Thứ Hai, 05 Tháng Mười, 2020

Cầu đá 3 tầng 2.000 năm còn đứng vững

PHÁP - Dù nước ngừng chảy, dòng xe cộ qua cầu Pont du Gard vẫn tiếp tục lưu thông qua hàng trăm năm.

Không ít công trình từ thời La Mã cổ đại còn tồn tại qua hàng trăm năm, cho thấy kỹ thuật xây dựng đỉnh cao và óc thẩm mỹ kiệt xuất của những kiến trúc sư đời trước. Những cây cầu máng dẫn nước của người La Mã chính là minh chứng điển hình cho điều này, và không có ví dụ nào rõ hơn cây cầu Pont du Gard.

Được xây dựng từ thế kỷ thứ nhất, cây cầu mái vòm tuyệt đẹp này vừa là lối cho xe cộ lưu thông, vừa là đường dẫn nước sông Gard từ thị trấn nhỏ Uzès ở miền nam đến thành phố cổ Nîmes phía đông nam. Ước tính khoảng 40.000 mét khối nước chảy qua cầu hàng ngày, đổ về những đài phun nước, hồ bơi, và khu dân cư Nîmes.

Cầu đá 3 tầng 2.000 năm còn đứng vững - 1

Pont du Gard từng được các vương triều Pháp ưa thích và coi là biểu tượng quyền lực. Ảnh: Pont du Gard

Cầu dài 275 m và cao 49 m được xây dựng hoàn toàn bằng đá. Ba tầng của cây cầu tháp này đều có hàng cột mái vòm. Người xưa dùng khoảng 50.400 tấn đá vôi để làm cầu, với những khối đá lớn nhất nặng đến 6 tấn. Phần lớn đá được khai thác từ mỏ địa phương Estel cách hạ lưu sông Gard khoảng 700 m. Những nhịp cầu dựng từ các khối đá khổng lồ xếp chồng lên nhau bằng đòn bẩy và ròng rọc, vững chãi đến mức đáng kinh ngạc dù hầu như không dùng đến vữa.

Chi phí để dựng lên cây cầu này không hề nhỏ. Nhà khảo cổ Pháp Émile Espérandieu ước tính người xưa tốn đến 30 triệu đồng sesterce (tiền cổ La Mã), tương đương với tiền trả cho 500 tân binh trong quân đoàn La Mã trong 50 năm. Khoản tiền này quy đổi theo tỷ giá ngày ngay có thể tương đương hàng chục triệu USD.

Cầu đá 3 tầng 2.000 năm còn đứng vững - 2

Những khối đá khớp nhau đến hoàn hảo nhờ ma sát và trọng lực. Trên từng khối đá đều khắc số, chỉ dẫn về vị trí... Ảnh: Horizon Provence

Cây cầu được sử dụng để dẫn nước ít nhất đến thế kỷ thứ 6, bởi những vấn đề như thấm, nứt... bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ thứ 4 nhưng không ai tu sửa. Đất cát dẫn đến tắc nghẽn, những mảnh vụn tích tụ dần khiến dòng chảy ngưng trệ.

Từ khi Đế chế La Mã sụp đổ, Pont du Gard hầu như còn nguyên vẹn do nó vẫn là cây cầu thu phí. Suốt hàng thế kỷ, những vị lãnh chúa và giám mục trong vùng chịu trách nhiệm duy tu Pont du Gard, để đổi lấy quyền thu phí của khách qua sông trên cây cầu này.

Đến thế kỷ 17, vài khối đá dựng cầu bị đánh cắp và phá hoại, Pont du Gard chỉ dần nổi tiếng và trở thành điểm du lịch quan trọng trong vùng từ thế kỷ 18. Nó đã trải qua hàng loạt đợt tu bổ từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 21.

Chính quyền đầu tư mạnh tay nhất vào năm 2000 khi khai trương một trung tâm du khách mới cho di tích này, đồng thời loại bỏ những tuyến đường và các tòa nhà xây dựng gần cây cầu để phát triển du lịch.

Cầu đá 3 tầng 2.000 năm còn đứng vững - 3

Tầng 1 của cây cầu có 6 nhịp vòm, dài tổng cộng 142 m. Tầng 2 có 11 nhịp vòm, dài 242 m. Tầng 3 ban đầu có 47 nhịp, hiện còn 35 nhịp, dài tổng cộng 275 m. Ảnh: Pont du Gard

Năm 1985, Pont du Gard được UNESCO công nhận Di sản thế giới. Ngày nay, cây cầu là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của Pháp, đón khoảng 1,4 triệu lượt khách mỗi năm. Địa điểm này mở cửa quanh năm. Vé vào cửa là 9,5 euro/ người lớn, thêm 6 euro/ người nếu du khách đi tour có hướng dẫn, và miễn phí hoàn toàn với người dưới 18 tuổi.

Khách du lịch có thể đi dạo khoảng 3,5 km trên cây cầu và ngắm nhìn toàn cảnh sông Gard từ trên tầng cao nhất, hoặc đạp xe qua cầu. Vào mùa hè, người Pháp cũng kéo tới đây để cắm trại, tắm sông hay chèo kayak. Bên trong khu du lịch Pont du Gard còn có một bảo tàng về lịch sử của những cây cầu dẫn nước thời La Mã và Ludo, một bảo tàng giáo dục tương tác dành cho trẻ từ 5 - 12 tuổi vui chơi và khám phá khoa học.


Bảo Ngọc (Theo Pont du Gard)

Bài viết khác