Edith Stein, người vác Thánh Giá với Chúa
Cách đây 70 năm về trước thánh nữ Edith Stein đã bị chế độ diệt chủng Đức Quốc Xã sát hại bằng hơi ngạt trong trại tập trung Auschwitz. Trong số các bút ký thánh nữ để lại, người ta tìm thấy những dòng quan trọng sau đây: « Nguyện xin Chúa nhận lấy cuộc sống và cái chết của con (…), như hy lễ đền bù cho sự cứng lòng của dân Do-thái và nhờ thế Chúa được chính thân nhân Người đón nhận và Nước Chúa trị đến trong vinh quang, cho sự cứu vớt nước Đức và nền hòa bình trên thế giới ». Những lời tâm huyết cuối cùng « làm hy lễ đền bù » mà vào ngày 9.6.1939 thánh nữ Edith Stein đã ghi trong tờ trối của ngài trong thời gian thánh nữ trú ẩn tại Dòng Kín Carmel ở Echt/ Hòa Lan trước sự truy lùng của mật vụ Đức Quốc Xã. Để làm hy lễ đền bù“ quả là những lời tâm huyết của một người con dân Ít-ra-en đầy lòng tin nhận và kính yêu Đức Kitô là Đấng Messia, Đấng Thiên Sai cứu thế, nhưng những lời thành tâm ấy cũng có thể dễ dàng bị coi là thuộc não trạng “bài Do-thái“ thuộc thời gian tiền Công đồng Vatican II. Nhưng chính các Tông Đồ và những Kitô hữu người Do-thái đầu tiên cũng đã từng tin tưởng một cách chắc chắn rằng, sau cuộc tử nạn thập giá của Đức Giêsu thành Na-da-rét, toàn thể con cái Ít-ra-en sẽ tin nhận Người là Đấng Messia, Đấng phải đến trong thế gian.
Với tư cách là một nữ tu Dòng Kín Carmel, Edith Stein đã bắt đầu khám phá ra được nguồn cội Kitô giáo trong « định mệnh của Dân Riêng Thiên Chúa ». Tuy không hề đi tìm kiếm sự tử đạo, nhưng thánh nữ vẫn luôn sẵn sàng hy sinh chính sự sống mình cho chân lý của đức tin Kitô giáo, cũng như luôn xác tín vào „sứ mệnh thiêng liêng“ phải chu toàn đối với Gia-vê như một Esther hay như „Người Tôi Tớ Chúa“ mà truyền thống dân Do-thái luôn đề cao và ca tụng.
Ngày 9.8.1942, Edith Stein và người em gái tên là Rosa bị sát hại trong lò hơi ngạt của trại tập trung Auschwitz. Qua cuộc tử đạo anh dũng của mình, nữ triết gia Edith Stein, cựu sinh viên ưu tú của giáo sư hiện tượng học Edmund Husserl, đã làm chứng cho đức tin Do-thái giáo và Kitô giáo của mình trong bộ áo dòng một nữ tu Carmel một cách hùng hồn rằng, sự man rợ khủng khiếp của « Shoah », của sự truy diệt dân Do-thái cũng không thể hủy diệt được đức tin nơi một con người đầy xác tín vào Đức Kitô, trái lại càng làm cho đức tin ấy lớn mạnh lên.Trong những ngày bị giam giữ tại trại tập trung, thánh nữ đã xác tín rằng Chúa đã ban ơn cho ngài để « cảm nghiệm được một cách huyền bí là làm thế nào để người ta có thể sống đời nội tâm » một cách sâu sắc. Một điều chắc chắn khác là Edith Stein, một nữ tu Công Giáo đầy xác tín đã luôn mang trong mình một trái tim đầy tràn dòng máu hồng Ít-ra-en.
Người con vĩ đại dân Ít-ra-en và người Kitô hữu đầy xác tín
Ngày được lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy tại thành phố Bad Bergzabern với sự có mặt của cô bạn thân Hedwig Conrad-Mauritius, một tín hữu Tin Lành, là ngày vô cùng trọng đại trong đời, nên Edith Stein đã suy nghĩ và chọn lựa rất cẩn thận để nó mang đầy đủ ý nghĩa: Đó chính là ngày 01.01.1922, Circumcisio, ngày Lễ Chúa Chịu Cắt Bì như một biểu tượng của dây liên kết vô hình giữa hai niềm tin Do-thái và Kitô giáo. Sau này khi đã là một nữ tu Dòng Kín, thánh nữ vẫn luôn bảo toàn thái độ cởi mở đáng trân trọng ấy giữa hai truyền thống tôn giáo. Đối với Edith Stein, Do-thái giáo là điểm khởi đầu cần thiết và Kitô giáo là điểm tới sau cùng. Từ thái độ ấy, Edith Stein đã cải hóa được sư phụ của mình là giáo sư triết học Edmund Husserl đang trên giường hấp hối và giúp cho vị giáo sư khả kính tiến từ sự xác tín Do-thái giáo tới sự tin nhận danh Đức Kitô, vì đối với Edith Stein, bà « không hề nghĩ rằng lòng thương xót của Thiên Chúa lại gắn liền với biên giới của Giáo Hội hữu hình ».
Ngày 1.5.1987, trong bài giảng của ngài nhân dịp phong chân phước cho nữ tu Edith Stein Đức Gioan Phaolô II đã phát biểu rõ ràng là ngài không hề « giành giật » vị nữ tu Dòng Kín Carmel thánh thiện này cho duy Giáo Hội Công Giáo. Trái lại, ĐTC đã gọi nữ tu Edith Stein là „người con vĩ đại của dân tộc Í-ra-en và là người tín hữu Kitô giáo đã bị sát hại giữa hàng triệu người vô tội khác.“ Ở Köln/Đức quốc, Đức Thánh Cha còn nhấn mạnh: « Vị nữ tu Dòng Kính Carmel không những đã vui lòng nhận lấy sự đau khổ và cái chết cho mình một cách thụ động, nhưng với tên Dòng là Benedicta a Cruce - người được chúc phúc bởi Thánh Giá, Sơ còn muốn trở thành người hy sinh vác Thánh Giá với Chúa để cầu nguyện cho sự an lành của dân tộc bà, cho Giáo Hội và cho toàn thế giới ».
Một người thông minh xuất chúng và đầy tham vọng
Edith Stein, con gái út trong một gia đình gốc Do-thái gồm 11 anh chị em, cất tiếng khóc chào đời vào ngày 12.10.1891 tại thị xã Breslau thuộc miền Tây Nam Đức quốc. Mẹ là bà Auguste Stein, một người phụ nữ với bản chất tự nhiên đầy quả cảm và nghị lực, một tấm gương sống động cho cuộc tranh đấu sau này của Edith đòi quyền bình đẳng cho nữ giới trong các sinh hoạt xã hội và chính trị lúc bấy giờ. Sau khi chồng bà vốn làm nghề buôn bán gỗ chẳng may mất khá sớm và để lại một gánh nặng nợ nần chồng chất, bà Auguste Stein với tài tháo vát và khôn khéo đã tiếp tục điều khiển nghề của chồng một cách thành công, nên chẳng những đã thanh toán mọi nợ nần của gia đình mà còn nuôi dạy con cái thành tài. Edith lớn lên hoàn toàn trong truyền thống Do-thái, có một trí thông minh nổi trội đến xuất chúng và đồng thời rất đầy tham vọng. Vì thế, cô không bao giờ muốn để bất cứ bạn đồng lớp nào có điểm cao hơn mình và trong thực tế cô luôn đứng đầu lớp trong mọi môn học. Và trong tiểu sử của Edith Stein có ghi lại một cách trung thực rằng, khi mới 15 tuổi Edith đã đi thăm bà chị ở Hamburg trong một dịp nghỉ hè và cô đã « tự ý bỏ không muốn cầu nguyện nữa ». Và thời gian tiếp sau đó, cô hầu như mất hết cảm thức về tôn giáo, nếu không muốn nói là vô thần. Tuy nhiên, cô vẫn luôn suy tư về ý nghĩa cuộc sống và nỗ lực tìm cho bằng được câu giải đáp thỏa đáng. Và sau đó, Edith là một trong những nữ sinh viên đầu tiên theo học ngành ngôn ngữ Nhật-nhĩ-man (tiếng Đức cổ), lịch sử, triết học và tâm lý học. Bên cạnh đó, cô còn dấn thân trong phong trào « Suffragette » đòi quyền bầu cử cho nữ giới và nhất là cô còn hoạt động tích cực trong « Hội cải tổ học đường » để khuyến khích và nâng đỡ các học sinh thiếu may mắn. Sau này, trong tư cách là một thuyết trình viên di động nổi danh, Edith Stein đã đưa ra một chủ trương xã hội đầy tính chất cách mạng vào thời điểm lúc bấy giờ: « Không có bất cứ nghề nghiệp gì mà người phụ nữ có thể bị loại trừ ».
Người trợ lý hội hồng thập tự
Sự khắc khoải tìm kiếm « ý nghĩa toàn diện của sự hiện hữu » đã khiến Edith Stein tìm đến đại học Göttingen để theo học triết học. Hiện tượng học là ngành học mà Edith Stein theo đuổi bảo đảm một sự giải thích bản thể của các sự vật mà không hề có một thiên kiến nào. Các bạn bè và các sinh viên của giáo sư Edmund Husserl, ông tổ của ngành triết học về hiện tượng luận, vẫn luôn trăn trở về ý nghĩa của vũ trụ dưới nhãn quan tôn giáo. Đặc biệt, trong số đó có Max Scheler, lúc bấy giờ hãy còn là một tín hữu Công Giáo đầy xác tín, đã gây nên được một ảnh hưởng tôn giáo mạnh mẽ trên các đồng bạn. Vốn là một người gốc Do-thái trở lại Công Giáo, Max Scheler đã giải cứu Edith Stein khỏi « những thiên kiến duy lý ». Sau khi tốt nghiệp đại học với văn bằng tiến sĩ triết học, nữ triết gia trẻ Edith Stein đã tham gia làm trợ lý cho Hội hồng thập tự trong công tác bài trừ nạn dịch hạch đang bành trướng tại miền Mährisch-Weiß-Kirchen.
Nhưng mục đích mong đợi bất thành của Edith Stein là giành được một ghế giáo sư triết học. Và cô đã đành làm việc cho giáo sư Edmund Husserl với tư cách là phụ tá khoa học tại phân khoa triết học thuộc đại học Freiburg. Ngay trong luận án tiến sĩ với chủ đề « « Zum Problem der Einfühlung » - Về vấn đề hòa hợp trong cảm cách, đã phản ảnh sự cởi mở dè dặt của cô trong việc phát huy cảm nghiệm của người khác một cách siêu hình học vượt qua giới hạn sự ý thức của mình. Chính bà Anne Reinach, người góa phụ trẻ của một người học trò khác của Edmund Husserl là Adolf Reinach, đã thành thật thú nhận là bà có một cảm tưởng tuyệt hảo khi tiếp cận với Edith Stein, đặc biệt về đức tin Kitô giáo mạnh mẽ của cô và vì thế, bà đã học hỏi được rất nhiều nơi Edith Stein. Còn Edith Stein sau khi nghiên cứu về đời sống và các gương lành thánh thiện và anh hùng của thánh nữ Tê-rê-xa A-vi-la, một vị nữ tu Dòng Kín Carmel và là nhà Cải Tổ Dòng, đã nhận định rằng chính gương sống của thánh nữ Tê-rê-xa đã giúp cô « hoàn tất cuộc tìm kiếm lâu dài đức tin chân chính ». Sau khi Đức Quốc Xã nắm chính quyền ở Đức ngăn cản các hoạt động công khai của cô với lý do cô là người gốc Do-thái, Edith Stein đã gia nhập Dòng Kín Carmel, Dòng Tu Công Giáo duy nhất phát xuất từ Palestina, dưới tên gọi Tê-rê-xa của « vị thần tượng » mà cô hằng kính yêu.
Trước đó, Edith Stein đã dạy tại trường trung học và phụ trách các khóa đào luyện các nữ giáo viên của Dòng Nữ Đa-minh tại thành phố Speyer cũng như tại Học viện Sư Phạm tại thành phố Münster. Trong các năm đầu của chính thể Cộng Hòa, với tư cách là thành viên hoạt động của Đảng Dân Chủ Tự Do Khuynh Tả và sau khi nền dân chủ bị Đức Quốc Xã xóa bỏ, với tư cách là một tín hữu Công Giáo nổi danh, Edith Stein đã can đảm tranh đấu cho quyền lợi nữ giới chống lại ý thức hệ Đức Quốc Xã. Ngay năm 1932, Edth Stein đã cương quyết chống lại « quan điểm tàn nhẫn chỉ đánh giá người phụ nữ thuần tuý theo sinh vật học ». Và cả đối với Giáo Hội, Edth Stein cũng có một cái nhìn cấp tiến và cô đã đặt vấn đề với các thính giả của cô là « phải chăng Thiên Chúa đã từng nêu lên sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà? ». Đứng về phương diện tín lý, có lẽ không có gì chống lại việc phong chức Linh Mục cho nữ giới!
Tương quan giữa sự hữu vĩnh cửu và sự hữu hữu hạn
Vào thánh 4 năm 1933 khi cuộc đàn áp người Do-thái do Đức Quốc Xã chủ trương lên đến tột đỉnh, nữ tu Edith Stein với tên Dòng là Sr. Benedicta a Cruce viết thư cho Đức Giáo Hoàng Piô XI xin Tòa Thánh lên tiếng chống lại ý thức hệ « đề cao giống nòi và quyền lực nhà nước quá độ » và « chủ trương tiêu diệt dòng giống Do-thái » đang bùng phát ở Đức. Như đã được đề cập tới trong thỏa ước giữa nhà nước Đức và Tòa Thánh, Edith Stein cảnh cáo trước ảo tưởng « đổi sự im lặng để được sự bình an ».
Cùng thời gian này, nữ tu triết gia Edith Stein biên soạn tác phẩm triết học chính của bà tại Dòng Kín Carmel ở Echt « Endliches und ewiges Sein: Sự hữu vĩnh cửu và sự hữu hữu hạn ». Trong đó, Edith Stein cũng tương tự như Martin Heidegger, một người học trò khác của Husserl với khuynh hướng triết học hiện sinh, đã nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa của sự hữu. Nhưng Edith Stein đã vượt lên trên mọi biên giới của triết học hiện sinh để tìm kiếm một « sự hữu phát xuất từ chính mình », để tìm kiếm « chính Đấng phát động cái được phát động ». Nếu sự hữu hữu hạn tham phần vào sự hữu Thiên Chúa, tức khi mỗi linh hồn « mang trên mình một dấu ấn đặc biệt », thì bấy giờ ẩn chứa trong thực tại « được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa » một sự bảo chứng vĩnh cửu cho phẩm giá bất khả xóa bỏ của mình, ngay cả khi các quyền con người bị chà đạp một cách trắng trợn và bất công. Theo gương can đảm của Đức Giáo Hoàng Piô XI đã cực lực phản đối sự xâm phạm các quyền con người một cách bất công của chế độ Đức Quốc Xã trong Thông điệp « Mit brennender Sorge » - Với Nỗi Lo Cháy Bỏng (1937), các Giám Mục Hòa Lan cũng không chịu im lặng trước bạo quyền. Vì thế, vào ngày 26.7.1942, bức Thư Chung của Hội đồng các Giám Mục Hòa Lan lên án sự lưu đày người Do-thái của chế độ Đức Quốc Xã đã được đọc trong tất cả các nhà thờ Công Giáo cũng như tại nhiều nhà thờ Tin Lành trên toàn quốc.
Để trả thù bức Thư Chung ấy, chế độ Đức Quốc Xã đã ra lệnh lùng bắt tất cả các người Công Giáo gốc Do-thái, trong số đó có Edith Stein, và đày sang các trại tập trung ở Đông Âu để sát hại dã man bằng hơi ngạt. Nhưng vị nữ tu Dòng Kín Benedicta a Cruce, một nhà thần bí tân thời, luôn xác tín rằng sau cái chết « từng âm thanh lẻ loi sẽ được làn gió thoảng nhẹ của một khúc hòa tấu réo rắt ở một nơi xa xăm » mang đến để tạo nên một « sự hòa điệu trọn vẹn ».
Các niên biểu quan trọng của Edith Stein
• 1891: Edith, con gái thứ mười một của gia đình Siegfried và Auguste Stein, cất tiếng khóc chào đời tại Breslau.
• 1922: Chịu Phép Rửa tại nhà thờ giáo xứ Công Giáo St. Martin ở Bergzabern với tên gọi Theresia Hedwig.
• 1923: Giáo viên tại trường nữ trung học và phụ trách chương trình đào tạo các nữ giáo viên của các nữ tu Dòng Đa-minh St. Magdalena ở Speyer.
• 1933: Gia nhập Dòng Kín Carmel tại Köln.
• 1938. Khấn trọn đời và sau đó sang trú ngụ tại Dòng Kín Carmel ở Echt/Hòa Lan.
• 1942: Bị bắt cùng với em gái Rosa Stein và bị đưa đến trại giam Amersfoort.
• Vào ngày 9.8.1942: Bị sát hại bằng hơi ngạt tại trại tập trung Auschwitz.
• 1987: Được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong Chân Phước tại Köln/Đức quốc.
• 1998: Được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II long trọng tôn phong lên bậc thánh Tử Đạo tại quảng trường Thánh Phêrô ở Roma.
• 1999: Được tôn phong làm Nữ Quan Thầy Âu châu.
Lm Nguyễn Hữu Thy