Thứ Sáu, 15 Tháng Sáu, 2012

Kinh ngiệm Thơ và hành trình tinh thần của Hàn Mặc Tử

Nghệ thuật và đức tin
        Nhìn qua sự nghiệp hùng hậu vì đa dạng và phong phú của Hàn Mặc Tử, chúng ta đã thoáng thấy nhiều phương diện đáng chú ý của một hoạt động sáng tạo tràn trề. Nó thể hiện trong một vận động biện chứng qua đó thiên tài Hàn Mặc Tử tự khẳng định bằng cách tự vượt, lúc trải qua những chặng đường khổ nạn của đời mình.
        Chúng ta nên nhấn mạnh sự thân phân bi đát giữa một bên là những cám dỗ của nghệ thuật tự phong là thần linh sáng tạo1 khiến Hàn Mặc Tử sống như một nhà thơ và một bên là những yêu cầu cơ bản của đức tin đòi Hàn Mặc Tử sống như là tín hữu Công giáo.

        Bước đầu của một thi học mới

        Phong trào “thơ mới” biểu thị chân tướng thi ca Việt Nam hiện đại tự xác định bằng cách bỏ thi pháp truyền thống và tìm kiếm những hình thức vận-luật-học mới xét là thích nghi hơn với đà tiến của thơ, lôi cuốn thế hệ trẻ đến những chân trời mới. Bài thơ Tình già của Phan Khôi, công bố năm 1932, được kể là đại công trình đầu tiên của cuộc cách mạng văn học ấy.
        Hàn Mặc Tử chính thức gia nhập phong trào “thơ mới” năm 1936 với tập Gái quê. Nhưng trong những bài thơ thể cách cổ điển mà Hàn Mặc Tử đã sáng tác thuở thiếu niên và trong số có những bài làm trước bài Tình gia, chúng ta cảm nghiệm đã có mối rung động mới biểu thị chân tướng của những nhà canh tân thi học Việt Nam. Nhà thơ Quách Tấn tán thưởng nỗ lực đổi mới thi pháp truyền thống ấy và trở nên bạn thân của Hàn Mặc Tử. Chí sĩ Phan Bội Châu cũng tán thưởng, xem ba bài thơ cổ điển Thức khuya, Chùa hoang và Gái ở chùa của nhà văn trẻ tuổi ấy như là những tác phẩm thành công rực rỡ. Bài bát cú Thức khuya có song cú viện dẫn sau đây, vang vọng âm hưởng nhục – cảm đạp ý xiêu lòng:
“Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối,
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn”
        Giọng điệu cố tình táo bạo của phép nhân hóa càng nhấn mạnh thêm trong tập Gái quê, như đoạn thơ sau đây của bài Bẽn lẽn chứng tỏ:
“Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi.
Hoa lá ngây tình không muốn động, 
Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi!” (Câu 1-4)
        Đấy là một lối giải tỏa ẩn ức bằng ngôn từ, chứ không phải là văn chương kích dục. Được giáo dục từ thời thơ ấu theo những yêu cầu đạo đức học Công giáo, Hàn Mặc Tử sống khiết tịnh và giữ mình không sa ngã vào cảnh trụy lạc xác thân. Về vấn đề này, chúng ta có chứng từ của nhà văn Hoàng Trọng Miên từng sống chung với Hàn Mặc Tử thuở lưu ngụ Sài Gòn trong một thứ nhà trọ thiết trí ở tầng lầu căn nhà số 107 đường Espagne, nay là đường Lê Thánh Tôn. Trong bài Những ngày sống chung với Hàn Mặc Tử ở Sài Gòn2, Hoàng  Trọng Miên thuật rằng nhà thơ từ chối không hề tới lui các nhà gái điếm và cây liễu miêu tả trong bài thơ Bẽn lẽn chỉ là sự chuyển hóa nên thơ của cây me nhìn từ cửa sổ nhà trọ.
        Gái quê là một đóng góp thiết yếu vào thi học mới mà vẫn còn trung thành với phần sống động trong vận luật học cổ điển. Cái mới trong Gái quê là ở một thị hiếu nào đó nhuốm màu huyền nhiệm và hướng tâm vào những thực tại buồn thảm của đời sống. Về điểm này, xin viện dẫn bài thơ Tình quê mà thể cách cổ điển thích nghi cách tài tình với nỗi buồn nhớ quê hương và hoài niệm đau thương một mối tình thơ mộng dở dang (…).
        Khảo sát trong tập Gái quê vốn có quan hệ thân tộc với thơ cổ điển mà Hàn Mặc Tử sáng tác thuở mới bước vào đời thơ, chúng ta thấy toát ra một quan niệm thơ mà đặc trưng là lựa chọn những ảnh tượng gợi cảm và phối trí những yếu tố âm nhạc của ngôn ngữ không phải tuân theo quy tắc nghiêm nhặt của thi pháp cũ nhưng phải tùy thuộc cảm hứng đòi phải sản sinh ra một hình thức riêng biệt cho mỗi sáng tác.
        Với Gái quê, nhà thơ còn ở giai đoạn mà Kierkegaard gọi là “giai đoạn thẩm mỹ”, nghĩa là giai đoạn cảm giác thuần túy. Một thứ thỏa thích xu hướng lãng mạn không che dấu và xét ra cũng là thỏa thích chung cho các nhà thơ thế hệ Hàn Mặc Tử , đã không làm cho vũ trụ Gái quê linh hoạt theo đà hứng cảm huyền bí. Người tín hữu Công giáo sống đạo ấy mãi về sau mới trở nên nhà thơ Công giáo, sau khi đi trọn một đoạn đường đau thương và có một nhận thức do ân sủng thúc đẩy.

        Trong đêm tối đức tin

        Nhiều biến cố bi đát thử thách đức tin của nhà thơ. Một chứng bệnh nan y, một tuổi thanh xuân bị tước đoạt hết mọi hy vọng tươi đẹp nhất, viễn tưởng một cái chết gần kề, đó là những yếu  tố của một thực tại nghiệt ngã cấu thành môt chất liệu dồi dào cho trí tưởng tượng sáng tạo của nhà thơ. Ngỏ lời cùng nữ sĩ Mai Đình, một người trong đông đảo nữ nhân ái mộ mình, Hàn Mặc Tử đã thú nhận cơn điên dại và mối thất vọng của mình trong bài thơ Lưu luyến:
“Tôi điên tôi nói như người dại,
Van lạy không gian xóa những ngày…”
(câu 19-20 trong tập Đau thương)
        Lời thú nhận này là lời nhà thơ tự nhận định về thi học của tập Đau thương, một thi học đã trình bày trong bài thơ Rướm máu:
“Tôi muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta.
Bao nét chữ quay cuồng trong máu vọt
Cho mê man chết điếng cả làn da.
Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết,
Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh.
Đừng nắm lại nguồn thơ ta đang siết
Cả lòng ai trong mớ chữ rung rinh.
Ta đã ngâm hương  trăng đầy lỗ miệng
Cho ngây người tê dại đến tâm can, 
Thét chòm sao hoảng rơi vào đáy giếng
Và muôn năm rướm máu trong không gian(3)
        Xúc động biết bao khi nghĩ đến những cơn khủng hoảng đau thương trong đó nhà thơ chỉ có cái chết là niềm an ủi tối thượng. Bài thơ Những giọt lệ có một đoạn báng bổ lộng ngôn, xin viện dẫn ra đây:
“Trời hỡi! Bao giờ tôi chết đi?
Bao giờ tôi hết được yêu vì?
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tợ si? (câu 1-4)
        Muốn biết rõ tình thế bi đát trong đó nhà thơ đã nhận diện cái chết của chính mình, không phải với đức cậy của một người mang dấu ấn đức tin nhưng với những tiếng kêu than đoạn trường của nột kẻ phản kháng và những lời chiêu niệm ghê rợn của một bệnh nhân ảo giác, chúng ta hãy khảo sát bài thơ Trường tương tư. Nhan đề này là nhan đề một ca khúc Việt Nam truyền thống, nghe não nuột vì tiết điệu ai oán và nhắc nhở mối tuyệt vọng của thi hào Trung Quốc Bạch Cư Dị qua bài Trường hận ca. Đây Hàn Mặc Tử trong thị kiến về cái chết của chính mình:
“Một khối tình nức nở giữa âm u,
Một hồn đau rã lần theo hương khói,
Một bài thơ cháy tan trong nắng rọi,
Một lời run hoi hóp giữa không trung,
Cả niềm yêu ý nhớ, cả một vùng
Hóa thành vũng máu đào trong ác lặn.
Đấy là tất cả người anh tiêu tán,
Cùng trăng sao bàng bạc xứ Say Mơ.
Cùng tình em tha thiết như văn thơ
Ràng rịt mãi cho đến ngày tận thế”
(Câu 36-46 trong tập Đau thương: Mật đắng)
        Bài thơ Trường tương tư là chứng từ mối cám dỗ muốn xây dựng một vũ trụ thơ nhờ phép mầu nhiệm của những mối giao ứng theo Baudelaire, nhờ ngôn-hóa-thuật của Rimbaud(*) và nhất là nhờ ma thuật siêu thực của hoạt động sáng tạo. Hàn Mặc Tử dường như buông thả mình trong một thứ xuất thần tự nhiên, trạng thái thành tựu của sáng tạo nghệ thuật. Trong chừng mực nhà thơ thỏa thích chiều theo cơn cám dỗ muôn đời của người nghệ sĩ muốn tôn mình vào địa vị biện minh cho chính mình, nhiều bài thơ của Hàn Mặc Tử trở nên bí hiểm kín mít, thậm chí báng bổ lộng ngôn.

        Trong khoái lạc của hồn đau

        Những đau khổ mênh mông của nhà thơ nhập vào khuôn khổ nhiệm cục Thiên Chúa, đôi lúc ánh sáng  của nhiệm cục lóe sáng dưới thúc đẩy của ân sủng và gợi hứng cho nhà thơ sáng tác nhiều thi phẩm đậm chất huyền bí học tạo nên niềm xúc động.
        Ngay trong thời kỳ Thơ điên, nhà thơ đã có cơ hội tìm lại trọn vẹn trí sáng suốt và suy niệm mầu nhiệm Hiện diện khôn tả nên lời của Thiên Chúa. Trong bài thơ Đà lạt trăng mờ có một đoạn thấm nhuần tâm tình tín mộ tôn giáo, xin viện dẫn ra đây:
“Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hồ reo,
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để nghe Trời giải nghĩa yêu” (Câu 5-8 trong tập Đau thương: Hương thơm)
        Người ta có thể tin rằng ân sủng đã can thiệp lúc nhà thơ tự mình viết bài tựa toàn bộ tập Thơ điên. Trong bài tựa ấy nhà thơ ám chỉ Thiên Chúa trong lúc nói về “Nguồn Trong trẻo” và triều sóng hứng cảm cao dâng: “Ai nói vườn trăng là nói vườn mơ. Ai nói bến mộng là nói bến tình. Người thơ là khách lạ đi giữa Nguồn Trong trẻo.
        Trên đầu người là cao cả, vô biên và vô lượng; chung quanh người là mơn trớn với yêu đương vây phủ bởi trăm dây quyến luyến – làm bằng êm dịu, làm bằng thanh bai… Gió phương mô đẩy đưa người đến bờ xa lạ, đầy trinh khiết và thinh sắc. Người dừng lại để hái những lá tinh hoa.Người nín lặng để mà nghe những tiếng trăng reo vang vang như tiếng châu báu vỡ lở. À ra Người cũng dại dột hốt vàng rơi trong vạt áo.
        Trí Người đã dâng cao và thơ Người dâng cao hơn nữa. Thì ra Người đang say sưa đi trong mơ ước, trong huyền diệu, trong sáng láng và vượt hẳn ra ngoài hư linh…”
(Tựa Đau thương phần đầu)
        Đoạn trích dẫn trên đây chứa đựng những yếu tố thiết yếu của một thi học mới mà Hàn Mặc Tử có dịp bàn bạc dông dài hơn và giải bày tinh bạch hơn, chẳng hạn trong bài tựa tập Xuân như ý, bức thư gởi Hoàng Trọng Miên năm 1939 và những lời tâm sự ngỏ cùng Bùi Tuân là thân hữu.
Đó là một quan niệm thơ tôn giáo đánh dấu sự hòa giải nghệ thuật với đức tin và, thông qua quan niệm ấy, nhà thơ gặp lại luận đề nổi tiếng của linh mục Bremond về mối tương đồng giữa thơ và kinh cầu nguyện.
        Trong thi học ấy của Hàn Mặc Tử, chúng ta có thể phát hiện những gì nhà thơ vay mượn của các tác giả hằng yêu thích trong số phải kể Verlaine, Rimbaud, Péguy và Claudel(4). Nhưng tưởng nên nói nhiều về trận chiến tinh thần mà một khi kết thúc, Hàn Mặc Tử tiến vững hơn trong đức tin.
Bài thơ Đêm xuân cầu nguyện diễn tả cách nên thơ sự hòa nhập huyền bí học của linh hồn nhà thơ trong Chúa. Chính là “trong khoái lạc của hồn đau” mà nhà thơ ăn năn thống hối, thành thực hối tiếc đã làm mất lòng Chúa vì đã từng nghi ngờ, phản kháng và mê sảng trong cái mà chính nhà thơ gọi là Thơ điên:
“Tôi van lơn, thầm nguyện Chúa Giêsu
Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối
Xin thứ tha những câu thơ tội lỗi
Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng
Trong bao đêm xao xuyến vũng sông Hằng”
(Câu 27-31 trong tập Xuân như ý)

        Tuy nhiên chúng tôi muốn nêu rõ trong bản tuyên tín rực sáng ấy có một bóng mờ:
“Ta chắp hai tay, lạy quỳ hoan hảo,
Ngửa trông cao, cầu nguyện trắng không gian
Để vừa dâng vừa hiệp bốn mùa xuân
Nở một lượt giàu sang hơn Thượng Đế”
(Câu 13-16 Đêm xuân cầu nguyện trong tập thơ Xuân như ý)
        Sự cạnh tranh giữa “bốn mùa xuân” và Thượng Đế, dù là khả nghi, có vẻ vượt ra ngoài khung cảnh một từ hoa vô tội và trái lại chứng tỏ chiều hướng của Hàn Mặc Tử tự phụ về thiên chức thi nhân của mình.
Chính chiều hướng này xui khiến nhà thơ ứng xử như người ảo thị huyễn tưởng trong những bài thơ kết thành tập Thượng thanh khí. Một số bài thơ trong tập Xuân như ý có quan hệ thân tộc với tập Thượng thanh khí. Chiều hướng này càng rõ nét thêm trong hai kịch phẩm Duyên kỳ ngộ và Quần tiên hội. Các nhân vật và tác giả vận động trong một vũ trụ xem là bản chuyển tả Thiên đường Ki tô giáo theo cấu trúc ngoại giáo. Chúng tôi xin thưa không có kỳ vọng đưa ra lời phê phán nào về đức tin Hàn Mặc Tử. Đứng trên bình diện khu biệt của văn chương, chúng tôi chỉ ghi nhận giản đơn những trường hợp lo nghĩ muốn cho lối diễn tả nên thơ thêm đa dạng dường như có ưu thế hơn những yêu cầu cơ bản của đức tin.
        Với những điều cần lưu ý như thế, chúng ta có thể khẳng định rằng trận chiến tinh thần thử thách đức tin sống động của nhà thơ toát ra những yếu tố thiết yếu của một thi học được minh họa bằng những tác phẩm sáng tác theo nguồn cảm hứng công giáo.
Nhà thơ công giáo
Chúng ta đã thử chứng minh rằng thiên chức huyền bí học của Hàn Mặc Tử được khẳng định trong cuộc đời và thi nghiệp dù nhà thơ chịu nhiều ảnh hưởng khác nhau. Vấn đề còn lại là trình bày những phương diện chủ yếu của cái đã buộc chặt Hàn Mặc Tử với thiên chức của mình và xác định Hàn Mặc Tử có uy thế nhà thơ Công giáo.

        Nhà mỹ học

        Thơ Hàn Mặc Tử đòi hỏi một nền mỹ học siêu thoát. Có lúc nhà thơ cảm thấy ghê tởm những bài thơ điên của mình và hứa sẽ không bao giờ công bố. Xin viện dẫn sau đây một  đoạn trong bài thơ Cuối thu thuộc thành phần tập Thơ Điên nhưng lại đòi hỏi cần có thơ chân thực:
“Thu héo nấc thành những tiếng khô.
Một vì sao lạ mọc phương mô?
Sao Thơ chưa thấy ra đời nhỉ?
Trinh bạch ai chôn tận đáy mồ” (Câu 13-16 trong tập Đau thương: Mật đắng)
        Trong bài tựa Xuân như ý nhà thơ định giới thuyết cho quan niệm thơ của mình từ nay bành trướng theo chiều kích vũ trụ và sinh động bởi ân sủng bởi Thiên Chúa. Bài tựa kết thúc với lời mời gọi nguyện cầu:
“Hãy cầu nguyện bằng trăm kinh mây gió,
Hãy dâng cho một tràng chuỗi trăng sao”.
        Về thi học này, nhà thơ đã đưa ra lời bình luận có tính chất học thuyết trong một bức thư dài gởi năm 1939 cho Hoàng Trọng Miên, bạn thân của nhà thơ. Văn bản quan trọng này được công bố với nhiều bài văn xuôi khác của nhà thơ di cảo Chơi giữa mùa trăng. Đây là phần kết: “Cho nên tất cả thi sĩ ở trong đời phải quy tụ, phải khơi mạch thơ ở Đức Chúa Trời. Thi sĩ không phải là một người thường. Với một sứ mệnh của Trời, thi sĩ phải biết đem cái tài năng ra ca ngợi Đấng chí Tôn và làm cho người đời thấy rõ vẻ đẹp của thơ để đua nhau nhìn nhận và tận hưởng. Những thi sĩ nào không biết đem tài ứng dụng vào chỗ tốt đẹp thì sẽ bị Đức Chúa Trời lấy lại một cách nhãn tiền!
        Miên ơi, như thế thì Miên đã hiểu thế nào là quan niệm của Trí về thơ. Thơ là sự ham muốn vô biên những nguồn khoái lạc trong trắng của một cõi trời cách biệt. Câu này ăn ý với câu: Thơ là tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ cảnh chiêm bao, giải thích bằng hai mặt: lạc quan và bi quan.
Trí đã tóm tắt những điều đã nói. Có điều này nữa, Trí khác với Baudelaire. Baudelaire nói: Thơ văn không thể dung hòa với khoa học hay luân lý và thơ văn không thể lấy chân lý làm chủ đích được, thơ chỉ là thơ (La poésie ne peut sous peine de mort ou de déchéance s’assimiler à la science ou à la morale. Elle n’a pas la Vérité pour objet, elle n’a qu’elle-même)(5). Baudelaire nói trái nghịch với lẽ tự nhiên. Sở dĩ thơ văn được phong phú dồi dào, phát triển hết cả anh hoa huyền bí, và vượt lên những tầng biên giới tânkỳ, mới lạ cũng là nhờ khoa học điểm chuyết cả. Còn luân lý là tiêu chuẩn cho văn thơ, không có nó thì thơ văn chẳng còn ra cái mùi mẫn gì nữa. Nếu để trơ trọi một mình, thơ sẽ lạt lẽo, vô duyên, không còn phong vị gì nữa. Baudelaire thuộc phái vô thần, nên không tin có Chân lý, không nhìn nhận Chân lý làm tiêu chuẩn cho văn thơ. Còn Trí phải lấy Đức Chúa Trời làm Chân lý, làm tiêu chuẩn cho văn thơ. Văn thơ không phải bởi không mà có”.
        Chúng ta hãy bổ sung phần trình bày này bằng những lời nhà thơ tâm sự cùng bạn thân Bùi Tuân. Trong bài của Bùi Tuân đã nêu trên, chúng ta hãy trích dẫn sau đây lời nhà thơ:  “Tôi dự định (lời Hàn Mặc Tử) viết ra nhiều tập thơ về tôn giáo. Trong thi giới nước ta chưa ai nghĩ đến việc đem truyện Sinh nhựt, truyện Phục sinh để làm thi đề. Đó là những tài liệu không còn gì thú vị bằng.
… Bao giờ tôi cảm thấy mình đau đớn, trong xác thịt và trong tâm hồn, và nhất là tôi thấy mình bình tĩnh trong sạch thì mới làm ra được những bài thơ đạo hạnh. Không phải lúc nào mình cũng làm được lối thơ ấy”(6).

        Người tín hữu

        Những nhận định có tính chất lý thuyết trên đây, phát biểu trong các thời kỳ khác nhau, đặt cho Hàn Mặc Tử một vấn đề nan giải, đó là dung hòa trong một tổng hợp để hòa điệu những yêu cầu của đời sống tôn giáo với những đòi hỏi của công trình sáng tạo nghệ thuật. Vốn xem thường những dễ dãi của lối thơ khuyến thiện, nhà thơ luôn luôn là nghệ sĩ tinh tế đồng thời vẫn là tín hữu lo lắng phát huy đức tin.
        Mầu nhiệm Tình yêu Thiên Chúa mời gọi nhà thơ tĩnh tâm và cầu nguyện. Trong bài Say thơ, đặc sắc vì đã hứng cảm huyền bí, có mấy câu diễn tả trung thực những rung động của linh hồn nhà thơ tiếp xúc với mầu nhiệm Thánh thể, xin viện dẫn sau đây:
“Đây là tất cả, hỡi ôi, Mình Thánh Chúa,
Của tế lễ là nguồn thương chan chứa
Đáng trọng thiên và rất đáng mong ơn.
Ly tao rằng đàn ngọc cũng đeo đờn
Bởi đạo hạnh rung muôn dây tình cảm” (Câu 40-44 trong tập Xuân như ý)
        Thi học Hàn Mặc Tử có chiều hướng cấu thành huyền bí học. Sinh động bởi Tình yêu Thiên Chúa, sốt sắng bởi đức cậy trông, nhà thơ triển nở theo đà tiến của đức tin và xác định những viễn tưởng tốt đẹp của hoạt động sáng tạo mà nhà thơ quan niệm như một sứ vụ tông đồ trong đoạn cuối bài thơ Nguồn thơm:
“Đây thi sĩ của đạo quân Thánh giá
Nửa đêm nay vùng dậy để tung hô,
Để sớt cho cả xuân xuân thiên hạ
Hương mến yêu là lộc của lời thơ” (Câu 29-32 trong tập Xuân như ý)
        Nhà thơ tô đậm nét mùa xuân, mùa nhắc nhở cho nhà thơ nhớ đã đổi mới thi học lấy đức tin làm trung tâm điểm. Nhà thơ ngợi ca sự hiện diện sáng tạo của Thần ngôn Thiên Chúa(*) trong bài thơ Ra đời trong đó gợi tả mầu nhiệm sáng thế và sự sinh thành thơ mình:
“Cả trời bỗng nổi lên muôn điệu nhạc
Rất trọng vọng, rất thơm tho man mác,
Rất phương phi trên hết cả anh hoa.
Xuân ra đời…
Điềm ngọc ấm hơi ngà,
Thơ có tuổi và chiêm bao có tích” (Câu 16-20 trong tập Xuân như ý)
        Những âm hưởng huyền bí học của bài thơ Ra đời phát sinh từ một lối chú giải nên thơ – chứ không phải lối chú giải chính thống của Giáo hội – về những dữ kiện Thánh Kinh học. Đừng nên trách cứ nhà thơ phạm tội lầm lạc, nếu quả có lầm lạc. Nhà chú giải thận trọng nhường bước cho nghệ sĩ thị kiến dẫu sao vẫn đồng thời là một tín hữu nhiệt thành. Hàn Mặc Tử đặc biệt thích diễn tả nhiệt tín tôn giáo bằng những ảnh tượng khêu gợi có tầm cỡ linh đạo vượt qua ý nghĩa trực tiếp gần kề.

        Ca nhân của lòng sùng kính Đức Maria
        Trong viễn tượng ấy cũng nên khảo sát những bài thơ Hàn Mặc Tử sáng tác theo hứng cảm về Đức Maria. Những tước hiệu khác nhau tôn vinh Thánh nữ Đồng trinh được đề cập trong nhiều cơ hội. Những câu thơ sau đây, trích từ bài Nguồn thơm, là lời tạ ơn Đức Mẹ hằng Cứu giúp:
“Toan ngất đi trong cơn mê khoái lạc,
Mẹ dấu yêu liền vội đến tay nâng…”
(Câu 26-27)
        Về phần bài thơ Say thơ thì nêu vị thế Đức Mân-Côi(*) trong nhiệm cục Thiên Chúa: 
“Trăng tờ mờ một trời thơ sớm nở
Bao Hoa hồng mầu nhiệm Nữ vương xưa”
(Câu 21-22)
        Nhưng chính trong bài thơ Ave Maria Hàn Mặc Tử mới tiết lộ tầm cỡ huyền bí học của tư tưởng và của tính tượng trưng phong phú của nghệ thuật. Bài thơ trường thiên này chứng tỏ Hàn Mặc Tử có hơi thơ dạt dào phong phú. Được nhiều nhà phê bình văn học thuộc nhiều gia đình công giáo hay tinh thần khác nhau xem là một kiệt tác, bài Ave Maria đánh dấu một chặng quan trọng trong hành trình tinh thần của tác giả. Bài thơ này bắt đầu với một thị kiến Thánh Kinh học về Ân sủng, tiến về phía trước theo đường lối sùng kính Đức Maria và kết thúc với một bản tuyên xưng đức tin và đức cậy:
“Như song lộc triều nguyên: ơn phước cả
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng.
Thơm tho bay cho đến cõi Thiên đàng
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể.
Và Tổng lãnh Thiên thần quỳ lạy mẹ,
Tung hô câu đường hạ ngớp châu sa.
Hương xông lên lời ca ngợi sum hòa
Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh.
Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh,
Run như run thần tử thấy long nhan,
Run như run hơi thở chạm tơ vàng
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến”
(Câu 1-12 trong tập Xuân như ý)
        Chúng ta đứng trước sự mạc khải khôn tả nên lời về cái mà nhà thơ cảm nghiệm toàn vẹn, trên ngưỡng cửa tình yêu muôn đời mời gọi nhà thơ phó thác trong hiệp –thông huyền nhiệm.

        Nhà cách tân ngôn ngữ thơ

        Chứng từ cao đẹp tuyệt vời ấy là bí mật bất khả xâm phạm của một linh hồn. Sự tiếp cận văn học, dẫu là thấu tình đạt lý, cũng không thể khám phá nhiều hơn nữa nội dung tinh thần. Tuy nhiên chúng ta vẫn còn có thể nghiên cứu lối diễn tả nên thơ của nội dung ấy, chiếu theo “lệ luật thâm sâu và mầu nhiệm của ngôn ngữ vố thiết lập mối liên hệ giữa điều thuộc về tinh thần đã trực tiếp cảm nghiệm và hình thức mà chúng ta phủ lên điều ấy” theo một nhận xét chí lý của Daniel Rops viết trong sách Où passent les Anges(7).
        Ngôn ngữ thơ do Hàn Mặc Tử đào luyện có vẻ đặc sắc vì sự lựa chọn tài tình các từ ngữ hòa điệu và thú vị, vì ma thuật gợi tả những ảnh tượng dẫn khởi, vì tính đa dạng của những hình thức vạn-luật-học thích ứng với đà nhiệt tình cảm hứng, vì tài chế ngự thể thơ tám chữ vốn là sự đóng góp thiết yếu của phong trào “thơ mới”, nói tắt lại, vì những phương thế vận dụng cách thiên tài của một nghệ thuật phong phú.
        Trong khuôn khổ công trình nghiên cứu này chúng tôi chỉ muốn làm nổi bật phần đóng góp của Hàn Mặc Tử vào việc chế định một ngôn ngữ thơ thích nghi với cảm hứng Công giáo.
Tôn trọng toàn vẹn các chân lý măc khải của đạo Công giáo, tìm cách diễn tả các chân lý ấy theo tinh thần của tư tưởng và ngôn ngữ Việt Nam, đó là một công việc bao la phát sinh nhiều  tổng-hợp-đề lạ lùng, xét ra đã được Giáo hội Công giáo khuyến khích vì lẽ cần phải hội nhập các giá trị Ki tô giáo trong bối cảnh văn hóa của mỗi dân tộc.
        Hàn Mặc Tử không chối bỏ những phương thế truyền thống của tiếng Việt, trái lại đổi mới những phương thế ấy theo yêu cầu của đức tin. Trong bài thơ Ave Maria, câu đầu tiên ám chỉ thánh vịnh số 42-43, câu số 2:
“Như song lộc triều nguyên: ơn phước cả”  (Hàn Mặc Tử)
“Như một con nai khát khao nguồn suối,
Hồn con khao khát tìm Chúa, Chúa ơi!” (Thánh Vịnh)(8)
        Trong lúc lấy cảm hứng từ một biểu tượng Thánh Kinh học, nhà thơ sáng chế một từ ngữ vô cùng gọn nghĩa: Song lộc triều nguyên (Hai con nai chầu ngọn suối). Xin lưu ý rằng nhà thơ nói đến hai con nai, có lẽ vì thị hiếu đối xứng, xét ra rất được hoan nghênh trong văn học truyền thống. Đó là một từ ngữ đồng cấu trúc với từ ngữ lưỡng long triều nguyệt (Hai con rồng chầu mặt trăng), tả một kiểu thức trang trí theo cảm hứng thần thoại, kiểu thức đặt trưng mái chùa, miếu Lão giáo và đình làng. Xin mách trong hai dấu ngoặc đơn rằng nhà thơ Quách Tấn tưởng có thể xác định nguồn suối và hai con nai mà Hàn Mặc Tử đề cập tương ứng với Tam Vị Nhất Thể?(9)
        Hàn Mặc Tử vui lòng sử dụng một số từ ngữ của Kinh điển Phật giáo đã đi vào ngôn ngữ thông dụng. Từ ngữ ba ngàn thế giới dùng trong bài Ave Maria và nhiều từ ngữ khác gốc Phật giáo được dùng theo mục đích thuần tuý văn chương, không hề mâu thuẩn với văn mạch Công giáo.
Từ ngữ Phượng Trì lặp lại bốn lần trong bài Ave Maria là một sáng chế thật tài tình, đáng bàn luận nhiều hơn. Theo nghĩa mặt chữ, Phượng là chim phượng, còn Trì có nghĩa tương đương như ao hồ (…).
        Xin nhắc lại rằng trong vạn-thần-miếu Lão giáo có nữ thần Tây Vương Mẫu có lần hiện ra ở Dao trì (Dao là ngọc bích, trì là ao hồ). Dường như Dao Trì là nguồn gốc từ Phượng Trì. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn có ghi nhận hồ Phượng Trì ở Hà Nội về phía hữu Quốc tử giám thời xưa(10). Nhưng Hàn Mặc Tử không uyên bác về địa danh học như giáo sư Hoàng Xuân Hãn, chúng ta có thể nghĩ rằng nhà thơ chấp nhận từ Phượng Trì vì những lý do ngữ âm học và ngữ nghĩa học.
        Quả vậy, với thanh dấu nặng trong Phượng và thanh dấu huyền trong Trì, Phượng Trì cấu thành hai nốt nhạc trầm có một sức thần chú mạnh hơn Dao trì. Từ ngữ này chỉ có một nốt nhạc trầm do thanh dấu huyền trong trì, còn Dao là tiếng không có dấu giọng như chúng ta biết.
        Đàng khác, nhà thơ không muốn dừng lại lâu hơn nữa trong vạn-thần-miêu Lão giáo. Hình ảnh nữ thần Tây Vương Mẫu phải nhường chỗ cho sự hiện diện quang vinh của Thánh nữ đồng trinh. Sắc màu lạnh lẽo của ngọc dao không thích hợp với vẻ kiều lệ của Đức Maria, gợi tả đầy đủ hơn bởi vẻ huy hoàng rực rỡ của chim phượng. Nên lưu ý rằng cảnh tung cánh uy nghi của linh điểu huyền thoại này khiến nghĩ đến cảnh thơ vươn lên cách diệu kỳ đề cập trong câu thơ tiếp theo câu cấu tạo bằng từ ngữ Phượng Trì lặp lại bốn lần. Thêm vào cách chú giải này mà một số chi tiết vay mượn của nhà thơ Quách Tấn(11), có một luận cứ quyết liệt về thần học. Bộ lông vàng ánh của chim gợi nhớ áo choàng kim tuyến của vị công chúa trong Thánh vịnh số 44, câu 14, qua đó Thánh nữ Đồng trinh được tôn vinh:
“Trong trang phục toàn thân đầy vinh hiển
Công chúa đến, phủ áo choàng kim tuyến”
        Ông Phan Xuân Sanh(12) đã ghi nhận có nhiều từ gốc Phật giáo trong nhiều bài thơ của Hàn Mặc Tử và tưởng là có thể kết luận rằng nhà thơ chịu ảnh hưởng sâu xa của Phật giáo. Chống lại kết luận ấy, một kết luận dường như nghi ngờ đức tin của Hàn Mặc Tử, chúng tôi, trái lại, xác tín rằng nhà thơ chỉ muốn làm cho ngôn ngữ thơ mình phong phú thêm bằng những vay mượn nhiều nguồn khác nhau đồng thời thận trọng trong đổi mới những vay mượn ấy theo yêu cầu của đức tin. Làm như vậy, nhà thơ vẫn trung thành với những phương pháp chế định danh từ và văn học Công giáo ở Việt Nam, đó là những phương pháp làm giàu kho tàng văn hóa của Giáo hội Công giáo bằng những đóng góp riêng biệt của Việt Nam. Những phương pháp ấy đã đem lại kết quả tốt trong đó nên kể rằng tư tưởng và ngôn ngữ Việt Nam đã trở nên phong phú và có khả năng, kể từ Hàn Mặc Tử, đảm trách việc truyền đạt tính cao trọng và chất thơ của sứ điệp Phúc Âm.

        Kết luận
        Nói về “quyền hành của nhà thơ trên ngôn ngữ, Valéry nhấn mạnh nhận xét này: “Muốn tác động bằng ngôn ngữ, nhà thơ tác động trên ngôn ngữ”(13). Ứng dụng công thức của Valéry, chúng ta có thể nói Hàn Mặc Tử đã thành công trong việc thích nghi những khả năng của tiếng Việt với những yêu cầu của cảm hứng  Công giáo và việc sáng chế một ngôn ngữ thơ mang dấu ấn bất hủ của một nhà thơ thiên tài.
        Hàn Mặc Tử đã biết ứng đáp tiếng gọi không cản trở và không gì lay chuyển của Thiên Chúa, ấy là tiếng luôn luôn mời gọi chúng ta vượt lên cao:
“Thượng thanh khí tiết ra nguồn tinh khí
Xa xôi đời, trăng mọc nước Huyền vi.
Đây Miên trường, đây Vĩnh cửu, Tề phi”.
(Câu 1-3 bài Sao, Vàng Sao(14) trong tập Thượng thanh khí)

        Quả thật vậy trong suốt hành trình khổ nạn đau thương của Hàn Mặc Tử, thi học của nhà thơ dao động giữa trọng lực và Ân sủng. Nhưng thoát khỏi tâm tình phản kháng sinh ra vì đau khổ, Hàn Mặc Tử đã vươn lên cao ngang tầm Ân sủng: Ân sủng định hướng cho hoạt động sáng tạo của nhà thơ trên đường tìm cái đẹp và lạc phúc hằng hữu.

(Tự dịch nguyên tác bằng tiếng Pháp (1972) từ trang 576 đến trang 593)


CHÚ THÍCH
1 Dịch từ ngữ  art démiurgique: tính từ này gấc danh từ démiurge (Hy lạp: démiourgos) tên thần linh sáng tạo trong triết học Platon.
2 Hoàng Trọng Miên: Những ngày sống chung với Hàn Mặc Tử (tác gỉa viết mặc) ở Sài Gòn, đăng tạp chí Văn (Sài Gòn) số 73-74, ngày 7-11-1967, tr.13-20. Về số nhà trọ, tác giả nhớ là 162, nếu vậy thì không thể nhìn qua cửa sổ mà thấy “Những cành me xanh mướt lả ngọn… kế cận Khám lớn Sài Gòn”. Chúng tôi điều chỉnh là số 107 theo Trần Thanh Mại, Hàn Mặc Tử, NXB Huế, 1941, tr. 44).
(3) Trong bài in năm 1972, thiếu các câu 9-12 của bài Rướm máu.
(4) Trong bài in năm 1972, in thiếu tên Rimbaud.
(5) Hàn Mặc Tử dẫn theo trí nhớ nên nguyên văn là défaillance mà viết là déchéance. Xin xem nguyên văn trong Notices Sur Edgar Poe của Baudelaire, dẫn trong L’An Poétique do Jacques Charpier và Pierre Seghers biên soạn, NXB Seghers, Paris, 1956, tr. 321-323. Hàn Mặc Tử không dịch về sous pecine de mort ou de défaillance, và dịch s’assimiler là dung hòa, sát nghĩa hơn là đồng hóa.
(6) Bùi Tuân. Nữa đêm đi tìm Hàn Mặc Tử, đăng nguyệt san Vinh sơn (Huế) số 22, ngày 1-2-1951, tr.7.
(7) “La profonde et mystérieuse loi du langage qui établit un lien entre le donne spirituel et la forme don’t nous le revetons” trong Daniel Rops, òu passent les Anges, NXB Plon, Paris, 1947.
(8) Việt dịch của Võ Long Tê.
(9) Trường Xuyên (Quách Tấn). Bàn qua đôi điểm về bài Thánh nữ  đồng trinh Maria (Nhan đề đúng là Ave Maria nghĩa là Kính mừng Maria) của Hàn Mặc Tử (Trường Xuyên viết Mặc thay vì Mạc), đăng nguyệt san Lành mạnh (Huế) số 38, ngày 1-11-1959, tr. 13: Như song lộc triều nguyên: ơn phước cả” là ý Tử nói:”Ơn đức Thánh nữ đồng trinh ban xuống cho Tử cũng cao cả, như ơn phước cả Ba Ngôi ban xuống cho Thế gian”.
(10) Hoàng Xuân Hãn (hiệu đính và chú giải). Bích câu kỳ ngộ, Huế, Nxb Đại học, 1964. Hoàng Xuân Hãn có phiên dịch nguyên tác Hán văn Bích câu kỳ ngộ ký của Đăng Trần Côn. Chính Đăng Trần Côn đã có một chú giải mà Hoàng Xuân Hãn dịch như sau: “Ở mé hữu Quốc tử giám có một ao, hình cánh phượng; người ta gọi là Phượng Trì. Nay gọi là hồ Tú uyên” (sđd, tr. 91).
(11) Xem chú số 9 trên đây.
(12) Phan Xuân Sanh. Ảnh hưởng Phật giáo trong thi ca Việt Nam, đăng tạp chí Đại học số 9, năm 1959.
(13) Paul Valéry, Pièces sur l’art, Paris, Nxb Gallimard, Paris, tr. 49; “Pour agir par le langage, il (le poète) agit sur le langage”.
(14) Nhan đề theo đúng thủ cảo của Hàn Mặc Tử tặng cô Hoàng Thị Kim Cúc (1913-1988), mà chúng tôi đã trực tiếp tham khảo. Bài này được phổ biến dưới nhan đề “Đừng cho lòng bay xa” trong nhiều sách trước đây và bản in 1972 của chúng tôi. Nay xin đính chính.

TRÍCH TUYỂN THƠ


RA ĐỜI

Một chiều xanh, một chiều xanh huyền hoặc, 

Sáng bao la vây lút cõi thiên không.
Xuất thế gian  chưa có tại trong lòng,
Muôn ý tứ say chìm nơi bất giác.
Hương cám dỗ mê người trong khoái lạc.
A! A! A!
Thiên địa đắm hoang mang…
Là đương khi thờ lạy cả thiên đàng.
Bay những tiếng tung hô thánh đức,
Muôn thần phẩm trong lâng lâng chầu chực,
Ánh hào quang chan chói ngất lưu ly.
Ôi cao sang khôn vỉ, trọng ai bì…
Trên nước cả có vô vàn châu báu,
Trí rất ngớp, bởi chưng xuân hồn hậu
Đã ra đời theo lệnh của Ngôi Hai…
Ôi! Thánh tai, thánh tai và thánh tai 
Cả trời bổng nổi lên muôn điệu nhạc
Rất trọng vọng, rất thơm tho man mác,
Rất phương phi  , trên hết cả anh hoa.
Xuân ra đời…
    Điềm ngọc ấn như ngà,
Thơ có tuổi và chiêm bao có tích, 
Và tâm tư có một điều rất thích,
Không nói ra vì sợ bớt say sưa!
“Chàng ơi!  Chàng ơi!, sự lạ đêm qua!
Mùa xuân tới mà không ai biết cả…”

ĐÊM XUÂN CẦU NGUYỆN
            Tặng cả và thiên hạ

Trời hôm nay bình an như nguyệt bạch,

Đường trăng xa, ánh sáng tuyệt vời bay…
Đây là hương qúy trọng thấm trong mây
Ngời phép lạ của đức tin kiều diễm :
Câu tán tạ khong khen long cả phiếm:
Bút Xuân Thu  mùa nhạc đến vừa khi
Khắp mười phương điều lạ trổ hoài nghi:
Cây bằng gấm và lòng sông toàn ngọc;
Và đầu hôm một vì sao liền mọc
Ở phương Nam mầu nhiệm biết ngần mô!
Vì muôn kinh dồn dập cõi thơm tho
Thêm nghĩa lý sáng trưng như thất bảo.
Ta chắp hai tay quỳ lạy hoan hảo,
Ngửa trông cao cầu nguyện trắng không gian   
Để vừa dâng, vừa hiệp bốn mùa xuân
Nở một lượt giàu sang hơn Thượng Đế
Đã no nê, đã bưa rồi thế hệ
Của phường trai mê mẫn khí thanh cao;
Phượng hoàng bay trong một tối trăng sao
Mà ánh sáng không còn khiêm nhượng nữa.
Đương cầu xin, ọc thơ ra dường sữa,
Ta ngất đi trong khoái lạc của hồn đau
Trên chín tầng diêu động cả trân châu
Dường sống lại muôn vàn hoa phẩm tiết.
Nhịp sóng đôi: này đây cung cầm nguyệt  
Ướp lời thơ thành phước lộc của đường tu.
Tôi van lơn, thầm nguyện Chúa Giêsu
Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối,
Xin tha thứ những câu thơ tội lỗi
Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng:
Trong bao đêm xao xuyến vũng sông Hằng.

NGUỒN THƠM

Trí đang no và khí xuân đương khỏe,

Nhạc đương say và rượu vẫn còn thơm,
Nên muôn cánh thủy tiên chưa dám hé
Trong phút giây trang trọng của linh hồn.
Tiếng pháo đi: bao nhiêu kinh cầu nguyện
Đều dâng lên cho đến chín tầng mây.
Hơi xuân ấm mỹ vì hơn dạ yến,
Ta đem ươm trong ý vị đêm nay.
Ta cho ra một dòng thơ rất mát,
Mới tinh khôi và thanh sạch bằng hương.
Trời như hớp phải hơi men ngan ngát,
Đắm muôn ngôi tinh lạc xuống mười phương.
Cả trời bỗng diêu diêu như báu vỡ:
Nên tiếng vang thầm dội đến thâm tâm,
Mà ta ngỡ đấng Tiên tri muôn thuở
Giữa đêm nay còn đứng giảng Phúc Âm.
Tứ thời xuân! Tứ thời xuân non nước!
Phút thiêng liêng nhuần gội áng thiều quang,
Thiên hạ bình và trời tuôn ơn phước
Như triều thiên vờn lượn khắp không gian.
Ta há miệng cho nguồn thơm trào vọt:
Đường thơ bay sáng láng như sao sa…
Trên lụa trắng mười hai hàng chữ ngọc
Thêu như thêu rồng phượng kết tinh hoa.
Ta cao ngâm giọng vô cùng thanh thoát
Khiến châu thân rung động thề tơ trăng.
Toan ngất đi trong cơn mê khoái lạc
Mẹ dấu yêu liền vội đến tay nâng…
- “Đây thi sĩ của đạo quân Thánh giá,
Nữa đêm nay vùng dậy để tung hô,
Để sớt cho cả xuân xuân thiên hạ
Hương mến yêu là lộc của lời thơ”.

ĐIỀM LA

Đức tin thơm hơn ngọc

Thơ bay rồi thơ bay…
Mau gò giai âm lại
Sớt bớt nghĩa đương say
Có tin thôn xa đến.
Có điềm lạ đêm nay:
Đóng cửa mười phương lại
Dồn ánh sáng vào đây
Ngoài không gian rất mát
Chim thanh tước ra đời
Nêu cao hơn tiếng nhạc
Mùa hát sẽ xanh tươi
Năm nay tôi thương tuổi,
Sai hẹn với người xa
Năm nay xuân nhắc mãi
Nước mắt liền ứa ra.

XUÂN ĐẦU TIÊN


Mai sáng mai, trời cao rộng quá

Gió căng hơi và nhạc lên mây
Đôi lòng cũng ấm như xuân ấm
Chỉ có áo xuân trắng trẻo thay!
Mai này thiên địa mới tinh khôi
Gió căng hơi và nhạc lên trời
Chim khuyên hót tiếng đầu tiên hết
Hoa lá hồ nghi sự lạ đời
Trái cây bằng ngọc vỏ bằng gấm
Còn mặt trời kia tợ khối vàng
Có người trai mới in như nguyệt
Gió căng hơi và nhạc lên ngàn
Thuở ấy càn khôn mới dựng nên
Mùa thơ chưa gặt tốt tươi lên
Người thơ phong vận như thơ ấy
Nào đã ra đời ngọc biết tên
Xuân gấm đầu tiên giữa cõi đời
Mùi thơm ngây dại sóng con ngươi
Hãy hoan hô lời cao như sấm
- Vạn tuế , bay ơi! Nắng rợp trời!
(Người mới số 23-22-1940)

THÁNH NỮ ĐỒNG TRINH MARIA

Như song lộc triều nguyên  ơn phước cả

Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng
Thơm tho bay cho đến cõi Thiên Đàng
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể
Và Tổng lãnh Thiên thần quỳ lạy Mẹ
Tung hô câu đường hạ ngớp châu sa
Hương xông lên lời ngợi ca sum hòa
Trí miêu duệ  của muôn vì rất thánh.
Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh!
Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng…
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.
Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi.
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Con lâm lụy vừa trải qua dưới thế
Tôi cảm động rưng rưng hai hàng lệ:
Giọng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ l 
Bút tôi reo như châu ngọc đền vua
Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị…
Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí, 
Và trong tay nắm một nạm hào quang…
Tôi no rồi, ơn võ lộ hòa chan
Tấu lạy Bà, Bà rất nhiều phép lạ
Ngọc như ý vô tri còn biết cả
Huống chi tôi là Thánh thể kết tinh
Tôi ưa nhìn Bắc Đẩu rạng bình minh
Chiếu cùng hết ba ngàn thế giới…
Sáng nhiều quá cho thanh âm vời vợi,
Thơm dường bao cho miệng lưỡi khong khen
Hỡi sứ thần Thiên Chúa Gabriel.
Khi người xuống truyền tin cho Thánh nữ,
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú?
Người có nghe náo động cả muôn trời?
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng,-bằng hoa hương sáng láng
Bằng tràng hạt, bằng sao Mai chiếu rạng
Một đêm xuân là rất đỗi anh linh?
Đây rồi! Đây rồi! Chuỗi ngọc vàng kinh
Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý,
Trượng phu lời và Tông đồ triết lý.
Là Nguồn trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh.
Là Nguồn Đau chầu lụy Nữ Đồng Trinh…
Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp.
Khói nghiêm trang sẽ dâng lên tràn ngập
Cả Hàn Giang, cả màu sắc thiên không
Lút trí khôn, và ám ảnh hương lòng
Cho sốt sắng, cho đê mê nguyện ước…
Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước,
Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm,
Thơ trong trắng như một khối băng tâm
Luôn luôn reo trong hồn, trong mạch máu!
Cho vỡ lỡ cả muôn ngàn tinh đầu,
Cho đê mê âm nhạc và thanh hưong.
Chim hay tên ngọc, đá biết tuổi vàng.
Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ
Sẽ ngây ngất bởi chưng thơ đầy ý
Nguồn thiêng liêng yêu chuộng MẸ SẦU BI.
Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! 
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu,
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang?

Võ Long Tê

Bài viết khác