Thứ Hai, 25 Tháng Sáu, 2012

Petrus Trương Vĩnh Ký, người đầu tiên phát huy nền văn học chữ quốc ngữ VN

PETRUS TRƯƠNG VĨNH KÝ NGƯỜI ĐẦU TIÊN PHÁT HUY NỀN VĂN HỌC CHỮ QUỐC NGỮ V. N.

 Đối với thế giới, vào cuối thế kỷ 19, sự nghiệp văn học vĩ đại của Petrus Trương Vĩnh Ký đã nâng ông lên địa vị nhà bác học, và được liệt vào sổ vàng của (18) mười tám nhà danh nhân thế giới (Dix Huit Sommites Culturelles et Scientifiques du Monde, 1873 - 1874). Riêng với dân tộc Việt Nam, ông đã chủ trương hòa hợp hai nền học thuật văn hóa Đông Tây. Ông có công phát huy nền văn học chữ quốc ngữ, một loại chữ mới, phổ thông hiện đại, để thay thế cho loại chữ Hán-Nôm. Cùng với công trình biên khảo trước tác của ông đã được các nhà phê bình văn học sử nước ta nhìn nhận, và ca ngợi như một ngôi sao sáng, trên vòm trời văn hóa Việt Nam. Ông còn được liệt vào“Thất Tinh Hội Đông Phương” mà tờ “Courier de Saigon” thời bấy giờ đã viết. Do đó, Ông rất xứng đáng được mọi người tôn kính và tưởng nhớ.

1- TIỂU SỬ: Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898) thường được gọi là PETRUS Ký, tự Sĩ Tải, sinh năm 1837, Đinh Dậu, vào năm Minh Mạng thứ 18, tại Cái Mong, xã Vĩnh Thành, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long (sau thuộc tỉnh Kiến Hòa, hay Bến Tre). Ông mất vào năm 1898, Mậu Tuất, vào năm Thành Thái thứ 9. Ông có tư chất rất thông minh, tinh thông Pháp văn, Hán văn, và nhiều thứ tiếng khác, tất cả 27 thứ ngôn ngữ và văn tự trên thế giới, vào cuối thế kỷ 19. Năm 1863, ông được cử làm thông ngôn trong sứ bộ Phan Thanh Giản, công cán tại Pháp. Sau đó, ông được bổ nhiệm giáo viên, rồi đến đốc học Trường Thông Ngôn (Collègge des Interprêtes). Sau đó, ông được bổ nhiệm giáo sư Trường Cai Trị (Collège des Stagières) tại Sàigòn. Năm 1886, Toàn Quyền Paul Bert triệu ông ra Huế sung vào Cơ Mật Viện, để giúp việc ngoại giao giữa chính phủ Pháp và Nam triều. Không lâu, ông về hưu tại Nam kỳ, để chuyên lo trước tác, và phổ biến chữ Quốc Ngữ, cho đến khi ông mất vào năm 1898.

2- VĂN NGHIỆP: Ông đã viết rất nhiều tác phẩm bằng chữ Nôm,Quốc Ngữ,và Pháp văn như sau:

-LOẠI SÁNG TÁC: 1-Chuyện Đời Xưa (1866), 2-Chuyến Đi Bắc Kỳ Năm Ất Hợi (1881), 3-Chuyện Khôi Hài (1882), 4-Bất Cượng Chớ Cượng Làm Chi(1882), 5-Phép Lịch Sự Của Người An Nam (1883), 6-Kiếp Phong Trần (1885), 7-Sách Dạy Quốc Ngữ, 8-Sách Dạy Chữ Nho, 9-Grammaire de la Langue Annamite(1883), 10-Petit Dictionnaire Francais - Annamite (1884), 11-Cours d'histoire Annamite (1875-1877), 12-Miscellanées (1888-1889),13-Voyage au Tonkin en 1876,....

-LOẠI DỊCH THUẬT: Dịch âm từ chữ Nôm ra chữ Quốc Ngữ: 14-Kim Vân Kiều (1875), 15-Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca (1875), 16-Gia Huấn Ca của Trần Hy Tăng (1882), 17-Nữ Tắc (1882), 18-Lục Súc Tranh Công (1887), 19-Phan Trần Truyện (1889), 20-Lục Vân Tiên Truyện (1889). Dịch sách chữ Nho gồm có: 21-Tam Tự Kinh (1887), 22-Đại Học(1889), 23-Trung Dung (1889), 24-Minh Tâm Bảo Giám (1891 - 1893).

3-GIỚI VĂN HỌC V.N. NHẬN ĐỊNH VỀ PETRUS KÝ:

 Theo Ông Ưng Hòe Nguyễn Văn Tố nhận định về PETRUS Ký: “-Sự nghiệp, thân thế của PETRUS Trương Vĩnh Ký có thể tóm lại bằng ba tiếng: -Bác Học, -Tâm Thuật, -Khiêm Tốn. “

 Riêng với nền văn chương chữ Quốc Ngữ, vai trò đặc biệt của PETRUS Ký đã được Linh Mục Thanh Lãng nhận định như sau: “-Với PETRUS Ký mới thật sự khai mở một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên văn xuôi. Vai trò “Khai đường mở lối “ của PETRUS Ký được giáo sư Phạm Thế Ngũ nói rõ hơn trong quyển “Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên” là đã đề xướng lên những công việc mà rồi nhóm Nam Phong ngoài Bắc tiếp tục như: phiên âm văn Nôm cũ, khảo cứu về văn hóa và chế độ nước nhà, sưu tầm những ca dao, tục ngữ, cổ tích của ta, dịch thuật ngoại văn ra quốc ngữ,.. “

 Trong quyển 1, “Nhà Văn Hiện Đại”, tái bản lần 3, tại Sàigòn, 1960, tác giả Vũ Ngọc Phan đã viết phê bình PETRUS Ký như sau: “-Như vậy khoảng 35 năm trời, Trương Vĩnh Ký đã cho ra đời biết bao nhiêu là sách, ấy là mới chỉ kể những quyển chính thôi. Mới đây, ông xuất bản những sách bằng chữ quốc ngữ, phiên dịch ở những sách chữ Nôm ra. Hồi đó ông cần phải xuất bản như thế, cốt dùng những truyện phổ thông làm lợi khí cho quốc ngữ được lan rộng trong dân gian, không như bây giờ chúng ta dùng quốc ngữ làm lợi khí để truyền bá tư tưởng và học thuật,...Nếu xét tất cả những sách rất khác nhau do Trương Vĩnh Ký biên tập, dịch thuật, sáng tác và xuất bản trong thời gian 1863 - 1898, người ta thấy rõ ông là một nhà bác học, có óc tổ chức và có phương pháp, chứ không còn phải là một nhà văn như những nhà văn khác.” Theo tác giả Vũ Đình Trác, trong quyển “Công Giáo Việt Nam Trong Truyền Thống Văn Hóa Dân Tộc” 1996, Orange County, California, đã viết về PETRUS Ký: “...-Ông xứng đáng là một chiến sĩ văn học đã đưa chữ Quốc Ngữ lên đài danh dự với một địa vị vững chắc. Ông dịch thuật và sáng tác thơ văn quốc ngữ để truyền bá học thuật, giáo dục và canh tân nếp sống của người dân. Văn tự quốc ngữ từ đây sẽ trở thành văn tự chính thức của Việt Nam, giúp dân ta đi vào quỹ đạo của văn tự thế giới.”

 Trong quyển “Trường PETRUS Ký Và Nền Giáo Dục Phổ Thông Việt Nam”, tác giả Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Nguyên Thứ Trưởng Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên trước 4/1975, và là Cựu Học Sinh, Cựu Giáo Sư, Cựu Hiệu Trưởng Trường PETRUS Ký, đã nhận định trong phần mở đầu về thân thế và sự nghiệp của PETRUS Trương Vĩnh Ký như sau:

 “... Nói đến PETRUS Trương Vĩnh Ký là phải nói đến vai trò “Khai Đường Mở Lối” của ông trên các địa hạt sau đây:

1-Dùng chữ Quốc Ngữ thay thế chữ Nôm và chữ Hán trong việc biên khảo trước tác.

2-Viết câu văn xuôi thay lối văn biền ngẫu của các nhà nho, và

3-Xây dựng nền học thuật mới tổng hợp văn hóa Á Đông và văn minh Tây phương thay thế nền học thuật cũ của Nho gia. PETRUS Ký đã hoàn tất mỹ mãn vai trò “Khai Đường Mở Lối” của ông nhờ ở sự gặp gỡ của những yếu tố đặc biệt nầy: Bản chất thông minh hiếu học của cá nhân ông, khả năng bẩm sinh về ngôn ngữ, môi trường học hỏi, và hoàn cảnh xã hội miền Nam Việt Nam hồi hạ bán thế kỷ thứ XIX. Tính hiếu học, khả năng bẩm sinh và môi trường học hỏi đã giúp ông có một quá trình học vấn và một vốn liếng kiến thức khác hẳn các nhà nho đương thời như Nguyễn Khuyến hay Trần Tế Xương chẳng hạn. Khi cái vốn hiểu biết đó được dùng để khảo cứu biên soạn và xuất bản thì hoàn cảnh xã hội bên ngoài đã trở nên vô cùng thuận tiện để giúp ông thành công tốt đẹp. Đây là lúc Pháp bắt đầu đô hộ miền Nam và đang bành trướng thế lực xâm lăng ra miền Bắc và miền Trung. Cùng lúc với sự thất trận và mất chủ quyền về phía triều đình Huế, nền học thuật cũng như sự ngự trị của nho gia trong xã hội cũ cũng hoàn toàn sụp đổ theo, trước hết là ở miền Nam vào cuối thế kỷ thứ XIX. Đó là điều kiện thuận tiện để xây dựng và phát triển nền học thuật mới. “

 Ngoài ra, trong phần kết luận của quyển “Trường PETRUS Ký và Nền Giáo Dục Phổ Thông Việt Nam”, Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm còn viết: “-Cuộc đời tận tụy làm việc cũng như công trình biên khảo qui mô phong phú của PETRUS Trương Vĩnh Ký đã cho thấy lý tưởng giáo dục và văn hóa của ông. Lý tưởng đó là đào tạo một lớp người mới có đủ những kiến thức khoa học và kỹ thuật của nền văn minh Âu Tây, đồng thời, cũng nắm vững những nguyên tắc đạo đức cổ truyền của Đông phương, vừa có tâm hồn khai phóng cởi mở vừa có tinh thần dân tộc vừa biết tôn trọng giá trị của con người dù bất cứ ở trong thời đại hay xã hội nào.

 Lý tưởng đó đã được thể hiện trong sự nghiệp văn chương của ông tiếp nối bởi hai tờ báo Đông Dương và Nam Phong tạp chí trong lãnh vực văn hóa. Trong địa hạt giáo dục, lý tưởng đó cũng đã được thể hiện trong chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam manh nha từ thời Pháp thuộc để phát triển và bành trướng mạnh mẽ từ Đệ Nhất qua Đệ Nhị Cộng Hòa.

 Trường trung học được cái vinh dự mang tên PETRUS Ký từ khi ra đời đã mang lý tưởng giáo dục đó biểu lộ trong hai câu đối của giáo sư Ưng Thiều ghi khắc trước cổng trường:

 “Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt,

 Tây Âu khoa học yếu minh tâm.”

 Từ ngày được thành lập cho đến khi bị đổi tên, trong suốt gần năm mươi (50) năm hoạt động, trường PETRUS Ký đã làm tròn sứ mạng giáo dục được giao phó, đã đóng tròn vai trò một định chế xã hội đối với quốc gia, đã đào tạo được không biết bao nhiêu nhân tài cho xứ sở, đã trở thành một trường trung học phổ thông nổi tiếng vào bậc nhất ở miền Nam Việt Nam “ ./.

Âu Vĩnh Hiền

Bài viết khác