Thứ Năm, 26 Tháng Bảy, 2018

Nỗi nhớ và những cái “THÈM” của đứa con tha hương

Nỗi nhớ và những cái “THÈM” của đứa con tha hương - 1
 

* Lê Ngọc Châu

Lời phi lộ: Bài tạp ghi sau đây tôi viết cho Nội San Cường Để & Nữ Trung Học Qui Nhơn 2018.

Chờ 4 tháng và nay thấy được đăng trong Đặc San phát hành tháng 06.2018 rồi nên xin được phổ biến, giới thiệu rộng rãi hơn để các anh chị em đồng môn, những cựu học sinh liên trường Qui Nhơn/ Bình Định không cầm cuốn Đặc San trong tay và xa hơn nữa quý đồng hương nào có lần đã dừng chân ở Qui Nhơn đọc và biết đâu quý vị có thể tìm thấy trong đó một vài kỷ niệm nhỏ mà quý vị tình cờ trải qua. Mong hoan hỷ cho mọi sơ sót, nếu có. Trân trọng (LNC).

Tôi rời Qui Nhơn, trường Cường Để và gia đình sau khi xong Tú Tài Hai. Cuối năm đó may mắn đã được Bộ Giáo Dục của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) cho xuất ngoại du học.

Đời sống sinh viên thời đó khá vất vả về tài chánh dù đi theo dạng học bỗng quốc gia hay tự túc vì tiền hàng tháng nhận được qua ngân hàng rất giới hạn, đến 1974 khoảng 120$/ tháng mà phải chi ra cho rất nhiều thứ từ tiền thuê phòng hay tiền nội trú cư xá sinh viên (nếu có), tiền ăn uống, đi xe điện có “tài xế lái”, mua sách vở, bút mực …, chưa kể đến cái lạnh kinh khủng của mùa đông hay sự buồn tẻ vì sống xa quê hương, gia đình, bạn bè. Thú thật, nếu bị bịnh thì chẳng có ai thân nhân ở gần chăm sóc. Nói chung, chúng tôi sinh viên thời VNCH thiếu thốn mọi mặt, từ tinh thần cho đến vật chất, chỉ được an ủi là chúng tôi an tâm học hành so với sinh viên ở VN trong thời chiến. Cũng nói thêm, không riêng gì Đức ngữ mà chương trình học ở Đức khó vô cùng trong khi trình độ Đức ngữ của chúng tôi chỉ học 2 đến 6 tháng vì thế chuyện “bơi ở Uni” khó tránh khỏi. Rồi đa số sinh viên càng khốn khổ hơn sau khi VNCH bị cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm ngày 30 tháng Tư năm 1975. Nhiều người mất tinh thần không biết số phận gia đình bên nhà như thế nào, cảm thấy lạc lõng, khủng hoảng tài chánh bởi “nguồn tài trợ từ Việt Nam” theo chân của “kẻ thua cuộc” cũng chấm dứt từ đó, gây khó khăn nhiều cho sinh viên đến Đức từ 1972, 1973 hay cuối năm1974.

Tôi nói riêng may mắn học xong bậc cao học. Sau khi được Đức cho tị nạn chính trị đã làm thợ khách xứ người hơn ba thập niên, lượm bạc cắc sống nhờ ở đậu và chu toàn bổn phận của một công dân “Đức mới, gốc Việt” từ bầu cử đến đóng thuế. Cuối cùng vì kéo cày nuôi thân từ lúc còn sinh viên, tính chung thời gian “phục vụ cho quê hương mới” của mình bằng chính những gì học được do người bản xứ dạy cũng khá dài và quá đủ, cộng thêm “cái lười, cảm thấy sức yếu dần khi tuổi đời chồng chất” nên xin về hưu non, sau đó nghỉ hưu thật sự.

Nghỉ hưu, ở nhà ai cũng nghĩ thời gian dư thừa làm gì cho hết. Đúng mà cũng không đúng. Người nào có lắm hobbys thì tận dụng để giải trí đỡ buồn hay bớt nhàm chán. Riêng tôi cũng có vài hobbys thanh tao để “giết chết” phần nào thời gian rảnh. Tuy nhiên, đôi khi ngồi một mình thả tâm hồn và trí óc bay xa hoặc những đêm ngồi uống chai bia, nhâm nhi ly rượu đỏ nhỏ nghe nhạc thì quá khứ lại chợt về. Trong khoảnh khắc đó chợt nhớ lại nhiều kỷ niệm thưở ấu thơ, kỷ niệm thời ngày hai buổi cắp sách đến trường, nhất là của thời Tiểu-Trung học ở Qui Nhơn. Xin được nhắc lại vài dữ kiện có lần đề cập sơ trước đây gần 15 năm.

Ba tôi sau 1954 phải rời nơi chôn nhau cắt rún, tạm xa gia đình khăn gói vào “phương nam (dễ hiểu nếu đi ra hướng Bắc thì chỉ có Huế và Quảng Trị là hết!)” vì sinh kế . Miền Trung ai cũng rõ là xứ khô cằn sỏi đá, chẳng lạ gì Quảng Tín, Quảng Ngãi sống nhờ nông nghiệp nên ba tôi không dừng chân ở đó, đi tiếp và tình cờ chọn Thị Xã Qui Nhơn thuộc tỉnh Bình Định làm nơi định cư vì đã tìm ra công ăn việc làm khá chắc chắn. Tôi là con trai trưởng trong gia đình khá đông anh chị em và một phần, má tôi muốn cho con trai đầu lòng gần ba để được trông nom, kèm dạy kỹ lưỡng hơn do đó tôi là đứa con đầu tiên nối gót theo ba sau 2 năm.

Thời gian trôi qua nhanh thật, quay đi quay lại thắm thoát tôi đã sống ở Qui Nhơn 11 năm, lâu hơn ở nơi sinh ra cho nên đối với riêng tôi, có thể nói Qui Nhơn là quê hương thứ hai của mình, vùng đất mà tôi đã trải qua những tháng ngày đầy kỷ niệm của lứa tuổi học trò mộng mơ, chỉ tiếc một điều là tôi đã không ôm ấp trọn vẹn tất cả những kỷ niệm của chuổi ngày sống tại đây, vì thú thật chẳng bao giờ nghĩ là có lần mình phải ngồi nặn óc, ngược dòng thời gian lục tìm kỷ niệm để ghi lại hay viết bài bút ký, chưa kể đến chuyện gần 43 năm rồi chưa về thăm lại “vùng đất hứa” ngày nào cho nên đâu biết rõ Qui Nhơn giờ này ra sao?.

Tôi đến Qui Nhơn (QN) sau khi học xong lớp năm và với lứa tuổi còn quá thơ ngây nên chưa có cái nhìn rõ ràng về thành phố này. Chỉ nhớ lúc đó QN còn nghèo nàn lắm, nhà cửa thưa thớt, đường đất bụi bay khi xe hơi chạy qua. Tôi ở cùng với cha trong căn nhà nhỏ của hãng ba tôi làm việc trên đường Phan Bội Châu. Vì từ xa chân ướt chân ráo mới đến nên năm đầu ba tôi xin cho tôi vào học lớp tư ở trường tư thục Bồ Đề, không xa lắm từ nhà nhờ vậy hằng ngày tôi lội bộ tới trường. Từ đó hai cha con hủ hỉ với nhau, có thể nói, sống xa gia đình nên tình yêu ba tôi dành trọn vẹn cho đưa con trai sống bên cạnh nơi đất khách quê người.

Riêng đối với tôi tất cả đều xa lạ trong năm đầu tiên, từ thầy giáo, giọng nói cho tới bạn bè và ngoại cảnh xung quanh … Nhưng sau thời gian ngắn tôi cũng đã hội nhập được với cuộc sống mới. May mắn được ba tôi chỉ dạy, xem bài vở mỗi tối khi rảnh tay nên nhờ đó tôi theo kịp bạn bè. Hết năm lớp tư, ba tôi lo làm thủ tục giấy tờ và tôi được tham dự một “khoá thi đặc biệt vào lớp ba do trường tiểu học công lập Nguyễn Huệ tổ chức để tuyển thêm vài học sinh cho lớp học “đủ túc số”. Trẻ con biết gì, ba bảo, chở xe đạp đến trường thì tôi mang theo bút mực dự thi và may mắn, tôi có tên trong danh sách những học sinh thi đỗ và từ đó ba tôi không phải trích tiền lương trả học phí cho con. Đường công danh, thi cử của tôi có thể nói bắt đầu sau lớp tư. Tôi bỗng trở thành học trò trường tiểu học công lập Nguyễn Huệ, còn nhớ rõ lúc đó cô Phượng làm giáo viên hướng dẫn, cô rất trẻ, xinh ở gần trường và rất thương tôi sau nầy vì … tôi thuộc loại học sinh ngồi bàn đầu, học cũng chẳng đến nỗi tệ cho lắm nên về sau thỉnh thoảng được diễm phúc cô cho phép tháp tùng qua nhà cô cạnh trường khi hết giờ học, “mang mấy cuốn vở” chúng tôi làm bài kiểm dùm cô cho cô nhẹ tay tí.

Sau này, nhờ ba tôi tận tụy làm ăn, dành dụm và thuê được một căn nhà nhỏ ở góc đường Hoàng Diệu / Gia Long, không xa nhà Thờ và đưa tất cả gia đình vào Qui Nhơn sinh sống. Đường Hoàng Diệu nằm gần chợ Qui Nhơn, đi chừng vài trăm mét quẹo trái góc đường Phan Bội Châu đến đường Lê Thánh Tôn và từ đây rẽ trái thì đi về nhà thờ, trường La San còn nếu rẽ phải đi thẳng là tới bãi biển Qui Nhơn. Nói chung khu phía Bắc Qui Nhơn, gần trường Ấu Triệu lúc đó nhà cửa thưa thớt, không sầm uất như khu Phan Bội Châu hay phố Gia Long.

Ba tôi mua cho chiếc xe đạp nhỏ và từ khi theo học trường Tiểu học Công lập Nguyễn Huệ tôi đạp xe đạp đi từ nhà thay vì quẹo trái sang đường Trần Cao Vân, qua rạp hát Cộng Hoà để đến trường Bồ Đề thì tôi chạy dọc theo đường Phan Bội Châu, ngang qua khu bưu điện đến trường Nguyễn Huệ, nơi tôi đã mài đít ngồi cho đến hết lớp nhất. Hết niên học này, tôi và các bạn cùng lớp của trường Nguyễn Huệ lại có cơ hội so tài với các bạn cùng trang lứa từ các trường tiểu học Ấu Triệu (trường nữ), Mai Xuân Thưởng, Bồ Đề và nhiều trường khác trong tỉnh về tham dự cuộc thi tuyển vào lớp đệ thất của trường Trung Học Cường Để, một trường trung học công lập duy nhất tại Thị Xã Qui Nhơn. Trong số hơn hai ngàn thí sinh, trường tuyển chọn khoảng hai trăm vào lớp đệ thất và tôi may mắn lọt vào số học sinh được tuyển chọn. Ba má tôi vui mừng và hãnh diện không ít vì đây là vinh dự không nhỏ khi một gia đình nào đó có con thi đậu vào trường Cường Để, rất nổi tiếng tại Thị xã Qui Nhơn và tỉnh Bình Định, với nhiều Giáo sư giỏi nên tỷ lệ thi đậu Trung học, Tú Tài rất cao, ít ai rớt.

Má tôi phụ ba buôn bán làm ăn thêm để kiếm tiền nuôi đàn con, lo dành dụm và nhờ vậy về sau thuê được một căn nhà rộng hơn ở đường Hai Bà Trưng trước khi tạo được một căn nhà ngói ở đường Nguyễn Du gần ngã tư Lê Lợi, với nhiều phòng ốc, đầy đủ tiện nghi hơn và gia đình chúng tôi dọn về đó, nơi mà tôi nói riêng cùng gia đình và chị em chung sống với nhau cho đến khi tôi xong bậc trung học, rời gia đình đi thật xa.

Trở lại chuyện học, vào đệ thất học ở trường Cường Để cũ mà anh chị đồng môn ai cũng biết (rõ hơn tôi) nên xin lướt qua. Chỉ nhắc lại vài kỷ niệm nhỏ. Nhớ lúc đó chúng tôi học Pháp Văn với thầy Nghĩa. Thỉnh thoảng cuối tuần ghé thăm thầy vì tôi ở không xa nhà thầy ở đường Phan bội Châu, gần nhà thầy Dương Minh Ninh, dạy nhạc. Rất tiếc thầy gặp tai nạn ở quân trường qua đời sớm khi còn trẻ. Thời gian lặng lẽ đi qua không ngừng nghỉ, ở Cường Để tôi đã hân hạnh có dịp học với quí Thầy nổi tiếng dạy giỏi về Toán, Lý Hóa là thầy Quan, thầy Tấn, từng là học trò của Quý Thầy Cô như Thầy Phong, Cô Hoa, Thầy Tùng, Thầy Sanh, Thầy Trác, Thầy Chính …. Có lẽ số tôi không tránh khỏi được chuyện thi cử nên sau khi học xong năm đệ tứ, tôi lại xách bút mực đi thi kỳ thi trung học lần chót. Mảnh bằng Trung Học cũng là một “kỷ vật” khó quên, dù đã bị thất lạc sau 1975 lúc gia đình “di cư vào Nam”.

Ngày nào mới đến Qui Nhơn chân ướt chân ráo, tôi trở thành học sinh đệ nhị cấp sau khi thi đậu trung học, hãnh diện vì trên áo bắt đầu từ đó có thêu một bông hoa thị màu đỏ, dấu hiệu cho biết đang học đệ tam trường Cường Để, phân biệt với đệ nhất cấp màu xanh nếu nhớ không lầm. Tôi bắt đầu ngẫng mặt lên tí trên con đường đi học và về nhà, nhất là những giờ tan học khi có mấy cô nữ sinh trường Nữ Trung Học hay Bồ Đề tình cờ đi ngược chiều mỗi ngày tôi thả bộ dọc theo đường Tăng bạt Hổ đến trường Cường Để mới. Phải nói thưở học trò từ giữa thập niên 50 cho đến gần cuối thập niên 60, lúc mà đất nước VNCH đang còn an bình sao mà đẹp quá. Mọi người sống tương đối khá hồn nhiên, ít lo lắng. Hết lớp Đệ Nhị tôi xách bút đi thi Tú Tài I. Đây là ngõ cụt của học sinh thời đó vì phải đậu Tú Tài I mới được lên học lớp đệ nhất. Nhiều đàn anh trong xóm học lớp trên tôi, lận đận thi cử bị trượt mãi, có anh phải thay đổi tên tuổi để học lại hy vọng lần tới sẽ thi đậu, có người từ giã bạn bè, trường học đi lính. Tôi may mắn hơn, qua được Tú Tài I trở thành học trò lớp đệ nhất B với ba bông hoa thị màu đỏ thêu trên áo. Lại thêm một hãnh diện làm tôi “tự tin” hơn trên con đường học vấn. Học lớp Đệ Nhất thời đó là số một tại Thị xã vì đàn anh xong Tú Tài Hai đã đi xa học Đại Học rồi nên chúng tôi ”cảm thấy lên giá tí “ và thường hay xách xe gắn máy chạy dọc theo biển để ngắm mấy “bông hồng trường nữ” duyên dáng với chiếc nón lá, yểu điệu và tha thướt thả bộ trong chiếc áo dài màu trắng mỗi lần tan trường. Cũng là một kỷ niệm!.

Chắc ai cũng tưởng tôi chỉ biết học thôi!. Không như vậy đâu, tôi rất ham mộ thể thao nên cái gì cũng biết chơi chút chút, không tệ lắm nhưng phân biệt rõ ràng giữa chuyện chơi và học. Chúng tôi lớp trẻ cách nhau vài ba tuổi trong xóm thường hẹn gặp gỡ sau giờ học và con đường đất Nguyễn Du là chỗ chúng tôi đá banh khi vắng xe, rũ nhau chia hai phe u mọi, đánh vũ cầu, bắn bi, đánh trỗng, đá dế, chọi vụ, tạt bao thuốc lá, bắn giây thung, chiều chiều đánh bóng bàn trong sân nhà người bạn … không thiếu trò chơi nào hết, kể cả các trò chơi ưu tiên dành cho phái nữ như chơi nẻ, nhảy dây, trò chơi dân gian như nhảy lò cò hoặc “rải ô giang?”. Nhiều khi chúng tôi, đội banh khu chợ lớn trèo tường vào sân vận động Qui Nhơn để đấu với mấy bạn cùng trang lứa cư ngụ gần Ty Thông Tin, vì thế riêng tôi đã từng có dịp tranh tài với các “cầu thủ trẻ nổi danh” thuộc khu Võ Tánh & Ty Thông Tin. Nhớ lúc đó có lần đá banh cả buổi chiều, quên luôn giờ giấc đến tối mới về nhà mà chẳng biết mệt là gì.

Làm sao quên những chiều đẹp trời đánh vũ cầu với những người bạn gái trong xóm, tuy học cùng lớp nhưng lớn tuổi hơn nên tôi phải gọi bằng chị, ngay trước nhà trên con đường đất bay đầy bụi mỗi lần xe hơi, xe nhà binh chạy ngang. Xa hơn nữa, con đường Nguyễn Du đã in đầy dấu chân của tôi. Đi vài phút về hướng Bắc, dọc theo con đường đất này nếu quẹo phải dọc theo đường Hoàng Diệu, ngang qua nhà thương và trường Tân Bình (sau là Nữ Trung Học) là đến biển đẹp Qui Nhơn; còn nếu cứ đi thẳng tiếp, qua khỏi tiệm bình dân mà tôi cũng có lần ngồi ăn và ty cảnh sát, đụng đường Lê Thánh Tôn quẹo phải thì cũng sẽ ra tới bờ biển Qui Nhơn, nơi mà chiều tối về các đôi nhân tình hẹn hò gặp nhau tâm tình, nắm tay đi dạo … và cũng là nơi chúng tôi đi tắm biển có lúc nghịch ngợm chạy theo bắt mấy con dã tràng tránh sự săn đuổi của chúng tôi đang tìm cách chui nhanh xuống hang trốn …

Rồi năm học cuối cùng của bậc Trung học Đệ nhị cấp trôi qua, tôi đi thi Tú Tài II, sau khi có được số vốn do sự chỉ dạy tận tụy của Quí Thầy Sanh, Thầy Tài, Thầy Quan, Thầy Tấn, Thầy Trác, Thầy Tùng … Gia đình nói chung từ Ba Mẹ, chị em và thân nhân đều lo lắng, hồi hộp vì tôi là người đầu tiên trong gia tộc đi thi Tú Tài Hai (Bac II). Ông trời lại đãi ngộ và thêm lần nữa, tôi may mắn qua cầu. Gia đình hãnh diện vì khu đường Nguyễn Du gần Lê Lợi tôi ở, ngoài một anh học trên một lớp thì tôi (nếu nhớ không lầm) là người thứ nhì đậu Tú Tài Hai, chính thức được gia đình gọi “cậu tú” từ đó, trong khi bạn bè lối xóm nhiều người lận đận thi cử. Phía nữ sinh cư ngụ cùng đường cách nhau vài căn nhà thì có Thùy Hân (TH), cô bắc kỳ chín nút (BK 54) xinh xắn cũng vượt qua khổ ải này. TH về sau vào Sài Gòn học, lập gia đình và hiện nay đang ở Mỹ.

Con đường học vấn của mình tưởng sẽ dừng chân ở Sài Gòn sau khi tôi từ giã gia đình vào Thủ Đô của VNCH để theo học bậc Đại Học và chưa biết chọn ngành nào. Nhưng tất cả vượt qua mọi dự tính. Đúng là “mưu sự tại Nhân, thành sự tại Thiên”. Do tình cờ đẩy đưa qua đề nghị của người chị “bà con xa đại bác bắn không tới vốn là Dược sĩ “, tôi nộp đơn xin đi du học và sự may mắn vẫn còn theo mình nên đã được chính phủ VNCH cho phép xuất ngoại du học Tây Đức. Thế là tôi có mặt tại Munich, thủ phủ của vùng Nam Đức vào mùa Đông lạnh buốt xương vào ngày cuối năm. Cuộc sống tha hương bắt đầu từ đó, dù tự lập sau khi biết chút ít tiếng Đức nhưng cuối cùng tôi cũng tốt nghiệp bậc Cao học, tuy có phần vất vả về tài chính sau 75 mà hầu hết sinh viên du học thời VNCH ai cũng gặp phải, trong đó có tôi.

Tháng Ba năm 1975, về thăm nhà tưởng rằng ở VN với gia đình 3 tháng sau nhiều năm xa cách, mong sẽ đi thăm lại những thành phố tôi đã từng sống hay dừng chân như quê nội ngoại, Đà Nẳng, Huế, Nha Trang, Ban Mê Thuộc … , định đi thăm Đà Lạt thơ mộng chưa một lần ghé đến nhưng hoàn cảnh không cho phép nên 4 tuần sau đó tôi lại phải khăn gói rời Sài Gòn trở về Đức khi tình hình chiến sự tại miền Nam VN trở nên căng thẳng vì cộng sản Bắc Việt bắt đầu tấn công nhiều quận, xã, tỉnh lỵ. Không ngờ lần chia tay này lại là lần chia tay cuối cùng với Việt Nam và Qui Nhơn!. Qua lại Đức vào tháng 04.1975 và sau đó thì VNCH bị cộng sản cưỡng chiếm kể từ 30.04.1975. Sài Gòn, nơi tôi đã sống thời gian ngắn và có nhiều kỷ niệm mang theo, bị đổi tên. Căn nhà thân yêu của gia đình tôi về sau cũng bị đổi chủ, phải bán cho cán bộ cộng sản. Cha mẹ, chị em phân tán mỗi người mỗi ngã vì mưu sinh. Tôi mất nước, mất quê hương và mất luôn mái ấm gia đình, từ đó chưa một lần về thăm (dầu có thể nói đủ điều kiện!) nên chỉ biết gởi nhớ thương về quê Mẹ bên kia bờ đại dương và lần nữa, đành chọn nước Đức làm quê hương thứ ba, quê hương “tạm dung” của mình, sau nơi tôi lớn lên và học xong bậc trung học ở đó cách đây gần 50 năm là thành phố Qui Nhơn.

Khoảng năm 2002, tình cờ nghe biết được có mái nhà chung “Cường Để và Nữ Trung Học Qui Nhơn” do quý đàn anh, đàn chị và do những cựu môn sinh đang sống xa xứ của hai trường cùng nhau gầy dựng lên ở Houston/Mỹ, theo tiếng chim gọi đàn tôi tìm đến lần đầu vào năm 2004, kế đến là hè 2007 và 2011. Nhiều lần tuy nhận thông báo và định sang Houston-TX thăm Thầy Hiệu trưởng Tôn Thất Ngạc, quý Thầy cô, gặp bạn bè nhưng rất tiếc bị trùng ngày với vài sinh hoạt ở Đức vì vậy sáu năm qua tôi đã bỏ lỡ nhiều cơ hội.

Âu Mỹ hai phương trời cách biệt nên qua sự réo gọi của anh Nguyễn Mạnh An Dân trước đây và năm nay 2018 từ chị Kim Oanh tôi lại “xí xọn” viết tài tử đóng góp, ghi lại những gì còn nhớ được sau gần 43 năm xa xứ, sau hơn bốn thập niên ăn Tết xứ người kể từ 75 mà nhiều lúc tôi đã nghẹn lời, đau buồn khi nghĩ đến vì chưa biết ngày nào mình mới có dịp trở về quê Mẹ, trở về “thăm vùng đất hứa Qui Nhơn” để có dịp sống lại vài phút cùng kỷ niệm ấu thơ?.

Vâng, mỗi khi nghĩ đến Qui Nhơn tôi “THÈM” được lặng lẽ thả bộ trên những con đường có lần đã đi qua, nào là Hoàng Diệu, Hai Bà Trưng, Nguyễn Du, Lê Lợi, Phan Bội Châu, Gia Long, Lê Thánh Tôn, Võ Tánh, Nguyễn Huệ, Tăng Bạt Hổ, Trần Cao Vân, Cường Để .v..v…

Tôi thèm có dịp thăm lại bãi biển Qui Nhơn để được bơi lội mỗi chiều sau khi tan học về.

– Thèm lắm và không quên những sáng sớm xách xe gắn máy chạy ra biển tắm, cùng bạn bè lối xóm đá banh trên cát xong nhào xuống biển bơi lội rồi về nhà cặp sách đến trường.

– Nhớ quá và thèm có cơ hội được thưởng thức món nem nướng mà tôi và mấy đứa bạn thân đêm nào ra ngồi dưới gốc dừa hóng gió biển, ngắm trăng, nghe sóng vỗ và cùng nhau ngồi quanh gánh hàng rong vừa ăn vừa khen ngon rối rít.

Biết đến khi nào mới có dịp ghé thăm lại những ngôi trường xưa như Nguyễn Huệ, Cường Để, hay thăm Ghềng Ráng ngồi trên tảng đá mắt nhìn ra phương trời xa hứng gió biển, nghe tiếng sóng vỗ, hoặc trèo lên núi thăm Suối Tiên, ghé đồi Nguyên Thiều … và sống lại không khí ngày đại Lễ Kỷ Niệm Đống Đa tại Phú Phong nhân dịp đầu năm?.

Tôi ước ao có dịp ghé lại, ngồi trong rạp hát Lê Lợi và nhà hát lớn Kim Khánh như lúc mình còn ở QN để chăm chú theo dõi những màn đấu võ đài ngoạn mục do môn đệ của các võ sư nổi tiếng như Hà Trọng Sơn, Kim Bửu … trình diễn để rồi sau đó ghé ăn lót lòng tô mì Trường Đề của hơn 30 năm về trước, càng ngon hơn với vài trái ớt cay ngâm dấm mà tôi rất thích .

Ngoài ra, riêng tôi một “đứa con” sống xa xứ hơn bốn thập niên không quên nhiều “đặc sản” hay những món ăn ngon không chê vào đâu được của Thị xã Qui Nhơn mà mình đã từng là người trong cuộc khi còn là một cậu học sinh Trung học, nhất là từ sau lớp đệ tam.

Bây giờ, nơi xứ người lạnh lẽo nhất là khi Xuân lại về trên đất khách, tôi nói riêng vẫn còn

– thèm nghe tiếng sóng biển mỗi chiều chạy xe hay thả bộ dọc theo đường Nguyễn Huệ để có dịp “nhìn trộm” mấy nữ sinh Nữ Trung Học tan trường, thướt tha trong tà áo dài trắng. 

– thèm và nhớ lắm tô mì Quảng thơm ngon mẹ tôi thỉnh thoảng nấu cho gia đình ăn.

– thèm ăn nem nướng rao bán vào buổi tối, hay nhớ gánh hàng rong bán xôi mỗi sáng.

– thèm ăn tré, nem Bến Ngự của Huế hay nem chợ Huyện ngon có tiếng của xứ nẫu Bình Định bày bán ở Qui Nhơn vì vậy mới có câu ca dao : “Ai về Vinh Thạnh quê em, ăn nem Chợ Huyện xem đêm hát tuồng” và nhâm nhi với chai bia 33 thì không chê vào đâu được.

– thèm một tô bún bò Huế gần trường Bồ Đề hay nhớ đến tô phở mà tối tối xe phở đẩy ngang nhà với tiếng gõ lốc cốc (gọi là phở gõ) và hô to “phở nóng ngon đây, ai ăn không!”. 

– Thèm và nhớ ổ bánh mì thịt xa xíu xưa bày bán trước vỉa hè khu nhà Lê Đức Viên. Phải nói, bánh mì của bác này ngon số dách, chính tôi thích ăn sáng bánh mì này lắm.

– Nhớ những lúc ngồi ăn xôi buổi sáng ít nhất một lần trong tuần ở tiệm (xin lỗi quên tên) gần trường Nguyễn Huệ và Cường Để cũ.

– Không quên cái quán nhỏ ngay trong sân trường phía sau Cường Để mới chỉ bán cho học sinh mà đôi khi tôi ngồi ăn tô bún giờ giải lao hay mua cây cà lem những trưa trời nắng ấm.

– nhớ tiếng rao bán hột vịt lộn đầu đường hay tiếng rao “ai ai thịt bê thui không”, thèm lắm “đặc sản” ngon đáo để này mà tôi thỉnh thoảng thưởng thức dù lúc đó chưa biết nhậu.

– thèm một tô phở Công Binh vào cuối tuần hay tô phở ở gần bùng binh Lê Lợi-Võ Tánh-Nguyễn Huệ cùng với bạn học cũng như khó quên được những đêm lo học thi tú tài về khuya đói bụng, cùng thằng bạn thân xách xe gắn máy ghé qua tiệm phở ở Khu 2 góc đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi mua xí quách về nhà gặm rồi học tiếp.

– thèm một đĩa cơm tấm ở bến xe QN, thèm hủ mắm tôm chua mua mang về nhà từ đó.

– thèm ly kem Phi Điệp, tiệm của cha mẹ người bạn học, ngồi nhâm nhi và nghe nhạc

– thèm/ nhớ những lúc hẹn với bạn bè xách xe chạy lên tiệm Billard ở đường Lê Lợi và hay trên đường Phan Bội Châu chơi vài cơ giải trí.

– thèm xem, nghe hát bội ở Rạp Tân Châu (lâu đời ở QN) xong qua đá banh bàn hay đánh bóng bàn giải trí trong tiệm kế đó hoặc ghé quày cạnh bên uống một ly sinh tố.

– thèm ăn tô bánh canh, cái bánh xèo, chén bánh bèo hay uống lý nước mía mỗi lần ghé đến Chợ Lớn Qui Nhơn cũng như không quên các quán nhỏ xung quanh chợ ở trên các con đường Tăng Bạt Hổ, Hoàng Diệu và Phan Bội Châu mà tôi đã có lần dừng chân nghỉ mệt.

– thèm ăn trái cốc hay đứng cạnh quày bán bên đường thưởng thức món khô mực cán mỏng với tương ớt ngon vô cùng hoặc món tôi thỉnh thoảng ăn vặt là bò bía.

– thèm và mong được sống lại cảnh ngày còn đi học trung học đệ nhị cấp cuối tuần đi lên, dạo xuống khu phố Gia Long nhộn nhịp tài tử giai nhân qua lại.

Rồi còn bao nhiêu cái thèm, nỗi nhớ khác nữa …, nhưng kể sao cho hết kỷ niệm xa xưa của quãng thời gian ở cái tuổi đẹp, đầy mộng mơ và đáng yêu nhất, nơi Thị xã nhỏ mà khi tôi đến còn trống vắng, còn là vùng đất bụi bay đầy đường và hầu như đầu đường cuối ngõ mọi người ai cũng biết đến nhau hay ít ra cũng được nghe nhắc đến tên …

Bây chừ sống trên quê hương thứ ba của mình, từ xứ Đức khi thời gian trong năm mưa lạnh nhiều mà nắng ấm lại rất hiếm tôi chỉ có thể mường tượng và hồi tưởng theo trí nhớ của mình những con đường cũ một lần đi qua, nhớ vài địa danh đã có lần dừng chân hay vẫn nhớ những “thằng, cô bạn học cũ” giờ tuổi đã già hay có đứa đã ra đi… Nói chung, chỉ có thể ôn lại kỷ niệm ngày tháng cũ để luyến tiếc, có dịp sống lại với tuổi thơ trong chốc lát !.

…. Tôi được Đức cho phép “tỵ nạn cộng sản”, – vẫn giữ nguyên căn cước của người tỵ nạn cộng sản cho đến nay dù bây giờ đã trở thành người Đức gốc Việt -, vì vậy chưa có thể về để nhìn lại quê hương trong lúc này!. Cho tôi được nhắc lại ở đây vài kỷ niệm nhỏ xa xưa và xin mượn ngòi bút ghi, phác họa lại một số “hình ảnh đơn sơ” thay cho những giây phút xem như chính tôi đang đi – đứng trên quê hương VN yêu dấu, đang ghé thăm Qui Nhơn của tôi ngày nào dù đó chỉ là hình ảnh tôi còn giữ lại được trong ký ức nhỏ bé của mình, từ thời tuổi còn ngây thơ, vụng dại ngày hai buổi cắp sách đến trường!.

Cho tôi mở ngoặc ở đây tí xíu trước khi kết thúc bài tạp ghi. Sống ở Đức khá lâu, thường theo dõi tình hình qua báo chí, truyền hình nên chuyện cộng sản Đông Đức (DDR) sụp đổ hầu như không đổ máu và tiếp theo toàn khối cộng sản Đông Âu tan vỡ đối với riêng tôi chẳng lạ gì, khác chăng chính người dân DDR nói riêng với trình độ dân trí cao, nhờ sự lãnh đạo khéo léo của các nhà trí thức thật sự đấu tranh cho dân, với sự hỗ trợ của các vị linh mục, tu sĩ, văn-nghệ sĩ yêu chuộng tự do, công bằng, … “tay không” họ đã can đảm đứng lên từ nội địa, biểu tình ôn hoà liên tục nhiều tháng đòi nhân quyền, đòi quyền tự do ngôn luận, đòi tôn trọng tự do tôn giáo cho chính họ nên cuối cùng cấp lãnh đạo của DDR phải đầu hàng, toàn bộ chính trị đảng cộng sản Đông Đức (SED) tuyên bố từ chức ngày 08.11.1989. Chiều ngày 09.11.89, bức tường ô nhục Đông Bá Linh bị phá và Cộng Hòa Dân Chủ Đức là kẻ thua cuộc, DDR bị khai tử trong khi ở Việt Nam thì ngược lại. Một điểm khác cần đề cập đến là “Quân-Cán Chính” của DDR không bị đối xử tàn nhẫn từ bên thắng cuộc, lính, công an và công chức của DDR không bị tống giam hay lùa vào các “trại cải tạo”, dân DDR không bị truất hữu hay bị cưỡng bách rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, nhà cửa … mà trái lại còn được giúp đỡ về tài chánh cho họ làm lại cuộc đời mới, cách đối xử nhân bản của kẻ thắng Tây Đức với DDR hoàn toàn khác xa so với csVN sau khi chúng chiếm được VNCH, 30.4.1975.

Đức thống nhất năm1990, điều xảy ra bất ngờ mà bà thủ tướng Merkel, vốn xuất thân từ DDR năm 2014 phải khẳng định: “Không có sự can đảm của các công dân, không đưa đến Sự Thống Nhất. Chúng ta đừng bao giờ quên điều này!” và “Nếu không có sự can đảm của người dân, bức tường Bá Linh sẽ không sụp!” (sic). Từ đó dân DDR cũ dần dần có được cuộc sống tốt, đầy đủ quyền làm người, hiện tại sung túc chẳng thua gì dân Tây Đức. VN ngược lại như thế nào chúng ta đã nghe biết qua tin tức, báo chí nên người Việt đều có thể phẩm định về tình trạng đất nước VN từ sau 1975 và hiện nay nói chung.

Nhìn quê hương thứ ba của mình là Đức để rồi so sánh với quê hương VN, cá nhân tôi đau buồn cho số phận không may của dân tộc mình, trong đó bạn bè, thân nhân tôi từng là nạn nhân của chế độ mới cũng như hàng triệu đồng hương đành phải liều chết bỏ nước ra đi, trong khi dân Đông Đức chẳng có một người nào “sợ Tây Đức” trả thù bỏ DDR trốn chạy cả!. Họ ở lại và cùng nhau gầy dựng “DDR cũ” với sự giúp đỡ của “bên thắng cuộc là Tây Đức” để bây giờ sau hơn 27 năm thống nhất Đức vẫn còn chiếm địa vị cường quốc trên thế giới.

Thôi thì chỉ hy vọng rằng một ngày không xa đất nước Việt Nam chúng ta sẽ giống như DDR, Đông Âu vào cuối thập niên 80 để từ đó Việt Nam thật sự có Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền, mọi công dân có thể bày tỏ quan điểm của mình mà chẳng phải phập phồng sợ hãi bị theo dõi, trù đập để (nếu còn sống) tôi sẽ trở về quê Mẹ hít thở không khí quê hương, để một mai nhắm lìa đời được vùi thây dưới lòng đất nơi mình sinh ra.

Một thi sĩ nào đó (xin lỗi không biết tên) đã diễn tả:

     “ Quê hương ơi …thương nhớ trọn đời,

       Quê hương ơi … bao giờ ta về ? “

Vâng, cho đến nay tôi vẫn chưa biết khi nào mới có dịp về Việt Nam, thăm lại chốn xưa: Quảng Nam, Huế, Đà Nẵng, Pleiku, Nha Trang, Ban Mê Thuột, Sài Gòn … đặc biệt Qui Nhơn là nơi đã cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên nhất trong thời thơ ấu.

*  © Lê Ngọc Châu (chsTHCĐQN_ Nam Đức, ngày Mồng Năm Tết Mậu Tuất 2018)

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art