Chủ Nhật, 13 Tháng Ba, 2022

LUCILLE CORTI - Nữ BÁC Sĩ THỪA SAI TẠI UGANDA

LUCILLE CORTI - Nữ BÁC Sĩ THỪA SAI TẠI UGANDA - 1

Nữ BÁC Sĩ THỪA SAI TẠI UGANDA

LucilleTeasdale, sinh năm 1929, là một hoa hậu tại trường y khoa Montréal, Canada, đậu bác sĩ với hạng tối ưu vào năm 1955, và học chuyên khoa về giải phẫu. Vì tình yêu, Lucille đã từ bỏ sự nghiệp tương lai vẻ vang ở Mỹ và Canada, để theo người yêu là bác sĩ Piero Corti người Ý, một tín hữu Công giáo nhiệt thành, sang miền bắc Uganda từ năm tháng 5 năm 1961, để cùng Piero thiết lập một bệnh viện giúp các bệnh nhân nghèo. Lúc đó Lucille được 32 tuổi, nàng thành hôn với Piero Corti, và trong cuộc dấn thân phục vụ, nàng tìm lại được niềm tin Kitô đã đánh mất.

Lucille và chồng chăm sóc cho các bệnh nhân nghèo trong 35 năm trời, và sau cùng Lucille đã bỏ mạng tại đây vì lây bệnh Sida (Aids), trong một cuộc giải phẫu.

THÂN THẾ

Khi còn là một nữ sinh 13 tuổi ở trường nội trú Sainte-Emilie ở Montréal, do các nữ tu đảm trách, Lucille gặp một vài nữ tu thừa sai từ Trung Quốc đến trường và đơn sơ kể lại công việc của các chị, đồng thời cũng chiếu những phim miếng về hoạt động của các nữ tu: nhiều gia đình người Hoa không muốn có con gái, vì thế mỗi khi sinh con gái, họ thường vứt các hài nhi vào đống rác. Các nữ thừa sai đi tìm, và nếu thấy các hài nhi ấy còn sống, họ mang về nuôi nấng và thương yêu chăm sóc. Lucille cảm thấy kinh khiếp vì sự tàn ác như thế, cô thấy mình bị thu hút vì công việc của các

nữ thừa sai bé nhỏ ấy. Trong những ngày đó, Lucille thầm quyết tâm: ”Tôi sẽ trở thành bác sĩ, chứ không phải nữ tu, và tôi sẽ sang Trung Quốc, để săn sóc các bé gái ấy”.

Mãn trung học, Lucille bắt đầu học y khoa tại đại học Montréal, và làm bạn ngay với François Laroche. Đối với cả hai, y khoa không phải là một nghề, nhưng là một phương thế để thoa dịu đau đớn, và chia sẻ những đau khổ của tha nhân, cả hai đều 23 tuổi, họ dành những ngày rảnh rỗi để làm việc thiện nguyện trong một bệnh xá Công Giáo tại Saint-Hubert. Giẩc mơ của họ là trở thành như bác sĩ Albert Schweitzer, nổi tiếng trên thế giới vì đã từ bỏ mọi sự để đến làm việc trong rừng già xứ Gabon bên Phi châu để săn sóc các bệnh nhân cùi.

François Laroche yêu Lucille nồng nhiệt và tìm mọi cách để cưới nàng. Nhưng Lucille nói với François: ”Em cám ơn tình yêu của anh. Nhưng em tin rằng em không thể nào vừa là một người vợ, người mẹ, vừa là một bác sĩ thừa sai. Em sẽ là bác sĩ, và thế là đủ rồi”. François dùng mọi cách để thuyết phục Lucille, và thậm chí một hôm chàng đeo nhẫn đính hôn vào ngón tay của Lucilìe. Nhưng sau khi khóc, nàng trả lại nhẫn cho François. François để cho nàng được tự do.

Năm 1955, Lucille đậu bác sĩ ưu hạng và được các sinh viên bầu làm ”hoa hậu” y khoa vì sắc đẹp rạng rỡ và thanh thản của nàng. Nàng gia nhập Bệnh viện Nhi đồng thánh Justin ở Montréal, và ngay sau đó bắt đầu học chuyên khoa giải phẫu. Những ngày hè trong tháng 8, nàng sống trong một nơi nghỉ hè với hàng trăm trẻ em khuyết tật.

KHÚC QUANH

Chính tại đây, Lucille gặp bác sĩ Piero Corti, từ miền Lombardia, bắc Italia, đến bệnh viện nhi đồng thánh Justin để học chuyên khoa về quang tuyến và gây mê. Piero là một tín hữu Công Giáo nhiệt thành. Chàng ngỡ ngàng vì sắc đẹp của Lucille. Tại Đại học Milano, bắc Italia, anh đã quen biết và ngưỡng mộ một nữ sinh viên y khoa khác, đó là Benedetta Bianchi ( 1936-1964), một nữ sinh rất thông minh và mơ ước sống đời thừa sai tại Phi châu. Nhưng rồi một căn bệnh rất họa hiếm tấn công tủy xương sông của nàng. Benedetta hoàn toàn phó thác bản thân trong tay Chúa, dâng hiến mạng sống cho Ngài, trốn khi căn bệnh dần dần làm cho nàng bị mù và tứ chi tê liệt, đưa nàng đến cái chết mau chóng.

Piero đã từng mơ ước cưới Benedetta làm vợ và cùng với nàng sang Phi châu. Trước khi Benedetta từ trần, Piero đã thề với nàng rằng vì tình yêu đối với nàng, chàng sẽ thành lập một bệnh viện tại Phi châu (Bernadetta đã được phong chân phước ngày 14-9-2019).

Nay tại Montréal, Lucille và Piero trở thành bạn thân mới nhau. Chàng kể về Benedetta, về nhà thương mà chàng mơ ước thực hiện cho những người rốt cùng ở Uganda. Piero đã thỏa thuận về dự án đó các cha dòng thánh Comboni, các vị có một vài bệnh xá ở miền bắc Uganda, gần thành phố Gulu. Chàng nói với Lucille: ”Nếu anh không làm điều đó, thì anh có cảm tưởng minh phí phạm cuộc sống”.

Trong những năm học chuyên khoa giải phẫu ở Bệnh viện nhi đồng thánh Justin, Lucille cảm thấy Piero bên cạnh như một người anh vậy thôi. Nhưng Piero thì ngày càng yêu Lucille thắm thiết hơn.

Theo qui luật, trước khi được mảnh bằng bác sĩ chuyên khoa, Lucille phải hành nghề tại một bệnh viện ở nước ngoài trong vòng một năm. Lúc ấy, Piero đã học xong các khóa về quang tuyến và gây mê. Anh nói với Lucille: ”Vậy tại sao em không đi với anh sang Uganda? Anh đã nhờ người ta gởi từ Milano tới Gulu tất cả các vật dụng cần thiết rồi. Một bệnh xá đang được biến thành bệnh viện”. Nghe vậy, Lucille phá lên cười. Nhưng rồi thấy nét mặt nghiêm trang của Piero, nàng hạ giọng và nói: ”Anh nói thật hả?”. Piero đáp: ”Đúng vậy, đó là điều nghiêm túc và thật nhất trên đời. Tại bệnh viện đó, em sẽ giải phẫu, còn anh thì làm chuyên viên quang tuyến và gây mê. Trong tư cách là giám đốc bệnh viện, anh sẽ trả lương cho em”. Rồi đốt một điếu thuốc, Piero nói tiếp: ”Và khi nào em muốn, thì anh sẽ cưới em làm vợ”, cả hai cùng cười. Nhưng Lucille trong lòng cảm thấy kinh hãi vì ”mọi sự đã được chuẩn bị sẩn sàng như thế”. Nàng không có đức tính cụ thể như Piero và cũng không có can đảm kết luận. Lucille nói với Piero điều đó.

Trong khi Piero rời Canada trở về Milano, bác sĩ Viện trưởng Đại học y khoa khuyên Lucille nên sang Mỹ học năm cuối cùng, tại một bệnh viện, nơi ông có những bác sĩ bạn rất tốt có thể giúp nàng.

KHÁM PHÁ TÌNH YÊU

Thế là Lucille chuẩn bị hành trang để sang Mỹ, nhưng chợt một tư tưởng lóe lên trong óc nàng như một viên đá ném vào đầu: ”Tôi sẽ không còn thấy Piero nữa”. Và sau này, nàng thuật lại, ”Ý tưởng ấy đối với tôi trở thành điều không thể chịu nổi. Không còn cảm thấy chàng bên cạnh nữa, không còn được tâm sự với chàng, không còn chia sẻ cơm bánh với chàng và cười vui vì bao nhiêu những chuyện nhỏ bé, đó là những thực tại mà tôi sẽ không bao chờ chịu nổi. Và trong chớp nhoáng, tôi nhận thấy một sự thật hiển nhiên: tôi đã yêu Piero và muốn có chàng ở cạnh tôi trong suốt cuộc đời. Tôi yêu chàng đến độ khi nghĩ mình bị mất chàng, tôi cảm thấy như chết đi. Tôi điện thoại cho Piero và với giọng thổn thức, tôi nói rằng mình sẵn sàng đi với chàng sang Phi châu. Và lấy hết can đảm, tôi nói với Piero rằng tôi muốn kết hôn với chàng, để luôn có chàng bên cạnh. Và tôi nói thêm: ”nhưng xin anh vui lòng làm sớm, trước khi sự sợ hãi trở lại trong tâm hồn em”. Qua điện thoại, Piero như điên lên vì vui mừng. Chàng xin Lucille hãy lấy chuyến máy bay đầu tiên đi Milano: chàng sẽ đợi chàng ở đó như mong đợi mặt trời sau một cơn giông tăm tối.

Trước khi Lucille tới nơi, Piero đã nhận được một điện văn với giọng hết sức chân thành của nàng: ”Anh Piero thương mến, xin hãy nói với em rằng anh sẽ biết bảo vệ em khỏi chính con người và những ác mộng của em, rằng anh sẽ biết cách chữa em khỏi bệnh bi quan và những lo lắng của em. Em nói với anh điều đó vì em là người có tính hay lo lắng, mặc dù hạnh phúc rất mới mẻ của em. Nhưng em biết rằng nếu được ở bên anh, em sẽ trấn an được mình, được ru bằng những lời khôn ngoan và dịu dàng của anh. Piero, em không phải là một người đàn bà mạnh mẽ, độc lập và lạnh lùng như em tỏ ra bề ngoài từ vài năm nay. Em là một đứa bé quên tăng trưởng, xét về một phương diện nào đó, một đứa bé sau cùng đã tìm được một người cầm tay dìu dắt, để cùng bước đi trong cuộc đời. Piero, em yêu anh. ước gì anh biết rằng em sẽ cảm thấy lạc hướng nếu không có anh”.

TẠI UGANDA

Ngày 1 tháng 5 năm 1961, Piero và Lucille đáp xuống Entebbe, bấy giờ là thủ đô của Uganda, một nước bảo hộ của Anh quốc. Với chiếc xe Peugeot vững chắc, họ đi xuyên qua Uganda, tiến về miền bắc rồi dừng lại tại Lacor, một làng cách thành phố Gulu 11 cây số, trên lãnh thổ thuộc bộ lạc Acoli. Họ đến bệnh xá do các nữ tu phụ trách, một nhà bảo sanh với 40 chỗ.

Hôm sau, Lucille đã phải thực hiện một cuộc giải phẫu khẩn cấp đầu tiên. Nữ tu Maria Pia hối hả chạy đến gặp Lucille và nói: ”Một bà mẹ bắt đầu chuyển bụng từ hơn 24 giờ. Đây là đứa con đầu lòng của bà ta. Dường như có chuyện bất thường, đầu thai nhi ở phía bên trái. Tôi có cảm tưởng là phải mổ”.

Lucille hiểu rằng cuộc giải phẫu đầu tiên của nàng trên đất Phi châu là mổ bà mẹ để lấy hài nhi ra, hài nhi đang có nguy cơ bị chết. Nàng vội coi cuốn ”Khảo luận về kỹ thuật giải phẫu” đã mua ở Paris, nhìn 8 hình ảnh trong đó, giúp nàng tóm lược những giai đoạn phải làm, rồi mau lẹ đi tới phòng mổ. Tại đây, nữ tu Anna Pia giúp nàng đeo găng tay vào. Bà mẹ đã được Piero đánh thuốc mê và phủ tấm khăn trắng, thở chậm chạp. Lucille rờ vào cái bụng tròn to tướng và xin nữ tu Anna Maria trao dao mổ. Sau khi rạch bụng, nàng thấy đầu hài nhi, và từ từ nâng lên, thọc ngón tay trỏ vào miệng hài nhi, đồng thời đưa ngón trỏ giữ dưới cằm hài nhi, để cầm đầu đứa bé lôi mạnh ra khỏi tử cung. Đó là một bé trai. Lucille trao hài nhi cho một nữ y tá người Uganda, và với sự trợ giúp của nữ tu Maria, nàng bắt đầu khâu bụng bà mẹ lại, trong khi đó người ta nghe thấy tiếng khóc lớn của hài nhi. Và Lucille không khỏi nghĩ rằng tiếng khóc đầu đời ấy của hài nhi sẽ không vang lên như thế, nếu nànç không chiến thắng được tất cả sự Sợ hãi của mình.

Lucille và Piero Corti thành hôn với nhau ngày 5-12-1961 trong buổi lễ đơn sơ tại nhà nguyện của bệnh xá và quyết liệt từ chối làm lễ cưới tại nhà thờ chính tòa Gulu mặc dù Đức Giám Mục đề nghị.

HOẠT ĐỘNG

Ngày làm việc của Lucille bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng. Có hàng trăm bệnh nhân mỗi sáng đến phòng khám bệnh và nàng phải làm việc cấp tốc. Đó không phải là một đoàn bệnh nhân rầu rĩ, như nàng thường thấy ở Canada. Những người da đen, dù bị bệnh, họ vẫn tiếp tục cười nói to tiếng. Sự tiếp xúc với những người dân tự tín ấy và với chính các hài nhi trong tay làm cho Lucille vui sống và hăng say phục vụ.

Chẳng mấy chốc Lucille nhận thấy rằng để cứu sống các hài nhi, cần phải đặc biệt chống lại hai kẻ thù.

• Các bệnh cổ điển mà các hài nhi thường mắc phải, nay trở nên phức tạp hơn vì thứ bệnh tiêu chảy trầm trọng khiến cho các em bị suy nhược, bị mất nước và chết từ từ. Tại Uganda hồi đó, 30% trẻ em chết trước khi được 10 tuổi. Cứu sống các em, đó thật là điều đơn sơ dễ dàng, chỉ cần cho các em uống nước trong lành. Nhưng vấn đề là các bà mẹ ở địa phương không hiểu thế nào là nước trong lành. Vì thế, Lucille thấy rằng cần cấp tốc tổ chức các lớp dạy vệ sinh và bảo vệ sức khỏe tại các làng mạc trong vùng. Piero bắt đầu công việc ấy cùng với sự trợ giúp của các nữ y tá người Uganda bản xứ.

• Kẻ thù thứ hai cần loại trừ có một tên huyền bí là ”ebino”, trong tiếng Acoli ở miền bắc Uganda có nghĩa là ”cái gì đang tới”. Con số các trẻ em được bác sĩ Lucille giải phẫu ngày càng đông hơn. Nhiều em bị một thứ bệnh nhiễm trùng lợi răng ở hàm dưới. Nàng hỏi thăm, tìm hiểu, và mặc dù người ta chỉ trả lời một cách dè dặt, sau cùng Lucille cũng hiểu sự việc khiến nàng rất phẫn nộ.

Sự thể là: trong thời gian các em bé mọc răng, dĩ nhiên lợi răng bên dưới phồng lên tại nơi mà răng nanh sẽ nhú ra và em bé hơi bị sốt. Khi ấy, bà mẹ đưa con đến thày phù thủy chữa bệnh, tiếng địa phương gọi là ajwaka. Ông này lấy đầu một mũi tên nhọn hoặc một cái đinh và rạch vào lợi răng để nhổ đi những chiếc răng năng bé nhỏ. Việc làm như thế của thày phù thủy nhiều khi làm cho em bé bị nhiễm trùng, bị sốt nặng và bị nhiễm khuẩn máu (setticemia).

Lúc đó, bà mẹ lại đưa con trở lại gặp thầy phù thủy chữa bệnh, và ông ta chữa cho đứa bé bằng những câu phù chú, bằng máu dê, và bằng cỏ. Và khi mà mẹ quyết định đưa con tới nhà thương thì hầu như lần nào bệnh trạng đều đã quá trễ.

Một hôm có một bà mẹ rất trẻ đến bệnh viện. Bà cõng trên lưng đứa con gái chưa đầy 2 tuổi. Khuôn mặt bé bị biến dạng vì átxít sulfuric, mi mắt của bé sưng phồng và hé mỡ, cậu bé thở rất khó khăn và toàn thân run rẩy. Bệnh nhân tí hon sắp chết. Lucille 10 lắng hỏi: ”Điều gì đã xảy ra thế?”. Bà mẹ thì thầm: ”Ebino”. Đó là trường hợp thứ tư Lucille gặp phải sáng hôm ấy và là trường hợp nặng nhất. Trong lúc Lucille đeo khẩu trang để chuẩn bị cuộc giải phẫu mà không còn hy vọng nào, đột nhiên nàng phẫn nộ, khóc và nói lớn: ”Em bé này thật là đẹp! Tại sao cô giết con như thế? Tại sao các người cứ giết con mình như vậy?”.

Piero chạy đến. Lucille nói lớn với chồng về kết quả cuộc chẩn bệnh bênh nhân tí hon: ”Viêm xương tủy cấp tính, nhiễm khuẩn máu. Hàm răng là một bọng mủ và hoàn toàn bị hư rồi. Chúng ta hãy truyền nước biển, truyền máu và thuốc kháng sinh”. Nhưng trong lúc hai bác sĩ cố gắng cứu chữa thì hài nhi tắt thở. Lucille lẫm bẩm: ”Và bây giờ họ sẽ bọc đứa bé này trong một vỏ cây vả và chôn táng. Tội nghiệp em bé gái xinh đẹp như thế”.

BIẾN CHUYỂN CHÍNH TRỊ

Ngày 9-I0-1962, chính quyền Anh chấm dứt chế độ bảo hộ và ra đi. Uganda tuyên bố độc lập. Hơn một tháng sau đó, ngày 1711-1962־, Lucille sinh hạ một bé gái có đôi mắt to và đặt tên con là Dominique. Ngày hôm ấy, giấc mơ của nàng được thành tựu hoàn toàn: làm bác sĩ, làm nhà thừa sai và làm mẹ. Piero hết sức vui sướng. Những người da đen gọi hài nhi da trắng là Atim, nghĩa là ”sinh xa quê hương”, và Lucille được mọi người bản xứ gợi là ”Min Atim”, nghĩa là ”mẹ của hài nhi sinh xa quê hương”.

Bà mẹ trẻ khuôn mặt rạng rỡ. Bé Dominique mỗi ngày là một nguồn vui tuyệt vời cho Lucille. Nàng thương con như bản thân, và tự hỏi tại sao mình lại có thể chờ đợi lâu dài như thế trước khi muốn có một bảo ngọc như vậy.

Trong thập niên 1960, bác sĩ Piero đã thành công trong việc mở rộng và trang bị bệnh viện với những dụng cụ tối tân hơn. Các dịch vụ mới được khai trương và một số khu vực mới cũng được kiến thiết: khu y khoa, khu giải phẩu, khu bệnh nhi đồng, khu cô lập, khu quang tuyến và hai phòng giải phẫu. Có một khu dành cho các trẻ em thiếu dinh dưỡng. Một trường y tá chuyên nghiệp cũng được thiết lập, cùng với hai trung tâm y tế ngoại vi.

Lucille lần lượt làm việc tại cả hai phòng giải phẫu, tùy theo ngày, nhiều khi làm tới 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Trong cuốn sổ lớn, nàng ghi chép cẩn thận mỗi cuộc giải phẫu và chẩn bệnh. Piero dùng những cuốn sách đó để gửi các phúc trình khoa học cho các tạp chí chuyên về y khoa nhiệt đới.

Bé gái Dominique lớn lên nơi vòng tay của người vú nuôi Liberata người Acoli và của mẹ hiền. Nàng ở bên con mỗi khi rảnh rỗi. Bé học tiếng Acoli với Liberata và tiếng Pháp với mẹ, chơi đùa với các em bé khác. Bé chẳng để ý các đứa trẻ khác không có mái tóc hung và da đen. Bé cảm thấy mình thực là người con của Phi châu.

Tháng tư năm 1966, tức là 3 năm rưỡi sau khi Uganda được độc lập, tại thủ đô Kampala xảy ra cuộc đảo chính. Rất tiếc đó là biến cố đầu tiên trong một loạt các cuộc đảo chính khác theo sau đó. Đất nước Uganda bị tàn phá do viên chỉ huy trưởng cảnh sát là đại tá Amin Dada. 2 ngàn người dân bộ lạc Baganda bị chôn sống hoặc bị quăng xuống thác Murchison. Từ lúc đó, Uganda không còn được hòa bình nữa, và bị các đạo quân và các toán võ trang rảo quanh hoành hành, trong hơn 30 năm, từ nam lên bắc, từ bắc xuống nam, gieo rắc chiến tranh qui mô, chiến tranh du kích, chết chóc, đói khát và tàn phá.

Chiến tranh là nguy hiểm mà Lucille và Piero phải chiến đấu trong cuộc chiến lâu dài, âm thầm và nhiều khi tuyệt vọng. Lucille thấy trên bàn mổ cùng những trẻ em mà nàng đã giúp sinh ra, và vừa mới lớn lên, thì đã bị những mảnh trọng pháo đâm vào người, bị mìn hoặc bị đạn bắn vào. Bệnh viện nhiều lần bị ăn trộm và bị phá phách. Cũng có lần Lucille suýt bị bắt cóc, nhưng được một bà mẹ già cứu thoát, bà ta thét mắng đứa con binh sĩ: ”Mày đừng giết bà bác sĩ đã chữa bệnh cho tao và đã giúp cho mày sinh ra. Chẳng thà tao bóp cổ mày cho chết!”.

BỆNH SIDA

Trong bối cảnh nội chiến đó, có hàng ngàn chiến binh cựu quân đội của ldi Amin bị rã hàng, chạy về miền quê và vào rừng, mang theo súng liên thanh và súng bán tự động, gieo rắc kinh hoàng và làm cho dân chúng trở lại với những tập tục man rợ, từcác vụ tra tấn cho đến những vụ ăn thịt người.

Trong số các binh sĩ bị thương hoặc đau yếu mà các đồng bạn của họ đưa tới nhà thương, Lucille nhận thấy có những dấu hiệu lạ thường: bệnh ung thư Kaposi mà nàng chưa hề thấy tại miền này. Bệnh nhân bị hủy hoại hệ thống miễn nhiễm, phổi bị sưng và không thể chữa khỏi; ho khan và liên tục. Lucille nói với Piero. Chàng nhớ lại là đã đọc một tạp chí khoa học về loại bệnh lạ ấy, được gọi là Aids, Sida hoặc HIV, được biểu hiện với những triệu chứng vừa nói. Nhưng tạp chí ấy nói rằng loại bệnh này lan tràn nơi những người đồng tính luyến ái ở Los Angeles Hoa Kỳ, cách xa đây bao nhiêu ngàn cây số.

Ngày 25 tháng 4 năm 1979,Piero dẫn vào phòng giải phẫu một binh sĩ có một chân bị ung thối. Sau khi xem xét các vết thương, Lucille nói: ”Cần phải cắt cụt ngay, may ra chúng ta có thể cứu được anh ta”. Mặc dù đã cấn thận đề phòng, nhưng vừa khi bắt đầu cưa, Lucille vẫn bị một tia máu đen bắn vào đầy người, và tuy hầu như bị mù, nàng vẫn tiếp tục công việc, tìm tìm mạch máu và khâu lại. Binh sĩ ấy sống sót 3 ngày, rồi sau đó bị ung thư Kaposi đốn ngã. Rất có thể là hôm đó, Lucille đã bị nhiễm bệnh Aids.

SANG ÂU CHÂU

Khi chiến tranh bùng nổ, bé Dominique đã được cha đưa về Italia để gia đình nuôi nấng. Nhưng cô bé đau khổ vì phải xa cha mẹ và xa Phi châu. Vì thế, ít lâu sau, Lucille và Piero về đưa con tới một trường trung học ở Kenia, quốc gia láng giềng của Uganda. Tại đây, Dominique cảm thấy thoải mái hơn và mỗi tháng Lucille có thể đến thăm con.

Năm 1982, khi được 20 tuổi, Dominique trở về Uganda và theo học ngoại ngữ tại Đại học. Và ngay sau khi giật được mảnh bằng đầu tiên, cô sang Pháp học y khoa. Sau khi đậu bác sĩ, Dominique lại theo mẹ phục vụ tại nhà thương, nhưng cô nhận thấy ngay có điều gì không ổn. Lucille vẫn luôn hăng say và hạnh phúc. Tình yêu của Piero bao bọc nàng như một hàng rào làm cho nàng không bị tổn thương. Nhưng Dominique thấy mẹ bị mất trọng lượng quá nhiều đối với một phụ nữ 53 tuổi, và đôi khi rất khó ăn uống.

Dominique thuyết phục được mẹ mau thực hiện một cuộc du hành sang Âu Châu và nhờ một bác sĩ chuyên khoa khám bệnh kỹ lưỡng cho.

Ngày 26-9-1983, tại Vatican, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 tiếp kiến các bác sĩ thừa sai dấn thân cạnh các nữ tu và các LM tu sĩ tại Phi châu. Trong số những người hiện diện cũng có cả Lucille và Piero. Khi ĐGH đến bênh cạnh họ, Lucille nói với ngài: ”Chúng con là bác sĩ thừa sai ở Phi châu từ 22 năm nay”. Vì những tiếng ồn ào bên cạnh, ĐGH không hiểu rõ, nên hỏi lại: ”Từ 2 năm nay hả?”. Lucille cải chính: ”Không phải 2 năm, nhưng là 22 năm, thưa ĐTC”. Ngài kinh ngạc nhìn đôi vợ chồng và nói với lòng ngưỡng mộ: ”22 năm! Thật là rất tốt!”.

Trên đường trở về Uganda, Lucille và Piero dừng lại tại Luân Đôn đế bác sĩ Anthony Pinching, bác sĩ chuyên khoa nổi tiếng trên thế giới về khoa miễn dịch. Lucille bình thản kể lại tất cả các triệu chứng nàng đã có từ nhiều tháng nay khiến nàng bị hao mòn sinh lực: bị mất trọng lượng, ăn không còn biết ngon, ho khan và kéo dài, da nổi mụn rồi biến mất ở bả vai và cánh tay trái, cảm giác mệt mỏi. Một cuộc khám bệnh kỹ lưỡng và phân tích máu đưa tới một phán quyết không thể chối cãi: Lucille bị nhiễm bệnh Aids, liệt kháng. Bác sĩ Pinching nói thêm với tất cả sự thẳn thắng: ”Hiện thời chúng tôi chưa biết nhiều về thứ bệnh này. Có lẽ bà còn sống được 2 năm nữa, nhưng có thể lâu hơn nữa. Bà có thể làm việc tiếp tục làm việc tại nhà thương, nhưng phải rất thận trọng, nhất là đối với bệnh lao phổi. Trong những trường hợp thế này, bệnh lao phổi thật là một án tử”.

Trong thực tế, Lucille không những tiếp tục làm việc được 2 năm, nhưng 13 năm tại nhà thương, giữa các bệnh nhân của mình. Vừa khi trở về Uganda, Lucille được bổ nhiệm giảng dạy môn giải phẫu cho các sinh viên Uganda mới đậu bác sĩ tại Đại học Kalerere.

LUCILLE CORTI - Nữ BÁC Sĩ THỪA SAI TẠI UGANDA - 2

NHỮNG NĂM CUỐI ĐỜI

Từ năm 1985 trở đi, sự mệt mỏi của Lucille gia tăng, khiến nàng phải giảm bớt công việc giải phẫu vào 3 buổi chiều mỗi tuần. Nàng chỉ săn sóc các em bé và các bà mẹ gặp khó khăn trong việc thai nghén. Năm 1992, Lucille phải giảm bớt thêm các hoạt động giải phẫu. Trong khu bệnh lao mới mỡ, 60% các bệnh nhân cũng bị bệnh Aids. Lucille đặc biệt săn sóc họ dựa vào những kiến thức chắc chắn nhờ thí nghiệm trên bản thân mình.

Năm 1993, hầu như tình cờ, một ký giả người Canada của tạp chí nổi tiếng Reader’s Digest đến viếng thăm bệnh viện và đã viết một bài đầy hứng khởi về công việc của ông bà Lucille và Piero. Thật là một ngọn lửa sáng. Trong những năm ấy, trào lưu duy tiêu thụ và sự suy thoái các lý tưởng đang lan rộng, tất cả các báo chí đều tìm kiếm tin tức về Lucille và Piero.

Tháng 2 năm 1994, một toán ký giả của đài truyền hình Canada đổ bộ xuống thành phố Gulu, mặc dù chiến tranh du kích chỉ cách đó vài chục cây số về hướng bắc. Họ thực hiện một phim thời sự dài về cuộc đời của Lucille. Thành công hết sức lớn lao. Cuốn phim thời sự ấy được các đài truyền hình thế giới mua và chiếu lại. Nhật báo lớn nhất ở tỉnh Québec đặt câu hỏi: ”Làm sao chúng ta có thể quên một người đồng hương anh dũng của chúng ta lâu như thế?”.

Tháng 6 năm 1995, chính quyền Canada xin Lucille trở về quê hương vài ngày. Nàng được thủ tướng trao tặng huân chương và được chào đón trên các đường phố ở Montréal.

Khi trở về Gulu, Lucille đã đọc tất cả các lá thư đó giữa các bệnh nhân. Một em bé gái viết: ”Cháu tên là Audey, 10 tuổi. Sau này lớn lên, cháu sẽ làm bác sĩ nhi đồng. Khi có kinh nghiệm, chắc chắn cháu sẽ đi đến một nước nghèo để săn sóc các trẻ em bị bệnh. Ký tên: Một người ngưỡng mộ, Audrey Martel”.

Năm 1996, tại Uganda, chiến tranh du kích có vẻ chấm dứt. Có nhiều người bị thương được đưa tới bệnh viện. Các trẻ em và phụ nữ, khi trở lại làm việc đồng áng, thường dấm phải mìn chôn dọc theo các con lộ và trong những cánh đồng thời kỳ chiến tranh.

Lucille tìm cách cứu thoát một bé, Emmanuel, có đôi chân và bụng bị tàn hại vì mìn nổ. Nhưng nàng không thành công. Đó là cuộc giải phẫu cuối cùng.

Lucille Corti qua đời ngày 1 tháng 8 năm 1996 và được an táng cạnh Emmanuel, em bé cuối cùng mà nàng tìm cách cứu sống. Những cánh hoa hồng, đỏ, vàng và tím phủ trên nấm mộ của Lucille.

Bác sĩ Piero Corti qua đời năm 2003, và ngày nay, bệnh viện Saint Mary tiếp tục được một toán bác sĩ đảm trách dưới sự điều động của nữ bác sĩ Dominique Corti, con gái của ông bà Piero và Lucille Corti, với sự hỗ trợ của một Quỹ mang tên ”Lucille và Piero Corti”. (Teresio Bosco, Sette rose per Lucille Corti, medico missionario, Elledici, Leumann, Torino, 2001).

Trang Đức

 

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art