Thứ Sáu, 02 Tháng Mười Một, 2012

Hồi ký của Condoleezza Rice

Hồi ký của Condoleezza Rice

* Nguyên tác bằng Anh ngữ nhan đề: “Extraordinary, Ordinary People A Memoir of Family”

by Condoleeza Rice

* Nhà Xuất bản Crown Archetype ấn hành tại Mỹ năm 2010

Condoleeza Rice sinh năm 1954 là người phụ nữ da đen đầu tiên nắm giữ chức vụ Cố vấn An ninh bên cạnh Tổng thống, rồi lại là Ngọai trưởng Hoa kỳ vào những năm đầu của thế kỷ XXI dưới thời của George W Bush là vị Tổng thống thứ 43 của nước Mỹ. Bà là giáo sư lâu năm về môn Chính trị học và có thời gian còn giữ chức vụ Provost (Phụ tá Hành chính) tại Đại học danh tiếng Stanford ở California.

Năm 2009, sau khi rời khỏi chính trường, bà đã dành thời gian để viết cuốn Hồi ký Gia đình và cho ấn hành vào năm 2010. Sách dầy 342 trang, bìa cứng được in trên giấy trắng – dàn trải trong 38 chương, kèm theo nhiều hình ảnh riêng tư của gia đình, cũng như trích từ kho tư liệu của nhiều cơ sở văn hóa xã hội trong nước Mỹ.

Bằng một giọng văn gọn gàng mạch lạc, bình dị và trong sáng, tác giả đã cống hiến cho người đọc một câu chuyện thật sinh động hấp dẫn về những cố gắng vươn lên của một gia đình người da đen tại tiểu bang Alabama là nơi có nạn kỳ thị chủng tộc cực kỳ nghiệt ngã tàn bạo trong những thập niên 1950 – 60.

Vì là cuốn Hồi ký Gia đình, nên câu chuyện được kể lại xoay quanh ba nhân vật chính yếu, đó là người cha John Rice, người mẹ Angelena Ray và người con gái duy nhất Condoleezza Rice – mà chính là tác giả của cuốn sách này. Tác phẩm có thể coi như là một chứng từ khả tín về tình hình sinh họat chung của xã hội Mỹ trong vòng nửa thế kỷ qua – bắt đầu từ năm 1960 vào lúc cô bé Condi lên 6 tuổi và đã bắt đầu biết quan sát nhận định về những sự việc xảy ra xung quanh gia đình mình tại khu vực ngọai ô thành phố Birmingham thuộc miền Nam nước Mỹ – cho đến nay vào thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI.

Để bạn đọc dễ dàng theo dõi câu chuyện, tôi xin lần lượt trình bày chi tiết trong một số mục đáng chú ý sau đây.

I – Sự đùm bọc gắn bó chặt chẽ trong gia đình và dòng họ nội ngọai.

Đúng theo nhan đề của cuốn sách, tác giả Condoleezza Rice đã kể lại rành rọt về sinh họat trong nội bộ gia đình của “bộ ba” (the threesome) tức là người cha John, người mẹ Angelena và người con gái Condi. Đây là một gia đình vào lọai trung lưu (middle class) với cuộc sống thật ấm cúng hạnh phúc – vì cả hai cha mẹ đều hy sinh hết mực trong việc hướng dẫn chăm sóc và “đầu tư trong việc giáo dục” cho cô con gái cưng của ông bà. Suốt trong cuốn sách, Condi đã thuật lại chi tiết về những cố gắng vươn lên của cha mẹ mình, ngay tại vùng đất Alabama còn nặng nhọc với nạn kỳ thị chủng tộc thời kỳ giữa thế kỷ XX.

Condi ngòai tình thương yêu đậm đà đối với cha mẹ, lại còn có sự ngưỡng mộ thán phục hết mình trước những thành tựu mà hai ông bà đã đạt được, mặc dầu phải trải qua bao nhiêu nghịch cảnh éo le. Nàng coi cha mẹ là thứ gương mẫu (role model) để mình noi theo. Khi lấy nhan đề cho cuốn Hồi ký là: “Extraordinary, Ordinary People”, thì rõ ràng là tác giả muốn nói rằng: Cha mẹ của bà là những người bình thường, những cũng lại là những con người phi thường nữa. Dưới đây, căn cứ trên những mô tả rải rác ở nhiều nơi trong cuốn sách, ta sẽ vẽ lại chân dung của người cha và người mẹ tuyệt vời của tác giả.

A – Người cha: Ông John Rice (1923 – 2000)

John Rice là con của một vị mục sư Tin lành trong hệ phái Presbyterian, sinh trưởng ở tiểu bang Louisiana và sau này chính John cũng là một mục sư coi sóc một Hội thánh do cha ông thiết lập ở vùng ngọai ô thành phố Birmingham tiểu bang Alabama. Vốn là người tháo vát năng nổ, mục sư John đã gây dựng được một cộng đòan tín hữu sinh họat rất tấp nập sầm uất, không những về mặt phụng vụ, học hỏi giáo lý thánh kinh, mà đặc biệt về mục vụ cho giới thanh thiếu niên tại địa phương.

Ít lâu sau, thì ông chuyển đi phục vụ trong ngành giáo dục nơi các trường cao đẳng và đại học ở Tuscaloosa Alabama, Denver Colorado và sau cùng tại đại học danh tiếng Stanford California là nơi con gái của ông là Condoleezza làm giáo sư từ lâu. Là người có tài tổ chức, ông lôi cuốn thuyết phục được nhiều người hưởng ứng tham gia các chương trình hành động nhằm phục vụ giới sinh viên, đặc biệt trong lãnh vực thể thao và sinh họat tập thể ở ngòai trời. John có người chị là Theresa có bằng Tiến sĩ và đi dậy về văn chương tại các Đại học.

B – Người mẹ : Bà Angelena Ray (1924 – 1985).

Angelena Ray là một người con giữa trong gia đình có 5 anh chị em. Người anh lớn Albert Ray làm mục sư Tin lành trong hệ phái Presbyterian. Tuy người có tầm vóc nhỏ nhắn, nhưng Angelena lại có sự kiên trì theo đuổi việc học tập để hòan tất chương trình Đại học và theo đuổi nghề dậy học ở các trường trung học trong nhiều năm. Đặc biệt, theo gương thân mẫu bà còn trau dồi riêng về âm nhạc và trong nhiều năm đã phụ trách điều khiển chương trình hát thánh ca tại nhà thờ.

Vào thời nạn kỳ thị chủng tộc còn rất tàn bạo hắc ám tại nhiều tiểu bang ở miền Nam, người mẹ như Angelena chỉ còn biết hạn chế sinh họat trong phạm vi gia đình, giữa cộng đồng tín hữu nơi các khu xóm dành riêng cho người da đen. Bà luôn nhắc nhở con gái Condi rằng : “Con phải cố gắng hết sức để mà có thể “giỏi gấp đôi người ta” (twice as good). Vì nếu như vậy, thì dù người ta có thể không ưa con, nhưng ít nhất người ta cũng phải trọng nể con…”

Với cả hai cha mẹ đều là những người đạo hạnh, lương hảo và siêng năng cần cù như vậy, nên ngay từ tấm bé Condi đã được thừa hưởng một nền giáo dục tuyệt vời trong gia đình – với tình yêu thương nồng ấm của cha mẹ cũng như của bà con nội ngọai và cả của cộng đòan tín hữu ở địa phương mà cả cha lẫn mẹ đều góp phần tích cực xây dựng và phát triển.

II – Cố gắng vượt thóat khỏi nghịch cảnh của lớp người bị áp chế.

Cả cho đến thập niên 1950 – 60, thì tại miền Nam nước Mỹ nạn kỳ thị chủng tộc vẫn còn khắc nghiệt gay gắt, cụ thể là nạn khủng bố do nhóm người da trắng cực đoan 3K Ku Klux Klan thường xuyên gây ra. Trong khu vực người da đen cư ngụ, thì cái cảnh bom nổ liên miên, các nhà thờ bị đốt cháy, nhiều thường dân vô tội bị sát hại…là “chuyện thường ngày ở huyện”, đến nỗi mà thành phố Birmingham được gọi trại đi là “Bombingham”. Vị chỉ huy cảnh sát Birmingham tên là Bull Connor là một thứ hung thần ra tay đàn áp người da đen với đủ mọi thủ đọan thâm độc tàn ác.

Condi mô tả lại cái cảnh bom nổ kinh hòang tại một nhà thờ gần kề với gia đình mình vào ngày Chủ nhật 15 tháng 9 năm 1963 sát hại 4 em gái mới ở vào tuổi 11 – 14. Một trong những nạn nhân này là Denise McNair là người bạn vẫn thương chơi trò búp bê với Condi. Cũng trong thời gian đó, phong trào tranh đấu đòi Dân quyền do mục sư Martin Luther King phát động đã gây sôi nổi trong dư luận tòan quốc Hoa kỳ và được sự hỗ trợ của cả một bộ phận khá đông đảo của người Mỹ da trắng tiến bộ nữa.

Mặc dầu phải sinh sống trong môi trường xã hội tồi tệ đến như thế, cha mẹ của Condi vẫn nhẫn nại tìm cách vượt lên được do cố gắng học tập, làm việc và nhất là gắn bó liên đới chặt chẽ với tập thể người da đen đồng cảnh và đồng đạo với mình. Năm 1968, gia đình Rice dọn đến thành phố Denver tiểu bang Colorado, nhờ vậy mà Condi có cơ hội được học tập trong những trường học tốt nhất để hòan thành bậc trung học và đại học. Vào năm 1981 khi vừa đủ 26 tuổi, Condoleezza Rice đã được cấp phát văn bằng Tiến sĩ về ngành chính trị học. Cuộc sống của Condi bắt đầu từ thập niên 1980 đã diễn ra thật tốt đẹp, cả trong môi trường đại học ở Stanford California, cũng như trong hệ thống chính quyền Liên bang Mỹ ở Washington DC. Ta sẽ tìm hiểu chi tiết về sự đóng góp chuyên môn của vị nữ lưu này trong mục sau.

Ông bà Rice đã dồn hết khả năng tài chánh và công sức của mình để cho cô con gái Condi có được cơ hội học tập tốt nhất, kể cả trong lãnh vực nghệ thuật và thể thao. Từ thời thơ ấu 3 – 4 tuổi, Condi đã được học đàn piano và đã trở thành một nhạc sĩ dương cầm điêu luyện, được mời trình diễn hợp tấu trong nhiều dịp trình diễn văn nghệ, cũng như trong các thánh lễ. Condi cũng được cho học tập nhiều năm về môn nhảy múa trên băng (ice skating). Và Condi cũng theo gương người cha để tham gia ủng hộ rất nhiệt thành cho các đội banh Football, Basketball nổi tiếng trên tòan quốc.

III – Sự nghiệp của một chuyên viên cao cấp về bang giao quốc tế.

Mới vào đại học ở Denver vào năm 1971 -72, Condi có cái may được sự hướng dẫn tận tình của một vị giáo sư là chuyên viên có nhiều kinh nghiệm thực tế về Liên Xô, đó là giáo sư Joseph Korbel thân phụ của Madeleine Albright sau này cũng là một vị Ngọai trưởng của Hoa kỳ.

Cô sinh viên trẻ đã hăng say học tiếng Nga và sau nhiều năm miệt mài trong việc học tập nghiên cứu, Condi đã trở thành một chuyên viên thành thạo trong ngành bang giao quốc tế – đặc biệt về tình hình chính trị quân sự của Liên bang Xô Viết. Và tiếp theo là được mời tham gia giảng dậy và nghiên cứu tại đại học danh tiếng Stanford ở California.

Tác giả thuật lại những khó khăn trong việc được cấp phát quy chế làm giáo sư thực thụ của đại học (tenure) – vì phải thông qua một thủ tục duyệt xét cam go của cả một hội đồng các vị giáo sư đàn anh gọi là “peer review”. Sự đánh giá về năng lực chuyên môn vừa căn cứ trên thành tích giảng dậy, mà nhất là trên những công trình nghiên cứu được phổ biến trong các tập chuyên san có uy tín, hay trong các sách do mình cho xuất bản. Điển hình là cuốn sách đầu tay do nhà xuất bản Đại học Princeton ấn hành, nhan đề là : “Uncertain Allegiance : The Soviet Union and the Czechoslovak Army” – đã được các thức giả đánh giá cao. Nhờ vậy, mà sau mấy năm làm phụ tá giáo sư, thì Condoleezza Rice đã được tuyển nhận vào ngạch giáo sư thực thụ của đại học Stanford.

Cũng tại đại học này, Condoleezza lại còn được mời giữ nhiệm vụ là Provost (Phụ tá hành chánh) trong một thời gian, trong khi vẫn tiếp tục công việc giảng dậy và nghiên cứu. Và trong nhiều năm, chuyên viên nổi danh về Liên Xô là Condoleezza Rice lại còn được mời tham gia cộng tác với chánh quyền Liên bang tại thủ đô Washington DC nữa. Từ năm 1989, bà bắt đầu tham gia trong văn phòng Ban Cố vấn An ninh cho Tổng thống George H Bush (Bush Cha).

Thời kỳ này, hệ thồng do Liên Xô lãnh đạo đang gặp những xáo trộn lớn lao, khiến cho vị lãnh đạo nước Mỹ luôn phải tham khảo với giới chuyên viên về Liên Xô như Condoleezza để có thể kịp thời đối phó với những biến chuyển có tầm vóc quan trọng như thế. Và quả thật ý kiến của Condi luôn được đánh giá cao vì sự cân nhắc thận trọng của một chuyên gia có sự hiểu biết tường tận về nội tình của khối cộng sản. Condi thuật lại những ngày tháng sát cánh với vị Cố vấn trưởng là Brent Scowcroft, đến độ phải làm việc căng thẳng liên miên suốt trên 15 tiếng đồng hồ mỗi ngày trong văn phòng tại Tòa Bạch Ốc.

Rồi dưới thời Tổng thống George W Bush (Bush Con), kể tứ năm 2001, Condoleezza Rice lại giữ chức vụ Cố vấn trưởng về an ninh và sau đó thì thay thế Colin Powell để giữ chức vụ Ngọai trưởng Hoa kỳ. Bà đã hòan thành xuất sắc trong cả hai nhiệm vụ cao cấp nhất trong guồng máy của chánh phủ Liên bang – như giới báo chí ở Mỹ cũng như trên thế giới đã từng đánh giá. Nên thiết tưởng không còn phải nhắc lại ở đây nữa.

IV – Để tóm lược lại:

Nói chung, cuốn Hồi ký này được viết với một giọng văn mạch lạc trong sáng. Nhưng lại cung cấp cho chúng ta rất nhiều thông tin về cuộc sống lương hảo, cần cù đạo hạnh trong nội bộ một gia đình người da đen giữa thời kỳ nạn kỳ thị chủng tộc còn rất tàn bạo khắc nghiệt trong khu vực các tiểu bang tại miền Nam nước Mỹ vào thập niên 1950 – 60. Đại khái, ta có thể ghi lại một vài đặc điểm như sau:

1 – Ngòai truyến thống gia đình, thì phải kể đến ảnh hưởng của tôn giáo đối với sự thăng tiến của các gia đình người da đen trong xã hội nước Mỹ. Có thể nói Tôn giáo đã giúp mỗi đơn vị cộng đòan tín hữu gắn bó liên kết chặt chẽ với nhau hơn hầu đối phó được với sự ngược đãi phũ phàng do người da trắng cực đoan gây ra. Đó chính là cái nguồn vốn xã hội (the social capital) có khả năng nâng cao phẩm chất cuộc sống của mỗi thành viên của cộng đòan. Trong suốt cuốn Hồi ký, tác giả luôn nhắc lại những lời nguyện cầu của mình gửi lên Thiên chúa, mỗi khi gặp một biến cố nào xảy ra cho gia đình hay cho chính bản thân mình.

2 – Là một người đã có một sự nghiệp vững chắc trong môi trường hàn lâm đại học cũng như trong guồng máy chính quyền của một siêu cường, nên Condoleezza Rice có một thái độ bao dung trước vấn nạn kỳ thị chủng tộc vốn là một thứ mà tác giả gọi “tệ nạn bẩm sinh” (birth defect) từ nhiều thế kỷ nay trên đất Mỹ. Noi theo lời khuyên bảo của cha mẹ, bà đã cố gắng hết mức để mà “tài giỏi gấp đôi người khác” – nhờ vậy mà gặt hái được những thành công vượt bậc trên đời như ta đã thấy. Condi đã không chấp nhận thái độ “buông xuôi tuyệt vọng”, mà cũng không chấp nhận giải pháp “bạo động quá khích” của một số người là nạn nhân của tình trạng kỳ thị tệ hại này (victimhood). Thái độ tích cực đó đã khiến cho Condi được nhiều người mến phục và trọng nể.

3 – Riêng trong ngành ngọai giao của nước Mỹ, thì từ hai chục năm nay các vị Ngọai trưởng đều là những vị xuất thân từ nguồn gốc di dân, thiểu số da màu và nhất là phụ nữ. Đó là những Madeleine Albright (phụ nữ gốc di dân từ Tiệp khắc), Coli Powell (gốc da đen từ Jamaica), Condoleezza Rice (phụ nữ gốc da đen) và hiện nay là Hillary Clinton (phụ nữ). Các vị Ngọai trưởng này đều đã có những đóng góp tuyệt với trong việc nâng cao uy tín của nước Mỹ trên trường quốc tế vậy.

Vắn tắt lại, cuốn Hồi ký Gia đình này của Condoleezza Rice quả thật là một tác phẩm rất có giá trị vì chân thực, gọn gàng và chính xác. Người viết xin trân trọng giới thiệu với quý bạn đọc./

Costa Mesa California, Mùa Trung Thu Nhâm Thìn 2012

© Đoàn Thanh Liêm

© Đàn Chim Việt

Bài viết khác