Chủ Nhật, 16 Tháng Tư, 2023

‘Chuyến Tàu Hoàng Hôn,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Minh Kỳ và Hoài Linh

‘Chuyến Tàu Hoàng Hôn,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Minh Kỳ và Hoài Linh

 

SANTA ANA, California (NV) – “Chuyến Tàu Hoàng Hôn,” sáng tác của hai nhạc sĩ Minh Kỳ và Hoài Linh, là một bản “nhạc lính” đầy ắp những tình cảm yêu đương, bịn rịn, quyến luyến, sầu thương, nhung nhớ, khát khao, hy vọng… nhưng lại hầu như không có một từ ngữ nào có chữ “lính” hoặc “người chiến sĩ” hoặc “chàng trai ra đi vì nước”…

 Nhạc phẩm “Chuyến Tàu Hoàng Hôn” của Minh Kỳ và Hoài Linh. (Hình: Tài liệu)

Mãi cho đến khi tác giả nói đến sứ mạng “đem yêu thương rắc lên muôn vạn oán hờn” của chàng trai trong bản nhạc thì người ta mới hiểu rằng chàng trai đó chẳng ai khác mà chính là một anh chiến sĩ Cộng Hòa.

Bài này chỉ viết về nhạc phẩm “Chuyến Tàu Hoàng Hôn” theo như những gì được in ra trong bản gốc của nhạc phẩm này, viết tại Thị Nghè (Sài Gòn) vào mùa mưa năm 1962, và thường được hát karaoke, hoặc thâu vào băng đĩa, hoặc trình diễn trên sân khấu nhiều hơn.

“Chiều nao tiễn nhau đi khi bóng ngả xế tà/ Hoàng hôn đến đâu đây màu tím dâng trong hồn ta/ Muốn không gian đừng tan, níu đôi chân thời gian ngừng trôi cho giây phút chia ly này kéo dài/ Trước khi phân kỳ ước sao cho tàu đừng đi.”

Buổi hoàng hôn hôm em tiễn anh lên đường cứ thấy như là tím cả rừng chiều vậy đó. Đôi ta ai cũng bịn rịn lúc chia phôi, ước chi mình có thể níu chân được thời gian quý giá và con tàu khoan chuyển bánh để cho đôi ta còn ở mãi bên nhau thì chúng mình sẽ hạnh phúc biết là bao nhiêu!

“Xe lăn trong tim khuất xa dần biết đâu tìm/ Mưa Thu bay bay sắt se lòng ướt vai mềm/ Hoàng hôn dần buông mà ai còn đứng im trong chiều sương xuống.”

Rồi xe cứ lăn bánh trên con đường thiên lý mịt mờ cho đến khi xa khuất, khiến đôi ta cùng nghe đau nhói cả con tim. Đã thế, những giọt mưa Thu vô tình cứ mưa làm chi cho ướt áo em tôi. Mặc kệ mưa rơi và màn đêm xuống dần trên sương chiều lạnh lẽo, em của anh vẫn đứng đó như hình một pho tượng, lòng đau khôn xiết vì cuộc chia ly.

“Tâm tư cô đơn trách con tàu nỡ sao đành/ Đem bao yêu thương đến nơi nào cách đôi tình/ Đường bao nhịp nối tình trăm nghìn mối hướng theo một bóng người.”

Trong niềm cô đơn chất ngất, em chỉ biết trách con tàu sao đành đoạn đem người thương đi mất. Dù rằng đường đời vạn nẻo về đâu và giữa trăm ngàn mối sầu đang vây chặt lấy mình, em chỉ còn biết nghĩ về anh và nhớ về anh thôi.

“Tà dương khuất trong sương là mỗi lần ngóng chờ/ Nhìn theo phía chân mây đợi chuyến xe xưa về chưa/ Nếu hay chăng người ơi, chốn xa xôi chàng trai còn đem yêu thương rắc lên muôn vạn oán hờn/ Nếu mai đây về cũng trên chuyến tàu hoàng hôn.”

Thế rồi, cứ mỗi độ bóng chiều dần tàn và sương mù giăng giăng khắp lối là em lại ngồi mong ngóng tin anh. Xin em hiểu cho rằng hôm xưa anh đi vì nước non mình đợi chờ, và anh ra đi chiến đấu là để lấy yêu thương mà xóa bỏ hận thù, giúp cho thanh bình sớm trở lại thôn xưa. Anh ước nguyện sẽ có một ngày về đoàn viên bên em, cũng trên con tàu này và cũng vào một buổi hoàng hôn chan chứa yêu thương, như buổi đôi mình đưa tiễn nhau đi ngày xa xưa ấy, thương thì thật nhiều, nhiều hơn biển cát…

 Bìa nhạc phẩm “Chuyến Tàu Hoàng Hôn” của Minh Kỳ và Hoài Linh. (Hình: Tài liệu)

***

Sự thật thì một số người ái mộ nhạc phẩm “Chuyến Tàu Hoàng Hôn” không biết rằng nhạc phẩm này có tới hai lời ca trên một nền nhạc, bởi vì ngoài “Chuyến Tàu Hoàng Hôn” ra còn có “Chuyến Tàu Hoàng Hôn 2” với lời nhạc ca tụng một cách rõ ràng và cụ thể hơn những chàng trai nước Việt đã hăng hái lên đường cầm súng bảo vệ quê hương miền Nam tự do trong cuộc chiến đấu chống quân Cộng Sản xâm lược.

Mặc dù trong toàn thể nhạc phẩm nói về buổi tiễn đưa của một cô gái dành cho người tình đi xa chỉ có hai câu ở gần cuối cho biết chàng trai đã lên đường chiến đấu cho sự sống còn của đất nước, quê hương (“Nếu hay chăng người ơi, chốn xa xôi chàng trai còn đem yêu thương rắc lên muôn vạn oán hờn”), nhưng bài hát này vẫn là một bản “nhạc lính” tuyệt vời.

Bài hát nói lên tình yêu đôi lứa tha thiết nhưng cũng đầy những “nợ nước, tình nhà” của đôi bạn lòng khi họ đặt tình yêu quê hương, đất nước lên trên tình cảm yêu đương riêng tư. Chàng trai lên đường nhập ngũ, với buổi tiễn đưa bịn rịn của người tình trên “chuyến tàu hoàng hôn” cùng với lòng mong chờ ngày người chiến sĩ trở về sum họp với người em bé nhỏ quê nhà “cũng trên chuyến tàu hoàng hôn.”

Thiết tưởng, ở đây cũng nên giải thích thêm ý nghĩa của câu “còn đem yêu thương rắc trên muôn vạn oán hờn” trong bài hát của Minh Kỳ và Hoài Linh. Này nhé, “yêu thương” ở đây bao gồm tính nhân bản và lòng yêu thương, đất nước và dân tộc của chính phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam tự do. Trong khi đó “oán hờn” chỉ mối hận thù mà Cộng Sản gieo rắc lên dân tộc, từ hận thù giai cấp và thù hằn giữa kẻ nghèo và người giàu cho tới thù địch giữa chế độ chuyên chính vô sản của người miền Bắc đối với chế độ dân chủ, tự do của người miền Nam thời bấy giờ.

Khi quân Cộng Sản đánh chiếm được một nơi nào đó trên lãnh thổ miền Nam tự do thì họ tuyên truyền rằng chính quyền miền Nam không hề biết thương dân, và bọn “Mỹ-Diệm,” bọn “Thiệu-Kỳ” cùng quân Mỹ-Ngụy đều tàn ác như nhau. Tuy nhiên, các sự kiện lịch sử phơi bày ra trong suốt cuộc Chiến Tranh Việt Nam đều cho thấy Việt Nam Cộng Hòa không hề ở ác với dân và luôn đối xử nhân đạo với các tù binh mà họ đang giam giữ. Nhưng rồi, oái oăm thay, miền Bắc Cộng Sản đã chiến thắng miền Nam tự do. Thực tế cho thấy, kẻ chiến thắng muốn nói hươu, nói vượn gì cũng được, bất cần đến lẽ phải hoặc chân lý.

Còn chuyện “đem yêu thương rắc trên muôn vạn oán hờn” thì rõ ràng là nói đến sứ mạng vì dân trừ bạo, lấy tình thương xóa bỏ hận thù, vốn là kim chỉ nam của người chiến sĩ Cộng Hòa, dù trong thời chiến hay trong thời bình. Chỉ riêng chuyện Việt Nam Cộng Hòa chỉ lo phát triển kinh tế cho dân giàu, nước mạnh chứ không lo đem quân đánh ai cũng đủ chứng minh rằng chế độ dân chủ, tự do của miền Nam tự do mới là kẻ luôn “đem yêu thương rắc trên muôn vạn oán hờn,” đúng như lời ca trong “Chuyến Tàu Hoàng Hôn.”

Dưới đây là những câu hát tiêu biểu trong “Chuyến Tàu Hoàng Hôn 2” cho biết rõ một trong hai nhân vật chính của bản nhạc là một anh chiến sĩ Cộng Hòa “thứ thiệt”: “Nhịp xe lướt nhanh nhanh dồn khúc vang quân hành ca/ Nhắn em ơi đừng thương, chí trai anh ngàn phương;” “Người trai vì nước đi xây tình quê hương;” “Người ơi! Chí nam nhi khi đã gửi sa trường”…

 Nhạc sĩ Minh Kỳ (trái) và nhạc sĩ Hoài Linh. (Hình: Tài liệu)

***

Nhạc sĩ Minh Kỳ tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, gốc người Huế nhưng sinh tại Nha Trang và là cháu sáu đời của Vua Minh Mạng. Chàng trai Vĩnh Mỹ học nhạc hồi mới 14 tuổi ở trường Gagelin tại Quy Nhơn, sau đó đi du học tại trường Bách Khoa Paris bên Pháp. Tác phẩm đầu tay của nhạc sĩ Minh Kỳ là ca khúc “Chị Hằng,” được sáng tác vào năm 1949 lúc Minh Kỳ mới 19 tuổi.

Năm 1957, Minh Kỳ vào định cư tại Sài Gòn và trở thành một sĩ quan Cảnh Sát Quốc Gia với cấp bậc sau cùng là đại úy. Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, Minh Kỳ bị bắt đi “học tập cải tạo” tại trại An Dưỡng ở Biên Hòa, nơi ông thiệt mạng vì một quả lựu đạn bỗng nổ tung giữa bữa cơm với các bạn tù. Lúc ấy Minh Kỳ mới có 45 tuổi.

Phần lớn các sáng tác của Minh Kỳ hồi trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam đều là những bản nhạc tình cảm, kể cả những bản “nhạc lính.” Số lượng các nhạc phẩm do Minh Kỳ viết ra rất nhiều và rất đa dạng, bởi vì Minh Kỳ thường hợp soạn với các nhạc sĩ khác: “Xuân Đã Về,” “Nha Trang” (lời Hồ Đình Phương), “Lá Vàng Rơi,” “Anh Tiền Tuyến Em Hậu Phương,” “Tình Hậu Phương,” “Cánh Thiệp Đầu Xuân” (với Lê Dinh), “Đường Về Khuya” (với Lê Dinh), “Hạnh Phúc Đầu Xuân” (với Lê Dinh), “Cánh Thư Ướp Hoa Rừng” (với Lê Dinh), “Cánh Buồm Chuyển Bến” (lời Hoài Linh), “Biệt Kinh Kỳ” (lời Hoài Linh), “Mấy Độ Thu Về” (lời Hoài Linh), “Nếu Một Mai Anh Biệt Kinh Kỳ” (lời Hoài Linh), “Sầu Tím Thiệp Hồng” (lời Hoài Linh), “Tiếng Hát Học Trò” (với Nguyễn Hiền)…

Hoài Linh, tức Lê Văn Linh, sinh tại Hải Phòng, là một trong các nhạc sĩ nổi tiếng tại miền Nam Việt Nam thời Việt Nam Cộng Hòa.

Trước năm 1975, nhạc sĩ Hoài Linh hoạt động trong Đoàn Văn Nghệ Vì Dân với cấp bậc trung úy dưới quyền của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Hoài Linh bắt đầu sáng tác từ năm 1955, với các bản nhạc tình mang lãng mạn nhưng chưa vương khói lửa chiến chinh, trong đó có bản “Em Ơi! Nếu Đừng Dang Dở” từng được nữ danh ca Lệ Thu trình bày qua làn sóng điện của các đài phát thanh tại miền Nam Việt Nam.

Kể từ đầu thập niên 1960, Hoài Linh bắt đầu nổi tiếng nhờ nhạc phẩm “Sầu Tím Thiệp Hồng” (cùng với Minh Kỳ). Ca khúc này đã trở thành bài hát lý tưởng dành cho các cặp song ca như Chế Linh-Thanh Tuyền và sau này là Tuấn Vũ-Giao Linh. Từ đó cho đến năm 1975, nhạc sĩ Hoài Linh liên tục cho ra đời những tác phẩm được khán, thính giả khắp nơi yêu thích.

Những sáng tác của nhạc sĩ Hoài Linh không chỉ hấp dẫn nhờ giai điệu tình tứ mà lời ca cũng đầy ý nghĩa và sâu sắc. Lời nhạc của Hoài Linh được đánh giá là bay bướm, văn hoa và có vần, có điệu. Vì vậy, ông nổi tiếng là người nhạc sĩ có tài đặt tựa bài hát và viết lời cho các ca khúc, kể cả những sáng tác chỉ có phần nhạc của các nhạc sĩ khác.

Nhạc sĩ Hoài Linh qua đời đúng vào ngày 30 Tháng Tư, 1995, tại Sài Gòn, thọ 75 tuổi.

Hoài Linh sáng tác rất mạnh, với hàng trăm ca khúc giá trị, vừa nhạc tình vừa “nhạc lính,” được phổ biến từ hậu phương ra tới tiền tuyến, từ các nhà hàng sang trọng nơi đô thành cho tới những xóm nghèo vùng ngoại ô, và luôn cả các tiền đồn heo hút trên bốn vùng chiến thuật tại miền Nam Việt Nam.

Các sáng tác được nhiều người mến mộ của Hoài Linh, ngoài “Lá Thư Trần Thế” (từng được các ca sĩ Giang Tử, Ngọc Minh và Đan Nguyên trình bày trong đĩa nhạc Asia 66), còn gồm “Căn Nhà Màu Tím,” “Dù Hoa Lạc Lối,” “Hai Đứa Giận Nhau,” “Lính Nghĩ Gì?,” “Nhịp Cầu Tri Âm,” “Về Đâu Mái Tóc Người Thương”…

Vì chuyên viết lời cho những ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng đương thời, Hoài Linh còn là đồng tác giả của các nhạc phẩm được phổ biến rộng rãi tại miền Nam Việt Nam trước và ngay cả sau năm 1975.

Chung với Minh Kỳ: “Chuyến Tàu Hoàng Hôn,” “Mấy Độ Thu Về”…

Chung với Song Ngọc: “Chiều Thương Đô Thị,” “Một Chuyến Bay Đêm”…

Chung với Mạnh Phát: “Bóng Thu Xưa,” “Nỗi Buồn Gác Trọ”…

Chung với Tuấn Khanh: “Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi,” “Quán Nửa Khuya”…

Chung với Tấn An: “Bài Ca Của Nàng,” “Đầu Xuân Lính Chúc”…

Chung với Văn Phụng: “Bóng Người Đi,” “Tiếng Hát Đường Xa”…

Vann Phan/Người Việt

https://www.nguoi-viet.com/

________________________________________

Nhạc phẩm “Chuyến Tàu Hoàng Hôn” của Minh Kỳ và Hoài Linh

Chiều nao tiễn nhau đi khi bóng ngả xế tà

Hoàng hôn đến đâu đây màu tím dâng trong hồn ta

Muốn không gian đừng tan, níu đôi chân thời gian

ngừng trôi cho giây phút chia ly này kéo dài

Trước khi phân kỳ ước sao cho tàu đừng đi.

Đ.K.:

Xe lăn trong tim khuất xa dần biết đâu tìm

Mưa Thu bay bay sắt se lòng ướt vai mềm

Hoàng hôn dần buông

mà ai còn đứng im trong chiều sương xuống.

Tâm tư cô đơn trách con tàu nỡ sao đành

đem bao yêu thương đến nơi nào cách đôi tình

Đường bao nhịp nối

tình trăm nghìn mối hướng theo một bóng người.

Tà dương khuất trong sương là mỗi lần ngóng chờ

Nhìn theo phía chân mây đợi chuyến xe xưa về chưa

Nếu hay chăng người ơi! Chốn xa xôi chàng trai

còn đem yêu thương rắc lên muôn vạn oán hờn

nếu mai đây về cũng trên chuyến tàu hoàng hôn.

Nhạc phẩm “Chuyến Tàu Hoàng Hôn 2” của Minh Kỳ và Hoài Linh

Chiều nay chuyến xe đi khi bóng ngả xế tà

Nhịp xe lướt nhanh nhanh dồn khúc vang quân hành ca

Nhắn em ơi đừng thương, chí trai anh ngàn phương

Về đi sao cho thắm nương dâu, đẹp mảnh vườn

Đến mai anh về giữ sao cho vẹn niềm thương.

Đ.K.:

Xe lăn êm êm lúc ga chiều sắp lên đèn

Mưa thu bay bay sắt se lòng ướt vai mềm

Người trai vì nước đi xây tình quê hương.

Tâm tư bâng khuâng hướng theo người đến xa vời

Mong cho mai sau khúc thanh bình hát vang lời

Tình ta lại nối và tươi đẹp mãi như trăng rằm giữa trời.

Người ơi! Chí nam nhi khi đã gửi sa trường

Thì xin phút chia ly này hãy quên đi sầu thương

Đến mai đây mùa thương, nở hoa trên ngàn phương

Là khi đôi tim sẽ vui chung nhịp nỗi niềm

Ánh trăng chan hòa chiếu thương cho mình và ta.

Bài viết khác