Thứ Ba, 30 Tháng Giêng, 2018

Xuân Mậu-Tuất 2018

“Chó sủa vang, xua đuổi phường gian ác.

Chủ thức dậy, thắp sáng cả đêm đen”.

 * Con chó thông minh.

 Một hôm, một người Anh sang chơi Paris, đi qua cái cầu bắc ngang sông Seine, thì bỗng bị một con chó lông xù chạy va vào chân làm bẩn cả đôi giầy đã được đánh bóng thật nhẵn của ông. Vì vậy, ông buộc phải tới chỗ một người ngồi trên cầu với cái hộp để nhớ đánh bóng lại đôi giầy.

 Ngày hôm sau, cảnh ấy diễn lại và tiếp theo những ngày khác cũng cứ vậy.

 Tính tò mò chợt nảy ra khiến ông để ý theo dõi kỹ con chó. Ông thấy nó đi về phía sông Seine, nhúng chân xuống bùn ở bờ rồi trở lên trên cầu và chờ đợi người nào ăn vận sạch sẽ, giầy bóng nhoáng, thì nó chạy đến quẹt chân vào giầy người ấy.

 Bấy giờ, ông mới khám phá ra người cạo bùn cho giầy ông, chính là chủ con chó. Cuối cùng, ông đến hỏi cách khôn khéo của người đánh giầy và con chó.

 Sau một lúc ngập ngừng, người đánh giầy đành phải thú nhận là ông đã tập luyện con chó công việc ấy để kiếm khách và thêm :

 - Ồ, thưa ông, công việc làm ăn bây giờ khó lắm !

 Nhà quí phái thấy con chó khôn ngoan, liền thỏa thuận mua với một giá đắt rồi dẫn về London.

 Người chủ mới, sau một thời gian cột chó, tưởng đã quen, bèn thả cho nó chạy chơi.

 Con chó được tự do, chỉ ở với ông một hoặc hai ngày rồi trốn mất.

 Hai tuần lễ sau, người ta thấy con chó trở về với người chủ đầu tiên, tiếp tục hành nghề cũ trên một trong những cây cầu ở Paris.

 I. Biểu tượng của loài chó trong lịch sử :

Hiện nay, con người đã thuần dưỡng được 750 loài động vật hoang dã về sống chung với mình, trừ bò rừng ở vùng rừng nhiệt đới nam Mỹ quá hung dữ và kém thông minh nên chưa thuần dưỡng được.

Riêng lòai chó có hơn 400 giống khác nhau, trong đó có 50 giống phổ biến. Nhưng, chỉ có ba quần thể chó có đặc tính xóay lưng là chó Phú-Quốc Việt-Nam, Thái-Lan và Châu-Phi.

Chó là loài động vật có vú được con người thuần dưỡng sớm nhất, cách thời đại ngày nay 68 đến 70 triệu năm. Khi bắt đầu tiến lên thời kì ăn thịt, bỏ thời kì hái lượm, con người bắt đầu chuyển qua nghề săn bắn.

Tổ tiên của loài chó mà con người thuần dưỡng là chó sói, sống hoang dã, bị thợ săn thời tiền sử bắn chó mẹ để lấy thịt. Sói con sống lạc lõng một mình, được người thợ săn đem về nhà nuôi bằng sữa của phụ nữ trong gia đình. Sói lớn dần theo thời gian, vui chơi đùa nghịch với những đứa con của người thợ săn, dần dần trở thành con vật thân thiết, trung thành với các thành viên trong gia đình. Nhờ sự nhanh nhạy, khôn ngoan, mỗi khi vào rừng tìm mồi, chó thường được dẫn theo và tỏ ra rất tích cực với chủ. Mỗi lần chủ săn được mồi, chó cũng hưởng những phần thực phẩm mà con người không xử dụng như xương, lòng...

 Từ đó, người thợ săn phát triển đàn chó trong gia đình từ 3 đến 7 con, tập hợp lại từng bầy trong quần thể bộ tộc để săn mồi và giữ nhà. Trải qua hàng triệu năm, chó được con người nuôi dậy và phát triển, tỏ ra là loài vật thông minh, trung thành, có tình cảm, sống gần với loài người sớm nhất, sau đó là gà, dê, cừu, ngựa, trâu, bò...

 Các nhà chuyên môn biết phân tích và khai thác khả năng tiềm ẩn của loài chó để nó trở thành biểu tượng trong đời sống hàng ngày của con người.

 1. Chó trợ giúp lực lượng phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

Khủng bố và ma túy là hai lĩnh vực cần đến khứu giác của loài chó để phát hiện nơi ẩn náu, cất giấu tang vật của bọn tội phạm mà lực lượng cảnh sát chưa tìm ra.

 2. Chó khoa học (còn gọi là chó thông minh).

 - Con người đã phát hiện nhiều khả năng tiềm ẩn nơi chó. Những nhà nghiên cứu động vật có vú khám phá chó thông minh hơn so với các loài động vật có vú sống trên cạn.

- Chó có khả năng nhận biết được 200 đồ vật của con người xử dụng trong đời sống hàng ngày. Chó nghe và trả lời điện thoại với chủ, như trường hợp con Rico của chuyên gia huấn luyện chó Michel Chanton ở cộng hòa liên bang Đức được giới khoa học gọi là “le chien savant” ở trung tâm nuôi dậy chó Sleeve.

Con chó Laika của Liên-Xô được phóng vào không gian bằng phi thuyền Sputnik-2, ngày 3.11.1957 làm cả thế giới kinh ngạc ! Laika đã chết sau khi bay 4 vòng quanh trái đất vì vận tốc qúa cao : 30.000 km/giờ.

- Con chó có nhiều gien thuộc siêu hệ đa gien liên kết G protein xoắn ốc có bảy cạnh nằm trong bầu khứu giác của chó : CFOIF1, CFOIF2, CFOIF3, CFOIF4, mỗi bộ quy mô từ 2-20 gien, thuộc ba nhiễm sắc thể khác nhau, sự tinh vi của khứu giác (tức khả năng cảm nhận, sự nhạy cảm và phân biệt xử lý mùi...) phụ thuộc vào vị trí và kích thước của biểu bì thần kinh khứu giác trong mũi. Chẳng hạn, người chỉ có khoảng 10cm2 biểu bì khứu giác thì Shepberd, giống chó dùng trong quân sự của Đức có đến 95-169cm2.

Cho nên, độ nhạy bén về ngửi mùi của chó cao gấp 8.000 lần so với con người. Khi chó đánh hơi, nó hít, ngửi liên tiếp nhiều lần, bầu khứu giác tiếp nhận chuyển về hệ thống thần kinh trung ương cuối cùng xử lý bằng cách ra lệnh thái độ cho con vật. Chó sẽ biểu hiện tùy trường hợp : sủa, cắn, chồm (biểu hiện ở miệng, chân) ; gầm gừ, dữ tợn (biểu hiện ở mắt, răng) : nghe ngóng, cảnh giác (biểu hiện ở tai vểnh cong, thõng, ngoắt đuôi, thế đứng đứng yên, chuẩn bị nhảy, tấn công...). Người đi theo nhờ đó mà phán đoán. Trí thông minh của chó cộng với trí thông minh gấp bội của người tạo nên phán xét, hành động, cách xử lý khôn ngoan, chính xác, có hiệu quả.

Chó cũng có thính giác khá phát triển. Người chỉ nghe được âm thanh với tần số 20KHZ, còn chó ở tần số 30KHZ và cao hơn.

 3. Chó canh giữ trang trại. Pascal Charles, 38 tuổi, là chủ đồn điền trồng nấm cung cấp cho ngành dược phẩm nổi tiếng ở cao nguyên A Nantoux nước Pháp. Con chó Baunes là cộng sự đắc lực của ông trong việc tuần giữ mặt đất khi Pascal Charles lái trực thăng kiểm tra trên trời. Sự phối hợp canh giữ hàng ngàn hécta đất, xua đuổi kẻ gian và động vật, bảo vệ rừng cây cho loại nấm qúi sản xuất thuốc chữa bệnh Mycorhises này thật tuyệt vời.

 4. Chó tăng khả năng biểu diễn, giúp ngôi sao tự tin hơn trước khán giả. Ngôi sao màn bạc Mỹ Stéphane B. Berne, đoạt danh hiệu ngôi sao trong một kỳ liên hoan Cannes, cho biết khi đến tham dự liên hoan, con chó Ruquier đã giúp cô tự tin và thoải mái trong lúc biểu diễn trước hàng chục ngàn khán giả.

 5. Chó trong lĩnh vực hội họa. Tác phẩm gây ấn tượng đối với người xem là bức họa về loài vật của họa sĩ Lucian Freud được vẽ trong thời gian 1 năm (1985-1986), triển lãm và rao bán rộng rãi từ tháng 2-2005 đến hết tháng 12-2005 tại bảo tàng nghệ thuật Correr của Pháp. Danh họa Lucian Freud là học trò trung thành của Saint Marc, mất ở tuổi 83 tại thành phố Paris - Pháp, cha đẻ của ngành hội họa thời cận đại. Freud nối tiếp sự nghiệp của thầy mình, tác phẩm của hai người được triển lãm khắp Châu-Âu và Mỹ. Những năm 1980 đến nay, Freud chuyển hướng nghệ thuật hội họa sang lĩnh vực súc vật.. Bức danh họa về chó đã được bán với giá 1,2 triệu USD (2006) cho một doanh nhân người Mỹ.

 6. Chó của những người vô gia cư, thất nghiệp. Thất nghiệp, vô gia cư trở thành vấn nạn từ nhiều thế kỉ qua của những nước tư bản chủ nghĩa. Số người thất nghiệp lang thang gia tăng từng tháng ở các quốc gia Châu-Âu và Mỹ, họ sống ở công viên, gầm cầu, nhà vệ sinh, bến ga, những ngôi nhà bỏ hoang ở đồn điền xa và ngoại ô thành phố, gồm những người ở tuổi lao động trên dưới 25. Họ tập trung thành từng tốp 70 đến 100 người, chiếm cứ các ngôi nhà hoang sau vụ thu hoạch nho, săn bắt côn trùng để ăn, dựng lều ngủ chung với chó trên cỏ, chiều về tập trung trên bến cảng để hút chích. Cảnh sát tuần tra phải thu gom họ lại.

 7. Tuổi thọ của chó. Tuổi thọ trung bình của chó là từ 12 năm. Bạn trung thành của con người già đi nhanh chóng do gène di truyền, tế bào lão hóa sớm. Tính bảo tồn mô cho nhu cầu năng lượng thấp và cả tính đặc thù sinh học của loài chó không giúp nó có cuộc sống dài hơn, đó là kết quả nghiên cứu của Kheira, nhà khoa học về động vật có vú nổi tiếng thế giới người Pháp. Kích thước và trọng lượng không liên quan đến tuổi thọ của chó. Giống chó Hà-Lan cao 80cm nhưng tuổi thọ của nó chỉ có 7 năm. Loài chó bông Nhật-Bản cao 40cm nhưng tuổi thọ của nó từ 12 đến 15 năm, thọ gấp hai lần loài chó có vóc dáng cao.

 Chó khi về già trông tiều tụy, thảm não, buồn rầu và yếu ớt. Về phương diện sinh lý, một con chó trọng lượng 9kg có thể so sánh với một người khỏe mạnh 36kg ở tuổi 14-15. Con chó 7 tuổi bằng con người 70 tuổi.

 8. Chó đi lạc. “Chó Tinky lông màu vàng nâu, dài 10cm, mặc chiếc áo màu hồng ngắn tay, đi lạc trong lúc cùng chủ dạo chơi trong công viên”, đó là lời rao tìm chó lạc của ngôi sao màn bạc Paris Hilton đăng trên tờ báo Los Angeles ngày 11.08.2006. Khi đăng tin, cô phải trả tiền rao vặt 1.000 Euro. Nhưng thời gian qua đi không có hồi âm, khi Paris Hilton trở lại thành phố Paris của nước Pháp, cô bắt gặp trong một tiệm cắt tóc nữ xuất hiện con chó Tinky cưng chiều nhất đã lên 3 tuổi đi lạc và phải mua lại hết 5.000 Euro. Người hâm mộ và dư luận cho rằng con chó của Paris Hilton chẳng hề khôn ngoan.

 9. Chó của những ngôi sao chính trị và yếu nhân trên thế giới. Mỹ là quốc gia có nhiều tổng thống nuôi chó nhất thế giới. Tổng thống George W. Bush khi đi công tác luôn có con chó theo bên cạnh.

 Gia đình cố tổng thống Kennedy năm 1963 cũng nuôi một đàn chó 6 con trong lúc cả gia đình ở Nhà Trắng.

 Tổng thống Richard Nixon lúc kế vị cố tổng thống Kennedy cũng có hai con chó. Gia đình tổng thống Ford ngày 17-09-1975 có con chó sinh được 9 con.

 Con chó của bà Barbara Bush (mẹ tổng thống Bush) ngày 18.05.1989 cũng cho ra đời một bầy chó con nhị thể.

 Năm 1968, tổng thống Mỹ Johnson vừa có một con chó mới mang tên Yuki liền đem nó tắm chung cùng hai cha con trong một bể nước riêng ở trang trại. Ronald Reagan và con chó nổi tiếng của mình năm 1985 ở Nhà Trắng. Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton hôn con chó trước khi lên đường dự họp các quốc gia phát triển G8 năm 1998. Sau một tháng, bầy chó của Barbara Bush đã biết chạy và Bush Cha có trách nhiệm theo sát để trông nom (năm 1989).

 II. Những câu chuyện bất tử của loài khuyển.

 1. Tượng đài dành cho chó. Trên thế giới, con người thường lập nghĩa trang để nhớ ơn hoặc tuyên dương công trạng, điển hình như nghĩa trang liệt sĩ nhằm ghi công các anh hùng đã hy sinh cho tồ quốc, nghĩa trang gia tộc để lưu lại những hình ảnh của tổ tiên qua nhiều thế hệ. Ngoài các nghĩa trang này còn có các nghĩa địa khác như nghĩa địa xe hơi ở Mỹ, nghĩa địa xe cub ở Nhật...

Nhưng, nghĩa trang chó thì chỉ thấy ở Pháp, diện tích 10.000m2 , cổng nghĩa trang do kiến trúc sư danh tiếng Eugène Petit thiết kế với dáng vẻ cực kì thanh nhã, đường nét hoa văn chạm khắc hình chú chó Barry ngủ trong tuyết (để ghi nhớ công lao của nó đã giúp 40 người leo núi đạt được kỳ tích).

Vào năm 1893, nhà văn Alexandre Dumas đã đứng ra vận động quyên góp tiền bạc, vật liệu để xây cất khu đất chôn thú. Đa số người yêu thú vật hưởng ứng nhiệt tình và thủ đô Paris đã sẵn sàng tạo điều kiện chọn hòn đảo Ravageurs để xây dựng nghĩa trang.

Một ngôi mộ được du khách quan tâm nhất là mộ có tượng đài tạc bằng đá đen, hình con chó Barry cõng trên lưng đứa bé mà chính Barry đã cứu được trong bão tuyết với hàng chữ : “Con chó đã cứu sống được 40 người và bị người thứ 41 giết chết”.

Barry là chú chó do các tu sĩ nuôi chuyên để phát hiện, cứu giúp những người bị lỡ bước trong vùng đèo Sain Bernard thuộc dãy núi Alpes giá lạnh. Khi Barry đi lùng thấy một lữ hành bị lạnh cóng, nó lấy thân mình sưởi ấm rồi dẫn đường cho khách về tu viện. Trường hợp khách kiệt sức không lết nổi thì Barry chạy về báo tin cho người ta tìm cách cứu giúp.

Vào một đêm cuối năm, Barry gặp lữ khách bị tuyết phủ đóng băng liền chạy đến tiếp cứu. Nhìn thấy con chó to lớn ngập phủ đầy tuyết tiến lại gần, hoảng hốt tưởng gặp gấu trắng, lữ khách đã dùng ngay cây gậy leo núi giáng con chó một đòn sấm sét. Mặc dù bị thương nặng, nhưng Barry cố lết về đến tu viện báo tin cho các tu sĩ biết có người cần được cứu sống. Các thầy dòng đã lần theo vết máu của Barry truy tìm người lữ khách đem về. Người này vô cùng hối hận vì đã giết lầm một con chó có nghĩa.

Ngoài ra còn có ngôi mộ khác, du khách thấy dòng chữ : “Hỡi Titô, con chó thân yêu của ta ! Chỉ riêng anh bạn nhỏ này là trung thành tuyệt đối và không bao giờ phụ lòng tin cậy của ta”.

Song song đó, có hơn 10 ngôi mộ ghi câu nói nổi tiếng của Pascal : “Càng nhìn loài người, ta càng thương con chó của ta”. Còn trên mộ con chó Grift thì ghi câu của văn hào Victor Hugo : “Chó là hiện thân của đức hạnh, vì không thể làm người nên phải mang phận thú”.

Qua đó, cho thấy con chó là người bạn tốt, gần gũi với con người nên nước ta có câu : “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”.

Ngoài nghĩa trang chó này, còn có 6 tượng đài biểu trưng lòng biết ơn của nhân loại đối với sự đóng góp của chó cho khoa học và nền văn minh thế giới.

- Birlin : tượng đài chó dắt người mù.

- Đảo Nom (thuộc Alaska, bắc Mỹ) : chó Balto với vòng cổ và dây xích, ghi nhận công lao nó đã giúp người huyết thanh, đẩy lùi bệnh bạch hầu tràn vào đe doạ vùng dân cư quanh năm tuyết phủ.

- Edinburgh (xứ Scotland, Anh) : con chó sau khi chủ chết, đến nằm bên mộ suốt 5 năm rồi chết theo chủ.

- Bargo San Lorencon (Ý) : ghi nhớ chú chó Bermon (14 tuổi, trong một buổi tối tìm đến ga đón chủ bị chết vì chiến tranh).

- Saint Peterbourg (Nga) : trước cửa viện thực nghiệm y học, ghi nhớ các phát minh nổi tiếng của Paplov thực hiện ở chó.

- Osaka (Nhật) : chó cùng với xe kéo, ghi công lao của chó trong các khảo sát Nam-Cực.

 2. Những nghệ sĩ chó lừng danh. Trong số các ngôi sao điện ảnh và truyền hình được toàn thế giới yêu thích, có một số là diễn viên chó. Chính những con chó này đã mang lại thành công cho nhiều bộ phim mà chúng đóng vai chính và dĩ nhiên là hàng núi đô-la lợi nhuận cho những nhà làm phim. Theo các chuyên gia “Nghệ thuật thứ bảy”, nhân vật chó hàng đầu “Top Dog” ở kinh đô điện ảnh Mỹ Hollywood cho đến nay vẫn còn thuộc về Lassie. Suốt hơn nửa thế kỷ qua, “cô” chó này đã đóng 9 bộ phim truyện và 600 bộ phim truyền hình nhiều tập. Chó Lassie xuất hiện lần đầu tiên trên màn ảnh vào năm 1943 trong bộ phim Lassie come home (Lassie về nhà), cùng đóng bên các ngôi sao trẻ tuổi Roddy Mc Dowall và Elisabeth Taylor. Con chó chăn cừu tài ba này là một trong những ngôi sao truyền hình lớn nhất của Mỹ thập niên 1950-1960, cùng chinh phục khán giả với một con chó Đức tên Rin tin tin. Sự tái ngộ gần đây nhất của Lassie với khán giả màn ảnh rộng là bộ phim thiếu nhi sản xuất năm 1994 mang tên của chính nó Lassie.

 Còn có một đàn chó đông đúc dễ thương đã chinh phục được khán giả, cả người lớn lẫn trẻ em khắp thế giới trong bộ phim hoạt hình : 101 Dalmatians (101 con chó đốm) do hãng Walt Disney sản xuất năm 1961.

Suốt 35 năm qua, chúng vẫn giữ được sự ái mộ đó. Và sau đó, một phiên bản mới của phim 101 Con Chó Đốm đã ra đời, nhưng lần này do người thật và chó thật đóng. Trong số những ngôi sao diễn viên chó, có chó St. Bernad to con đóng vai chính trong bộ phim hài Beethoven. Bộ phim ăn khách tới mức mới ra đời năm 1992 thì năm sau đã có phần 2.

 Những con chó biết trò chuyện trong phim mạo hiểm thiếu nhi Homeward Bound : The Incredible Journey (Hướng về nhà : cuộc hành trình khó tin nổi) năm 1993, bản dựng lại của bộ phim The incredible Journey (năm 1963). Ngôi sao chinh phục giới khán giả mê mẩn thể loại hành động là chú chó Poch đáng yêu tên là Beasley đóng vai con chó Hooch láu cá của nam diễn viên Tom Hanks trong bộ phim hình sự gây cấn và vui nhộn Tuner and Hooch. Trong bộ phim 1989 này, Tom Hanks đóng vai một viên thanh tra cảnh sát đang điều tra một vụ sát nhân mà nhân chứng duy nhất là chú chó Hooch.

 So với đồng nghiệp người, các diễn viên bốn chân có sự nghiệp quá ngắn ngủ. Chẳng hạn, con chó Buck trong chương trình truyền hình ăn khách Marred With Children đã chết ở năm tuổi thứ XIII (tức tương đương 91 tuổi ở con người). Chó Buck đã về hưu sau 9 năm tham gia đóng phim, bởi vì nó không còn hiểu được các dấu hiệu của người huấn luyện mình. Thế nhưng, các ngôi sao chó có thể tự hào rằng hầu hết những bộ phim do chúng đóng đều bất tử, đem lại niềm vui sảng khoái lành mạnh cho hết thế hệ khán giả này tới thế hệ người xem khác.

 III. Thân phận của chú khuyển qua tục ngữ các dân tộc.

 Vì nhiều lẽ, chú khuyển xuất hiện rất nhiều trong kho tàng tục ngữ các dân tộc trên thế giới. Con vật được thuần hóa sớm nhất này phục vụ đắc lực cho chúng ta. Chó để săn bắn. “Chó giữ nhà, gà gáy sáng”(tục ngữ Việt-Nam). “Ai không nuôi chó, người đó nuôi kẻ trộm”(tục ngữ Trung -Quốc). Đây là con vật rất mực trung thành với chủ, bất kể chủ nó giầu sang hay nghèo khó : “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”(tục ngữ Việt-Nam). Tục ngữ Ba-Tư có câu : “Hãy tìm sự trung thành ở loài chó, chứ đừng hy vọng sự chung thủy nơi phụ nữ”. Chú khuyển hay sủa nhưng “con chó không sủa chủ của mình”(tục ngữ Anh).

 Phục vụ cho con người nên chó biểu trưng cho hạng tôi tớ thấp hèn. Nó không sao vượt qua được thân phận này, “dù nuôi lẫn với sư tử thì chó vẫn là chó”(tục ngữ Libăng). Thân phận hèn kém, tính cách cũng hèn kém và có nhiều thói xấu. Đó là con “chó cái cắn con”. Không biết mình biết người, muốn làm nên chuyện “chó chạy trước hươu”, vì thế mới sinh chuyện “chó chê cứt nát”, “chó chê mèo lắm lông”(tục ngữ Việt-Nam). Cũng bởi ngu mà “chó chê nhà giôït ra nằm bụi tre”(tục ngữ Việt-Nam). Bởi thế, khuyển mã, khuyển ưng, cái hạng chó ngựa, chó chim săn mồi, tuy là đầy tớ, tay sai đắc lực, trung thành nhưng vẫn bị khinh rẻ, vẫn là loại người không ra gì. Chớ có dại mà giao du, quan hệ với loại “mèo đàng chó điếm”. “Chơi với chó, chó liếm mặt”(tục ngữ Việt-Nam). Quan hệ với chó là lây cái xấu : “Ngủ với chó là có bọ chét”(tục ngữ Nga). Người Ảrập mỉa mai hơn : “Ai chơi với chó, nó sẽ trở thành anh em của người ấy”(tục ngữ Ảrập). Tất nhiên, không dại gì mà tranh chấp hơn thua với chó. Tục ngữ Thái-Lan khuyên chúng ta : “Con chó cắn anh, nhưng anh chớ cắn lại”. Người Việt còn lấy hình ảnh “nước lụt, chó chảy bàn độc” để trỏ những loại người bất tài, hèn kém và cơ hội, luôn luôn thừa dịp để nhảy lên địa vị cao sang.

 Con chó có nhiều thói xấu còn vì hay sủa, hay cắn. Chỉ khi nào “chó chết mới hết cắn”(tục ngữ Việt-Nam). Lại còn cái tội hay cắn càn, cắn trộm nữa chứ. Tính cách này làm chúng ta khó chịu, đến nỗi người xứ Galles đã phải thốt lên : “Thà có con sư tử hung dữ trước mặt còn hơn có con chó cắn trộm sau lưng”(tục ngữ xứ Galles). Thế là nó có thể làm mất đi quan hệ với hàng xóm : “Dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng”(tục ngữ Việt-Nam).

 Tùy hạng người mà ta có những cách thu phục khác nhau : “Hãy dùng chó để săn thỏ, dùng tiền để mua chuộc phụ nữ và dùng lời ca ngợi để thu phục kẻ ngu”(tục ngữ Đức). Khi bược phải tiếp xúc quan hệ với người xấu, ai ai cũng nghĩ tới sự đề phòng. Tốt nhất hãy theo phương châm của người Hy-Lạp : “Chơi với chó phải cầm roi trong tay”(tục ngữ Hy-Lạp). Đúng rồi, cầm roi còn để “hòa giải” mâu thuẫn của loại người sẵn sàng cắn xé nhau vì một cục xương : “Chó cắn nhau phải dùng gậy mới xong”(tục ngữ Nga). Có điều, mọi sự vật đều có hai mặt. Nếu đã dùng gậy để răn đe kẻ xấu, thì “dùng gậy gọi chó, chó không lại”(tục ngữ Trung-Quốc), “Đập một con chó là đập tất cả các con chó khác mình gọi lại”(tục ngữ Tây-Ban-Nha).

 Quan hệ giữa người và chó là quan hệ chủ - tớ. Mà “thầy nào, tớ ấy”(tục ngữ Việt-Nam), “bà chủ xấu tính làm con chó xấu nết”(tục ngữ Kirghizistan). Con người luôn luôn có khuynh hướng bảo vệ mình. Vì vậy, mặc dù chúng ta biết cách dùng “biện pháp mạnh” với kẻ xấu như “muốn làm chó sợ hãy cầm giây thòng lọng (tục ngữ Đức), “muốn đánh chó phải dùng gậy”(tục ngữ Tchèque), nhưng chúng ta nên nhớ : “Ai xua đuổi chó là xua đuổi chủ của nó”(tục ngữ Pháp). Người Việt cũng có triết lý tương tự : “Đánh chó phải ngó chủ”(tục ngữ Việt-Nam), “Đánh chó phải nể mặt chủ”, “vuốt mũi nể mặt” (tục ngữ Việt-Nam và Trung-Quốc). Điều này có nghĩa là khi trừng trị một tên tham nhũng thì cũng phải nhìn cái ô trên đầu hắn ta. Phải chăng vì thế công việc chống tham nhũng, buôn lậu là vô cùng khó khăn ? Thôi thì “yêu ai, yêu cả con chó của người đó”(tục ngữ Pháp) và ngán ai cũng ngán cả con chó của họ ?

 “Mèo đi vắng, chuột xướng ca” là tục ngữ nói về quan hệ giữa kẻ hủy diệt và đối tượng bị hủy diệt. Đó là quan hệ chẳng đội trời chung. Con chó cũng xuất hiện nhiều trong loại tục ngữ này : “Khi chó sói bị trói, tất cả các con chó đều cắn nó”(tục ngữ Pháp). “Cáo không muốn nhìn thấy chó và không muốn bị chó nhìn thấy mình”(tục ngữ Arménie), “Chó chỉ muốn sư tử chết”(tục ngữ Anh, Pháp).

 Quan hệ chủ tớ là quan hệ chi phối - bị chi phối, cho nên kẻ dưới có thể chấp nhận và an phận. Có điều “làm đầy tớ người khôn hơn làm thầy kẻ dại”. Cũng triết lý này, người Nhật nói : “Nếu làm chó, hãy làm chó của Samourai (võ sĩ)”(tục ngữ Nhật).

 Vì mang thân phận thấp hèn nên chó được dùng để đối lập với đối tượng cao sang : “Ai có nhiều con, người đó sống như một con chó và chết như một con người. Ai không con sẽ sống như một con người và chết như một con chó (tục ngữ Dothái). Nhưng xin các bạn lưu ý rằng : “Thà là một con chó sống còn hơn là một con sư tử chết”(tục ngữ Anh, Pháp) và “Thà làm một con chó tự do còn hơn làm một con sư tử trong cũi”(tục ngữ Ảrập).

 Cuối cùng, nhân năm Mậu-Tuất, chúng ta nhắc lại một tục ngữ rất chí lí của Việt-Nam : “Làm người thì khó, chứ làm chó thì dễ ợt”.

 IV. Việc xử dụng chó làm thuốc.

 Việc xử dụng chó làm thuốc, có lẽ bắt đầu ngay khi chó được thuần hóa, sống chung với con người. Tác dụng làm thuốc của chó được ghi chép sớm nhất “Thần-Nông bản thảo kinh”, bộ sách thuốc đầu tiên của đông y học, thành thư trong thời kỳ Tần-Hán, từ trước công nguyên ; y gia thường gọi bộ sách này là “bản kinh”, vì coi đó là bộ sách căn bản và đông dược. Trong đông y, tất cả các bộ phận của con chó, thậm chí cả viên sỏi trong dạ dày của những con chó có bệnh, cũng được xử dụng để làm thuốc. Trong số đó, cẩu nhục (thịt chó) và cẩu thận (dương vật và tinh hoàn chó đực) được dùng nhiều nhất.

 1. Lông chó. Theo sách “Bản thảo cương mục”, đem lông đuôi chó đốt thành tro, rắc lên chỗ bỏng lửa, vết thương sẽ chóng lành, mau lên da non.

 2. Máu chó. Theo sách “Biệt lục”, có tác dụng trị hư lao thổ huyết, mụn nhọt sưng thũng. Trong các phim Tầu, người ta vẩy máu chó để trừ tà khí.

 3. Tim chó. Theo sách “Nhật hoa tử bản thảo”, dùng chữa chó dại cắn, trừ tà khí (chống tác nhân gây bệnh), chữa phong tý (phong thấp), ty nục (chảy máu cam) và lở loét ở hạn bộ.

 4. Gan chó. Theo sách “Bản thảo thập di”, có tác dụng trị cước khí công tâm (suy tim do cước khí) ; theo “Trung dược đại từ điển” : có tác dụng trị cước khí, hạ ly phúc thống (kiết lỵ đau bụng).

 5. Mật chó. Theo “Trung dược đại từ điển”, có tác dụng thanh can minh mục (mát gan, sáng mắt), chỉ huyết (cầm máu), tiêu thũng. Dũng chữa mắt đau do phong nhiệt, mắt khô ngứa, thổ huyết, máu cam, mụn nhọt lở loét.

 6. Xương chó. Theo “Trung dược đại từ điển”, có tác dụng kiện tỳ hòa lạc (tăng cường tiêu hóa, điều hòa kinh lạc), hoạt huyết sinh cơ. Dùng chữa phong thấp lưng gối yếu mỏi, chân tay tê dại, cửu ly (kiết ly lâu ngày), mụn nhọt lở loét.

 7. Răng chó. Theo “Bản thảo cương mục”, thiêu thành tro, nghiền mịn, hòa với giấm bôi lên hậu bối và ung nhọt sưng thũng.

 8. Cẩu bảo (calculus canis). Tức viên sỏi trong dạ dày chó, theo “Bản thảo cương thảo”, có vị mặn, tính bình, hơi độc (hữu tiểu độc), có tác dụng giáng khí nghịch, khai uất kết, chữa phản vị (ăn vào nôn ngược ra), mụn nhọt lở loét.

 9. Cẩu nhục (thịt chó). Theo sách “Trung dược đại từ điển”, có vị mặn, tính ấm, vào 3 kinh tỳ, vị và thận. Có tác dụng bổ trung ích khí (tăng cường chức năng tiêu hóa), ôn thận trợ dương. Dùng chữa phế thận khí hư, ngực bụng đầy trướng, cổ trướng (bụng bành), phù thũng, lưng gối yếu mỏi, sốt rét, mụn nhọt lở loét lâu ngày không liến miệng.

 Tuy nhiên, xử dụng thịt chó, cần phải chú ý một số kiêng kị. Theo đông y, sau khi mắc các bệnh nhiệt, không nên dùng. Thậm chí, sách “Bản thảo cương mục” của Lý-Thời-Trân còn viết :

“Nhiệt bệnh hậu thực chi, sát nhân”, nghĩa là sau khi mắc “nhiệt bệnh” ăn vào là giết người. “Nhiệt bệnh” trong đông y tương ứng với các chứng viêm, nhiễm trùng, phát sốt trong y học hiện đại..

Ngoài ra, cũng không nên dùng chung thịt chó với hạnh nhân và tỏi (úy hạnh nhân, ố toán).

V. Những con chó được nhắc đến trong Kinh-Thánh :

Trong Kinh-Thánh có nhiều hình ảnh về con chó nhhư chó sói (St. 49,27), chó chết (1Sm. 24,15), chó ăn thịt (1V.14,11), chó liếm (1V. 21,19), chó canh chừng (G.30,1), chó rừng (G. 30,29), chó nhà (Hc. 13,18), chó tru và chạy rông (Tv. 59,7), chó câm (Is. 56,10), chó đói (Is. 56,11), chó hoang (Gr. 50,39), chó con (Mt. 15,26), chó má (Pl. 3,2).

Con chó đi theo tổng lãnh thiên thần Gabriel và Tôbia (Tb. 6 ; 11).

Con chó trong dụ ngôn Ladarô nghèo khó (Lc.. 16,19-31).

Lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn (Lc. 15,21-28).

 VI. Chó, con vật trung gian gây bệnh cho người.

 1. Chó lây truyền cho người bệnh ký sinh trùng, vi trùng như bệnh chó dại rất nguy hiểm, lây cả nấm da và chứng dị ứng.

Từ năm 1917-1919 ở Châu-Âu xảy ra dịch bệnh dại làm hàng triệu người chết.

Năm 2001 tại Pháp, chó đi lang thang do virus Malzéville lây từ lông vũ dơi chuột làm bại liệt thần kinh trung ương ở loài này khiến con vật đờ đẫn đi lang thang không nhận ra lối về. Lực lượng cảnh sát phải thu gom, tập trung riêng để điều trị.

2. Con chó có một khuyết điểm là ăn tham, ăn vụng. “Trong những năm tháng gần tết, việc gian lận, xơi tiền của dân của nước mỗi ngày một phát triển, cả về số lượng lẫn về phẩm chất. Mặc dù không nhớ rõ lắm, nhưng Gã-Siêu cũng xin “kê đơn hoàn tán” những vụ điển hình :

Ngày xưa, Nguyễn-Văn-Mười-Hai, chủ tiệm nước hoa Thanh-Hương, đã dùng thủ đoạn vay mượn để ẵm của những người dân tội nghiệp hơn 104 tỷ đồng.

 Theo vết xe đổ, Phạm-Công-Tước cũng đã dùng mánh mung trên để nuốt trửng 130 tỷ đồng của ngân hàng nhà nước. Người đẹp Trần-Xuân-Hoa, với độc chiêu ấy cộng thêm tí nhan sắc trời ban cho, đã xơi tái 250 tỷ đồng của ngân hàng. Noi gương các vị tiền bối, Phạm-Huy-Phước cũng đã vay vay mượn mượn và rồi đã ăn trọn gói hơn 300 tỷ đồng.

 Có một thời, phong trào giật hụi, bể nợ như một trận cuồng phong thổi vào đất nước, ở mọi nơi và trong mọi lúc, người ta dở khóc dở cười, dở mếu dở máo vì đồng tiền chắt chiu bằng mồ hôi nước mắt của mình bỗng dưng bị bốc hơi, còn thủ phạm thì cao chạy xa bay, hay ngồi tù ít ngày để tồn tâm dưỡng tánh vì không còn khả năng chi trả. Và gần đây hơn, hai vụ nổi cộm đã làm cho người dân phải xót xa, đó là vụ Tân-Trường-Sanh và Tăng-Minh-Phụng. Với vụ Tân-Trường-Sanh thì số hàng nhập lậu lên tới hơn 900 tỷ đồng. Riêng số tiền chè nước lo lót khoảng 9 tỉ rưỡi. Còn vụ Tăng-MinhPhụng, thì nhà nước mất toi 4.000 tỷ đồng”(Gã-Siêu).

* Vụ việc Quốc-Vượng, Văn-Quyến trong đội tuyển U23 Việt-Nam bán độ tại Sea games XXIII đã làm tổn thất không những tiền của mà cả danh dự tố quốc Việt-Nam nữa.

UBMTTQVN ghi nhận (8-10.1.2006) : “Tình trạng tham những lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng, thủ đọan ngày càng tinh vi, tính chất ngày càng phức tạp, mức động ngày càng gia tăng, gây hậu qủa nặng nề cho tòan xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân vào cấp lãnh đạo của đảng và sự quản lí của nhà nước, có nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ ta và trở thành quốc nạn”.

VI. Lời cầu nguyện. .

 1. Lời cầu nguyện của loài chó :

Kính lạy Thượng-Đế, Đấng đã tạo dựng nên muôn loài. Xin cho loài người, những người làm chủ chúng con, biết sống trung tín với nhau như chúng con đã sống trung tín với họ. Xin cho họ biết yêu thương nhau như chúng con vẫn thường quyến luyến yêu mến họ. Xin cho họ biết sống lương thiện, biết xử dụng và bảo tồn tài sản Thượng-Đế đã trao ban cho họ, như chúng con từng biết canh giữ nhà cửa họ đã trao phó cho chúng con.

 Kính lạy Thượng-Đế, xin cho loài người luôn luôn biết tươi cười như chúng con luôn luôn ve vẩy cái đuôi. Xin cho họ biết kiên nhẫn trong mọi hoàn cảnh như chúng con kiên nhẫn chờ đợi họ. Xin cho họ được lòng can đảm mạnh dạn như lòng can đảm dạn dĩ của chúng con. Xin cho họ cuộc sống tươi trẻ hoạt động như cuộc sống nhiệt huyết của chúng con. Xin cho họ biết bỏ qua những lỗi lầm, những ưu tư phiền muộn do kẻ khác gây ray cho họ như chúng con dễ dàng bỏ qua những đau khổ mà họ đã đối xử bạc bẽo với chúng con. Ước gì họ biết hy sinh cuộc đời của họ cho nhau, nhưng chúng con đã từng hy sinh cuộc đời chúng con cho họ.

 Kính lạy Thượng-Đế, Đấng đã dựng nên muôn loài, xin cho con người biết sống xứng đáng địa vị làm người như chúng con sống đúng địa vị của loài khuyển vậy.

2. Lời cầu nguyện của con người (HMĩ).

 Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con một năm đã qua đi, với bao nhiêu hồng ân tràn lan nơi quê nghèo chúng con, bao nhiêu thiên tai biến cố dấu chỉ của thời đại Chúa dậy bảo chúng con. Qua rồi năm con gà với bao nhiêu xui xẻo. Giờ đây, chúng con đón chào năm Mậu-Tuất với niềm hy vọng một năm Mậu-Tuất đầy tràn mọi may mắn, thành đạt, phước hạnh

 Lạy Chúa, năm Bính-Tuất Giáo-Hội hướng chúng con đến bàn tiệc Lời Chúa, xin cho chúng con biết sống Lời Chúa, biết kiên trì cầu nguyện kêu xin Chúa như người đàn bà Canaan có đứa con gái bị quỉ ám : “Lạy Chúa, đúng vậy, nhưng lũ chó con cũng được ăn những bánh vụn từ bàn chủ rơi rớt xuống”(Mt. 15, 21-28).

 Năm Mậu-Tuất, xin cho chúng con biết khôn ngoan trân trọng những giá trị thuộc về Thiên-Chúa và trao ban cho đúng người đúng chỗ : “Đừng lấy Của thánh mà vứt cho chó ăn”(Mt. 7, 6).

 Năm Mậu-Tuất, xin cho chúng con biết trung thành bên núi đá Lavang nơi giáo xứ chúng con, như con chó trung thành canh giữ hang đá Đức Mẹ tại hang đá suối nơi trung tâm hành hương Đức Mẹ tại Rôma (chuyện tích Đức Mẹ trong báo Công-Giáo & Dân-Tộc).

 Năm Mậu-Tuất, xin cho chúng con đừng như loài chó hoang vô chủ, sống buông thả, lang thang vô độ như thánh vịnh 58, 15 : “Chúng như lũ chó chiều về, sủa vang quyện trong thành lang thang rảo bước”.

 Năm Mậu-Tuất, xin cho chúng con biết chiêm ngắm họa ảnh của thánh Đaminh có con chó ngậm bó đuốc với ý nghĩa bừng cháy Kinh Mân-Côi tỏa sáng khắp hoàn cầu.

 Năm Mậu-Tuất, xin cho quê hương Việt-Nam chúng con không còn cảnh những phú hộ giầu sang, trác táng, ăn chơi xa xỉ bên cạnh Lazarô mình đầy ghẻ trốc có mấy con chó đang liếm ghẻ cho anh ta.

 Năm con chó, giữa thời buổi tấc đất tấc vàng, xin cho quê hương Việt-Nam chúng con không còn cảnh lừa đảo, tham ô tranh giành đất đai mưu kế hại người như Izabel và Akhab trong sách các Vua : “Chó sẽ ăn thịt Izabel, ai thuộc về Akhab chết trong thành thì bị chó ăn thịt”(2V. 1,11).

 Năm Mậu-Tuất, xin cho quê hương Việt-Nam chúng con không còn những người vô gia cư thất nghiệp, sống đầu đường xó chợ lang thang vỉa hè như loài chó hoang : “Chiều về trở lại như lũ chó, chúng tru trếu gấu ó quanh thành”(Tv. 58, 7).

 Năm Mậu-Tuất, giữa một thế giới đe dọa bởi khủng bố, bởi bom nguyên tử. Lạy Chúa, “hòa bình thế nào được giữa chó rừng và chó nhà”(Is. 66,3). Xin cho chó rừng và chó nhà biết sống yêu thương nhau để không còn khủng bố, không còn hiểm họa bom nguyên tử nữa.

 Lạy Chúa, năm con chó, xin cho chúng con biết đem Lời Chúa xông pha như “chiên giữa bầy sói” để đem Lời Chúa vào những nơi dữ dằn nhất.

 Lạy Chúa, năm Mậu-Tuất, xin cho chúng con biết là “con chó sống còn hơn con sư tử chết” biết góp phần dù là nho nhỏ nơi quê nghèo chúng con, hầu xây dựng giáo xứ chúng con ngày càng thánh thiện, càng tốt đẹp hơn. Amen.

Giuse Đệ Nguyễn-Văn-Thanh

Long-Khánh, Việt-Nam, 20-1-2018

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art