Thứ Hai, 25 Tháng Sáu, 2012

Bùi Thị Xuân

 Bùi Thị Xuân

Một lần nửa mùa Xuân lại về. Cũng như từ bao mùa xuân trước, có người Việt nào không nhớ đến mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), năm mà hơn hai mươi vạn quân Thanh bị quân Tây Sơn đánh tan tác trong vòng chưa đầy năm ngày. Chiến công này là một trong những niềm tự hào của giống nòi Việt tộc. Dự định viết về vua Quang Trung và diển tiến các trận đánh của ngài, nhưng tôi lại phân vân: Có nên chăng nhắc lại những chi tiết mà mọi người đều hay biết, đều nói đến hoặc nghe nói đến ít nhất mỗi năm một lần? Sự nghiệp lừng lẫy của Đại đế Quang Trung đâu phải chỉ do một mình ngài gầy dựng. Tại sao không chọn đề tài về một danh tướng nào đó đã từng vào sinh ra tử sát cánh cùng ngài tạo nên những chiến công hiển hách cho dân tộc? Vua Quang Trung có rất nhiều văn quan tài giỏi, võ tướng kiêu hùng … trong số những tinh hoa này, tôi đặc biệt kính trọng Đô đốc Bùi Thị Xuân, một nhân vật tiêu biểu cho tầng lớp anh thư thục nữ nước Việt.

Bài viết về Bùi Thị Xuân là tập hợp những điều tôi đã sưu tầm từ nhiều nguồn sử liệu khác nhau (của những người yêu thích nhà Tây Sơn và của cả những người phỉ báng nhà Tây Sơn) sau khi đã gạn lọc lại theo cách nhìn của mình. Do đó, những nhận xét trong bài viết này chỉ là những nhận xét mang tính cá nhân. Xin xem như đây là phần chia sẻ của tôi khi hầu chuyện cùng quí vị nhân dịp Tết đến xuân về.

Sinh ra trong một gia đình giàu có tại vùng Tây Sơn - Bình Định, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi đã sản sinh ra hầu hết các danh tướng của nhà Tây Sơn.

Bùi Thị Xuân là con gái của ông Bùi Đắc Chí, bà gọi Bùi Đắc Tuyên bằng chú và gọi Bùi Thị Nhạn bằng cô. (Bùi Thị Nhạn sau này lấy vua Quang Trung, sinh ra Nguyễn Quang Toản, tức vua Cảnh Thịnh)

Khi còn bé, tuy là con gái, nhưng bà được gia đình cho học cả văn lẫn võ. Lớn lên, cô thiếu nữ xinh đẹp Bùi Thị Xuân nổi tiếng khắp vùng do tài văn hay chữ tốt, sử dụng thông thạo thập bát ban võ nghệ, phi ngựa cỡi voi một cách điêu luyện.

Một hôm khi vào rừng săn thú, bà gặp một thanh niên đang vật nhau với cọp, tuy võ nghệ cao cường, nhưng người thanh niên này đã kiệt sức vì thương tích đầy mình... không chút chậm trễ, Bùi Thị Xuân giương cung bắn ngay vào đầu cọp để cứu nguy, rồi dìu người này về nhà mình để chửa trị vết thương. Thì ra đó là Trần Quang Diệu đang trên đường vào cứ địa Tây Sơn xin đầu quân.

Thiên duyên tiền định, họ yêu nhau vì tài, mến nhau vì nghĩa và đã trở thành vợ chồng đẹp đôi, xứng lứa... rồi cùng nhau về tòng quân dưới ngọn cờ Tây Sơn ở chiến khu Phú Lạc. Cặp vợ chồng võ tướng này đã dọc ngang cùng triều đại Tây Sơn từ khi dựng cờ mở cõi cho đến giây phút cuối cùng.

 Bùi Thị Xuân chính là người thành lập và đích thân huấn luyện đoàn nữ binh và đội tượng binh của quân đội Tây Sơn.

 Đoàn nữ binh năm ngàn người của Bùi Thị Xuân là một đội quân rất tinh nhuệ, được vua Quang Trung tin tưởng sử dụng như một lực lượng Ngự lâm quân để bảo vệ hoàng gia, trấn giử cung điện và kinh thành Nghệ An. Vào những ngày cuối cùng của nhà Tây Sơn, Bùi Thị Xuân đã điều khiển đoàn nử binh này đánh quân Nguyễn Ánh nhiều trận khốc liệt để bảo vệ vua Cảnh Thịnh.

 Trong lịch sử, voi đã từng được Hai bà Trưng, bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão .v.v… sử dụng khi ra trận, nhưng chỉ như một phương tiện vận chuyển mà thôi. Đến thời Tây Sơn, Bùi Thị Xuân đã dày công huấn luyện đàn voi chiến hàng trăm con... những thớt voi được trang bị súng thần công trên lưng, khôn ngoan tiến thoái theo mệnh lệnh, đã thực sự là một binh chủng vô cùng lợi hại trực tiếp lâm trận cùng với kỵ binh, bộ binh và thủy binh. Chính đoàn tượng binh này đã ghi công đầu khi quân Tây Sơn vẻ vang tái chiếm thành Thăng Long từ tay quân Thanh vào năm 1789.

 Thuở ấy, Bùi Thị Xuân không những là một nữ tướng trẻ tuổi, xinh đẹp, bà còn có tài thuyết phục người ở miền Thượng gia nhập Tây Sơn, bà giỏi cả việc khai hoang, trồng trọt, làm đê điều dẩn thủy nhập điền... Như biến lòng một con suối khô cạn chỉ toàn cát với đá, trở thành một vùng đất màu mỡ phì nhiêu thuộc vào loại nhất đẳng điền rộng vài chục mẫu để trồng lúa nuôi quân (còn gọi là ruộng Trại).

Như vậy, vào thời điểm nhà Tây Sơn khởi nghĩa, Bùi Thị Xuân là người phụ trách việc tuyển mộ, đảm nhận phần huấn luyện (gồm việc huấn luyện tân binh, huấn luyện ngựa chiến và voi chiến), sản xuất quân nhu, gìn giữ và cung ứng tiếp liệu ..v.v… là những công việc quan trọng sống còn của đoàn nghĩa quân Tây Sơn được Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc phó thác cho Long Nhương Tướng Quân Nguyễn Huệ trông coi trước đó. Từ khi có được Bùi Thị Xuân, Nguyễn Nhạc đã giao phần việc này cho bà... Và cũng từ đây, Nguyễn Huệ mới bắt đầu có cơ hội cầm quân. Như cá vượt vũ môn, càng ngày Nguyễn Huệ càng tỏ rõ là một thiên tài quân sự xuất chúng. 

 Ngoài những khả năng tháo vác, quán xuyến... Bùi Thị Xuân còn là một nhà cai trị có tài an dân.

Gặp năm mất mùa, nhiều phủ huyện ở trấn Quảng Nam sinh loạn, quan quân địa phương không kiềm chế nổi. Triều đình lập tức cử Bùi Thị Xuân ra nơi đó làm Trấn thủ (tức Tỉnh trưởng thời nay). Đến nơi, bà tự mình đi thị sát khắp vùng, rồi cho mở kho phát chẩn cứu đói. Thấy viên quan nào chiếm của công làm của tư, ức hiếp dân lành, hoặc ăn hội lộ... bà đều thẳng tay cách chức, chọn người tài đức lên thay. Ngoài ra, bà còn ra lệnh bãi bỏ các cuộc truy lùng những nhóm người nổi dậy và mạnh dạn ra tuyên cáo rằng: Ai vác cày bừa, nông cụ ra đồng thì được coi là dân lành Có nghĩa là sau lịnh này, bất cứ người nào còn gây ra sự bất an sẽ bị bà thẳng tay trừng trị, vì thế mà nạn trộm cướp và chống đối ở Quảng Nam nhanh chóng chấm dứt, dân chúng lại được yên ổn làm ăn.

 Cũng giống như Hưng Đạo Vương biết dẹp bỏ quyền lợi gia đình để mưu cầu đại cuộc cho đất nước, Bùi Thị Xuân còn được người đời ca tụng là người trung nghĩa trong hai chữ hiếu trung. Khi chú ruột của bà là Thái Sư Bùi Đắc Tuyên âm mưu soán ngôi vua của Cảnh Thịnh, bà đã âm thầm tìm cách bảo vệ Cảnh Thịnh đến cùng (cha của Bùi Thị Xuân, Thái sư Bùi Đắc Tuyên và mẹ của vua Cảnh Thịnh là ba anh em ruột). Đến khi tướng Vũ Văn Dũng mang vài trăm gia binh đột nhập vào hoàng cung bắt giết phản thần Bùi Đắc Tuyên, khi đó, hai vợ chồng bà tuy đang nắm quyền chỉ huy quân đội, nhưng vẫn không hề có hành động tiêu diệt phe Vũ Văn Dũng để trả thù ... Ngược lại, họ cùng nhau hợp lực chống đở vương triều Tây Sơn đang hồi suy sụp.

Trên tất cả các đặc tính vừa kể, Bùi Thị Xuân luôn được hình dung qua hình ảnh một vị nữ tướng kiêu hùng đã từng sát cánh với Hoàng đế Quang Trung đánh Nam dẹp Bắc tạo nên những chiến công hiển hách. Với lòng dũng cảm và tài thao lược, Bùi Thị Xuân cùng chồng nhanh chóng trở thành những tướng lãnh trụ cột, góp công lớn trong cuộc đánh đuổi hai vạn quân Xiêm trên đoạn sông Rạch Gầm- Xoài Mút (Tiền Giang) vào năm 1785 và trận đại phá hai mươi vạn quân Mãn Thanh vào đầu xuân Kỷ Dậu năm 1789.

Giữa lúc vua Quang Trung đang dần dần ổn định tình hình trong nước, thì vào ngày 29 tháng 7 năm 1792, ngài đột ngột băng hà. Kể từ đây, vương triều Tây Sơn bắt đầu suy yếu do vua Cảnh Thịnh còn nhỏ, lại bị người cậu ruột là Thái sư Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền, tạo ra thãm họa nhà Tây Sơn bị chia tam sẻ tứ rối bời chống phá nhau... vua Cảnh Thịnh chống vua bác Nguyễn Nhạc để rồi cuối cùng tiêu diệt hẳn chi tộc Nguyễn Nhạc... Trong triều Cảnh Thịnh, phe gian thần Bùi Đắc Tuyên ra sức càn quét những đại thần còn hướng lòng bảo vệ cơ đồ Quang Trung, khiến một phần lớn phải bỏ Tây Sơn mà theo phò Nguyễn Ánh. Trong khi ở miền Nam, lực lượng Nguyễn Ánh ngày càng trở nên hùng mạnh trên khắp chiến trường. Do đó, gánh nặng quốc gia càng thêm bộn bề trên đôi vai hai vợ chồng tướng lãnh Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân. Nhiều phen họ đang cố gắng ngăn giữ quân thù ngoài trận mạc thì phải vội thu quân kéo về kinh thành để dàn xếp các mối bất hòa... Đang vây chặt thành trì của địch nơi này, lại phải tự lui binh để đến giãi vây ở một mặt trận khác... cứ thế mà đôi vợ chồng đáng thương này đêm ngày không quản ngại khó nhọc, gian lao... Tận tụy đánh Đông dẹp Tây để mong cứu vớt cơ đồ do Hoàng Đế Quang Trung phó thác trước khi chết.

Nhưng lực bất tòng tâm.

Triều chính nhà Tây Sơn suy đồi. Nạn bè phái chia rẻ, cộng thêm sự nhu nhược, độc đoán của nhà vua trẻ Cảnh Thịnh khiến quan quân không còn ý chí chiến đấu. Cuối cùng, cả Bùi Thị Xuân lẩn Trần Quang Diệu cùng vua Cảnh Thịnh đều chịu chung số phận là những người bại cuộc.

 Năm 1802,

nhà Tây Sơn cáo chung.

 Khi nghe Bùi Thị Xuân bị bắt, Nguyễn Ánh bèn sai người áp giải bà đến trước mặt rồi hỏi với giọng đắc chí:

- Ta và Nguyễn Huệ ai hơn ai?

Bà trả lời:

- Chúa công ta tay kiếm tay cờ mà làm nên sự nghiệp. Trong khi nhà ngươi đi cầu viện ngoại bang làm tan nát cả sơn hà, tất cả bọn chúng đều bị chúa công ta đánh cho không còn manh giáp. Đem so với chúa công ta, nhà ngươi chẳng qua chỉ là ao trời nước vũng mà thôi.

Nguyễn Ánh gằn giọng:

- Ngươi có tài sao không giữ nổi ngai vàng cho Cảnh Thịnh?

Bà đáp:

- Nếu có thêm một nữ tướng như ta nữa thì nhà ngươi khó đặt chân được tới đất Bắc Hà.

 Có thể nói... vua Quang Trung, Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân là ba người mà Nguyễn Ánh căm thù nhất đời... Nên ông ta mặc tình dùng những phương cách dã man nhất để xử tử cho thỏa cái tấm lòng nhỏ nhen của một người đã bao phen chạy thụt mạng, chạy trối chết bởi những người này.

 Lăng của vua Quang Trung bị đào lên, rồi bắt vua con Cảnh Thịnh ngồi cầm chày giã nát các xương cốt của cha mình, còn đầu lâu thì bị giam vĩnh viển vào ngục tối. Sau đó mới lôi Cảnh Thịnh ra chém.

Trần Quang Diệu bị xử lăng trì, nghĩa là cứ sau mỗi hồi trống thì người tử tù bị xẻo một miếng thịt cho đến khi thịt chất theo thịt, xương chất theo xương.

 Đứa con gái cưng 15 tuổi duy nhất của Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân thì bị mang ra cho voi dày.

Bùi Thị Xuân cũng bị xử voi dày.

Nơi pháp trường, voi từ từ tiến tới tội nhân đang bị trói... Bà nhìn voi, trừng mắt quát to lên. Khi nhận ra tiếng quát của chủ tướng, voi chỉ lùi mà không tiến cho dù có bị lửa đốt sau đuôi hay bị giáo nhọn đâm vào mông máu tuôn lênh láng. (Thương thay cho con vật phải chịu đau đớn vì quân lịnh? hay vì thương sót cho thân phận người chủ tướng đã từng nằm gai nếm mật, vào sinh ra tử với mình?)

Thấy thế, Nguyễn Ánh cho đổ xáp nóng lên toàn châu thân bà rồi châm lửa đốt bà cho đến chết.

 Sử sách đã để lại bao chuyện mà hậu thế phải nghiền ngẫm...

Có những vị vua chiến thắng, vừa đích thân cởi trói cho đối phương vì trung quân ái quốc mà phải sa cơ, vừa nói với các thuộc hạ của mình rằng: Làm tôi mà một dạ trung nghĩa hết lòng vì nước như người này, ta chỉ mong các ngươi lấy đó mà làm gương. Nguyễn Ánh không được như vậy.

 Ngày nay, khi đến quê hương Bùi Thị Xuân, quí vị có thể gặp lại con cháu nhà họ Bùi. Nhưng chi phái của Bùi Thị Xuân thì không còn một người, vì đã bị Nguyễn Ánh cho giết sạch không sót một ai.

 Người côn đồ nơi đầu đường xó chợ đôi khi còn biết chơi trò anh hùng mã thượng, phóng khoáng với kẻ thù cho xứng mặt tay anh chị... Huống chi là một đấng quân vương thiên tử.

 Hiện giờ, rất nhiều gia đình người Việt vẫn còn thờ ông Quan Công, thờ bà Cửu Thiên Huyền Nữ của người Tàu làm thần hộ mệnh cho gia chủ. Hình như người ta quên đi gương dũng liệt, tài đức vẹn toàn của tiền nhân như Đức Thánh Trần Hưng Đạo, như Nữ Đô đốc Bùi Thị Xuân...những người rất xứng đáng để được hậu thế noi gương và đời đời hương khói thờ phượng.

 Lê Hòa Nghĩa

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art