Chủ Nhật, 24 Tháng Sáu, 2012

Vũ Anh Khanh

VŨ ANH KHANH, Nhà Văn Đầu Tiên Chống Lại Cộng Sản Việt Nam

 Vũ Anh Khanh và Xuân Vũ là hai người bạn chí thân trong văn chương và quãng đời dấn thân chống Pháp cứu nước suốt chín năm máu lửa 1945-1954, khi thực dân trở lại giày xéo quê hương Việt Nam lần thứ hai. Mang chí cả của người trai thời loạn, sống hết mình cho lý tưởng phụng sự đất nước, hai ông cũng như bao nhiêu người con thân yêu của Mẹ, lầm đường lạc lối trước những xảo thuật chính trị tuyên truyền của đệ tam quốc tế, qua cái bình phong Mặt Trận Việt Minh. Do đó, ngày hòa bình trở lại năm 1954, đã hăm hở, bỏ lại gia đình, theo 'Bác Đảng' tập kết ra Bắc. Nhưng than ôi tất cả chỉ là ảo vọng khi cái mặt thật của thiên đường xã nghĩa hiện ra trong máu lệ, qua cảnh đời nghèo đói bất công và nỗi cùng khốn tận tuyệt của dân chúng vô tội bên bờ này vỹ tuyến, qua cái gọi là cải cách ruộng đất và vụ án trăm hoa đua nở, mà chánh quyền côïng sản rập khuông theo Trung Cộng để diệt các tầng lớp phú, nông, thợ thuyền và trí thức VN, những người đã làm đá lót đường, làm cầu qua sông, làm phương tiện cho đảng chiếm được nửa nước để thụ hưởng và cầm quyền. Như Phùng Quán đã viết :

 «Tôi đã đi qua những xóm làng chiến tranh vừa chấm dứt,

 Tôi đã gặp những bà mẹ già quấn dẻ rách

 Da đen như củi cháy giữa rừng

 Kéo dây thép gai tay máu chảy ròng

 Bới đồn giặc trồng ngô trỉa lúa...

 Yêu ai cứ bảo là yêu,

 Ghét ai cứ bảo là ghét...».

 Thế nên hai người đã quyết ý, phải từ bỏ thiên đường đang ngoi ngóp sống, để quay về Nam với Mẹ với em, với những thân thương đang ràn rụa nước mắt đợi chờ. Nhưng than ôi, số đời đã định, cùng ra đi trong khi Xuân Vũ biết rằng «Đường đi không đến» thì lại đến vào năm 1965 tại Củ Chi. Trong lúc đó Vũ Anh Khanh đã sắp với tay được vào bờ nam dòng sông vỹ tuyến, thì một mũi tên tẩm thuốc độc vô tình đã kết liễu cuộc đời tài hoa của người chiến sĩ vào năm 1956. Mới đây, trên tờ Văn Hoá VN, số 14 mùa thu 2001, xuất bản tại Houston Texas, Xuân Vũ nhớ bạn có nhắc lại câu thơ : - «Vũ Anh Khanh, quê hương còn ly loạn», rồi kể lại câu chuyện của một người chết không mồ.

 Cuộc đời của những người yêu nước là vậy đó, bảo sao mà không buồn? Nhất là qua biến cố 30-4-1975 đã cho chúng ta thấy một cách minh bạch rằng: «Chế độ thực dân đồng chủng hay dị chủng, Pháp hay Việt Cộng, bản chất vẫn như nhau». Bởi vậy, những điều mà các nhà văn kháng chiến miền Nam, trong đó kiệt hiệt nhất là con chim đầu đàn Vũ Anh Khanh, Người Bình Thuận-Phan Thiết của miền Trung duy nhất, qua các bản cáo trạng, tới nay vẫn còn giá trị. Có điều thật là bất công và tàn nhẫn đối với những người yêu nước, trong đó có Vũ Anh Khanh, nhất là tại VNCH miền đất được mệnh danh là tự do dân chủ. Nhưng mai mỉa thay trong khi chương trình Việt Sử bậc Trung và Đại Học Quốc Gia long trọng đề cập tới cuộc kháng chiến của Dân Tộc qua sự nghiệp lật đổ ách thống trị của Thực dân Pháp từ 1945-1954 tại Nam Kỳ. Nổi đời lại càng bi phẫn hơn qua việc lãnh đạo miền Nam, đã mở rộng tim để chấp nhận bản Thanh niên hành khúc của Lưu hữu Phước làm Quốc Thiều VN, sau khi được sửa chữa một vài chữ. Ai cũng biết họ Lưu là Việt Cộng chứ không phải Việt Minh, nhất là sau khi Miền Nam mất nước, ngày 20-8-1975, Lưu hữu Phước qua chức phận Bộ Trưởng Thông Tin Văn Hoá của cái Chính phủ Lâm thời CHMN, đã ký nghị định «Đốt sách chôn học trò» trên khắp lãnh thổ VNCH cũ. Trong khi đó chỉ vì chính trị và định kiến hẹp hòi, Miền Nam đã gạt bỏ những người yêu nước như Vũ Anh Khanh, kể luôn các tác phẩm vô cùng giá trị. Ngày nay trắng đen đã rõ, chỉ đau đớn là Quê Hương vẫn còn Ly loạn mà Ông không biết đã về đâu?

 1-VŨ ANH KHANH QUA MINH HỌA CỦA NHÀ VĂN XUÂN VŨ :

 Qua các tài liệu rất ít ỏi, được biết Vũ Anh Khanh tên thật là Võ Văn Khanh, sanh năm 1926 tại Mũi Né, quận Hải Long, tỉnh Bình Thuận. Ngoài bút hiệu trên, ông còn ký tên Vương Ấu Khương khi viết truyện ngắn «Mắt xanh sống vẫn lầm than bụi đời» đăng trên tờ Xuân VN vào Tết năm 1951.

 Mũi Né, quê hương của nhà văn, vốn là một thị trấn miền biển bao gồm hai xã Khánh Thiện và Thạch Long, nằm cách Phan Thiết về hướng Đông Bắc chừng 20 km, xưa hay nay cũng vẫn là miền đất trù phú và thơ mộng của tỉnh Bình Thuận. Ba trăm năm qua như một giấc mộng nhưng cái tên Mũi Né vẫn tồn tại trong tâm khảm của mọi người, cho dù trên giấy tờ hay bản đồ qua thời gian với bao nhiêu cái tên như Vị Nê, Cap Nê, Hải Long, Hàm Dũng và gì gì nữa trong tương lai. Điều trên cũng giống như thân phận của nhà văn Vũ Anh Khanh, kẻ chết không mồ nhưng vẫn sống mãi với những tác phẩm đấu tranh để đời mà ai cũng biết tới, dù đã có thời gian và ngay bây giờ chúng vẫn bị cấm đọc hay quảng bá. Sách của ông không nhiều vì cuộc sống của nhà văn ngắn ngủi, hơn nữa trong lúc văn thi tài đang lên như diều gặp gió, thì năm 1950 ông đột ngột từ bỏ thành đô hoa lệ, sau một chuyến viếng thăm Tha La xóm đạo, một làng quê êm đềm thơ mộng như chính quê hương Mũi Né, với những rặng dừa xanh ẻo lả, chạy song song với đồi cát trùng trùng, ngày tháng nép mình ôm ấp biển xanh :

«Đây Tha La xóm đạo,

Có trái ngọt cây lành

Tôi về thăm một dạo

Giữa mùa nắng vàng hanh...»

 Nhưng rồi giặc đến, vào làng giết người cướp của, cuộc sống an bình của quê hương bỗng chốc thành máu lệ, bao nam nữ đã ra đi để hiến mình cho quê hương đất nước, chỉ còn lại nỗi tang tóc, buồn hiu :

«Kính thưa cụ, vì sao Tha La vắng?

Cụ ngạo nghễ cười rung rung râu trắng

Nhẹ bảo chàng, em chẳng biết gì ư?

Bao năm qua khói lửa phủ mịt mù

Người nước Việt ra đi vì nước Việt.»

(Tha La xóm Đạo-Vũ Anh Khanh).

 Đó chính là lý do, làm cho ông đã từ bỏ tất cả để dấn thân vào cuộc kháng chiến chống Pháp đang bùng nổ dữ dội khắp nước, dù lúc đó rất nổi tiếng, đang có nhiều sách bán chạy như chuyện dài BẠC XÍU LÌN, được Tiếng Chuông xuất bản năm 1949, chỉ trong 2 tháng đã bán hết 10,000 cuốn, sau đó phải tái bản nhiều lần vẫn không cung ứng nhu cầu của người ái mộ. Nói chung theo giáo sư Nguyễn văn Sâm viết trong «Văn Chương Nam Bộ và cuộc kháng Pháp 1945-1950, thì hầu hết tác phẩm của Vũ Anh Khanh rất có giá trị và tiêu biểu trong dòng văn chương đấu tranh thời đó, dù là thơ như CHIẾN SĨ HÀNH (Tân VN, Sài Gòn 1949), Truyện dài NỬA BỒ XƯƠNG KHÔ gồm 2 tập (Tân VN, Sài Gòn 1949), CÂY NÁ TRẮC (Tân Việt, Sài Gòn 1947), truyện ngắn NGŨ TỬ TƯ (Tân VN, Sài Gòn 1949), ĐẦM Ô RÔ (Tiếng Chuông, Sài Gòn 1949), SÔNG MÁU ( Tiếng Chuông, Sài Gòn 1949) và BÊN KIA SÔNG (Tân VN, Sài Gòn 1949)».

Riêng bài thơ Tha La Xóm Đạo của ông, sau này được nhạc sĩ Dũng Chinh, tên thật là Nguyễn văn Chính, cũng là người Phan Thiết, phổ nhạc và rất được mọi người ưa thích, giống như bài «Hoa trắng thôi cài trên áo trắng» của thi sĩ Kiên Giang. Ngoài ra soạn giả cải lương nổi tiếng Viễn Châu cũng đã mượn ý của Vũ Anh Khanh để viết tình khúc tân cổ giao duyên «Tha La xóm đạo».

 Theo Xuân Vũ thì Vũ Anh Khanh lớn hơn ông chừng vài tuổi, hai người đã quen biết nhau khi cùng ở chung trong hàng ngũ kháng chiến quân, gọi tắt là Việt Minh, một tổ chức chống Pháp qui tụ toàn dân VN không phân biệt đảng phái chính trị. Qua hí họa của họa sĩ Thanh Long và các bằng hữu lúc đó đang phục vụ tại Ban Tuyên Huấn, Phòng Chính Trị, đóng ở Cái Thun, gần Cái Chanh Lớn, miệt Cạnh Đền miền Tây Nam Phần như các Thi sĩ Rum Bảo Việt, Nguyễn văn Trị, Điêu khắc sư Trần văn Lắm, Sơn Nam, Hà Huy Hà, các họa sĩ Thanh Tòng, Thanh Long, Hoàng Tuyển, nhà thơ Việt Ánh, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí, Phạm công Nhiều, Quốc Hương và Xuân Vũ thì Vũ Anh Khanh lúc đó dù là một nhà văn đang nổi tiếng và có rất nhiều tác phẩm bán chạy, lại là một sĩ quan lục quân, tốt nghiệp tại Trường Lục quân, thuộc Phân hiệu II Trần Quốc Tuấn nhưng tánh tình khiêm cung, hiền hậu, có thể nói là chẳng bao giờ để lộ cái tôi ra ngoài, khiến cho cả đơn vị kể luôn Xuân Vũ lúc đó, không hề biết ông là ai.

Đối với những tâm hồn nghệ sĩ lớn như Vũ Anh Khanh, viết lách, làm thơ, phát biểu những ẩn ức trong lòng, được coi như lẽ sống của kẻ cầm bút, nhưng theo Xuân Vũ thì từ năm 1950 khi về phục vụ tại cơ quan chính trị kháng chiến, không hiểu vì lý do gì Vũ Anh Khanh trở nên bất động, thậm chí tại Khu có tờ báo mang tên Tiếng Súng Kháng địch, sau đổi thành tờ Quân đội nhân dân miền tây, vậy mà Vũ Anh Khanh hầu như không hề biết tới, kể cả những lúc sinh hoạt cũng chẳng hề có ý kiến, nếu bị hỏi tới mới nói: «tôi đồng ý thế thôi». Như vậy, chẳng lẽ lúc đó ông đã nhận ra cái mặt thật của Việt Minh đang bị Việt Cộng núp bóng điều khiển hay vì cực khổ nên hối hận? Cả hai thắc mắc không thấy Xuân Vũ đề cập tới, ngoài một thố lộ chân thành là Vũ Anh Khanh với người bạn kháng chiến Nguyễn hữu Trí, em ruột tướng Nguyễn thanh Sơn, xuất thân trong một gia đình vọng tộc, đại diền chủ tỉnh Vĩnh Long, và Vũ Anh Khanh cũng thuộc một gia đình giàu có ở Mũi Né, Phan Thiết... nên trong lúc cả nhóm đi cải thiện sinh hoạt, kiếm thêm chất tươi để bồi dưỡng vì thức ăn hằng ngày chỉ có muối, chao và các loại rau dại. Những lúc này, hình như Vũ Anh Khanh không biết làm gì cả ngoài việc quơ quào các thứ rau má ngoài vườn. Lại có người hỏi sao không đi cắm câu, bắt cá thì ông chỉ cười và trả lời từ nhỏ tới lớn, gia đình không cho làm chuyện này, dù rằng tại quê hương Mũi Né của ông cũng có vườn, ruộng và biển. Thêm một chi tiết khác là ông còn độc thân cho tới lúc qua đời. Cũng theo lời kể của Xuân Vũ, thì hai ông sống chung rất lâu nhưng năm 1954 tập kết ra Bắc, Xuân Vũ đi tại bến Chắc Băng, Cà Mâu và chỉ gặp lại Vũ Anh Khanh tại Hà Nội trong khu tập thể của dân Nam kỳ tập kết.

2- XUÂN VŨ KỂ LẠI CÁI CHẾT CỦA VŨ ANH KHANH:

Ngay khi vừa ký kết hiệp định ngưng bắn năm 1954 tại Genève chia đôi đất nước, Bắc Việt đã mở ngay chiến dịch tuyên truyền về cái gọi là Kháng chiến VN, đánh đuổi Pháp-Nhật do đảng cộng sản lãnh đạo, bằng cách cho nhiều phái đoàn văn nghệ sĩ VN đến các nước thân cộng, cộng sản, trung lập hay có liên hệ ngoại giao để tuyên truyền. Trong chiến dịch qui mô này, Hồ đã cho Nguyễn văn Bổng, tức Trần Hiếu Minh sau này được cài vào VNCH tổng chỉ huy đám văn nghệ sĩ nằm vùng, Đoàn Giỏi, Anh Thơ, Nguyễn Ngọc, Nguyễn Tuân đi Tân Tây Lan và Úc Đại Lợi. Nguyễn đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng đi Liên Xô, Trung Cộng, Tô Hoài đi Đông Âu còn Nguyễn công Hoan, Võ Huy Tâm, Phạm hữu Tùng và Vũ Anh Khanh đi Ấn Độ.

Trước khi đi, Khanh có đến thăm các bạn Nam Kỳ trẻ tập kết lúc đó chưa có tiếng tăm gì như Nguyễn quang Sáng, Bùi Đức Ái, Xuân Vũ... đối với cây đại thụ trong làng thi văn Nam Kỳ là Vũ Anh Khanh.

Bao nụ cười ra nước mắt, những đáng cay chua xót của kiếp người nhất là những người văn nghệ sĩ có tim, óc và tri thức đã được Xuân Vũ đắng cay cười cợt diễn tả nhắc lại qua các mẩu đối thoại giữa hai người bạn thân cùng trong cảnh ngộ lầm đường lạc lối, bỏ tất cả để hôm nay chuốc lấy sự nản phiền và đau lòng. Có đọc Xuân Vũ mới biết về Vũ Anh Khanh, có nghe Xuân Vũ tự sự về bạn mình từ lúc sống với nhau trong khu đồng chua nước mặn ở tận cùng cảnh nghèo cực của miền tây Nam Kỳ và sau này trong thiên đàng xã nghĩa chết bỏ tại Bắc Việt, ta mới nghiêng mình cảm phục những tâm hồn hy sinh vì nước của các đại gia công tử giàu sang phú quý như Võ như Khanh, như Trí và cũng vì đã từng sống trong cảnh giàu, trước khi dấn thân vào con đường chông gai chống Pháp, họ đã biết tự trọng như việc Vũ Anh Khanh mượn quần áo sang của Đảng để diện khi đi ngoại quốc làm vẹt tuyên truyền, lúc về vẫn hoàn trả nguyên vẹn, mà theo bè bạn lúc đó là chuyện điên rồ. Cũng theo Xuân Vũ thì mới đây, nhà văn Nhuệ Hồng viết trên tờ Thời Luận hải ngoại, cho biết năm đó ông đại diện cho VNCH cùng đi dự Hội nghị các nước Á Phi và có gặp Vũ Anh Khanh tại New Delhi, thủ đô của Ấn Độ. Chắc chắn đây là nguyên nhân thúc đẩy ông tìm đường về Nam, một việc đã nung nấu từ lâu nhưng không thực hiện được hoặc vì một lý do thầm kín mà chúng ta không biết dược vì bản tính của Vũ Anh Khanh trước sau kín như bưng, kể cả người bạn thân Xuân Vũ cũng không hiểu được.

***

 Sau khi ở hội nghị về, Vũ Anh Khanh có mua một chai rượu quý của Anh quốc để giải sầu với đám bạn bè Nam kỳ tập kết. Theo Việt Thường trong tác phẩm «Chuyện thâm cung DTDHCM» thì năm đó (1956), tình hình miền Bắc vô cùng rối loạn, nhất là Bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, thuộc sư đoàn của Đồng văn Cống và Tô Ký, bất mãn nên nổi loạn cướp phá tỉnh Ninh Bình, một số trốn chạy về Nam. Giống như tâm trạng của những người bộ trên, Vũ Anh Khanh đã kín đáo mượn cớ đi Ấn Độ về, ông dùng rượu để chia tay bạn bè thay lời vĩnh biệt, vì sau đó trong một cuộc Hội nghị khoáng đại của Hội Liên Hiệp Văn Nghệ, Xuân Vũ mới biết tin Vũ Anh Khanh đã chết ở Vĩnh Linh, Quảng Trị vì tai nạn.

Sự thật theo tiết lộ của Võ hồng Cương, phó Tổng thư ký Hội cũng là Cục phó Cục Tuyên Huấn quân đội nhân dân Bắc Việt thì năm 1956, Vũ Anh Khanh được nghỉ phép ở Vĩnh Phúc nhưng ông đã sửa giấy phép thành Vĩnh Linh, Quảng Trị và từ đó bơi qua sông Bến Hải quãng trên cầu Hiền Lương vài cây số, quyết tâm về Nam tìm tự do. Nhưng hỡi ơi Trời không thương người hiền, nên khi sắp tới bến tự do thì bị Bộ đội biên phòng bờ Bắc phát giác và để khỏi bị Ủy ban quốc tế làm biên bản vi phạm Hiệp định ngưng bắn, thay vì dùng súng, Việt Cộng dùng tên tẩm thuốc độc bắn chết Vũ Anh Khanh. Sông Bến Hải lớn hơn sông Mường Mán tại Phan Thiết và thủy triều lên xuống bất thường, nên xác của người chết nhất là một phạm nhân vượt tuyến nếu may mắn không bị trôi ra biển đông hay xuôi về mạn ngược, mà tắp vào một bãi bờ nào đó trong khu phi quân sự, thì chắc chắn cũng được dân chúng vùi dập vội vã để làm phước, chứ đâu có ai dám truy nguyên lý lịch của nạn nhân, để tự chuốc họa cho mình?

Mấy năm sau Xuân Vũ theo phái đoàn văn nghệ đi công tác ở Vĩnh Linh, Quảng Trị và ông cũng đã có ý định như Vũ Anh Khanh, bơi qua sông tìm tự do nhưng khi chợt nhớ tới giọng ngâm sang sảng năm nào của người quá cố : «Vũ Anh Khanh, quê hương còn ly loạn»... thì tỉnh ngộ, nhờ vậy trong cuộc trường kỳ «đường đi không tới» nhưng cuối cùng ông đã tìm được tự do thật sự khi ra hồi chánh vào năm 1965 tại Củ Chi, Hậu Nghĩa.

3-VŨ ANH KHANH, MỘT ĐỜI ĐÁNG KÍNH:

Sống trong buổi loạn ly, nhà tan nước mất, chỉ có một thiểu số không tim óc dửng dưng nhìn thế sự xoay vần, mặc cho quốc dân bị đè bẹp dưới gót sắt của ngoại bang. Nhưng tuyệt đại đa số dân chúng VN đã đứng dậy hưởng ứng phong trào chống trả với giặc thù. Cuối tháng 12-1946, quân Pháp chính thức làm chủ Sài Gòn và cũng giống như lần trước, giặc đã gặp phải sự chống trả của toàn dân. Lần trước vào năm 1862, người Việt dùng những vũ khí thô sơ và lòng yêu nước để chống chọi với súng đạn tối tân. Lần này, người Việt tuy vô Chánh phủ và thực tế chỉ là những lực lượng tự phát nhưng lại có trong tay các loại vũ khí hiện đại như người Pháp, của Nhật để lại.

Thêm vào đó là tim óc của các tầng lớp trí thức tân học, thể hiện qua các tác phẩm tuyên truyền, những lời hiệu triệu, những tờ truyền đơn nẩy lửa, tố cáo sự dã man của Pháp, đồng thời kêu gọi toàn dân đứng lên đáp lời sông núi, tiêu diệt kẻ thù. Ngày xưa các cụ Đồ Chiểu, Huỳnh mẫn Đạt, Nguyễn Thông, Phan văn Tri... cũng đã từng dùng thơ văn cổ xúy cho cuộc kháng Pháp của Trương Định, Nguyễn trung Trực, Thủ khoa Huân, Thiên hộ Dương... nhưng lúc đó vì phương tiện và hoàn cảnh eo hẹp nên ảnh hưởng không được bao nhiêu. Trái lại khoảng thời gian năm năm 1945-1950, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nói chung là văn nghệ sĩ miền Nam đã tiếp tay cho kháng chiến một cách tích cực, góp phần lớn với toàn dân cả nước, tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, thu lại nền hòa bình độc lập cho đất nước. Trong chiều hướng trên, các tác phẩm văn xuôi của Vũ Anh Khanh, từ truyện ngắn cho tới truyện dài, qua nhận xét của các nhà nghiên cứu văn học hiện đại, trong đó có giáo sư đại học Nguyễn văn Sâm, đều đáng được xem là những tiêu biểu nhắm vào các mục đích đấu tranh nhằm tố cáo chính sách ngu dân của thực dân Pháp, làm cản trở sự tiến hóa của dân tộc VN.

Tình trạng tạo nên cảnh ngu dân này, trước đây cũng đã được các nhà ái quốc tiền phong như Phan bội Châu, Phan chu Trinh... đặt thẳng vấn đề với nhà cầm quyền Pháp nhưng có lẽ quyết liệt hơn hết là tôn chỉ của VN Quốc dân đảng, được cố Đảng trưởng Nguyễn thái Học, viết trong bức thư tuyệt mệnh vào tháng 3-1930 gởi cho Hạ nghị viện Pháp, yêu cầu mở trường cũng như cải tổ nền giáo dục tại VN. Nối tiếp tâm nguyện của tiền nhân, Vũ Anh Khanh qua các tác phẩm BÊN KIA SÔNG và CÂY NÁ TRẮC, đã công khai tố cáo Pháp cố tâm ngăn chận sự học hành của VN. Trong truyện ngắn MỘT ĐÊM TRĂNG, Vũ Anh Khanh qua lời nhân vật của mình, đã thổn thức: «...Dân VN hiếu học nhưng bao lâu nay, họ cam tâm chịu dốt nát vì bị người ta tìm cách chèn ép...».

***

 Hậu quả trên đã tạo nên tuyệt đại tầng lớp dân chúng thất học, chịu câm lặng cúi gập trước nỗi bất công phi lý, như hầu hết các nhân vật trong truyện dài NỬA BỒ XƯƠNG KHÔ gánh chịu. Song song, ông còn mạnh mẽ tố cáo Pháp cố tình tạo nên một xã hội băng hoại, để đầu độc dân tộc VN, là tác giả của những tệ nạn rượu chè, hút sách, cờ bạc, đĩ điếm, công khai khuyến khích hay dùng bạo lực bắt dân chúng phải mua rượu, trồng nha phiến, mở sòng bạc, ổ điếm. Tất cả những tệ nạn xã hội trên đều được Vũ Anh Khanh ghi lại đầy đủ và nát tim trong các tác phẩm BẠC XÍU LÌN, SÔNG MÁU và ĐẦM Ô RÔ...

Tất cả các cơ sở trụy lạc trên đều nhan nhản khắp nước, đặc biệt là tại Hà Nội, Hải Phòng và nổi tiếng ở Sài Gòn-Chợ Lớn với hai sòng bạc Kim Chung và Đại thế giới, do các xì thẩu Hoa, Ấn và Pháp kiều toa rập làm chủ, kết quả nhiều người Việt vì say mê cờ bạc, thần đề, bàn đèn, đĩ điếm phải tan gia bại sản và cuối cùng đã : «... bán con, thế vợ, đợ chồng hết cơ, mất nghiệp, thần vòng rũ đi...»

Sau rốt, ông đã tố cáo thực dân làm cho người VN trở thành lạc hậu, hung tàn, mất hết bản tánh con người văn hiến. Trong lãnh vực này, Vũ Anh Khanh xứng đáng là một chiến sĩ, một nhà văn can trường khi dám dùng trí óc như những phát súng thần công nhắm thẳng vào bọn cầm quyền Pháp, lũ xì thẩu bất nhân Hoa kiều và đám tư bản bóc lột Ấn Độ, chuyên sống ký sinh trên thân thể đầm đìa máu lệ của người Việt, được lột trần qua các truyện ngắn như Sài Gòn ơi, Ma thiên Lãnh, Hối tắc. Nóm tóm lại dưới chế độ thực dân, cảnh nghèo cực tối tăm, người Việt không còn tương lai và gần như đánh mất hết đạo lý của thánh hiền, trở nên yếu hèn nông nổi vì quanh quẩn bị bạo lực vây bủa, kềm chế, sống trong cảnh một cổ bốn tròng, chia rẽ Trung Nam Bắc dù tất cả đều là VN và thê thảm nhất về kinh tế, Pháp và bọn ký sinh Hoa-Ấn hầu như nắm hết tất cả nguồn lợi quốc gia.

Nạn đói năm Ất Dậu 1945 khiến cho hơn 2 triệu người bị chết đói, là hậu quả tất yếu của chính sách trên, sau này được Vũ Anh Khanh lập lại trong truyện dài ưng ý và nổi tiếng nhất của ông NỬA BỒ XƯƠNG KHÔ. Văn chương của Vũ Anh Khanh phản ảnh đúng nét đặc trưng của người Bình Thuận, ngay thẳng, trung hậu vì vậy thật linh động, có lúc thống thiết lâm ly, có khi mỉa mai cay độc nhưng vẫn không dấu nổi nét cảm khái hùng hồn, chưa chan niềm uất hận.

Vũ Anh Khanh hiện diện trên cõi đời thật ngắn ngũi (1926-1956), giống như hoàn cảnh của Vũ trọng Phụng cũng tài hoa lại vắn số, nhưng ông cũng đã làm tròn thiên chức của một thanh niên thời đại, trong cảnh quốc phá gia vong. Đây cũng là cái giá trị cao quý nhất của kiếp người, nhất là giới mày râu hàng tri thức có lương tri và nhân phẩm, cái hào quang để thế nhân phân biện được hư thực, tốt xấu của con người.

Sau năm 1975, nhiều văn nghệ sĩ miền Bắc thẳng thắng bảo rằng, cái chết sớm của Vũ Anh Khanh là một hạnh phúc, để ông không trở thành cái bình vôi như hầu hết các văn thi sĩ tiền chiến đã lãnh trong suốt thời gian sống nhục nơi cõi thiên đàng xã nghĩa u trầm. Qua việc Vũ Anh Khanh tập kết ra Bắc năm 1954, nhiều người kết tội ông là cộng sản. Cũng vì lý do này mà suốt thời gian1955-1975, tác phẩm của ông lại bị cấm tiếp, không được tái bản, lưu hành, không có tên trong chương trình giáo dục, dù năm 1956 ông đã bị cộng sản miền Bắc bắn chết trên sông Bến Hải, khi quyết lòng đi tìm tự do sau khi đã đối mặt với sự thật não lòng. Thật ra việc Vũ Anh Khanh có là cộng sản hay không, giờ này cũng chưa có ai xác nhận được vì trong 9 năm chống Pháp, đảng VC núp bóng Việt Minh để quản thúc toàn dân kháng chiến và trong Việt Minh lúc đó có đủ mọi thành phần, đảng phái. Vũ Anh Khanh, Xuân Vũ... hay mọi người khác trong dòng người yêu nước lúc đó, biết ai là Việt Minh hay Việt Cộng. Còn vấn đề về Tề hay tập kết phần lớn chỉ vì mang tâm trạng sợ bị trả thù, nên bặm môi tới đâu hay đó.

Nhưng thôi sự thật giờ đã rõ ràng, bộ mặt thật của cộng sản từ 1930-2006 cũng đã trôi hết lớp son phấn và huyền thoại, cho nên sự thức tỉnh của Vũ Anh Khanh năm 1956 là thái độ của một anh hùng đáng kính phục và mến mộ. Hơn nữa công hay tội của một con người xin hãy để cho lịch sử định đoạt. Tự dưng tâm hồn cảm xúc và bối rối kỳ lạ khi bâng quơ đi vào ngõ khuất của một phần đời nhà văn bị đời quên lãng VŨ ANH KHANH. Trong gió, trong mưa, trong cảnh mùa đông sụt sùi nước mắt, hình như có tiếng ai đang thì thầm: «Hãy khóc lên đi cho quê hương yêu dấu. Quê hương vẫn còn trong cơn ly loạn mà Anh nay ở đâu?».

Nhiều người nói, nhờ gương can đảm của nhà văn Vũ Anh Khanh, qua hành động chống lại CSVN bằng hành động vượt biên tìm tự do, đã mở đường cho nhiều văn nghệ sĩ khác của Miền Bắc tỉnh thức, như Phan Nghị, Xuân Vũ... sau đó là Hoàng Hữu Quýnh, Bùi Tín,Việt Thường, Phạm Thành Phương, Vũ thư Hiên càng làm sáng tỏ thêm chính nghĩa tự do của Dân Tộc Việt.

Hồ Đinh

Xóm Cồn, Hạ Uy Di

* Giải Thưởng Hạng Ba Giải Xuân Đinh Hợi 2007 của Phong Trào Hiến Chương 2000

Trích báo CON ONG VIỆT Só 81- Tháng 4.2007, tr.27- tr.29

Bài viết khác