Thứ Năm, 09 Tháng Tư, 2020

Trong cơn đại dịch, đọc lại truyện ‘Dịch Hạch’ - Albert Camus

Trong cơn đại dịch, đọc lại truyện dài ‘Dịch Hạch’ của văn hào Albert Camus

 Nhà văn người Pháp Albert Camus chụp hình chân dung hôm 17 Tháng Mười, 1957, ở Paris sau khi được thông báo ông đoạt giải văn chương Nobel. (Hình: STF/AFP via Getty Images)

Thời gian qua, trong cơn đại dịch virus Corona, ba tác phẩm hư cấu đề cập đến dịch bệnh đã được tái bản, gồm “La Peste” (Dịch Hạch) của Albert Camus, “The Stand” (Kháng Cự) của Stephen King, “The Eyes of Darkness” (Những Đôi Mắt Bóng Tối) của Dean Koontz.

Phiên bản tiếng Anh của “La Peste” là “The Plague,” do nhà xuất bản Penguin tái bản đã bán sạch trên Amazon vào cuối Tháng Hai, 2020. Hai bản tiếng Pháp và tiếng Ý của tác phẩm này cũng bán rất chạy tại Pháp và Ý, hai xứ Châu Âu hiện đang chật vật đối phó với cơn dịch COVID-19.

Bối cảnh của câu chuyện xảy ra ở Oran, một thành phố ở xứ Algeria, thuộc địa của Pháp, vào đầu thập niên 1940. Vào Tháng Tư năm đó, đột nhiên, người ta thấy có những con chuột chết rải rác đó đây trong thành phố, lúc đầu chỉ một, hai con rồi dần dà, mỗi ngày mỗi nhiều, nhưng chẳng mấy ai lưu tâm, kể cả Bác Sĩ Bernard Rieux, nhân vật chính của câu chuyện. Thậm chí, có người còn xem đó là một trò chơi khăm. Nhưng khi người gác cổng, nơi ông làm việc, đột ngột đau và chết với một cơn sốt lạ thường, thì Rieux biết rằng thành phố đang có bệnh dịch hạch. Ấy thế mà phải một thời gian sau, khi có nhiều bằng chứng không thể phủ nhận về cơn dịch thì nhà cầm quyền mới bắt đầu ra lệnh đặt toàn thành phố dưới sự cách ly để kiểm dịch.

Từ đó, mọi con đường ra vào thành phố bị đóng chặt, nội bất xuất ngoại bất nhập. Mọi người được lệnh phải ở trong nhà, chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt. Ngay cả người chết cũng phải có nhân viên hữu trách giám sát. Mọi dịch vụ công cộng ngưng trệ, ngay cả các trạm thư tín cũng đóng cửa vì sợ lây lan. Nếu có gặp nhau đâu đó, người ta quay lưng lại với nhau, tránh mọi tiếp xúc, đụng chạm. Dân thành phố sống những ngày vô mục đích, chán nản, tuyệt vọng; một số người đâm ra hoảng loạn, sinh ra làm càn.

“Vào thời kỳ này, thời gian như dừng hẳn lại (…) Chỉ trong vòng bốn ngày, cơn sốt tạo ra bốn bước nhảy kinh hoàng: mười sáu người chết, hai mươi bốn, hai mươi tám và ba mươi hai. Đến ngày thứ tư, người ta thông báo việc mở bệnh viện phụ trong một  trường mẫu giáo. Đồng bào chúng tôi vốn vẫn ngụy trang nỗi lo âu của mình  dưới những lời bông đùa, giờ đây, tỏ ra chán nản hơn và lặng lẽ hơn.”

Dân thành phố cảm thấy đột nhiên bị nhốt vào trong tù với nỗi đau khổ vì xa cách bạn bè, người thân.

“Một trong những hậu quả đáng kể nhất của việc đóng cửa thành phố là sự chia cách bỗng nhiên rơi vào những con người không hề được chuẩn bị.”

Kẻ ở lại thoát ra ngoài không được mà những người đi xa cũng chẳng thể nào về. Không ai có thể cứu giúp ai, không ai làm gì được cho ai. Những chữ vốn vẫn thường được dùng một cách bình thường như “dàn xếp” (transiger), “ân huệ” (faveur) hay “ngoại lệ” (exception) bỗng trở thành vô nghĩa.”

Cuốn “La Peste” (phiên bản tiếng Anh là “The Plague”) của văn hào Pháp Albert Camus. (Hình: en.wikipedia.org)

Giữa cái không khí chết chóc và tuyệt vọng đó, trong lúc chính quyền thành phố không đảm đương nổi vì quá sức, Bác Sĩ Barnard Rieux, dù có vợ ốm đau được gửi đi dưỡng bệnh ở một thành phố khác từ trước đó, bất chấp mối hiểm nguy lây bệnh, đứng ra tổ chức cuộc chiến đấu chống cơn dịch bệnh: lập ra những nhóm thiện nguyện, tự làm bệnh viện dã chiến, tự điều chế thuốc, làm vệ sinh thành phố, chuyên chở và chữa trị người bệnh, lo mai táng người chết, vân vân.

Sự tận tụy của Rieux đã thuyết phục nhiều người khác cùng tham gia. Họ xuất thân từ nhiều hoàn cảnh, nghề nghiệp, cá tính và xu hướng rất khác nhau.

Chẳng hạn ký giả trẻ Raymond Lambert. Anh đến từ Paris, bị kẹt vì lệnh phong tỏa, nên tìm mọi cách để ra khỏi thành phố, kể cả bằng con đường đi chui, nhưng đến khi nguyện vọng được thỏa mãn thì anh ta thay đổi thái độ, tình nguyện ở lại.

Chẳng hạn Cha Paneloux. Vào lúc cao điểm của cơn dịch, khi có đến 500 người chết một tuần, vị linh mục Dòng Tên này, qua một bài thuyết giảng hùng hồn, giải thích rằng cơn dịch là một cách Thượng Đế trừng phạt những kẻ có tội và khuyên họ chấp nhận sự trừng phạt đó. “Hỡi các anh chị em, cuối cùng, chính ở đây thể hiện lòng Chúa nhân từ, ngài đã mang vào mọi vật cái thiện và cái ác, sự giận dữ và lòng xót thương, bệnh dịch hạch và sự giải thoát. Chính cái tai họa đã làm các anh chị em tổn thương, nó nâng anh chị em lên và chỉ đường cho anh chị em.” Nhưng về sau, chứng kiến cái chết thương tâm của một đứa bé vô tội, Cha Paneloux thay đổi hoàn toàn thái độ, tình nguyện vào nhóm thiện nguyện, cuối cùng, nhiễm bệnh và chết.

Khi những dấu hiệu đầu tiên của cơn dịch xuất hiện, ai cũng cho rằng đó là trách nhiệm của một ai đó, chẳng dính dáng gì đến mình. Thậm chí ngay cả khi chứng kiến một phần tư (1/4) cư dân lăn ra chết, những người còn sống vẫn tin rằng tai họa sẽ không xảy ra cho bản thân họ. Ai cũng muốn giữ cho mình sự bình an, không muốn thay đổi thói quen và những gì mình đang hưởng, nên chẳng hề quan tâm đến người khác, đến cộng đồng.

Trong suốt cơn dịch, Camus nhấn mạnh đến sự hờ hững và phủ nhận của cư dân Oran đối với tai họa như là một ẩn dụ siêu hình. Tai họa, theo ông, là một cái gì rất chung, nhưng không mấy ai chấp nhận chúng, cho chúng là phi thực, cho đó là một cơn ác mộng sẽ chóng qua đi, cho đến khi chúng rơi ngay trên đầu mình. Chính vì thế, phải lâu lắm về sau, trải qua nhiều tháng sống như bị lưu đày, nhiều cư dân thành phố mới dần dà hiểu ra rằng tai ương không phải là của riêng ai mà liên quan đến tất cả mọi người. Nỗi đau cơn dịch là nỗi đau chung cần được được chia sẻ với nhau, nên mọi người đành quên đi nỗi đau cá nhân và cùng tham gia vào công cuộc chiến đấu chống dịch.

“Dịch Hạch” mang rất nhiều nét khá tương tự với cơn đại dịch COVID-19 hiện nay. Tuy nhiên, “Dịch Hạch” không chỉ viết về một trận dịch như nó là, mà chứa đựng nhiều ẩn dụ: ẩn dụ về cuộc xâm lăng tàn bạo của chủ nghĩa Đức Quốc Xã trong Thế Chiến Thứ 2, ẩn dụ về sự lan truyền độc hại của các ý thức hệ đối chọi nhau làm nhiễm độc xã hội.

Nhưng sâu xa hơn hết, đó là ẩn dụ về con người như một thân phận. Con người, trong cái nhìn của Camus, là một cái gì mong manh, rất dễ tổn thương, có thể bị tiêu diệt bất cứ lúc nào, bởi một thiên tai đột ngột xảy ra, hay bởi hành vi lầm lỗi của chính con người, hay thậm chí bởi một thứ vô cùng nhỏ nhoi: con vi khuẩn.

Cuối cùng, sau hơn một năm, cơn dịch chấm dứt ở thành phố Oran. Cuộc sống trở lại bình thường. Dân thành phố hân hoan reo mừng. Nhưng Camus cảnh báo rằng như thế không có nghĩa là con người đã hết bị đe dọa.

Kết thúc truyện, ông viết: “…vi trùng dịch hạch không bao giờ chết cũng không bao giờ biến mất, nó có thể nằm ngủ yên hàng chục năm trong đồ đạc và quần áo, nó kiên nhẫn chờ đợi trong các phòng ốc, dưới tầng hầm, trong rương, trong những chiếc khăn tay và trong đống giấy má và có lẽ đến một ngày nào đó, vừa để gây tai họa cũng như để dạy bài học cho con người, cơn dịch hạch sẽ lại đánh thức đàn chuột của nó dậy và rồi gửi chúng ra nằm chết trong một thành phố đang tràn trề hạnh phúc nào đó.”

Một lời tiên tri đáng đồng tiền bát gạo! Hơn 70 năm kể từ ngày tác phẩm ra đời, toàn nhân loại đang nhận chịu một cơn dịch mới kinh hoàng còn hơn trận dịch hạch ở thành phố Oran: đại dịch virus Corona. Cũng như trong “Dịch Hạch,” giữa không khí lo sợ, hốt hoảng và chán nản của chúng ta, thì ở tiền tuyến (frontline), biết bao bác sĩ, ý tá, nhân viên công lực, binh sĩ… – không khác gì những nhân vật Bác Sĩ Rieux, ký giả Lambert hay Cha Paneloux… trong “Dịch Hạch” – ngày đêm không quản gian lao và nguy hiểm, đang lao vào cuộc chiến chống dịch bệnh. Và cũng như trong “Dịch Hạch,” cơn dịch COVID-19 chắc chắn sẽ phải chấm dứt. Càng sớm càng tốt.

Mong thay!

***

Albert Camus, nhà văn Pháp, sinh năm 1913, đoạt giải văn chương Nobel năm 1957 và mất năm 1960 trong một tai nạn xe hơi, để lại một sự nghiệp văn chương đồ sộ với hàng chục tác phẩm vừa truyện dài, truyện ngắn, tiểu luận và biên khảo. Các tác phẩm nổi tiếng của ông gồm có L’Étranger (Kẻ Xa Lạ/truyện dài), La Chute (Sa Đọa/ truyện dài), La Peste (Dịch Hạch/truyện dài), Le Mythe de Sisyphe (Hyền Thoại SiSyphe/tiểu luận), Caligula (kịch)… (Trần Doãn Nho)

Trần Doãn Nho/Người Việt

—–

Tham khảo:

-La Peste (Albert Camus), bản điện tử tiếng Pháp: www.bouquineux.com/?telecharger=381&Camus-La_Peste

-Từ Coronavirus đến “Dịch Hạch” của Albert Camus (TDN): damau.org

-Albert Camus on the Coronavirus (Alain de Botton): www.nytimes.com/2020/03/19/opinion/sunday/coronavirus-camus-plague.html

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art