may vá cho các nhi nữ, đoạn lập trường nữ để dạy văn hóa, và cuối cùng mở thêm viện mồi côi cho nhi nữ mà thôi.

     Tháng 10.1855, trông thấy cha Bosco dẫn đàn trẻ đi cắm trại, Maria Dominique liền nghĩ rằng : Vị linh mục này sẽ giúp mình kiện toàn công việc theo thánh ý Chúa. Vậy, năm 1872, cha Bosco đặt cô ta là vị sáng lập, bề trên của dòng Con Đức Bà hằng cứu giúp, để chuyên trách thiếu nữ như dòng Salêsiô lo cho nam nhi vậy. Cô Maria Dominique Mazzarello được Đức Giáo Hoàng Piô XII phong hiển thánh ngày 24.6.1951, nhằm ngày lễ sinh nhật của thánh Gioan Baotixita.

     Cha bosco với việc truyền giáo

     Cha Bosco có một hoài niệm chinh phục cho Thiên Chúa càng nhiều linh hồn càng tốt, bởi vậy, khi nhìn đến bản đồ thế giới, ngài thấy còn biết bao nhiêu là số người chưa biết đến đạo thánh Chúa. Một ngày nọ, cha Bosco nhận thư của Đức tổng Giám Mục Buenos Aires, nước Á căn Đình (Argentine) xin ngài phái giáo sĩ thừa sai đến đảm nhiệm miền nam Á căn đình. Cứ theo nội dung mô tả tình trạng miền ấy, thì cha Bosco thấy ngay những bộ lạc mà ngài thường chiêm bao, thấy Chúa dạy ngài phải gởi giáo sĩ sang đấy.

     Ngày 11.11.1875, cha Cagliro dẫn đầu bốn linh mục và sáu tu sĩ Salêsiô đến miền cực nam của Châu Mỹ. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, các vị thừa sai cũng đã làm cho nhiều người trở lại đạo công giáo. Ngay cả những bộ lạc còn sống trong tình trạng bán khai, man rợ (sauvages). Hiện nay, dòng Salêsiô có nhiều trường, nhiều viện rất thịnh vượng tại Á căn đình, tại Paraguay, và tại Braxin (Paraguay, Brésil).

     Xây dựng thánh đường

    Công việc của dòng Salêsiô đa đoan như vậy, song cha Bosco cũng phải nghĩ đến xây dựng nhiều thánh đường. Đầu tiên, ngài phải xây nhà thờ kính thánh Phanxicô Salêsiô, để thay cho nguyện đường Pinardi đã hóa ra quá chật hẹp. Về sau, nhà thờ kính thánh Phanxicô cũng chẳng đủ chỗ cho giáo dân đông đảo chạy đến cùng thánh nhân. Vậy là ngài phải xây dựng Vương cung thánh đường kính Đức Bà Hằng cứu giúp. Xúc tiến công việc lớn lao này, mà ngài chỉ còn có 8 xu mà thôi, song ngài luôn luôn vững lòng trông cậy Mẹ Maria một cách tuyệt đối, nên Mẹ đáp ứng nhãn tiền, vì tiền dâng cúng tuôn đến một cách bất ngờ; những người đã được hưởng hồng ân đều trở nên ân nhân ngày càng đông, công trình hoàn tất vào tháng 6.1868. Đức Tổng Giám Mục làm phép Vương Cung vĩ đại và đẹp đẽ nầy. Trên chóp đỉnh mái tròn (coupole), cha Bosco đặt tượng Đức Mẹ Maria theo kiểu mẫu mà ngài đã thấy trong một giấc mộng cách đây 20 năm về trước; ngài có ý dành viên đá cuối cùng do tay một em bé tên là Emmanuel Fassti đặc vào. Ngài với Emmanuel cùng trèo lên tới đỉnh mái giữa tiếng hoan hô nhiệt liệt của dân chúng đông đảo tập trung ở sân Vương cung Thánh đường.

     Năm 1945, giữa Đệ nhị Thế chiến, Vương cung thánh đường không hề bị hư hỏng mặc dù bom đạn do phi cơ của đôi bên dội xuống như mưa rào. Đấy chẳng phải là một phép lạ ư?

     Năm 1882, ngài hoàn thành được thánh đường thánh Gioan, tông đồ thánh sử tại khu lao động gồm toàn dân thợ thuyền lao động nghèo nàn. Đức Giáo Hoàng Léo XIII ước ao xây cất tại Roma một thánh đường kính rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu nên ngài nhờ đến cha Bosco. Công trình nầy cũng vĩ đại và khó khăn lắm. Cha Bosco phần thì đã già, phần thì hay đau ốm; về kinh phí hàng tháng, phải có khoảng nửa triệu francs Pháp theo thời giá. Khi công trình sắp hoàn thành thì hết tiền. Cha Bosco không biết xin ai. Nếu bất thần ngưng công tác thì thợ thuyền và công nhân phải thất nghiệp. Bấy giờ, cha Bosco nghĩ và hướng về nước Pháp. Mặc cho tuổi đã quá thất tuần, mặc cho mắt đã mờ, đi đứng phải chống gậy, hoặc có người dìu, nhưng ngài linh cảm có sức thiêng thúc dục lên đường sang Pháp, là một quốc gia mà ngài mộ mến, mà cũng là một nước mà danh ngài cũng lừng lẫy, qua các công tác do ngài chủ trương và các phép lạ mà ngài đã làm. Bởi vậy, đến đâu ngài cũng được đón tiếp nồng hậu; người ta tranh nhau để được trông thấy ngài, để được lãnh phép lành ngài ban, để được trực tiếp dâng cúng tiền bạc, để xin ngài cầu nguyện cho và để được nghe lời ngài khuyến khích ủi an. Trong cuộc hành trình quyên góp tiền bạc cho công tác, ngài cũng gặp thử thách.

     Số là, ngày kia, tại Nice, ngài băng qua sông Paillon, bị nước lụt dâng lên, ngài trượt chân té xuống nước nên cả người bị ướt; ngài chỉ mang có chiếc áo chùng thâm mà thôi, vả lại, các tu sĩ Salêsiô ở Nice đón tiếp ngài tại viện mồi côi St. Pierre cũng nghèo nàn như ngài, nên ngài đành lên giường nằm để tiếp khách khứa đông đảo đến thăm ngài.

     Tại Toulon, ngài tạm ngụ tại nhà Hầu Tước Colle. Đứa con trai của hầu tước đã qua đời một cách thánh thiện từ vài năm nay, và năng hiện về để cha biết những điều chúa truyền dạy. Tại Marseille, nơi ngài tạm trú, thiên hạ đưa bệnh nhân đến gặp ngài và hầu, hết được lành bệnh mà trở về nhà.

Tại Lyon, ngài ở lại 10 ngày, ngài kính viếng đức Bà Fourvière. Dân chúng tụ tập cả bên trong lẫn tiền đường Vương Cung Thánh đường này, vì họ được ao ước khát khao thấy được ngài mà họ nói rằng : Người của Thiên Chúa. Ngài dâng thánh lễ và cậu bé Jean Courtois xin được giúp lễ ngài, vì cậu được ngài chữa lành bệnh tê liệt cho cậu ta.

     Năm 1883, ngài đi Paris hai chuyến : Chuyến thứ nhất từ 18.4 đến 5.5.1883 chuyến thứ nhì từ 16.5 đến 26.5.1883. Ngài đã tiếp hàng ngàn người, đã diễn thuyết nhiều lần và đâu đâu, người ta cũng bày tỏ tâm hồn và đời sống thiêng liêng của mình, để được lãnh nhận những lời chỉ giáo rành mạch vì hầu như ngài đọc được mọi uẩn khúc trong tâm hồn của người đối thoại. Ngài cũng có làm nhiều phép lạ làm cho báo chí không ngớt lời ca ngợi. Hễ ngài đến thánh đường nào hay nhà tư nhân nào, thì thiên hạ đua nhau đến dâng cúng tiền bạc, để ngài xử dụng vào các công trình lớn lao của ngài. Những thánh đường rộng lớn như thánh đường Sainte Madeleine và Saint Sulpice mà không còn chỗ chen chân.

     Hôm nọ, ngài đến thăm nhà xuất bản sách là ông Jossé, ở số 31, rue de Sèvres gần nhà hàng Bon Marché. Khi biết ngài hiện diện ở đấy, thì ôi thôi, thiên hạ chiếm cả hàng sách, rồi đường đi đen nghịt cả người; thánh nhân lên xe, song xe không tiến được, rồi người ta hô hào : Xin cha Bosco ban phép lành cho chúng tôi!. Ngài đứng trên xe đáp lại : Vâng! Thưa các bạn thân mến, tôi ban phép cho các bạn và qua các bạn, tôi ban phép lành cho nước Pháp. Hôm ngài đến viện mồi côi Auteuil để thăm linh mục Roussel là bạn thân, thì có một cụ già đến xin gặp. Ban đầu, cụ giấu tên mình, và cụ đã từng tuyên bố là không tin gì hết, và trong lòng vẫn lưỡng lự chưa dứt khoát. Cha Bosco niềm nở tiếp khách. Vài hôm sau, ông cụ lại đến với ngài và nói với ngài : Lần này tôi tin linh hồn chẳng hay chết. Tôi tin vào Thiên Chúa. Người ta đồn với nhau rằng ông già ấy là Đại Văn hào Victor Hugo. Tại Pháp, ngài còn đi thăm Lille, Amiens, Versailles, Dijon. Đâu đâu cũng dành cho ngài sự đón tiếp nồng hậu. Ngài trở về Turin thì đã thấm mệt. Song, vài tuần sau đó, thì ngài phải sang Áo quốc (Autriche), do lời mời khẩn khoản của hầu tước Chambord. Sau đó, sức khỏe của ngài khá lại đôi chút; đến năm sau thì ngài đi thăm nước Y pha nho (Espagne). về thiên cung lãnh thưởng Với tiền bạc do người ta dâng cúng trong dịp ngài đi thăm đó đây, cha Bosco hoàn thành được mọi công trình xây dựng thánh đường thì ngài cũng đã kiệt sức.

     Cuối năm 1887, ngài liệt gường, song vẫn sẵn lòng tiếp khách khứa đủ mọi tầng lớp trong xã hội tấp nập viếng thăm ngài, vì họ cho rằng ngài là thánh nhân. Lời cuối cùng ngài trối lại là : Xin nói lại với tất cả con cái của tôi biết là tôi chờ chúng ở trên Thiên đàng. Xin khuyên bảo chúng nó phải tôn sùng mình Thánh Chúa và sùng kính Đức Mẹ Maria. Được như vậy, chúng nó chẳng có gì mà phải sợ.

Ngày 29.1.1888, lễ Thánh Phanxicô Salêsiô thì ngài hấp hối; ngài chọn cha Rua để kế vị, rồi ngài chúc lành cho mọi người hiện diện và rồi linh hồn nhẹ nhàng rời khỏi xác lúc 4 giờ sáng ngày 31.1.1888. Đám tang cử hành tại Vương cung Thánh đường đức Bà Hằng Cứu giúp, có rất đông đảo người tham dự. Thật là một đại tang cho nước Ý đại lợi, và cũng là đại tang cho cả nước đã được phước đón nhận các tu sĩ Salêsiô; đâu đâu cũng cầu nguyện cùng thánh nhân và phép lạ ngày càng nhiều, cho nên vụ xin phong thánh cho cha Bosco được xúc tiến rất nhanh.

     Đức Giáo Hoàng Piô XI phong Á thánh cho cha Bosco năm 1925, rồi phong Hiển thánh vào dịp đại lễ Phục sinh năm 1935. Tối hôm ấy, lần đầu tiên, Vương Cung Thánh đường Thánh Phêrô đèn đuốc sáng rực rỡ để kính cậu mục đồng thôn Becchi, đã trở thành một trong những vị thánh của cả Giáo Hội khải hoàn (Eglise Triomphante)

     Thời đại bây giờ, có biết bao nhiêu người ích kỷ chỉ biết đến quyền lợi riêng tư của mình. Trong khi ấy, Cha Gioan Bosco trọn đời chỉ biết có Thiên chúa là quan trọng, là cứu cánh; chuyên tôn sùng Đức Mẹ Maria và chuyên lo làm mọi việc vì Thiên Chúa, với Thiên Chúa, cho Thiên Chúa.

Gioan Baotixita Hồ Đắc Hóa

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art