Lời mở đầu: Để dễ dàng theo dõi một chủ đề mang tính kỹ thuật, cần thống nhất các thuật ngữ chuyên môn như: AI (Artificial Intelligent): Trí tuệ nhân tạo. Chatbot: Là các chương trình máy tính được thiết kế để bắt chước ngôn ngữ tự nhiên của con người (văn viết và văn nói). Đây là một lãnh vực đang trong giai đoạn thử nghiệm, sẽ có nhiều thay đổi trong tương lai gần sắp tới, bài viết chỉ trình bày những gì đang diễn ra trước mắt.
LOS ANGELES, California (NV) – Dù chỉ được trình làng vào cuối năm ngoái, ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) đang là một “cơn sốt” sẽ làm thay đổi nhiều ngành kỹ nghệ, ngay cả cách sinh hoạt và làm việc của từng cá nhân đến mức thành phần quản trị của Google phải đưa khuyến cáo nội bộ về một tình trạng “đáng báo động” đang đến.
ChatGPT là gì?
ChatGPT là công cụ chatbot dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), có khả năng tạo nên những câu trả lời dựa trên câu hỏi của người dùng.
Để có thể dễ dàng hơn trong việc nhận diện ChatGPT, hãy cùng so sánh công cụ này với Google.
Trên lãnh vực tìm kiếm thông tin, khi đặt một từ khóa trên Google, chúng ta sẽ thấy kết quả là những đường dẫn (link) của những bài viết liên quan đến “từ khóa” đó. Người tìm kiếm thông tin phải đọc từng bài để lọc lựa điều cần tìm.
Nhưng, khi tìm kiếm một thông tin nào đó qua ChatGPT, công cụ này sẽ đưa toàn bộ thông tin chi tiết liên quan, thậm chí lượng định, và đánh giá luôn thông tin cần tìm.
Do đó, người sử dụng có thể đặt thẳng câu hỏi về một chi tiết, một chủ đề, thậm chí đòi phân tích, ChatGPT sẽ thỏa mãn các yêu cầu đó.
Chưa hết, người sử dụng cũng có thể yêu cầu ChatGPT viết một bài thơ, một bức thư tình, cao hơn nữa là phân tích sự khác biệt giữa hai chủ đề chẳng hạn.
Nguồn gốc ChatGPT
Công cụ ChatGPT là chatbot được công ty OpenAI trình làng hồi năm ngoái. Công ty này do tỷ phú Elon Musk và ông Sam Altman đồng sáng lập. Công cụ này sử dụng kỹ thuật ngôn ngữ GPT-3.5 của OpenAI. Đây là phiên bản nâng cấp so với GPT-3 năm 2020.
Được chế tạo kiểu chương trình máy tính mô phỏng cách diễn tả của ngôn ngữ con người tự nhiên, ChatGPT có thể tạo ra những câu trả lời bằng văn bản, và các câu trả lời giống như do con người tạo nên.
Để đáp ứng chức năng như thế, ChatGPT được huấn luyện bằng thu thập rất nhiều dữ liệu từ các nguồn như sách, báo chí, và ngay cả những đoạn hội thoại chứa trên thế giới mạng.
Khi được hỏi “ChatGPT là gì?” công cụ này trả lời rằng: “ChatGPT là một mô hình ngôn ngữ lớn do OpenAI phát triển và được đào tạo bằng nhiều loại văn bản Internet khác nhau để đưa ra những phản hồi giống con người cho những câu hỏi hoặc vấn đề được đặt ra sẵn. Công cụ này dựa trên kiến trúc GPT và có thể được điều chỉnh cho những nhiệm vụ ngôn ngữ khác nhau như trả lời câu hỏi, dịch thuật ngoại ngữ và tóm tắt văn bản.”
Có thể làm gì với ChatGPT?
Con người có thể sử dụng ChatGPT để giải trí lẫn làm việc.
Về giải trí, có người dùng ChatGPT để làm thơ, tạo các tin nhắn mở cho ứng dụng hẹn hò, hoặc yêu cầu ChatGPT trả lời những câu hỏi “ngớ ngẩn” mua vui.
Về công việc và những ứng dụng khác, ChatGPT có thể:
–Trả lời câu hỏi, thay thế việc tìm kiếm trên Google.
–Tạo các tiêu đề.
–Viết tóm tắt cho những bài nghiên cứu khoa học.
–Viết mô tả sản phẩm, các bài đăng blog cùng những loại nội dung khác.
–Hỗ trợ làm bài tập về nhà.
Ngạc nhiên hơn, ChatGPT còn vượt qua được bài thi tốt nghiệp bằng Cao Học Quản Trị Kinh Doanh (MBA) của trường kinh doanh Wharton danh tiếng của đại học University of Pennsylvania. Giáo Sư Christian Terwiesch, người tổ chức cuộc thử nghiệm, cho biết công cụ này “thể hiện rất tốt trong những câu hỏi quản trị vận hành và phân tích quá trình cơ bản, bao gồm những câu hỏi dựa trên các nghiên cứu điển hình.”
Giới hạn trước mắt của ChatGPT
Để đưa ra một câu trả lời, hay phân tích, ChatGPT tổng hợp những thông tin đang có sẵn trên thế giới mạng, những thông tin được mã số hóa (digitalization) nên sẽ có những trường hợp câu hỏi không nằm trong phạm vi thông tin mà ChatGPT có thể “vét,” do đó không có câu trả lời.
Khi không có câu trả lời, ChatGPT đáp rằng “công cụ này dựa trên thông tin được cung cấp trong giai đoạn huấn luyện và kiến thức hiện tại của công cụ ở mức thời gian năm 2021.”
Do đó, nhiều người sẽ nhận thấy rằng ChatGPT đôi khi sẽ trả lời chính xác về các chủ đề mà công cụ sử dụng các nguồn tin phẩm chất cao.
Tuy nhiên, ChatGPT vẫn sẽ “phun ra” những điều vô nghĩa về các chủ đề chứa nhiều thông tin sai lệch trên Internet, chẳng hạn như các thuyết âm mưu và đặc biệt, bằng các ngôn ngữ không phải tiếng Anh, chẳng hạn như tiếng Việt.
Khi đánh một câu hỏi bằng tiếng Việt, đừng chờ đợi toàn bộ các câu trả lời hoàn hảo, bởi vì thông tin bằng tiếng Việt không có nhiều trong kho dữ liệu, so với Anh Ngữ.
Đôi khi cùng một câu hỏi, nếu viết bằng Anh Ngữ, chatbot này trả lời và cung cấp thông tin phong phú và lưu loát, nhưng lại vô cùng giới hạn, nghèo nàn trong Việt Ngữ.
Những câu hỏi mang tính chủ quan phê phán về những nhân vật gây tranh cãi trong lịch sử Việt Nam thời cận đại hầu như được ChatGPT cho những câu trả lời tổng quát và khuyên cần nghiên cứu thêm ở nhiều nguồn khác nhau.
Sau ChatGPT sẽ là gì?
Mọi thứ đều thay đổi quá nhanh sau khi ChatGPT ra mắt, do đó những ai quan tâm đều đang tự hỏi liệu những điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Mối quan tâm về pháp lý và đạo đức
Nhiều công ty kỹ thuật lớn khác đang tránh việc giới thiệu những sản phẩm tương tự vì suy xét đến vấn đề pháp lý và đạo đức. Nhiều người lo ngại rằng ChatGPT có thể tổn hại đến danh tiếng của một số thương hiệu. Ngoài ra còn một số vấn đề khác, chẳng hạn như liệu một công ty có phải ghi nguồn cho một văn bản được tạo từ ChatGPT, hay con người phải chia sẻ công việc được AI tạo ra như thế nào?
Springer Nature, một trong những nhà xuất bản học thuật lớn nhất thế giới, gần đây tuyên bố rằng ChatGPT không thể được ghi nhận là tác giả của những bài nghiên cứu, nhưng họ cho phép các nhà khoa học sử dụng AI để hỗ trợ viết hoặc tạo ý tưởng nghiên cứu.
Phản ứng đối với ChatGPT
Giới học thuật có những phản ứng trái chiều với ChatGPT. Một số người cho rằng ChatGPT có thể là công cụ hỗ trợ giảng dạy hiệu quả, trong khi một số khác lo lắng học sinh sẽ dùng ChatGPT để đạo văn, làm bài tập.
Nhằm gỉai quyết vấn nạn này, một sinh viên vừa tung ra chatbot GPTZero, một công cụ có thể giúp xác định xem một đoạn văn bản nào đó có phải do ChatGPT tạo ra hay không. Trong tuần đầu tiên sản phẩm này có hơn 30,000 người dùng.
Nhiều giáo viên bày tỏ lo lắng về vấn nạn đạo văn khi chatbot có thể viết ra một bài luận hoặc làm các bài tập chỉ với một số thông tin đơn giản. Điều này có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống giáo dục. Một vài trường ban lệnh cấm ChatGPT, trong khi những trường khác đang cân nhắc xem nên sử dụng ChatGPT như thế nào.
Lời kết
Mặc dù ChatGPT là một công cụ mới và đáng được tìm hiểu, vẫn còn đó những lo ngại trong dài hạn chẳng hạn nguồn dữ liệu nào công cụ này giao tiếp có mang những thông tin có đáng tin cậy hay không.
Hoặc nếu các quốc gia độc tài chuyên chế kiểm soát thông tin chính thức, các chuyên gia thiết kế chatbot sẽ lập hệ thống gì để lọc lựa thông tin.
Một ví dụ cay đắng cho ông khổng lồ kỹ thuật cao Microsoft hồi năm 2016 đã phải đóng một chatbot sau khi đưa ra thử nghiệm 48 tiếng đồng hồ, vì chatbot sau khi tương tác bị những người sử dụng Twitter “dạy” khiến chatbot này lập luận ca ngợi Adolf Hitler, lãnh tụ Đức Quốc Xã, và đưa ra những nhận định kỳ thị chủng tộc.
Hồi Tháng Tám, 2022, BlenderBot 3 được Meta trình làng cũng phải hạ màn sau vài ngày, bởi vì chatbot này, ngoài việc đưa ra quan điểm kỳ thị chủng tộc, còn đưa thêm những thông tin sai lạc, ngay cả công nhận ông Donald Trump thắng bầu cử 2020, theo trang kỹ thuật Martechseries.com.
Mai Phi Long/Người Việt (tổng hợp)