Thứ Năm, 19 Tháng Mười Một, 2020

Khoa học thắng bệnh tật

Khoa học thắng bệnh tật             

Trong một tuần lễ, hai thứ thuốc chủng (vaccine) ngăn ngừa Covid-19 được công bố. Trước cuối năm 2020 chắc còn nhiều loại vaccine khác đi qua giai đoạn thử nghiệm được tung vào thị trường. Những liều thuốc chủng đầu tiên phải dành cho những “chiến sĩ tiền tuyến” như nhân viên y tế và phục vụ trong các bệnh viện, nhà thuốc, cho tới những cảnh sát viên và lính cứu hỏa; rồi đến những người không thể “sống ẩn dật” vì phải phục vụ công chúng trong chợ búa, siêu thị các tiệm ăn, tiệm hớt tóc cho tới các cơ xưởng!

Đến Tháng Tư năm 2021 chắc mọi người đều được chủng ngừa, nhất là ở các nước giàu. Bệnh dịch Covid bị ngăn chặn dần dần, không bành trướng nữa. Được chủng ngừa, nhiều người trở lại sinh hoạt trong đám đông mà không sợ hãi, người tiêu thụ chi tiền, kinh tế sẽ bắt đầu hồi phục. Đời sống sẽ bình thường như cũ!

Cả thế giới đang nhìn cảnh tượng lạc quan đó, chỉ nhờ mấy liều thuốc chủng ngừa nhỏ xíu! Các công ty Pfizer và BioNtech báo tin mừng sớm nhất, sau 10 tháng thử nghiệm. Trong số mấy chục ngàn người (44,000) tình nguyện làm “vật thí nghiệm” cho y học, nhiều người được chích thuốc chủng thật, nhiều người chích một chất vô hiệu (placebo). Chỉ có 94 người bị nhiễm bệnh, trong đó chỉ có 8 người đã được chủng ngừa thật, còn 86 người không được chích ngừa. Như vậy là thuốc chủng có hiệu quả hơn 90 phần trăm. Sáu ngày sau, đến công ty Moderna. Hiệu quả lên tới 94.5%.

Thông thường, thuốc chủng có hiệu quả 70% hay 80% đã là tốt lắm rồi! Thuốc đạt được 50% hiệu quả cũng có thể được Cơ quan Kiểm soát (FDA) công nhận cho dùng.

Nhưng các công ty Pfizer và BioNtech, cùng với Moderna thành công còn báo hiệu một tin mừng lớn: Cả hai cuộc thử nghiệm đều dùng một phương pháp mới trong việc chế tạo thuốc chủng ngừa! Họ thành công tức là còn nhiều công ty khác cũng sắp công bố kết quả tốt, vì đều áp dụng cùng một phương pháp mới mẻ đó!

Đây là một thành công của Khoa Học, đặc biệt là loại “khoa học căn bản” được tìm tòi trong phòng thí nghiệm các trường đại học, kéo dài mấy chục năm trời, trải qua rất nhiều thử thách, vượt qua rất nhiều chướng ngại

Phải nhấn mạnh điều này, vì trong gần một năm qua trong không khí chính trị nóng bỏng, chúng ta đã chứng kiến cảnh các nhà khoa học bị nghi ngờ, có khi bị gạt bỏ trong cuộc chiến chống loài vi khuẩn sars-cov-2, gây nên bệnh đại dịch Covid. Có người nghi ngờ bệnh đại dịch không có thật, còn lớn tiếng lên án các bác sĩ cố tình ký giấy khai tử vì bệnh covid để được trả thêm tiền. Có người đề nghị hãy sử dụng các thứ thuốc cũ để chữa bệnh dịch mới, kể cả đề nghị dùng các loại thuốc sát trùng để diệt loài sars-cov-2. Trong khi đó, các nhà khoa học vẫn cặm cụi trong phòng thí nghiệm tìm cách chế ra thứ thuốc chủng ngừa bằng một phương pháp hoàn toàn mới!

Trước đây, người ta chế thuốc chủng ngừa các loài virus bằng cách chích thứ virus đó vô mình, sau khi đã bị làm cho yếu đi, hoặc không còn khả năng sinh sản nữa. Bộ máy miễn nhiễm trong chúng ta sẽ sinh ra các kháng thể. Khi bị loài virus đó tấn công, thân thể chúng ta có sẵn các kháng thể để tự vệ.

Phương pháp mới mà các công ty Pfizer, BioNtech, cùng Moderna sử dụng đi theo một con đường khác. Họ tìm cách kích thích cho thân thể tự nó tạo ra một chết protein đặc biệt của loài virus, khiến bộ máy miễn nhiễm phản ứng, sinh ra các kháng thể. Tức là dùng chính thân thể con người chế tạo ra chất kích thích khiến bộ máy miễn nhiễm hoạt động!

Trong thế giới bình thường, thân thể chúng ta có hàng triệu protein nhỏ xíu, khi các tín hiệu gọi là mRNA bảo cho các tế bào hãy sinh ra thứ protein nào. Tạo hóa đã an bài như vậy. Các nhà khoa học đã có sáng kiến là không dùng các mRNA trong Thiên Nhiên nữa. Có thể “biến chế” các mRNA để chúng bảo các tế bào tạo ra một loại protein mình muốn có! Nếu làm được điều này thì hậu quả sẽ rất nhiều. Có thể tạo ra được các kháng thể (antibodies) phòng ngừa bệnh; các chất en-zim (enzymes) có thể chữa bệnh; hay các nhân tố giúp các tế bào phát triển (growth agents) để chữa các bộ phận bị hư

Cuối cùng, trong tuần qua chúng ta đã chứng kiến các mRNA “nhân tạo” được sử dụng để chế thuốc chủng ngừa!

Công trình này là kết quả của ít nhất ba chục năm, mà một nhà khoa học đã bền bỉ theo đuổi con đường này là bà Katalin Karikó, người Hungary, giáo sư Đại học Pennsylvania. Từ thập niên 1990, bà Karikó đã cố tìm cách dùng mRNA, một tín hiệu sinh học, để kích thích thân thể con người sản xuất một loại protein theo ý muốn. Nếu nhờ mRNA thúc đẩy mà thân thể chúng ta tạo ra một chất protein đặc biệt của loài vi khuẩn khiến cho bộ máy miễn nhiễm hoạt động. Như vậy, có thể chế ra một thứ thuốc chủng ngừa loài vi khuẩn đó. Trong trường hợp Covid, mRNA sẽ khiến thân thể sinh ra thứ protein là cái “gai” mọc lởm chởm chung quanh loài sars-cov-2.

Bà Katalin Karikó đã cố biến đổi mấy mRNA để dùng trong việc chống bệnh, nhưng từ 1990 vất vả mãi không thành công. Vì cơ thể con người phản ứng, kháng cự các thứ mRNA “nhân tạo” này. Bà lật đật mãi, không được chính phủ và các công ty cấp tiền tiếp tục nghiên cứu. Năm 1995 bà bị giáng cấp trong hàng ngũ các giáo sư Y khoa Đại học Pennsylvania, trong khi chờ ông chồng, cũng là bác sĩ, được cấp giấy di cư sang Mỹ.

Cuối cùng, bà Katalin Karikó cùng với ông Drew Weissman, tốt nghiệp MD-PhD ở Đại học Boston, đã tìm cách vượt qua được các trở ngại. Họ tạo ra được thứ mRNA được cơ thể chấp nhận. Loạt bài nghiên cứu của hai người đăng tải, từ năm 2005, cuối cùng được hai nhà khoa học khác chú ý, và thấy tầm quan trọng, nếu được khai thác. Sau này hai người đó đã thành lập các công ty Moderna và BioNTech.

Bác sĩ Derrick Rossi, người Canada, làm việc ở Đại học Stanford, nói rằng Karikó cùng với Weissman đáng được trao giải Nobel Y học. Ông mua bản quyền của họ để tiếp tục nghiên cứu chế tạo “tế bào mầm” (tem cells). Rossi đã cùng nhiều người lập ra Moderna, nhưng ông đã rời bỏ công ty này từ năm 2014, trước khi công ty kiếm được khá nhiều tiền của chính phủ Mỹ để sản xuất vaccine.

Trong khi đó, ở nước Đức, hai Bác sĩ Ugur Sahin, giáo sư Đại học Y khoa Mainz và bà vợ Özlem Türeci đang thành lập công ty BioNTech, để nghiên cứu việc sử dụng RNA để chế thuốc ngừa bệnh ung thư. Hai người là di dân gốc Thổ Nhĩ Kỳ, cũng mua bản quyền sáng chế của Karikó và Weissman. Năm 2013 họ mời bà Karikó làm phó chủ tịch công ty, trụ sở đặt ở Cambridge, Massachusett.

Và bây giờ, công cuộc nghiên cứu của bà Karikó đang được cả hai nhóm sản xuất vaccine ngừa Covid-19 áp dụng, BioNTech với Pfizer, và Moderna. BioNTech với Pfizer đã từ chối không nhận tiền trợ cấp của chính phủ, để giữ vai trò độc lập của các nhà khoa học. Tháng 10 năm ngoái, BioNTech đã phát hành cổ phiếu, công ty trị giá 3.4 tỷ mỹ kim, chỉ bằng một nửa giá trị của Moderna.

Khác với Moderna, BioNTech vẫn tiếp tục các công trình nghiên cứu, sản xuất 150 công trình khoa học trong 8 năm qua. Trong thời gian đó Giáo sư Ugur Sahin vẫn đạp xe đến trường, chiếc xe đạp cũ 20 năm. Ông không có bằng lái xe hơi.

Trận đại dịch Covid-19 đã tấn công 55 triệu người trên thế giới, hơn 1 triệu 300 ngàn người chết, nhưng sau 11 tháng loài người đã thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm.” Ánh sáng le lói do công trình của các nhà khoa học!

Ngô Nhân Dụng / VOA - 18/Nov/2020

 

Bài viết khác