Thứ Ba, 19 Tháng Sáu, 2012

Nơi Ngưỡng Cửa 18

Lời mở đầu

Tôi mở cửa và bước ra sân, trời cũng vừa hừng đông. Những hạt sương mai vẫn còn nguyên vẹn và trong như những hạt ngọc; nằm vắt trên các chiếc lá xanh-thẫm hay trên những cánh hoa tươi thắm.

Gió nhè-nhẹ, cái không-khí tinh-sương và thoáng của đồng-nội vào buổi sáng sớm đã làm tôi cảm thấy thoải-mái. Hít vào đầy buồng phổi những không-khí yêu-thương của quê-Ngoại, tôi bỏ chân xuống đất và có ý-định đi dạo một vòng nơi mảnh vườn sau nhà. Mùi đất vẫn còn ẩm-ướt, hơi sương vẫn còn lạnh, những lá cây còn ướt hơi sương đã xanh-thẫm và bóng hơn lên. Thân cây tươi-tắn một cách lạ kỳ, càng  thúc dục tôi rảo bước nhanh hơn đi về mảnh vườn cây trái, nằm ở phía sau ngôi nhà của Ngoại tôi.

Tôi bước đến bên vườn bông, nhìn những bông hoa đủ loại đang mở các cánh hoa tươi-thắm. Những giọt sương mai e-ấp khép mình giữa các cánh hoa hay lắc-lư óng-ánh trên cành lá, lấp-lánh như tô-điểm thêm cho sự vươn-mình để trưởng-thành này. Trong màu xanh-thẫm của lá, màu nâu-đậm của các thân cây, hòa lẩn với các màu sắc rực-rở của hoa, nơi đó tôi đã thấy không ít những nụ hoa cũng đang chen vai tăng-trưởng.

Rời vườn hoa trong ngạt-ngào hương-vị, tôi thả mắt nhìn về vườn trái cây gần phía cuối vườn, nơi hàng cây mà tôi thường leo-trèo vào những ngày còn nhỏ. Một màu xanh-lục đậm kéo dài và dầy-đặc, treo lủng-lẳng những trái bưởi chín vàng, những trái khế lúc nào cũng khêu-gợi khẩu-vị, những trái ổi tươi xanh chen-chúc trong những cành lá dầy-đặc , đã làm tăng thêm sự thèm muốn nơi tôi. à !.. tôi muốn hỏi rằng Anh, Chị có bao giờ được æn trái chùm ruột chưa?.. Hãy theo ngón tay của tôi, nhìn về phía cuối góc vườn bên trái; Anh, Chị sẽ thấy một cái cây không cao lắm, nhưng đầy những trái nhỏ màu vàng, chúng bám với nhau thành từng chùm to lớn.

Nhắm mắt lại, tưởng-tượng trong đầu hình-ảnh một tô nước mắm đường dầm ớt, trong đó chứa những trái chùm ruột được đập dầm ra, hình như trong đầu tôi đã hiện lên hàng chữ thèm rỏ dãi.

Rời góc vườn có cây chùm ruột, tôi quay trở về với chiếc võng của tôi, chiếc võng vẫn còn ẩm hơi sương. Tôi chậm-rãi ngồi lên chiếc võng, chiếc võng này có từ lúc Ngoại tôi còn sống, được móc ngang bởi hai cây ổi và kế bên một bụi tre to lớn. Những lúc cần nghỉ-ngơi sau những giờ đùa giỡn mệt-nhọc trên những cánh đồng bát-ngát, tôi thường trở về đây thả người thoải-mái và hưởng tất cả hương-vị trái cây nơi mảnh vườn của Ngoại tôi, cùng với những giấc ngủ thần-tiên bởi chính bóng mát của bụi tre già này. Những thân tre cao vút và mang màu xanh-lục đậm, bóng lên dưới một làn sương mai phủ nhẹ, chắc-chắn vuơn mình lên trên bầu trời đang từ từ rực sáng.

Tôi bắt đầu nhìn thấy những đốm ánh-sáng đang len-lỏi qua tàn lá tre, nhẹ-nhàng bám rải-rác trên những thân tre và rơi xuống đất. Một tấm thảm tuyệt-vời được tạo ra bởi ánh-sáng của thiên-nhiên, đang bao trùm lấy mảnh đất bé nhỏ này; và phủ lên những măng-non vừa đủ lớn. Những gốc măng chắc-chắn bám vào đất vươn mình trong cái không-khí ấm-áp này, một vài lá non xanh-mướt nhỏ-nhắn củng cố vươn mình để điểm thêm niềm tự-tin trưởng-thành trong những ngày sẽ tới.

Nắng lên, và không-khí ấm dần. Tôi bỏ chân xuống đất, màu đất nâu-xẩm và ấm lại. Tôi nhớ đến Ngoại tôi, tôi nhớ đến Cậu tôi và hơn nửa tôi nhớ đến những bậc tiền-nhân đả bỏ từng bàn tay, nhác cuốc trên từng tất đất này; cho những vùng đất hoang trở-thành các vườn rau xanh, những vườn cây æn trái ngọt-ngào chen lẩn vào những vườn hoa rực-rỡ. Tôi cúi đầu, và tin rằng mãi-mãi chính xương thịt của tiền-nhân đã có trong từng thớ đất này.

Với đôi chân không, tôi tung-tăng nhảy như sáo qua hàng cây cuối sân nhà. Bên kia một cánh đồng bao-la bát-ngát, nhắc tôi lại những giờ cùng với con diều cao vút trên không. Hương lúa vừa trổ đồng-đồng, hòa với làn không-khí tinh-sương làm lòng tôi rạo-rực; những tiếng hò cấy lúa hình như vẫn còn phản-phất bay trên các bông lúa vừa kết sữa này. Tôi vói tay bẻ lấy một nhánh lúa vừa trổ đồng-đồng, bỏ vào miệng nhai ngon lành. Sữa lúa thơm và mát như dòng sữa Mẹ chảy dài trong khoảng thời-gian tôi còn thơ-ấu.

Thưa Anh, Chị, tôi không vẩn-vơ, không mơ-mộng để dắt Anh, Chị đi theo tôi trở về những kỷ-niệm xa-xưa. Tôi chỉ muốn đem tất cả hình-ảnh đẹp này để làm món quà, dù đó là món quà thật nhỏ. Nhưng với chân tình, tôi xin  Anh, Chị cho phép tôi được để gói quà nhỏ bé này, bên cạnh những ước-vọng to lớn đang nằm cạnh chiếc bánh sinh-nhật tươi đẹp và ngon lành trong ngày Anh, Chị vừa tròn 18 tuổi.

Strasbourg, ngày 9 tháng 9 năm 2001

 

Gia-đình

     Có lẽ những giờ thảnh-thơi và sung-sướng nhất của tuổi học-trò, là trong tuần đi học có được một vài giờ mà Thầy hay Cô vắng mặt. Tại sao tôi nói đây là những giờ thảnh-thơi và sung-sướng nhất: Vì đây chính là giờ giải-trí mà không cần phải có thưa trước với Cha, Mẹ khi ra khỏi nhà, hoặc sự kiểm-soát của học-đường.

     Ồn-ào và tan hàng nơi cổng trường, dưới những cặp mắt thèm-thuồng của những con nai tơ khác, đang trong giờ mài ghế nhà trường; nhưng tâm-hồn thì tiếp-tục vẫn-vơ bay lượn theo hình bóng thước-tha của chúng tôi. Thế là lũ học-trò chia nhau thành từng nhóm hai ba đứa, rồi rủ nhau đi chơi tùy theo sở thích: Có nhóm thì coi hát, nhóm khác thì đi ăn chè, æn hột vịt lộn, nhóm kia thì đi dạo phố, vài ba thằng rủ nhau vào nhà-sách làm mọt ...!!...v.v...

     Tôi cũng thế, cũng có một nhóm bạn-bè thân-thiết cùng một khái-niệm, sở thích, thường-thường rủ nhau đi vào Lăng-Ông. Nơi đó, chúng tôi có những giờ thả người thoải-mái, thả mình trên thảm-cỏ xanh-mướt. Vừa được phơi mình dưới ánh nắng của mặt trời, vừa được nhìn được tất cả những cái đẹp của cuộc đời mà không phải tốn đến một xu. Trên trời thì những áng mây trôi lững-lờ, nhẹ-nhàng, êm-ái; ánh-sáng lung-linh ru hồn người theo những cánh chim bay. Dưới đất thì thấy đủ loại hạng người trên thế-gian đang đi qua đi lại, thả tiếng ồn-ào làm xao-động không-gian. Trong bối cảnh đó, chúng tôi soải người trong sung-sướng, đưa cặp mắt theo những áng mây trôi, lâng-lâng nhè-nhẹ khép đôi mắt, đưa tâm-hồn chính mình đi vào các mộng đẹp của cuộc đời. Thì.!! Tự nhiên cả đám nhảy-nhỏm dậy, la hét om-sòm như là trời xập xuống trên đầu, đôi tay chỉ-chỏ lên trời, nơi mà đang có những con chim thảy ra những gì cần thiết lên trên thân-thể của chúng tôi.

     Mà thật vậy, trên tàn cây khá cao và rộng, một bầy chim con đang ríu-rít kêu la bên Cha, Mẹ chúng nó. Ổ chim không còn trong sự im-lìm, lặng-lẽ của những giây phút mà chúng tôi mới đến đây và đã lựa thảm cỏ êm-ái cùng bóng mát dưới tàn cây này, mà chọn làm chỗ hưởng nhàn. Để tập hít thở cái không-khí thiên-nhiên, dang tay, dang chân cho gân cốt được giãn nở và cho các bắp thịt được dịp nghỉ-ngơi.

     Và chính cái đại gia-đình chim này, đả phá rối những giờ-giấc thiên-đường đó. Giờ đây thì quần áo đầy những cặn-bã của chim, cả đám bực dọc và miệng thì lầu-bầu những tiếng vô-nghĩa. Có thằng bực quá, muốn cầm hòn đá ném đại lên ổ chim. Nhưng!.. trên cao, một hình-ảnh đã làm cho chúng tôi chùng tay lại, một sự cảm-động bao trùm lấy tâm hồn của chúng tôi, những con chim con đang hả miệng la chí-choé để nhận mồi æn, từ nơi miệng của hai con chim trống, mái.

     Một hình-ảnh thật sự, mà tôi tin rằng đẹp nhất từ khi biết nhớ và biết suy-nghĩ, đang trở lại xâm chiếm lấy tâm-hồn của tôi... Hạnh-phúc... Một chữ danh từ kép mà đối với tôi thật mơ-hồ, khó tìm thấy được ở trong con người chúng ta thật sự rõ-ràng. Hình như tất cả mọi người đã bỏ công sức đi tìm kiếm nó, cố bám lấy nó trong những giây phút khó-khăn; đã cùng nhau tranh-giành lấy nó từng giây từng phút, nhưng rồi lại bỏ-rơi nó trong thương-tiếc, trong đau buồn, trong hối-hận chỉ vì bản-tánh ích-kỷ của chính mình.

     Như một tổ chim, con người chúng ta ai-ai cũng có một Đại-Gia-Đình. Rồi từ chính nơi đó, cá nhân chúng ta sẽ được đào-luyện tự bản-thân của chính chúng ta, để tiếp-tục xây dựng một gia-đình mới và xa hơn nửa cho những thế-hệ nối tiếp trong tương-lai.

     Anh, Chị cũng thế, hôm nay Anh, Chị đã tròn 18 tuổi. Tuổi của trưởng-thành và xây-dựng, tuổi mang đầy những mơ-mộng đẹp và một tương-lai tươi-sáng, đang chứa đựng trong bộ-óc đầy sức-sống của Anh, Chị. Chúng ta đã học qua lịch-sử, địa-lý, để biết ai đã là người đổ máu xương, mồ-hôi, nước mắt trên mảnh đất mà chúng ta đang sống, đang hưởng-thụ và đã xây-dựng những gì đẹp-đẽ cho ngày hôm nay. (Nơi đây chúng ta chỉ nói chuyện với nhau trên những điều tốt, và hãy quên chốc lát những cái xấu-xa, buồn phiền đã có trong lịch-sử).

     Qua lịch-sử, chúng ta đã biết thế nào là sự hy-sinh, sự gầy-dựng, sự lo-lắng từ nơi những thế-hệ trước đã trao-truyền lại cho đến ngày hôm nay. Cái công-ơn đó sẽ không bao giờ bị quên-lảng trong con người của tôi, và tôi tin chắc-chắn rằng trong tận cùng tâm-tư của Anh, Chị cũng thế. Trong lịch-sử chúng ta đã biết vậy, thì nơi Đại-Gia-Đình (cái lịch-sử cá-nhân của chúng ta), từ Tổ-Tiên, Ông, Bà, Cha, Mẹ, Anh, Chị, Em đã được chúng ta nói chung bằng danh-từ Dòng họ. Do đó, nếu chúng ta quên đi hoặc không biết được dòng họ của chính mình, thì đây thật sự là một cái tội đó Anh, Chị.

     Tôi chỉ tiết một điều, là trước ngày Ông Nội tôi mất, tôi đã sống trong những ngày giờ khổ-đau của tuổi-trẻ. Chiến-tranh và sự băn-khoăn, đã làm cho tôi không còn thì-giờ bàn-thảo hay hỏi-han nơi Ông tôi đến những bậc sanh-thành, dòng-họ tổ-tiên của chính tôi. Hôm nay, để tránh cái lổi-lầm to lớn đó. Tôi xin Anh, Chị hãy cùng tôi ngồi xuống, trong sự cẩn-trọng, chúng ta sẽ viết lại gia-phả, dòng-họ của chính chúng ta. Thưa Anh, Chị, tôi chỉ biết được vài trang giấy ghi lại gia-phả của chúng tôi do Ba tôi trao lại. Và hôm nay, tôi đã thành-thật xin lổi các con tôi những điều thiếu sót, trong cuốn gia-phả của dòng họ chúng tôi.

     Chúng ta thử đi theo một dàn bài đơn-giản này, để tìm lại những người thân-thuộc của chúng ta. Trên tay các Anh, Chị đã có viết, trước mặt các Anh, Chị đã có giấy thì tại sao còn ngập-ngừng, chần-chờ gì nửa ?. Nào, chúng ta hãy bắt đầu ngay bây giờ và đây là dàn bày tổng-quát :

     Dàn bài tổng-quát:

     Ông Cố : (Tên, tuổi, ngày, tháng, năm sanh, nghề-nghiệp và anh, chị, em nếu chúng ta có được)

     Bà Cố : (Tên, tuổi, ngày, tháng, năm sanh, nghề-nghiệp  và anh, chị, em nếu chúng ta có được )

     Các con : (Tên, tuổi, ngày, tháng, năm sanh, nghề-nghiệp và anh, chị, em nếu chúng ta có được)

     Ông Nội : (Tên, tuổi, ngày, tháng, năm sanh, nghề-nghiệp và anh, chị, em, cả hai bên Nội, Ngoại nếu chúng ta có được )

     Bà Nội : (Tên, tuổi, ngày, tháng, năm sanh, nghề-nghiệp  và anh, chị, em, cả hai bên Nội, Ngoại nếu chúng ta có được )

     Các con : (Tên, tuổi, ngày, tháng, năm sanh, nghề-nghiệp  và anh, chị, em, cả hai bên Nội, Ngoại nếu chúng ta có được )

    Cha : (Tên, tuổi, ngày, tháng, năm sanh, nghề-nghiệp và anh, chị, em, cả hai bên Nội, Ngoại nếu chúng ta có được)

    Mẹ : (Tên, tuổi, ngày, tháng, năm sanh, nghề-nghiệp và anh, chị, em, cả hai bên Nội, Ngoại nếu chúng ta có được)

     Các con : (Tên, tuổi, ngày, tháng, năm sanh, nghề-nghiệp  và anh, chị, em, cả hai bên Nội, Ngoại nếu chúng ta có được)

    Và bắt đầu từ đây, thì chính Anh, Chị sẽ tiếp-tục và tiếp-tục một cách rất chính-xác, cho lịch-sử của một Đại-Gia-Đình, được kể lại bởi từng cá nhân và các thế-hệ sau sẽ tiếp nối. Chúng ta sẽ không bao giờ biết được ngày nào sẽ chấm dứt dòng họ này, hay các dòng họ khác. Vì đó là một sự tự-nhiên, như đói thì ăn và khát thì chúng ta phải uống thế thôi.

     Nhưng điều quan-trọng mà tôi muốn nói với Anh, Chị nơi đây, không phải là vấn đề Đói ăn hay Khát uống, mà làm sau ngay trong sự hiện-hữu đầu tiên mà Anh, Chị có được, ngay tại gia-đình bé nhỏ này. Tôi muốn hỏi Anh, Chị rằng có phải chúng ta đã thật sự tìm được xung-quanh Cha, Mẹ và anh, chị, em của chúng ta những mừng-rở, vui-tươi hay hàng ngày đã nói với nhau những lời tha-thiết, ân-cần ở tận tấm lòng của chính mình chưa ?..

     Anh, Chị thương mến, giờ đây tôi biết một cách chắc-chắn rằng, trong đầu của Anh, Chị đã có những dự-án cho tương-lai. Những bài toán Anh, Chị phải làm và sắp-sửa làm; những bài lịch-sử cần phải học, những bài và những bài...v.v...

     Những chuyện tình-cảm giờ đây, đang đi chung với những ước-vọng trong tương-lai của cá-nhân Anh, Chị, mà nơi đó những suy-nghĩ thầm kín, vui, buồn cá-nhân này Anh, Chị đã không thể tâm-sự cho Cha, Mẹ hay những người thân-thuộc. Tất cả những cái cần phải có đó, đang nhồi nhét vào bộ não của Anh, Chị trong lứa tuổi 18 này rồi đó. Nhưng tôi khuyên Anh, Chị hãy bình-tĩnh nói thẳng những cái khó-khăn đó cho Cha, Mẹ và nơi đó chúng ta sẽ tìm thấy được nụ cười thương-yêu với nhau tức khắc. Những sự sợ-hãi hay nghi-ngại với nhau sẽ được thay-thế bằng sự cảm-thông, và sự thông-cảm này không cần phải giải-thích vì tự nó đã luôn-luôn hiện-hữu trong chúng ta.

     Tôi không nhớ rõ lắm, những gì đã xảy ra xung-quanh cuộc sống với anh, chị, em của tôi dưới một mái gia-đình từ ngày còn nhỏ cho đến nay. Nhưng !, từ lúc đã đủ trí-khôn để có thể giữ vào trí nhớ nơi tôi các hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời, thì từ đó những hình-ảnh vui, buồn, thương, ghét trong gia-đình và cho đến khi tôi viết những dòng chữ này, thì tình-thương anh, chị, em dã không bao giờ phai nhạt trong tôi.

     Làm sao anh, chị, em trong một nhà sẽ không có những ngày giờ la-hét, gây-gổ, giận-dữ với nhau (khía cạnh anh, chị, em trong một gia-đình). Rồi kéo theo những giận-hờn, trách-móc, khóc-than làm buồn lòng Cha, Mẹ không ít. Làm sao chúng ta có thể quên được những trận cười đùa không ngừng, cái không-khí gia-đình lúc đó gần như là một buổi họp chợ, làm Cha, Mẹ chúng ta phải nhức đầu, chóng mặt.

     Chúng ta cũng đã chia nhau từng viên kẹo, cái bánh và ngược lại. Cũng như Anh, Chị chúng tôi đã từng tranh với nhau æn từng cái bánh, viên kẹo, nhưng thương-yêu tràn ngập (như chính anh, chị, em của Anh, Chị đang đối-xử với nhau). Nhất là không bao giờ dám hỗn-láo với Cha, Mẹ cả. Lỡ một lời làm buồn lòng Cha, Mẹ là anh, chị, em trong một nhà đã tự khiển-trách với nhau. Tự chúng ta, đứa lớn dạy đứa bé, rèn-luyện với nhau trong sự hiếu-thảo với Cha, Mẹ.

     Sau cái tuổi trưởng-thành này, từ-từ mỗi chúng ta rồi sẽ có một gia-đình, một hướng đi, một việc làm cho cá-nhân mình. Đời sống từ đó, anh, chị, em không còn những giờ sống bên nhau, ít còn dịp liên-lạc với nhau, ít trò chuyện với nhau và cái điều tầm-thường nhưng rất là quan-trọng, trong cái tình gia-đình của chúng ta đã bị mất hẳn và không có dịp để nhớ lại, đó là : ... Chúng ta sẽ không bao giờ còn có được lại thời-gian giành nhau một viên kẹo nữa ...v.v... Và tất cả những mất-mát tự-nhiên đó, đã làm tình-thương giữa anh, chị, em chúng ta phai-lạt dần-dần, cho đến xuốt một đời người xuôi ngược  của chúng ta.

     Giờ đây Anh, Chị đã hiểu Đại-Gia-Đình có một phần rất quan-trọng nơi cuộc đời của Anh, Chị, và đừng bao giờ quên Đại-Gia-Đình là một văn-phòng hướng-nghiệp, một văn-phòng tìm việc làm, một văn-phòng giải-quyết tâm-lý, một văn-phòng trợ giúp xã-hội v.v.., cho cả cuộc-đời của Anh, Chị. Quên nó Anh, Chị sẽ mất tất cả.

     Anh, Chị thân mến, hãy tập thương yêu xã-hội chung-quanh chúng ta bằng cách, hãy yêu-thương những vui-buồn, những giận-hờn, những xấu-xa, những điều bực mình nơi tất cả những người xung-quanh trong một gia-đình nhỏ bé. Mà trong đó, chính Anh, Chị đã là một nguyên-tử hay là một nhân-tố có quyền xây-dựng nó. Xây-dựng nó bằng tất cả những kỷ-niệm nơi những ngày đã qua, tại hôm nay và sẽ cả trong những ngày mai.

     Tôi xin được chấm dứt phần thảo-luận gia-đình với Anh, Chị tại đây. Tôi tin rằng với những ý-kiến thô-thiển này, sẽ giúp Anh, Chị có được cái mốc để tự tìm-hiểu thêm, tự học-hỏi thêm, tự suy-nghĩ thêm cho chính bản-thân Anh, Chị. Trong phần gia-đình, tôi đã không bàn rộng đến chữ hiếu-thảo đối với Cha, Mẹ, bởi vì tôi tin rằng Anh, Chị có đủ khả-năng thực-hiện và giữ-gìn cái hạnh-phúc này. Tôi cũng đã không lý-luận dài-dòng với Anh, Chị trong sự đối-xử với anh, chị, em trong gia-đình, vì hôm nay Anh, Chị đã tròn 18 tuổi  và có được mười tám năm quây-quần trong một căn nhà nhỏ này rồi. Tôi chỉ xin Anh, Chị hãy mang những tình-cảm nhỏ bé này vào trong dòng máu của Anh, Chị; cho nó thấm sâu vào tâm can cái tình anh, chị, em mà Anh, Chị, đã có được, để mai sau tình-thương nhỏ bé này sẽ không bao giờ vuột ra khỏi tầm tay của Anh, Chị.

     Với sức-sống tràn đầy, với những uớc-mơ đẹp mà Anh, Chị đang chứa đựng cho tương-lai. Tôi tin chắc rằng Anh, Chị đủ thông-minh để khỏi mệt-mỏi chạy theo hai chữ Hạnh-phúc.

Hãy trở về với tổ chim bé nhỏ trên cao, với những tiếng kêu mừng-rỡ đòi ăn, với những vui thú bình-thường đã xãy ra trong hàng giờ, hàng ngày. Nơi đó, chúng ta sẽ thấy được hai chữ Hạnh-phúc đang được bừng dậy, trong một không-khí gia-đình thật tầm-thường và giản-dị nhất.

Học-đường

     Cái lồng-đèn con cá mà tôi đang cầm trên tay, sáng rực lên trong đêm tối của rằm tháng Tám. Tết Trung-Thu.!... Những tấm giấy màu, ửng ánh-sáng và sức-nóng của cây đèn cầy ở phía trong đã căng-thẳng ra, làm cho những vảy cá mà  tôi đã tỉ-mỉ vẽ cẩn-thận óng-ánh thêm lên. Hai con mắt của con cá mà tôi đã vẽ rị-mọ gần nửa tiếng đồng hồ, qua nhiều tờ giấy, hình như cũng đang nheo mắt đồng-ý với tôi. Cái đuôi con cá được tôi chuốc bằng vỏ tre thật mỏng, hơi lửa nhẹ và uốn thật cong, bây giờ cũng đang theo nhịp đi của tôi mà lắc qua, lắc lại như đang bơi-lội trong nước. Những bài ca của tuổi-trẻ cho rằm tháng Tám, đang theo nhịp chân tung-tăng của chúng tôi dưới ánh-trăng, qua những hẽm nhà trong xóm. ‘’ ...Tết Trung-Thu em rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố-phường. Lòng vui-sướng với đèn trong tay, em múa ca dưới ánh Trăng-Rằm... Tiếng ca vang-vọng đang hòa nhịp theo sự sung-sướng, mà tôi có được trong ngày hôm nay.

     Cái lồng-đèn con cá của tôi là đẹp nhất. Đẹp hơn tất cả các lồng-đèn có trên thế-gian này, đẹp kinh-hồn, đẹp ghê-gớm. Vì chính nó, trong buổi sáng hôm nay đã cho tôi một sự hãnh-diện trước các bạn trong lớp học của tôi !!.. Cái mặt tôi vêu lên, hay tay tôi múa lung tung, miệng tôi thì cười nói tía-lia. Anh, Chị có biết tại sao không ?.. Tôi nói nhỏ cho Anh, Chị nghe... Sáng hôm nay, tôi được đứng hạng thứ nhất về môn vẽ, do chính con cá mà tôi đang cầm trên tay.

     Đó là một kỷ-niệm của học-đường mà tôi còn nhớ lại, trong khoảng thời-gian tôi học ở bậc tiểu-học. Tôi có rất nhiều kỷ-niệm nơi chương-trình của bậc tiểu-học, vì lúc ấy Ba tôi đã đi rất nhiều nơi, theo sự yêu-cầu của cơ-quan mà Ba tôi đang làm việc. Những năm đầu tiên của bậc tiểu-học, tôi theo Ba tôi đi về tỉnh Cao-Lãnh, một tỉnh-lỵ nằm về cuối phía Nam của nước Việt-Nam. Nơi đây tôi có nhiều kỷ-niệm và trong đó có một kỷ-niệm mà tôi không thể quên được, đó chính là những ngày tôi phải đi học bằng xuồng (hình-thức giống như những chiếc ghe nhỏ của dân da-đỏ). Và khi đến trường học, chúng tôi đã thay-thế những trò chơi hàng ngày trên sân trường, bằng cách săn quần, cởi áo chạy Bắt cá.

     Rồi hai năm sau, theo Ba tôi trở về lại Sài-gòn và cuộc-đời tiếp-tục, với những kỷ-niệm học-đường bằng những giây-phút thần-tiên và êm-ái, mà tôi hay chính Anh, Chị sẽ khó quên-lảng trong ký-ức của chúng ta. Tôi tin rằng con tôi sẽ không quên những giờ ở bậc Tiểu-học, đã được thầy Otterman chỉ dạy cho con tôi cách thức chơi tem. à!, mà Anh, Chị còn có được một người bạn nào đã cùng nhau học trong những năm ở tại bậc Tiểu-học không ? Nếu không còn, thì đây là một điều thật đáng tiếc.

     Thời-gian trôi qua, theo ngày tháng trưởng-thành chúng ta đã đi qua các ngưỡng-cửa của học-đường. Bước vào Trung-học Đệ-nhất-cấp, rồi đi lên Đệ-nhị-cấp và nếu đủ khả-năng chúng ta cũng đang bắt đầu những giờ phút chập-chững bước vào trên ngưỡng-cửa đại-học.

     Từ đó, đã để lại phía sau những kỷ-niệm vui, buồn, những sự hiểu-biết, những lúc tập-tễnh đọc từng chữ A, B. Những con tem rách góc, hay những cuốn tập, cuốn sách, những bài vẽ, những chữ viết ngây thơ mà hôm nay khi nhìn lại, chúng ta đã phải bật cười trong khinh-hoảng. Nhưng tôi thưa cùng Anh, Chị, đó chính là những kiến-thức có được của chúng ta ngày hôm nay. Tất cả những thu-thập nhỏ-nhặt đó, những hình-ảnh mà chúng ta đã coi tầm-thường này... Thì tại đó, nó đã đem đến cho Anh, Chị những nhận-xét chính-chắn, những lời nói cẩn-thận cho tuổi trưởng-thành ngày hôm nay.

     Do đó, ông bà chúng ta đã để lại câu tục-ngữ  Công Cha, nghĩa Mẹ, ơn Thầy (cô), hay coi Thầy, Cô như Cha, Mẹ. Bởi vì, có một điều quá dễ-hiểu mà hình như số đông học-trò đã quên đi... Rằng trước khi chúng ta, có những sự hiểu-biết qua sách, báo, qua những sự nghiên-cứu, tìm-tòi những sáng-kiến mới v.v... Thì từ những chữ A, B, những bài toán cộng, toán trừ, toán nhơn, toán chia, những con số 1, số 2 đã đi vào kiến-thức của chúng ta là do công khó-nhọc của chính Thầy, Cô chúng ta chỉ-dạy (gia-đình chỉ giúp chúng ta dưới 40% trên các bài-học, trong thời-gian chúng ta ở từ bậc Tiểu-học cho đến hết bậc Trung-học).

     Anh, Chị cũng có những bạn bè tâm-giao, và không tâm-giao sau những năm trong ngưỡng-cửa học-đường. Tôi tin rằng đã có rất nhiều lần Anh, Chị đã kể lại cho Cha, Mẹ mình những chuyện vui, buồn trong ngày học hôm ấy. Những lần chia nhau mượn những tờ giấy trắng, cây viết, cục gôm hay từng óng mực; hoặc chỉ-dẫn học-hỏi cùng nhau những bài học khó, những điều hay lạ.

     Rồi trong mấy chục đứa bạn trong những năm học đó, Anh, Chị sẽ có được một vài người bạn tâm-giao. Tức là với những người bạn này, Anh, Chị có thể nói cho biết những yêu-thích, những giấc-mơ, những giải-trí cá-nhân, hẹn nhau đi phố, rủ nhau đi uống nước, đi coi hát, đi bơi-lội v.v... của Anh, Chị ở hiện-tại và cả  tương-lai.

     Khi Anh, Chị đưa cho Cha, Mẹ coi tấm hình chụp chung của lớp học năm nay. Có phải Anh, Chị đã chỉ cho Cha, Mẹ mình những người bạn và trong mấy chục người bạn đó, đã chia ra làm nhiều nhóm đùa-giởn và học-hành với nhau không? Câu chuyện đó sẽ làm Cha, Mẹ và không-khí gia-đình vui thêm, đó là một chuyện thật bình-thường, tự-nhiên. Anh, Chị đã đem về cho Cha, Mẹ Anh, Chị những kỷ-niệm học-đường khó quên. Vì ngày xưa Cha, Mẹ của Anh, Chị khi ở trong thời-gian tại học-đường cũng thế thôi, tôi cũng không có khác. Rồi xa hơn nữa, các đứa em, các con và các cháu của chúng ta sẽ cũng như thế thôi.

     Chúng ta đã nói quá nhiều qua các sinh-hoạt trong lớp học, qua bạn bè. Bây giờ để làm nhẹ bớt đi sự căng-thẳng đầu óc, tôi mời Anh, Chị chúng ta cùng đi vào các vấn-đề giải-trí tại học-đường, một cách vui-tươi và thực-tế. Việt-Nam chúng ta có câu tục-ngữ Một tinh-thần minh-mẫn, trong một thân-thể tráng-kiện, Anh, Chị có hiểu tại sao không?. Và tại sao gần như tất cả học-đường trên thế-giới đều có những giờ hội-họa, âm-nhạc, thể-thao v.v... không ?.

     Không có gì khó cả, câu-hỏi sẽ được trả lời một cách dễ-dàng phải không Anh, Chị? ... Những lúc chúng ta bị cảm, cúm thì đầu óc chúng ta sẽ bị mệt-mỏi, và tương-tự như thế khi chúng ta có một thân-thể chứa đựng một sức-khỏe kém, thì chắc-chắn chúng ta không bao-giờ có thể tụ-tập (tập-trung), những sự suy-nghĩ (tư-tưởng) ở lâu trong bộ-óc chúng ta được. Do đó, để chống lại các mệt-mỏi nơi thân-thể và bộ-óc, để giúp đở các học-sinh có thể nhớ được các bài học lâu hơn, các môn thể-thao và văn-nghệ đã được đưa vào chương-trình học một cách thực-tiễn và đứng-đắn.

     Thân-thể tráng-kiện: Tức là phải có một sức-khỏe tối-thiểu, để đề-kháng (chống lại) sự mệt-mỏi của thể-xác, hay tâm-hồn. Các bộ môn thể-thao, thể-dục sẽ giúp cho Anh, Chị giải-quyết các u-ám  bám vào Anh, Chị; trong những lúc thiếu đi một phần tự-chủ để đề-kháng sự mệt-mỏi.

     Tinh-thần minh-mẫn : Sau những giờ làm việc mệt nhọc, bù đầu vào bài học, bài kiểm, đầu óc Anh, Chị sẽ mệt-mỏi  và từ lúc đó những suy-nghĩ sẽ không còn được xác-thực nữa. Vì thế, nếu có dịp chúng ta nên đi dạo-phố, đi coi hát, đi câu cá, đi bơi-lội, coi văn-nghệ, thăm những phòng triển-lãm tranh-ảnh, hội-họa, đọc báo, đọc tạp-chí, chụp-hình v.v... để đầu óc được rời khỏi sự tù-túng của chính nó. Thưa Anh, Chị, tôi tin rằng các môn học hội-họa, âm-nhạc, báo-chí, kịch-nghệ v.v... đã có được một chổ đứng vững-chắc mãi-mãi trong học đường.

     Ngày mai sau những giờ làm việc, một lúc nào đó Anh, Chị có dịp đi về ngang qua một ngôi trường cũ (dù ở bậc tiểu-học). Anh, Chị hãy dừng lại một vài phút, nhìn lại tổng-quát ngôi trường cũ, rồi tập-trung tư-tưởng nơi Anh, Chị nhớ lại những góc phòng, những bàn-ghế, những nụ cười, những Thầy, Cô, những gốc cây v.v... Hình như Anh, Chị đã nghe tiếng cười dòn của Anh, Chị và bạn-bè cũ ở trong sân trường rồi đó.

     Ngay giờ phút đó, tôi tin rằng Anh, Chị sẽ không cần phải lật cuốn tự-điển hay nhất thế-giới để tìm-hiểu chữ xúc-động là gì ?.. Anh, Chị thuơng mến, ở tận cùng trong trái tim của Anh, Chị, tôi đã thấy sự hiện-hữu của danh-từ xúc-động.

Xã-hội

     Tôi mở mắt ra, vì có những âm-thanh đang xì-xào trong lỗ-tai... Bỏ bu rồi, mình lại nằm ngủ trong hành-lang của nhà trường !... tự mình lầm-bầm trong miệng. Tôi đang nằm chình-ình dưới cái hình-vẽ con voi, và một cái xe kút-kít còn để đầy quần-áo cũ, gạo và đủ thứ lĩnh-kĩnh; mà trong tuần tôi và các bạn của tôi đã đi xin, để dự-trù đem đến Cô-nhi-viện cho các trẻ-em mồ-côi (Cô-nhi-viện là nơi nuôi các trẻ-em không Cha, không Mẹ).

     Buộc miệng tôi bật hỏi các bạn tôi một câu vô-nghĩa :

     - Sao tụi bây không kêu tao dậy ?...

     - Tụi tao thấy mầy mệt nên để mầy ngủ cho ngon. Chú Ba-Lượng (ông Tổng-giám-thị) cũng thấy mầy ngủ tại đây luôn, nhưng ông ấy không cho tụi tao kêu mầy dậy...

    Lũ bạn đang đứng xung quanh tôi với những bộ mặt đáng ghét, đang cười ha-hả và trả-lời tỉnh-bơ. Từ hai ngày nay, chúng tôi đã phải dùng tất cả cố-gắng, để lao vào cái hình-vẽ con voi này, và tối hôm qua để chấm dứt phần cuối cùng cho sự hoàn-thành, tôi và một vài người bạn đã cưa, đã đục, đã đóng cái giàn phía sau lưng con voi. Rồi để kịp thời-gian, tôi đã bắt đầu vẽ từ hai, ba giờ sáng gì đó; cho đến lúc mệt tôi nằm nghỉ lưng ngay tại hành-lang của nhà trường, thế rồi đánh một giấc không biết gì hết. Quên luôn cả giờ hẹn phải giao con voi này cho trường nữ Trung-học Gia-Long để các cô leo lên đó làm Trưng-Trắc, Trưng-Nhị, mà tập dợt cho chương-trình lễ Hai-Bà-Trưng.

     Lại còn một xe kút-kít đầy quần-áo và gạo, cùng đủ thứ các đồ lĩnh-lĩnh nằm trong đó. Tất cả những thứ đó cần phải lựa ra cho kịp trong cuối tuần này, để đem đến cho các em nhỏ. Đã lỡ hứa và hẹn với tất cả mọi người thì phải làm cho đúng, chỉ có vài đứa làm muốn lè lưởi luôn. Nhưng vui lắm Anh, Chị ạ.

     Cái vui-vẻ đến sau khi chúng tôi đã hoàn-tất con voi với cái giàn đứng sau lưng (cái giàn này được đóng bởi những người chưa bao giờ học ngành thợ mộc), giao được cái hình xong chúng tôi nhẹ-nhõm. Dồn hết thời-giờ còn lại vào chiếc xe kút-kít này, và đã giữ đúng hẹn với các em nhỏ ở cô-nhi-viện. Với nhiều bao quần-áo cũ nhưng sạch-sẽ, với những túi gạo, bánh kẹo, nước mắm, nước tương v.v...

     Sự sung-sướng cá-nhân,đã làm cho chúng tôi thấy thật thoải-mái. Khi thấy mình đã làm được tròn lời hứa đối với các người khác, đó là tập được một phần của tinh-thần tự-trọng, (tức là trọng mình và trọng người). Vì đối với chúng tôi vào lúc đó, đây là hành-động đầu tiên phải giữ trong hoạt-động xã-hội. Tôi cũng biết chính Anh, Chị sẽ rất bực mình khi phải chờ đợi một cái hẹn nào đó, mà bạn-bè đến trễ nhưng không báo trước. Tôi tin rằng Anh, Chị sẽ không để người khác chờ đợi mình một cách vô-lý.

     Trong những lúc làm việc xã-hội như thế, chúng ta sẽ có rất nhiều dịp để tiếp-xúc với những người bạn mới. Và có-thể từ đó, chúng ta có thêm được rất nhiều người bạn tâm-giao mới, ở ngoài học-đường của chúng ta (cả bạn-trai hay bạn gái). Đây chính là lúc chúng ta phải tập giữ sự đối-thoại một cách cẩn-thận, và nhất là tinh-thần tự-cao cần phải bỏ ngay tức-khắc (thí-dụ: Tự cho mình hiểu-biết một chuyện nào đó, và nói không ngừng sẽ dễ làm mất cảm-tình những người xung quanh chúng ta lúc đó).

     Sự dịu-dàng và dễ-thương dù trai hay gái vào lúc đó, sẽ là những hành-động tạo nên được rất nhiều thiện-cảm nơi người đối-diện một cách dễ-dàng. Đừng bao giờ quên câu tục-ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” mà Ông, Bà chúng ta đã để lại cho chúng ta đến hôm nay.

     Cái nết : Là tính-tình hiền-dịu của Anh, hoặc Chị có được nơi chính bản-thân mình, là lời-æn tiếng-nói nhẹ-nhàng khi đối-thoại với người đối-diện, là hành-động nhìn-thẳng vào người đang đàm-thoại với mình, với một nụ-cười nở trên môi.

     Nhường nhau những bước đi, nhịn nhau từng tiếng nói, để mình còn có dịp học-hỏi những cái hay nơi những người đối-diện với mình. Đôi khi, chúng ta cũng phải chấp-nhận những cái đúng, của những người mà chúng ta đã có thành-kiến xấu hay ác-cảm với họ. Phải không Anh, Chị ?...

     Cái đẹp : ... Ồ !.. cô gái này có khuôn mặt đẹp quá.!! hay Anh chàng này, có khuôn mặt bảnh trai quá.!!.. Nhìn kìa, cô gái đó có một dáng đi nhẹ-nhàng quá. Bộ quần-áo này đẹp quá. Cái áo-khoác này đẹp quá v.v... Tất cả những vật-chất, những hình-ảnh phù-hợp đối với nhãn-quan của chúng ta là đẹp phải không Anh, Chị ?

     Đúng, tôi cũng như Anh, Chị chúng ta tự lựa chọn cho mình một cái đẹp, với sự nhìn của từng cá nhân. Kẻ thích màu đỏ, người khác thì thích màu đen, màu xanh v.v.. được lựa chọn cho trên tất cả các món đồ dùng cho cá-nhân như : Quần-áo, đồ trang-sức, từ cái bàn, cái ghế, cho đến từng đôi dép hay bao gối v.v...

     Nhưng những cái đẹp này sẽ không lâu dài, theo thời-gian sẽ phải hư-hao, hay xấu cũ đi, rồi đến một ngày chúng ta phải bỏ hoặc thay đi cái mới. Vậy thì đâu là cái đẹp vĩnh-viễn của nó. Thưa Anh, Chị đó chính là cái nết mà chúng ta vừa nói chuyện với nhau ở phần trên. Tức là cái tính-tình đích-thực của Anh, Chị hay tính-tình đích-thực của một người nào đó. Tiếng Việt chúng ta gọi đó là cái Nết.

     ... Thưa Ba, hôm nay con có hẹn bạn con đi dạo phố Strasbourg, và lên Fnac coi sách cùng nghe nhạc nha Ba. Có một vài cuối tuần Anh, Chị đã nói Cha, Mẹ của Anh, Chị câu nói đó. Cha, Mẹ của Anh, Chị sẽ vui-vẻ đồng-ý  với Anh, Chị. Bởi vì khi xưa chính Ba, Mẹ của Anh, Chị cũng đã nói với Ông, Bà của Anh, Chị câu nói này, ở những cuối tuần có hẹn đi dạo-phố, đi coi hát hoặc đi coi kịch-nghệ v.v... với một vài người bạn. Trong những lần như thế Anh, Chị đã không chờ đợi nhau vì trễ hẹn, hay ngược lại những người bạn của Anh, Chị cũng thế. Chúng ta đã đúng hẹn và như thế, chúng ta đã có được một phần trong cái NẾT TỐT ở trên.

     Tôi tin rằng Anh và người bạn gái, hay Chị và người bạn trai, đã có một buổi chiều cuối tuần thật-sự vui-tươi sau những giờ mệt-mõi trong học-đường.

     Đó là những trường-hợp đơn-lẻ, chỉ có Anh hay Chị với một người bạn. Rồi sẽ có một ngày, Anh và Chị có những cuộc hẹn nơi chốn đông người, cùng với những người bạn trong các buổi-tiệc xã-hội, một ngày sinh-nhật, một buổi dạ-vũ v.v... Dù là gái hay trai, cái nết nơi đây, ở những chổ đông người này nó thật sự quan-trọng, sự nhỏ-nhẹ cẩn-thận trong lời ăn tiếng nói, sự đối-đáp lanh-lẹ với một nụ-cười luôn nở trên môi, từng bước đi, từng lúc chạy-nhảy đều phải cẩn-thận.

     Anh, Chị đã biết, có rất nhiều người trong những cuộc họp-mặt tập-thể như thế, rất là cô-đơn, chỉ vì cái nết vô-duyên. Do những lúc vì vui chơi đã không cẩn-thận trong lúc ăn, biết nhịn lúc nói, biết kềm tiếng cười, những hành-động đó tự làm cho người đối-diện không còn muốn tiếp-chuyện nữa.

     Tôi xin trình-bày cùng Anh, Chị một vài thí-dụ sau đây: Không có một người bạn Trai nào, thích nhìn người bạn Gái của mình ồn-ào nói chuyện, mà trong lúc thức-ăn đang đầy miệng. Hay ngược lại cũng thế, không có một người bạn Gái nào muốn nói chuyện với bạn Trai của mình trong hoàn-cảnh trên, mà không biết mắc-cở với những người bạn khác... Tôi tin chắc-chắn rằng, không một người con gái nào, muốn nói chuyện lâu với một người bạn trai đang đối-diện với mình; trong một hành-động ... Chưa nói dứt câu, đã mở miệng cười lên hô-hố ...

     Anh, Chị thương, tôi tin mãi-mãi rằng câu tục-ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” mà Ông, Bà chúng ta đã truyền lại cho tôi. Và ngày hôm nay tôi, cùng Cha, Mẹ của Anh, Chị đang trao vào tâm-tư của Anh, Chị với tất cả niềm thương-yêu.

Tương-lai

     Nơi đây, ở những trang-giấy này, tôi nhắc lại những lúc Anh, Chị đang trong thời-gian bàn-luận cùng Cha, Mẹ về tương-lai của chính mình. Và trong cuộc thảo-luận ngắn này, chúng ta đã nói với nhau một con đường xây-dựng tương-lai cho cá-nhân chúng ta. Nhưng đừng quên rằng cái tương-lai cá-nhân mà chúng ta sẽ xây-dựng vừa được nói ở trên, nó luôn-luôn phát-xuất cùng tập-thể. Vì xã-hội là một sự hợp-quần, mà trong đó chúng ta là một phần-tử.

     Và bây giờ tôi nói thêm,.. Nếu chúng ta có thêm được một nhiệt-tâm cho xã-hội (tôi sử-dụng chữ nhiệt-tâm cho xã-hội, vì đây là một điều không khó làm), thì con đường xây-dựng cho cá-nhân chính mình tại sao không thêm vào hai chữ xã-hội.?.?.. Vậy là chúng ta thấy rỏ-ràng tương-lai chính là con đường xây-dựng từ cá-nhân của chính mình trong cộng-đồng xã-hội, mà chúng ta đang sinh-sống...

     Tôi và Anh, Chị, chúng ta đều yêu tương-lai của chính mình, vì không một ai trong cộng-đồng của một xã-hội muốn nhìn thấy rằng chính mình đang mang một tương-lai u-ám cả. Do đó, chúng ta có quyền mơ-mộng một hoặc hai hướng đi cho chính mình, từ chính ngày hôm nay và liên-tục cho đến ngày mai.

     Không ai cấm tôi và Anh, Chị có-quyền suy-nghĩ những điều tốt đẹp như thế. Bởi vì nếu không có những thế-hệ đi trước xây-dựng thì hôm nay chúng ta sẽ không có gì cả; rồi nếu không có Anh, Chị tiếp-tục những sáng-kiến mới thì chắc-chắn  tương-lai sẽ ở con số không.

     Tức nhiên là tinh-thần xây-dựng chính ngày hôm nay, rỏ-ràng là con đường phát-triển cho tương-lai. Vậy thì lựa chọn cho mình một con đường làm việc trong xã-hội, với khả-năng của chính Anh, Chị đó là một hành-động xây-dựng và cái kết-quả sẽ đến trong ngày mai đó chính là phần-thưởng của tương-lai. Một người học-trò giỏi về sinh-ngữ, dở về toán thì không thể chọn cho mình những con đường hướng về khoa-học được. Hay ngược lại một người giỏi về âm-nhạc hay hội-họa mà chọn được cho mình một việc-làm tại hí-viện, hoặc một việc làm về hội-họa, thì chúng ta sẽ thấy khả-năng sáng-tác của họ tăng lên rất nhiều.

     Bởi những điều-kiện phát-triển đó, mỗi người có quyền định-hướng cho chính mình một hoặc nhiều con đường. Để đến khi trưởng-thành, không bơ-vơ lạc-lõng trong xã-hội mà trở thành bi-quan. Anh, Chị thương-mến, cho phép tôi xin được một vài phút, để giải-thích lẹ vấn-đề vừa được đặt ra là tại sao... trong tương-lai phải chọn cho mình nhiều con đường, mà không là một và tại sao phải bi-quan ?...

     Thưa Anh, Chị, trong xã-hội vấn-đề đầu-tiên để thực-hiện cho tương-lai của chính cá-nhân, thì làm sao phải sống được, và muốn sống được thì bắt-buộc Anh, Chị phải có được một việc-làm. Mà việc-làm thì ngược lại, không bắt-buộc phải theo đúng như ý-muốn hay phải đúng theo khả-năng học-tập của chúng ta một trăm phần trăm được.

     Vậy thì, tại sao chúng ta không chấp-nhận một việc làm nào đó có được, để từ đó làm một căn-bản sống và dựa vào đó, chúng ta có thể sáng-tác hay nghiên-cứu thêm trong những chuyên môn của chúng ta. Thí-dụ : Chúng ta có thể sáng-tác thêm hội-họa, âm-nhạc hay nghiên-cứu để làm phong-phú thêm một vấn-đề nào đó, trong khả-năng chuyên-nghiệp do sự yêu-thích của chúng ta trong những thời-gian còn lại... Tương-lai của Anh, Chị sẽ chắc-chắn nằm trong bàn tay của Anh, Chị.

     Nếu ngược lại, chúng ta quyết-định phải tìm cho ra một việc làm như-ý, đúng khả-năng nghề-nghiệp, và Anh, Chị cứ nắm-chặc lấy ý-niệm đó. Tôi xin thưa cùng Anh, Chị hãy suy-nghĩ lại và can-đảm hơn lên, để đến một lúc nào đó Anh, Chị không bị rơi vào trạng-thái thất-bại, để từ đó mất đi sự cố-gắng của tự lúc ban đầu, và mang một mặc-cảm lạc-lõng trong xã-hội.

     Cái Mặc-cảm lạc-lõng này, chính nó sẽ đưa đến sự mất tự-tin nơi Anh, Chị và hướng chúng ta đi đến con đường của kẻ Bi-quan. Tức là Anh, Chị lúc nào cũng sẽ thấy mình cô-độc, khổ-sở, lạc-lõng trong công-ăn việc-làm, hay luôn-luôn cảm thấy nơi Anh, Chị sự thua, kém, yếu-hèn hơn những người khác, và tự lúc đó trong tư-tưởng không còn một ý-định nào rõ-ràng cả cho một tương lai gần nhất...

     Dựa vào một công-việc, để tự mình tìm cách sinh-sống cùng với xã-hội, tức là Anh, Chị đã bước được một bước đầu tiên, cho con đường xây-dựng tương-lai ngay ngày hôm nay, và xa hơn nữa là cho chính gia-đình nhỏ của Anh, Chị vào ngày mai.

     Hôm nay tại học-đường, Anh, Chị đã bỏ sức cố-gắng để cầu mong hay mơ-ước cái gì ?... Có phải hy-vọng rằng, với tất cả cố-gắng ngày hôm nay, sẽ cho phép Anh, Chị thực-hiện được cái ước-mơ tương-lai của chính mình vào ngày mai ?..

     Thưa Anh, Chị, ngày xưa khi ở học-đường tôi cũng có những ước-mơ đẹp như thế. Hãy thực-hiện những mơ-ước của Anh, Chị đi, ngay từ bây-giờ trong cái không-khí của học-đường, mà đôi khi Anh, Chị cảm thấy nhàm-chán. Với niềm-tin đó, Anh, Chị sẽ thấy không-khí nơi học-đường không còn tù-túng, khó-khăn nữa. Nhưng ngược lại, Anh, Chị sẽ tìm thấy lại nơi đó những thoải-mái, những thương-yêu, những nụ-cười và nơi đó không bao giờ chấm dứt những tiếng nói đầy sự mơ-mộng đẹp cho tương-lai.

     Anh, Chị sẽ thấy từng chữ trong văn-chương, trong những câu-chuyện qua lịch-sử, các hình-ảnh về địa-lý hay trong toán-học v.v.., mà những người đã chết để lại cho chúng ta, cũng chính vì hai chữ tương-lai vậy tương-lai của họ là ai ?.., là cái gì ?...

     ... Là nơi Anh, Chị, là những thế-hệ đi sau, là sự tiếp-tục. Lúc ấy, Anh,Chị sẽ không còn thấy một môn-học nào mà không bổ-ích, không mở-nang một ít cho đầu-óc của mình. Anh, Chị sẽ bắt đầu yêu-thương, những cái đẹp, những điều hay, hoặc Anh, Chị sẽ có những lúc buồn phiền, giận-dữ, trách-móc những xấu-xa mà tiền-nhân đã để lại cho chúng ta đến ngày hôm nay.

     Sẽ có một giây-phút nào đó, Anh, Chị bổng bật-nghĩ... Nếu có dịp, Anh, Chị sẽ lựa chọn một con đường nào đó, làm cho một công-việc được hay hơn, cho thêm vào cuộc-đời những niềm-vui nơi chính mình và cho cả mọi người. Cái cố-gắng này, sẽ làm tình-thương nơi Anh, Chị tự-động bộc-phát và nhân thời-gian ấy , tại sao Anh, Chị không thêm vào tương-lai của mình hai chữ Xã-hội trong sự bao dung.

     Thiếu tinh-thần xây-dựng, tôi và Anh, Chị sẽ không hiểu được tương-lai là cái gì cả. Nếu Anh, Chị nghe một người nào đó nói một câu như thế này... Tôi xây-dựng bản-thân tôi, theo ý tôi. Nhưng tôi không cần tương-lai, vì đó là một chuyện xa-vời... Anh, Chị có hiểu gì không ?... Thưa Anh, Chị, hãy nhìn thẳng vào người đã nói câu vừa rồi, và thẳng-thắn trả lời trong sự cẩn-trọng của tuổi mười tám mà Anh, Chị đang mang... Trong trân-trọng, chúng tôi xin được phép trả-lời cùng Ông, Bà. Rằng nơi Ông, Bà không có gì để nói lên một tinh-thần Xây-dựng cả...

     Hãy cắt chiếc bánh sinh-nhật của Anh, Chị và mời tất cả mọi người cùng chia-vui ngày Anh, Chị đã trưởng-thành. Trong sự tự-tin, Tương-lai đã nằm trong đôi bàn tay của Anh, Chị rồi đó.

Đất Cha, Nước Mẹ

             (Thương-tặng tất cả Anh, Chị nhân ngày sinh-nhật lần thứ 18) 

 

            Ta đứng đó dưới trời rực-sáng,

            Bóng buông dài, trên đất dấu yêu.

            Và ngây-ngất theo hương đồng-nội,

            Thả cuộc đời trên dãi lụa xanh.

 

            ... Đêm thanh-tịnh, chạnh lòng nghĩ lại,

            Bao tháng ngày lặn-lội ngược xuôi.

            Nghe gió gọi, lòng con dao-động,

            Tuổi thần-tiên !... phút chốc thoáng bay.!.!..

            Về nơi có những người thiếu-nữ,

            Thả giọng-hò lên tít từng không.

            Làm dao-động hàng cau quê-Mẹ,

            Rải tiếng-cười theo hạt mầm non ...

 

           Đồng-đồng nở, sữa theo dòng nước,

           Điểm non-sông tô bởi phù-sa.

           Cho dừa-nước tạo-thành mái lá,

           Mẹ mĩm-cười !.!, đủ ấm tình quê.

           Từ khi đó màu tro phủ tóc,

           Khói lam chiều bay tỏa không-gian.

           Đôi mắt Mẹ thả theo chiều gió,

           Đón chờ ai ?... khi bóng xế tà.

 

          Chiều buông xuống, nàng Hương ra gọi,

          Bóng dáng Cày, về tổ cho mau.

          Và nơi đó, Cha ngừng Ví, Thá,

          Tiếng gọi trâu quay trở về chuồng.

          Sau bờ đê suôi theo làn gió,

          Dẫn người về đến tận bờ-ao.

          Nơi vĩnh-viễn Trầu, Vôi quấn-quít,

          Bóng dáng Cày, Trâu, đã bờ-ao.

 

          Hương nhìn thấy, nụ- cười e-ấp,

          Đất về rồi, da đậm hơn đêm.

          Nơi bếp than, vội-vàng phủi tóc,

          Mái lụa huyền, thay thế màu tro.

         Mùi bù-kết phất-phơ nơi cửa,

         Dạ-Lý-Hương ôm-ấp không-gian;

         Đem tro xuống điễm trên nền Đất,

         Đất.!.!.., hương nồng lên tóc Mẹ yêu.

 

         Mùi hương Đất ngạt-ngào khói Bếp,

         Vẳng trong nhà tiếng trẻ thưa Cha.

          à !!... Cu-Tí đang sau lưng Mẹ,

         Thót lên Cha, vắt-vẻo sau lưng.

         Bên thân-phụ tay cầm đôi đũa,

         Gắp vụng-về trong tộ cá-kho.

         Loay-hoay mãi rớt lên rớt xuống,

         Mặt đỏ bừng nhìn xuống đôi tay.

 

        Cha nhìn Mẹ song-thân nở-rộ,

        Vẻ dịu-dàng chỉ lại cho con.

        Từng bước một lần đầu cẩn-thận,

        Chớ vội-vàng vấp ngã nha con.

       Con im-lặng sửa tay cầm đũa,

       Cái gắp đầu vài cọng cải-chua.

       Và từ đó, lần-lần con bước,

       Biến đổi dần đôi-đũa nơi tay.

 

       Thành cây-viết lá-tre... mực-tím,

       Biết đọc vần, từng chữ A, B.

       Cho đến lúc lá-tre thành chữ,

       Chỉ từng câu, con học thuộc-lòng.

       ... Bao thế-hệ, hàng cau xanh-ngát,

       Phủ sân Đình, bởi lũy-tre xanh.

       Nguồn sữa Mẹ nay thành sông ấm,

       Đậm màu da biến đổi đất khô.

       Đất Cha, Nước Mẹ nuôi con lớn,

       Mộng một ngày con thế song-thân.

       Đem Hương Mẹ , lan-tràn khắp-chốn,

       Các con cùng, Màu-đậm da Cha.

Thiên-Ân Đức-Huệ Trần Minh-Tâm

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art