Thứ Hai, 25 Tháng Sáu, 2012

Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) : ‘Ông tổ của nghề báo’

Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) : ‘Ông tổ của nghề báo’ Việt Nam

“Ờ, báo là đệ tứ quyền, thật thế; nhưng là đệ tứ quyền ở các nước Âu Châu, chớ ở nước ta thì nói như thế làm gì, cho mắc cỡ...

Người viết báo phải quan niệm mình làm nghề không phải là để chơi hay để kiếm tiền, nhưng phải quan niệm mình là những người thừa kế của cách mạng tư sản, mở đầu là cách mạng tư sản Pháp, say sưa với tự do, trung thành với lý tưởng, chống áp bức, chuộng tiến bộ mà quyền lợi tinh thần của con người đã ủy thác nơi báo chí.. (Lời Nguyễn Văn Vĩnh, theo Vũ Bằng kể lại trong hồi ký “40 năm nói láo.”)

Tờ báo Việt ngữ đầu tiên ở Ðông Dương xuất bản ở Sài Gòn (1) chứ không phải ở Hà Nội, tuy nhiên Nam Việt lúc ấy ở dưới quyền cai trị của một thống đốc Pháp, nên khi ông Nguyễn Văn Vĩnh (chủ bút sáng lập Ðăng Cổ tùng báo, 1907), từ trần ngày 2 tháng 5, 1936, đám tang ông được tham dự đông đảo các đại diện làng báo của cả 3 kỳ Nam Trung Bắc, trọng thể và đông đảo, diễn hành trên đường phố dưới dòng chữ vinh danh “Ông tổ của nghề báo” Việt Nam.

Xem tiểu truyện nghề nghiệp và thân thế của ông, Nguyễn Văn Vĩnh xứng đáng được dương danh như thế, vì ngay từ nhỏ, cho tới khi vỡ nợ vì tờ Nhật báo Annam Nouveau (1931-1934), ông đã tự học nghề báo, tự ra báo lấy, và gây dựng nên những tờ báo còn được nhắc nhở mãi trong lịch sử báo chí Việt Nam, không ngừng là một người sáng lập và canh tân báo chí đất nước. Nguyễn Văn Vĩnh từng làm chủ bút “Ðại Nam đăng cổ tùng báo” (Hà Nội, 1907) “Lục Tỉnh Tân văn” (Saigon, 1910), chủ trương tờ Notre Journal (1908-1909), xuất bản tờ Notre Revue (1910), chủ bút “Ðông Dương Tạp Chí” (1913) và Trung Bắc Tân Văn (1915). Năm 1919, ông mua lại “Trung Bắc Tân Văn” của một người Pháp và biến nó thành nhật báo. (2)

Nguyễn Văn Vĩnh sinh ngày 15 tháng 6 năm 1882, tại Hà Nội nhưng quê ở phủ Thường Tín, tỉnh Hà Ðông và qua đời vào ngày 2 tháng 5, năm 1936 nghe đâu trên một con thuyền độc mộc ở dòng sông Tchépone bên Lào vì bệnh sốt rét ác tính. Ông chết thế kể là quá trẻ, mà lại là một cái chết xa gia đình xa quê hương. Nhưng ông không bao giờ xa ngòi bút: ông vẫn viết bài từng kỳ trong loạt ký sự về những người mạo hiểm vào nơi ma thiêng nước độc như ông để tìm vàng và tương truyền trong thuyền vẫn còn tập giấy và cây bút ông đương dùng để viết loạt này khi ông lìa đời. Cho tới nay, chưa có một hay lẽ ra nhiều công trình nghiên cứu hẳn hòi về sự nghiệp lẫy lừng đa dạng của ông từ dịch thuật, báo chí cho đến xuất bản và sự vận động cho phong trào quốc văn. Nhưng đã có những cố gắng rất tốt đẹp mới đây của cả hậu duệ và giới chuyên môn Việt Nam nhắm đặt một chỗ ngồi xứng đáng hơn cho ông trên văn đàn, nhất là đã có một website cung cấp rất nhiều tư liệu giá trị và tin cậy về ông. Nhân ngày qua đời của ông cách đây gần 80 năm, chúng tôi xin được tưởng niệm “thủy tổ nhà báo xứ sở” Nguyễn Văn Vĩnh bằng một số tin tức góp lại từ nhiều tác giả kỳ cựu.

Tuần báo Ðông Tây viếng ông một câu đối hàm ý đó:“Chẳng quan mà quý, chẳng phú mà hào, giữa trời Nam gió thổi tung mây, gan óc dễ đâu vùi chín suối. Có lưỡi như cồng, có bút như thép, trong làng báo mở cờ khua trống, văn chương âu cũng đủ nghìn thu.”

Về mặt xuất bản, ông cùng một người Pháp là Vayrac thành lập nhà xuất bản Âu Tây Tư Tưởng (La pensée de l'Occident) in ấn và phát hành các sách do ông dịch thuật. Những nhan đề sau đây sẽ nhắc nhở cùng bạn đọc các công trình dịch thuật to lớn của vị tiền bối mà người viết bài này tin rằng không nhiều thì ít, chúng ta từng đã nghe nói đến, nếu không là đã đọc qua: Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ (dịch Les trois mousquetaires của Dumas, père), Mai Nương Lệ Cốt (dịch Manon Lescault của A. Prevost), Thơ Ngụ Ngôn La Fontaine (dịch Les Fables của La Fontaine), Những Kẻ Khốn Nạn (dịch Les Miserables của V. Hugo), Trưởng Giả Học Làm Sang, Kẻ Biển Lận, dịch Molière v.v... còn rất nhiều. Và Nguyễn Văn Vĩnh chính là người đầu tiên đã dịch Kim Vân Kiều của Nguyễn Du ra Pháp ngữ.

Trên hết thẩy, sự nghiệp làm báo, chứa đựng tâm huyết của ông qua những bài xã luận và dịch thuật, là một điều những người đi sau ông cần nghiên cứu kỹ. Ông đúng là một ký giả chuyên nghiệp và đầy lương tâm, đã từ chối những ân huệ của người Pháp để tranh đấu cho tổ quốc và lý tưởng của mình bằng ngòi bút. (Hai lần từ chối huân chương Bắc Ðẩu Bội Tinh của Pháp.) Như thế, ngay trong những ngày phôi thai của làng báo Việt ngữ, đã có người dám so sánh kẻ làm báo với “những nhà cách mạng.” Ðó là điều đáng cho giới hành nghề truyền thông ngẫm nghĩ, gần 80 năm sau khi ký giả Nguyễn Văn Vĩnh qua đời với loạt ký sự dở dang kia.

Trang đầu nguyên văn bài thơ của Thơ La Fontaine do Nguyễn Văn Vĩnh dịch, in trong cuốn sách xuất bản năm 1951 tại Hà Nội.

Ðể nhớ Nguyễn Văn Vĩnh, và nhớ thời còn nhi đồng, xin đọc vài lời thơ dịch của ông:

Con ve và con kiến

Ve sầu kêu ve ve,

Suốt mùa hè.

Ðến kỳ gió bấc thổi,

Nguồn cơn thật bối rối.

Một miếng cơm chẳng còn,

Ruồi bọ không một con.

Vác miệng chịu khúm núm

Sang chị Kiến hàng xóm,

Xin cùng chị cho vay,

Dăm ba hạt qua ngày.

“Từ nay sang tháng hạ,

Em lại xin đem trả.

Trước thu, thề Ðất Giời!

Xin đủ cả vốn lời.”

Chú thích:

1. Tờ Gia Ðịnh báo với giám đốc Trương Vĩnh Ký và chủ bút Huỳnh Tịnh Của, ra ngày 15 tháng 4, 1865.

2. Theo Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam Văn học sử Giản ước Tân biên-Tân học hiện đại 1862-1945.

Viên Linh

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art