Chạm đến nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống mang lại cho trái tim
Những giai điệu nhịp nhàng mà chúng ta gọi là âm nhạc có ảnh hưởng đến chúng ta cả về cảm xúc và tinh thần. Chúng ta yêu thích âm nhạc. Chúng ta nghe thấy âm nhạc vang vọng khắp mọi nơi: trong ô tô khi chúng ta đang trên đường đi làm, ở nơi làm việc, tại cửa hàng tạp hóa… Hầu như nơi nào chúng ta đến đều có loại thanh âm này.
Nhưng gần đây, khi nghe thấy âm nhạc trong những cửa hiệu mua sắm, tôi thường nói đùa với vợ tôi rằng, chắc hẳn là những nơi này muốn khách hàng rời đi càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, dường như không ai để ý hoặc quan tâm đến việc này. Hiện nay có quá nhiều thứ âm nhạc chói tai như vậy khiến tôi tự hỏi rằng chúng ta có đang trở nên mất khả năng cảm nhận âm nhạc không? Và vì thế, làm thế nào để chúng ta có thể nhận ra những tác phẩm âm nhạc đẹp đẽ?
Tình cờ bắt gặp bức tranh “Thánh Cecilia” của họa sĩ John William Waterhouse đã khiến tôi trăn trở về bản chất của loại âm nhạc đẹp đẽ là như thế nào.
Thánh Cecilia – Một nhân vật lịch sử
Thánh Cecilia sống vào khoảng giữa thế kỷ thứ hai và thứ tư. Nàng được tôn vinh là một Thánh nữ Đồng trinh tử vì đạo của nhà thờ Thiên chúa giáo sơ khai.
Theo truyền thuyết kể lại, nàng đã thề nguyện giữ gìn sự trong trắng của mình nhưng lại bị ép kết hôn với một người ngoại giáo, Valerian. Dù Valerian là người ngoại giáo, nàng vẫn nghe thấy âm nhạc vang vọng trong tim trong ngày diễn ra lễ cưới. Nàng nói với Valerian rằng một Thiên thần của Chúa mong muốn nàng mãi giữ được thuần khiết. Valerian nói rằng chàng sẽ tôn trọng điều này nếu chàng được phép nhìn thấy Thiên thần. Cecilia đề nghị Valerian làm lễ rửa tội, và sau khi rửa tội, Valerian đã chứng kiến một Thiên thần đang cài hoa hồng và hoa huệ cho người vợ của mình.
Sau khi được nhìn thấy Thiên thần, Valerian đã giúp những người theo đạo Cơ đốc bị bức hại bằng cách chôn cất những Thánh tử vì đạo sau khi họ bị hành quyết. Nàng Cecilia sau đó cũng bị xử tử vì đã thuyết giảng và vì đã chia tài sản của mình cho những người nghèo.
Hơn cả việc nghe thấy âm nhạc trong trái tim trong ngày cưới, vì sao Cecilia trở thành vị thánh tượng trưng cho âm nhạc? Trong những ngày đầu, nàng được cho là đã từ chối việc chơi nhạc ở nhà chồng. Nàng đã nói rằng nàng chỉ muốn nghe âm nhạc từ Thiên đàng, thứ âm thanh giữ cho cơ thể của nàng và tâm hồn của nàng mãi được thuần khiết.
Bức tranh Cecilia đang ngủ của họa sĩ Waterhouse
Trong tác phẩm này, họa sĩ Waterhouse mô tả nàng Cecilia đang ngủ trên một chiếc ghế bằng đá cẩm thạch được trang trí công phu ở phía bên phải của bức tranh. Trên chân nàng là một tập bài hát sáng lấp lánh và một bông hồng được đặt lên đó. Sau lưng nàng là một bụi hồng nở rộ gần phía đầu, và một dây hồng leo uốn lượn ở phía chân. Dưới chân ghế, sau đài phun nước cổ kính phía dưới bên phải là những bông hoa anh túc.
Bên trái, phía bên kia của bố cục là hai Thiên thần quỳ gối trước mặt thánh Cecilia ở hai bên của một cây đàn organ nhỏ mà theo Christie, nàng đã chơi trước khi chìm vào giấc ngủ. Hai Thiên thần vận trang phục trắng biểu thị sự thuần khiết – đang chơi nhạc cho Cecilia nghe. Một bụi hoa hồng trắng mọc xung quanh chân của Thiên thần gần chúng ta nhất cũng biểu thị cho sự trong sáng.
Âm nhạc tôn vinh tình yêu của Chúa
Vậy bức tranh vẽ Thánh Cecilia của họa sĩ Waterhouse nói gì về âm nhạc? Tại sao ông miêu tả thánh Cecilia đang ngủ với một tập nhạc đang tỏa sáng? Vì sao ông vẽ hoa hồng và hoa anh túc thay vì hoa hồng và hoa loa kèn — hai loài hoa có truyền thống gắn liền với Thánh Cecilia? Và tại sao hai Thiên thần lại quỳ xuống để chơi nhạc trước mặt nàng?
Hãy bắt đầu với chi tiết thánh Cecilia đang ngủ cạnh hoa anh túc dưới chân ghế của nàng. Hoa anh túc – một loài hoa gắn liền với sự lãng quên và giấc ngủ – gợi ý một số điều. Theo Từ điển tiếng Anh Oxford, lãng quên có nghĩa là thoát khỏi những quan tâm hoặc những lo lắng. Nói cách khác, vì đã nhắm mắt lại với thế giới, Cecilia đã không còn bận tâm đến các những mối lo lắng của thế giới. Nhắm mắt, nàng đã không còn bận lòng vì những lo lắng của thế gian.
Vậy nguồn gốc của trạng thái siêu xuất này là gì? Đó chính là tình thương của Đức Chúa Trời và điều này được thể hiện qua hình ảnh hoa hồng vượt lên hoa anh túc và nở gần đầu của nàng. Hoa hồng – trong chủ nghĩa biểu tượng của Cơ đốc giáo thời Trung cổ – tượng trưng cho tình thương của Chúa. Thực tế là hoa hồng nở gần đầu của nàng cho thấy rằng tâm trí của nàng đang hướng về Chúa.
Tuy nhiên, nàng cũng đang giữ một đóa hồng bên trên tập nhạc đặt trong lòng. Các bản thảo được mạ vàng là các văn bản tôn giáo viết tay được trang trí bằng các kim loại quý như vàng hoặc bạc. Vì vậy, tập nhạc được mạ vàng của Cecilia sẽ là một cuốn Thánh ca viết tay cho Chúa, và được trang trí bằng vàng và bạc. Hoa hồng trên cuốn sách gợi ý rằng những bài Thánh ca này nói về tình thương của Chúa, và nàng đã hát những bài Thánh ca này khi chơi đàn organ.
Phải chăng việc chơi đàn organ và hát những bài Thánh ca về tình thương của Đức Chúa Trời là điều khiến nàng rơi vào trạng thái lãng quên – tượng trưng rằng nàng đã siêu xuất khỏi những lo lắng và muộn phiền nơi thế tục? Nếu đúng như vậy, thì âm nhạc ca tụng Đức Chúa cũng chính là thứ âm nhạc giúp nàng vượt lên trên những muộn phiền và âu lo của thế gian.
Và vì sao hai Thiên thần lại quỳ dưới chân nàng và chơi nhạc cho nàng nghe? Vì sao họ lại chơi nhạc? Đối với tôi, âm nhạc là một loại trang sức có công dụng tôn lên vẻ đẹp của chủ thể. Ví dụ như âm nhạc nếu đi kèm với lời bài hát về tiền bạc, tình dục, ma túy và bạo lực, nhan sắc thì sẽ mang ý ca tụng những điều đó. Tuy nhiên, nếu âm nhạc đi kèm với tình thương của Đấng thiêng liêng thì âm nhạc sẽ tôn vinh tình thương đó.
Thiên thần quỳ dưới chân Cecilia không phải là để tôn sùng Cecilia với tư cách là Thánh nhân; họ quỳ xuống vì nàng đã thoát khỏi thế giới bằng thứ thanh âm tôn vinh Đức Chúa, đó là một sự kiện thiêng liêng. Họ đã tôn vinh niềm tin của Thánh Cecilia dành cho Chúa.
Hai Thiên thần chơi nhạc cho Cecilia trong khi nàng đang trong trạng thái siêu xuất khỏi những ràng buộc nơi thế gian, vì thế thanh âm này cũng không phải là thanh âm nơi trần thế. Họ đang tôn vinh tình yêu của Cecilia dành cho Chúa bằng thứ âm nhạc đến từ thuần khiết đến từ thiên đường như mong muốn của nàng Cecilia được gìn giữ sự thuần khiết của chính mình.
Thánh Cecilia có đại diện cho sự tốt đẹp của âm nhạc không? Nàng có đại diện cho thứ âm nhạc mà chúng ta có thể sáng tác để ca tụng tình yêu của Chúa và âm nhạc trên thiên đàng có thể vang vọng trong trái tim và tâm trí của chúng ta khi chúng ta siêu xuất khỏi thế tục không? Làm thế nào chúng ta có thể sáng tác những tác phẩm âm nhạc ca ngợi sự thiêng liêng của Chúa để chúng ta cũng có thể nâng mình lên bằng tình yêu thương của Đức Chúa Trời?
Bạn đã bao giờ nhìn thấy một tác phẩm nghệ thuật mà bạn nghĩ là đẹp nhưng không biết rõ có ý nghĩa gì? Trong loạt bài “Chạm đến nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống mang lại cho trái tim,” chúng tôi diễn giải nghệ thuật thị giác cổ điển theo những cách sâu sắc hơn về mặt đạo đức đối với chúng ta ngày nay.
Tác giả Eric Bess là nghệ sĩ theo trường phái nghệ thuật đại diện (representational art), hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).
Eric Bess _ Hạ Thanh