Thứ Hai, 09 Tháng Mười Hai, 2024

Lễ Giáng Sinh và các biểu tượng

Lễ Giáng Sinh và các biểu tượng

Mùa Vọng

Chúng ta có thời gian Mùa Vọng nhờ các Kitô hữu ở Gaule và bán đảo Iberia, không lâu sau khi lễ Giáng Sinh được phổ biến rộng rãi vào thế kỷ IV. Đề cập phụng vụ đầu tiên về Mùa Vọng có từ Công đồng Tours năm 567.

Thời gian chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh ban đầu kéo dài ba tuần, sau đó được kéo dài thành bốn mươi ngày, gần như trở thành một "Mùa Chay mùa đông" với việc khuyến khích ăn chay. Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả (540-604) đã thống nhất thời gian này và rút ngắn xuống còn bốn tuần để phân biệt với Mùa Chay đầu tiên trước Tuần Thánh.

Vòng hoa Mùa Vọng

Có nguồn gốc từ nước Đức, vòng hoa xanh được trang trí bốn ngọn nến được thắp sáng dần dần mỗi Chúa nhật Mùa Vọng. Nến thứ nhất tượng trưng cho sự tha thứ dành cho Adam và Eva; nến thứ hai tượng trưng cho đức tin của các tổ phụ; nến thứ ba tượng trưng cho niềm vui của vua David ca ngợi Giao Ước với Thiên Chúa; nến thứ tư tượng trưng cho lời giảng dạy của các ngôn sứ.

Lịch Mùa Vọng

Ra đời ở Đức vào cuối thế kỷ XIX, lịch Mùa Vọng có hai mươi bốn ô để mở lần lượt từ ngày 1 đến 24 tháng 12. Ban đầu, mỗi ô đánh dấu một giai đoạn từ việc Truyền tin cho Đức Maria đến sự ra đời của Chúa Giêsu bằng việc đọc một câu Kinh Thánh.

Ông già Noel hay Thánh Nicolas?

Ông già Noel ra đời ở Hoa Kỳ trong thế kỷ XIX. Ông được công ty Coca-Cola quảng bá rộng rãi từ năm 1931, biến ông thành biểu tượng của một chiến dịch quảng cáo quốc tế mạnh mẽ. Ban đầu, Ông già Noel có ngoại hình và chức năng mang quà, thưởng cho trẻ em ngoan, xuất phát từ truyền thống của những người nhập cư gốc Đức và Hà Lan, những người mừng lễ Thánh Nicolas dưới tên santa Claus.

Còn về Thánh Nicolas, giám mục thành Myra (thành phố Anatolia nổi tiếng với màu tím đỏ) vào đầu thế kỷ IV, ngài được tôn kính rộng rãi ở vùng Địa Trung Hải. Sự tôn kính này lan rộng đến Bắc và Đông Âu khi, khoảng năm 1100, một quý tộc vùng Lorraine trở về từ cuộc Thập tự chinh mang theo một đốt xương của vị thánh. Theo truyền thuyết, ngài là vị cứu tinh của trẻ em và trở thành "thánh bổn mạng" của các em, phân phát quà, đi từ nhà này sang nhà khác, từ ống khói này sang ống khói khác.

Ở Alsace, cuộc Cải cách Tin Lành đã gạt bỏ Thánh Nicolas, người mặc áo tím đỏ giám mục được cho là quá "theo giáo hoàng", và thay thế bằng Chúa Hài Đồng. Ý tưởng về một Chúa Hài Đồng phân phát quà sau đó cũng được các nước Công giáo ở Nam và Tây Âu ưa thích.

Chợ Giáng Sinh

Nói đến lễ hội là nói đến sự chuẩn bị và chợ búa. Những chợ Giáng Sinh cổ xưa nhất có từ thời Trung cổ. Ở Strasbourg, chợ Chúa Hài Đồng được ghi nhận từ năm 1570, đặc biệt phát triển ở Alsace và các nước nói tiếng Đức, cũng như ở Provence, thông qua các chợ tượng hang đá.

Cây thông, quả cầu và nến

Cây Giáng Sinh thật sự đầu tiên xuất hiện ở Sélestat, vùng Alsace, năm 1521. Ban đầu được trang trí bằng trái cây, thường là táo đỏ, nó tượng trưng cho Cây Tri Thức thiện ác, hay còn gọi là Cây trong Vườn Địa đàng, được mô tả trong sách Sáng Thế. Màu xanh của nó cũng nhắc nhở về sự tồn tại của sự sống trong thiên nhiên bị tàn phá bởi mùa đông. Được trang trí bằng nến, dây vàng và dây kim tuyến, ánh sáng của nó gợi nhớ đến sự ra đời của Chúa Giêsu, "Adam Mới" mang ánh sáng đến cho thế giới.

Cây thông Giáng Sinh được người Tin Lành khuyến khích ban đầu bị người Công giáo không ưa vì họ xem đó là đối thủ có hại cho hang đá. Nhưng một mô tả từ đầu thế kỷ XVII cho thấy sự dè dặt đã không còn vì người Công giáo Alsace treo trên cành, ngoài táo, còn có bánh thánh chưa truyền phép và hoa hồng giấy tượng trưng cho Chúa Kitô và thiên đàng. Năm 1858, do hạn hán khiến cây thông không có táo, các thợ thổi thủy tinh vùng Lorraine đã nảy ra ý tưởng thổi những quả cầu thủy tinh để thay thế trái cây thiếu. Mặc dù cây thông Giáng Sinh xuất hiện lần đầu tiên ở Paris năm 1827, tại cung điện Tuileries, dưới ảnh hưởng của nữ công tước xứ Orléans gốc Đức, nhưng mãi đến sau cuộc chiến 1870 việc sử dụng nó mới lan rộng khắp nước Pháp.

Bài viết khác