Thứ Ba, 08 Tháng Mười Một, 2022

Suy nghĩ về truyền thống Hùng Vương

Suy nghĩ về truyền thống Hùng Vương - 1
(Ảnh minh họa: Trí Thức VN)

I – Ôn lại chuyện Hùng Vương
Theo truyền thuyết, cháu ba đời vua Thần Nông (Trung Hoa) là Đế Minh, đi xuống phương nam tuần tra, đến vùng Ngũ Lĩnh, kết hôn cùng tiên nữ, sinh ra Lộc Tục. Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương bắc, và con thứ là Lộc Tục làm vua phương Nam. Lộc Tục xưng là Kinh Dương Vương năm 2879 trước Công nguyên (TCN), đặt quốc hiệu là Xích Quỷ. Cũng theo truyền thuyết, nước Xích Quỷ chạy từ hồ Động Đình (Hồ Nam, Trung Hoa) xuống tới miền Trung Việt Nam ngày nay theo hướng bắc nam, và từ Ba Thục (Tứ Xuyên, Trung Hoa) ra tới bờ Thái Bình Dương theo hướng tây đông.
 
Kinh Dương Vương lập gia đình với con gái của Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi vua cha, tức Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái của Đế Lai tên là Âu Cơ, sinh ra được 100 người con trai. Lạc Long Quân bàn với Âu Cơ: “Ta là dòng dõi rồng, ngươi là dòng dõi tiên, ăn ở với nhau lâu không được. Nay chúng ta được một trăm con, vậy ngươi đem năm mươi con lên núi, còn ta đem năm mươi con xuống biển lập nghiệp.”
 
Lạc Long Quân phong cho con trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương. Hùng Vương chia nước thành 15 bộ, đóng đô ở Phong Châu, và truyền được 18 đời vua. Nguyên vua nước Thục (Ba Thục, Trung Hoa) cầu hôn với con gái của Hùng Vương, nhưng Hùng Vương không gả. Thục Vương tức giận căn dặn con cháu phải trả thù nước Văn Lang.
 
Nhân cơ hội Hùng Vương thứ 18 ham rượu chè, bê trễ việc quân, cháu của Thục Vương tên là Phán, đem quân tấn công Hùng Vương năm 258 TCN (quý mão), chiếm được Văn Lang, chấm dứt triều đại Hùng Vương. Vua Hùng Vương thứ 18 nhảy xuống giếng tự tử. Nếu tính từ năm 2879 TCN đến năm 258 TCN, tức từ Kinh Dương Vương đến Hùng Vương thứ 18, có tất cả hai mươi đời vua và truyền trong 2621 năm, tính trung bình mỗi đời vua trên 130 năm.
 
II – Hoài nghi về chuyện Hùng Vương
Từ thế kỷ 18, nhiều sử gia đã tỏ ý nghi ngờ họ Hồng Bàng (Hùng Vương) không có thật, và cho rằng vào thế kỷ 15, sử gia Ngô Sĩ Liên đã đưa chuyện thần thoại hoang đường vào bộ chính sử Đại Việt sử ký toàn thư dưới triều đại vua Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497).
 
Một trong những người đầu tiên lên tiếng nghi ngờ về tính xác thực của chuyện Hùng Vương là Ngô Thời Sỹ (1726-1780). Trong sách Việt sử tiêu án [Nêu lên những phán đoán về lịch sử nước Việt] là sách khảo sát phê bình các sử phẩm cũ viết đến 1418, đã nhận xét rằng: “Lại lấy con toán mà kể xem từ khoảng đời Kinh [Dương Vương], đời Hùng [Vương], 20 đời vua 2.622 năm, nhiều ít trừ đi bù lại, mỗi vua được 120 tuổi. Người ta không phải là vàng đá, sao lại sống lâu được như thế.” (1)
 
Cùng thời với Ngô Thời Sỹ là Lê Quý Đôn (1726-1784). Khi tra cứu về những địa danh dưới thời đại Hùng Vương, học giả nầy viết trong sách Vân đài loại ngữ như sau: “…Tôi xét đời Hùng Vương, trên nối đời Hồng Bàng, không có chữ nghĩa gì truyền lại; về 15 bộ đặt ra thời đó, cùng với các quận huyện do nhà Hán, nhà Ngô [Trung Hoa] mới đặt ra, tên gọi lẫn lộn; tôi ngờ rằng những tên đó do các hậu nho góp nhặt vay mượn chép ra, khó mà tin được…”(2)
 
Người công khai lên tiếng đả kích truyền thuyết Hùng Vương chỉ là chuyện “ma trâu thần rắn” là vua Tự Đứctrị vì 1847-1883). Trong dụ ngày 12-7 năm bính thìn (12-8-1856), Tự Đức viết: “…Việc Kinh Dương và Lạc Long mà Sử cũ đã chép, hoặc có hoặc không, dầu có nhưng không nên thảo luận đến là hơn cả, thế mà Sử cũ nhất luật chép bằng chữ lớn, và trong chỗ chép ấy lại phần nhiều mò mẫm những chuyện “ma trâu thần rắn”, những thuyết hoang đường quái dị, không hợp lẽ thường…”(3)
 
Vào đầu thế kỷ thứ 20, sử gia Trần Trọng Kim nhận xét về chuyện Hùng Vương “không chắc là chuyện xác thực”.(4) Khi phiên dịch bộ Đại Việt sử ký toàn thư, tác giả Nhượng Tống đưa ra lời bàn: “Nói cách khác, trong các sử cũ của ta không hề có chép chuyện họ Hồng Bàng cùng vua Thục. Hai chuyện đó là tự Ngô Sĩ Liên chắp nối “đầu cua, tai ếch” mà chế tạo nên.”(5)
 
Trình bày những ý kiến trên đây để cho thấy rằng không phải ngày nay, với tinh thần khoa học, các bạn trẻ mới nghi ngờ tính xác thực của chuyện Hùng Vương mà từ thế kỷ 18 đã có nhiều nhà nghiên cứu ở trong nước phản bác chuyện Hùng Vương.
 
Với cách nhìn thực tế, khoa học, chắc chắn không ai có thể tin chuyện Hùng Vương là chuyện có thật. Tuy nhiên, để hiểu giá trị của truyền thuyết Hùng Vương, chúng ta nên quay về thời điểm xuất hiện truyền thuyết nầy.
 
III – Thời điểm xuất hiện chuyện Hùng Vương

1. Thời điểm sử học
Bộ quốc sử đầu tiên của nước ta là sách Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu. Sách nầy được viết xong năm 1272, không có chuyện Hùng Vương. Sau sách của Lê Văn Hưu là hai bộ An Nam chí lược của Lê Tắc (có thể soạn xong năm 1333), và Việt sử lược (xuất hiện khoảng 1377, không biết tên tác giả,), bắt đầu đề cập sơ lược chuyện Hùng Vương. Tuy nhiên, nhưng hai bộ sử nầy một thời bị mất tích và chỉ được phát hiện về sau nầy mà thôi.
 
Dòng chính sử từ Lê Văn Hưu được tiếp nối bằng bộ Đại Việt sử ký tục biên, do Phan Phù Tiên soạn theo lệnh của vua Lê Nhân Tông (trị vì 1443-1459). Bộ sách nầy nay thất truyền, nên không ai biết Phan Phù Tiên có chép truyền thuyết Hùng Vương không?
 
Người ta chỉ biết chắc chắn truyền thuyết Hùng Vương đã được Ngô Sĩ Liên đưa vào chính sử trong Đại Việt sử ký toàn thư, gọi tắt là Toàn thư, soạn xong năm 1479 dưới triều đại vua Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497), em của vua Lê Nhân Tông.
 
Trong giai đoạn từ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu đến Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, xuất hiện hai bộ sách quan trọng:
 
Thứ nhất là Việt điện u linh tập (Tập chuyện u linh ở Việt điện) là sách gồm những câu chuyện u linh, hoang đường ở cổ Việt, được cho là do Lý Tế Xuyên soạn xong năm 1329 dưới đời vua Trần Hiến Tông (trị vì 1329-1341). Sách gồm các chuyện: Sĩ Nhiếp, Phùng Hưng, Triệu Quang Phục, Lý Phật Tử, Hai Bà Trưng, Mỵ Ê, Lý Quảng, Lý Ông Trọng, Lý Thường Kiệt, Phạm Cự Lượng, Lê Phụng Hiểu, Lý Phục Man, Thần núi Đồng Cổ, Thần Bạch Mã, Thần núi Tản Viên…
 
Thứ hai là bộ Lĩnh nam chích quái (Trích những chuyện quái đản ở vùng phía Nam núi Ngũ Lĩnh), có thể do Trần Thế Pháp soạn, khoảng vào đầu thế kỷ 15. Sách nầy “góp nhặt những chuyện thần tiên cổ tích về đời Hồng Bàng, những chuyện Bạch trĩ (trĩ trắng), Kim quy (rùa vàng), Tân lang (trầu cau), Tây qua (dưa hấu), Bánh chưng, Phù Đổng thiên vương , Lý Ông Trọng, Chử Đồng Tử, Hai Bà Trưng, Thần Tản Viên…Cứ xem những đề mục ấy thì biết quyển ấy có liên lạc với tập Việt điện u linh kể trên. Cứ theo hai bài tựa nói trên thì nguyên quyển ấy có 22 truyện, nhưng người đời sau cứ tục thêm mãi vào, càng ngày càng nhiều.”(6)
 
Một số chuyện trong hai sách nầy về sau được ghi lại thành những câu chuyện của đời Hùng Vương. Phải dài dòng như trên để thấy rằng trước khi chính thức vào quốc sử, chuyện Hùng Vương đã bàng bạc trong các truyền thuyết thần thoại (quái dị, u linh) của nước ta.
 
2. Thời điểm tâm linh
Truyền thuyết Hùng Vương xuất hiện từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 15. Về phương diện tinh thần, người Việt tin rằng đời sống con người kéo dài sau khi chết, nghĩa là khi chết đi, chỉ có thể xác bị tiêu hủy, còn linh hồn vẫn sống quanh quẩn với người sống, nên người Việt luôn luôn thờ cúng tổ tiên.
 
Ngoài việc thờ cúng tổ tiên, vì khoa học chưa được tiến bộ, người Việt còn thờ cúng những sức mạnh thiên nhiên như thần sấm, thần sét, thần núi, thần sông, thần cây… Khi hạn hán, vua, quan, dân chúng lập đàng cầu đảo cho trời mưa. Khi lụt lội, nước sông tràn ngập, người ta cúng tế và nhiều khi hy sinh một mạng người, quăng xuống sông cho thần sông bớt giận. Khi bệnh tật, thay vì uống thuốc, người ta xin bùa phép để chữa bệnh.
 
Như thế, thời điểm xuất hiện truyền thuyết Hùng Vương (thế kỷ 15) là thời điểm mà người Việt còn rất tin tưởng vào thần linh và những mãnh lực siêu nhiên, nên chuyện thần thoại huyền nhiệm dễ làm cho người ta tin tưởng và cảm phục hơn cả sự thực.
 
Nói chung, ngày nay chúng ta gọi những hiện tượng nầy là mê tín dị đoan. Đặc biệt, cho đến ngày nay (2009), nhiều người vẫn còn tin vào những chuyện bị xếp vào loại mê tín dị đoan, như bói toán, “ngoại cảm” (hiện rất phổ thông ở trong nước), và vẫn thích nghe cũng như cả tin vào những chuyện truyền khẩu thần kỳ bên lề hơn là sự thật. Như thế, trong các thế kỷ trước, những chuyện thần thoại, truyền thuyết, chắc chắn tác động rất lớn đến tâm lý quần chúng, và có khi còn tác động mạnh hơn cả sự thật lịch sử.
 
Đồng thời, dù theo khoa học thực nghiệm, có một thực tế không thể phủ nhận rằng, nhờ vào niềm tin tâm linh, dù là mê tín dị đoan (như cầu khẩn, uống nước phép…), con người nhiều khi vượt thoát được bệnh tật hay những hoàn cảnh khó khăn tưởng chừng như không vượt qua được.
 
Vì vậy, truyền thuyết Hùng Vương, dầu có tính cách thần thoại, từ khi chính thức mở đầu quốc thống trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, xuất hiện vào thế kỷ 15, chắc chắn đã tác động mạnh trên tâm lý quần chúng, trở thành niềm tin và niềm tự hào dân tộc về quốc thống thiêng liêng của tổ quốc kính yêu.
 
IV – Tại sao truyền thuyết Hùng Vương?
Trong thời điểm con người ít hiểu biết về khoa học, rất tin tưởng vào những mãnh lực thần bí, siêu nhiên thì truyền thuyết Hùng Vương từ những chuyện thần thoại dân gian, từ các sách Việt điện u linh tập, Lĩnh nam chích quái, bước vào quốc sử, là chuyện có thể hiểu được, nhưng có lẽ cũng cần phải chú ý thêm đến một nhu cầu chính trị cấp thiết của triều đại Lê Thánh Tông. Đó là nhu cầu xây dựng truyền thống quốc gia (quốc thống) cho một nước Đại Việt độc lập hùng mạnh.
 
1. Xây dựng quốc thống
Khi mới lập quốc, trên địa bàn nước Việt, có nhiều bộ tộc và nhiều sắc dân khác nhau sinh sống. Theo truyền thuyết Hùng Vương thì có tất cả 15 bộ tộc. Những nghiên cứu nhân chủng học cho thấy bên cạnh các sắc dân bản địa, còn có những sắc dân từ các hải đảo xa xôi tràn vào, và những người từ các xứ phương bắc (Trung Hoa) tiến xuống. Mỗi bộ tộc hay sắc dân lại có một sáng tổ riêng, một tập tục riêng, một ngôn ngữ riêng. (Người Kinh, người Hoa, người Tày, người Nùng, người Thái, người Mường…)
 
Các bộ tộc hay sắc dân trên cùng địa bàn cổ Việt đã kết hợp vì quyền lợi chung của dân chúng bản địa, chống lại người Trung Hoa từ phương bắc xuống xâm lăng, cùng nhau tranh đấu giành độc lập. Cuộc tranh đấu nổi tiếng được sử sách ghi lại đầu tiên vào năm 40 do Hai Bà Trưng ở Mê Linh lãnh đạo. Lực lượng bản địa càng ngày càng mạnh và cuối cùng thành công với Ngô Quyền năm 938. Ngô Quyền chính thức xưng vương năm 939.
 
Từ đó, hình thành một nước độc lập mới mà về sau Đinh Bộ Lĩnh (trị vì 968-979) đặt tên là Đại Cồ Việt năm 968. Khi đất nước được vững vàng, Lý Thánh Tông (trị vì 1054-1072) đổi tên thành Đại Việt năm 1054. Nhà Minh xâm lăng Đại Việt năm 1407. Lê Lợi chiến thắng quân Minh sau 20 năm kháng chiến, và lập ra triều đại nhà Lê năm 1428. Nhà Lê tái xây dựng đất nước, nhất là phục hưng nền văn hóa nước nhà. Đến đời Lê Thánh Tông, nước Đại Việt trở nên hùng cường, trung ương tập quyền chặt chẽ, pháp luật quy củ, kinh tế phát triển, quân đội tinh nhuệ.
 
Để làm nền tảng tinh thần cho quốc gia Đại Việt độc lập và hùng cường, cần phải xây dựng quốc thống, là mẫu số chung cho đời sống tinh thần và tâm linh của tất cả các sắc dân người Việt cùng sinh sống trong lãnh thổ Đại Việt. Truyền thuyết Hùng Vương xuất hiện trong bộ sử của Ngô Sĩ Liên dưới triều đại Lê Thánh Tông nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần và tâm linh nầy.
 
Để cho những bộ tộc hay sắc dân của Đại Việt cùng ngồi lại với nhau dưới một mái nhà chung, trong một đất nước chung thì cần phải xây dựng một tuyền thống quốc gia chung (quốc thống) chung, một thuỷ tổ chung. Từ đó, huyền thoại Hùng Vương, vị thuỷ tổ chung được hình thành để đoàn kết các sắc tộc với nhau, qua hình tượng một mẹ sinh trăm trứng, nở ra trăm con.
 
Huyền thoại chia 50 con xuống biển, 50 con lên rừng là đặc tính cộng sinh của người Việt. Dù ở rừng hay ở biển, dù thuộc nhiều bộ tộc khác nhau, theo những tập tục khác nhau, trên đất Việt mọi người là anh em từ cùng một bọc trứng, luôn luôn cùng sống với nhau một cách hòa bình trong đại gia đình dân tộc. Vốn xuất phát từ bọc trứng trăm con, với nhiều bộ tộc khác nhau, nên người Việt cũng dễ dàng nhận thêm nhiều sắc dân khác gia nhập đại gia đình dân tộc Việt, như người Trung Hoa, người Chiêm Thành (Cham), người Chân Lạp (Cambodia).
 
Ngoài ra, huyền thoại Hùng Vương còn kiến tạo niềm tin tinh thần và tâm linh vững mạnh vào truyền thống cao cả và anh hùng của dân tộc để mọi người hăng hái hy sinh bảo vệ và xây dựng đất nước. Như thế, niềm tin vào huyền thoại Hùng Vương tạo cho dân tộc chúng ta một sức mạnh “Phù Đổng” thần kỳ, để vươn vai hùng cứ một cõi ở phương nam cho đến ngày nay.
 
2. Giải thích sự chuyển tiếp giữa mẫu hệ và phụ hệ
Một điểm cần chú ý là vào thời cổ sơ, cho đến cả thời Hai Bà Trưng (40-43), và có thể cho đến thời Bà Triệu (248), xã hội cổ Việt theo mẫu hệ (matriliny) và có thể theo cả mẫu quyền (matriarchy), trong đó người đàn bà làm chủ gia đình và cả xã hội nữa.
 
Về Hai Bà Trưng, các tướng lãnh dưới quyền Hai Bà hầu hết đều là phụ nữ. Theo truyền thuyết từ bộ sử thi Đại Nam quốc sử diễn ca của Phạm Đình Toái và Lê Ngô Cát dưới thời vua Tự Đức (trị vì 1848-1883), chồng Bà Trưng bị Tô Định giết, nên bà mới nổi lên chống Tô Định, trả thù chồng, đền nợ nước.
 
Thật sự khi Bà Trưng khởi nghĩa, chồng bà vẫn còn sống. Sau khi thất bại năm 42, hai vợ chồng Bà Trưng trốn vào Cẩm Khê, rồi bị bắt giết năm 43. Tác giả K. W. Taylor (người Hoa Kỳ), trong sách The Birth of Vietnam [Việt Nam khai sinh], cho rằng chồng Bà Trưng bị khai tử trong khi ông vẫn còn sống và cùng vợ khởi nghĩa, vì thành kiến trọng nam của các nhà viết sử người Việt vào những thế kỷ sau thời Hai Bà Trưng. Những sử gia nầy không thể chấp nhận chuyện một người phụ nữ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa và trở thành vua trong khi ông chồng vẫn còn sống, nên họ khai tử ông chồng, và giải thích rằng Tô Định đã giết chồng Bà Trưng.(7)
 
Khi khởi nghĩa vào năm 248 (mậu thìn), bà Triệu Thị Trinh (Triệu Ẩu) nổi lên cùng một lần với anh là Triệu Quốc Đạt, nhưng tại sao ông anh không lãnh đạo mà lại để cho người em gái cầm đầu? Điều nầy chứng tỏ lúc đó người phụ nữ vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ trong xã hội hơn là người đàn ông.
 
Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, trong sách Quốc triều hình luật cho rằng một trong những thay đổi mà sự đô hộ của người Trung Hoa đã mang đến cho dân Việt là chế độ phụ hệ. “Về mặt phong tục, người Việt đã từ chế độ mẫu hệ bước sang chế độ phụ hệ. Cùng với việc làm lễ cưới hỏi theo lối Trung Hoa, người Việt đã có họ và theo họ của người cha. Hầu hết các họ mà người Việt Nam còn dùng đến ngày nay đều là những họ của người Trung Hoa, nhưng đọc trại theo tiếng Hán Việt. Việc kế thừa và lãnh đạo thì chuyển từ con gái sang con trai theo một diễn trình dài dặc. Sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 39 thì đến Bà Triệu đứng lên lãnh đạo cuộc tranh đấu chống người Trung Hoa năm 248. Nhưng từ đó trở đi, các cuộc vận động độc lập đều do người đàn ông Việt cầm đầu. Vậy ta có thể bảo rằng cho đến lúc Bà Triệu dấy binh, xã hội Việt hãy còn ít nhiều tính cách mẫu hệ, nhưng sau đó thì hoàn toàn chuyển qua phụ hệ.”(8)
 
Sau thời gian dài bị Trung Hoa đô hộ, xã hội cổ Việt chuyển đổi theo tập tục Trung Hoa, từ bỏ mẫu hệ và có thể cả mẫu quyền nữa, để chuyển theo phụ hệ (patriliny) và phụ quyền (patriarchy). Vào thế kỷ 15, chế độ phụ hệ và phụ quyền trở nên thịnh hành cùng với sự lớn mạnh của chế độ quân chủ dưới thời Lê Thánh Tông. Phải chăng sử gia Ngô Sĩ Liên đã thêm phần Hùng Vương, nhắm tạo ra một gia phả phụ hệ phụ quyền ngay từ đầu khi dân Việt mới lập quốc, cho hợp với tinh thần tôn trọng nam quyền tuyệt đối của chế độ quân chủ thời ông?
 
Việc các sử gia từ Ngô Sĩ Liên trở về sau chép rằng vua Lạc Long Quân nói với bà Âu Cơ: “Ta là dòng dõi rồng, ngươi là dòng dõi tiên, ăn ở với nhau lâu không được. Nay chúng ta được một trăm con, vậy ngươi đem năm mươi con lên núi, còn ta đem năm mươi con xuống biển lập nghiệp”, đã chính thức xác lập vai vế của người đàn ông trong gia đình và ngoài xã hội, đồng thời còn giải thích giai đoạn chuyển tiếp từ mẫu hệ và mẫu quyền sang phụ hệ và phụ quyền.
 
Có như thế mới giải thích hợp lý cho việc trong cùng một nước Việt, có những người sống ở đồng bằng duyên hải theo phụ hệ, trong khi vẫn có những người miền núi và cao nguyên như người Mường giữ mẫu hệ. (Xin đừng quên rằng vua Lê Thánh Tông gốc người Mường ở Thanh Hóa.). Những người ở đồng bằng theo phụ hệ chính là con cháu Lạc Long Quân và những người ở miền núi theo mẫu hệ là hậu duệ của bà Âu Cơ.
 
Kết luận
Tóm lại, xét theo tiêu chuẩn khoa học thực nghiệm ngày nay, truyền thuyết Hùng Vương có tính cách thần thoại, thiếu những chứng lý xác thực để được xem là quá khứ thật sự của dân tộc. Tuy nhiên, trong đời sống tinh thần của người Việt, truyền thuyết Hùng Vương xuất hiện từ thế kỷ 15 đã đóng một vai trò hết sức quan trọng.
 
Huyền thoại Hùng Vương là nền tảng tâm linh thiết yếu làm điểm tựa tinh thần cho toàn dân tin tưởng vào nền tảng của quốc gia. Ngay cả cộng sản Việt Nam duy vật vô thần, đả kích mê tín dị đoan, nhưng cũng phải cầu viện đến Hùng Vương, kiếm cách vận dụng tối đa huyền thoại Hùng Vương, với những câu chuyện như Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương), để tuyên truyền.
 
Huyền thoại là những câu chuyện có tính cách tưởng tượng, “được trình bày như thể đã thực sự xảy ra ở một thời đại trước để giải thích những truyền thống có tính cách vũ trụ luận và siêu nhiên của một dân tộc, những vị thần linh, những anh hùng, những đặc điểm văn hóa và tín ngưỡng của họ. Mục đích của huyền thoại là để giải thích sự sáng tạo con người, loài vật, địa lý, các hiện tượng tự nhiên, cũng như những nghi lễ trên nền tảng tôn giáo.”(9)
 
Trong lịch sử nước ta, huyền thoại Hùng Vương là mẫu số chung cho tất cả dân Việt, thể hiện bản sắc và quốc thống dân tộc Việt. Đó là chủ trương sống đoàn kết, sống hài hòa giữa mọi người dù có sự khác biệt về bộ tộc, tập quán, tín ngưỡng, mẫu hệ hay phụ hệ, trong tinh thần cộng sinh, nhưng luôn luôn giữ vững ý chí độc lập bất khuất, cương quyết chống ngoại xâm.
 
Vậy huyền thoại Hùng Vương, hoặc huyền thoại “con rồng cháu tiên”, dù đi xa sự thật lịch sử, vẫn luôn luôn rất cần thiết để nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết dân tộc, niềm tự hào Việt Nam. Một dân tộc không có niềm tự hào thì không thể đứng vững được. Chính nhờ vào niềm tự hào nầy mà biết bao nhiêu thế hệ tổ tiên chúng ta đã hy sinh tranh đấu để đất nước chúng ta được tồn tại cho đến ngày nay.
 
Vấn đề là người Việt chúng ta ngày nay phải làm gì để xứng đáng với huyền thoại thiêng liêng, với niềm tự hào dân tộc, với công lao của tiền nhân đã dày công xây dựng đất nước chúng ta?
 
Trần Gia Phụng
Toronto, 21-3-2009
 
 
Chú thích:
 
1 – Ngô Thời Sỹ, Việt sử tiêu án, bản dịch của Hội Việt Nam Nghiên Cứu Liên Lạc Văn Hóa Á Châu, Sài Gòn; Nxb. Văn Sử, San Jose tái bản, 1991, tr. 16.
 
2 – Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ, bản dịch của Phạm Vũ và Lê Hiền, Tự Lực tái bản không đề năm, Hoa Kỳ , tr. 167.
 
3 – Quốc sử quán triều Nguyễn, Việt sử thông giám cương mục, bản dịch Nxb. Văn Sử Địa, Hà Nội 1957, tr. 20.
 
4 – Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Sài Gòn: Nxb Tân Việt, in lần thư 7, 1964, tr. 25.
 
5 – Ngô Sĩ Liên và các sử thần đời Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, ngoại kỷ, bản dịch của Mạc Bảo Thần Nhượng Tống, dịch năm 1944, Đại Nam, Glendale, California, tái bản, không đề năm, tt. 51-52.
 
6 – Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, Sài Gòn: Bộ Quốc Gia Giáo Dục, 1960, in lần thứ bảy, tr. 244.
 
7 – K. W. Taylor, The Birth of Vietnam [Việt Nam khai sinh], University of California Press, 1983, tt. 38-39.
 
8 – Nguyễn Ngọc Huy, Quốc triều hình luật, phiên âm, dịch nghĩa và chú thích, quyển A, Viet Publisher, [không đề nơi xuất bản], 1989, tr. 19.
 
9 – Maria Leach & Jerome Fried [biên tập] và một nhóm tác giả, Funk & Wagnalls Standard Dictionary of Folklore, Mythology, and Legend, San Francisco: Harper, 1984, tr, 778. (Phần định nghĩa nầy do Ermine W. Voegelin viết.)
 
 

Bài viết khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art