Thứ Hai, 15 Tháng Giêng, 2024

Con rồng qua ngôn ngữ dân gian

Năm Giáp Thìn 2024 cầm tinh con rồng, có nhiều điều thú vị để nói. Người viết xin sưu tầm và thử giải thích một số ngôn ngữ dân gian qua thành ngữ, tục ngữ, ca dao về con rồng vẫn thường lưu hành ở nước ta để hầu bạn đọc.

 Con rồng qua ngôn ngữ dân gian - 1
Ảnh: pexels-wilson-tan


Khái quát về Rồng

Trong 12 con giáp, rồng là con vật tưởng tượng đứng ở vị trí thứ năm, sau con mèo và trước con rắn. Rồng là con vật không có thật, nhưng lại có mặt trong Vè mười hai con giáp: “Tuổi Thìn, rồng ở thiên đình; Đằng vân giá võ ẩn mình trên mây”.

 

Rồng là một loài vật xuất hiện trong thần thoại phương Đông và phương Tây được biểu thị cho loài linh vật có sức mạnh phi thường. Ở các nước phương Đông, rồng được tôn thờ như thần vật. Còn ở phương Tây, rồng bị coi là loài quái vật, là biểu tượng của cái ác và sự hung dữ. Văn hóa phương Đông rất kính trọng và coi rồng là một loại thú linh. Trong tứ linh “Long Ly Quy Phụng” thì rồng đứng hàng đầu. Long là con Rồng, Ly hay Lân là con Kỳ Lân, Quy là con Rùa và Phụng/Phượng là một loài chim quý.

Theo thần thoại, rồng có hình dáng rất lạ kỳ, các bộ phận con rồng được so sánh như sau: Đầu rồng giống như đầu đà, sừng giống như sừng nai, cổ giống như cổ rắn, bụng như bụng con giao, mắt như mắt thỏ, tai như tai bò, chân như chân cọp, móng như móng chim ưng, vảy như vảy cá ly. Rồng có tên gọi tùy theo màu sắc, như bạch long (mình rồng toàn màu trắng), hoàng long/huỳnh long (mình toàn màu vàng, cao quý nhứt), thanh long (mình toàn màu xanh), xích long (mình toàn màu đỏ) và hắc long (mình toàn màu đen).

Người ta còn phân biệt các loại rồng như: bàn long, ly long, giao long, ứng long.

Bàn long: rồng nằm, chỉ người chưa gặp thời (Rồng nằm bể cạn phờ râu; Mấy lời anh nói giấu đầu hở đuôi– Ca dao);

Ly long: rồng còn trẻ, chưa có sừng;

Giao long/cù long: rồng sống được 500 năm thì mọc sừng;

Ứng long: rồng sống được 1000 năm trở lên thì có sừng dài và mọc thêm cánh.

Ngoài ra giao long còn được gọi là con thuồng luồng. Theo truyền thuyết, thuồng luồng thuộc loài thủy quái, có thân hình to lớn, đầu hình rồng, mình giống rắn, có đầy đủ tứ chi và rất dữ tợn.

Dưới chế độ phong kiến, hình tượng rồng được ghép với uy quyền của nhà vua- người được mệnh danh là thiên tử (con trời). Vì vậy, từ các bộ phận trên thân thể cho đến những đồ dùng sinh hoạt hằng ngày của “con trời” đều được gắn với hình tượng con rồng: long thể/ngọc thể (thân thể của vua), long nhan (mặt vua), long bào (áo có thêu rồng của vua), long đình (sân chầu vua ngày xưa), long xa/long giá (xe dành cho vua), long sàng (giường để vua nằm), long tu (râu rồng: Lỗ mũi em có tám cánh lông; chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho…).

Ngoài ra còn có mão cửu long (tức mão Cửu Long Thông Thiên) là mão vua đội có khắc chín con rồng vào dịp lễ đăng quang, thiết triều, tiếp sứ đoàn các nước bang giao.

 

Còn tượng cửu long tức tượng Phật Thích Ca khắc hoạt cảnh chín con rồng phun nước khi Đức Phật chào đời.

Chắc chúng ta ai cũng biết một con sông lớn trên thế giới được ca dao Lục tỉnh nhắc tới:

Sông Cửu Long chín cửa, hai dòng; Người thương qua vô số, nhưng qua chỉ một lòng với bậu thôi”. Đó là sông Cửu Long (Tây Âu gọi Mékong) là con sông đứng hàng thứ bảy trên thế giới về chiều dài và sức mạnh phi thường, là một loại “trường giang vạn dặm” của nước ta. Khi chảy qua địa phận Nam Kỳ, sông Cửu Long mang ý nghĩa “chín rồng” tương ứng chín cửa sông đổ ra biển…

 Con rồng qua ngôn ngữ dân gian - 2
Ảnh: pexels-thắngnhật-trần


Con rồng qua ngôn ngữ dân gian

Như đã dẫn, rồng là linh vật được người phương Đông coi là biểu tượng cho sức mạnh phi thường, cho những gì cao quý nhứt. Do vậy hình tượng rồng trong văn hóa dân gian- cụ thể là qua thành ngữ, tục ngữ, ca dao được thể hiện rất phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc. Nhiều bài học luân lý qua ngôn ngữ dân gian thường mượn hình ảnh rồng để khuyên răn người đời.

-Ăn như rồng cuốn (chỉ hình tượng con rồng “cuốn” hết thảy mọi vật để chỉ sức ăn ghê gớm của nó): Ăn nhanh, ăn đến đâu hết đó.

-Ăn như rồng cuốn, làm như cà cuống lội nước/uống như rồng leo, làm như mèo mửa: Ăn nhiều mà làm ít, cẩu thả. Ăn thiệt làm chơi. 

-Thêu phượng vẽ rồng: Vẽ vời, bày đặt thêm, cố làm cho đẹp hơn.

-Vẽ rồng vẽ rắn (chỉ những nét vẽ tự ý, muốn vẽ thế nào cũng được, không cần kiểu mẫu): Bày vẽ lôi thôi, luộm thuộm, rườm rà.

-Rồng bay phượng múa: Hình dáng, đường nét tươi đẹp, uyển chuyển, phóng khoáng.

Cá chép hóa rồng: Cá chép nhờ đợt sóng cao đưa lên, vượt luôn một lần qua ba đợt sóng, nhả ngọc vượt qua Võ Long môn và hóa rồng. Cá chép hóa rồng vì vậy biểu trưng cho sự can đảm, may mắn, thành công. Ý nói học trò đi thi được đỗ đạt vinh hiển; ước mơ thành đạt của con người.

 

Con Rồng cháu Tiên có nghĩa dòng dõi đầy tự hào của dân tộc Việt Nam: chung một nguồn cội, con của rồng, cháu của tiên.

Rồng đến nhà tôm: Người cao sang đến thăm kẻ thấp hèn. Lời nói nhún nhường của chủ nhà với khách.

Đẹp duyên cưỡi rồng: Lấy được người chồng lý tưởng.

-Hội long vân (Hội rồng mây): Cuộc gặp gỡ tốt lành, thời cơ thuận lợi.

Long bàn hổ cứ (Long: rồng; bàn: uốn khúc; hổ: con cọp; cứ: ngồi xổm): Nói thế đất hiểm yếu, linh thiêng. Người xưa cho những nơi có bậc hiền tài là long bàn hổ cứ. Ngoài ra còn có thành ngữ Long đàm hổ huyệt (đầm rồng hang cọp) cũng cùng ý nghĩa.

-Long ly quy phụng (Rồng lân rùa phượng): Bốn con vật quý và thiêng theo quan niệm tín ngưỡng phương Đông, bắt nguồn từ bốn linh thần là Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Võ và Châu Tước đại diện cho bốn yếu tố hội tụ nơi đất trời là nước, lửa, đất và gió.

-Lưỡng long chầu nguyệt: Hình hai con rồng chầu về một mặt trăng thường thấy trong các bức điêu khắc ở đình, chùa, đền thờ. Đó là biểu tượng của âm dương hòa hợp trong vũ trụ.

Một ngày dựa mạn thuyền rồng; Còn hơn muôn kiếp nằm trong thuyền chài (“thuyền rồng” là loại thuyền có trang trí, chạm khắc hình rồng dành cho vua chúa): Nói lên ước mơ của các cô gái thời xưa muốn được vua chọn làm hoàng phi, cung tần, mỹ nữ, được sống trong giàu sang phú quý.

Trứng rồng lại nở ra rồng; Liu điu lại nở ra dòng liu điu (liu điu”: loài rắn nhỏ chỉ ăn sâu bọ): nói lên những giá trị và bản chất nòi giống, dòng giống nào sanh dòng giống đó.

Rồng vàng tắm nước ao tù; Người khôn ở với người ngu bực mình: (“Rồng vàng” là con rồng quý không bao giờ tắm nước đục ở ao tù): Người khôn ngoan mà phải chung sống với kẻ ngu đần thì thật là bực bội, khó chịu.

 

-Câu ca dao: “Vĩnh Long có cặp rồng vàng/ Nhứt Bùi Hữu Nghĩa nhị Phan Tuẫn thần”, ca ngợi “cặp rồng vàng” Bùi Hữu Nghĩa và Phan Thanh Giản, hai bậc hào kiệt của tình Vĩnh Long xưa thời chống giặc Pháp xâm lược vào hậu bán thế kỷ XIX.

Ngoài ra hình tượng con rồng đã đi vào sinh hoạt của người dân, từ điệu “múa rồng”, rồi trò chơi “rồng rắn” đến đồng hồ khắc hình rồng. Ngay cả cây cảnh cũng mượn hình ảnh rồng, như cây lưỡi rồngcây xương rồng, cây thanh long, cây đậu rồng (Dây ở trên mây; Là cây đậu rồng- Vè trái cây). Rồng còn có mặt trong Câu đố:

Đầu rồng đuôi phượng le the
Mùa Xuân ấp trứng mùa Hè nở con

(Buồng cau)…

 Con rồng qua ngôn ngữ dân gian - 3
Ảnh: andrea-de-santis-unsplash


__________________

Năm nay là năm con rồng, thiết tưởng nên bàn về một số thành ngữ, ca dao có “hơi hướm rồng” xuất hiện ở Lục tỉnh để làm phong phú hóa đề tài. Thật ra khi bàn về văn chương bình dân Việt Nam, người ta thường đề cập đến ca dao miền Trung, miền Bắc mà ít dẫn “vốn quý” của miền Nam. Người viết muốn bảo tồn và phát huy “cái di sản lý thú của ông cha” nên phần giới thiệu dưới đây có phần nghiêng về về vùng đất mới Nam Kỳ Lục tỉnh.

Trước hết là thành ngữ “Năm Thìn bão lụt”. Nhắc tới “năm Thìn bão lụt”, người ta nghĩ ngay đến cơn bão lụt năm Giáp Thìn 1904 ở xứ Gò Công và nhiều tỉnh Nam Kỳ thời bấy giờ. Đây là trận bão lụt lịch sử cách đây vừa đúng hai vòng hoa giáp – tức 120 năm. Còn thành ngữ “năm Thìn bão lụt” có nghĩa nói tới chuyện xưa cũ đã chìm sâu vào quá khứ.

“Năm Thìn bão lụt” là trận bão lụt kinh hoàng ở Nam Kỳ. Xứ Gò Công chịu ảnh hưởng nặng nề nhứt. Nhiều vùng phụ cận như Mỹ Tho, Tân An, Sài Gòn-Gia Định và dọc theo vùng duyên hải cũng bị tàn phá. Nhiều làng ở gần bờ biển đã bị một hải lưu cao hơn ba mét lôi cuốn đi mất. Bốn mươi năm sau trận thiên tai, Nam Kỳ tuần báo (chủ nhiệm là Hồ Văn Trung – tức nhà văn Hồ Biểu Chánh) số 85, ra ngày 8 Tháng Sáu 1944, có bài Trận bão năm Thìn mô tả khá chi tiết về cơn bão diễn ra vào ngày chủ nhựt 1 Tháng Năm 1904 trên đất Sài Gòn xưa.

Ngoài ra, trong bài viết về Bão lụt năm Thìn của tác giả Sơn Nam và Tô Nguyệt Đình có đoạn: “Ngày 16 Tháng Ba Âm lịch năm Giáp Thìn, nhằm ngày 1 Tháng Năm Dương lịch năm 1904, một trận lụt nổi lên phá hoại toàn cõi Nam Kỳ. Riêng hai tỉnh Mỹ Tho và Gò Công là thiệt hại nặng nhất”.

Theo thống kê của chánh quyền tỉnh Định Tường và Gò Công thời đó, có tới hơn 5,000 người chết; súc vật thì mười phần chết tám, và hơn phân nửa nhà dân bị sập trong cơn bão năm Thìn nầy. Ngay cả vùng Sài Gòn-Gia Định cũng có tới hơn 3,000 người chết, thiệt hại tài sản khá nặng nề:

“Bến Thành nóc chợ cũng bay; Đèn khí nó ngã nằm ngay cùng đường…”.

Theo cụ Vương Hồng Sển thì “năm nào có chữ “Thìn” đều có mưa to gió lớn, duy năm Giáp Thìn (1904) là tai hại nhứt. Bão tố cuồng phong thì gọi “rồng đi”, “rồng dậy”.

 

Điều đáng nói là ca dao có màu sắc rồng dưới đây thường đề cập đến tình yêu đôi lứa của người dân quê Lục tỉnh. Nơi gặp gỡ của tình yêu thôn dã thường diễn ra trong các cuộc thi hò hát đối đáp, các chàng trai – cô gái có dịp gặp gỡ, trò chuyện, để ý thương nhau: “Tôi là người dạo kiểng lê viên; Tới đây gặp gái thuyền quyên nên rủ hò”, hoặc “Sông sâu sóng bủa láng Cò; Thương em vì bởi câu hò có duyên”.

Để bày tỏ tình yêu, họ phải trải qua nhiều giai đoạn thử thách: tìm hiểu, tỏ tình, hẹn hò, nhớ nhung, thề thốt. Theo lẽ thường, chàng trai phải chủ động thực hiện các giai đoạn của tình yêu. Còn cô gái mặc dầu “tình trong như đã” vẫn ở thế thụ động, rụt rè e ấp.

Lời tỏ tình mộc mạc hồn nhiên được sử dụng bằng ngôn ngữ bình dị, ngộ nghĩnh là nét đặc thù của ca dao Lục tỉnh. Sau thời gian đi khắp Nam Kỳ, tới nơi đây do duyên trời định khiến chàng trai đã “phải lòng” cô gái nên tìm cách bày tỏ tình cảm của mình:

Trên trời có cây hóa kiểng
Dưới biển có cá hóa long
Con cá lòng tong ẩn móng ăn rong
Anh đi Lục tỉnh giáp vòng
Tới đây trời khiến đem lòng thương em.
(
Cá hóa long: Cá chép hóa rồng, đã giải thích ở trên).

Chưa hết, chàng đem chuyện hai đứa còn sống sót sau trận bão lụt năm Thìn là do Tơ hồng Nguyệt lão xe duyên:

Năm Thìn trời bão thình lình
Kẻ trôi người nổi, hai đứa mình còn đây
Tơ hồng nay đã về tay
Bà Nguyệt ở lại xe dây hai đứa mình
Điệu phu thê mình giữ trọn tình
Để phụ mẫu hay đặng đánh mình đau tui.

Câu ca dao dưới đây nói lên nỗi nhớ thương của chàng trai miệt vườn vì hoàn cảnh phải xa cách người thương của mình bởi trận “bão lụt năm Thìn” mà “khóc đến mòn con ngươi”, nay gặp lại chi xiết nỗi vui mừng!

Gặp mặt em đây mới biết em còn
Hồi năm Thìn bão lụt qua khóc mòn con ngươi.

Nhớ lại cảnh người chết vô số, thây trôi đầy đồng khiến bao kẻ “lạc vợ xa chồng” mà phải tuôn trào “nước mắt”:

 

Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc
Gió nào độc cho bằng gió Gò Công
Một ngọn gió đưa lạc vợ xa chồng
Nằm đêm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi.

Và trong một hoàn cảnh khác, chàng trai Lục tỉnh vì nhớ tới người thương đến nỗi “khóc đỏ lòm con ngươi” bởi cảnh “kẻ mất người còn”:

Năm Thìn bão lụt, kẻ mất người còn
Nhớ em anh khóc đỏ lòm con ngươi.

Đôi khi vì quá đỗi si tình, chàng trai trở nên “liều mạng” đến nỗi “Dao phay kề cổ, máu đổ không màng” và bất chấp mọi trở ngại hiểm nguy, quyết một lòng son sắt với người mình thương nên hứa hẹn một câu chắc như đinh đóng cột:

Miễn bậu đành ừ, qua chẳng từ lao khổ,
Dẫu đăng sơn cầm hổ, dầu nhập hải tróc long
Trước sau giữ trọn một lòng,
Vào lòn ra cúi, anh cũng đành lòng theo em.

(Đăng sơn cầm hổ, nhập hải tróc long: Lên non giữ lấy cọp, xuống/vào biển bắt rồng).

Có những tình yêu đơm bông kết trái, nhưng cũng có nhiều cuộc tình gặp trắc trở khiến cô thôn nữ hoàn toàn sụp đổ trong chán nản và tuyệt vọng muốn “tu được hóa rồng” hầu “xa lánh bụi hồng gió trăng”:

Nghĩ con cá Lý ngư cũng như thân thiếp
Chờ cho mãn kiếp tu được hóa rồng
Thôi anh đừng mong việc vợ chồng
Để cho em xa lánh bụi hồng gió trăng.

Sau hết là bài ca dao trữ tình:

Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai

Nước sông trong chảy lộn sông ngoài

Thương người xa xứ lạc loài tới đây.

“Rồng chầu” chỉ nơi vua đang có mặt, kinh đô nơi vua (rồng) đang ở. Trong bài này, “rồng chầu” có lẽ chỉ hình ảnh những con rồng tạc bằng đá chầu trước kinh thành Huế. Việt Nam Từ Điển (1931) giải thích:

“Bởi chữ triều đọc trạnh. Đi hầu chực vua chúa: Các quan đi hầu vua. Nghĩa rộng: Cùng hướng về một phương vị nào”.

 

Tự Điển Việt-Bồ-La (1651) giải thích “tế” có nghĩa là chạy. Ngựa tế là ngựa chạy/chạy mau, chạy đều bốn chân; “tế riết” là chạy hoài, chạy mãi, chạy riết, không nghỉ chân.

Bài ca dao trữ tình biểu hiện khát vọng tự do qua hình ảnh hào hùng tung vó ngựa xuôi vào Nam (ngựa tế Đồng Nai) để “mở cõi” của di dân người Việt; đồng thời nói lên tình dân tộc nghĩa đồng bào của người dân Lục tỉnh- nói chung và Đồng Nai- nói riêng. Phóng khoáng, bộc trực, mộc mạc, dân dã mà thắm đượm nghĩa tình. “Người xa xứ lạc loài tới đây” phải chăng là cư dân Đàng Ngoài, Đàng Trong vào “miền đất hứa” sanh cơ lập nghiệp theo đà Nam tiến?

Chữ “thương” gói trọn nghĩa tình, nó bộc trực, tự nhiên không xởi lởi, môi mép: người tới trước giúp đỡ, cưu mang đùm bọc người đến sau; người miền Nam Lục tỉnh cưu mang đùm bọc người từ miền ngoài tới: “Tới đây thì ở lại đây; Bao giờ bén rễ xanh cây hãy về”. Đó cũng là tánh cách, là cốt cách “trọng nghĩa tình” của người dân Lục tỉnh. Cũng có thể giải thích đó là tình cảm đặc biệt của cô gái miệt vườn dành cho chàng trai “xa xứ”: chữ “thương” ở đây có nghĩa là tình yêu đôi lứa, nó thiệt thà, đằm thắm mà ẩn chứa nghĩa tình…

 Con rồng qua ngôn ngữ dân gian - 4
Ảnh: pexels-eva-bronzini


_________________

Kết

Còn rất nhiều điều thú vị về ngôn ngữ, văn hóa dân gian liên quan đến con vật số một trong tứ linh. Vì khuôn khổ có hạn, chúng tôi xin tạm dừng nơi đây. Duy có điều cần lưu ý: Năm ngoái khi bàn về con cọp, chúng tôi có nhấn mạnh là người xưa đánh cọp, giết cọp xong rồi lập miếu, tạc tượng mà thờ. Trái lại, con rồng vốn là linh vật huyền thoại – theo quan niệm Đông phương, chẳng những không bị đánh giết mà còn được thờ tự khắp đình chùa, miếu mạo cả nước.

Ngoài ra trong y dược học Việt Nam, theo GS Đỗ Tất Lợi, có nhiều vị thuốc mang tên rồng như: Ban long (rồng có đốm) là một thứ cao được bào chế từ sừng hươu có đốm. Địa long (rồng đất) như đã kể. Long y (chiếc áo của rồng) tức là vỏ ngoài của rắn lột xác (da rắn) bào chế thành thuốc trị ghẻ và có tác dụng sát trùng ngoài da. Long nhãn (mắt rồng) là vị thuốc chế từ cùi nhãn phơi sấy khô dùng chữa bịnh suy nhược thần kinh và mất ngủ, v.v…

Nhân tết con Rồng sắp tới xin kính chúc bạn đọc gần xa – đặc biệt các chàng trai có sức khỏe phi thường như rồng, còn các cô gái vẫn thủy chung son sắt: “Trăm năm trăm tuổi may rủi một chồng; Dầu ai thêu phượng vẽ rồng mặc ai”.

Montréal, Canada, Tết Giáp Thìn 2024

Chú thích:

* Thương hồ: Dùng ghe xuồng chuyên chở nông sản buôn bán trên sông nước miền Nam rày đây mai đó, sống đời “gạo chợ nước sông”.

* Bán vàm – (vàm: cửa rạch, cửa sông, ngã ba sông): Bán hàng rong như chè, cháo trên sông – thường ở ngã ba sông khắp miền Nam, nơi ghe thương hồ tới lui tấp nập. Ca dao có câu: “Thân em là gái bán vàm; Bán vàm em bán, điếm đàng em không”
 

Bài viết khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art