Tính hẹp hòi và cố chấp của người Việt
Hẹp hòi và cố chấp là hai tính cách thường đi đôi với nhau, nó trái ngược với bao dung, vị tha. Trong rất nhiều bài viết về giáo dục, tôi luôn nói cha mẹ đừng trách phạt khi con nhận lỗi với mình. Hãy bao dung với lỗi của trẻ, hướng dẫn thêm cho trẻ để trẻ học bài học kinh nghiệm từ lỗi sai của mình, và khen trẻ khi trẻ làm sai mà biết tự nhận ra và tự thú nhận, xin lỗi. Đó là một hành động dũng cảm.
Ông cha ta có câu, “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại.” Đó là một câu triết lý thấm đẫm tư tưởng bao dung và đầy tinh thần hòa giải hòa hợp của dân tộc. Nhưng, thực tế, cách hành xử của ông bà cha mẹ trong gia đình xưa nay, cách con người ứng xử trong xã hội, cách chúng ta đang ứng xử với nhau có được như thế chưa? Hay chúng ta vẫn đã và đang ứng xử rất hẹp hòi với nhau, với cả người thân, thậm chí con cái mà không nghĩ đó là hẹp hòi, cứ lầm tưởng đó là nghiêm khắc?
Trong đời, ai không có lỗi? Ai không một lần sai? Ai cũng có. Có cái lỗi lớn, có cái sai nhỏ, có cái nhẹ hều nhưng cũng có cái làm tổn hại, tổn thương rất lớn. Khi phạm lỗi, ai cũng muốn được người khác thấu hiểu nguyên nhân, thông cảm và tha lỗi cho mình. Nhưng khi người khác phạm lỗi thì ta lại khắt khe, chỉ trích, không chấp nhận giải thích, không bỏ qua, không tha thứ, hoặc dèm pha kể cả dạy đời, thậm chí xúc phạm họ, xa lánh họ. Ta trách người không hiểu ta nhưng ta cũng không hiểu người. Cách giáo dục hà khắc của ông bà mình, theo Nho giáo, mà cũng chỉ nửa vời hời hợt, cộng với nền giáo dục hiện tại đã làm cho người Việt chúng ta ngày càng mâu thuẫn nội tại kinh khủng và nó bộc lộ hết ra mỗi khi có chuyện.
Tôi hiếm thấy người dám dũng cảm nhận mình sai. Khi gặp được những người như vậy, tôi lập tức kết bạn và mặc định có sự tin tưởng nhất định. Vì sao vậy? Vì họ là những người chịu học, chịu xét lại bản thân, dám chịu trách nhiệm cho hậu quả do lỗi của mình gây ra. Đó là người tốt. Chúng ta thường thấy nhất cảnh khi ai đó làm sai, bị “đánh,” dồn ép đến mức không thể chạy được nữa thì mới buộc phải nhận lỗi, nhận sai. Bọn trẻ con ngay trong nhà, làm vỡ cái lọ quý, nó giấu tiệt, bạn phải tra hỏi, đánh hoặc dọa đánh đã đời cuối cùng nó mới khai thật. Vì sao vậy? Có bao giờ bạn nghĩ đó là do lỗi của chính mình, của chúng ta chưa? Khi người ta thấy trước đó bạn hẹp hòi cố chấp không tha thứ bỏ qua cho lỗi của người khác thì họ sẽ không tin bạn sẽ bỏ qua cho họ nếu họ nhận lỗi với bạn. Ngược lại, người ta sợ.
Khi người ta không bao dung cho người khác thì sẽ không tin có kẻ khác bao dung mình. Có lỗi thì… thôi thôi giấu nhẹm. Người làm gì sai, phát ngôn gì chưa chuẩn, khi được nhắc, không dám nhận mình sai vì sợ cái đứa nhắc và đám đông xúm lại chỉ trỏ bàn tán thêm mắm dặm muối “đừng tin nó nữa”, “trời ơi giờ mới biết cái bộ mặt”, và nhiều lời lẽ móc máy cay nghiệt khác, người thực lòng tha thứ rất hiếm hoi. Nỗi sợ này làm người ta dù biết mình sai cũng vẫn sẽ cố phòng thủ, phản ứng tới cùng bởi biết không có đường lui. Ta gặp phản ứng này rất nhiều trên mạng. Hãy hiểu, họ không được bao dung, họ đang phản ứng trong di chứng tổn thương, và chính sự hẹp hòi, cố chấp của ta đẩy họ tới bước bất chấp. Khi ta làm gì sai, xu hướng lặp lại y chang người ta chửi mắng trước đó. Vô thức.
Sự hẹp hòi, cố chấp trong mỗi chúng ta làm cho chúng ta không thể yêu thương nhau và ghét bỏ nhau rất dữ tợn mỗi khi có ai đó phạm lỗi hoặc ta nghĩ họ có lỗi. Lỗi của người ta dù nhỏ cũng thành lớn. Rồi phản ứng qua lại. Dùng xăng cứu lửa. Rồi thì, chúng ta thấy, người Việt mình mồm thì nói yêu nhau nhưng thể hiện thì lại trái ngược hoàn toàn. Không thể làm việc cùng. Không thể đoàn kết. Không thể hàn gắn. Không thể sẻ chia. Không thể có thành công.
Làm sao để sửa tâm thức hẹp hòi, cố chấp?
Về mặt logic, xin hãy tìm hiểu và tập thói quen suy đoán vô tội. Không vội nhận định khi chưa có đủ chứng cứ để chứng minh cho lập luận của mình, chưa bao quát các góc nhìn. Cái này thiên về mặt lý trí, loại bỏ cảm xúc yêu ghét. Khi có lối tư duy này, ta dễ dàng nhìn nhận sự việc, con người, những lỗi sai phạm một cách rõ ràng, chính xác và có tính công bằng. Khi người có lỗi nhìn thấy ở bạn sự công bằng, họ sẽ dễ nhận lỗi với bạn hơn. Bạn cũng sẽ không thể hẹp hòi và cố chấp được bởi lý trí và tính thực tế bắt bạn phải bỏ qua vì bạn đặt mục đích, lý tưởng lên trên.
Về mặt tình cảm, xin hãy nghĩ về những điều người có lỗi đã từng làm được tốt, hãy tìm hiểu nguyên nhân, tâm lý của họ, hãy nghĩ đến những gì đã có với nhau, và chậm rãi trong việc buông lời phán xét, chỉ trích, xúc phạm. Hãy dùng sự chân thành để nói nhau nghe và tỏ lòng bao dung ra trước với niềm tin người có lỗi sẽ thay đổi, cũng như ta vững tin là ta sẽ thay đổi khi ta phạm sai lầm.
Tôi biết là khó. Tôi vẫn đang trong quá trình học và tự tập cho mình, vẫn có lúc va vấp, nhưng phải tập bởi chỉ có vậy mới bỏ được sự hẹp hòi cố chấp ra khỏi đầu mình.
Dân tộc mình chịu nhiều tổn thương lắm rồi. Cày xéo thêm nhau làm chi? Chúng ta phải sửa, cho mình, cho con cháu, cho việc chung.
Nguyễn Thị Bích Ngà
Tính hách dịch của người Việt
Hách dịch là gì? Từ điển định nghĩa, hách dịch là có thái độ ra oai, nạt nộ, hạch sách người khác, do cậy mình có quyền thế. Hách dịch đồng nghĩa với hống hách. Ai cũng có thể trở thành người có tính hách dịch khi có chút quyền thế hơn người. Con người càng dễ dàng mắc tính hách dịch khi họ trở thành người có quyền thế do tiền bạc hay chạy chọt, cơ hội, bơm thổi, do thế lực nào đó đưa lên, do tự hão huyền… Người có tính hách dịch thường không nhận ra mình đang hách dịch với người khác mà luôn tự nhủ hành động của mình chẳng có gì sai và mình có quyền làm như vậy.
Chồng đi làm ra nhiều tiền, vợ không làm ra tiền mà còn hay ốm đau, nếu điều kết nối họ không phải là tình yêu thì anh chồng dễ sinh tính hách dịch với vợ. Hách dịch thông qua giọng nói, thái độ: “Việc nhà là của cô, tôi đã phải còng lưng kiếm tiền nuôi cái nhà này rồi, muốn gì nữa, đòi gì nữa?” Với ba mẹ: “Ông bà già rồi thì chăm cháu, việc nhà cửa việc xã hội biết gì mà bàn.” Hay ngoài xã hội: “Này, tuổi gì mà đòi kết bạn với bố?” “Mày biết ông là ai không?” Với đồng nghiệp, người làm việc cùng, các mối quan hệ: “Này, phải người thế nào mới được gặp, mới được tiếp xúc với tôi chứ không phải ai tôi cũng gặp.”… Chúng ta có thể kể ra hàng ngàn trường hợp.
Chúng ta gặp thói hách dịch ở khắp nơi: công sở, công quyền, trong gia đình, trong nhà trường, trong bệnh viện, trong hàng quán,… Trong tất cả các mối quan hệ: vợ chồng, cha mẹ con cái, anh em, người thân, bạn bè, sếp nhân viên,… Và khi gặp thái độ hách dịch, người ta rất ghét. Thật ra ai cũng ghét và khó chịu với thói hách dịch, nhưng cứ có điều kiện là lại dễ nhiễm tính hách dịch.
Người Việt dễ nhiễm tính hách dịch một cách vô thức vì phần đông người Việt có một tuổi thơ bị bắt nạt bằng rất nhiều hình thức bởi rất nhiều đối tượng khác nhau. Trẻ bị ép ăn, trẻ bị đánh đòn, trẻ bị chỉ trích mắng mỏ, trẻ bị đổ thừa, trẻ bị chịu đựng những trận cãi vã của ba mẹ, trẻ bị bạn bè đánh đập hành hạ, trẻ bị thầy cô phạt bằng đòn roi quát mắng, trẻ bị xúc phạm phẩm giá nhân thân… tất cả đều là hành vi bắt nạt. Chúng đều để lại di chứng hoặc nhỏ hoặc lớn. Những di chứng này, cộng thêm một số yếu tố và điều kiện hình thành nên trong tiềm thức con người một tâm lý phòng vệ. Cái tâm lý phòng vệ này làm người ta thường tư duy theo xu hướng: để tránh bị bắt nạt thì ta bắt nạt người khác trước. Và khi làm điều này, vô hình chung, mắc tính hách dịch một cách vô thức.
Tại sao lại nói nhiều người Việt mắc tính hách dịch một cách vô thức? Vì, khi quan sát kỹ, rất nhiều hành vi hách dịch chẳng qua là để phòng thủ và che chắn bản thân trong một xã hội con người và con người ít tin và ít đối xử tử tế với nhau. Va quẹt xe máy nhẹ, chưa kịp ngồi dậy thì một hoặc cả hai bên đã hùng hổ ra oai thể hiện và dọa nạt gọi người này người nọ để khỏi phải bị bên kia đổ lỗi cho mình! Đánh nhau, chém nhau… chỉ vì thằng đó có thái độ hách dịch. Có ai muốn hách dịch với người thân, ba mẹ của mình? Nhưng vẫn đầy ra đó. Khi bị chê trách về thái độ hách dịch thì người có tính hách dịch lập tức phản bác và chối bỏ. Một chính phủ thường xuyên phải đi xin viện trợ, một đất nước nghèo và kém về mọi mặt, nhìn xuống chỉ hơn được số ít, nhìn lên thua quá nhiều nơi, thì hách dịch ra oai được với ai? Ấy vậy mà ta vẫn thấy đầy tuyên bố, lời nói, thái độ, hình ảnh hách dịch của quan chức đấy thôi. Người Việt mình có giỏi giang có tài cán thì so với người các nước khác chúng ta đã đóng góp được gì cho nhân loại, thế thì làm sao dám hách dịch với ai? Vậy mà, vẫn đầy người hống hách.
Những người có quyền thế bởi tiền bạc bất minh, bởi tâng bốc bơm thổi, bởi hão huyền… thì hình thành tính hách dịch có ý thức và nó được nâng lên mức cực đoan. Bởi khi thể hiện thái độ hách dịch, nói giọng hách dịch… họ được thỏa mãn tính kiểm soát và tự phụ, ve vuốt những tổn thương của cái tôi bản thân. Chúng ta thường thấy ở quan chức, ở khá nhiều người nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực.
Hách dịch gây hại gì cho bản thân, người khác và cộng đồng? Bản thân: Phá hỏng các mối quan hệ.Với người khác và cộng đồng: Phá hỏng sợi dây liên kết ràng buộc tạo thành xã hội có môi trường phát triển.
Làm sao để tránh mắc tính hách dịch? Liên tục chất vấn bản thân và biết vị trí của mình, biết so sánh vị trí của mình với những cái lớn hơn, vĩ đại hơn để biết mình nhỏ bé và chẳng là gì; những việc mình làm và thành công đạt được chỉ là những điều quá tầm thường so với người A, B, C… Biết khiêm cung thì khó thể hách dịch. Biết bản thân rất dễ mắc tính hách dịch một cách vô thức, người ta cần để ý cách ứng xử để đừng vô tình mắc phải. Khi ai đó nhắc về một thái độ hách dịch mà mình có với ai đó, bản thân cần nhìn lại chính mình hoặc giải thích và chú ý hơn…
Với trẻ, hãy dạy chúng biết tự lập nhưng không tự kiêu, dạy chúng biết tôn trọng phẩm giá con người. Dạy chúng biết về vũ trụ, về những điều to lớn mà chúng chưa biết ở xung quanh… để chúng hiểu chúng nhỏ bé. Không bắt nạt chúng, không tạo ra một môi trường độc hại cho chúng..
Sửa tính hách dịch không khó, nhận ra hay không mà thôi.
Nguyễn Thị Bích Ngà
Thói nhiều chuyện của người Việt
Tại sao con người lại nhiều chuyện? Nhiều chuyện có từ khi nào? Từ khi con người phát triển ngôn ngữ hơn mức cảnh báo, truyền thông tin cần thiết để sinh tồn lên đến mức để tán gẫu. Tán gẫu là một hình thức nắm bắt các thông tin cần thiết của những người khác để phục vụ cho nhu cầu kết hợp. Nhiều chuyện thì tệ hơn một mức, bởi nhiều chuyện chỉ để nhằm mục đích thao túng người khác, hoặc chỉ đơn thuần là để xả ẩn ức của bản thân bằng cách nói xấu người khác thông qua tán gẫu.
Người các nước khác có nhiều chuyện không? Có. Họ cũng hóng tin, cũng chạy theo tin đồn, cũng thích tin nóng… nhưng họ được giáo dục để biết rằng nó có giới hạn và cố gắng dừng ở mức tán gẫu.
Người Việt mình, do mang quá nhiều ẩn ức với nhau, nên khi cứ có từ hai người trở lên là thành nhiều chuyện một cách rất vô tư, không hề cân nhắc đâu là tán gẫu đâu là nhiều chuyện.
Một câu chuyện tán gẫu sẽ như thế này:
– Ê mày, cái ông A giám đốc có bồ nhí.
– Vậy ha. Sao mày biết?
– Thằng lái xe của ổng xì ra.
– Hô. Chuyện này mà nhiều người biết thì chắc mất chức.
– Hết chuyện.
Một câu chuyện nhiều chuyện sẽ như thế này:
– Ê mày, cái ông A giám đốc có bồ nhí.
– Trời ơi, con nào vậy? Nhà ở đâu? Tao biết nó hông?
– Xời, cái con D xấu hoắc mà õng a õng ẹo đó chớ con nào vô đây nữa.
– Vợ ổng biết chưa?
– Chưa. Chuyến này cho thằng chó này chết, hết dám căng với nhân viên. Tao nói bả cho bả quậy banh chành coi chơi!
– Ờ ờ, cái thằng cha dễ ghét. Hôm bữa tao đem văn bản lên cho chả ký mà bắt tao chờ nửa tiếng đồng hồ.
– Ổng còn định dê tao đó mày.
…
Đến đây, câu chuyện hoàn toàn có thể chỉ là sự bịa đặt trong trí tưởng tượng của hai người nhiều chuyện và câu chuyện từ đó về sau không còn một chút tính trung thực nào nữa.
Tại sao người Việt chúng ta thường để bản thân rơi vào tình huống nhiều chuyện hơn đơn thuần là tán gẫu? Một thông tin đáng lẽ chỉ là một thông tin, nhưng luôn bị chúng ta làm quá lên và đưa nó lên thành một câu chuyện nhiều khi hoàn toàn sai lạc? Như trong ví dụ trên, ta thấy, sự ẩn ức đối với đối tượng hoặc với tình huống.
Ba người Việt ngồi với nhau cà phê, chắc chắn câu chuyện sẽ đi từ hết gia đình người này đến gia đình người khác và sau đó là đến những người bạn chung. Hầu hết là chuyện không vui, chuyện xấu, chuyện bịa đặt trong trí tưởng tượng của họ.
Vợ chồng, anh em, cha mẹ, con cái, bạn bè, đồng nghiệp… là các mối quan hệ luôn luôn có vấn đề, luôn nảy sinh bất hòa từ những mâu thuẫn nho nhỏ trong cách nghĩ, cách làm, cách sống.
Người phương Tây được dạy phương pháp tư duy từ nhỏ nên khi mâu thuẫn nhỏ nảy sinh, họ nhanh chóng giải quyết vấn đề, để nó không tồn đọng trong đầu mình và cả đối phương. Khi mâu thuẫn đã được giải quyết thì đâu có ẩn ức. Khi không có ẩn ức thì người ta mới thư thái đọc cuốn sách, ngắm hoa, cảm nhận cái đẹp cái hay của đối phương. Và khi tán gẫu, họ sẽ nói về một cuốn sách, một vườn hoa đẹp, hoặc về việc làm lời nói đẹp của ai đó. Nếu có nói đến mối mâu thuẫn thì họ luôn nói ra trong tâm thế coi đó là bài học kinh nghiệm chứ không phải ghét bỏ thù hằn.
Người Việt mình không được dạy phương pháp tư duy, không biết cách giải quyết mâu thuẫn nhỏ. Ngay cả vợ chồng là mối quan hệ thân cận nhất mà cũng ít khi ngồi lại nói chuyện phân tích thấu đáo cho nhau. Mỗi khi có mâu thuẫn thì đùng đùng chửi bới, đánh nhau hoặc bỏ đi hoặc làm lơ và sau đó cũng không nói chuyện, mà thường chọn cách giải tỏa thể xác để làm lành, không giải quyết được gì hết. Với người ngoài cũng một cách im im không giải quyết rốt ráo như thế. Do đó, mối mâu thuẫn vẫn tồn đọng, tích tụ theo ngày tháng, nó giết chết tình yêu thương giữa người với người, nó làm cho con người lúc nào cũng mang nhiều ẩn ức dồn nén. Khi gặp bạn, những kẻ cũng đầy ẩn ức, thì câu chuyện tất lẽ dĩ ngẫu là tuôn ra để xả. Xả để tiếp tục chịu đựng, chứ bản thân việc nhiều chuyện hoàn toàn không giải quyết được mâu thuẫn.
Nhiều chuyện có hại. Rất hại. Hại thế nào thì ai cũng biết rồi. Nhưng để sửa nó thì phải làm thế nào?
1. Cần phân định rõ ràng giữa nhiều chuyện và tán gẫu. Xem xét lại bản thân trong những câu chuyện mình với bạn bè thì mình thuộc dạng nào. Sau khi nhận rõ mình thì mới có thể sửa được.
2. Nếu chẳng may sau khi xét thấy mình đang ở trường hợp nhiều chuyện thì đừng hết hồn, bước tiếp theo là xét tiếp mình có ẩn ức gì, mâu thuẫn với ai chưa giải quyết. Hãy cố gắng giải quyết nó. Cứ thẳng thắn nói ra thì mọi sự sẽ tự động ổn theo cách của nó mà mình không ngờ. Rất đơn giản, chẳng qua trước đó ta không chịu thực hiện nên thấy khó mà thôi. Sau khi thực hiện được bước này, tự nhiên ẩn ức tan biến, nhiều chuyện mất đi một cách tự nhiên.
Không khó. Chịu sửa là được. Con người chúng ta mắc nhiều thói xấu, mình xấu thì mình sửa thôi, chẳng có gì nghiêm trọng cả, phải hông ạ?!
Nguyễn Thị Bích Ngà
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Vài câu ngụy biện điển hình của người Việt
Có một thói quen rất nguy hiểm mà người Việt thường xuyên sử dụng trong giao tiếp, đó là thói quen ngụy biện. Thói quen này đã lây nhiễm một cách vô hình từ giao tiếp thường nhật, từ tâm lý thắng thua khi tranh cãi, và nhất là trong cộng đồng cư dân mạng…
Ngụy biện hay Fallacy là khái niệm để chỉ những cách lập luận tưởng chừng là đúng, nhưng thực chất lại là sai lầm và phi logic trong tranh luận. Ngụy biện có thể biến một vấn đề từ sai thành đúng, và từ đúng trở thành sai. Ngụy biện có thể dẫn đến những cái nhìn sai lệch và tư duy sai lầm mà chính bản thân người nói cũng không nhận ra được.
Những ai đã có kiến thức về ngụy biện đều hiểu một điều đáng buồn rằng: Người Việt rất hay ngụy biện và tư duy ngụy biện! Chúng ta đều biết hai chữ “ngụy biện”, nhưng liệu chúng ta có thật sự hiểu về nó? Bạn có tin rằng tại Việt Nam, ngụy biện đã cướp đi mạng sống của con người?
Trên thế giới, ngụy biện đã trở thành một kiến thức được biết đến rộng rãi, và các nhà nghiên cứu đã thống kê khoảng trên dưới 100 loại ngụy biện khác nhau. Đáng tiếc là tài liệu về ngụy biện tiếng Việt chỉ có một vài nguồn, đó là trang GS Nguyễn Văn Tuấn, trang Thư viện khoa học, hay trang “Ngụy biện – Fallacy“ của TS. Phan Hữu Trọng Hiền.
Dưới đây xin được tổng hợp lại 9 câu “ngụy biện” điển hình của người Việt đã được nêu ra tại các nguồn tài liệu trên:
1. “Nhìn lại mình đi rồi hẵng nói người khác”
Mình làm sai thì là sai rồi, sao lại không nhận sai, không nói thẳng vào vấn đề “mình sai” mà lại quay qua tìm điểm yếu của người khác? Ví dụ khi nhận được góp ý: “Viết sai chính tả rồi kìa”, thì thay vì sửa sai, bạn lại nói: “Thế mày chưa viết sai bao giờ à?”
2. “Có làm được gì cho đất nước đâu mà to mồm”
Người ta có làm được gì hay không thì là điều mình chưa biết, hơn nữa bạn đã “lạc đề” rồi. Vấn đề người ta nêu ra thì bạn không trả lời, không đưa ra luận điểm logic, mà lại đi đường vòng, chuyển qua công kích người khác.
3. “Nó ăn trộm chó thì cứ đánh cho nó chết”
Lập luận này đã khiến cho những kẻ trộm chó vốn không đáng phải chết bị giết chết bởi chính những người dân tưởng chừng “lương thiện”. “Ăn trộm chó” là sai, nhưng “giết người” cũng là sai, hai sai thì không phải là một đúng, mà là sai lại càng sai.
4. “Làm được như người ta đi rồi hãy nói”
Đây cũng là một hình thức “lạc đề” và công kích cá nhân. Bạn không cần phải là tổng thống Mỹ thì mới có quyền chỉ ra lỗi sai của tổng thống Mỹ, phải vậy không?
5. “Nếu không hài lòng thì cút xéo ra nước ngoài mà sinh sống”
Lời nói này không chỉ “lạc đề”, mà còn rất bất lịch sự, chuyên dùng để làm người đối diện tức giận, chứ chẳng có một chút logic nào trong đó cả. Ví dụ, hàng xóm ồn ào quá mức, thì việc đầu tiên là phải chỉ ra và trao đổi với họ, giúp họ thay đổi, chứ không phải là bán nhà đi nơi khác sống.
6. “Chỉ có những người chân lấm tay bùn từ nhỏ mới là người cần cù chăm chỉ xây dựng đất nước”
Câu khẩu hiệu này đã từng xuất hiện ở Việt Nam trong quá khứ. Người ta có câu “vơ đũa cả nắm”, ấy là để chỉ việc lập luận cảm tính, khái quát cảm tính, mà không hề đưa ra logic hợp lý nào cả. Cũng như vậy, khi phân chia giai cấp và tuyên truyền đấu tranh giai cấp, thì người ta đã mắc sai lầm ngụy biện, chủ đất không nhất định là xấu, chủ doanh nghiệp cũng không nhất định là xấu, và người làm công ăn lương hay nông dân chắc gì đã là một người tốt cần cù chăm chỉ?
7. “Nước nào mà chẳng có tham nhũng”
Vì nước nào cũng có tham nhũng nên Việt Nam được phép có tham nhũng hay sao? Vì mọi người đều vượt đèn đỏ nên tất nhiên tôi cũng phải vượt đèn đỏ? Vì xã hội thiếu gì nghiện hút nên trong nhà có người hút chích cũng là bình thường? Chưa nói đến mức độ tham nhũng, cách pháp luật xử lý tham nhũng, mức độ ảnh hưởng tới dân sinh, v.v..
8. “Nếu là họ mà anh làm được thì hẵng nói”
Đặt mình vào vị trí người khác là một tiêu chuẩn người xưa dùng để tu sửa bản thân, hướng vào bản thân tìm lỗi, là một nét văn hóa rất độc đáo của phương Đông. Tuy nhiên tiêu chuẩn đó chỉ sử dụng khi một người tự răn mình, chứ không phải là một câu nói dùng trong tranh luận. Việc sử dụng nó trong tranh luận không chỉ là sự bịt miệng những phê bình của người khác, không giải thích các luận điểm của người khác, mà còn chứng tỏ rằng chúng ta đang phá hoại và lãng quên văn hóa truyền thống của chính mình.
9. “Tại sao anh dám nói chúng tôi sai? Anh là một tên phản bội dân tộc”
Kiểu lập luận chụp mũ này mặc nhiên coi mình là đúng, họ là sai, và những người đồng quan điểm với họ cũng là sai. Nó không hề đưa ra một thứ logic nào, nhưng lại cắt ngang một cái giới tuyến, và tùy tiện định tội cho người khác.
Tất nhiên đây mới chỉ là những câu ngụy biện cơ bản nhất, thường thấy nhất. “Văn hóa ngụy biện” đã ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn, muôn hình vạn trạng, và luôn ẩn giấu trong tư duy của người Việt. Vậy nguyên nhân của thói quen này là từ đâu?
Trong phần nhiều các lỗi ngụy biện thường gặp của người Việt, có một tâm lý cơ bản hiện rõ ra khi tham gia thảo luận, đó chính là tâm tranh đấu, hiếu thắng, và không hề tôn trọng người đối diện. Ngoài đó ra, chúng ta cũng hay bị ảnh hưởng của tâm lý đám đông, lợi dụng tâm lý đám đông để che đi trách nhiệm của bản thân mình.
Muốn tránh cách tư duy ngụy biện, chúng ta không những phải sửa lối tư duy vòng vo, thiếu suy nghĩ, mà còn phải sửa chính từ tâm thái của mình khi trao đổi và luận bàn về mọi việc. Điều cơ bản nhất khi tham gia tranh luận là có trách nhiệm trong lời nói của chính mình và biết tôn trọng người đối diện.
Quang Minh tổng hợp