Thứ Hai, 01 Tháng Ba, 2021

Đẹp hút hồn Cánh Đồng Bất Tận

LONG AN, Việt Nam (NV) – Khu du lịch Cánh Đồng Bất Tận là nơi lý tưởng để du khách đắm mình trong không gian thiên nhiên hoang sơ tinh khiết, thơm nồng hương tràm cùng những dược liệu tự nhiên và mở rộng tầm nhìn về vùng đất lạ.

Đẹp hút hồn Cánh Đồng Bất Tận - 1
Khung cảnh chính của phim “Cánh Đồng Bất Tận” dựa theo truyện của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư với con đường gỗ tràm dài hun hút. (Hình: Khu Du Lịch Cánh Đồng Bất Tận)


Cái tên Cánh Đồng Bất Tận mới ra đời sau khi đoàn làm phim chọn cánh đồng này làm bối cảnh chính cho bộ phim cùng tên được chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Chính vẻ đẹp của thiên nhiên hoang dã nơi đây đã tạo nên cảnh quan đẹp hút hồn góp phần ra thành công cho bộ phim.

 

Dấu vết của Đồng Tháp Mười hoang dã

Cánh Đồng Bất Tận chỉ cách trung tâm Sài Gòn hơn 40 km. Nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên hệ sinh thái rừng ngập nước của Đồng Tháp Mười rộng trên 1,000 hécta thuộc địa giới xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Nhiều người hẳn ngạc nhiên Đồng Tháp Mười tưởng xa xôi lắm sao gần đến vậy?

Ngược dòng lịch sử, không có gì phải kinh ngạc, cả miền Tây là vùng Thủy Chân Lạp, vùng đất thấp được phù sa của sông Cửu Long bồi đắp. Không chỉ Đồng Tháp Mười mà áp sát Sài Gòn vẫn còn là những vùng đất trũng hoang vu với những địa danh Láng Le, Bàu Cò… Nối liền đó là rừng tràm Bà Vụ, thơm Bến Lức nổi tiếng là cánh đồng chó ngáp.

Thời ấy người dân chỉ sống trên những vùng đất gò như thị xã Kiến Tường nằm trên gò Bắc Chan, Cao Lãnh, Sa Đéc cũng là những vùng đất gò nổi lên trên đồng trũng rộng trên 300,000 hécta bao gồm địa giới ba tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp.

Cánh đồng bạt ngàn ấy ôm ấp trong lòng nó bao nhiêu là huyền thoại, nào là ngọn tháp 10 tầng, nào là những di chỉ của nền văn minh Phù Nam gần 2,000 năm trước, nào là hệ sinh thái rừng ngập nước muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như nồi bánh canh, những đầm sen mênh mông, những rừng tràm ngát xanh

Cây tràm vốn phổ biến ở miền Nam. Những vùng U Minh, Tứ Giác Long Xuyên có diện tích tràm rất lớn hàng chục ngàn hécta nhưng chủ yếu là tràm cừ được khai thác gỗ dùng trong xây dựng.

Đặc biệt Bình Phong Thạnh là cái rốn phèn của Đồng Tháp Mười, với hàng ngàn hécta rừng tràm gió nguyên sinh. Cây tràm gió thân thấp, lá chứa nhiều tinh dầu được chưng cất dùng cho dược liệu giá trị khá cao được nhiều quốc gia, mà nhất là Liên Xô ưa chuộng.

Đẹp hút hồn Cánh Đồng Bất Tận - 2
Dòng kinh bông súng trong xanh, du khách tạo dáng thành cô Nương trong “Cánh Đồng Bất Tận” của Nguyễn Ngọc Tư. (Hình: Quỳnh Trang)


Đất phèn sinh hương liệu quý

Từ thập niên 1980, Dược Sĩ Nguyễn Văn Bé, nguyên là giảng viên Đại Học Y Dược ở Sài Gòn đã về đây gầy dựng xí nghiệp Dầu Tràm Mộc Hóa, hằng năm chiết xuất hàng trăm tấn tinh dầu cho ngành dược trong nước và xuất cảng. Hơn 40 năm qua, ông Bé và các cộng sự vừa nghiên cứu sản xuất vừa thay đổi vùng đất hoang nặng phèn chua không nhà cửa, không đường sá kinh rạch thành Trung Tâm Nghiên Cứu Bảo Tồn và Phát Triển Dược Liệu với cơ sở vật chất khang trang gồm phòng thí nghiệm, xưởng bào chế dược liệu, trung tâm hội nghị…

Để tạo vùng đệm bảo vệ an toàn cho khu bảo tồn, ông Bé đã đầu tư cơ sở hạ tầng kinh mương, làm đường sá, xây trường học trên khu vực hơn 1,000 hécta chung quanh khu bảo tồn để phân cấp cho nhân viên và người dân tha phương đến định cư với quy ước là cùng tham gia bảo vệ sinh thái khu bảo tồn. Chính công lao khai phá và tình yêu đất yêu người của ông Bé, người dân địa phương đã đặt cho ông biệt danh là ông Ba Đất Phèn. Và cả cái trung tâm này cũng được gọi theo tên dân gian là Trung Tâm Ông Ba Đất Phèn.

Đẹp hút hồn Cánh Đồng Bất Tận - 3
Dòng kinh xuyên qua những rừng tràm. (Hình: Khu Du Lịch Cánh Đồng Bất Tận)


Tài sản quý giá nhất của trung tâm là khu bảo tồn gene gồm các loại cây dược liệu tại địa phương và những loài dược liệu quý từ nhiều nơi trên thế giới được di thực về đây. Hiện có 50 loại gene đang được bảo tồn tại đây, gồm hiều loại gene đặc trưng của vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười như tràm trà, tràm gió, cỏ ngọt, dứa gai… Ngoài ra còn nhiều loại gene được sưu tầm từ khắp nơi trên thế giới như sả Java, rau má Thái, tràm Úc, bạch đàn chanh từ Nam Mỹ…

Mỗi du khách tùy theo nhu cầu riêng tư có thể tìm thấy ở đây nhiều điều thú vị khác nhau từ lịch sử phát triển sinh thái của Nam Bộ và Đồng Tháp Mười, kiến thức sinh động về thực vật nhất là các loài cây tinh dầu hương liệu, kỹ thuật chiết xuất dược chất, sản xuất thuốc đông dược, sản phẩm tẩy rửa bằng hương liệu tự nhiên… và quan trọng nhất, phổ biến nhất là đắm mình trong không gian đầy nắng gió, giữa sông nước, cây xanh ngát thơm hương tràm và những cánh đồng năn, bàng xanh ngát tận chân trời.

Điều thú vị đầu tiên dành cho du khách đến thăm khu du lịch Cánh Đồng Bất Tận là xuống xe, đi tắc ráng (một loại xuồng thân dài, rẽ nước mạnh) đi trên đoạn kinh vài cây số xuyên qua vùng đệm có dân cư. Đoạn đường ngắn nhưng đủ để cảm nhận, làm quen với không gian vùng đồng bưng ngập nước.

Đẹp hút hồn Cánh Đồng Bất Tận - 4
Con đường gỗ tràm đi xuyên cánh đồng năn. (Hình: Quỳnh Trang)


Không gian sạch, xanh và đẫm hương

Rời tắc ráng lên khu tiếp tân, Cánh Đồng Bất Tận chào đón đoàn du khách bằng những ly nước dược liệu mát lạnh như pha chế từ trái thanh long ruột đỏ, hay các cây hương liệu khác tùy theo mùa vụ, ăn lót dạ với củ khoai mì (sắn) hấp nước cốt dừa. Khoai mì, khoai mỡ, khoai tím là đặc sản của vùng này. Từ đây, du khách bắt đầu hít thở không gian ngát hương tràm và các dược liệu tự nhiên.

Du khách bắt đầu cuộc trải nghiệm không gian khu bảo tồn thiên nhiên bằng đủ loại phương tiện. Đi xe đạp hoặc đi bộ trên những bờ kinh, trên con đường mòn xuyên đồng, xuyên rừng xanh mát. Đi xuồng tắc ráng trên những dòng kinh thẳng tắp nước trong leo lẻo, hai bên bờ là những cánh rừng tràm với những thảm thực vật dây leo như dây bòng bong xanh mướt, dây tơ hồng vàng ươm như những sợi tơ tằm.

Những hàng cây tràm dọc bờ kinh không còn là hàng cây tự nhiên mà như những cây cột chống đỡ cho những tấm màn dây lá. Trên mặt kinh là những khóm bông súng, bông sen lung linh trong nắng và soi bóng trong làn nước.

Đẹp hút hồn Cánh Đồng Bất Tận - 5
Con đường bộ đi xuyên rừng tràm. (Hình: Khu Du Lịch Cánh Đồng Bất Tận)


Không gian yên tĩnh ấy thỉnh thoảng lại bị xáo động thật nhẹ nhàng bởi tiếng chim vỗ cánh chuyền cành. Những chú còng cọc, từ bờ sông này tung cánh sang bờ kia, những con cò trắng chao mình uốn lượn trên những tàng tràm. Đặc biệt là loài giang sen, điên điển, loài chim cổ dài chuyên săn bắt cá, có thể lặn sâu trong lòng nước. Khi đã thanh toán được con mồi, chim ló đầu lên khỏi mặt nước chừng một tấc, xoay nhanh như lấy đà rồi phóng vút lên cao nhanh như hỏa tiễn. Những người săn ảnh động vật, chim muôn chia sẻ kinh nghiệm muốn bắt được hình ảnh điên điển phải “set” tốc độ máy trên 1500/s.

Thời gian du lịch Cánh Đồng Bất Tận đẹp nhất là vào mùa nước nổi tầm Tháng Chín đến Tháng Mười Một. Khi du lịch miền Tây vào mùa nước nổi, du khách sẽ được đắm chìm trong không gian của vương quốc chim, cò với mật độ dày đặc, thực vật mênh mông của vùng sông nước Đồng Tháp Mười.

Hằng năm, vào đêm Rằm Tháng Giêng tại khu du lịch Cánh Đồng Bất Tận đều diễn ra sự kiện văn hóa đặc trưng là ngày giỗ tổ Hải Thượng Lãn Ông và Tuệ Tĩnh, đồng thời cũng là ngày Tết Nguyên Tiêu thu hút nhiều du khách thập phương tham dự.

Đẹp hút hồn Cánh Đồng Bất Tận - 6
Hòa trong không gian hoang dã của đồng bưng tại cánh đồng cỏ bàng nơi đoàn phim “Cánh Đồng Bất Tận” chọn làm cảnh chính. (Hình: Quỳnh Trang)


Điểm nhấn thú vị của khu du lịch Cánh Đồng Bất Tận chính là cánh đồng cỏ bàng nơi đoàn phim chọn làm cảnh chính. Cánh đồng cỏ bàng xanh ngát quanh năm, mùa nước nổi càng đẹp với những ngọn bàng xanh lưa thưa trong làn nước trắng. Vào mùa khô nó vẫn đẹp với màu xanh mướt như nhung, được đóng khung viền bằng những rặng tràm xanh.

Độc đáo trên cánh đồng này là nổi lên cây cầu gỗ tràm dài, sâu hun hút, vài căn chòi lá xác xơ chỉ còn trơ lại khung sườn bằng gỗ tràm. Đó là dấu tích còn lại của phim trường “Cánh Đồng Bất Tận.”

Một điểm nhấn khác là hồ nước mưa tự nhiên rộng 100 hécta quanh năm trong, mát. Du khách có thể ngồi trên gian nhà lá nhìn ngắm mặt hồ, đón gió đồng mát rượi. Cũng có thể bơi lội hoặc dạo thuyền Kayak trên hồ. Nếu thích cảm giác mạnh, du khách hãy tham gia chơi đu dây tử thần, leo lên một trụ cao, nắm lấy sợi dây có ròng rọc, đu dây sang bờ bên kia và buông tay nhảy xuống nước ở độ cao tùy thích.

Đẹp hút hồn Cánh Đồng Bất Tận - 7
Đi thuyền Kayak trên hồ nước ngọt. (Hình: Quỳnh Trang)


Nếm trải hương dược

Một điểm nhấn khác là khám phá khu bảo tồn nguồn gene vườn dược liệu quý hiếm, mang nét đặc thù rất riêng như cây râu mèo, cây mã đề, cây tràm trà (hay còn gọi tràm Úc), cây hoắc hương có nguồn gốc từ Indonesia, tràm hoa vàng, tràm năm gân, tràm gió… Du khách có thể hòa mình vào thiên nhiên, hồi phục sức khỏe bằng việc tắm hơi, ngâm dược liệu quý.

Nếu thích kỹ thuật, du khách có thể thăm viếng xưởng sản xuất dược liệu từ nhà máy Mộc Hoa Tràm… Từ đây, tinh dầu đã được chiết xuất làm đông dược, thực phẩm chức năng (dietary supplement), mỹ phẩm và các sản phẩm đa dạng từ thiên nhiên như nước rửa chén, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cây giống, hoa kiểng là những món quà thiên nhiên tặng bạn bè, người thân.

Đến đây, du khách còn được thưởng thức những món ăn hấp dẫn từ các loại rau dược liệu, rau cải tự trồng, các loại cá đồng, ốc bươu hấp sả, lươn um lá nhàu, rau tập tàng luộc, lẩu cá vồ đém, nước giải khát từ bột thanh long ruột đỏ… Lạ miệng nhất có lẽ là món lẩu cá vồ đém với thịt da cá tươi giòn và một rổ rau thơm mát vừa hái từ vườn thảo dược và những bông lục bình tím ngát vừa ngắt từ ven kinh.


Quỳnh Trang

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art