LTS: Đây là loạt bài viết của Saigon Nhỏ nhằm vinh danh Tháng Di Sản Người Mỹ gốc Á.
Thế giới đang dần bước ra khỏi cuộc chiến chống Covid-19 trong giai đoạn lột xác hoàn toàn. Con người tìm thấy, làm quen và gắn bó với những việc mà họ chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ thực hiện. Câu chuyện của cô gái Victoria Vũ Đức, 15 tuổi ở Ottawa, Canada là một điển hình trong hàng triệu câu chuyện thay đổi của nhân loại sau đại dịch.
Buổi nói chuyện với Victoria Vũ Đức diễn ra sau khi cô gái vừa trở về nhà sau giờ học ở trường trung học. Ngày mai, em sẽ có một bài thi trên lớp, chuẩn bị kết thúc năm học lớp Chín. Do đó hôm nay, em không đến nhà hàng Vic & Co Cuisine Việt – thương hiệu do chính em mở ra vào năm 2020, với sự ủng hộ tuyệt đối lẫn giúp đỡ của cha mẹ và gia đình.
Từ mùi thịt nướng thơm lừng…
Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 tấn công toàn cầu, như mọi người, mọi quốc gia, Victoria Vũ Đức phải học “online” từ nhà ở Ottawa, Canada. Thời gian đó, Victoria có nhiều cơ hội để cùng mẹ nấu ăn. Em cùng mẹ nấu phở, bún thịt nướng và nhiều món ăn Việt Nam khác. Từ căn bếp nhỏ, mùi thơm độc đáo của phở Việt, mùi thịt nướng thơm lừng lan toả đến những ngôi nhà hàng xóm gần đó. Họ tò mò, thích thú sang tận nơi để hỏi. Cô bé tự hào chia sẻ với hàng xóm những câu chuyện về món ăn Việt Nam cô được nghe mẹ và ông bà kể trong lúc nấu ăn. Victoria nói, lúc đó, em bắt đầu có suy nghĩ mình sẽ mời mọi người dùng thử và sau đó, bán theo đơn đặt hàng cho cộng đồng trong khu phố.
Thế là, “nhà hàng” của Victoria bắt đầu bằng một trang Facebook – cách làm quen thuộc trong giai đoạn đầu của những người khởi nghiệp. Vic (tên gọi thân mật của Victoria Vũ Đức) kể, với sự giúp đỡ của mẹ và công thức của bà ngoại, em bắt đầu nấu nhiều phần ăn vào Thứ Sáu mỗi tuần. Sang Thứ Bảy là ngày em đi giao hàng hoặc khách đến “pick-up.” Năm nay Vic 15 tuổi, chưa đủ tuổi chạy xe theo luật của Canada nên cha mẹ chính là “uber” của em. Thời gian đó, như những cơ sở thương mại khác chịu ảnh hưởng của đại dịch, nơi mẹ của Victoria làm việc đã đóng cửa nên bà có thời gian để ủng hộ cô con gái nhỏ cả về tinh thần lẫn sức lao động.
Bà CoCo Trần, mẹ của Victoria cho biết: “Tôi và ba của Victoria rất tôn trọng mơ ước của các con. Chúng tôi giúp bọn trẻ hiện thức hoá các hoài bão. Victoria là đứa trẻ có suy nghĩ rất chín chắn. Vic rất hiểu và luôn thực hành cách sống ‘cho đi và nhận lại’. Vic rất có lòng với cộng đồng.”
Cho đến Vic & Co Cuisine Việt
Victoria Vũ Đức kể, em nấu ăn trong bếp ở nhà, theo công thức và hướng dẫn của bà. Cho đến mùa Hè năm 2020, số lượng khách hàng đặt thức ăn của Victoria ngày một nhiều hơn, nên có thêm vài món ăn mới cho thực đơn như chả giò, gỏi cuốn.
Không chỉ có thêm thực đơn mới, “nhà hàng Facebook” của Victoria Vũ Đức đã được mở rộng “chuyên nghiệp” hơn, trở thành nhà hàng Vic & Co Cuisine Việt vào Tháng Tư, năm 2021.
Món đặc biệt của Vic & Co Cuisine Việt là Phở Bò. Victoria cho biết đây là món ăn lấy nhiều thời gian của em nhất, phải nấu nước soup.
“Khi em còn nhỏ, bà ngoại, bà nội rất thường nấu phở. Trong lúc nấu, bà kể nhiều chuyện thời thơ ấu của ba mẹ. Do đó bây giờ mỗi khi em đứng nấu soup, em lại nhớ đến các câu chuyện của bà, ví dụ như ba mẹ lớn lên ở Việt Nam như thế nào. Rất nhiều kỷ niệm được nhắc lại. Đó là lý do tại sao em yêu món phở.” Ngoài ra, Vic & Co Cuisine Việt còn có những món thuần tuý Việt Nam như bún thịt nướng, cơm tấm, cơm gà, thực đơn cho người ăn chay.
Với cô gái đang bước vào tuổi “teenager” như Victoria, thì thời gian là tài sản quí giá nhất, và cũng là tài sản phong phú nhất. Em tự nhận, thời gian đầu khi mở nhà hàng, rất khó trong việc chia thời gian phù hợp cho việc học, bạn bè và công việc ở nhà hàng. Thế nhưng, cô chủ nhỏ 15 tuổi đã mau chóng vượt qua và có cách để giải quyết trở ngại đó. Em nói: “Qua vài tuần, rồi vài tháng, em đã biết cách sắp xếp công việc ở nhà hàng, việc học và cả thời gian với bạn bè. Em biết vào lúc nào thì em cần phải làm việc gì.”
Ngoài thời gian đến trường, làm bài tập, thời gian còn lại Victoria dành hết cho nhà hàng Vic & Co Cuisine Việt. Victoria hạnh phúc nói, “em rất may mắn có gia đình và những nhân viên ở tiệm đều là những người rất tuyệt vời. Ngay cả khi ba mẹ và em không ra tiệm, họ đều làm công việc của mình rất tốt. Em rất biết ơn mọi người.”
Ba của Victoria, ông Vũ Đức Khanh, là một luật sư và một người hoạt động tích cực cho cộng đồng Việt ở Canada. Vic nói, mỗi khi ba của em có thời gian, ông có mặt ở nhà hàng, nói chuyện, hỏi thăm khách, “ba còn là người chở em đi chợ, ba tiếp chuyện với khách hàng để nghe ý kiến của họ.”
Đối với Victoria, sự khác biệt giữa việc nấu những phần ăn “to go” trong thời gian đại dịch và làm chủ nhà hàng Vic & Co Cuisine Việt hiện tại, đó là “niềm vui và học hỏi.”
“Mở nhà hàng, có rất nhiều việc để làm hàng ngày, nhiều hơn ngày trước rất nhiều. Nhưng rất vui vì mình được nhìn thấy khách hàng mỗi ngày, nhìn thấy họ hài lòng với món ăn của nhà hàng. Ngược lại, khách hàng cũng thấy chúng ta nữa. Những lúc đó, mình không còn thấy mệt nữa. Và em cũng thấy như mình đang làm điều gì đó cho cộng đồng của mình.”
Theo lời Vic, em nghe ba mẹ kể lại, hai mươi năm trước, khi gia đình em đến Canada, đã nhận được nhiều sự giúp đỡ từ cộng đồng. Do vậy, em luôn mong muốn có thể làm điều gì đó, để bày tỏ sự biết ơn, đáp trả. Ngày còn bé, Victoria mơ ước trở thành một bác sĩ chuyên khoa cấp cứu. Nói như thế, không có nghĩa là giấc mơ bác sĩ nay được thế bằng cô chủ của nhà hàng. Vic nói em yêu cooking, em yêu những công việc bận rộn hiện tại ở Vic & Co Cuisine, nhưng em vẫn luôn cố gắng học để trở thành một bác sĩ.
Thật khó để hình dung, việc chấp thuận cho cô con gái nhỏ 15 tuổi, làm chủ một nhà hàng với những công việc quản lý, kiến thức tài chính chưa xuất hiện trong bài giảng ở trường học, thì áp lực và khó khăn như thế nào? Với ông Vũ Đức Khanh, ba của Victoria, ông lấy kinh nghiệm của bản thân mình để quyết định điều đó. Ông nói:
“Ngày xưa khi tôi còn bé, bố má tôi thường khuyên anh em chúng tôi hãy chăm chỉ học hành để có thể đóng góp tích cực cho xã hội sau này. Ngày nay, vợ chồng tôi thường dặn các con nên cố gắng làm những việc các cháu yêu thích và có ích cho cộng đồng, tổ quốc. Chúng tôi luôn ủng hộ các con thực hiện ước mơ, hoài bão của các cháu, và chúng tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể. Điều quan trọng không phải là thành công hay danh lợi mà là sự phục vụ và cống hiến.”
Tôi hỏi Victoria, lúc này không đơn giản là những phần ăn bán trên Facebook nữa, mà là một nhà hàng, một cơ sở kinh doanh với khoảng 10 nhân sự. Chắc chắn nhiều lần, em phải quyết định một việc gì đó, vượt ngoài tầm hiểu biết của cô gái 15 tuổi. Khi ấy, em sẽ hỏi ý kiến ba mẹ, ông bà hay em tự cho mình một cơ hội thử thách?
“Em hiểu bất cứ việc kinh doanh nào cũng phải có lúc đưa ra những quyết định khó khăn và nhanh chóng. Em tin mình là người có kỹ năng quản lý. Em cũng may mắn được lớn lên bên cạnh ba mẹ là những người có kinh nghiệm kinh doanh nên em học được rất nhiều. Ngay từ nhỏ, ba mẹ đã dạy anh chị em chúng em cách đưa ra một quyết định.” Câu trả lời của Victoria Vũ Đức là thế.
Vic nói thêm, quan trọng nhất, là “đưa ra quyết định luôn là một điều khó, nhưng chúng ta luôn phải chọn một và phải đối diện với điều nó.”
Tôi không ngạc nhiên khi nghe Vic nói khách hàng của nhà hàng Vic & Co Cuisine Việt phần lớn là các thanh thiếu niên, trong đó có nhiều bạn học của Vic. “Các bạn đến để ăn thức ăn em nấu và xem em làm việc,” Vic cười thật vui khi nói như thế. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều khách hàng đến từ những thành phố, quận lân cận để thưởng thức hương vị món ăn của Vic & Co Cuisine Việt.
Với Victoria Vũ Đức, em xem đây là một thành công đầu tiên trong cuộc đời của mình. Tuy nhiên, em vẫn khẳng định, em sẽ luôn tiếp tục cố gắng học hỏi để làm tốt hơn, đặc biệt là thực hiện ước mơ lớn của mình, đó là trở thành một bác sĩ chuyên khoa cấp cứu.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Victoria đã dán lên bức tường trong căn phòng của mình câu nói em thích nhất: “Dream until your dream comes true.”