Thứ Tư, 18 Tháng Tư, 2018

Từ tình yêu với cây trà Bảo Lộc

12 năm chưa phải là dài đối với sự phát triển của một doanh nghiệp, nhưng sản phẩm của công ty cổ phần Trà Việt từ dò dẫm tìm thị trường tiêu thụ nhỏ lẻ ban đầu, hiện đã có mặt khắp ba miền đất nước và cả ra nước ngoài qua tay khách du lịch. Thành quả ấy phải kể đến sự nỗ lực không nhỏ của người sáng lập công ty Ðinh Minh Phú.

Một câu lạc bộ uống trà của người trẻ

Sinh ra ở Bảo Lộc, vốn là người con của giáo xứ Mân Côi Tân Hà (giáo phận Ðà Lạt), học hết THPT, như bao người trẻ có chí tiến thân, Phú rời làng quê đi Sài Gòn học đại học. Anh tốt nghiệp khoa Ðông Phương trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, sau đó đi làm cho một công ty kinh doanh nhạc cụ - âm thanh - ánh sáng.

Từ tình yêu với cây trà Bảo Lộc - 1


Sống xa nhà, Phú và bạn bè cùng quê hay gặp nhau hàn huyên, và khi nhắc về cây trà của xứ sở mình, lại đau đáu buồn vì thấy người nông dân vẫn vất vả “một nắng hai sương” mà việc tiêu thụ trà lại chẳng đáng là bao so với công sức bỏ ra. Từ đó, anh bạn trẻ cứ băn khoăn suy nghĩ làm sao để người dân uống trà nhiều hơn. Và anh đã bỏ thời gian đi gặp gỡ bạn bè, đi la cà uống trà ở các quán, tìm hiểu thêm về trà đạo… Thế rồi ý tưởng thành lập một câu lạc bộ (CLB) yêu trà dành cho các bạn trẻ đã nảy nở. Năm 2004, CLB chính thức ra mắt, quy tụ những người trẻ có cùng sở thích uống trà, sinh hoạt định kỳ hằng tuần rồi hằng tháng tại một căn phòng ấm cúng nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Cách Mạng Tháng 8 (Tân Bình). Sơ khởi, CLB chỉ có chừng mười thành viên, rồi dần dần số người đến tham gia ngày một đông hơn. Khi nơi uống trà được dời đến một địa chỉ mới trên đường Lê Văn Huân, không khí của những buổi họp mặt vẫn ấm áp. Ðến đây, các bạn trẻ không những cùng nhau nhâm nhi từng chén trà nóng, mà còn được nghe các thành viên nòng cốt chia sẻ về cách pha trà và nghệ thuật uống trà. Mỗi buổi gặp gỡ lại có một chủ đề học hỏi, từ lối uống trà theo truyền thống của người Việt đến nghệ thuật pha trà của các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Ðể mở rộng quy mô hơn, CLB đã tìm chỗ đứng cho mình tại Nhà Văn hóa Thanh Niên. Trong 3 năm, từ 2005 đến 2008, đây được xem như một trong những CLB “đình đám” nhất Nhà Văn hóa Thanh Niên.

Rồi CLB hình thành đội pha trà, khẳng định mình với những thành viên khá vững về kiến thức lẫn kỹ năng. Họ đã tạo được một phong cách pha trà thống nhất (gọi là nghệ thuật pha trà Sen) và được mời tham gia trình diễn trong nhiều sự kiện, lễ hội. “Từ đội pha trà này, chúng tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện làm sao để những bạn trẻ yêu thích trà có thể lãnh hội được những kiến thức và kỹ năng cơ bản về văn hóa trà, về nghệ thuật pha trà trong một khoảng thời gian ngắn. Thế là lớp học pha trà (hay lớp Trà Nô) đã được mở, với ước muốn chuyển tải tình yêu trà đến với nhiều người”, anh Phú hồi tưởng lại một thời.

Từ tình yêu với cây trà Bảo Lộc - 2


Phát triển thương hiệu Trà Việt

Không chỉ dừng lại ở một CLB, chàng trai xứ B’Lao và vài thành viên chủ chốt đã lập nên công ty cổ phần sản xuất - thương mại - dịch vụ Trà Việt, thực hiện ước mơ từ lâu: kết hợp với nông dân trồng trà ở Bảo Lộc để tiêu thụ trà. Với quyết tâm dốc hết sức mình cho lĩnh vực trà, anh đã rời bỏ vị trí Quản lý kinh doanh ở công ty nhạc cụ để trở thành người đứng đầu Trà Việt, dù biết còn nhiều khó khăn trước mắt.

Thời gian đầu, bên cạnh việc tìm thị trường cho sản phẩm, Trà Việt vẫn duy trì các hoạt động để quảng bá văn hóa uống trà qua CLB Yêu Trà, các lớp Trà Nô và mở Quán trà để phục vụ nhiều người có sở thích.

Từ tình yêu với cây trà Bảo Lộc - 3
Lớp học pha trà được mở với ước muốn chuyển tải tình yêu trà đến với nhiều người - ảnh: Trà Việt


Là người chịu khó học hỏi, tìm tòi, anh Phú mở rộng thêm nhiều mối quan hệ để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong ngành trà. Anh tận dụng những cơ hội đi đây đó trong và ngoài nước để nâng cao kiến thức và tầm nhìn. Trong quá trình cọ sát với thực tế, người sáng lập Trà Việt đã tìm ra được một thế mạnh để phát triển công ty, đó là đầu tư vào sản phẩm quà tặng. Những hộp quà lúc đầu còn khá đơn sơ, được thực hiện một cách thủ công song qua thời gian đã cải tiến về kỹ thuật để trở nên đẹp và trang trọng hơn. Ðội ngũ thiết kế của Trà Việt làm việc thật chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, với nhiều mẫu mã, từ những bộ quà hộp giấy mỹ thuật, hộp bằng thiếc, hộp tép, đến bộ quà hộp gỗ, sơn mài… “Hộp bên ngoài đẹp thì trà bên trong phải ngon để xứng đáng. Vì thế, chúng tôi đã chọn những loại trà chất lượng, và mở rộng nguồn sản phẩm, không chỉ trà ở Bảo Lộc mà còn những vùng nổi tiếng khác như Sơn La, Hà Giang, Thái Nguyên, Hà Nội… theo đơn đặt hàng của khách”, Giám đốc Phú chia sẻ.

Hiện Quán trà không còn hoạt động do chưa có địa điểm phù hợp sau khi quán ở đường Út Tịch (Tân Bình) phải trả lại mặt bằng. Song nếu như trước đây, khách uống trà ở quán phải trả tiền thì giờ đây, Trà Việt lại mời trà miễn phí tại tất cả các cửa hàng của công ty. Hiện ngoài văn phòng chính đặt tại 380/8A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3 - TPHCM, Trà Việt có hơn 10 cửa hàng tại các địa chỉ khác, từ Sài Gòn đến Ðà Nẵng, Hội An, Hà Nội. Sản phẩm công ty này cũng có mặt ở các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài… Anh Phú và đội ngũ nhân viên còn ước mong những hộp trà của mình sẽ vượt biên giới, có mặt trên thị trường quốc tế: “Trong tương lai, chúng tôi muốn phát triển ra nước ngoài nữa, dù nay mỗi tháng đã có hàng chục ngàn gói trà được khách du lịch từ các nước mua về làm quà”.

Từ tình yêu với cây trà Bảo Lộc - 4
Một bộ quà Tết của Trà Việt - ảnh: nhân vật cung cấp


Dịp Tết lễ, lượng tiêu thụ hàng của Trà Việt lại tăng lên đáng kể, nhất là vào Trung Thu và Tết Nguyên Ðán. Ngày nay, người mua cũng không tiếc tiền để có một hộp quà trang trọng, thể hiện được nét văn hóa truyền thống. Anh Ngô Minh Sang, một khách của Trà Việt, làm trong ngành ngân hàng nhận xét: “Thổi cái hồn văn hóa Trà Việt vào từng sản phẩm trà để trở thành món quà tặng ý nghĩa, không cầu kỳ nhưng lại rất sang trọng, tôi nghĩ Trà Việt đã làm được điều đó!”. Còn chị Hồ Thị Khoa Trang, một doanh nhân lại cảm nhận: “Trà Việt có những tặng phẩm trà là những hộp quà thật bắt mắt và ấn tượng. Họ đã biết dùng những hình ảnh truyền thống để chuyển đến người sử dụng một thông điệp: Ðây là sản phẩm của người Việt Nam!”

***

Là một Kitô hữu, người đứng đầu Trà Việt vẫn tâm niệm, mình luôn cố gắng để chính trực trong làm ăn và cả đời thường. Tết này bước vào tuổi 40, nhìn lại chặng đường gầy dựng công ty 12 năm qua, anh Phú vui với thành quả bước đầu song cho biết chặng đường phía trước còn dài nên vẫn phải nỗ lực nhiều để đáp lại những kỳ vọng xa hơn.

PHAN NHI

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art