Thứ Hai, 30 Tháng Ba, 2020

COVID-19: Làm gì khi bạn bệnh

COVID-19: Làm gì khi bạn bệnh

(BS Nhuận dịch từ website của CDC và Mayo Clinic)

Thời buổi dịch bệnh, có quá nhiều thông tin khiến ai nấy đều chóng mặt, không biết tin ai. May quá, mới đây cơ quan CDC vừa công bố bài dưới đây để giúp người bệnh biết phải làm gì khi bị bệnh và hoang mang không biết mình có bị cô Vy chiếu cố không.

Nếu bạn bị bệnh COVID-19 hoặc nghĩ rằng bạn có thể mắc COVID-19, hãy làm theo các bước dưới đây để tự chăm sóc bản thân và giúp bảo vệ những người khác trong nhà và cộng đồng của bạn.

*Nên ở tại nhà nếu không cần được khám

- Ở nhà: Hầu hết những người bị COVID-19 bị bệnh nhẹ và có thể phục hồi tại nhà mà không cần chăm sóc y tế. Đừng rời khỏi nhà của bạn, trừ khi cần được chăm sóc y tế. Đừng đi đến các khu vực công cộng.

- Liên lạc với bác sĩ của bạn. Gọi trước khi bạn đi khám. Nếu bị khó thở hay các triệu chứng nặng hoặc bạn nghĩ đây là trường hợp khẩn cấp, bạn cần phải đi khám, nhưng phải gọi điện thoại trước.

- Tránh các phương tiện giao thông công cộng: Tránh sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đi chung xe hoặc taxi.

*Cách ly khỏi những người khác trong nhà, điều này được gọi là cô lập trong nhà (home isolation)

- Tránh xa người khác: tránh xa người khác càng nhiều càng tốt. Bạn nên ở trong một phòng riêng nếu có thể, xa những người khác trong nhà. Sử dụng một phòng tắm riêng, nếu có.

*Gọi điện thoại trước khi đến

- Gọi trước: Nhiều cuộc khám bệnh định kỳ đang bị hoãn hoặc thực hiện qua điện thoại hoặc on line.

- Nếu bạn có một cuộc hẹn không thể hoãn, hãy gọi cho văn phòng bác sĩ và chọ họ biết bạn có hoặc có thể đang bị COVID-19. Điều này sẽ giúp văn phòng tự bảo vệ và bảo vệ các bệnh nhân khác.

*Nếu bạn bị bệnh hãy đeo khẩu trang trong các tình huống sau, nếu có.

- Nếu bạn đang bệnh: Bạn nên đeo khẩu trang, nếu có, khi bạn ở cạnh người khác (kể cả trước khi bạn vào văn phòng BS).

- Nếu bạn đang chăm sóc người khác: Nếu người bị bệnh không thể đeo khẩu trang (ví dụ, vì nó gây khó thở), thì với tư cách là người chăm sóc họ, bạn nên đeo khẩu trang khi ở cùng phòng với họ. Khách viếng thăm, ngoài những người chăm sóc, không nên tới.

Lưu ý: Trong trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, khẩu trang có thể được dành riêng cho nhân viên y tế. Bạn có thể cần chế khẩu trang bằng khăn quàng cổ.

*Che miệng khi ho và hắt hơi

- Che: Che miệng và mũi bằng khăn giấy khi bạn ho hoặc hắt hơi.

- Vứt bỏ: Vứt khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác có lót.

- Rửa tay: Rửa tay ngay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Nếu không có xà phòng và nước, hãy làm sạch tay bằng chất khử trùng tay có chứa ít nhất 60% cồn.

*Rửa tay thường xuyên

- Rửa tay: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Điều này đặc biệt quan trọng sau khi xì mũi, ho hoặc hắt hơi; đi vệ sinh; và trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn.

- Chất khử trùng tay: Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng chất khử trùng tay chứa ít nhất 60% cồn, phủ lên tất cả các bề mặt của bàn tay và chà xát chúng với nhau cho đến khô.

- Xà phòng và nước: Xà phòng và nước là lựa chọn tốt nhất, đặc biệt là nếu tay bị bẩn rõ ràng.

- Tránh chạm vào: Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay không rửa sạch.

*Tránh dùng chung đồ dùng cá nhân

- Không chia sẻ: Không dùng chung bát đĩa, ly uống nước, cốc, dụng cụ ăn uống, khăn lau hoặc trải giường với người khác trong nhà bạn.

- Rửa kỹ sau khi sử dụng: Sau khi sử dụng những vật dụng này, hãy rửa kỹ bằng xà phòng và nước hoặc cho vào máy rửa chén.

*Làm sạch tất cả các bề mặt thường chạm vào

Làm sạch các bề mặt thường chạm vào trong khu vực cách ly của bạn (phòng của bạn và phòng tắm) mỗi ngày; hãy để một người khác làm sạch và khử trùng các bề mặt ở các khu vực khác trong nhà.

- Làm sạch và khử trùng: Thường xuyên làm sạch các bề mặt thường chạm vào trong phòng bạn và phòng tắm của bạn. Hãy để người khác làm sạch và khử trùng bề mặt ở những khu vực chung, nhưng không phải phòng ngủ và phòng tắm của bạn.

- Nếu người chăm sóc hoặc người khác cần dọn dẹp và khử trùng phòng hay nhà tắm của người bệnh, họ nên làm như vậy bất cứ khi nào cần. Người chăm sóc / người khác nên đeo khẩu trang và chờ càng lâu càng tốt sau khi người bệnh đã sử dụng phòng tắm.

Các bề mặt thường xuyên chạm vào gồm có điện thoại, vật dùng điều khiển từ xa, quầy, mặt bàn, tay nắm cửa, đồ đạc trong phòng tắm, nhà vệ sinh, bàn phím, máy tính bảng và bàn cạnh giường ngủ.

- Làm sạch và khử trùng những khu vực có thể có máu, phân hoặc chất dịch cơ thể trên đó.

- Chất tẩy rửa gia dụng và chất khử trùng: Làm sạch khu vực hoặc vật dụng bằng xà phòng và nước hoặc chất tẩy rửa khác nếu nó bẩn. Sau đó, sử dụng một chất khử trùng.

- Hãy làm theo các hướng dẫn trên nhãn để bảo đảm sử dụng sản phẩm an toàn và hiệu quả. Nhiều sản phẩm khuyên giữ cho bề mặt ẩm ướt trong vài phút để bảo đảm vi trùng bị tiêu diệt. Nhiều người cũng đề nghị các biện pháp phòng ngừa như đeo găng tay và có thông gió tốt khi sử dụng sản phẩm.

- Hầu hết các chất khử trùng trong nhà đã đăng ký EPA thường có hiệu quả.

*Theo dõi các triệu chứng của bạn

- Các triệu chứng thường thấy của COVID-19 bao gồm sốt và ho. Khó thở là một triệu chứng nghiêm trọng hơn có nghĩa là bạn nên được chăm sóc y tế.

- Nếu bạn khó thở, phải tìm chăm sóc y tế, nhưng hãy gọi trước.

- Gọi bác sĩ hoặc phòng cấp cứu trước khi đi và cho họ biết các triệu chứng của bạn. Họ sẽ cho bạn biết phải làm gì.

- Đeo khẩu trang: Nếu có, hãy đeo khẩu trang trước khi bạn vào tòa nhà. Nếu bạn có thể đặt một khẩu trang, hãy che miệng bằng khuỷu tay khi ho và hắt hơi. Cố gắng tránh xa người khác ít nhất 6 feet. Điều này sẽ giúp bảo vệ những người trong văn phòng hoặc phòng chờ.

- Thực hiện theo các hướng dẫn chăm sóc từ nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bộ phận y tế địa phương: Cơ quan y tế địa phương của bạn có thể đưa ra hướng dẫn theo dõi các triệu chứng và gọi báo cho bác sĩ.

*Khi nào cần phải được khám

Nếu bạn có các triệu chứng bệnh nặng và khẩn cấp, hãy tìm chăm sóc y tế ngay lập tức. Các triệu chứng khẩn cấp này gồm có

- Khó thở

- Đau hoặc bị sức ép dai dẳng ở ngực

- Lẩn hoặc không giữ tỉnh táo được

- Môi hoặc mặt tái tím (bluish)

Danh sách này không bao gồm tất cả các triệu chứng nặng. Xin hỏi ý kiến BS y tế của bạn cho bất kỳ triệu chứng nặng hoặc liên quan nào khác.

*Gọi 911 nếu bạn có trường hợp khẩn cấp về y tế:

Nếu bạn có trường hợp khẩn cấp về y tế và cần gọi 911, hãy thông báo cho họ biết bạn có hoặc nghĩ rằng bạn có thể có, COVID-19. Nếu có thể, hãy đeo khẩu trang trước khi có sự trợ giúp y tế.

*Khi nào có thể ngừng tự cô lập

- Những người mắc bệnh COVID-19 đã ở nhà (cách ly tại nhà) có thể ngừng cách ly tại nhà theo các điều kiện sau:

- Nếu bạn không có thử nghiệm để xác định xem bạn có còn truyền nhiễm hay không, bạn có thể rời khỏi nhà sau khi ba điều này đã xảy ra:

1.Bạn không bị sốt ít nhất 72 giờ (tức là ba ngày không sốt mà không dùng thuốc giảm sốt)VÀ

2. Các triệu chứng khác đã bớt (ví dụ, bớt ho hoặc khó thở) VÀ

3. Ít nhất 7 ngày đã trôi qua kể từ khi các triệu chứng của bạn xuất hiện lần đầu tiên.

-Nếu bạn sẽ được kthử nghiệm để xác định xem bạn có còn truyền nhiễm hay không, bạn có thể rời khỏi nhà sau khi ba điều này đã xảy ra:

- Bạn không còn bị sốt nữa (không dùng thuốc làm giảm sốt) VÀ

- Các triệu chứng khác đã bớt (ví dụ, bớt ho hoặc khó thở) VÀ

- Bạn đã nhận được hai thử nghiệm âm tính liên tiếp, cách nhau 24 giờ.

Bác sĩ của bạn sẽ làm theo hướng dẫn của CDC.

Trong mọi trường hợp, hãy làm theo hướng dẫn của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn và bộ phận y tế địa phương. Quyết định ngừng cách ly tại nhà nên được đưa ra với lới khyên của nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe của bạn và các sở y tế của tiểu bang và địa phương. Quyết định địa phương phụ thuộc vào hoàn cảnh địa phương.

Còn nữa, bài dưới đây do Mayo Clinic đưa ra, nói rõ hơn về triệu chứng bệnh:

*Làm gì khi bạn nghĩ mình mắc bệnh COVID 19

Không phải ai cũng cần được thử nghiệm COVID 19. Nhưng bạn có biết cần phải làm gì khi bạn nghĩ mình đang bị bệnh?

Không nên chạy ngay đến ER hay Urgent Care hay phòng mạch BS, trừ khi bạn là bệnh nhân có nguy cơ cao (high risk) hay đang bệnh rất nặng.

*Tự đánh giá triệu chứng của mình

Những triệu chứng của COVID 19 rất giống bệnh cúm thường, có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi bạn bị nhiễm. Thường thì sau 5 ngày, các triệu chứng sau có thể xuất hiện:

- Sốt

- Đau cổ và ho khan

- Hơi thở ngắn, khó thở

- Mệt mỏi

- Đau nhức mình mẩy, nhất là ở lưng và vai

- Có thể bị buồn nôn hay tiêu chảy

Nếu bị những triệu chứng này, bạn nên ở nhà và gọi cho BS của mình hoặc một cơ quan sàng bệnh (triage). BS có thể hỏi bạn những câu sau:

- Triệu chứng bắt đầu khi nào?

- Bạn đã từng đi những đâu?

- Bạn đã từng tiếp xúc với những ai?

- Triệu chứng của bạn nặng ở mức độ nào?

*Bạn nên hỏi những câu hỏi sau:

- Có phải COVID 19 gây ra những triệu chứng của tôi không?

- Có thể có những nguyên nhân khác không?

- Tôi cần những thử nghiệm nào?

- BS khuyên tôi nên làm những gì?

- Tôi cần phải kiêng cữ những gì?

Những bệnh nhân có nguy cơ cao (high risk) nên gọi BS ngay khi vừa có triệu chứng. Đây là những bệnh nhân có những bệnh kinh niên hay phức tạp như bệnh tim hay phổi, tiểu đường, và bệnh giảm sức đề kháng.

Khi bị những triệu chứng sau, nên tìm chăm sóc sức khỏe ngay lập tức (gọi BS hay ER), theo CDC:

- Khó thở

- Đau hoặc bị sức ép dai dẳng ở ngực

- Lẩn hoặc không giữ tỉnh táo được

- Môi hoặc mặt tái tím (bluish)

*Thử nghiệm

BS có thẻ cần những mẫu sinh học, thí dụ như que thọt vào lỗ mũi đế lấy chất nhầy đằng sau mũi, để thử nghiệm.

Nếu dùng một thử nghiệm do CDC phát triển, kết quả âm tính có nghĩa là con virus gây bệnh COVID 19 không có trong mẫu sinh học của bạn. Nhưng trong thời kỳ quá sớm, có thể là không tìm thấy virus. Do đó, không nên thử nghiệm trước khi có triệu chứng.

Thử nghiệm âm tính khi bạn đang có triệu chứng có nghĩa là con virus gây COVID 19 không gây ra bệnh của bạn.

Nếu kết quả dương tính, cần theo hướng dẫn của cơ quan sức khỏe công cộng địa phương và CDC.

*Chữa trị

Ngoài việc cần cô lập 14 ngày, viậc chữa trị gồm có làm bớt các triệu chứng bằng thuốc ho, thuốc sốt và đau, uống nhiều nước, và nghỉ ngơi.

Không có thuốc kháng virus nào được FDA chấp nhận cho chữa COVID 19. Có thử nghiệm dương tính sẽ không thay đổi cách chữa bệnh cho bạn.

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art