Thứ Tư, 12 Tháng Hai, 2025

Hướng dẫn để nhận ơn toàn xá trong Năm Thánh 2025

 

Shutterstock - Các linh hồn nơi Luyện ngục cầu nguyện, nhà thờ Thánh Máccô ở Milan, 1937.

Năm Thánh 2025 đã được khai mạc cách đây vài tuần và trong suốt năm 2025, các tín hữu có thể nhận được ơn toàn xá với một số điều kiện nhất định. Nhưng ơn toàn xá là gì? Nó mang lại điều gì? Làm thế nào để nhận được? Dưới đây là hướng dẫn cụ thể.

Năm Thánh đã bắt đầu vào đêm Giáng sinh, được đánh dấu bằng việc mở Cửa Thánh tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican. Trong Tông sắc công bố Năm Thánh thường kỳ 2025, có tựa đề Spes non confundit (Niềm hy vọng không làm thất vọng), Đức Giáo hoàng kêu gọi tất cả các Kitô hữu trở thành những người hành hương của hy vọng, và cho phép các tín hữu nhận ơn toàn xá cho chính họ hoặc cho các linh hồn nơi luyện ngục, với các điều kiện được nêu rõ trong một văn bản. Làm thế nào để nhận được ơn toàn xá này? Cần đáp ứng những điều kiện nào? Ai có thể nhận được? Aleteia phân tích hướng dẫn chi tiết cho bạn.

ƠN TOÀN XÁ LÀ GÌ?

Trước hết, điều quan trọng cần nhắc lại ơn toàn xá là một ân sủng do chính Thiên Chúa ban tặng, nhằm sửa chữa những hậu quả do tội lỗi gây ra. "Ơn xá là việc tha thứ trước mặt Thiên Chúa về hình phạt tạm do tội lỗi gây ra mà tội đã được tha, việc tha thứ này người tín hữu với những điều kiện nhất định có thể nhận được nhờ hoạt động của Giáo hội, với tư cách là người phân phát ơn cứu chuộc, phân phát và áp dụng bằng thẩm quyền của mình kho tàng công phúc của Chúa Kitô và các thánh", như Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo xác định (GLCG 1471). Nói cách khác, ơn xá không liên quan đến lỗi - đã được tha thứ trước đó qua bí tích giải tội - mà liên quan đến hình phạt do lỗi đó gây ra. Thật vậy, tội lỗi, dù đã được tha thứ, vẫn để lại dấu vết: chính những dấu vết này ơn toàn xá có thể xóa bỏ, và mang lại sự tha thứ cho những hậu quả của tội lỗi đã được tha. Nếu là toàn xá, tha thứ hoàn toàn hình phạt, nghĩa là cho phép đi thẳng lên thiên đàng nếu chết ngay lúc đó. Nếu xá một phần, giảm bớt hình phạt tạm thời nhưng không xóa bỏ hoàn toàn.

AI CÓ THỂ NHẬN ĐƯỢC ƠN TOÀN XÁ?

Ơn toàn xá có thể được nhận bởi tín hữu xin cho chính mình hoặc cho các linh hồn nơi luyện ngục. Do đó, không thể xin ơn toàn xá cho người đang sống khác ngoài bản thân mình. Tuy nhiên, có thể thực hiện việc xin ơn toàn xá cho người thân đã qua đời. Đây là sự kéo dài tín điều các thánh thông công, như cha Laurent Spriet, cha xứ nhà thờ Thánh Georges ở Lyon giải thích với Aleteia, một loại mối quan hệ tình yêu và tình liên đới thực sự được thiết lập giữa người chết và người sống (xem GLCG 1475). Vì vậy, ơn toàn xá được nhận qua Giáo hội, người có quyền "cầm buộc và tháo gỡ" (xem Mt 18, 18), và có thể can thiệp cho người Kitô hữu để giúp họ nhận được "từ Cha lòng thương xót việc tha thứ các hình phạt tạm do tội lỗi của họ". (GLCG 1478)

NGÀN CÁCH ĐỂ NHẬN ƠN TOÀN XÁ

Trước hết, tín hữu phải đáp ứng một số điều kiện để nhận ơn toàn xá: thực sự ăn năn, không còn dính bén với tội (nghĩa là có ý định mạnh mẽ không tái phạm), đã lãnh nhận bí tích giải tội, đã rước lễ, và cuối cùng cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng (ví dụ đọc một kinh Lạy Cha hoặc một kinh Kính Mừng).

Sau đó, khi đã đáp ứng các điều kiện tiên quyết này, văn bản đề xuất các việc làm khác nhau để nhận ơn toàn xá trong Năm Thánh:

Hành hương và viếng thăm các nơi thánh

Có thể nhận ơn toàn xá Năm Thánh bằng cách hành hương đến một địa điểm Năm Thánh và tham dự thánh lễ, lần hạt Mân Côi, phụng vụ các giờ kinh (Kinh Sáng, Kinh Chiều chẳng hạn), v.v. Ở Roma, sẽ phải đi bộ đến các vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Thánh Gioan Laterano, Đức Bà Cả hoặc Thánh Phaolô Ngoại thành. Ở Đất Thánh, sẽ là Mộ Thánh (Giêrusalem), vương cung thánh đường Giáng Sinh (Bethlehem) hoặc vương cung thánh đường Truyền Tin (Nazareth).

Không nhất thiết phải hành hương, chỉ cần đến một nơi Năm Thánh. Những nơi này được các giám mục chỉ định. Ở Pháp, nhiều đền thánh đề xuất thực hiện việc này, như vương cung thánh đường Sacré cœur (Thánh Tâm) ở Montmartre, đền thánh Montligeon, hoặc Lourdes. Lấy ví dụ trường hợp sau cùng: tín hữu thực sự ăn năn, quyết tâm từ bỏ tội lỗi, xưng tội và rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng, sau đó đến Lourdes để tham gia rước kiệu Đức Mẹ, sẽ "đủ điều kiện" để nhận ơn toàn xá. Và nếu không rước kiệu Đức Mẹ, không sao cả, có thể lần hạt, chầu Thánh Thể, đi đàng thánh giá...

Các việc thương xót về thể xác

Ơn toàn xá cũng có thể nhận được qua việc tham gia các sứ vụ bình dân, ngay cả không thường xuyên. Ví dụ, đi phát thức ăn với một hiệp hội giúp đỡ người nghèo nhất. Điều này cũng áp dụng cho việc thăm viếng người già, người cô đơn, người bệnh, người hấp hối...

Việc học hỏi cũng được coi một việc thương xót: những buổi học này có thể về giáo lý Công giáo, các văn kiện Công đồng Vatican II, hoặc Kinh Thánh, v.v.

Trong tinh thần sám hối, từ bỏ "những thú vui vô ích" và "tiêu dùng không cần thiết" trong ít nhất một ngày. Điều này có thể thể hiện qua việc ăn chay, kiêng thịt hoặc bố thí, đặc biệt là vào thứ Sáu.

Các việc thương xót về tinh thần

"Khuyên bảo người đang nghi ngờ, dạy dỗ người không biết, cảnh tỉnh người tội lỗi, an ủi người đau khổ, tha thứ người xúc phạm, kiên nhẫn chịu đựng người khó chịu..." Một số việc có thể ban đầu có vẻ mơ hồ hơn nhưng không nên bỏ qua: đó là các việc thương xót về tinh thần. Tất cả đều là những hành động bác ái: dâng chúng lên Thiên Chúa cho phép - vẫn với năm điều kiện đã nêu trên - nhận được ơn toàn xá. Kiên nhẫn với một đồng nghiệp hoặc cấp trên khó chịu, mang lời an ủi đến cho người đang đau khổ, im lặng chịu đựng một sự xúc phạm hoặc lăng mạ, giữ bình tĩnh trước con cái nghịch ngợm... Tất cả có thể trở thành ân sủng! Để dâng những hy sinh này lên Thiên Chúa, có thể đọc một lời cầu nguyện, chẳng hạn như lời kinh Thiên thần dạy các trẻ em Fatima: "Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi lửa hỏa ngục; xin đưa các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn."

CẦN BAO NHIÊU THỜI GIAN ĐỂ NHẬN ĐƯỢC ƠN TOÀN XÁ

Mặc dù danh sách này có thể giống như công thức nấu ăn, không cần thiết phải theo thứ tự chính xác của công thức! Việc rước lễ có thể được thực hiện vào ngày hôm sau hoặc muộn hơn trong tuần, cũng như việc xưng tội (xem Thánh Phaolô VI Indulgentiarum doctrina, quy tắc 8).

Lấy một ví dụ: tối thứ Hai, sau ngày làm việc, tín hữu đi phát thức ăn và quyết định dâng việc này cho các linh hồn nơi luyện ngục. Khó có thể rước lễ và xưng tội sau một ngày ở văn phòng... Họ có thể xưng tội vào ngày hôm sau. Họ đã rước lễ ngày hôm trước. Nếu họ làm tất cả điều này trong tinh thần thực sự sám hối, và cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng, họ đáp ứng các điều kiện để nhận ơn toàn xá cho mình hoặc cho một linh hồn nơi Luyện ngục.

CÓ THỂ NHẬN ƠN TOÀN XÁ NHIỀU LẦN KHÔNG?

Theo quy tắc, ơn toàn xá chỉ có thể nhận được một lần mỗi ngày; khác với ơn xá một phần có thể nhận được nhiều lần trong ngày (Indulgentarium doctrina, quy tắc 6). Tuy nhiên, văn bản về ơn toàn xá được ban trong Năm Thánh 2025 chỉ ra một ngoại lệ quan trọng! Như vậy, "các tín hữu thực hiện việc bác ái cho các linh hồn nơi luyện ngục, nếu họ hợp pháp lãnh nhận bí tích Thánh Thể lần thứ hai trong cùng một ngày, có thể nhận ơn toàn xá hai lần". Cụ thể, bất kỳ việc làm nào (lần hạt, đi đàng thánh giá, ăn chay, v.v.) được thực hiện nhằm giải thoát các linh hồn nơi luyện ngục, sẽ cho phép nhận ơn toàn xá hai lần nếu người đó rước lễ hai lần trong cùng một ngày.

LÀM SAO BIẾT ĐƯỢC MÌNH ĐÃ NHẬN ĐƯỢC ƠN TOÀN XÁ?

Rất đơn giản: chúng ta không thể biết được! "Chúng ta có thể hy vọng nhận được ơn toàn xá, nhưng sẽ không biết được có nhận được hay không. Tương tự như vậy, chúng ta không bao giờ có thể biết một người thân đã khuất của chúng ta đang ở hỏa ngục, luyện ngục hay thiên đàng, nhưng dù vậy chúng ta vẫn phải cầu nguyện cho người chết và tất cả các linh hồn đang được thanh luyện", cha Spriet giải thích. "Chỉ có Chúa mới biết Ngài ban điều gì. Chỉ một mình Ngài xét đoán tâm hồn chúng ta".

Cécile Séveirac – Aleiteia 11/02/25

Bài viết khác