Thứ Hai, 25 Tháng Chín, 2023

“Besame Mucho” và “It’s now or never”: Khao khát yêu và được yêu

Ảnh minh họa: Aleksey-oryshchenko/Unsplash
 
Nhạc phẩm “Besame Mucho” và “It’s now or never” ra đời ở hai thời điểm khác nhau, bằng hai ngôn ngữ khác nhau, hai phong cách âm nhạc khác nhau nhưng dường như cả hai bản đều chuyển tải cùng tâm trạng khao khát yêu và được yêu.
 
 Nếu “Besame Mucho” là lời tâm sự của một cô gái, thì “It’s now or never” là lời tâm sự của các chàng trai.
Yêu và khao khát được yêu luôn là cảm xúc mạnh mẽ nhất của nhân loại ở mọi thời cho dầu là thập niên 30 hay thập niên 60. Và thậm chí cho đến ngày nay,  ChatGPT cũng đã từng thốt lên: “Em chỉ muốn yêu anh và được anh yêu”!
 
Besame Mucho” là sáng tác bằng tiếng Tây Ban Nha của nữ nhạc sĩ Consuelo Velázquez, người Mexico, hồi năm 1932. Chính Consuelo Velázquez thể hiện đứa con tinh thần của bà theo giai điệu Bolero và phát hành đĩa vào năm 1940.
 
Xin nói thêm rằng giai điệu Bolero bắt nguồn từ miền Đông nước Cuba từ cuối thế kỷ 19, thuộc dòng nhạc truyền thống trova hay còn gọi là trovadores (nhạc của những người hát rong trên đường phố).
 
Và kể từ đó “Besame Mucho” trở nên phổ biến cho đến thế kỷ 21, với nhiều phiên bản mang phong cách khác nhau của các nghệ sĩ trên thế giới. Đáng chú ý  nhất là phiên bản của nghệ sĩ Jimmy Dorsey (chơi kèn clarinet) cùng dàn nhạc, với giọng ca của hai ca sĩ Bob Eberly và  Kitty Kallen – đứng vị trí thứ #1 bảy tuần liên tiếp trong bản xếp hạng “Best Selling Singles chart” (danh sách các đĩa đơn bán chạy nhất) tại Hoa Kỳ hồi năm 1944.
 
Mặc dầu “Besame Mucho” được thể hiện qua nhiều giọng, cả nam lẫn nữ ca sĩ, tuy nhiên nguyên bản xuất phát từ nỗi niềm của thiếu nữ, mà cũng chính là nhạc sĩ Consuelo Velázquez, là hay nhất:
 
Hãy hôn em nồng nàn anh yêu hỡi,
Cứ như rằng đời chẳng có đêm mai.
 
Hãy hôn em nồng nàn anh yêu hỡi,
Em sợ mai này em để mất anh thôi.
 
Đến bên em cận kề nhau đôi mắt,
Lỡ mai này em phải cách xa anh.
 
Rồi hồi năm 1960, hai chàng trai gồm Wally Gold và Aaron Schroeder đã cho ra đời nhạc phẩm “It’s now or never” dựa trên bản nhạc tiếng Ý  “O Sole mio” của ca sĩ kiêm nhà soạn nhạc Eduardo di Capua và bản nhạc “There’s No Tomorrow” mà nam ca sĩ Tony Martin từng hát vào năm 1949.
 
Một điều thú vị là ý nhạc của bản “It’s now or never” lại khá giống với ý nghĩa của bài hát “Besame Mucho” trước đây.
 
Cố danh ca huyền thoại Elvis Presley phát hành đĩa bản thâu âm “It’s now or never” hồi Tháng Bảy 1960. Ông thể hiện bài hát bằng chất giọng mượt mà theo giai điệu Pop với nhịp độ (tempo) 126 nhịp/phút, tiết tấu dồn dập, thể hiện tâm trạng khao khát yêu và được yêu của chàng trai:
 
Hãy đến với anh đêm nay để khỏi lỡ làng cơn yêu cháy bỏng,
Ôm chặt vai anh và hôn nhẹ lên bờ môi khát vọng.
 
Nếu đợi đến ngày mai thì liệu ta có còn gặp lại nhau chăng?
 
Vì yêu đương có bao giờ chờ đợi ta đâu?
 
Phút giây đầu gặp mặt em, anh đã đắm say nụ cười em huyền bí,
Tim anh thổn thức, tâm hồn anh xao động.
 
Bao ngày trôi qua, anh chỉ mong đến lúc này đây,
Bây giờ đây em đang ở rất gần anh,
Và chính đêm nay là thời điểm thích hợp nhất để yêu đương.
 
Nếu ta không để vị ngọt đôi môi một lần gõ cửa,
Thì ta sẽ trở thành rặng liễu yếu đuối khóc xuống dòng sông.
 
Sẽ chẳng còn bờ môi em khuấy động tim anh,
Sẽ chẳng còn vòng tay em ấp ủ hồn anh đang say đắm,
Nếu lỡ mai này trên đường đời đôi ngã, liệu ta có còn gặp lại nhau chăng?  
 
Bài hát này đã đem đến thành công vang dội cho Elvis Presley. Đĩa thâu âm “It’s now or never” của Elvis Presley bán chạy nhất tại Hoa Kỳ hồi năm 1960. Rồi từ năm 1960 đến năm 1961 chiếm vị trí thứ #1 trong các bảng xếp hạng âm nhạc ở 10 quốc gia: Úc, Canada, Bỉ, Ireland, Netherlands, New Zealand, Na Uy, Nam Phi, Anh Quốc, Hoa Kỳ.
 
Và 28 năm sau cái chết bất ngờ của Elvis Presley hồi năm 1977, “It’s now or never” quay lại đứng vị trí thứ #1 trong bảng xếp hạng âm nhạc ở Anh Quốc và Scotland hồi năm 2005, khi bản thâu âm bài hát này được phát hành lại trong năm này.
 
“It’s now or never” đã được bán ra hơn 20 triệu bản trên khắp thế giới kể từ khi được phát hành cho đến nay.
Ca sĩ hát nhạc đồng quê kiêm diễn viên John Schneider đã cover và phát hành bản “It’s now or never” dưới dạng đĩa đơn vào năm 1981. Phiên bản của John Schneider cũng từng gặt hái được thành công, tuy nhiên so ra không thể vượt qua phiên bản của Elvis Presley vì bản cover chỉ lọt được vào top #5 của bảng xếp hạng âm nhạc ở Hoa Kỳ và Canada.
 
Và cứ hễ nhạc phẩm ngoại quốc nào chuyển tải được cảm xúc và diễn giải được nỗi niềm chung của con người thì hầu như không thiếu bản phóng tác lời Việt.
 
“Besame Mucho” được nhạc sĩ Trường Kỳ  phóng tác lời Việt mang tên “Yêu nhau đi”. Ông là một trong những người tiên phong khai sinh phong trào nhạc trẻ tại Sài Gòn trước Tháng Tư 1975.
 
Bản phóng tác “Yêu nhau đi” của ông từng được chương trình ca nhạc của trung tâm ASIA dàn dựng công phu và đẹp mắt, qua giọng ca của nữ ca sĩ hải ngoại Nini xinh đẹp và dàn vũ công ngoại quốc chuyên nghiệp.
 
Màn trình diễn “Yêu nhau đi” sôi động đến nỗi khán giả quên rằng nguyên bản từng mang phong cách Bolero.
 
Còn bản “It’s now or never” có bản phóng tác lời Việt mang tựa “Đến với anh đêm nay” của cố nhạc sĩ Phạm Duy. Lời Việt của cố nhạc sĩ Phạm Duy rất hay và gần như bám sát ý nghĩa của nguyên bản, được nhiều ca sĩ hải ngoại và trong nước biểu diễn.
 
Tuy nhiên, có điều rất tiếc là hiện vẫn chưa thấy bản ghi hình “Đến với anh đêm nay” nào lột tả được hết tâm trạng khao khát yêu và được yêu đến táo bạo của tuổi trẻ để khán thính giả nghe – xem cho đã.
 
Tình yêu đôi lứa của tuổi trẻ không chỉ là nhung nhớ, là chờ đợi trong âm thầm lặng lẽ, mà thường rực cháy, thể hiện khát khao “đốt cháy” hết năng lượng và nhiệt huyết của tháng ngày thanh xuân rực rỡ.
 
Tâm trạng đó cũng thể hiện tuổi trẻ thời đại nào cũng dám sống, dám yêu hết mình ngay trong thời khắc hiện tại, khi họ luôn giả tỷ rằng “sẽ không có ngày mai”.
 
 
Tidoo Nguyễn
https://saigonnhonews.com/
 

Bài viết khác