JEAN VANIER, CHA ĐẺ NHÀ TÀU
Jean Vanier là cha đẻ của L’Arche, một mạng lưới quốc tế gồm 135 cộng đoàn trên khắp thế giới chuyên chào đón các người khuyết tật về tâm trí. Không ai có thể ngờ người con trai của một cựu Tổng Toàn Quyền Gia Nã Đại và trước đây vốn là một sĩ quan hải quân thời Thế Chiến Hai, lại có thể trở thành một môn đệ của Chúa Chiên Lành và chính ông cũng là một người chăn chiên thật nhân hậu.
Chúa Nhật Thứ Tư Sau Phục Sinh hôm nay, tờ thông tin của Giáo Xứ Regina Coeli có bài ở ngoài bìa của linh mục Reg Ahearn, Dòng Chúa Cứu Thế, nói tới công việc của người chăn chiên cựu sĩ quan hải quân này. Khiến tôi tò mò tìm hiểu nhân vật kỳ bí, từng dành hết cuộc đời của mình cho những con người bị xã hội vứt bỏ hay ít nhất cũng đẩy ra bên lề.
Nhà Tàu
Sau chiến tranh, Vanier qua Pháp và định cư tại Trosly-Breuil. Nhờ quen biết với một linh mục Dòng Đa Minh, ông tiếp xúc với một số người khuyết tật tri thức đang sống tại các viện trong vùng. Rồi năm 1964, ông mời hai người trong số họ đến sống tại nhà mình. Thoạt đầu, ông nghĩ mình chỉ làm một hành động bác ái, nhưng sau một thời gian ngắn, ông ngạc nhiên khám phá ra rằng hai người đàn ông này cũng đang thừa tác đối với chính ông nữa. Các khuyết tật tri thức của họ giúp họ biến các mối liên hệ của họ thành hết sức đơn giản và nhờ thế họ có khả năng yêu thương một cách vô điều kiện. Vanier gọi căn nhà cùng họ cư trú là “L’Arche” (Nhà Tàu) theo tích truyện “Tàu Nôê” trong Thánh Kinh.
Đó là khởi điểm của một tổ chức thế giới. Ngày nay, có tất cả hơn 130 cộng đoàn Nhà Tàu trên khắp thế giới, thuộc đủ mọi nền văn hóa, chủng tộc và tôn giáo khác nhau, nhưng hết thẩy đều có chung một mục đích: gom những người khuyết tật và những người giúp đỡ họ cùng sống trong một cộng đoàn. Các cộng đoàn này không phải là những viện nuôi dưỡng (nursing homes) trong đó, người khỏe mạnh chăm sóc người khuyết tật. Mà đúng hơn, mọi thành phần trong Nhà Tàu cùng góp phần xây dựng một gia hộ đúng nghĩa qua việc nhìn nhận các tài năng của từng người. Trong Nhà Tàu, sự dị biệt được chào đón. Các thành viên trong Nhà có mục tiêu nhìn thấy cái tốt và cái đẹp của từng con người và biết trân qúy từng con người căn cứ vào hiện trạng của họ chứ không căn cứ vào ước trạng của họ. Điều chủ yếu để hiểu Nhà Tàu là ý niệm của Vanier về “bác ái”. Nó không phải là cảm thức tốt vì mình đã giúp đỡ được ai đó. Đúng hơn, nhờ giúp được ai đó, bạn biết mình cách sâu sắc hơn và nhờ mối liên hệ của bạn với người nghèo và người không ai thèm biết tới, chính bạn cũng sẽ được phúc âm hóa. Như thế, đối với Vanier, bác ái bao giờ cũng có hai chiều. Người tham gia Nhà Tàu để chăm sóc người khuyết tật chẳng bao lâu sẽ thấy ra rằng điều họ cho đi chẳng thấm vào đâu so với điều họ nhận được.
Không hài lòng với việc thành lập ra Nhà Tàu, năm 1971, Vanier còn cùng Marie Helene Mathieu, sáng lập ra các Cộng Đoàn Đức Tin và Ánh Sáng (Faith and Light Communities). Đây là các cộng đoàn gồm người khuyết tật, gia đình và bạn hữu của họ thường xuyên gặp mặt nhau để chia sẻ và cầu nguyện chung với nhau. Hiện nay, có tới hơn 1,400 nhóm như thế trên khắp thế giới.
80 tuổi đời
Năm 2008, Vanier tròn 80 tuổi. Tháng Mười Một năm đó, từ Trosly, ông viết cho các bạn hữu Nhà Tàu và Cộng Đoàn Đức Tin và Ánh Sáng một bức thư như sau, cho thấy nhờ đâu ông đã có thể trở thành một con người như hiện nay.
Trosly, tháng Mười Một năm 2008
Các bạn thân mến,
Tôi cảm thấy khiêm hạ và biết ơn vì mọi tấm thiệp, thư từ, điện thư, quà tặng và cú điện thoại…(và cả nhiều hũ mứt nữa) chúc tôi tốt lành và hứa cầu nguyện cho tôi nhân dịp tôi bước qua ngưỡng cửa 80 tuổi của đời mình. Như các bạn đã thấy, bức thư này là lời “cám ơn” tập thể. Tôi rất muốn đích thân viết cho từng bạn một và từng cộng đoàn một, nhưng như các bạn có hể hình dung đấy, tôi không tài nào làm được việc ấy!
Tôi phải thú thực rằng tôi thấy mình được ôm ấp, yêu thương, sưởi ấm, và tăng sức nhờ đám mây hiệp thông đầy dấu ẩn, nhưng lại không dấu ẩn nhiều lắm, và êm dịu này. Nó như đám mây vô minh trong đó Thiên Chúa vừa ẩn mình vừa tỏ hiện. Việc cử hành ở đây, ở Trosly này, vào ngày 22 tháng Chín giống như một đám pháo bông hết sức đẹp đẽ của yêu thương, tạ ơn, tiếng cười và cầu nguyện. Nó êm đềm như mặt trời đang lặn với ánh sáng hồng, nhưng cũng rộn ràng múa nhẩy như đàn em bé bay lượn trên các xích đu. Làm sao có thể mô tả được hết những điều tôi đã được sống trong những ngày ấy: chỉ còn biết kêu lên lời cám ơn…
Giáp mặt gia tài Gandhi
Tôi cũng vừa trở về từ Kolkota. Đó quả là một cảm nghiệm tuyệt vời. Làm sao tôi có thể mô tả hết cuộc họp mặt quốc tế sau cùng đó, nơi tất cả 135 cộng đoàn của chúng ta đều có đại diện. Quả là táo bạo nhưng lại hết sức thực tiễn khi tổ chức cuộc họp mặt đó tại Ấn Độ, nơi các cộng đoàn của chúng ta đang đấu tranh, lớn mạnh và triển nở từ năm 1970. Chúng ta được chứng kiến và cảm động về cái đẹp và cái nghèo của Kolkota; thành phố này được thắp sáng bằng hàng triệu lồng đèn nhỏ nhân ngày cử hành cuộc hành hương của người Ấn. Chúng ta, trong Nhà Tàu, chúng ta sống niềm vui được gặp nhau, được cầu nguyện với nhau, được nghe sự lớn mạnh và viễn tượng tương lai của chúng ta: dấn thân nhiều hơn đối với các anh chị em yếu đuối và dễ bị thương tổn của chúng ta để tiếng nói của họ được người ta nghe thấy và giá trị của họ được người ta nhìn ra và kính trọng trên khắp thế giới; và bắt đầu cuộc suy tư của ta về việc dấn thân đối với chân lý, đối với Chúa và đối với Nhà Tàu cũng như với những người của chúng ta. Đến lúc kết thúc tuần lễ ấy, tôi được tiễn chân đi vào tuổi 80 và về hưu bằng một cuộc rước khá dài, dẫn đầu với một ban nhạc địa phương, có cả 9 con voi ‘nhà làm’, và sau cùng, đến lượt tôi cùng ngồi với Kashi và Peter de Cruz trên một cỗ xe ngựa.
Rồi thì cả một ‘hỗn mang’ bùng nổ: mọi người nhẩy múa và ca hát, và bột ngũ đàn hương rải trên mọi người như một đám mây. Vâng, Jean-Christophe và Christine đang hướng dẫn các cộng đoàn gồm những con người dễ bị thương tổn của chúng ta một cách khôn ngoan và tốt đẹp và hoàn toàn tin cậy vào Chúa, trong một thế giới chỉ muốn chứng tỏ quyền lực. Cảm tạ Chúa cho họ và cảm tạ Chúa đã che chở và hướng dẫn Nhà Tàu.
Hôm thứ Sáu, tất cả chúng tôi đi hành hương viếng một căn nhà ở Kolkota, nơi vào năm 1946, Mahatma Gandhi từng tuyệt thực để ngăn chặn các cuộc bạo động khủng khiếp vẫn thường xẩy ra tại Kolkota. Đây là cuộc hành hương hoà bình và cho hòa bình. Tôi vẫn cảm kích về cuộc đời của ông và về khả năng yêu kẻ thù của ông. Luôn nhìn ra cái “tốt” nơi kẻ thù, vì ai cũng là con cái Thiên Chúa, và tin được rằng ngay những người “xấu xa nhất” và tàn bạo nhất cũng có thể thay đổi. Đối với Gandhi, tình yêu ấy chính là sức mạnh đã sống dậy trong ông và tình yếu này được mời gọi sống dậy trong mọi người chúng ta nữa.
Sau Kolkota là Lộ Đức, nơi 300 đại biểu của nhiều cộng đoàn Đức Tin và Ánh Sáng khắp nơi trên thế giới họp mặt nhau. Tôi chỉ ở đó có hai ngày. Một hiến pháp mới đã được biểu quyết, một chủ tịch hội đồng (Henri Major), một phối trí viên quốc tế (Ghislain de Chesnay) đã được bầu lên; các đại biểu đầy sức sống. Tôi rất vui được gặp Marie-Hélène và nhiều người tôi cảm thấy gắn bó, yêu thương và cùng tầm nhìn. Vâng, xin cảm tạ Chúa đã che chở và hướng dẫn Đức Tin và Ánh Sáng.
Một số các bạn có thể ngạc nhiên nếu không muốn nói là ngỡ ngàng khi khám phá ra rằng sau những lời tốt lành và khôn ngoan của lá thư sau cùng, các bạn vẫn thấy và vẫn nghe là tôi còn đi đây đi đó, nhiều đó hơn đây. Điều đó vẫn không loại hết ý muốn được yên tĩnh, được hiện diện và cầu nguyện… nhưng các bạn sẽ thấy kể từ tháng Mười Hai, mọi sự sẽ trầm lặng hơn!
Chân mỏi gối mòn
Khi tôi ngụ ở đan viện Orval, vào cái tháng Tám trầm lặng ấy, nơi hàng năm tôi đến dành thì giờ sống với Chúa Giêsu, để nghỉ ngơi, đọc sách, và đi dạo trong rừng, tôi đã bắt đầu viết bức thư này rồi. Ở đấy, quả thật… tôi phải nói là mình cảm thấy hạnh phúc và được Chúa chúc phúc. Mọi sự đang thay đổi đối với tôi.
Trước đây, tôi còn nhiều sinh lực, bây giờ đã ít đi nhiều. Đôi chân tôi nhanh chóng cảm thấy mỏi mệt. Tôi bước đi chậm chạp hơn, thỉnh thoảng phải ngồi xuống nghỉ. Và dĩ nhiên phải đi ngủ sớm, sau đó tỉnh ngủ, và, vâng, phải đi ngủ sau khi ăn trưa. Trước đây, việc cầu nguyện của tôi khá sinh động, tôi có thể qùy, đứng, vào những lúc thích hợp lúc cử hành Thánh Lễ. Bây giờ, tôi đành ngồi một chỗ. Khi trò truyện, tôi phải ráng hiểu điều người ta đang nói và không còn cần tôi phải nói nhiều hay nói lời sau cùng nữa. Mọi sự đều trở nên chậm chạp hơn. Vì càng ngày càng có ít việc hơn để làm, nên nhiều khi tôi chỉ ngồi để thở, để ngắm và lắng tai nghe.
Mấy hôm trước đây, tôi ngồi ngắm mấy con sẻ trong tổ. Những con vật đáng thương này xem ra đang chen chúc nhau, chiếc tổ của chúng nhỏ quá không đủ chỗ cho các thiếu niên sẻ đang lớn như thổi này. Bỗng một con bay đi rồi lại bay trở lại. Con sẻ đó là sẻ mẹ hay sẻ khách? Trong Phúc Âm Thánh Luca (xem 7:18 và tiếp theo), ta thấy có lúc, Thánh Gioan Tẩy Giả, ở trong tù, phải kinh qua một giai đoạn lo âu và hoài nghi. Liệu người anh em họ là Giêsu có phải là Đấng sẽ phải đến, tức Đấng Mê-xi-a hay không? Nên ngài đã sai các sứ giả tới hỏi chính Chúa Giêsu xem sao: “Ngài có phải là Đấng ấy hay chúng tôi phải mong đợi đấng khác?”. Chúa Giêsu trả lời: “Hãy nói với Gioan rằng người mù được thấy, kẻ què được đi, và tin mừng được công bố cho người nghèo”. Đó là dấu chỉ Đấng Mê-xi-a đang hiện diện rồi; và là dấu chỉ Thiên Chúa đang làm việc giữa chúng nhân.
Tay trong tay với Chúa Giêsu
Tôi ngắm nghía mấy con sẻ này một cách hân hoan và bỡ ngỡ. Trước đây, khi còn nhiều sinh lực, chắc chắn tôi sẽ không dừng lại để ngắm nghía mấy con sẻ vui chơi trong chiếc tổ quá nhỏ của chúng. Tôi còn phải rong ruổi hết nơi này tới nơi nọ. Bận bịu. Đang khi ngắm mấy chiếc đầu sẻ trong tuổi thiếu niên đang thập thò ngoài thành tổ, tôi bỗng nghĩ tới Chúa Giêsu và lời Người nói về các chim trời không cần lo âu tới thực phẩm, áo quần và ngày mai (Mt 6:25). Bây giờ, tôi có giờ để dừng lại, ngắm nghía và vui hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên. Mọi sự đều nằm trong bàn tay Chúa Giêsu.
Bây giờ, có lúc, ngồi trong ghế dựa, một chiế ghế dựa khá êm ái, tôi được đặt bàn tay của mình trong bàn tay của Chúa Giêsu. Mỉm cười với Người, và Người mỉm cười lại với tôi. Chỉ cần một hiện diện êm ái. Trái tim Người trong trái tim tôi, và trái tim tôi trong trái tim Người. Không cần những giây phút huy hoàng, không cần những thời điểm huyền nhiệm, không cần những xúc động vĩ đại, cũng chẳng cần gì đến lời nói. Tôi không thể nói là mình cầu nguyện, không lần hạt, không đọc thánh vịnh, không làm được một điều gì hết. Tôi chỉ ở đó với Chúa Giêsu và tôi thích ở đó với Người, quả là thú vị. Mà cũng đơn giản, êm ái và thanh thản xiết bao.
Lối cầu nguyện mới phát xuất từ cuộc sống
Nhưng không thiếu những lúc không được thanh thản như thế, trái lại tôi cảm thấy mình cô đơn và trống rỗng làm sao. Không có gì để làm. Những lúc như thế, thật khó mà ngồi đó và chờ đợi. Mà chờ đợi cái gì? Tôi cũng không biết nữa. Lúc ấy, lời cầu nguyện của tôi chỉ còn là tiếng kêu nhỏ. Những lời cuối cùng của Thánh Kinh trở thành những lời riêng của tôi: “Hãy đến, lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến” (Kh 22:20). Đó không phải là tiếng kêu gặp gỡ lần cuối, mà chỉ là tiếng kêu cô đơn, trống vắng. Chờ đợi một khoảnh khắc yên ổn, chờ mong Chúa Giêsu. Nếu có thể nhắc đi nhắc lại mãi câu “Hãy đến, lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”, thì cái khoảnh khắc yên ổn nhỏ nhoi kia chắc chắn sẽ xuất hiện. Tiếng kêu quả đã trở thành một hiện diện. Tôi khám phá ra những lối mới mẻ để cầu nguyện, phát sinh từ chính cuộc sống, từ chính trạng huống thiếu sinh lực của mình, từ chính sự yếu đuối của mình.
Tôi thích gặp gỡ và lắng nghe người khác. Tuy nhiên, con mắt và lỗ tai tôi chưa phải là con mắt và lỗ tai vô tội: để biết nhìn ra trước nhất cái đẹp nơi người khác, chứ không phải điều tiêu cực, tức cái nhân tính đã bị thương của họ; để đừng phê phán khi tôi có cái xà trong mắt (Mt 7:1). Tôi muốn có con mắt và lỗ tai nhân hậu và nhân từ biết nhận ra sự hiện diện của Chúa trong trái tim mỗi người. Còn phải lâu lắm con mắt và lỗ tai tôi mới được biến cải như thế. Chỉ có Chúa Giêsu mới làm được điều ấy. Dĩ nhiên, tôi phải thực hiện một số cố gắng để giúp Người trong công trình biến cải này.
Người khuyết tật qúy giá với Chúa, giúp họ, tôi cũng thành qúy giá với Người
Tôi hân hoan sống trong cộng đoàn của tôi, trong nhà của tôi, với những người đàn ông và đàn bà dễ bị thương tổn. Xưa nay, họ vốn chịu nhiều năm tháng đau đớn, cô đơn và rẫy bỏ trước khi tới với Nhà Tàu. Sự yếu đuối và tiếng kêu của họ lôi cuốn tôi vào cuộc sống này, vì tôi tin rằng họ qúy giá đối với Chúa. Họ giúp tôi rất nhiều trong việc sống với Chúa một cách hiền hòa và an bình. Vào thời điểm sắp kết thúc cuộc đời, tôi lại càng khám phá thêm rằng những người nghèo nàn, yếu đuối và dễ bị thương tổn chính là sự hiện diện của Chúa. Họ đã biến cải chính tôi. Giờ đây, tôi đã trở nên yếu đuối hơn thật rồi. Há Chúa Giêsu đã chẳng mạc khải cho Thánh Phaolô rằng: “sức mạnh của Thầy được tỏ bày trong sự yếu đuối của con”. Bởi thế, tôi sẽ thấy rõ điều này: cả tôi nữa, tôi cũng qúy giá đối với Chúa, không vì những điều tôi thực hiện được, hay đã thực hiện được, mà chỉ vì tôi là ai: là đứa con bé bỏng của Thiên Chúa Cha.
Lời cầu nguyện của tôi hôm nay là xin cho nhiều người, cho nhiều người khuyết tật khắp thế giới đang sống ngoài hè phố hay đang bị giam hãm tại các bệnh viện hay đang đơn côi cũng như cha mẹ họ tìm ra một cộng đoàn Nhà Tàu hay một cộng đoàn Đức Tin và Ánh Sáng hay các hình thức cộng đoàn khác. Biết bao người đang đau khổ và khắc khoải sâu xa, đang mong chờ một cộng đoàn biết giúp họ khám phá ra cái đẹp, cái giá trị và thế đứng của họ nơi trần gian. Xin gửi yêu thương tới mỗi người trong các bạn.
Jean Vanier
Tác giả Vũ Văn An