Việc mở Cửa Thánh
Việc mở một cửa đặc biệt - Cửa Thánh - đối với chúng ta là một trong những yếu tố nghi thức mỗi Năm Thánh. Tuy nhiên, không ai biết rõ khi nào tập tục này được đưa vào; câu chuyện chi tiết đầu tiên chúng ta có được là câu chuyện của Jean Burckard, người chủ trì nghi lễ Đức Giáo Hoàng Alexander VI Borgia, vào năm 1500.
CÓ THỂ Ở ĐÂU?
Đức Giáo Hoàng đích thân đến, vào ngày 18 tháng 12 năm 1499, đến Vương cung thánh đường Thánh Phêrô; đó vẫn là Vương cung thánh đường cổ thời Constantine: Thánh Phêrô "mới" chỉ được Jules II lên kế hoạch từ năm 1506. Alexander VI muốn người ta chỉ cho ông nơi có cánh cửa Burckard gọi là Cửa Vàng, và theo truyền thống, chỉ mở một lần mỗi thế kỷ. Các giáo sĩ đã chỉ định một vị trí, trong nhà nguyện được gọi "nhà nguyện Veronica". Khi các thợ nề bắt đầu công việc để mở ra, người ta nhận thấy chưa bao giờ có cửa ở vị trí đó, và những gì được coi như vậy chỉ là vị trí một bàn thờ cũ. Họ vẫn đục một cánh cửa, Burckard khôn ngoan ghi chú không nên "làm xáo trộn niềm tin đang nuôi dưỡng lòng đạo đức giữa dân chúng". Trong thời gian đó, họ soạn thảo sắc lệnh công bố Năm Thánh, được long trọng tuyên bố vào Chúa nhật thứ 4 Mùa Vọng, sau Thánh lễ. Vị tu sĩ dòng kín Carmel đáng lẽ phải đọc bài giảng thông thường đã không xuất hiện; vì vậy, không có bài giảng, điều Burckard vẫn lưu ý, "không làm mọi người khó chịu". Về phần còn lại, sắc lệnh mời gọi tín hữu "mở lòng mình với Chúa, cư xử tốt hơn, kiêng tránh những hành động xấu xa và làm thỏa lòng Thiên Chúa bằng nỗi đau việc sám hối, tinh thần khiêm nhường và hy sinh một trái tim thống hối" - tất nhiên, không quên các hòm tiền của Vương cung thánh đường.
MỘT CÚ BÚA CỦA GIÁO HOÀNG
Chính Đức Giáo Hoàng đã chuẩn bị với người chủ trì nghi lễ của mình các chi tiết việc khai mạc dự kiến sẽ diễn ra vào giờ kinh chiều đầu tiên lễ Giáng Sinh. Burckard đã kết hợp một loạt câu thánh vịnh phù hợp với tình huống - "Hãy mở cho tôi cổng công lý, tôi sẽ vào, tôi sẽ tạ ơn Chúa" (xem Tv 117,19) - cũng như một lời nguyện. Đến ngày, Đức Giáo Hoàng, đứng trước cửa, nhận từ người quản lý Vương cung thánh đường một chiếc búa thợ nề đơn giản, và làm rơi một vài viên gạch. Sau đó, ngài ngồi xuống trong khi người ta hát các điệp ca đã dự kiến, và các công nhân hoàn thành công việc. Burckard đã chỉ rõ không ai được đi qua cửa trước Đức Giáo Hoàng, nhưng một công nhân đã làm điều đó để lấy một tấm ván ở phía bên kia, và bị quở trách một cách gay gắt! Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng quỳ trên ngưỡng cửa và, với một cây nến trong tay, bước vào Vương cung thánh đường, theo sau là những người phụ tá, trong một sự chen lấn vui vẻ, nếu tin vào ghi chú, hơi bực bội, của vị chủ trì nghi lễ! Trong thời gian đó, các hồng y được cử đến các Vương cung thánh đường khác để cũng mở Cửa Thánh, mà không ai biết chúng ở đâu, điều này cho thấy rõ ràng nghi thức này không tồn tại trước đó. Tại Thánh Phao-lô ngoài tường thành, Hồng y Sacchi, để cho đủ số lượng, đã mở ba cánh cửa; "Chỉ có đức tin mới cứu rỗi", Burckard đáp lại khi ông biết điều đó.
SỰ RA ĐỜI KINH TRUYỀN TIN
Trong khuôn khổ Năm Thánh, vào ngày 9 tháng 8, một cuộc rước Đức Mẹ lớn đã dẫn từ Vương cung thánh đường này sang Vương cung thánh đường khác một bức ảnh cổ Đức Trinh Nữ. Vào dịp này, Đức Giáo Hoàng ra lệnh đổ chuông mỗi ngày vào buổi trưa, trong tất cả các nhà thờ giáo xứ, để thông báo việc đọc kinh Kính Mừng và cầu nguyện cho nhu cầu Kitô giáo. Cộng với tiếng chuông đã được thiết lập vào buổi tối, đây là một trong những nguồn gốc Kinh Truyền Tin.
CÁC CHA GIẢI TỘI BẬN RỘN
Burckard, một người hơi tò mò, đã hỏi vào cuối Năm Thánh một trong những cha giải tội được giao nhiệm vụ nghe tại Thánh Phêrô, những hối nhân có lương tâm nặng nề. Ông kể lại - tất nhiên, là vô danh - một số trường hợp này, phần lớn hơi phóng đãng, người ta sẽ đọc dưới ngòi bút của Rabelais hơn là dưới ngòi bút của người chủ trì nghi lễ của Đức Giáo Hoàng. Chúng ta đang ở thời nhà Borgia; chỉ vài năm nữa và những rối loạn cuộc Cải cách sẽ bùng nổ. Do đó, Năm Thánh 1525 hầu như không được chú ý. Nhưng các Năm Thánh tiếp theo sẽ là những Năm Thánh cuộc Cải cách Công giáo: lúc đó, nhiều điều sẽ thay đổi.
Cha Bruno Martin, linh mục của giáo phận Saint-Étienne, giảng dạy lịch sử Giáo hội thời Trung cổ tại Đại học Công giáo Lyon (Magnificat)