Thứ Sáu, 08 Tháng Sáu, 2012

Huyền thoại Tần Thủy Hoàng

Một trong những công trình “để đời” của Tần Thủy Hoàng chính là Vạn Lý Trường Thành được xây dựng nhằm ngăn chặn những cuộc tấn công của Hung Nô từ phía bắc. Đây là một công trình độc đáo không chỉ của Trung Quốc mà là của cả nhân loại.

Vạn Lý Trường Thành bắt đầu từ Lâm Thao ở phía Tây và ra tới Liêu Đông ở phía Đông. Bức tường thành dài nhất thế giới này được xây dựng từ thế kỷ thứ 5 trước CN và sau đó nhiều vương triều sau đều cho xây dựng thêm, nhưng phần xây dựng chính và lớn nhất vẫn là thời của Tần Thủy Hoàng.

Hàng vạn người dân bị huy động để đi đắp thành, và nhiều người đã chết tại đây ước tính lên tới hơn 1 triệu người, bởi vậy Vạn Lý Trường Thành cũng được đặt một cái tên khủng khiếp “Nghĩa địa dài nhất trái đất” hay “mỗi viên gạch một xác người”.

Trong dân gian còn truyền lại nỗi khổ của nàng Mạnh Khương, thương nhớ chồng, đi mười ngàn dặm đường để thăm chồng bị bắt đi xây thành, đến nơi thì chồng nàng đã chết rồi. Chung quanh chỉ là rừng núi và đá. Không biết kiếm xác chồng ở đâu, nàng tuyệt vọng, khóc mấy ngày mấy đêm, khóc tới nỗi chính cái thành cũng phải mủi lòng.

Khi nói đến Tần Thuỷ Hoàng, không thể không nhắc tới cung A Phòng được xây dựng tại Hàm Dương bên bờ sông Vị, tương truyền là nơi vua xây để cho các cung nữ ở có sức chứa lên tới hàng vạn người.

Theo lệnh của Tần Thủy Hoàng, hơn 70.000 người từ khắp nơi của Trung Quốc đã phải chặt cây trên núi Thục để xây dựng nên một cung điện nguy nga tráng lệ cho thấy sự phung phí, ngông cuồng của vị hoàng đế này. Tuy nhiên theo ghi chép lại thì cung A Phòng đã bị thiêu rụi trong cuộc khởi nghĩa của nông dân đánh đổ triều đại nhà Tần.

Trong bán kính trên trăm dặm xung quanh kinh đô có xây thêm 270 cung điện. Bao nhiêu vàng bạc châu báu, nhạc công và vũ nữ của 6 nước bị khuất phục đều gom cả lại vềở đó để làm vui mắt nhà vua. Tương truyền cuối đời Tần, kinh đô bị chiếm và bị đốt, ngọn lửa cháy liền trong 3 tháng mới tắt.

Tần Thủy Hoàng hiệu Doanh Chính, là quốc vương nước Tần thời Chiến quốc. Đây là một vị hoàng đế thông minh, đầy tham vọng mưu mẹo và có tài quân sự. Năm 221 trước CN, ông đã thống nhất 6 nước, lập ra nhà nước trung ương đầu tiên.

Sau chiến thắng, vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc biết rằng tuy nước Tần thống nhất nhưng về văn hoá và tư tưởng vẫn rời rạc, biên giới vẫn bị đe dọa, ông đã xác lập chế độ hoàng đế của mình, thống nhất các đơn vị đo lường, tiền tệ, chữ triện, xây dựng quyền uy tối cao cho bản thân và cải tổ lại hệ thống quan lại, lập chế độ trung ương tập quyền.
Mô hình này được kéo dài đến hàng ngàn năm sau dưới thời đại phong kiến Trung Quốc và được khen là “ngàn đời đều thực chính sự của nhà Tần”.

Nhà Tần do Tần Thủy Hoàng lập ra tồn tại 15 năm rồi bị lật đổ. Cũng giống như bao vị hoàng đế khác, vị vua đầu tiên của Trung Quốc này cũng ham muốn ước vọng bất tử. Ông đã phái nhiều người đạo Lão vượt biển để đi tìm thuốc trường sinh.

Ông chết vì bệnh ở tuổi 49, vào năm 210 trước Công nguyên, 4 năm trước khi đế chế đầu tiên của Trung Quốc sụp đổ. Từ khi còn sống, Tần Thủy Hoàng đã bắt đầu xây dựng lăng mộ của mình. Các nhà khảo cổ đã khai quật được 13 con sếu bằng đồng thau đang cưỡi mây bay lên thiên đàng biểu tượng cho ham muốn được trường sinh của vị hoàng đế này.

Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng dược xây dựng ở Tây An trong vòng 36 năm, chia thành hai phần. Phía trong có hình vuông chu vi 25.254m, phía ngoài hình chữ nhật có chu vi 6294m. Phía Nam là khu mộ táng, hình nón 4 cạnh, mộ chôn sâu trong quan ngoài quách chứa nhiều vàng bạc châu báu, bên trong mộ có hệ thống cung nỏ bắn tự động nếu ai đến gần.

Khu lăng mộ có sông suối, biển hồ bằng thuỷ ngân, khi cần có thể tháo cửa cho thuỷ ngân chảy vào mộ. Khi mai táng, các phi tần không sinh con đều bị táng cùng, các thợ xây cũng bị giết để tránh tiết lộ. Đặc biệt ở khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng, ngoài lượng xe ngựa bằng đồng, binh khí, có một lượng lớn những binh lính bằng đất nung với kích thước như người thật.

Đội quân đất nung với 8099 chiến binh và ngựa được tìm thấy trong mộ vào năm 1974. Chúng được làm ra với dụng ý bảo vệ cuộc sống cõi âm của vị hoàng đế, được chôn cùng với ông vào khoảng năm 210 đến 209 trước Công nguyên.

Đốt sách chôn nhà nho đó là hành động gây bất bình nhất dưới thời Tần Thủy Hoàng. Xuất phát từ nhu cầu tăng cường thống trị tư tưởng, vị hoàng đế này đã ra lệnh đốt hết các sách sử không thuộc về nước Tần cũng như tất cả các sách Thi Thư đang tàng trữ trong dân, kể cả các trước tác của Bách Gia Chư Tử.

Kẻ nào dám bàn luận về Thi Thư sẽ bị chặt đầu, kẻ nào dùng các chuyện cổ xưa để bài bác chuyện đời nay bị chém cả nhà. Chính vì vậy vô số điển tích văn hoá bị đốt trụi, các nhà nho sinh ra bất mãn và bắt đầu tỏ thái độ bất bình chế độ.

Tần Thủy Hoàng đã phái người đi điều tra bắt giữ các nho sinh trong thành Hàm Dương để thẩm vấn, đem chôn sống 460 nhà nho liên can.

Theo Anh Hưng

Bài viết khác