Thứ Hai, 08 Tháng Mười, 2012

Tchaikovsky, nhà soạn nhạc thiên tài

TCHAIKOVSKY NHÀ SOẠN NHẠC THIÊN TÀI

Những giai điệu không thể nào quên, những sắc màu mạnh mẽ và sự xúc cảm vô bờ bến trong từng tác phẩm của Pyotr Il'yich Tchaikovsky từ lâu đã đưa ông trở thành một trong những nhà soạn nhạc cổ điển nổi tiếng nhất trong mọi thời đại. Giới phê bình nghệ thuật và nhiều chuyên gia âm nhạc gặp khó khăn trong việc đánh giá một cách đầy đủ về sự độc đáo và tài năng của Tchaikovsky. Ông sinh ngày 7/05/1840 tại Votkinsk, mất ngày 6/11/1893 ở St. Petersburg, Nga.

Trong các luận văn về tiểu sử của những nhà soạn nhạc nổi tiếng, người đọc có thể nhận thấy rõ vì sao opera lại là trọng tâm của Mozart và ca khúc lại là thể loại chủ đạo của Schubert. Với Tchaikovsky, "tinh chất" trong các tác phẩm của ông nằm trong nhiều cách thức thể hiện về thế giới tưởng tượng được lý tưởng hoá của ballet cổ điển. Cảm xúc mạnh mẽ, phản ánh đa chiều và nhiều màu sắc về con người, cuộc sống đã lan toả trong hầu hết các tác phẩm âm nhạc của ông, kể cả trong những bản giao hưởng bất hủ.

Pyotr Ilyich Tchaikovsky sinh ra trong một gia đình trung lưu ở Votkinsk, Nga. Giống Schumann, một nhà soạn nhạc đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến ông, Tchaikovsky đã từng học về luật một cách rất nghiêm túc trước khi theo đuổi sự nghiệp thực sự của mình. Sau đó, ông theo học tại Trường âm nhạc St. Petersburg (1863 - 1865). Trong những giáo viên của ông có cả Anton Rubinstein, người đã dạy ông sáng tác nhạc. Năm 1866, ông đến Moscow với vai trò là một giáo sư về hoà âm tại một trường nhạc mới do Nicholas Rubinstein (một người anh em của Anton) thành lập. Trong hai năm đầu tại trường nhạc này, ông đã viết bản nhạc giao hưởng thứ nhất (Winter Daydreams) và vở nhạc kịch đầu tiên (Voyevod) của mình.

Tại trường nhạc, Tchaikovsky đã quen biết với nhóm các nhà soạn nhạc Nga do Rimsky-Korsakov và Balakierev đứng đầu. Chính những xúc cảm theo chủ nghĩa dân tộc của hai người này đã truyền cảm hứng cho bản nhạc giao hưởng thứ hai của Tchaikovsky có tên "Little Russian". Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, Tchaikovsky sau đó đã bị hội nhạc sĩ khai trừ vì "được đào tạo về âm nhạc quá nhiều, theo chủ nghĩa quốc tế và ''không đáng'' là người Nga".

Trên thực tế, âm nhạc của Tchaikovsky, trong sâu thẳm vẫn mang đậm sắc thái Nga nhưng cũng thấm nhuần tình yêu của ông đối với Mozart và chịu ảnh hưởng từ những nhà soạn nhạc nổi tiếng ở Tây Âu khác, đặc biệt là âm nhạc Pháp của Bizet và Saint-Saëns. Nhưng như Stravinsky đã từng viết, "âm nhạc của Tchaikovsky, vốn không thể hiện vẻ đặc trưng chất Nga đối với tất cả mọi người, lại thường sâu sắc âm hưởng Nga hơn so với thể loại âm nhạc từ lâu được quan niệm một cách dễ dãi như là hình ảnh về nét đẹp phong phú của người Moscow. Thể loại nhạc này của Tchaikovsky mang chất thuần Nga chẳng khác gì thơ của Pushkin hay ca khúc của Glinka... Tchaikovsky đã rút ra những vẻ đẹp này một cách vô thức từ những nguồn cảm hứng dân gian và thực tế cuộc sống."

Từ 1869 đến 1876, Tchaikovsky đã viết thêm 3 vở opera nữa, và bản concerto cho piano. Ông cũng là nhà phê bình âm nhạc với khá nhiều lời khẳng định gây chấn động như: "Nhạc của Wagner chẳng có ý nghĩa gì với tôi, nhạc của Brahms cũng vậy. Tôi cảm thấy bị chọc tức khi mà sự tự phụ tầm thường đó lại được ghi nhận như một thiên tài.Về Beethoven, tôi thừa nhận sự vĩ đại trong một số tác phẩm của ông, nhưng tôi không sùng bái ông ta.". Tuy nhiên, theo Tchaikovsky Mozart là "Đức Chúa âm nhạc".

Tchaikovsky và vợ

Năm 1877, Tchaikovsky đã vấp phải một sai lầm tai hại khi cưới một trong những học trò của mình, Antonina Ivanova Miliukova. Tchaikovsky, một người đa cảm quá mức, bất hạnh và luôn giấu kín bệnh đồng tính của mình, hy vọng rằng một cuộc hôn nhân đáng trân trọng với một học trò tôn kính thần tượng sẽ là một giải pháp khả thi cho cảnh ngộ khó khăn. Thật không may, ông đã chọn phải một phụ nữ không chỉ không thông minh, lại còn mắc chứng cuồng tưởng. Cuộc hôn nhân này kéo dài được 9 tuần, và lên tới đỉnh điểm đổ vỡ khiến Tchaikovsky nghĩ tới việc tự tử bằng cách nhảy xuống sông (để lại cho ông chứng viêm phổi). Modest, người em của ông, cũng bị bệnh đồng tính, đã cứu sống ông và đưa ông về St Petersburg, nơi Tchaikovsky trải qua một cuộc khủng hoảng tinh thần thực sự.

Vào thời gian này, Tchaikovsky đã bắt đầu một quan hệ với một goá phụ giàu có, bà Nadejda von Meck, người đã trở thành người bảo trợ cho ông trong 14 năm tiếp sau. Bà lúc đó 46 tuổi, là mẹ của 7 đứa trẻ. Nhưng bà đã đề nghị được trợ cấp cho Tchaikovsky với điều kiện họ không bao giờ gặp nhau. Trong quá trình trao đổi thư từ rất nhiều giữa hai người, bà đã viết, "...Tôi sợ sự giao thiệp với ngài. Tôi muốn nghĩ về ngài từ một khoảng cách xa, để nghe ngài nói trong nhạc của ngài và chia sẻ những xúc cảm của ngài qua đó." Mỗi khi họ gặp mặt nhau tại một buổi hoà nhạc, hai người chẳng ai nói lời nào và họ quay mặt đi trong bối rối ngại ngùng.

Mối quan hệ bất thường này cùng với những khoản tiền hoa hồng ngày càng nhiều cho phép Tchaikovsky từ bỏ việc dạy nhạc và sống một cuộc đời sung túc, đầy đủ ở một vùng quê yên bình. Tuy nhiên, cuộc sống nơi vắng vẻ cũng không thể làm ông khuây khoả bớt những tổn thương về xúc cảm, và ông tiếp tục trải qua những cơn đau đầu, thường khiến ông phải vật vã và uống rất nhiều rượu để vượt qua. Trong nhật ký, ông viết: "Đương nhiên, việc lạm dụng rượu là rất có hại. Tôi hoàn toàn đồng ý với điều này. Nhưng tôi, một người đau ốm, luôn bị khủng hoảng thần kinh, hoàn toàn không thể làm được việc gì mà không dùng đến rượu."

Khi Nadja chấm dứt mối quan hệ của họ một cách đột ngột vào năm 1890 do các lo ngại của bà về nguy cơ phá sản, Tchaikovsky đã bị tổn thương nặng nề về tinh thần. Bà từ chối trả lời các bức thư của ông và do đó, mọi niềm tin của ông về con người ''đã bị đảo lộn." Tchaikovsky không biết rằng, Nadja đã phải chịu đựng căn bệnh thần kinh của bà. Tchaikovsky rời đến New York năm 1891 để tham gia vào các hoạt động khánh thành Nhà hát Carnegie Hall. Nước Mỹ đã quyến rũ ông, nhưng ông đã viết rằng: "Tôi ưa thích tất cả mọi thứ như một người ngồi trước một bàn ăn bày tất cả những tinh hoa của nghệ thuật ẩm thực nhưng thiếu cảm giác ngon miệng." Năm 1892, ông đã nghe Mahler chỉ huy vở opera "Eugene Onegin" tại Hamburg.

Quay về Nga, Tchaikovsky viết tổ khúc được mến mộ "Nutcracker Suite", hoàn tất vào năm 1892, và bắt đầu bắt tay vào thực hiện Bản giao hưởng số 6. Tác phẩm cuối cùng mang tên "Pathétique" được coi là tác phẩm mà ông ''dành trọn tâm hồn". Trong vòng 1 tuần sau lần trình diễn đầu tiên tác phẩm này tại St. Petersburg năm 1893, ông đã qua đời, với nguyên nhân được cho là bị nhiễm khuẩn tả do uống nước không đun sôi, có thể là do chủ ý của ai đó. Cũng có một số giả định cho rằng có thể ông đã bị đầu độc để ngăn chặn sự bại lộ của một vụ scandal tình dục đồng giới có liên quan đến tầng lớp quý tộc.

Khác với một số đồng nghiệp người Nga cùng thời của mình, Tchaikovsky đã rất cố gắng để tìm ra những hình thái rõ ràng cho tư tưởng của mình. Ba bản giao hưởng cuối cùng là những thành công tột bậc của sự tìm kiếm này, đẩy lên đến cực điểm bằng cách xử lý tuyệt vời và không theo thông lệ trong đoạn kết của Bản giao hưởng số 6 với một phần nhạc chậm được kéo dài, giải toả và tiêu tan tất cả những sinh lực của phần nhạc hành khúc nổi bật trước đó.

Tchaikovsky, cùng với Brahms, có lẽ là những nhà soạn nhạc lỗi lạc nhất trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX. Ngoài những bản nhạc giao hưởng và dàn nhạc thính phòng được nhiều người yêu thích như rất nhiều bản concerto khác nhau dành cho piano, violin và cello. Tchaikovsky còn để lại những vở nhạc kịch bất hủ như "Romeo và Juliet", vở "Khúc dạo đầu 1812" và "Tuỳ hứng Italia"... "Eugene Onegin" và "Queen of Spades" (Đầm Pích) là những tác phẩm của Tchaikovsky thường được biểu diễn tại các nhà hát, còn các vở ballet "Sleeping Beauty" (Nàng công chúa ngủ trong rừng), "Swan Lake" (Hồ Thiên nga) và "Nutcracker" (Chiếc kẹp hạt dẻ) đã trở thành một phần không thể thiếu của âm nhạc cổ điển thế giới. Hay nhưng ít nổi tiếng hơn là ba bản tứ tấu đàn dây), bản serenade cho đàn dây, bản Ami Piano Trio, tác phẩm cho độc tấu piano...

Thân thế và sự nghiệp:

Tchaikovsky’s sinh ngày 25/5/1840 ở Votkinsk thuộc Uran trong một gia đình kỹ sư mỏ. Sống trong gia đình quý tộc bậc trung, cậu bé được giáo dục toàn diện, rất yêu thích và có năng khiếu về âm nhạc từ nhỏ. Nhưng bố mẹ không muốn cho con theo con đường nghệ thuật nên gửi Tchaikovsky’s đến Petersburg để học ở trường Trung cấp luật ( từ năm 1850-1859). Trong thời gian này cậu bé say mê học âm nhạc. Theo lời khuyên của A.Rubinsten, Tchaikovsky’s bỏ nghề luật và thi vào nhạc viện Petersburg (1862). Sau ba năm học tập, Tchaikovsky’s tốt nghiệp với huy chương bạc và trở về hoạt động ở Moscow rồi trở thành giáo sư của nhạc viện thành phố (1865). Tchaikovsky’s hoạt động âm nhạc rất hăng say trong lĩnh vực sáng tác, lý luận, giáo dục...Trong khoảng 12 năm (từ 1865-1877) ông đã sáng tác nhiều tác phẩm.

Năm 1877-1885, tình hình xã hội có nhiều biến đổi và với cuộc hôn nhân không thành đã làm cho Tchaikovsky’s rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần trong một thời gian.

Năm 1878 hòan thành bản giao hưởng số 4 và nhạc kịch "Eugene Onegin ". Ðược một bà triệu phú tên là Fông Méc đỡ đầu về kinh tế, Tchaikovsky’s rất yên tâm sáng tác. Giữa những năm 80, Tchaikovsky’s tham gia hoạt động với tư cách là nhạc trưởng, biễu diễn khắp nơi trong và ngoài nước. Năm 1893 ông được tặng học vị tiến sĩ của trường đại học tổng hợp Cambrigde ở Anh.

Tchaikovsky’s mất ngày 25/10/1893 ở Petersburg sau một tuần lễ chỉ huy bản giao hưởng cuối cùng của mình.

Ðặc điểm sáng tác và tác phẩm:

- Tchaikovsky’s không những là nhạc sĩ Nga vĩ đại mà còn là nhạc sĩ lớn thế giới. Hoạt động âm nhạc chính là ở Moscow. Sáng tác nhiều thể loại thành công như giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch, nhạc thính phòng, hoà tấu, romance.

- Tác phẩm phản ảnh tâm tư con người thời đại, tình cảm, khát vọng dưới chế độ Nga hoàng. Miêu tả cảnh thiên nhiên nước Nga rất độc đáo như giao hưởng số 1 "Giấc mơ mùa đông", trong tác phẩm còn đề cập đến những câu truyện thần thoại, những trang sử quang vinh của nước Nga nhưng đặc điểm nổi bật là ông phản ánh thông qua tấn bi kịch như giao hưởng số 5, số 6 "Con đầm pích" là những tác phẩm bi kịch đạt đến đỉnh cao.

- Sở dĩ ông nổi tiếng vì đã biết kết hợp nhuần nhuyễn âm nhạc Nga với âm nhạc châu Âu, âm nhạc thành thị, nông thôn. Âm nhạc trong tác phẩm của ông là âm nhạc trí thức tiểu tư sản.

Tác phẩm:

- Tchaikovsky’s sáng tác khoảng 30 tác phẩm cho dàn nhạc giao hưởng gồm có: 7 bản giao hưởng (6 giao hưởng và giao hưởng có tiêu đề "Mangfrét"; nhiều concertors cho piano, violon, nhiều khúc mở màn, giao hưởng thơ và tổ khúc giao hưởng. Tính chất giao hưởng của Tchaikovsky’s là trữ tình đầy tính kịch. Ðây là một dòng giao hưởng mới trong lịch sử giao hưởng Nga. Bên cạnh đó cũng có giao hưởng mang tính chất cảnh trí sinh hoạt như GH số 1 "Những ước mơ và con đường mùa đông" (1866), "Người thợ rèn Vacula", vũ kịch "Hồ Thiên Nga", ba khúc mở màn: Romeo và Juliét (1869); "Bão tố" (1873); "Franxétca đa Rêminhi" (1876)

- Giai đọan 1877 do căng thẳng với cuộc sống riêng tư ông BỎ DẠY, BỎ SÁNG TÁC VÀ ĐI NGAO DU Ở Ý, Anh, Pháp và những tác phẩm trong thời kỳ này: Nhạc kịch Eugene Onegin, Cô gái Orliăng (1870) và Madéppa(1883), concerto số 2 cho piano, concerto cho violon...

- Thời kỳ trở về Moscow, ông viết GH có tiêu đề "Mangfrét" và bản GH số 5 (1888); nhạc kịch Con bài bích, Người đẹp ngủ trong rừng (1889), Xay hạt dẻ, Iolanta (1891).

BÌNH ANH ©

TCHAIKOVSKY VỚI VỞ BALÊ HỒ THIÊN NGA

Tóm Lược Tiếu Sử Tchaïkovsky :

Peter Illitch Tchaïkovsky sinh năm 1840 . Năm 1877, lấy vợ để che dấu chứng đồng tình luyến ái nhưng chỉ 3 tuần lễ sau là ly dị. Cũng vì đồng tình luyến ái mà Tchaïkovsky đã bị ruồng đuổi khỏi ra Nga. Được bà Von Neck tài trợ để sống và sáng tác rất nhiều trong đó có vở balê lừng danh Hồ Thiên Nga . Tchaïkovsky mất năm 1893 vì bị dịch tả.

Nói tới văn hóa Nga, có lẽ rất nhiều người sẽ nghĩ ngay tới nghệ thuật balê của Nga, và nhắc đến balê Nga thì ai cũng nghĩ ngay tới một vở balê được gọi là “balê của những vở balê”, đó la vở ” Hồ thiên nga” của nhà soạn nhạc lừng danh Tchaikovsky. “Hồ thiên nga” là vở balê đã ra đời từ hơn một trăm năm trước, vào năm 1877, nhưng đến nay nó vẫn là niềm say mê của những ai yêu thích nghệ thuật này. Không phải vô cớ mà vở “Hồ thiên Nga” trụ lại được với thời gian lâu như vậy. Vở balê này gắn với những tên tuổi đã đi vào lịch sử nghệ thuật của thế giới, như nhà soạn nhạc Pie Tchaikovsky, nhà biên đạo múa Petin, Ivanov, Grigorovich. Nhưng điều quan trọng hơn cả là nó bộc bạch được những tâm tư thường cháy bỏng trong mỗi con người: tình yêu tuyệt đối, ước mơ cao cả, nỗi thất vọng, sự cám dỗ của đời thường.

1 - Tchaikovsky với "Hồ thiên nga”

“Hồ thiên nga” là vở balê đầu tiên mà Tchaikovsky sáng tác. Ông quan niệm, balê cũng là một bản giao hưởng, và ông đã thể hiện ý tưởng của mình vào vở balê đầu tay này của mình. Tchaikovsky đã làm thay đổi hoàn toàn cách nghĩ về các vở balê, đưa thứ nghệ thuật giải trí này lên thành một nghệ thuật trừu tượng, sâu sắc, mang được cả chiều sâu của tư duy.

Vào thời Tchaikovsky sáng tác vở “Hồ thiên nga”, ở xứ Bavaria thuộc nước Đức bây giơ, có vị vua Lidvig Đệ nhị nổi tiếng lãng mạn, nổi tiếng say mê nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc. Vua Lidvig Đệ nhị đã cho xây một tòa lâu đài thần tiên tuyệt đẹp gọi là lâu đài Thiên Nga, đứng trên sườn núi trông ra khu hồ cũng mang tên là hồ Thiên nga hết sức thơ mộng. Tòa lâu đài, khu hồ Thiên nga, vị vua lãng mạn đến khác thường đã gợi lên niềm cảm hứng cho Tchaikovsky sáng tác nên vở “Hồ thiên nga” tuyệt tác, một vở balê được xếp vào loại bi, trữ tình. Và có lẽ vì vậy Tchaikovsky đã quyết định đặt cho hoàng tử nhân vật chính của mình một cái tên Đức, dù Tchaikovsky là người Nga.

“Hồ thiên nga” ra mắt khán giả lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1877. Sau sáu năm trình diễn thì tạm ngưng. Đối với thời kỳ đó, sáu năm cho một vở diễn đã là rất dài, vì nghệ thuật múa vẫn chưa đạt được độ điêu luyện và chưa truyền đạt được hết cái hồn của âm nhạc Tchaikovsky. Hồ thiên nga chỉ thành danh, chỉ thực sự được biết đến sau khi Tchaikovsky đã qua đời gần 20 năm sau. Vào năm 1895, Hồ thiên nga được dàn dựng lại và từ đó người ta mới cảm nhận được cái đẹp của nhạc Tchaikovsky, cái hồn lãng mạn của “Hồ thiên nga”, cái dịu dàng, quyến rũ của những vũ điệu balê.

2 - “Hồ thiên nga” và những cách nhìn khác nhau

Vở “Hồ thiên nga” đến nay có hai trường phái dàn dựng khác nhau, nhưng cũng đều rất được hâm mộ và mỗi vở thể hiện câu chuyện “Hồ thiên Nga” theo một khía cạnh khác nhau. Các nhà hát của Saint Petersburg thể hiện vở balê này theo sự dàn dựng của nhà soạn nhạc Rikardo Drigo với sự biên đạo múa của hai nhà đạo diễn nổi tiếng là Petin- người Đức, và Ivanov- người Nga. Còn Nhà hát lớn, trường phái của Moskva thì thể hiện vở diễn này theo đúng cái hồn nhạc của Tchaikovsky qua sự biên đạo múa của Grigorovich.

Vở “Hồ thiên nga” của Drigo ra đời lần đầu tiên vào năm 1895. Nhạc sỹ Rikardo Drigo đã không lấy toàn bộ nhạc của Tchaikovsky sáng tác cho “Hồ thiên nga”. Ông lấy những đoạn trích từ những sáng tác khác nhau của Tchaikovsky để đưa vào “Hồ thiên nga”, có cả những đoạn Drigo tự viết nhạc. “Hồ thiên nga” trong sự chuyển thể của Drigo mang nhiều nét cổ tích, mang nhiều nét huyện thoại hơn. Và “Hồ thiên nga” trở thành một huyền thoại thật đẹp, thật cảm động về tình yêu.

Nhà biên đạo múa người Đức Petin đã mang đến cho vở diễn cái không khí tưng bừng của những vũ điệu, cái hào nhoáng của những buổi lễ hội nơi cung đình, còn nhà biên đạo múa Ivanov đã làm cho vở balê “Hồ thiên nga” mang được bóng dáng tâm hồn Nga. Những cánh thiên nga yểu điệu rập rờn nối đuôi nhau bên bờ hồ phủ sương, những mái đầu nghiêng nghiêng mềm mại, làm người ta hình dung được những đàn chim thiên nga bên bờ hồ phương bắc. Những bước chân mềm mại, những cánh tay uyển chuyển theo dòng nhạc êm đềm làm người ta như thấy hiển hiện trước mắt những cánh chim nhè nhẹ đong đưa theo những tiếng hát buồn da diết của loài chim thiên nga.

Năm 1969 nhà biên đạo múa nổi tiếng của nhà hát lớn, ông Grigorovich, người hết sức say mê Tchaikovsky đã quyết định trả lại cho “Hồ thiên nga” cái hồn ban đầu của nó. Ông đã dàn dựng lại vở diễn theo đúng hồn nhạc của Tchaikovsky- một dòng nhạc đầy cảm xúc, đầy kịch tính, nhưng cũng thật lãng mạn. “Hồ thiên nga” trong cách nhìn của Grigorovich, không còn là một câu chuyện cổ tích về tình yêu nữa mà đã là một thế giới nội tâm đầy mơ mộng nhưng cũng thật sóng gió. Một thế giới của thật và giả, của trắng và đen thật gần nhau, thật khó phân biệt.

Nhưng dưới thời Liên Xô còn tồn tại, dàn dựng của Grigorovich phải thay đổi rất nhiều, đặc biệt là kết cục của nó. Những nhà lãnh đạo văn hóa Liên Xô khi đó không cho phép nàng Odetta, biểu tượng của niềm tin, của cái đẹp được chết trong tay của số phận. Mãi tới năm 2000, vở “Hồ thiên nga” mới được sửa lại theo đúng kịch bản của Grigorovich, một kịch bản theo sát ý tưởng lúc ban đầu của Chaikovsky nhất.

3 -Hoàng tử Digfrid và giấc mơ đi tìm sự tuyệt đối

Trong kịch bản của Drigo, “Hồ thiên nga” là một câu chuyện tình yêu thật đẹp.

Hoàng tử xứ Đức Digfrid vừa tròn 18 tuổi. Cha mẹ tổ chức chúc mừng chàng thật linh đình, những vũ điệu vui nhộn của khắp xứ Âu châu được mang ra trình diễn trong Hoàng cung, từ những vũ điệu vui nhộn của xứ Tây Ban Nha tới những điệu Valse lôi cuốn của Hung gari và Ba lan. Buổi chiều, bạn bè rủ hoàng tử vào rừng đi săn và họ dừng chân nghỉ lại bên bờ hồ yên tĩnh. Trong ánh trăng bàng bạc hoàng tử được chứng kiến một quanh cảnh thật kỳ lạ. Những con chim thiên nga mềm mại, trắng muốt từ từ thoát khỏi lốt thiên nga và biến thành những cô gái thật yêu kiều. Odetta, bà chúa của bầy thiên Nga đã làm hòang tử Digfrid bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp yêu kiều của mình. Odetta kể cho hoàng tử nghe về số phận của mình và các nàng thiên nga khác. Các nàng bị lão phù thủy độc ác Rotbart phù phép, biến thành những con chim thiên nga. Chỉ đến đêm, họ mới được trở lại làm người. Ma thuật của lão phù thủy chỉ biến mất nếu nàng Odetta gặp được một người hết lòng yêu thương và chung thủy với nàng. Bên bờ hồ thiên nga, Hoàng tử Digfrid đã thề sẽ mãi mãi yêu nàng Odetta.

Khi hoàng tử Digfrid trở về hoàng cung, thì cha mẹ của chàng lại tổ chức yến tiệc linh đình để kén vợ cho chàng. Tất cả các tiểu thư không làm chàng mềm lòng. Nhưng phù thủy Rotbart vô cùng thâm độc. Hắn cải trang cho cô con gái Odillia của mình mang dáng vẻ của bà hoàng thiên Nga Odetta và đã làm hoàng tử bị tưởng nhầm. Chàng vui mừng định công bố Odillia là vợ chưa cưới của mình, nhưng rồi chàng chợt thấy hình bóng của Odetta hiện về. Hoàng tử chợt bừng tỉnh và hiểu rằng chàng đã bị phủ thủy Rotbart đánh lừa.

Bên bờ hồ thiên nga các nàng thiên nga hồi hộp chờ đợi bà chúa Odetta của mình được giải thoát. Nhưng nàng Odetta buồn bã cho biết hoàng tử đã phụ bạc lại lời thề thủy chung của mình. Hoàng tử cũng chạy đến xin tha thứ vì sự nhầm lẫn của mình. Nhưng lời thề của hoàng tử đã không còn linh nghiệm nữa. Để cứu người yêu và bầy chim thiên nga, hoàng tử đã quyết định tìm đến cái chết. Nàng Odetta và hoàng tử đã cùng chết bên nhau trong lòng hồ thiên nga, nhưng tình yêu của họ thì từ đó đã trở thành bất tử.

Trong kịch bản của Grigorovich, “Hồ thiên nga” không còn là một huyền thoại về tình yêu nữa, mà nó đã mang đầy tính nội tâm, đầy tính triết lý.

Những cánh chim thiên nga yêu kiều bên bờ hồ, không còn là những nàng tiên bị phù phép, mà là thế giới của cái đẹp, của những mơ ước trong thế giới nội tâm của hoàng tử Digfrid. Nàng tiên thiên Nga Odette chính là hình ảnh của tình yêu, của sự dịu dàng tuyệt đối mà chàng được số phận cho nhìn thấy.

Nhưng số phận là một vị thần thật nghiệt ngã, chẳng cho người ta được êm ấm, dễ dàng đạt được mơ ước của mình. Số phận mách bảo cho hoàng tử sự hiện diện của Odette, nhưng cũng gửi đến cho hoàng tử nàng Odillia để thử thách. Odillia thật giống Odetta về hình thức, và hoàng tử đã bị nàng mê hoặc. Chỉ đến khi nhận nàng là vợ chưa cưới, Hoàng tử mới biết mình bị nhầm lẫn. Nhưng số phận không cho phép chàng làm lại. Khi chàng không còn giữ được sự trong trắng trong chính tâm hồn mình, thì giấc mơ trong trắng của khàng cũng chết. Khi chàng đã phản bội lại niềm tin, thì tình yêu tuyệt đối cũng không thể sống nổi, dù chàng được tha thứ. Và nàng Odetta đã bị chết trong tay của số phận nghiệt ngã ngay khi ngày mới bắt đầu.

Dù được dựng ở khía cạnh nào, khía cạnh huyền thoại, hay khía cạnh triết lý thì vở “Hồ thiên nga” cũng làm người xem mê đắm bởi vẻ đẹp của mình, bởi những giai điệu thật đặc sắc của mình và làm người ta phải suy tư về tình yêu, về niềm tin, về cuộc đời...

N.N.T.T ©

Bài viết khác