GÓC NHẠC XƯA
Minh họa: jaida-stewart-unsplash
Scarborough – thương cảng quan trọng thời Trung Cổ nằm khiêm tốn bên bờ biển Bắc nước Anh – có lẽ ít người chú ý nếu nó không được nhắc đến trong bài ”Scarborough Fair”. Ca khúc này được dịch sang nhiều thứ tiếng trong đó có phiên bản tiếng Việt “Giàn Thiên Lý Đã Xa” của nhạc sĩ Phạm Duy.
TÌNH CA THƠM HƯƠNG THẢO MỘC
Scarborough là hải cảng nơi có nhiều thuyền bè buôn bán từ nhiều nơi khắp nước Anh thường ghé qua. Scarborough Fair thời đó là một cuộc hội họp để các thương nhân trao đổi hàng hóa vào trước kỳ gặt mùa thu, kéo dài tới 45 ngày. Sự kiện mua bán giao thương này rất lớn và sầm uất, nên thu hút tàu bè và hàng hóa từ khắp nơi.
“Scarborough Fair” là một bài hát dân ca xuất xứ từ nước Anh thời Trung Cổ, với nội dung bao chứa những lời nhớ thương da diết của một chàng trai gửi đến người yêu. Nàng sống ở thành phố Scarbourough. Thật là tiếc, họ đã phải chia tay nhau, và giờ đây – ở một nơi xa rất xa nào đó – chàng trai hát cho cô gái nghe, rằng chàng không hề oán thán, trách móc, đau khổ gì cả mà chỉ nói lên nỗi lòng trước sau như một của mình là: “Then she’ll be a true love of mine/Rồi cô ấy sẽ là tình yêu của tôi”.
“Scarborough Fair” được viết từ chất liệu âm nhạc dân gian và tình yêu ở đây dường như trái ngược với giới thượng lưu và xã hội thời đó: chàng trai mong muốn nàng làm nhiều điều thật khó khăn, khó thực hiện, như dệt áo cho chàng, mà vải phải lấy từ gỗ của cây phong, và may thật khéo để chứng tỏ nàng thực sự yêu chàng.
Tell her to make me a cambric shirt
Parsley, sage, rosemary, and thyme
Without no seam nor needlework
Then she’ll be a true love of mine
Nhờ nàng may cho tôi một chiếc áo lanh mềm
Ngò, Xô thơm, Hương thảo và Húng tây
Mà áo không thấy đường may hay dấu chỉ
Rồi nàng sẽ là tình yêu của tôi
“Câu chuyện” trong bài hát còn chất chứa nỗi nhung nhớ da diết, sầu muộn khôn nguôi. Ở đây, chàng trai vừa mới tràn đầy hy vọng đó, lại thấy rõ nỗi thất vọng, dường như cảm giác vừa yêu thương tha thiết và lại thấy đau đớn. Bài hát gốc (bản dân ca Anh) còn có đoạn nói về chàng trai muốn cô gái phải cầu xin tình yêu của mình, cầu xin bàn tay của mình… Phải chăng chàng đã quá đau khổ rồi chăng? Nhưng vì sao xen vào giữa những đòi hỏi tưởng như phũ phàng ấy, lại là bốn loại thảo dược thơm tho và hiền lành là ngò tây, xô thơm, hương thảo và húng tây?
Sự tích là thế này.
Bốn loại thảo mộc rất quen thuộc của người phương Tây, trong ngữ cảnh này, đã trở thành linh hồn của bài ca. Có rất nhiều dị bản về nhạc ngữ và có không ít biến tấu khác nhau nhưng nhất định phải giữ lại câu hát có tên các loại thảo mộc, bởi theo quan niệm của văn hoá phương Tây, đây là những loại thảo mộc có vị trí khá đặc biệt, mang nhiều hàm ý tốt đẹp.
Thời Trung cổ, các loại thảo mộc với hương thơm đặc biệt là biểu trưng cho tình yêu. Các chàng trai Hy Lạp xưa thường đem lá hương thảo tặng cho người yêu với ý nghĩa trao tặng tình yêu chung thuỷ, vững bền cho cô gái. Do ý nghĩa tốt đẹp của hương thảo mà ngày nay, nhiều nơi tại châu Âu, vẫn giữ truyền thống cài lá hương thảo lên mái tóc cô dâu trong ngày cưới. Húng tây cũng được coi là một loài thảo mộc cao quý, tượng trưng cho lòng can đảm của những chàng trai. Bài hát ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh, có lẽ vì vậy húng tây được đưa vào để gợi nhớ đến những chàng trai anh hùng ngoài ᴄhiến trận. Việc nhắc đến bốn loài thảo dược trong lời hát dường như là cách thể hiện ngôn từ yêu đương, vì chỉ có những người yêu nhau mới có thể hiểu và lý giải được sự “vô lý”, huyền hoặc như vậy mà thôi.
“Scarborough Fair” được thế giới biết tiếng là nhờ Paul Simon và Garfunkel thâu vào album có tên “Parsley, Sage, Rosemary and Thyme” vào năm 1966. Khi sang nước Anh trong một lần trình diễn, Paul Simon đã có duyên biết đến bài hát này, qua lời ca và hòa âm của nhạc sĩ Martin Carthy người Anh. “Scarborough Fair” còn có một phiên bản tiếng Pháp mang tên “Chèvrefeuille Que Tu Es Loin” do Nana Mouskouri hát, với “Chèvrefeuille” trong tiếng Pháp có nghĩa là “cây kim ngân hoa”, là một loài cây thảo dược có hoa màu trắng khi mới nở và ngả màu vàng sau vài ngày.
GIÀN THIÊN LÝ ĐÃ XA
Bài dân ca của nước Anh được nhạc sĩ Phạm Duy chuyển sang lời Việt và trở thành bài hát nổi tiếng với tên gọi “Giàn Thiên Lý Đã Xa”, chắc nhiều người từng biết và từng nghe qua. Dựa vào phiên bản tiếng Pháp “Chèvrefeuille Que Tu Es Loin”, nhạc sĩ Phạm Duy đã soạn lời Việt cho “Scarborough Fair”, trong đó ông chọn một loài hoa có hình dáng và sắc màu gần giống như kim ngân hoa, rất phổ biến và thân quen ở Việt Nam là hoa thiên lý.
Những loại thảo mộc châu Âu xa xôi được thay bằng hình ảnh giàn thiên lý gần gũi, quả là một sự sáng tạo rất dễ thương, dù nội dung thì không liên quan nhiều đến bài hát gốc. Cần nói thêm, trong âm nhạc và văn chương thời kỳ thơ mới, nhạc mới, hoa thiên lý là hình ảnh thường thấy đại diện cho tình yêu đôi lứa và được nhiều nghệ sĩ sử dụng, ví như “Nhà tôi ở cuối thôn Đồi, có giàn thiên lý, có người tôi thương” trong bài thơ “Nhà Tôi” của nhà thơ Yên Thao.
Do sự ảnh hưởng của nhạc ngữ từ phiên bản tiếng Pháp nên “Giàn Thiên Lý Đã Xa” vì vậy cũng có đôi chút khác biệt so với lời ca gốc của “Scarborough Fair”. Dù có chút khác biệt nhưng tinh thần bài hát vẫn giữ được những ý niệm bay bổng và lời ca thì vô cùng phiêu lãng.
Cuộc tình đã trôi xa tự bao giờ nhưng dường như vẫn còn ám ảnh, vương vấn mãi trong tâm hồn của những người yêu nhau, nó thật khó để có thể buông bỏ. Chàng trai dù không còn giữ được tình yêu của mình nhưng vẫn mãi thương nhớ da diết về một hình bóng xa xưa. Trong bản tiếng Việt, tình cảnh đó của chàng trai đã được Phạm Duy thay bằng một hình ảnh khác lạ là… “đứa bé”. Bởi tình yêu của chàng trai thật ra cũng khờ khạo, cuồng dại và hồn nhiên như một đứa trẻ vậy. Và vì chẳng thể quên, nên từ trong sâu thẳm trái tim, “thằng bé” vẫn muốn gửi đến người tình xa những hoài vọng yêu thương cứ lưu mãi trong tâm trí mình.
Với “Giàn Thiên Lý Đã Xa”, dù là một ca khúc viết lại, nhạc sĩ Phạm Duy đã biến hóa thật hay để một bài hát dân gian Âu châu xa lạ trở thành một khúc nhạc tình buồn mang giai điệu đồng quê phiêu lãng, thanh thoát mà sâu lắng, gần gũi đậm chất Á Đông. Nghe dứt “Giàn Thiên Lý Đã Xa”, dư vị của nó vẫn còn phảng phất, giống như những lời tình yêu đắm say vẫn cứ còn vang vọng, vẫn quẩn quanh đâu đó, ẩn giấu những mơ ước, vẫn dùng dằng, trong dòng cảm xúc nhớ thương và tuyệt vọng…
Lê Hồng Minh
https://saigonnhonews.com/