Thứ Năm, 16 Tháng Mười, 2014

Linh Mục Cadière, Nhà Việt Nam học kiệt xuất

Léopold Michel Cadière sinh năm 1863, đến Việt Nam năm 1892, lúc mới 23 tuổi, làm việc tại giáo phận Huế . Năm 1895, Cadière trông coi xứ đạo Tam Tòa và hạt Quản...

Linh Mục Cadière, Nhà Việt Nam học kiệt xuất

Trong gần một thế kỷ thực dân Pháp đô hộ nước ta, cũng có rất nhiều người Pháp là nhà khai sáng mà tên tuổi của họ còn mãi với thời gian. Đó là Alexandre de Rhodes một nhà truyền giáo dòng Tên đã góp phần quan trọng vào việc hình thành chữ quốc ngữ Việt Nam hiện đại . Đó là bác sĩ, nhà thám hiểm Yersin, người tìm ra Cao nguyên Lâm Viên (Đà Lạt). Linh mục thừa sai Léopold Cadière cũng là con người kiệt xuất như vậy. Ông đã trở thành “người Việt Nam” từ trẻ và dành cả đời mình nghiên cứu văn hóa Việt, và để lại tên tuổi lẫy lừng cho hôm nay và mai sau.

Léopold Michel Cadière sinh năm 1863, đến Việt Nam năm 1892, lúc mới 23 tuổi, làm việc tại giáo phận Huế . Năm 1895, Cadière trông coi xứ đạo Tam Tòa và hạt Quảng Bình 14 năm. Từ năm 1918 đến 1945, sống tại Di Loan, Cửa Tùng với tư cách quản xứ giáo hạt Đất Đỏ. Tháng 1/1947 đến tháng 6/1953: 6 năm rưỡi, làm việc tại Vinh, hội viên danh dự của Trường Viễn Đông Bác Cổ. Ngài không chịu “hồi hương” về Pháp . Ngài nói :“Cả đời tôi, tôi đã dâng cho xứ sở này. Cho tôi được ở lại và chết ở đây !”. Ngài mất ngày 6/7/1955 và được an táng tại Nghĩa trang Đại chủng viện Huế ở Kim Long như ước nguyện, thọ 86 tuổi.

63 năm ở Việt Nam, L. Cadière đã trở thành nhà bác học kiệt xuất về văn hóa Việt, văn hóa Huế. Đến nỗi hiện nay, tất cả các luận văn thạc sĩ, tiến sĩ nghiên cứu về văn hóa triều Nguyễn, văn hóa dân gian Huế đều tham khảo chủ yếu từ các công trình của ông. 30 năm (1913 – 1944 ), L.Cadière là chủ bút tập san Bulletin des Amis du Vieux Hué (BAVH ) là một tạp chí khoa học có giá trị nhất Đông Dương thời đó, chuyên viết về các vấn đề văn hóa, lịch sử, địa lý, nghệ thuật, tôn giáo, phong tục, mỹ thuật, ngôn ngữ, dân tộc học...Đó là công trình đặc sắc nhất của ông. Sở dĩ tạp chí BAVHsuốt 100 năm qua vẫn hấp dẫn người đọc vì nội dung của nó vô cùng khách quan và phong phú, rất chi tiết, cụ thể từng việc một . Nội dung BAVH được nghiên cứu, khảo sát gồm 5 mảng chính yếu : Kinh thành Huế và phụ cận ; Lịch sử Huế và An-Nam; Nghệ thuật xứ Huế; Ngôn ngữ học, dân tộc học, văn hóa dân gian xứ Huế và Các đề tài khác. Tạp chí BAVH bằng tiếng Pháp đã được NXB Thuận Hóa, Huế dịch sang Việt ngữ, với tựa đề Những người bạn của Cố Đô Huế. Đã ấn hành được 30 tập ( mỗi năm một tập), mỗi tập dày bình quân 500 trang khổ 14,5 x 20,5 cm. Việc dịch ra tiếng Việt đã tiếp sức cho tạp chí Những người bạn Cố Đô Huế tiếp tục sống và lan tỏa rộng hơn trong tầng lớp trí thức trẻ thời hiện đại. L.Cadière có 250 công trình nghiên cứu Việt Nam học uyên bác về nhiều lãnh vực khác nhau về văn hóa, tín ngưỡng và dân tộc học, ngôn ngữ, lịch sử, tôn giáo Việt Nam, đa phần in trong BAVH. Các bài ông viết thời đó gộp lại có tới 1500 trang sách xuất bản. Ông là một trong những người đặt nền móng cho việc nghiên cứu Việt Nam học đầu thế kỷ 20. Ông đã xuất bản toàn bộ 3 tập “Tín ngưỡng và Thực hành Tôn giáo người Việt”. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, L.Cadière vẫn là một tấm gương sáng cho mọi người có tinh thần dân tộc, để tìm ra con đường xây dựng và canh tân đất nước bằng văn hóa.

Tại sao các công trình nghiên cứu Việt Nam học, Huế học của Léopold Cadière lại có giá trị trường tồn như vậy ? Bởi vì tất cả các tác phẩm của ông đều viết ra từ máu thịt, không tầm chương trích cú, mà đi thực địa, nghiên cứu, ghi chép tỉ mỉ. Để làm được việc đó, Cha tự học và nói sõi tiếng Việt, có thể thể suy nghĩ bằng tiếng Việt ngay những năm đầu tới Huế. Trong lời tựa cuốn “Syntaxe”, Cadière giải thích : “Trong chừng mực có thể được, tôi cố sao… chỉ lấy những câu, những kiểu nói của chính người Việt nói ra để vạch rõ cái giá trị của câu nói đó được dùng làm phương tiện để diễn đạt ý nghĩ gì…”

L. Cadière nghiên cứu trực tiếp từ những thông tục và từ những con người tắm gội trong thông tục, văn hóa, chứ không dựa trên các cơ sở dữ liệu hoặc những nghiên cứu có sẵn .Xin nêu một ví dụ cụ thể khi miêu tả về lễ Tế Nam Giao, L.Cadière ghi: “Các Thị Lập của Tùng Đàn bưng lụa, kính cẩn để trong các Lư Liệu bằng đồng sau các án thờ”. Để tìm hiểu tín ngưỡng người Việt, tác giả đã ghi nhận những truyện kể, ở những làng Cù Lạc, làng Tróc, làng Thanh Hà... với các nhân chứng tại chỗ: ông Xòi, ông Dương, chú Nhượng hoặc ông Bé làng Bùng, chú Hạp người Nội Hà v.v...; quan sát từng gốc đa, gốc sanh, từng hòn mốc, hòn trấn có nêu rõ địa danh: từ nhiều thôn làng tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, đến An Cựu, Phù Lương, La Vân tỉnh Thừa Thiên, với 58 hình ảnh minh họa. Chứng tỏ tác giả đã (đi bộ!) đến tận nơi quan sát và vẽ lại đúng hiện trường . Để hiểu rõ các phép ma thuật trừ tà, trừ ma, L. Cadière đã sống tại thực địa với những mùa dịch tả ở Quảng Trị; hoặc chăm chú theo dõi những thực hành dân gian với chú lính gác vái lạy trước tấm bia đá ở Đông Thành Thủy Quan, Huế, đồng thời kết hợp với tế lễ của hàng vương đế tại Nam Giao với từng nghi thức lớn nhỏ. Ví dụ trong bài “Mồ mả của người Việt vùng quanh Huế". (BAVH), XV, 1928, tr. 1-99 : Mồ mả Vua Chúa được nghiên cứu đã đành, bên cạnh đó phần mộ dân gian cũng được quan tâm từ phần đất cho đến mộ bi, cách bài trí để từ đó rút ra những gì là qui ước, thông tục có tính cách nhất quán.

Theo L. Cadière: "Học tiếng Việt không phải chỉ để nói giỏi như họ, mà còn phải tâm tư suy nghĩ như họ" .Ông cho rằng, ngôn ngữ bình dân thường gói trọn sắc thái văn hóa một cách đầy đủ, nhất là trong ngạn ngữ dân gian. Với 27 năm sống ở Di Loan, Quảng Bình, L. Cadière đã thu thập được một lượng ngôn ngữ bình dân đáng kể, gói ghém toàn bộ những nghĩ suy, đượm văn hóa và tín ngưỡng. L.Cadière kể lại đã có lần sau khi giảng cho giáo dân, mới phát hiện rằng ngôn ngữ mà mình đang sử dụng, học qua sách vở, là một thứ ngôn ngữ ít nhiều “giả tạo”, rất ít hiệu năng. Từ đó Cha thẩm nhập sâu xa vào quần chúng, học ngôn ngữ của họ và tập “ăn nói” như họ. Thật ngạc nhiên, ngay cả rất nhiều người Việt chúng ta vẫn chưa biết được con số “vô hạn định” của người Việt là con số ba và con số bảy, L. Cadière đã đưa ra được nhận xét ấy và dẫn chứng với những ngạn ngữ dân gian, chứng tỏ người đã nghiên cứu tiếng Việt kỹ đến mức độ nào: làm xấp ba xấp bảy; ăn xấp ba xấp bảy; ba chìm bảy nổi; ba chìm bảy nổi, chín nhấp nhu; ba lừa bảy lọc; ba lo bảy liệu; ba vuông bảy tròn…

L. Cadière là người Pháp, nhưng rất am tường tục miếu thờ thần thánh ở xứ Việt. Ông không cho đó là “mê tín dị đoan” mà là đời sông tâm linh . Ông viết : “Phải có lần được nghe tiếng kêu la hãi hùng của dân làng vội vã tán loạn, tìm con, tìm người già lão; phải có lần thấy ánh lửa đỏ ngầu vút lên trong đám khói đen cuồng nộ cùng tiếng mắt tre kèo, cột, mái nhà nổ vang như tiếng đại bác để rồi hôm sau thấy tận mắt cảnh tang thương của những vết tích còn lại, nhất là phải tự thân gánh chịu cái tai ương khủng khiếp ấy thì mới hiểu được người Việt sợ hoả hoạn là như thế nào, thì mới biết tại sao họ đã nghĩ những tai ương kia là do thần thánh, thì mới hiểu được cách họ xử thế đối với mọi tai ương xảy đến, kể cả những trường hợp nhỏ nhặt nhất”. Hoặc: “Ai đã không từng chứng kiến ít nhất là một lần trong đời những trận ngập lụt đột ngột, nhiều khi hàng giờ, nước phủ trùm hết cả vùng, kéo theo đàn gia súc, mang trôi đi nhà cửa, phủ lấp ruộng đồng, làm thối vữa ngay trước mắt mình khoai lúa, mùa màng cóp nhặt được, để rồi sau đó hàng tháng dài đói khát, khốn cùng, dịch bệnh giết chết hàng loạt dân làng?” Thế mới biết tại sao người Việt phải tin Hà Bá, phải cúng thần mốc, phải thờ những viên đá trấn.

Ngay cả ý niệm về “trời tròn đất vuông”, L. Cadière đã phát hiện được trong dân gian, trong cách ăn nói của lớp quần chúng, dù rằng không minh thị, là đất không “vuông” nên mới gọi là “trái đất, quả đất”; Như vậy, ngoài ý niệm “tròn”, trái đất còn treo lơ lững. Đó là một hình ảnh rất ngoạn mục. Không chỉ uyên sâu tiếng Việt, L. Cadière còn giỏi cả chữ Hán, nhờ đó thông hiểu được một cách sâu xa những tàng ẩn ý vị của ngôn ngữ. Lúc nào cũng có các chú thích Hán tự để làm rõ thêm vấn đề và mang tính thuyết phục cao. "Tôi hiểu người Việt bởi vì tôi nghiên cứu kỹ về họ... Nghiên cứu và hiểu họ nên tôi yêu mến họ... Tôi yêu mến họ vì tính tình của họ... Cuối cùng tôi yêu mến họ vì họ khổ”. “Ý niệm về Trời của người Việt giống nhau lạ lùng với ý niệm về hữu thể siêu việt ở các bộ tộc sơ khai. Trời không phải là một vị thần, ít nhất là trong thông tục dân gian, đó là "Ông Trời" và hình như thuộc về thế giới siêu việt. Hoàng đế tế Trời một cách trọng thể, L. Cadière đã có một tâm thức rất đặc biệt về dân tộc mà ông dày công nghiên cứu: -"Phải thừa nhận rằng người Việt nói cho đúng sống trong thế giới siêu nhiên. Người Âu Châu dẫu sùng đạo, thường vẫn không sống hết toàn bộ thời gian với Thượng Đế của mình. Người Việt, ngược lại, cho dù giai cấp nào, đều cảm thấy mình trực tiếp thường xuyên với các thần thánh trong thiên nhiên" .

Công lao to lớn về nghiên cứu văn hóa Việt, văn hóa Huế của L. Cadière làm cho nhiều thế hệ người Việt Nam tôn vinh, ngưỡng mộ. Bản dịch ra tiếng Việt của NXB Thuận Hóa Những người bạn của Cố Đô Huế không bỏ sót một bài nào, kể cả những bài các tác giả Pháp và Viết viết theo quan điểm riêng của họ. Đây là một bộ sách giá trị trong Di sản Cố Đô Huế. Chính nhờ các công trình nghiên cứu uyên thâm của LM., khởi đầu bằng tiếng Pháp, thế giới mới biết đến văn hóa, lịch sử Việt Nam, nhất là văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, lịch sử của Huế và miền Trung Việt Nam. …’.

Những sưu tầm thực địa sâu sát say mê như không biết mệt mỏi của LM. Cadière đã cung cấp những kiến thức vô giá về dân tộc Việt Nam. Tư tưởng và phương pháp làm việc của LM. Cadière đã tiên phong soi sáng cho nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam đầu thế kỷ XX và sau này.

Trên Tạp chí Sông Hương số kỷ niệm 100 năm ra đời Tạp chí BAVH, Lê Vũ Trường Giang viết :” Ngay từ 100 năm trước, bàn về phong hóa của xã hội Việt Nam trước làn sóng Tây hóa, linh mục Léopold Cadière đã đưa ra cảnh báo: “Dù thế nào đi nữa, sự thật vẫn là các thế hệ mới trong các đô thị không bằng các thế hệ cũ về phương diện đạo đức”. Thiết nghĩ cho đến nay, những lời kêu gọi kia vẫn còn có ý nghĩa, bởi vấn đề nói trên chính là nền tảng đầu tiên để kiến tạo những giá trị Việt mà “Những người bạn Cố đô Huế” đã nhìn nhận được… Linh mục Léopold Cadière còn nhắc nhở: ““Đừng quên rằng, chúng ta có một mục tiêu thật tiễn. Chúng ta phải tự tìm kiếm và giữ lại để nêu lên các kỷ niệm về Kinh thành Huế...”. Đó thật sự là tấm gương đáng học hỏi về trách nhiệm của công việc “tìm kiếm” những trầm tích văn hóa Huế, những người đã góp phần gìn giữ hồn xưa xứ Huế. Cadière đã cống hiến tất cả cuộc đời cho ngôn ngữ học nói riêng và cho dân tộc Việt Nam nói chung “. Tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Ba trong “Văn tế Cố cả Léopold M. Cadière, nhà Việt học tiên phong” đã vẽ chân dung M. Cadière rất đẹp :

“Áo dài đen phất phơ lắm miền xuôi ngược, tìm hiểu thêm phong hóa dân gian);

Đôi guốc mộc lóc cóc bao chốn xuống lên, thăm dò đến sơn cùng thủy triệt.

Hội Đô Thành Hiếu Cổ, vài ngàn trang thâm cứu, điều nghiên cùng chuyên khảo kinh đô;

Động Phong Nha Kẻ Bàng, hơn chục chuyến gian lao, thám hiểm rồi tôn vinh địa huyệt.

…Việt, Mường, Nôm, Hán,… bao ngôn ngữ tinh thông;

Địa, Sử, Triết, Văn… mấy phân khoa quán triệt.

Gom mảnh đá từ thời tiền sử, thấu hiểu ra nguồn cội man sơ;

Đọc tấm bia có thuở tiên triều, kể rõ lại chiến trường khốc liệt.

Áo bà ba giản dị, “ông nhà quê” lũ trẻ gọi lơ ngơ;

Nón lá cũ đơn sơ, nhà bác học bao người khen khôn xiết…

Người chấp bút xin dâng bài viết lên hương hồn nhà bác học Léopold M. Cadière vĩ đại nhân 100 năm Tập san BAVH.

Huế, 11/2013

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art