Thứ Sáu, 16 Tháng Bảy, 2021

5 sự kiện đại tuyệt chủng từng xảy ra? Liệu sẽ có lần thứ 6?

5 sự kiện đại tuyệt chủng từng xảy ra? Liệu sẽ có lần thứ 6? - 1
 
Người ta thường nói rằng việc gì rồi cũng sẽ qua, và đúng vậy, sự tồn tại cũng thế. Theo các nghiên cứu khảo cổ, Trái Đất của chúng ta đã từng diễn ra 5 cuộc đại tuyệt chủng quét sạch nhiều sự sống trong vòng 445 triệu năm qua. Thế nhưng ý tưởng về sự tuyệt chủng lại mới chỉ được đưa ra trong vòng hơn 200 năm gần đây, khi nhà giải phẫu học Georges Cuvier lần đầu tiên đề cập về chúng trong một bài thuyết trình ở Paris vào năm 1796. Lúc bấy giờ, người ta vẫn chưa có một ý niệm nào về các vụ đại tuyệt chủng.

Theo Cuvier, sự sống trên Trái Đất hoàn toàn không bất biến, đã/đang và sẽ có những sự biến mất của các loài, ví dụ như gấu hang, nai sừng tấm Ireland hay xa hơn là các loài khủng long. Dựa vào những khái niệm này, vào cuối những năm 1980s, giả thuyết Alvarez ra đời, nói rằng một tiểu hành tinh lớn đã va chạm vào Trái Đất, làm biến mất đột ngột rất nhiều loài khủng long vào 66 triệu năm trước. Và đây chính là 1 trong 5 sự kiện đại tuyệt chủng đã từng diễn ra trên Trái Đất.


Khoảng 445 triệu năm trước: Sự kiện tuyệt chủng Ordovic

Sự kiện tuyệt chủng Ordovic là sự kiện tuyệt chủng xa xôi nhất mà con người từng biết đến. Đây là cũng là lần tuyệt chủng có quy mô lớn thứ 2 trong số 5 lần đã từng diễn ra. Nó diễn ra vào thời điểm đa phần sự sống trên Trái Đất đều nằm dưới mặt nước và biển cả, ảnh hưởng đến các loài động vật không xương sống như loài brachiopods, trilobites, bivalves,… Nói tên khoa học thì có vẻ lạ lẫm, nhưng đây là các loài thuộc ngành tay cuộn, bọ ba thuỳ, loài hai mảnh vỏ mà chúng ta thường thấy trong những tài liệu khảo cổ.

5 sự kiện đại tuyệt chủng từng xảy ra? Liệu sẽ có lần thứ 6? - 2

Nguyên nhân gây ra sự tuyệt chủng này, theo các nhà khoa học, là do sự di chuyển của mảnh siêu lục địa Gondwana (gồm phần lớn các khối đá tạo ra châu Nam Cực, Nam Mỹ, châu Phi,… ngày nay). Siêu lục địa Gondwana đã di chuyển vào bán cầu nam của Trái Đất, khiến mực nước biển liên tục dâng và hạ trong hàng triệu năm. Điều này đã khiến môi trường sống của nhiều loài dưới biến biến mất. Đó là chưa kể đến việc kỉ băng hà Ordovic cũng bắt đầu diễn ra, thành phần hoá học trong nước cũng dần thay đổi gây ra sự đại tuyệt chủng.


Khoảng 370 triệu năm trước: Sự kiện tuyệt chủng Devon muộn

Đến cuối kỷ Devon, vào khoảng 370 triệu năm trước, một cặp sự kiện có tên Kellwasser và Hangenberg đã tạo ra một thảm hoạ kép, làm mất mát rất nhiều loài và tổn thất đến đa dạng sinh học của Trái Đất lúc bấy giờ. Khoảng thời gian diễn ra của sự kiện này ước chừng dao động vào khoảng 500 ngàn đến 25 triệu năm trước và người ta cũng không thể chỉ ra được nguyên nhân đơn lẻ cụ thể gây ra sự tuyệt chủng là do cái gì. Nhiều người cho rằng nhiều loài đã tiến hoá và bắt đầu di chuyển lên mặt đất để sống, làm cho những loài cũ dần biến mất. Song, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng môi trường sống Trái Đất biến đổi mạnh mẽ đã làm cho sự sống trở nên khó khăn hơn.

5 sự kiện đại tuyệt chủng từng xảy ra? Liệu sẽ có lần thứ 6? - 3

Cũng giống với sự kiện tuyệt chủng Ordovic, các loài sinh vật sống dưới biển là những loài bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đặc biệt, các loài san hô trong thời gian này gần như đã bị xoá sổ sạch sẽ và không thể phục hồi cho đến 120 triệu năm sau đó. Nhiều loài sinh vật có xương sống dưới biển cũng bị ảnh hưởng, đơn cử như loài cá da phiến placoderms quen thuộc đã biến mất trong sự kiện này.

5 sự kiện đại tuyệt chủng từng xảy ra? Liệu sẽ có lần thứ 6? - 4

252 triệu năm trước: Sự kiện tuyệt chủng kỷ Permi-Trias

Nếu anh em thấy cái tên có phần quen thuộc thì đó là vì đây là sự kiện tuyệt chủng lớn nhất, nghiêm trọng nhất mà Trái Đất từng chứng kiến. 96% loài sinh vật biển và 70% các loài động vật có xương sống trên đất liền bị tuyệt chủng. Người ta còn gọi đây là The Great Dying, vì hầu như không có bất kì hình sự sống của động vật nào mà không bị ảnh hưởng trong sự kiện này.

5 sự kiện đại tuyệt chủng từng xảy ra? Liệu sẽ có lần thứ 6? - 5

Phải mất đến 10 triệu năm sau, hành tinh xanh của chúng ta mới phục hồi lại được đa dạng sinh học do sự kiện tuyệt chủng Permi-Trias để lại. Nguyên nhân của sự kiện là do khí hậu bị thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, thảm hoạ tự nhiên diễn ra liên tiếp, tiểu hành tinh va chạm với Trái Đất và khí nhà kính từ đáy biển phát thải lên khí quyển. Mặc dù có nhiều giả thiết được đưa ra, nhưng nguyên nhân cuối cùng hiện vẫn là câu hỏi cần được tìm kiếm kĩ càng.

201 triệu năm trước: Sự kiện tuyệt chủng Trias-Juras

Toàn bộ lớp conodont răng nón và 20% các họ sinh vật sống đã bị quét sạch trong sự kiện này khi nó diễn ra vào 201 triệu năm trước, tức là chỉ vài ngàn năm trước khi sự kiện siêu lục địa Pangea bị phân tách. Nguyên nhân của sự kiện này vẫn chưa được xác định chính xác, nhưng vẫn là những giả thiết về thay đổi khí hậu, phun trào núi lửa và tác động của các thiên thể ngoài vũ trụ. Các loài lưỡng cư ⅓ loài sinh vật biển cũng là nạn nhân của sự kiện này.


5 sự kiện đại tuyệt chủng từng xảy ra? Liệu sẽ có lần thứ 6? - 6

66 triệu năm trước: Sự kiện tuyệt chủng kỷ Creta-Paleogen

Đây có lẽ là sự kiện tuyệt chủng nổi tiếng và quen thuộc nhất, có lẽ ai cũng đã từng nghe qua. Mặc dù có tới 75% sự sống đã bị quét sạch sau khi thiên thạch khổng lồ va chạm vào Trái Đất. Thế nhưng các loài khủng long với kích thước to bản là những nạn nhân khốn khổ nhất trong sự kiện này. Mặc dù vậy, nhiều giả thiết và nghiên cứu vẫn liên tục được đưa ra để làm sáng tỏ toàn bộ sự kiện này. Ví dụ, cách đây ít lâu, người ta đã nói rằng thực tế thì loài khủng long đã bị suy thoái từ nhiều triệu năm trước, trước khi chính thức bị xoá sổ bởi thiên thạch. Tức là thiên thạch chỉ là yếu tố làm cho sự tuyệt chủng của khủng long diễn ra nhanh chóng và dứt khoát hơn chứ thực ra, chúng đã gặp vấn đề về sự sống từ trước đó.

5 sự kiện đại tuyệt chủng từng xảy ra? Liệu sẽ có lần thứ 6? - 7

Tóm tắt gọn về những gì đã diễn ra trong sự kiện thiên thạch va vào Trái Đất:
  • Một thiên thạch khổng lồ đã đâm vào Trái Đất, vị trí vụ va chạm này hiện tại chính là Mexico. Vụ va chạm xảy ra vào 66 triệu năm trước và gây ra sự tuyệt chủng của khủng long cùng với 75% sự sống trên hành tinh vào thời điểm đó. Vụ va chạm mang sức công phá tương đương 10 tỷ quả bom nguyên tử.
  • Bằng các phân tích những viên đá nằm sâu trong miệng hố va chạm, các nhà khoa học đã mô phỏng, xây dựng lại những điều đã diễn ra sau vụ va chạm.
  • Những mẫu vật tiết lộ rằng ngay sau sự kiện va chạm, nó đã tạo ra một cơn sóng thần cao hơn 1.6km, những vụ cháy nổ liên tục diễn ra và giải phóng hàng tỷ tấn lưu huỳnh, che phủ và làm mở mặt trời dẫn đến làm cho Trái Đất trở nên lạnh lẽo.
  • Một vài loài sinh vật chết ngay trong phạm vi va chạm, một số khác trở nên tuyệt chủng dần vì sự thay đổi nhiệt độ.

Sự kiện tuyệt chủng lần thứ 6 đang dần diễn ra?

Được gọi với cái tên Holocene Extinction, sự kiện tuyệt chủng lần thứ 6 được cho là sẽ ảnh hưởng đến các loài đang sinh sống trong thế Holocen như động thực vật đang sinh sống, các loài có vú, chim, lương cư, bò sát,… Nhiều người cho rằng sự kiện này đã và đang diễn ra, bắt đầu từ hơn 10.000 năm qua và tác nhân chính của sự kiện này là gì anh em có đoán được không? Đó chính là loài người hiện đại. Mặc dù vậy, ý kiến này vẫn đang có nhiều chiều tranh cãi khác nhau.

5 sự kiện đại tuyệt chủng từng xảy ra? Liệu sẽ có lần thứ 6? - 8

Theo ước tính có khoảng 875 loài đã bị tuyệt chủng từ những năm 1500 đến 2009 được Liên Minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế ghi nhận. Mình thì hoàn toàn đồng tình về việc con người đang ảnh hưởng quá nhiều tiêu cực đến Trái Đất. Phát triển công nghiệp gây phát thải khí nhà kính, đánh bắt vô tội vạ, khai thác tài nguyên thiên nhiên bừa bãi,…

5 sự kiện đại tuyệt chủng từng xảy ra? Liệu sẽ có lần thứ 6? - 9

Có 3 yếu tô chính cần được quan tâm khi đánh giá rằng liệu con người có phải là tác nhân gây tuyệt chủng hay không, đó chính là: sự gia tăng nồng độ khí nhà kính, sự tàn phá đại dương và sự phát huỷ các vùng đất rộng lớn để đáp ứng nhu cầu sống của con người. Hiện tại, tốc độ chuyển chủng của các loài ước tính đang diễn ra nhanh hơn khoảng 100 đến 1000 lần so với tốc độ tuyệt chủng do tự nhiên gây ra trong lịch sử.


Lê Phú Khương

(Tinhte.vn)

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art