Thứ Hai, 25 Tháng Sáu, 2012

Đời cô Nụ (1 - 5)

ĐỜI CÔ NỤ

Đây là câu chuyện xảy ra thời loạn lỵ.. Phan, là Thầy, tu sĩ Thiên Chuá Giáo , trong tình huống loạn lạc cuả buổi giao thời, đã quen với Nụ, một Ni Cô Phật Giáo. Hai người cùng chạy loạn, gặp nhau, giúp nhau trong hoàn cảnh đau thương..

 

CHƯƠNG l

[Nam định, 1955...]

Bảy giờ chiều, tầu cập bến Nam định, đậu giữa hai tàng cây xanh rậm rạp ngả bóng bên sông. Không còn tiếng máy tàu làm inh tai nhức óc, mọi người đều cảm thấy dễ chịu. Trên bờ lố nhố những người ra đón, bụi bay mù mù. Từ thanh phố xa xa, vươn lên mấy cao ốc tường trắng, mái nâu cũ kỹ. Hành khách phải lên bờ tìm chỗ nghỉ qua đêm. Tám giờ sáng mai, tầu sẽ khởi hành, tiếp tục đi Hà Nội. Người ta chuyền tay các hành lý lấy từ trên gác tầu, rồi mạnh ai nấy đứng dậy, tranh nhau lên bờ. Tiếng chào hỏi, tiếng gọi nhau ơi ới.

Phan vội lấy cái ba lô để trên kệ xuống, nhưng còn đặt dưới chân. Chàng muốn ngồi lại, đợi mọi người đi trước cho vãn rồi mình mới lên sau. Ở trên bến, các phu xích lô tranh khách, tiếng mời gọi, tiếng cãi nhau inh ỏi. Phan nhìn vơ vẩn qua cửa sổ, cạnh đó, mấy chiếc ca nô trống vắng, bập bềnh. Trên boong, các tài công, người nằm nghỉ, người ngồi hút thuốc vặt, hoặc tụm lại đánh cờ tướng hay bài cào, nói cười vui vẻ.

Khi Phan rời tầu, trời đã nhá nhem tối. Chàng cảm thấy hơi chao đảo. Người ta gọi là say đất. Phan tạm đứng nghỉ bên một gốc cây gạo trên bến tầu. Hàng điện đường yếu ớt, chiếu xuống bãi đất trống mờ mờ như ánh trăng suông. Các hàng quán ven sông đã lên đèn, người ra kẻ vào nhộn nhịp. Vài chiếc xích lô chạy loanh quanh như đợi khách. Kế đó, một đồn công an, mấy anh chị cán bộ áo vàng nón cối đứng đầy trước cửa. Từ tay họ, thỉnh thoảng lóe lên những vệt đèn pin rực sáng, chiếu vu vơ, rồi bất chợt lại phụt tắt.

Bỗng từ dưới tầu vọng lên những lời nói lớn tiếng:

- Ô kia, cụ phải lên bờ đi chứ.

Có tiếng khan khan, năn nỉ:

- Tôi đâu có quen ai ở đây. Ông chủ làm phúc cho hai cha con tôi ngủ lại tầu một đêm.

- Không được cụ ơi. Chúng tôi còn phải dọn dẹp, rửa tầu, làm vệ sinh để công an tới khám, rồi mai mới được phép đi. Cụ ở lại họ không chịu đâu, rồi phiền phức cả cho chúng tôi.

- Ông chủ làm phúc.

Có tiếng gắt lớn:

- Cụ ơi, chúng tôi không phải là chủ tầu, cụ phải lên ngay. Mai tầu bị giữ lại không cho chạy là chúng tôi chết đói cả đám, thì ai tội nghiệp cho đây.

Có tiếng lịch kịch, tiếng xô đẩy. Rồi giọng phụ nữ yếu ớt:

- Thôi .. thầy ... mình lên đi không ở lại được đâu ..

Phan quay lại phiá tầu đậu. Lúc đó, từ trong khoang, hai bóng người vận đồ nâu sòng lật đật dìu nhau ra. Vì dòng nước bập bềnh, chiếc cầu ngắn, hẹp, đợi mãi hai người cũng chưa dám bước lên. Phan thấy ái ngại, chàng vội trở lại mũi tầu, một tay đưa ra trước, nói trống không:

- Đưa tay đây.

Người đứng trước bụm khăn như đang bệnh, vội đưa tay ra. Nắm một bàn tay mềm mại, nhưng lạnh ngắt, Phan mới giật mình vì biết đó là một phụ nữ. Phan nhẹ nhàng dìu nàng lên bờ, sau đó đến lượt giúp người kia, một cụ già.

Hai người đến bên nhau, ông cụ nói:

- Cảm ơn ông, con cháu tôi không được khỏe, lại chưa đi tầu bao giờ nên bị say quá.

Phan biết tình cảnh hai người, nên hỏi:

- Bây giờ cụ tính đi đâu ?

Ông cụ nhăn nhó:

- Lần đầu tiên lên tỉnh, tôi cũng chảng biết ất giáp ra sao ... bây giờ chịu bó tay ... thôi.

Nghĩ, một chút, cụ chợt nhớ ra:

- Ông có biết chuà nào gần đây không, chúng tôi tới đó xin tá túc một đêm.

Phan có quyết định ngay:

- Cháu cũng không quen tỉnh Nam Định này nhiều. Thôi, hay để cháu giúp cụ tìm một khách sạn nghỉ đêm vậy.

Ông cụ nhìn người con có vẻ ngần ngại:

- Thôi ... bất tiện lắm.

Cô còn bỗng nôn khan.

Phan nói mau:

- Không được đâu ... cô nhà đang bệnh. Cụ phải kiếm chỗ cho cô ấy nghỉ ngơi ngay không bị đau giữa đường, giữa chợ, phiền phức lắm.

Chàng vừa nói vừa nhớn nhác tìm xe.

- Xích lô. Hai cái.

Hai chiếc xích lô thắng gấp bên đường. Phan giục:

- Cụ với cô lên đi ...

Không để hai cha con ông cụ kịp phản đối, Phan đã đẩy họ và đồ đạc lỉnh kỉnh lên xe. Cô gái khẻ nói:

- Cảm ơn ông...

Chàng cười nhẹ:

- Không dám...

Vừa trả lời, Phan vừa lên chiếc thứ hai. Anh xe chở chàng hỏi:

- Ông đi đâu ?

Đi đâu, Phan chợt nhớ bố chàng ngày xưa thường kể tới một vài phố nổi tiếng nơi đây, nên đáp liều:

- Anh chở chúng tôi tới một khách sạn nào tốt ở Phố Khách đi ...

Sau Hiêp định Genève, Nam định là thành phố đầu tiên bị cộng sản tiếp thu. Đến nay, mới trải qua chừng ba bốn tháng trời mà thành phố tiêu điều trông thấy. Đèn đường hết sức yếu, xe ra khỏi bến tầu, quẹo phải vào một con đường tối tăm, lầy lội, một bên là bức tường chạy dài, một bên là dẫy phố tối đen. Mùi hôi cuả cống rãnh xông lên nồng nặc.

Có lẽ ông cụ ái ngại bóng đêm, hốt hoảng ngoái cổ lại hỏi Phan:

- Đi đâu vậy ?

- Cụ cứ yên tâm.

Chừng mười phút sau, xe đi vào những dẫy phố sáng đèn hơn nhờ mấy nhà buôn còn mở cửa. Phan ráng nhìn lên mấy tấm bảng lờ mờ treo trên những cột điện bên đường. Cuối cùng, xe đã vào Phố Khách. Đây là khu phố Tầu, các hàng buôn khác hầu như đã đóng cửa gần hết, chỉ trừ mấy hàng ăn còn lác đác người ra vào. Ai đi Nam định cũng nhắc tới Phố Khách, nhưng Phan thấy nó cũng tầm thường, chẳng có gì đặc biệt. Chiếc xe cụ già ngừng lại truớc cửa một tiệm ăn, anh phu xe cuả Phan cũng lật đật thắng lại.

 

Phan nhìn lên tấm bảng hiệu nền đen bóng viết hai chữ Đông Hưng bằng Việt ngữ màu đỏ ở trên, hai chữ nho mầu vàng kim nhũ ở dưới. Anh xích lô rời xe, nhanh nhẹn giơ mấy tay nải của khách xuống, miệng nói:

- Mời các ông xuống. Đây vừa là hiệu cao lâu, vừa là khách sạn ... Các ông ở đây rất tiện, lại gần bến ô-tô.

Phan cũng đã xuống xe, chàng đến gần ông cụ:

- Cụ cứ đứng đây, để cháu vào xem sao ...

Chàng vội lấy tiền trả cho hai anh phu xe, rồi lật đật đi vào hiệu. Bên trong sáng trưng nhờ hai cái đèn petromax. Hai dãy bàn màu đen bóng, lưa thưa khách ngồi ăn. Mùi xào nấu thơm nức. Anh chủ quầy thấy khách vội vã ra hiệu cho anh bồi bàn đứng gần đấy tới tiếp. Anh này cúi chào khách, rồi nói một hơi tiếng Tầu. Phan ngắt lời:

- Tôi người Việt. Tôi muốn thuê hai phòng ngủ.

Anh bồi nhe răng cười, nói:

- Mời ông vào ... Ông có cần ăn gì trước không.

- Anh cho một bàn ngồi ba người.

Người bồi tới một bàn nhỏ có bốn ghế ở cuối dẫy, tay lau nhanh mặt bàn:

- Quí vị có thể ngồi đây.

Phan gật đầu, rồi nói:

- Anh nói người ta dọn phòng cho chúng tôi. Ăn xong là chúng tôi đi nghỉ liền. Mai tôi phải đi Hà Nội sớm.

Anh bồi gật đầu:

- Vâng, bến xe đi Hà Nội cũng gần đây.

Phan đi ra cửa. Lúc đó, hai cha con ông cụ đang ngồi nghỉ mệt trên đống tay nải. Thấy Phan ra, ông cụ mừng rỡ đứng lên:

- Sao ông ... ?

Phan đến bên, đỡ dùm cho họ một mớ đồ, nói:

- Xong rồi. Mình vào ăn chút gì rồi nghỉ.

Ông cụ coi bộ áy náy:

- Chúng tôi xin phép rồi, ông cứ tự tiện đi. Còn tiền phòng có mắc không?

Phan trấn an:

- Cụ khỏi lo. Cháu mời hai vị ăn bữa tối nay mà.

Ông cụ không nói gì, lặng lẽ theo chân Phan vào trong. Ba người ngồi vào bàn. Phan gọi hai bát mì và một cốc sữa nóng cho cô gái. Bây giờ, dưới ánh đèn sáng, Phan mới có dip ngắm kỹ nàng. Người tầm thước, vận toàn nâu sòng, đầu chít khăn như lối ni cô. Khuôn mặt trái xoan xanh xao, nhưng đôi mắt sáng, làn môi dầy vừa phải, cô có một vẻ đẹp trung bình, nhưng héo hắt. Từ lúc gặp nhau đến giờ, có lẽ đây là lần đầu tiên hai người nhìn rõ mặt nhau. Đồ ăn mang ra, hai bát mì vàng ngậy, mấy miếng thịt nạc lẫn với lá hẹ xanh khói bốc hương thơm phức hấp dẫn.

Phan cầm đũa:

-Xin mời cụ và cô.

Hai người khẽ cám ơn.

Trong suốt bữa ăn, Phan nói chuyện về khu Phố Khách nổi tiếng này với ông cụ, cô gái không góp chuyện, chỉ yên lặng uống từng ngụm sữa nóng. Thỉnh thoảng nàng nhăn mặt ... Cuối cùng, nàng bỏ dở gần một nửa. Phòng ngủ trên lầu. Chiếc cầu thang gỗ, kiểu cổ, uốn cong, chỉ có một ngọn đèn điện rất yếu không đủ soi những bậc thang. Phải cẩn thận không có thể vấp ngã. Cái hành lang hẹp có một cửa nhỏ đi vào trong. Chắc trên thế giới không tìm đâu ra cái khách sạn giống như ở đây. Phan rất ngạc nhiên khi thấy đó chỉ là một căn phòng lớn. Hai dãy chiếu trải hai bên, chừa ở giữa một lối đi. Trong đó, dưới ánh sáng mờ mờ, mấy chiếu đã có người nằm. Tận góc trong cùng, hai cái chiếu lớn, trên đó, một bọn năm bảy người đàn ông nằm chung quanh hai cái bàn đèn thuốc phiện, ánh đèn dầu lạc leo lét chiếu lên những khuôn mặt hốc hác, nhưng mấy cái miệng thì chuyện trò líu lo bằng tiếng Tầu rất ồn ào.

Anh bồi phòng ngừng ở cửa, hỏi:

- Các ông muốn ngủ đâu thì chọn lấy.

Phan nhăn mặt:

- Lạ vậy ? Không có phòng khác sao ?

- Không ... bây giờ ở đâu cũng vậy thôi.

Bây giờ là thế nào, Phan lắc đầu:

- Thôi được.

Phan đi nhanh vào trong phòng, đã cẩn thận mà suýt nữa đá vào người ta. Chàng chọn hai chiếc chiếu ngay đầu dãy phải, vì nơi đây xa hai cái bàn đen thuốc phiện, nói:

- Tôi lấy chỗ này. Cụ với cháu nằm cái đầu, cô nằm ở cái thứ hai.

Người bồi bàn cười:

- Chỗ này gần cửa, nhưng chẳng sao, bây giờ cũng khuya rồi, không mấy ai ra vào nữa. Để tôi xuống lấy chăn, gối.

Tuy đã vào thu, nhưng ở đây chưa lạnh lắm. Ba người cẩn thận xếp đồ đạc quanh chỗ nằm. Xong việc, Phan khẽ nói với cụ già:

- Cụ và cô nghỉ trước đi, cháu xuống xem tiền phòng ra sao.

Ông cụ lưỡng lự một chút, rồi nói với cô con:

- Con ở đây, để thầy xuống với ông ấy.

- Cháu tên Phan.

- Vâng ông Phan, mình đi.

Hai người xuống quầy tính tiền. Chủ quầy chào hỏi:

- Quí vị lấy hai chiếu. Mỗi chiếu năm ngàn, vậy là một vạn một đêm ... cộng thêm ba ngàn bữa ăn tối.

Bây giờ đã tiêu tiền "cụ Hồ". Một đồng Đông Dương ăn một trăm tiền "cụ". Ở Hà Nội thì khác, nhưng lúc Phan về quê, một đồng được tới năm trăm. Những người di cư trú ngụ tại trường học, họ thừa tiền "cụ", không tiêu được nữa, nên đổi tống, đổi táng đi, được đồng nào hay đồng đó. Ông cụ dãy nảy:

- Có một cái chiếu.

Nhưng với Phan, tính số tiền này ra tiền Đông Dương thì quá rẽ rồi, gạt đi:

- Thôi, không sao đâu cụ, để cháu.

Phan lấy ra sấp một ngàn tiền "cụ", mầu nâu đỏ, nhàu nát như giấy gói dầu Nhị Thiên đường, đếm đủ một vạn ba ngàn cho chủ quầy.

Tính ra từ lúc rời tầu đến giờ, tiền xe, ăn uống và phòng ngủ, Phan đã tiêu cho ba người mất mấy vạn rồi. Một vạn bạc chỉ tương đương với vài chục Đông Dương, đối với Phan không có là bao. Chàng thấy đầu hơi vang váng, muốn uống viên aspirine, nên nói:

- Mời cụ đi nghỉ trước, cháu uống viên thuốc.

Ông cụ coi bộ băn khoăn về tiền bạc, nói:

- Vâng, tôi xin lên trước.

Phan gọi một ấm trà, lấy trong túi ra viên thuốc, uống vội. Tính ra Phan đã rời Hà Nội được gần tháng. Bây giờ phong trào vào Nam lên rất cao. Hà Nội vào tháng mười cũng sẽ được Pháp giao cho chính phủ bên kia. Cha mẹ Phan mất sớm, một người chị lấy chồng ở Hải Phòng. Chàng vào nhà tu từ nhỏ, và hiện đang trong thời gian giúp xứ ở Hà Nội. Tháng trước, chàng xin phép cha chính xứ về thăm địa phận nhà và cha đỡ đầu trước khi quyết dịnh có vào Nam hay không. Cha chánh xứ đã cho chàng hai trăm Đông Dương, mua quà cáp về quê, tiêu pha dọc đuờng cũng mới hết hơn một trăm. Phan chưa uống xong tách nước thì ông cụ đi xuống. Phan ngạc nhiên vì cho tới giờ mình cũng chưa biết tên ông cụ. Phan đứng lên keo ghế mời cụ ngồi, rồi vừa rót trà, chàng vừa nói:

- Cháu đi tầu cũng không quen. Thấy hơi váng đầu, cháu phải uống viên thuốc cảm để mai còn về Hà Nội. Cụ cũng đi Hà Nội chứ ạ ?

Ông cụ không trả lời ngay câu hỏi, hơi lắc đầu, giọng thiếu tự nhiên:

- Bố con tôi làm phiền ông quá. Thú thực khi ra đi, tôi đâu có tính đến chuyện phải ngủ khách sạn, ăn cao lâu ... thành ra không mang nhiều tiền ...

Phan hiểu ý, đỡ lời:

- Không đáng bao nhiêu, cụ đừng ngại. Cháu còn thừa nhiều tiền "cụ", nên tiêu cho hết, có mang về thành cũng bỏ phí đi thôi.

Ông cụ vẫn chưa hết áy náy:

- Cảm ơn ông nhiều lắm, tôi tên Nguyễn Nam, quê ở Bến Xanh.

- Bến Xanh ... Thế ra lúc tầu ghé Bến Xanh là cụ lên đó.

- Vâng.

Ông cụ nhấp chén trà, rồi tâm sự:

- Bà nhà tôi mất từ hôm quân bên ngoài về ...

Tôi chỉ còn mình nó tu trong chuà ở quê. Nhưng họ về ít lâu, tôi thấy có nhiều thay đổi không tốt, nhất là đối với các chuà chiền, nhà thờ, nên sợ nó cũng không được yên thân ... Tôi có một người em họ xa ở Hà Nội, nên tôi liều đưa nó lên đó, may ra đỡ hơn ở nhà quê.

Lần đi này thực gặp quý nhân phù trợ, nếu không giữa đường cha con tôi thực không biết làm sao.

A, thì ra nàng là một ni cô. Phan trách mình thiếu kinh nghiệm quá. Nhìn cách phục sức đó, lẽ ra phải đoán ra ngay chứ, nhất là chiếc khăn nâu bụm đầu, chắc là đã cạo trọc rồi .. Chàng cười thầm khi thấy mình khám phá ra điều đó.

Phan cười:

- Cụ đừng bận tâm về chuyến này nữa. Ngày mai cháu định đi chuyến sớm. Còn cụ không biết tính thế nào.

Ông cụ nói ngay:

- Thôi thì ông đi chuyến nào, cho cha con tôi cùng theo với. Nhất là tới Hà Thành, chắc còn phiền ông chỉ bảo cho.

- Vâng, nếu thế chúng ta nên đi ngủ sớm để mai còn đi, không mệt chết.

Nói xong, Phan để mấy trăm lẻ trên bàn cho hầu bàn, rồi cùng ông cụ lên phòng ngủ. Dưới hiệu đã đóng cửa, nhưng đặt mình cả mười lăm phút rồi mà Phan vẫn chưa dỗ được giấc ngủ. Bên ngoài hành lang hẹp, dưới ánh điện mờ mờ, mấy đứa trẻ nít, chắc con chủ nhà, chạy đi chạy lại ồn ào quá. Rồi đến lúc mấy đứa này đi ngủ, trong phòng vẫn không yên lặng được với mấy ông đệ tử "tiên nâu". Họ cứ rì rào nói chuyện, gãi sồn sột. Tiếng rít dọc tẩu ro ro, tiếng ấm, chén chạm nhau lách cách, làm cho Phan phải mãi mãi mới yên giấc.

Mới sáu giờ sáng, cả khách sạn đã ầm ĩ như chợ .. Người ta gọi nhau dậy để ra bến xe cho kịp chuyến sớm. Vừa dọn đồ, họ vừa hỏi nhau giá cả các mặt hàng như bút máy, đèn pin, vải ka-ki, săm xe đạp, nên Phan biết đó là dân chạy hàng xách từ vùng "tây" về các tỉnh miền bể. Nghề này nay rất phát đạt. Phan chẳng có đồ gì ngoài cái ba lô, nên không phải vội gì. Chàng đi ra cuối hành lang, chờ đến phiên rửa mặt, súc miệng rồi xuống hàng ăn uống trà chờ cha con cụ Nam. Buổi sáng ở đây thực tấp nập. Khách ngồi gần kín các bàn. Người Tầu, người Việt lẫn lộn, nói cười ôn ào. Bên ngoài trời mới sáng rõ. Xe xích lô đậu trước cửa một dãy năm sáu cái chờ khách. Có anh ngồi trên yên xe, có anh ngồi chồm hổm bên vỉa hè, phì phèo thuốc lá.

Chắc cô gái không được khỏe sao đó, mãi đến gần nửa giờ sau, lúc hiệu ăn đã vãn khách, hai cha con cụ Nam mới xuống.

- Cụ với cô ngon giấc? Lạ chỗ nên mãi cháu mới ngủ được một chút.

Cụ Nam khẽ lắc đầu, thở dài:

- Tôi đã có tật ít ngủ, mấy ông hút thuốc phiện cứ nói chuyện xì xèo nên chẳng sao nhắm mắt nổi.

Cô gái thì yên lặng không góp lời.

Phan gọi ba bát mì xực-tắc. Cô gái khẽ từ chối:

- Cám ơn, ông đừng cho tôi ăn nữa.

Chợt nhớ ra nàng là một ni cô, phải kiêng đồ mặn. Nhưng ở đây làm gì có đồ chay, nên Phan lờ đi, nhìn nàng, cười nói:

- Cô phải gắng ăn một chút, không lát nữa lên xe, bụng trống dễ say lắm ...

Không biết trả lời sao, nàng đành lặng thinh. Phan hiểu là nàng đã ưng thuận. Chàng rót nước trà nóng mời hai người:

- Cụ với cô xơi nước đi. Trà mạn ấy mà, nhưng nóng, uống cũng được.

Hai người cám ơn, thư thả uống nước. Phan nhìn người con gái, gợi chuyện:

- Sáng nay cô thấy khỏe hơn hôm qua chứ ?

- Vâng, được ngủ một giấc kể cũng lại sức. Tôi chỉ sợ lúc đi xe ...

Phan chợt nhớ ra, khẽ reo lên:

- À, lúc đi, tôi có mang theo mấy viên thuốc say sóng. Để tôi đưa cô uống một viên chắc không sao nữa đâu.

Phan lật đật mở ba lô lục lọi tìm thuốc. Cha chính xứ sợ Phan đi thuyền bè không quen, nên phòng sẵn thuốc này cho chàng. Phan thấy cảm kích người vô cùng. Đưa thuốc cho cô gái uống, Phan dặn:

- Thuốc này sẽ làm cô hơi buồn ngủ đấy nhé. Nhưng không sao, cứ đánh một giấc là tới Hà Nội.

Thực ra, lúc Phan ở Hà Nội về quê, chàng đi đường sông, từ bến Vân Đồn tới quê nhà. Nhưng lúc trở lại, chàng muốn đổi cách đi, dùng xe hơi từ Nam Định về Hà Nội cho biết. Vì thế, chàng cũng chưa rành đường đất cho lắm. Ăn xong, ba người thuê xích lô ra bến xẹ Trời đã có nắng. Bến xe thực nhộn nhịp. Mấy anh lơ xe chặn ngay các chuyến xích lô vừa tới bến để chèo kéo khách sang xe mình. Phan ở Hà Nội lâu nên không ngạc nhiên, nhưng cụ Nam thì cứ cuống lên vì cái cảnh lộn xộn, lạ lùng. Chàng vừa nói lớn, vừa lấy tay gạt mấy anh lơ xe:

- Ba người đi Hà Nội, xe nào còn rộng cho hàng ghế trước thì tôi đi.

Mấy anh lơ tranh nhau:

- Cậu lên xe cháu. Mười phút nữa chạy ... còn hàng ghế đầu.

- Cậu đi xe cháu. Nó nói láo đấy, mai mười giờ rưỡi nó mới đi .. Xe cháu chỉ còn mười lăm phút nữa là khởi hành.

Cuối cùng, ba người cũng lên được chuyến xe vừa ý. Cô gái đã nhanh nhẹn hơn trước. Nàng không còn cần ông bố đỡ nữa, mà chính nàng đang săn sóc cho ông cụ. Xe khởi hành chậm đến hơn nửa giờ vì phải đợi có đủ khách. Đường nhựa cũ kỹ, lại bị chắp vá nên rất xóc. Xe lắc lư thực lên ruột. Hai bên đường, đồng ruộng bát ngát, nhưng chắc luá đang kỳ con gái, chưa gặt đuợc nên còn vắng vẻ. Thỉnh thoảng mới bắt gặp một vài con trâu đứng bên bờ ruộng nhai cỏ. Nhưng, dọc theo đường xe chạy thì có vô số toán cán bộ, đồng phục mầu vàng hoặc đen, nón cối, đi bộ, nói cười chỉ chỏ. Xe phải xuống từng trạm kiểm soát. Công an bắt hành khách tập trung lại trước cửa đồn, rồi đàn ông theo nam cán bộ, đàn bà theo nữ cán bộ vào những nơi được quây cót để khám xét.

Phan bực mình vì chúng khám xét, sờ nắn một cách rất "tục". May mà Phan nhanh trí cho tên cán bộ một sấp tiền "cụ", nếu không, số tiền Đông Dương đã bị nó tịch thu rồi. Ai cũng phải trình giấy thông hành. Có hai loại thường nhất là thông hành về thăm nhà rồi trở ra Hà Nội, hoặc ngươc lại, loại xin phép ra Hà Nội thăm thân nhân. Ngoài ra, những người đi buôn thì có thông hành riêng. Bọn cán bộ luôn luôn cảnh giác với những người đưa đường cho đồng bào di cư vào Nam mà chúng gọi họ là "mẹ mìn Ngô đình Diệm".

Giữa trưa thì xe tới Phủ Lý. Ở đây, cây cầu sắt bắc qua sông đã bị sập. Mọi người phải xuống xe, đi đò sang bên kia sông, đáp xe khác đi Hà Nội. Con đò ngang chở quá sức, khiến nó phải đi chậm chạp, lúc nào cũng như sắp sửa đắm đến nơi. Chiếc cầu chắc bị bom hồi Thế Chiến Thứ Hai, một nửa chìm xuống nước, nửa còn lại mầu nâu đất cũ kỹ còn phơi dưới ánh sáng mặt trời. Đây là con đường chính từ các tỉnh miền Nam về Hà Nội, thế mà trải qua mấy mươi năm, nó vẫn chưa được bắc trở lạị Người ta chỉ ham chém giết nhau mà không nghỉ đến kiến thiết. Phan cảm thấy thực thất vọng cho tương lai đất nước.

Tới bờ bên kia, cảnh lơ xe giành giựt khách lại diễn ra. Bọn Phan có kinh nghiệm trước, không theo anh lơ nào, đi bộ ra bến xe ở cách đó không xa. Đó là một khoảng đất rộng rãi, nhưng bụi bám bao quanh bởi một số hàng quán đều là những lều lợp lá, trống trải, bày bán đủ thứ, từ đồ ăn, trái cây tới quân áo cũ. Các cô bán hàng leo nheo mời khách.

Phan đi dọc theo mấy chiếc xe hàng, chọn một cái mới nhất để lên. Ba người cùng chiếm được hàng ghế thứ hai rất tốt. Ngồi trên đó, nhìn cảnh náo nhiệt cuả bến xe, Phan có cảm tưởng như mình xem một đoạn phim thu hình cuả một nước ở Phi Châu .. nghèo nàn, dơ bẩn, lạc hậu. Có lẽ chàng sống lâu ở thành thị, nên không mấy khi thấy được những cảnh này.

Mấy người bán đồ ăn vội và trái cây như chuối luộc, na, ổi xanh, bánh giầy bánh giò. Họ bán hàng như du kích đánh đồn, mặt trước, mặt sau là lại phải lẩn trốn vì sợ cán bộ bắt gặp. Phan cũng không hiểu sao lại khe khắt thế. So với bến xe Nam Định, ở đây coi bộ làm ăn khó khăn hơn nhiều. Chắc ở những nơi quê muà, dân chúng dễ bị bắt nạt, hoặc chịu những luật lệ khắt khe hơn. Có những người vừa bán hàng, chưa kịp lấy tiền, thấp thoáng thấy bóng công an đã vội bỏ chạy, mãi sau mới trở lại. Nếu chẳng may xe chạy thì mất cả vốn lẫn lãi rồi.

Xe khởi hành để lại đàng sau một đám bụi mù mịt. Cô gái chỉ ngồi được độ nửa giờ thì lim dim ngủ. Chắc thuốc đã ngấm. Thôi thế còn hơn nàng lại bị nôn tháo như ở dưới tàu thì bất tiện vô cùng. Phan và cụ Nam tuy không thành giấc dài nhưng cũng ngủ gà ngủ gật suốt cuộc hành trình. Xế chiều, bỗng xe ngừng lại. Mỗi người đang ngủ chập chờn, bị đánh thức dậy. Phan đưa nguười hẳn ra ngoài nhìn về phiá trước. Chàng ngạc nhiên thấy trước mặt ba bốn chiếc xe đò đậu bên đường. Một vài chiếc đang trở xe, quay lại. Người tài xế xe Phan đi tắt máy, ngoái cổ lại nói với hành khách:

- Xe đã tới Tiá rồi, chỉ còn cách Hà Nội dăm cây số nữa thôi. Công an không cho xe hàng vào nội thành. Các ông các bà vui lòng xuống xe, đi bộ băng qua cánh đồng trước mặt này, xa chừng nửa cây số thôi, sẽ đến bến xe ca để vào thành.

Một số hành khách con buôn, chắc đã quen, nên lẳng lặng xuống xe, trước cả khi anh tài xế hết lời. Phần còn lại, tỏ vẻ ngạc nhiên, nhưng cũng chỉ bàn tán qua loa, rồi cũng lần lượt theo gót.

Cha con cụ Nam nhìn Phan chờ đợi. Phan cười gượng:

- Đây cũng là lần đầu tiên cháu đi xe kiểu "kháng chiến" thế này ... Mời Cụ với cô cùng xuống đi theo họ không mình bị lạc đường đấy.

Hai cha con, không đợi giục lần thứ hai, lấy hành lý quàng vội vào người, tay xách, nách mang lật đật xuống xe. Cả một đoàn gần trăm người cuả hai chuyến xe vừa tới nối đuôi nhau đi xuống con đường nhỏ ngoằn ngoèo băng qua cánh đồng khô.

Từ đó, nhìn lên lộ thấy một, quảng đường bị cắt đứt. Chiếc cầu sắt nhỏ gãy đổ, chỉ còn trơ mấy cột sắt hoen rỉ. Bây giờ Phan lại lo cho ông cụ, coi bộ đi lại mệt nhọc. Cô gái chắc cũng chưa được khoẻ lắm; tuy nhiên, nàng vẫn gắng gượng theo mọi người. Nhưng cho đến lúc người ta đã sang đến bờ bên kia, có người đã vào tới tận lùm cây rậm rạp ở đàng xa mà nhiều người quen đường nói là bến xe ca, hai cha con ông cụ vẫn còn lẹt đẹt mới đi được hơn nửa đường. Phan thấy tội nghiệp, chàng dừng chân, ngồi lại bên đường đợi họ.

Khi bọn Phan đến được bến xe thì chiếc xe ca chót đang lấy khách lên. Đây là sân trước cuả một ngôi chuà đổ nát, chỉ đậu được chừng ba bốn chiếc camionette, loại xe ca chở được chừng hai ba chục người. Phan cũng không phải vội vã lắm, vì nếu nhỡ chuyến này, cũng chỉ cần chờ chừng nửa giờ là có xe khác tới. Mấy người bán hàng rong bu quanh xe ca, tự do rao bán đủ thứ, khác hẳn với những bến xe ở ngoài, các bạn hàng lúc nào cũng lấm lét trông chừng cán bộ.

Khi xe bắt đầu chạy, Phan mới quay xuống băng dưới, hỏi cụ Nam:

- Cụ với cô định về phố nào vậy ?

Phan thoáng thấy cô gái đỏ mặt khi cụ Nam đáp:

- Tôi cũng không biết là phố nào. Thấy nói là chuà Bích Câu ...

Hai người đã đi chung với nhau cả một ngày trời rồi, nhưng Phan nghĩ nàng tưởng đây là lần đầu tiên Phan biết nàng là ni cô. Vẻ thản nhiên cuả Phan làm cho nàng đang quay đi nơi khác, đưa mắt trở lại nhìn Phan, như chờ đợi một câu trả lời mà nàng ái ngại.

Phan nói để họ yên lòng:

- Thế thì may. Nếu ở Hà Nội không có hai chuà Bích Câu thì cháu có thể giúp cụ và cô đây được.

- Vậy tốt cho chúng tôi quá.

Chỉ nửa giờ là xe ca đậu tại một bến xe nhỏ gần hồ Thiên Cuông. Ở đây Phan quen quá rồi. Xuống xe chờ hai cha con cụ Nam đến bên, chàng mới nói:

- Từ đây về đến chuà phải đi một cuốc xích lô nữa. Ông ngoại cháu cũng ở gần đó, cháu có thể đưa cụ và cô tới tận chuà, nhân tiện cháu thăm ông cháu luôn.

Cô gái lúc này mới lên tiếng:

- Ông Phan, lần đi này chúng tôi không gặp được ông không biết xoay sở làm sao. Ông thực là ân nhân cuả cha con chúng tôi. Không biết lấy gì ...

Phan cười gạt đi:

- Cô lại quá nặng lời rồi ... Mình giúp đỡ nhau là thường mà.

Cô gái hơi bẽn lẻn, sẽ nói:

- Xin lỗi, đi chung bấy lâu tôi chưa xưng danh với ông, thực thất lể ..... Tôi tên Nụ, Nguyễn Thị Nụ.

Nàng tránh không nói tới pháp danh như các vị ni cô thường làm khi tiếp xúc với người ngoài. Chắc nàng sợ mất cái thân tình vì coi chàng như ân nhân. Đi cả ngày ba người chưa ăn gì ngoài vài trái quít trên xe, nhất là hai cha con cô ta, về chuà lúc này không biết có đúng bữa không. Vì thế, Phan đề nghị:

- Mình đi cả ngày chưa kịp ăn gì, cháu thấy đói quá. Mời Cụ với cô đây ghé qua mấy quán đàng kia, mình kiếm chút gì lót dạ, rồi hãy tính. Còn sớm chán.

Thêm một lần nửa, ni cô phải phá giới, nàng liếc mắt nhìn ông cụ chờ đợi. Cụ Nam cười:

- Ông dạy thế, chúng tôi xin vâng.

Phan đỡ dùm cha con họ một cái tay nải, rồi tìm một tiệm phở ở dãy phố nhỏ ngay trước bến xe.

Hai cha con cụ Nam quả thật người nhà quê, chắc cũng ít khi dùng những món thành thị như thế. Vì vậy, Phan cứ thay họ gọi ba bát phở chín nạc cho dễ ăn. Chàng vừa rót nước trà, vừa nói:

- Không biết bao giờ cụ định xuôi Nam?

Ông cụ thành thực:

- Tôi đưa cháu nó vào chuà rồi về liền ông ạ.

Phan nhìn cụ, ái ngại:

- Cháu nghĩ, cụ phải ở đây đến mai mới về được. Bây giờ cũng muộn rồi, đâu còn chuyến xe nào nữa. Cụ thấy đường đi nhiêu khê như thế đó ... Cháu đề nghị, lượt về, cụ nên đi tàu. Cháu đã có kinh nghiệm lần đi rồi. Cụ xuống tàu là cứ một mạch về đến Bến Xanh thôi.

- Nếu vậy, tôi sẽ xin nghỉ ở chuà một tối.

Phan giật mình, à, thì ra cụ này chưa biết gì, nên nói ngay:

- Ấy, không được đâu. Như cháu biết, thì Bích Câu là chuà sư nữ mà.

Ông cụ hốt hoảng:

- Chết chửa!

Phan đề nghị:

- Cụ khỏi lo, có thể về nhà ông ngoại cháu nghỉ cũng được mà.

- Phiền quá.

Phan nói ngay:

- Cụ nghỉ ở đó, sáng mai, cháu hoặc có thể cháu nhờ người khác giúp cụ ra bến Vân Đồn mua vé tầu về quê, nhưng ...

Phan chợt nhớ ra một việc quan trọng:

- Nhưng lượt về này cụ phải mua vé bằng tiền Đông Dương đấy nhé ... Kể từ chỗ chúng ta bỏ xe xuống đi bộ băng qua đường là sang vùng Quốc Gia rồi, không ai nhận tiền "cụ" nữa.

Lại thêm một lần, cụ Nam kêu khổ:

- Kỳ này thực tôi đi xa mà chẳng biết gì. Tôi làm gì có tiền Đông Dương. Từ ngày họ về đến giờ, ai cũng phải đổi tiền Đông Dương ra tiền "cụ" hết, giữ lại một đồng cũng bị tịch thu. Tôi vô ý thực, từ sớm đến giờ tiền chi ra đều do ông, tôi đâu có biết ... Lần đi này, tôi tính sai hết cả.

Phan đã nghe một lần ở khách sạn, ông cụ nói là không tiên liệu việc phải ngủ đêm tại khách sạn. Chắc ở quê, họ cũng không sung túc gì ... Huống chi, giữa lúc giao thời ... mà tụi kia thì dòm ngó dân chúng như cú dòm nhà bệnh. Thực tội!

Đến lúc này, cô Nụ mới sẽ nói:

- Chắc con cũng không cần tiền gì đâu. Thầy còn bao nhiêu nhờ ông Phan đổi tiền Đông Dương cho.

Cụ Nam nhìn con một cách rất thảm thương, sau cùng cũng gật đầu:

- Vâng, thì tôi còn chừng một vạn, ông có thể đổi giúp sang tiền Đông Dương được không?

Phan nhẩm tính, một vạn cuả ông cụ, nếu đổi ở vùng họ thì được chừng một trăm Đông Dương, còn ở đây, như lúc chàng đi, chưa chắc được hai chục, không đủ một cái vé tàu về quê.

Phan hơi lắc đầu:

- Ở quê, tụi nó bắt mình đổi tiền Đông Dương lấy tiền "cụ" nên mình phải đưa một trăm tiền Đông Dương để lấy một vạn. Nhưng ở đây, không ai tiêu tiền "cụ". Hơn nữa, những người di cư ai cũng có thừa thứ tiền này, không dùng đến nữa, đổi được đồng nào hay đồng đó nên nó mất giá kinh khủng. Vì thế, số tiền mình có đổi cũng không được bao nhiêu. Thôi cháu tính như thế này, tiền "cụ", cụ giữ lấy, đem về quê dùng ích lợi hơn, có để lại đây cô Nụ cũng không có dịp dùng. Cháu cho cụ mượn tạm tiền Đông Dương để cụ mua vé lên tàu, khi nào cụ có, sẽ cho lại cháu.

Ông cụ còn khí khái:

- Ai lại như vậy ... Dù sao chúng tôi cũng mới quen ông, lại phiền quá như thế coi sao tiện.

Phan cười, nói đuà:

- Cụ đừng lo cho cháu. Cô Nụ còn ở chuà Bích Câu, cháu đâu có sợ mất nợ.

Nụ tuy không góp chuyện, nhưng vừa ăn, nàng vừa lắng tai nghe. Thấy Phan nói thế, nàng cũng phì cười:

- Đúng đó. Nếu thầy không trả được, ông Phan bắt con về làm nô lệ là cùng chứ gì ...

Phan dẫy nẩy:

- Ấy, xin lỗi, tôi đùa quá lời, cô đừng trách nhé.

Nụ cũng cười theo:

- Thì chuyện đó cũng là thường mà.

Nói xong, nàng nghiêm mặt, tiếp:

- Con nghĩ việc đã như thế, mình không nhờ ông Phan thì chẳng biết xoay sở thế nào. Có điều, thầy về thu xếp sao để gửi lại ông Phan càng sớm càng tốt.

Ông cụ yên lặng ... Có vẻ đó cũng không phải là việc dễ dàng đối với cụ ... Nhưng cuối cùng cũng phải miễn cưỡng gật đầu.

Phan thông cảm ngay, chàng gạt đi:

- Nói ra bằng tiền "cụ Hồ" thì to tát vậy, chứ thực sự ở đây số tiền đó cũng không đáng bao nhiêu, xin cụ và cô Nụ đừng quá khách sáo ... Bao giờ cụ có, lại có dịp ra thăm cô Nụ, cụ cho cháu cũng được. Quên nó đi.

Trong lúc uống nước, Nụ đi nhà vệ sinh, cụ Nam mới tâm sự:

- Nó là út cuả tôi, đòi xuất gia từ nhỏ. Cơ thể nó lại không được như người ta, ốm yếu luôn, nên tôi mới gửi nó tu trên này.

Phan suy nghĩ một lúc, rồi nói:

- Cụ à, mai mốt họ cũng tiếp thu cả đây mà. Đối với cộng sản tôn giáo nào cũng là liều thuốc phiện ru ngủ con người, cần phải tận diệt. Vì thế, trong tương lai, ở đây cũng không biết thế nào. Bên Công giáo chúng cháu cũng đâu có hơn gì bên Phật. Tuy nhiên, tới đâu mình hay tới đó. Mà cụ nghĩ có lẽ cũng phải, dầu sao ở thủ đô này vấn đề cũng có thể dễ dãi hơn.

Cụ Nam có vẻ băn khoăn điều gì, thỉnh thoảng nhìn về phiá nhà vệ sinh như coi chừng cô con gái ra, ngập ngừng một lúc, cụ mới nói mau:

- Không biết tôi nói có lộn không, nhưng nếu có thể được, ông ở đây là nơi quen thuộc, cháu nó có gì nhờ cậy, xin ông giúp đỡ cho ... Chuá hay Phật cũng là đạo cả.

Phan gật đầu:

- Được ạ ... Cụ không nói, cháu cũng đã nghĩ tới điều đó. Có điều nhà chuà là chuà cuả các sư nữ.

Ông cụ nói như đã suy nghĩ về vấn đề này từ lâu:

- Tôi sẽ bảo với nhà chuà, ông là bà con với cháu, như vậy tiện hơn.

Ông cụ thật quá thực thà. Chắc ý này đã có từ rất lâu và khiến cho cụ lo lắng, bồn chồn.

Phan nói cho dứt chuyện:

- Được, cụ yên tâm đi.

Ăn uống, nghỉ ngơi một chút, mọi người đều cảm thấy khoẻ ra. Nhất là Nụ, sắc mặt nàng đã tươi nhuận và cũng vui vẻ, tự nhiên hơn trước nhiều. Bên ngoài, trời đã dịu mát. Trong các hàng quán còn ồn ào tấp nập, nhưng ở bến xe bây giờ vắng vẻ rồi.

Phan đến bên mấy chiếc xích lô đang đậu bên vỉa hè, nói:

- Tôi cần hai xe, anh nào đi.

- Cậu đi đâu ?

Phan nói:

- Về chuà Bích Câu, anh biết không?

Anh xe quay lại người bạn, nói trống không:

- Mày biết chứ ?

Phan nhắc:

- Ở gần chợ Con Bò, phố Hàng Bột đó.

Cả hai anh xe đều nói:

- Biết rồi, mời cậu và ông cứ lên xe.

Xe chạy vòng hồ Thiên Cương. Trời vào thu, những hàng cây lớn quanh hồ đã bắt đầu trút lá, xe xéo lên kêu xào xạc. Nước hồ xanh ngắt bập bềnh lá vàng. Cảnh sắc thực êm đềm. Bên hồ, mấy chú học sinh đang ngồi chồm hổm câu cá. Mười lăm phút sau, xe đã đến chợ Con Bò. Gọi cái chợ nhỏ này là chợ Con Bò vì mặt tiền cuả chợ, phiá trên có đắp nổi hình một con bò màu nâu đậm. Qua chợ, xe rẽ vào con đường nhỏ dẫn tới chuà Bích Câu. Cứ đi dọc theo con đường này chừng một cây số thì tới khu nhà lá cuả vùng Kim Mã. Ở đó, có một rạp xi-nê rẻ tiền, trước đây là một cái đình, chuyên môn chiếu các phim đen trắng cổ lỗ sĩ như Tarzan, Lucrece Borgia, phim trinh thám cũ do Victor Mature đóng vai thám tử.

Hồi mới lên Hà Nội, Phan thường rủ mấy đứa em họ lên đó xem xi-nê. Mỗi khi đi qua ngôi chuà sư nữ này, chàng lại tưởng tượng tới các cảnh được tả trong Bích Câu Kỳ Ngộ ... Nhưng chưa một lần nào chàng dám vào trong chuà.

Xe ngừng lại. Phan trả tiền xong, quay sang cụ Nam và Nụ, nói:

- Đây là ngôi chuà mà cụ và cô muốn tới đây.

Hai cha con ông cụ ngỡ ngàng nhìn lên cổng chuà. Cái bảng màu trắng bạc thếch, trên có viết hàng chữ Việt mầu đỏ "Chuà Sư Nữ", dưới là hai chữ "Bích Câu" lớn màu xanh đậm.

Cô Nụ phản ứng rất nhanh, nàng nói:

- Thầy để con vào trước xem có đúng là chuà dì hai tu không đã.

Phan gật đầu:

- Theo tôi biết, ở Hà Nội chỉ có đây là chuà Bích Câu thôi. Nhưng mình cứ cẩn thận là hơn.

Nụ sửa lại y phục, kéo lại cái khăn ni cô cho ngay ngắn, rồi thong thả đẩy cổng vào chuà, rồi cũng thuận tay khép cửa lại. Đứng chờ ở ngoài, Phan và cụ Nam không thấy động tĩnh gì.

Phan nói chuyện cho qua thì giờ:

- Ngày trước cháu cũng hay đi ngang qua đây, nhưng vẫn thấy chuà này vắng vẻ như vậy. Không biết có bao nhiêu sư cô tu trong đó.

Rồi chàng quay ngang, chỉ về khu đối diện chuà:

- Hiệu thuốc bắc cuả ông ngoại cháu ở ngay đàng kia, đi chừng vài trăm mét thôi ... Lát nữa, cháu sẽ đưa cụ về đó tạm nghỉ.

Có tiếng kẹt cửa. Cô Nụ ra, nét mặt có vẻ không vui. Ông cụ hỏi ngay:

- Đúng không ?

Nụ sẽ gật đầu, nhưng nàng nói:

- Dì hai mất lâu rồi.

Cụ Nam hốt hoảng:

- Thế...

Phan thấy phản ứng cuả ông cụ, chàng biết việc tu trì cuả cô Nụ còn quan trọng hơn sinh mạng cuả người dì. Điều đó chứng tỏ vấn đề ở quê rất khó khăn cho Nụ.

Trong lúc đó Nụ thong thả nói:

- Được họ bằng lòng... nhưng... họ muốn thưa chuyện với thầy trước.

Nụ nói xong, mở rộng cửa hơn để cụ Nam vào. Phan chưa biết tiến thoái thế nào thì cụ Nam nói:

- Xin mời anh cùng vào một thể ...

Thấy cụ đổi cách xưng hô, Phan chợt nhớ tới câu chuyện gửi gấm cuả cụ lúc ở hiệu ăn, nên nói:

- Vâng, xin cụ đi trước.

Nụ không hiểu ý hai người, hơi ngạc nhiên. Nhưng vì Phan là người đang giúp đỡ mình, nên nàng cũng nói xuôi:

- Vâng, mời ông vào luôn, nhân tiện vãn cảnh chuà.

Cảnh vắng lặng ở đây làm cho chiếc sân không chạy quá ba gian nhà chuà trở nên rộng rãi trống trải. Chuà trông rất cổ kính. Mái thấp, ngói rêu phong đen sậm. Một vị sư bà, trông thực già nua, áo nâu sòng bạc vai đứng chờ khách ở hàng hiên. Tiền đường, cột kèo và cửa sơn son, nhưng màu đỏ đã xuống nước, không còn tươi, cửa đóng im lìm, nhưng cũng phảng phất mùi nhang nồng nồng.

Giữ ý, Phan nói nhỏ với cụ Nam:

- Cụ cứ vào nói chuyện cho xong. Chốc nữa khi về, cụ giới thiệu cháu sơ qua với họ là đủ. Cháu xin đứng đợi ngoài này.

Ông cụ chưa nói, Nụ đã gật đầu:

- Vậy phiền ông nhé.

Phan nhìn hai cha con cụ Nam theo bà sư già khuất sau cánh cửa khép vội, chàng mới đưa mắt nhìn vẩn vơ quanh chiếc sân gạch đã vỡ nhiều miếng, nhưng sạch sẽ. Chàng thấy ngôi chuà lớn hơn chàng tưởng. Một hàng mẫu đơn màu vàng lẫn đỏ chạy dọc theo hàng hiên, chỉ chừa bậc tam cấp ở giữa đi thẳng vào tiền điện. Xa hơn, ở góc thềm, bên toà tam bảo, vài cụm tường vì già cỗi, xác xợ Phan so sánh cảnh này với truyện Bích Câu Kỳ Ngộ cuả Vũ Quốc Trân. Chắc xưa kia nơi đây phải sầm uất lắm. Thiện nam, tín nữ ra vào nườm nượp, chứ đâu có quạnh quẽ thế này.

Chàng nhìn quanh ... Ừ, vậy Tú Uyên may mắn mua được bức tranh hoạ hình Giáng Kiều ở chỗ nào đây. Phan đến bên bụi mẫu đơn vàng ở gần bậc thềm, nghĩ: "Có thể ở đây ... Cái ông cụ bán tranh sẽ phải chọn chỗ này, nhiều người qua lại, mới dễ bán chứ" ? Chàng đứmg nhìn ra chung quanh, tưởng tượng như mình là người bán hàng đang đi tìm khách. Nhưng bỗng chàng lại đổi ý: "Không phải. Nếu ở chỗ này, thì đâu đến lượt Tú Uyên, anh chàng học trò nghèo và lười biếng mua được. Chắc ông cụ phải ngồi ở một nơi khuất nẻo. A, có thể là đàng kia ... chỗ góc sân có bụi ngâu đó."

Vừa nghĩ, Phan vừa chạy ra chỗ góc trái sân chuà nơi đây, chàng vừa thấy một cụm ngâu già, cành lá khẳng khiu, vàng khô, tàn tạ ... Chàng lại đứng tại đấy, nhìn dọc theo sân chuà, ra tới cổng để xem cái nhận định cuả mình có đúng không. Có lẽ cũng không phải, ai lại khùng mà ngồi ở xó kẹt này để bày tranh ra bán ... Có lẽ, ông ta ngồi ngay ở gần cổng chuà.

Chàng vẫn thấy một vài lần ở cửa đền Ngọc Sơn trên Hồ Hoàn Kiếm, mấy ông bán tranh cũng chọn những nơi thị tứ như thế ... Với lại, nghĩ cho cùng, chàng Tú Uyên và nàng tiên Giáng Kiều đã có duyên với nhau thì dù ông cụ già đó có ngồi ở đâu, bức tranh rồi cũng đến tay chàng ta ... như mình với Nụ ...

Nghĩ đến đó, bất chợt Phan khựng lại: "Bỏ xừ, mình đã bắt đầu nghĩ bậy rồi, tội chết...". Chàng lắc đầu như để xua đuổi cái gian ý vừa ló dạng trong trí óc: "Nhưng, có gì đâu mà tội với lỗi nào ...".

Phan đang điên đảo vì những mâu thuẫn trong đầu thì cha con cụ Nam đã xuống khỏi bậc thềm. Từ xa, Phan thấy vẻ băn khoăn trên mặt hai người. Họ vừa đi, vừa như đang bàn tính chuyện gì với nhau. Vì thế mãi đến khi Nụ như chợt nhớ ra chàng, đưa mắt dáo dác tìm kiếm, Phan mới lên tiếng:

- Tôi đây.

Vừa lúc Nụ cũng thấy Phan. Cả hai không hẹn mà cũng cười ... đó là lần đầu tiên Phan thấy hai người tình cờ có sự tương đồng, làm chàng cảm thấy vui vui.

Phan đi lại gặp hai người, chàng mở lời trước, hỏi:

- Sao, xong chưa.

Chàng hỏi, nhưng cũng chẳng biết xong cái gì, vì Nụ đã từng nói là họ nhận lời rồi mà.

Nụ đỡ lời cha:

- Xong rồi.

Ông cụ tiếp lời con gái:

- Kể là xong. À, lúc nãy tôi có giới thiệu ..

Nụ cự ngay:

- Thầy cũng lôi thôi quá. Chưa hỏi ý ông Phan mà thầy giới thiệu là anh họ con ... không sợ ông ấy cười cho mình bắt quàng làm họ sao ?

Phan gạt đi:

- Không sao đâu cô Nụ. Nhờ vậy mà khi nào có dịp, tôi có thể tới đây vấn an cô mà.

Nụ ngắt lời chàng, bẽn lẽn nói:

- Khi vào đây, ông phải kêu tôi là ni cô Diệu Hạnh.

Phan hóm hỉnh:

- Thưa ni cô Diệu Hạnh, chỉ khi ở đây thôi, phải không ạ?

Chàng nói thế có nghiã là ở nơi khác chàng có thể gọi bằng tên con gái cuả nàng ...

Nụ như hiểu ý, quay mặt để dấu phản ứng cuả mình ... Phan muốn nói thêm một câu nữa là cũng từ nay, nàng không được kêu chàng bằng hai tiếng "ông Phan" nữa ... Nhưng chợt nghĩ tới tư cách mình là một tu sĩ Công Giáo, chàng ngăn kịp để ý đó không nói nên lời.

Ra tới cổng chuà, Nụ đứng lại để chia tay:

- Thôi con xin ở lại, thầy với ông Phan đi nhé.

Phan đỡ lời:

- Tôi đưa cụ về nhà ông ngoại tôi nghỉ tối nay, mai cụ mới về. Chắc sẽ còn qua thăm cô nữa đó.

- Vâng, vậy thì phiền ông.

Ông cụ còn dùng dằng, nhưng Nụ đã đóng cửa chuà. Phan thấy cụ Nam dơm dớm nước mắt. Chàng nói lớn để cụ qua cơn xúc động:

- Đi đường này, cụ ...

Ông già líu ríu theo sau Phan.

 

CHƯƠNG II

Mới hơn một tháng. Phan không đến thăm ông ngoại và gia đình cậu mợ, chàng thấy ở đấy đã có nhiều thay đổi. Nếu đứng ngoài nhìn vào, hiệu thuốc Tiên Rồng cuả ông vẫn còn hoạt động như thường. Nhưng, bên trong, tất cả đã được thu dọn gọn ghẽ. Nhưng đồ gỗ quý như tủ chè, xa lông Tầu, sập gụ đã không còn nữa. Hiện chỉ có bộ bàn ăn mặt mi-ca nhẹ kê giữa nhà dùng tạm để tiếp khách hàng ngày.

Hai cụ gặp nhau, nói ra, cụ Nam còn kém ông ngoại Phan cả chục tuổi, nhưng trông thực già nua và nhà quê. Tuy nhiên, ông ngoại chàng là người bặt thiệp, nên tiếp chuyện khách rất là vui vẻ. Cậu Hai đã xuống Hải Phòng mấy bữa nay chưa về, mợ Hai ít giao thiệp nên chỉ thu dọn trong nhà, không ra mặt.

Cơm chiều cuả dân thành thị thường rất muộn, nhất là nhà lại có cửa hiệu nữa. Vì thế, tới chín giờ hơn mới xong bữa cơm khoản đãi cụ Nam. Sau khi uống nước, chủ khách chia nhau đi nghỉ.

Cậu mợ Phan chỉ có hai người con, chú em trai đã theo cậu Ba vào Sài Gòn tháng trước, cô em gái út học trường Sainte Marie còn ở nhà. Nhìn cảnh thu dọn nhà cửa, Phan biết gia đình cậu mợ và ông ngoại chàng đang sửa soạn di cư vào Nam.

Trời mới vào thu, nên khí hậu ở Hà Nội cũng đã mát mẻ. Phan mang ghế ra ngoài sân thượng ngồi hóng gió. Từ đây, tầm mắt cuả Phan nhìn không quá khu Văn Miếu ở phiá trái. Ánh đèn vàng vọt cuả mấy quán nước ngoài bãi cỏ khuất lấp sau những hàng cây rậm rạp. Xa hơn, vùng Sinh Từ là Cửa Nam vàng rực một góc trời. Ở dưới phố, giờ này xe cộ vẫn còn đi lại. Tuy nhiên, vì tình thế hiện tại đang trong cảnh nửa vời, nên về đêm dân Hà Nội cũng hạn chế ra ngoài.

Phan đang lơ đãng nhìn xuống dưới phố, thì Hằng, cô em họ cuả chàng, từ trong nhà đi ra với một cái ghế đẩu.

 Phan quay lại, vui vẻ:

- Hằng hả, dạo này học hành ra sao ?

Hằng đã mười tám tuổi, năm nay học đệ nhất (lớp 12) Sainte Marie là trường có tiếng ở Hà Nội, mà các nữ sinh thực "noble". Đối với Phan, nàng rất kính phục và thân thiết. Mỗi khi có việc gì khó khăn, bài vở không hiểu, nàng thường tới nhà chung (Chủng Viện) nhờ cậy người anh họ dễ thương này.

Hằng kê ghế bên Phan, khoan thai ngồi xuống, rồi khẽ thở dài:

- Trường em khai giảng vào đầu Septembre rồi, nhưng buồn tẻ lắm, học sinh cũng như các Sơ không còn bao nhiêu. Vì thế, đi cho có lệ thôi chứ có học hành gì đâu anh.

Phan lắc đầu:

- Tình thế này, tương lai không biết ra sao. Đồ đạc nhà mình ...

Hằng ngắt lời:

- Mẹ em gửi người bạn ở chợ trời bán hết rồi. Anh tính, mai mốt mình đi, bán được cái gì hay cái đó.

- Được giá không ?

- Em nghe đâu bộ xa lông Tàu cũng được tới ba nghìn, cái sập gụ chân quỳ được gần hai nghìn.

- Khá đấy chứ. Mà không biết người ta tính thế nào mà còn mua mấy cái đồ đó nữa nhỉ ?

- Thế mới lạ. Mẹ em nói ngoài chợ trời đường Quang Trung mấy tuần nay sầm uất lắm. Đồ gỗ bán được giá nhất đó.

- Còn nhà?

- Ba em bán rẻ cho bác Bạch ở Hải Phòng năm vạn. Ông ta mua cho người anh em ở lại Hà Nội. Mấy hôm nay ba em xuống đó lấy tiền.

- Vậy là may rồi đó Hằng ạ. Bao giờ giao nhà ?

- Nghe mẹ em nói khi nào mình vào Nam thì họ dọn tới.

Hằng dùng từ "mình" trong lời nói chuyện, có hàm ý bao gồm cả Phan. Nhưng hiện nay, thực ra Phan chưa có quyết định dứt khoát về việc này. Sở dĩ chàng không nói ra, vì chàng còn chưa biết phản ứng cuả Cha Xứ thế nào về trường hợp cuả chàng. Nếu Phan tiếp tục giúp xứ đạo, thì muà thu này, chàng hết hạn hai năm, hy vọng Đức Cha sẽ gọi về trường "phi-lô" học thêm bốn năm nửa để chịu chức Linh Mục. Còn nếu vào Nam, không biết tình hình trong đó thế nào, có thể sẽ phải chậm hơn, vì chàng đã ra khỏi địa phận.

Thấy Phan yên lặng, Hằng hỏi:

- Ở nhà chung (Chủng Viện) có quyết định gì đặc biệt không anh ? .... Năm nay, nhà pensionnat không có ai về ở nửa ... chắc phải đóng cửa.

Phan hơi cúi đầu, lắc nhẹ:

- Địa phận không có chương trình di cư chính thức ... chỉ nói là tuỳ lương tâm từng người. Đức Cha, Cha chính địa phận, các Cha xứ thì đã nói quyết là không đi. Còn các Cha khác, ai muốn đi thì tuỳ, vì giáo dân ở đây cũng có nhiều người di cư, các Cha theo để hướng dẫn họ nơi xứ người thì cũng tốt.

Hằng nhìn chàng:

- Còn anh, đã thu xếp xong chưa ?

Phan thở dài:

- Anh chưa có quyết định dứt khoát, Hằng ạ. Mình đã hiến mình cho Chuá thì ở đâu cũng thế thôi.

Hằng có vẻ hơi ngạc nhiên:

- Anh nói sao ? Cả gia đình mình vào đó ... mà anh còn có ý nghĩ ở lại ?

Phan nói cho xong chuyện:

- Anh nói thế, chứ có chắc là sẽ ở lại đâu. Trước đây, anh thấy cậu cũng đã từng quyết định không đi để xây dựng lại sự nghiệp mà.

Hằng nhìn xuống đôi tay búp măng, trắng muốt cuả mình, nói:

- Tuần trước, có một người cựu cán bộ cao cấp, bạn cuả ba em từ ngoài vào thành, có đến thăm. Nhân lúc ăn cơm, ba em thành thật hỏi ông ta là nên đi hay ở. Anh biết ông ta trả lời sao không ?

Phan lắc đầu, Hằng nói chậm, nhấn mạnh từng tiếng:

- Ông ta nói "nếu anh chị nghĩ tới tương lai cuả các cháu thì nên vào Nam ! Ở lại là chấp nhận một đời sống lao động, vì lao động là vinh quang ... anh hiểu chưa ? "

- Thế là cậu quyết định đi.

- Đúng. Ba nói, ông mình đã lớn tuổi rồi, còn ba mẹ thì coi như bỏ đi ... chỉ còn tụi mình, và tương lai trước mặt.

Đêm về khuya, sương đã sa ướt cả lan can sân thượng. Phan cười khan, an ủi Hằng:

- Quyết định cuả cậu như thế là sáng suốt. Gia đình mình cũng may là thu xếp được hết công việc ở đây, chỉ còn chờ ngày đi thôi, phải không. Anh nghĩ, đã như thế, đừng chần chừ chi nữa.

Hằng vẫn còn thắc mắc:

- Còn anh ?

Phan nói cho nàng yên lòng:

- Anh có nói là không đi đâu, em đừng lo. Tuy nhiên, anh cũng còn có một chút ràng buộc với địa phận. Nếu giải quyết được sớm, anh cũng theo ông và cậu mợ luôn.

- Ba em định sau rằm tháng tám là đi.

- Còn tới cả tháng ?

- Vâng, không tới. Cũng phải đợi xin vào danh sách chuyến bay nữa chứ ...

Phan cảm thấy một nỗi cô đơn ghê gớm vụt xâm chiếm lòng mình... Có thể rồi đây chỉ còn mình lẻ loi ở cái thành phố này.

Chàng lặng lẽ đứng lên, nói nhỏ:

- Thôi mình đi nghỉ, Hằng.

Vừa đứng lên, Hằng vừa hỏi:

- Anh chưa về nhà chung (Chủng Viện) à?

- À, chưa, vì anh giúp cụ Nam về đây nghỉ, mai còn ra bến tàu. Sau đó, anh mới về nhà xứ.

Suốt đêm, Phan thao thức suốt năm canh, vì chuyện đi hay ở. Phan trở dậy từ lúc trời vừa sáng rõ. Nhưng khi ra đến nhà khách, chàng đã thấy ông ngoại và cụ Nam đang uống nước. Mùi trà mạn sen thơm ngát. Thì ra các cụ, ai cũng ít ngủ.

- Thưa ông, con phải đưa cụ Nam ra bến tàu để về quê rồi con về nhà chung (Chủng Viện). Có gì chiều con sẽ lại thăm ông.

Ông ngoại Phan cười, nói:

- Ông cũng vừa nói với cụ đây là về quê bằng đường thủy tiện hơn. Mình cứ xuống tàu, đánh một giấc là tới nhà ...

Phan lắc đầu, nói:

- Không phải như hồi xưa đâu ông ... Lần con về, từ đây tới quê mình qua tới năm trạm kiểm soát, tầu bị chúng gọi vào khám xét, hành khách phải trình giấy, đóng thuế đồ đạc, hàng hoá, chứ đâu có ngủ yên được ...

Ông ngoại chàng tỏ vẻ bực tức:

- Bậy thực, một hai trạm là đủ rồi ... gì mà tới năm. Tụi nó sách nhiễu dân còn hơn thời Pháp thuộc.

Để dứt câu chuyện, Phan nhìn cụ Nam:

- Thôi mời cụ lên đường với cháu.

Hai ông cụ chủ, khách chào nhau chia tay. Rời hiệu thuốc cuả ông ngoại, Phan đưa cụ Nam ra chợ Con Bò, vào tiệm hủ tíu gần đó để đãi ông cụ ăn sáng cho chắc bụng, trước khi xuống tàu. Trong lúc đợi đồ ăn, cụ Nam tâm sự với Phan:

- Hôm qua tôi chưa có dịp nói chuyện với ông về việc cháu nó ở lại chuà.

Phan chắc ông cụ có vấn đề khó khăn, hỏi:

- Vâng, họ có đòi điều kiện gì không ?

Cụ Nam ngước nhìn chàng với vẻ cảm phục:

- Ông tinh thực. Họ nói trong chuà có năm vị sư, thì ba vị đã quá năm chục nên vấn đề kinh tế rất gay go. Vì vậy, nếu cháu nó muốn ở lại, phải đóng góp vào qũy nhà chuà chừng ba ngàn Đông Dương.

Phan giật mình ... Cụ Nam lắc đầu:

- Tôi nói với cháu là nhà còn tiền ống, về thu xếp rồi sẽ mang lên ... Nói thế để nó yên tâm chứ thực sự làm gì còn ống với cáng.

Phan ái ngại:

- Thế cụ đã tính sao chưa ?

Ông cụ giọng quả quyết:

- Tôi bán nhà ... Nhưng, có muốn chăng nữa, không biết tình thế này có ai mua không. Mà dù bán được, cũng chưa chắc đủ số.

Thực là nan giải. Bán nhà thì chỉ được tiền "cụ Hồ". Mà đổi thành tiền Đông Dương thì chờ tới ngày đó, chắc chắn là càng mất giá.

Bỗng, nhớ lại chuyện bán đồ cuả nhà mợ mà Hằng nói với chàng đêm qua, Phan nảy ra ý kiến táo bạo:

- Cụ ạ, cháu có ý kiến này. Tuy khó, nhưng có thể giải quyết được vấn đề.

Mắt cụ Nam sáng lên:

- Gì thế ông?

- Mình đi buôn.

Ông cụ cau mặt, không tin tưởng:

- Buôn ... buôn gì ? Mà vốn liếng ở đâu mà buôn ... hả ông ???

Phan suy nghĩ một chập, rồi nói:

- Buôn đồ gỗ. Cháu biết ở trên này đồ xa lông Tàu tủ kính, sập chân quỳ bán rất được giá. Một bộ, bán được tới hai ba nghìn đồng ... dĩ nhiên là tiền Đông Dương...

Cụ Nam lắc đầu:

- Tôi chịu không hiểu ...

Phan vạch kế hoạch:

- Cháu tin chắc là ở dưới quê còn rất nhiều nhà có những đồ này. Với tình hình kinh tế càng ngày càng khó khăn, chắc không ai muốn giữ chúng nửa đâu. Vì thế, mình có thể mua với giá rẻ được. Nhất là tìm được những người họ có ý định di cư vào Nam, thì mình lại càng lợi nhiều hơn nữa. Minh sẽ đổi tiền "cụ Hồ" ở đây với giá hời, mang tiền đó về quê mua đồ, chở nó lên trên này bán lại thì trong một thời gian không lâu, mình có thể kiếm đủ số tiền đóng cho nhà chuà.

Phan nói một hơi cái kế hoạch kiếm tiền như là cho mình vậy. Cụ Nam ngồi nghe cứ ngẩn người ra. Phan giải quyết luôn vấn đề vốn liếng:

- Cháu sẽ vay cho cụ chừng một nghìn. Tại trường học cuả nhà xứ cháu, có nhiều đồng bào di cư tạm trú đổi tiền "cụ Hồ" rấ't được giá. Cụ mang tiền về mua hết xa lông, tủ kính hoặc sập chân quỳ cho cháu. Sau đó, cụ gửi tàu lên đây là xong. Các việc còn lại, cháu sẽ giúp. Mình chỉ cần một chuyến để kiếm đủ tiền thôi.

Phổ ky đưa hủ tíu ra, khói bốc nghi ngút, thơm phưng phức. Nhưng cụ Nam và Phan cầm đũa lên ăn hình như không cảm được vị ngon lành vì vấn đề quá hóc buá cuả mình.

Ông cụ áy náy:

- Tôi chưa từng buôn bán bao giờ.

- Cụ còn họ hàng ở quê, xem có ai nhờ được không.

Thấy vẻ cương quyết cuả Phan, cụ Nam lên tinh thần:

- Được, tôi sẽ nhờ bà vợ cụ bạn cuả tôi ... Bà này đã từng đi bôn ba khắp châu huyện, từ Phủ Lý, Nho Quan, Hoà Bình ... nơi nào bà cũng đã từng đi qua.

- Thế tốt rồi ... chỉ cần một người thạo việc mặc cả mua bán là được.

Ăn vừa xong, Phan giục:

- Mình ra chợ trời xem thử ... Có lẽ cụ hoãn ngày về ... để mình còn tính công chuyện.

Cụ Nam theo Phan đi như cái máy. Xe xích lô đưa Phan và cụ Nam ngang qua Văn Miếu, quẹo vào phố Sinh Từ, ngược chợ Cửa Nam lên chợ trời đường Quang Trung. Cả một quảng đường dài gần nửa cây số tràn ngập đồ đạc thượng vàng hạ cám. Phan nghỉ dân Hà Nội có thứ gì, ở đây cũng bầy bán thứ đó. Những người tính di cư thì còn tiếc gì nửa mà không bán tống bán táng đi. Phan không phải tìm lâu, đã thấy những góc phố bày biện không khác gì một căn phòng khách sang trọng, cổ kính. Nào tủ kính, sập chân quỳ, Xa lông Tàu khảm Xà cừ, giường Hồng Kông bóng loáng ... khách hàng chen chúc nhau, đông như chợ phiên. Cụ Nam choáng người ra trước cảnh lạ mắt mà cả một cuộc đời hơn sáu mươi năm qua chưa từng thấy. Sau khi hỏi dò giá cả, Phan đã có một ý niệm đại khái cho dự tính cuả chàng.

 

Nửa giờ lang thang trong khu chợ trời, Phan đưa cụ Nam về trường trung học nhà xứ trong trung tâm thành phố.

Trên đường đi, Phan dặn:

- Cụ về nhà trường cháu ở tạm một vài ngày để cháu chạy tiền. Cụ nhớ xem như mình cũng là người di cư nhé.

Xe vừa ngừng, Phan đã chạy vội xuống khi thấy đồng bào mới từ đâu tới tạm cư đông nghẹt. Khoảng sân trước cuả nhà thờ lớn bừa bãi những rác rưới. Cổng trường mở toang, người ra kẻ vào tự do như nhà hoang. Phan khép lại một cánh cổng, kéo cụ Nam đi nhanh vào trong. Đưa mắt nhìn tổng quát các nơi, Phan thấy hai dãy trường học đều tràn ngập đồng bào, nhiều gia đình phải nằm cả ngoài hè. Vừa vô trật tự, vừa hôi hám.

Không thấy ông bõ nhà thờ đâu, Phan đưa cụ Nam vào khu tạm trú cuả đồng bào di cư. Phan gặp toàn người lạ, đến nỗi, họ không biết chàng là ai nữa.

May quá, ông Tài người Bùi Chu vẫn chưa đi. Phan thấy cái màn màu xanh ngăn phòng cuả gia đình ông ta con guyên chỗ cũ. Chàng vén màn bước vàọ Chỉ có bà Tài ở nhà. Thấy Phan, bà Tài mừng rỡ:

- Thầy Phan đã về.

- Ông nhà đâu ? Chưa đi sao bà ?

- Ông nhà tôi ra bàn giấy Tổng Ủy ... Để xác nhận chuyến bay. Chúng tôi chờ chú ba .. May quá cũng kịp thầy ạ. Gớm, mấy hôm nay ở miền trên họ về đông quá. Cha xứ với ông bõ cứ cuống cả lên, mong thầy lắm đấy.

Phan nói nhanh:

- Tôi có việc nhờ ông bà một chút đây.

Bà Tài sốt sắng:

- Việc gì, thầy cứ sai bảo, chúng tôi sẽ làm ngay.

Phan quay lại giới thiệu cụ Nam, rồi nói:

- Tôi có hai việc muốn nhờ bà. Thứ nhất, cho tôi gửi cụ Nam vài ngày ... lo giùm nơi ăn chốn ở. Hai, là xem ai muốn đổi tiền "cụ Hồ" lấy tiền Đông Dương thì cho tôi biết.

Nói xong Phan quay sang cụ Nam:

- Ông bà Tài đây cũng như người trong nhà cuả cháu ... xin cụ cứ tự nhiên, ở đây một vài ngày đã, rồi hãy về.

Bà Tài ngạc nhiên, tưởng ai cũng muốn di cư như mình:

- Cụ lại về à... sao vậy ?

Phan đỡ lời:

- Cụ ấy về đón thêm người nhà.

- À ra là thế.

Để cụ Nam ở lại chuyện trò với bà Tài, Phan đi nhanh sang khu nhà xứ. Cha xứ la lên mừng rở khi thấy Phan bước vào văn phòng:

- Con về đúng lúc. Cha với ông bõ đang điên lên không biết thu xếp làm sao đủ chỗ để đồng bào ở. Bừa bãi quá đi sốt.

Cha xứ nay cũng đã ngoài sáu mươi, nhưng người năng tập thể dục nên trông rất khỏe mạnh. Da dẻ hồng hào, tính tình vui vẻ, có bụng chung, nhưng làm việc lại thật nguyên tắc.

Phan nghiêng mình bên cha xứ, xem qua một số giấy tờ, rồi nói:

- Cha để con lo. Mình phải liên lạc với bên Tổng Ủy để họ chở bớt những gia đình đã có chuyến bay sang bên đó. Bây giờ mình ra một số thông cáo khẩn cấp về vấn đề vệ sinh, nhà bếp, phòng hoả, trật tự, an ninh.

Cha xứ thấy nhẹ hẳn người, nhưng nói:

- Thôi, con mới về chắc cũng còn mệt, để mai đi. Tháng nghỉ phép cuả con còn mấy ngày nữa cơ mà.

Phan cười:

- Thì con dùng những ngày nghỉ phép còn lại để làm thế việc cho cha ... có được không ạ.

Cha xứ cười lớn:

- Đúng là con chơi luật với cha rồi.

Ông bõ từ đâu về cũng reo lên:

- A, thầy Phan đã về. Con nói với cha mà, thế nào thầy cũng không để cha con mình bệnh đâu.

Cha xứ cười nói:

- Bõ lo cơm nước đi, trưa rồi còn gì.

- Vâng, con sẽ dọn ngay. Thầy Phan đi tắm rửa rồi sơi cơm với cha.

Lão nói xong, quây quả đi ra. Bỗng cha xứ buồn rầu nói:

- Hôm qua cha Hải với thầy Bình vào xin Đức Cha để đi ..

Phan lắc đầu:

- Mỗi người một hoàn cảnh, cha ạ ... Hôm trước con nghe bà cô cha Hải đã vào tới Sài Gòn ... Xứ mình, bổn đạo đi có đông không cha.

Cha xứ lắc đầu:

- Cha cũng chưa có con số chính xác, nhưng cũng không ít đâu.

- Còn các cha ?

- Mấy cha trẻ thì thích đi lắm ... Các cha già, cho đến bây giờ, hầu hết chưa ai tính gì cả. Dù sao cũng không thể trách họ được. Nhất là tương lai cuả những người ở lại rất là mù mịt. Bên kia họ cứng rắn với tôn giáo lắm. Ông bõ đã vào mời cha xứ và Phan ra ăn cơm.

Tại phòng ăn, Phan gặp cha phó, cha quản lý, cha Hải, thầy Kính và thầy Bình. Ai cũng hỏi thăm chuyến về quê cuả Phan. Ở đây, thầy Bình lo kẻ liệt, thầy Kính lo hội đoàn, còn Phan phụ tá cha chính xứ về điều hành trong xứ đạo. Trước đây, còn hai cha lo nhà trường nữa, nhưng nay các ngài đã di cư rồi. Nếu mai mốt, cha Hải và thầy Bình đi, xứ sẽ kẹt về vấn đề nhân sự. Xứ nào cũng có người đi, thì Đức Cha đành bó tay, lấy người đâu để thay thế.

Cơm nước xong, Phan vào văn phòng cha xứ thảo thư gửi Tổng Ủy Di Cư. Sau đó, chàng tìm mấy tấm cạc tôn lớn, viết nhanh các bảng thông cáo về vệ sinh chung, trật tự, phòng hoả để ông bõ đem về nhà trường treo. Thầy Bình được cử đi tới ty y tế thành phố xin ít thuốc cấp cứu phòng khi hữu sự. Trời cũng sắp trở lạnh, Phan đề nghị cha xứ xin thành phố cung cấp cho ít chăn màn.

Ba giờ chiều, Phan xuống dưới trường học đi một vòng xem mấy tấm bảng treo có đúng chỗ không. Đến đâu, chàng cũng kêu gọi đồng bào hợp tác trong mọi vấn đề chung, nhất là đề phòng hoả hoạn.

Phan trở lại chỗ gia đình ông bà Tài. Ông Tài đã về. Gặp Phan, ông ta báo cáo ngay là đầu tuần tới gia đình ông sẽ được đi. Cụ Nam trông rất ưu tư. Chàng biết người cụ ở đây, nhưng lòng đang để đâu đâu.

Thấy đã muộn, Phan nói với ông bà Tài:

- Tôi xin phép đưa cụ Nam ra phố có chút việc, chiều mới về. Nếu muộn, xin ông bà cứ sơi cơm trước nhé.

Phan kéo cụ ra ngoài, vừa đi, vừa nói nhỏ:

- Cháu làm quản lý cái trại này, nên cũng bận nhiều chuyện lắm. Nhưng cụ yên tâm, việc cụ cháu không quên đâu. Bây giờ, cháu lấy xe đạp chở cụ tới chuà Bích Câu thăm cô Nụ, cháu sẽ đi vay tiền. Nếu được, ngay tối nay, mình sẽ tìm người đổi tiền và ngày mai cụ có thể về quê được rồị Yên trí đi.

Cụ Nam buồn rầu:

- Thôi thì muôn sự nhờ ông cả.

Phan để cụ Nam đứng ngoài cổng trường, chàng đi vào nhà bếp lấy chiếc xe đạp rồi dặn ông bõ:

- Nếu cha xứ hỏi, nói tôi có việc qua nhà cụ ngoại tôi chiều sẽ về, nhé.

- Được thầy cứ đi, có gì tôi sẽ thưa với cha xứ.

Đi xe đạp không thoải mái bằng ngồi xích lô, nhưng đỡ tốn tiền. Vừa đạp xe, Phan vừa tính cách hỏi vay tiền bà mợ. Một ngàn chắc không thành vấn đề. Chỉ ít lâu, bán được đồ, chàng sẽ hoàn lại. Bây giờ Hà Nội không còn đông xe như trước nữa, Phan có cảm tưởng như đường phố mới nới rộng ra, lái xe rất thung dung.

- Cụ cứ nói với cô Nụ là nhân tiện lên đây, cháu đưa cụ đi thăm một vài nơi cho biết, có thể sáng mai mới về quê. Chừng một giờ sau, cháu sẽ lại đón cụ.

Đợi cụ Nam vào trong chuà rồi, Phan mới đạp xe ra nhà ông ngoại. Hiệu ông hôm nay khá đông khách. Ông cụ, đang trong phòng bắt mạch xem bệnh. Ở ngoài, năm sáu người ngồi đợi cân thuốc. Bà mợ với ông Ba làm việc tíu tít. Thấy Phan, Hằng từ trong nhà đi ra, hớn hở nói:

- Ba em về lúc mười một giờ sáng nay ... anh vào chơi.

Phan cũng muốn gặp ông cậu. Chàng theo Hằng vào nhà trong. Ông cậu vừa trong phòng tắm ra, tươi cười:

- Cháu về quê có vui không?

Phan cười buồn:

- Chẳng còn gặp ai thân cả cậu ạ ... Họ hàng đi hầu hết. Trong nhà chung (Chủng Viện), chỉ còn mấy ông cha già lủi thủi với nhau .

Hai cậu cháu lại bàn ngồi. Hằng pha nước trà cho hai người uống.

Phan hỏi xa xôi:

- Kỳ này, cậu đi, công việc thuận lợi chứ ạ ?

Ông cậu gật đầu:

- Nhờ bề trên thương, mọi việc đều tốt đẹp, cháu ạ. Cậu có vào thăm chị cháu ... A, chị gửi cho cháu một bì thư khá lớn đây.

Phan hơi ngạc nhiên, nhưng cũng hỏi:

- Thứ gì vậy cậu. À, mà cậu có nghe thấy anh chị ấy nói đi với đứng làm sao không ?

Ông cậu nghĩ ngợi một lúc rồi nói:

- Có thể anh chị cũng đi ... nhưng, nghe nói con chờ tin cháu sao đó. Chắc trong thư chị ấy cũng đề cập việc ấy với cháu.

Ông cậu đi vào nhà trong, một lúc mang ra một phong thư mầu nâu nhạt, to bằng nửa tập vở, trao cho Phan:

- Chị ấy dặn cậu là trong đó có tiền.

Phan nghe nói giật mình, nửa vui, nửa thương chị nhà đã có đống con, còn gửi tiền cho chàng làm gì nữa chứ. Phan bóc ra, thấy thư khá dài, nên không tiện đọc, nhưng rõ ràng bên trong có một xấp giấy một trăm đồng. Chàng đếm nhẩm được tới mười lăm tờ. Một nghìn rưởi!

Ông cậu nhìn chàng, nói:

- Dạo này anh chị ấy làm ăn khá lắm. Anh ấy làm cho chính phủ, hiệu thêu cuả anh chị ấy rất bận việc, vì tụi Tây nó đặt nhiều đồ kỷ niệm để mang về Pháp.

Ngồi xuống ghế, uống một ngụm nước lớn, ông thư thả tiếp:

- Cái nhà này cậu cũng đã bán xong rồi ... Và lần này cậu xuống Hải Phòng là để lấy tiền...

Chuyện này Hằng cũng đã nói với Phan ... Chàng cũng chỉ nghe một cách lơ đảng. Nhưng bỗng chàng nghe ông nói:

- Nhận tiện đây, cậu cũng cho cháu biết là ông và cậu đã xin chuyến bay để đi ... có lẽ chừng tháng nữa. Đồ đạc bên trong này không còn gì, nhưng cửa hiệu thì còn nguyên. Nếu cháu cũng đi, thì cho cậu biết, còn nếu đi sau, cậu để lại tất cả cho cháu, tìm người bán đi, được bao nhiêu lấy mà dùng.

Phan hơi ngại vấn đề này. Nhưng chẳng sao, có gì gọi mấy ông Tàu là xong ngay ... Tuy nhiên, chàng cũng không muốn phiền phức, nên nói:

- Cháu nghĩ cháu không có nhiều nhu cầu, cậu nên bán đi để làm vốn khi vào nơi xứ lạ quê người.

Ông cậu gạt đi:

- Ông không thích thế. Cứ muốn làm việc tại hiệu thuốc này cho tới giờ phút cuối cùng ... Đi là để lại, cháu lo được chuyện này mà.

Phan miễn cưỡng:

- Nếu thế cũng được.

Ông cậu hạ thấp giọng:

- Ngoài ra, ông và cậu mợ còn muốn tặng cháu một chút ... từ tiền bán căn phố này. Cậu biết là ở trong nhà chung (Chủng Viện), cháu không thiếu thứ gì, nhưng có thêm cũng hơn.

Ông làm Phan giật mình. Nhưng sự thực là thế, ông tiếp:

- Hồi xưa còn nhỏ, mẹ cháu cũng đã giúp cậu nhiều, nay cậu tặng lại cháu một chút gọi là có qua có lại.

Phan thầm nghĩ, à ra thế, thôi được đi ... mình đang cần tiền ... Ông cậu nói xong, vào nhà trong một lúc, khi ra, trao cho Phan một phong bì dài, nói:

- Không nhiều đâu ... hai nghìn thôi.

Phan đỡ lấy, miệng cám ơn:

- Cháu cám ơn ông và cậu mợ ...

Phan nghĩ, cái nhà này năm chục vạn, hai nghìn thì không thấm thiá gì ... Lúc khác, chắc chàng không nhận để khỏi phải mang ơn. Nhưng bây giờ, kể nó rất quan trọng đối với chàng. Không cầu mà được, phút chốc trong tay Phan đã có được ba nghìn rưởi. Nhưng cứ nghĩ đến số tiền cuả chị, Phan vẫn thấy áy náy trong lòng.

Phan uống hết chén trà thì Hằng châm thêm, nàng nói:

- Anh nên sửa soạn đi thì vừa. Nếu cần, ba xin cho anh đi cùng danh sách với nhà mình đi.

Ông cậu cười:

- Được chứ.

Phan đỡ lời:

- Cậu và em Hằng đừng lo ... Cháu một thân một mình, đi lúc nào chả được. Mình ở trong nhà Chuá, cũng còn có những vấn đề ... phải giải quyết cho xong rồi mới đi được. Ông và cậu mợ cứ đi trước, mình sẽ gặp nhau trong đó.

- Cháu nói cũng phải.

Phan nói thế cho xuôi câu chuyện, chứ thực sự lúc này chàng vẫn còn phân vân giữa hai chữ đi và ở. Thấy đã gần tới giờ hẹn với cụ Nam, Phan đứng lên:

- Sáng nay cháu hứa ra thăm ông, may lại được gặp cả cậu ... Trường học bây giờ đông nghẹt người di cư, cháu mới đi xa về, nên rất nhiều việc phải lo. Xin phép cậu để khi khác cháu sẽ đến thăm ông và cậu mợ...

Ông cậu không giữ, cũng đứng dậy theo:

- Vậy cháu về đi, không tội cho cha xứ ... Hôm nào rãnh, ra ngoài ăn cơm với ông, nhé.

- Thưa vâng.

Hằng đưa Phan ra cửa. Chợt Phan nhớ đến Nụ, đến việc bán đồ gỗ, chàng nói:

- Một vài bữa nữa, nếu em rãnh, lên nhà xứ chơi, anh có chút chuyện muốn nhờ em.

- Vâng, có thể chiều mốt.

- Vậy thì tốt. Thôi chào Hằng, anh về.

- Vâng, chào anh.

Phan dắt xe ra, đẩy mạnh rồi nhảy vội lên, đạp đi. Đến chuà Bích Câu, vừa gõ cửa, Phan đã gặp Nụ với cụ Nam ngay ở sân chuà. Họ đang đợi chàng.

Nụ cười tươi thân mật hỏi:

- Cụ ngoại có khoẻ không anh Phan?

Lần đầu tiên Nụ gọi Phan bằng anh, chàng lúng túng, cười gượng:

- Khỏe .. . cám ơn cô.

Giọng nàng tin tưởng:

- Bây giờ tôi giao thầy tôi cho anh, xin giúp đỡ dùm. Ơn này chưa biết lấy gì báo đáp.

Phan cười:

- Sư cô lại khách sáo rồi.

Nụ lườm Phan, chắc vì hai tiếng sư cô:

- Ông còn khách sáo hơn tôi nữa ..

Nhưng sau đó, nàng lại hạ giọng, thân mật:

- Mấy giờ tàu chạy, anh ?

- Thường là chín giờ cô ạ. Nếu không có gì đạc biệt, mai cụ sẽ về dưới đó. Bây giờ, tôi đưa cụ đi xem chuà Một Cột, rồi về bên tôi nghỉ, sáng mai đi ra bến tàu sớm. Cô còn dặn gì cụ nửa không ? Nụ nửa đùa nửa thực:

- Chỉ còn nhắc cái món nợ chúng tôi thiếu anh.

- Này Nụ, từ nay tôi không muốn cô nhắc tới vấn đề đó nữa, nghe không ? Thế ra chúng mình chỉ đối xử với nhau bằng mấy chục bạc đó sao ?

Nụ cười:

- Vậy tôi xin lỗi anh, có được không?

- Sao lại không được.

Cả hai đều cười vui vẻ. Cụ Nam thấy sự thân mật giữa hai người, cũng vui lây. Cụ như chưa muốn xa con gái, nhưng Phan đã nhắc chừng:

- Thôi cụ, chúng ta đi, để Diệu Hạnh còn về chuà. Khi đưa cụ xuống tàu bình yên, tôi sẽ

đến báo tin để cô yên lòng.

- Vậy phiền anh.

Hai người chia tay với Nụ. Sau khi cánh cổng chuà đã đóng, từ trong, Nụ còn dặn với ra:

- Thầy về dưới đó phải giữ gìn sức khỏe nhé. Khi nào lo xong việc thì lên.

Cụ Nam và Phan không ai nói ra, nhưng cũng biết đó là việc gì. Để cụ Nam yên lòng, Phan nói:

- Cụ yên tâm, cháu đã chạy được tiền rồi đây. Tối nay mình sẽ lo vụ đổi tiền.

Chàng lấy ra một nghìn đã để sẵn trong phong bì, đưa cho cụ Nam, nói:

- Cụ giữ lấy một nghìn này, chốc nữa đưa cho bà Tài để đổi tiền. Chưa biết giá cả đồ ở dưới đó thế nào, mình cứ thử một chuyến bằng đó đã.

Ông cụ cảm động, rưng rưng nước mắt:

- Thực quí hoá.

Phan thoải mái nhìn cụ cất tiền cẩn thận vào túi áo trong. Sau đó cụ lại leo lên phiá sau xe Phan để chàng đèo về.

Về đến nhà xứ, đường đã lên đèn. Phan gặp ông bõ ngay ở cổng trường. Thấy Phan về, ông nói ngay:

- Thành phố chở tới một xe chăn màn và gạo. Cha xứ bảo đợi thầy về để phát cho đồng bào.

Phan thấy hôm nay cái gì cũng tốt đẹp, nên vui vẻ bảo ông bõ:

- Được, mình ăn cơm xong, nhờ thêm thầy Kính nữa, sẽ phát đồ cho đồng bào. Bây giờ ông báo cho mọi người lập danh sách số người trong gia đình để mình căn cứ vào đó mà phát. Sắp ăn cơm chưa ?

- Còn chờ cha phó đi kẻ liệt.

- Vậy tôi có chút việc xuống chỗ ông bà Tài. Có gì tìm tôi ở đó nhé.

Phan trao xe đạp cho ông bõ cất dùm, rồi cùng với cụ Nam vào trong. Chưa mở chiếc màn cửa ra, Phan đã ngửi thấy mùi cơm thơm phức. Chàng sực nhớ tới giờ cơm của, lòng hơi áy náy.

Trên chiếc phản hẹp, thức ăn đã dọn sẵn, thấy Phan, bà Tài hỏi ngay:

- Hai vị đi đâu mà lâu thế, chúng tôi đang chờ cơm đây.

Phan cười:

- Xin lỗi nhé, tôi đưa cụ Nam đi thăm bà con, nên về hơi trễ. Bây giờ quí vị sơi cơm được rồi.

Ông Tài thân mật kéo cụ Nam vào:

- Mời cụ vào đây sơi chút rượu. Chả mấy khi mình có dịp thù tạc với nhau.

Phan nói nhỏ với bà Tài:

- Tối nay tôi bận phát gạo và chăn màn cho đồng bào. Việc đổi tiền cho cụ Nam, xin bà giúp cho, càng sớm càng hay.

Bà Tài gật đầu:

- Đâu có khó gì, tôi đã dặn trước mấy người, mình chỉ việc gọi là họ mang tới. Tôi nghĩ, cũng được sáu, bảy trăm đó. Như vậy là được giá quá rồi. Một nghìn đổi được tới sáu, bảy chục vạn tiền "cụ Hồ". Phan thích quá, nói:

- Thế thì nhất rồi. Tối nay mình tiến hành đi.

- Đổi chừng bao nhiêu.

- Một ngàn.

- Vậy để tôi kiếm cái hộp gì mà đựng chứ ... Sáu, bảy chục vạn chứ ít à.

- Nếu đổi được tiền nghìn thì tốt, không cồng kềnh bất tiện.

- Được, thầy và cụ yên tâm.

Phan cám ơn bà Tài, rồi nói:

- Vậy tôi lên nhà xứ nhé. Có gì, khuya tôi lại, được không.

- Vâng, chúng tôi chờ thầy.

Phan đến bên cụ Nam, nói:

- Cụ ở lại sơi cơm, việc đó, bà Tài lo cho mình. Nếu xong, mai cụ có thể về được rồi.

Cụ Nam gật đầu, cảm động:

- Được ông bà đây với anh giúp cho, chúng tôi thực cảm ơn.

Phan chào mọi người rồi vội vả trở về nhà xứ.

Ăn cơm xong, Phan, thầy Kính và ông bõ bắt tay vào việc phân phát gạo và chăn màn cho đồng bào. Cha xứ cứ muốn xuống nhà trường phụ, nhưng Phan không chịu, chàng ép ngài đi nghỉ sớm để giữ gìn sức khỏe.

Làm việc từ chập tối, mãi tới gần nửa đêm mới xong. Thu dọn số còn lại, Phan nhờ thầy Kính và ông bõ mang về nhà xứ trước, chàng vòng trở lại chỗ ông bà Tài. Mấy người còn thức chờ Phan. Thấy mặt cụ Nam sáng rỡ, Phan biết mọi chuyện đều tốt đẹp. Bà Tài nhanh nhẩu báo cáo:

- Được hơn bảy chục vạn đó, thầy ạ.

Phan ngạc nhiên quá:

- Sao mà nhiều vậy bà?

Bà Tài cười:

- Thì thầy tính, không đổi thì để mà làm mắm à. Một vạn đồng "cụ Hồ" ở đây cũng không mua nổi cây kem để mút.

- Thì mình cũng làm thế nào cho công bằng thì thôi.

Bà Tài ngắt lời:

- Công bằng quá đi ấy chứ. Mình đổi cho là phúc rồi đó.

Phan đành chịu lý lẽ cuả bà, và nói để bà vui lòng:

- Nói thế, chứ không vào tay bà thì cũng chẳng được bao nhiêu.

Bà Tài rất sung sướng, nhưng cũng nói nhũn:

- Thầy dạy thế thôi, nhưng cũng nhờ cái số may cuả cụ đây.

Ông Tài cũng góp lời:

- Mà thực thầy Phan ạ, mình mà còn thứ tiền qủy đó, cũng liệng thùng rác chứ làm được cái gì. Mình đổi cho họ cũng là làm phúc rồi.

Phan quay lại cụ Nam đang ôm gói bạc to tướng ngồi bó gối ở đầu ghế:

- Nếu vậy, cụ sửa soạn, sáng mai cháu đưa ra bến tàu để về quê nhé.

Cụ Nam cảm động:

- Xin cám ơn ông bà Tài, thầy Phan.

Bỗng ông Tài nêu thắc mắc:

- À, thầy Phan, mang tiền nhiều như thế, đi đường có gì phiền phức không?

Một câu hỏi haỵ Phan nghĩ một lúc, rồi nói:

- Theo như kinh nghiệm tôi về vừa rồi thì không sao. Tui nó chỉ khám xét những người tình nghi là "mẹ mìn Ngô Đình Diệm", hoặc buôn lậu. Nếu nó khám thấy tiền Đông Dương thì chắc chắn chúng tịch thu rồi. Theo tôi, người trông thật thà, già yếu như cụ Nam đây, chắc chẳng ma nào hỏi đâu. Cẩn thận là mình ngồi yên một chỗ, đừng đi lại nhiều làm nó ngứa mắt là được rồi.

Bà Tài nói theo:

- Cẩn tắc vô áy náy. Để tôi bó kỹ lại, giấu trong tay nải quần áo, cụ để một chỗ kín đáo, đừng rời xa nó.

Phan gật đầu:

- Thế cũng tốt. Nhưng không saọ Ngày mai tôi sẽ giới thiệu cụ ấy với anh tài công tôi quen lần đi trước để anh ta đỡ đần cho. Anh này là người cùng quê với tôi, tốt lắm. À, mà cháu cho cụ biết lần về, mình đi tàu lớn chứ không phải thứ ca nô mà cụ với cháu lên Nam Định đâu. Sau này, cụ có muốn gửi thư, hoặc đồ gì lên đây, cụ nhờ anh ta là chắc chắn...

- Vậy thì phúc đức quá. Mai tôi về, có gì sẽ tin cho anh sau. Nếu xong việc, có thể tôi sẽ lên sớm.

Lời nói cuả cụ Nam, Phan và ông bà Tài mỗi người hiểu một nghiã.

Thấy đã khuya, Phan đứng dậy, kiếu từ:

- Thôi tôi phải về. Quí vị ngủ ngon nhé. Sáng mai bảy giờ, cháu đưa cụ ra bến Vân Đồn.

Bên ngoài, đồng bào đã đi nghỉ gần hết. Lác đác còn một vài gia đình đang chia lại nhau chăn màn để dùng. Thấy Phan đi ngang qua, họ đều chào hỏi rất lễ phép. Trời lất phất mưa, gió may từng cơn thổi ào ào qua mấy cây phong trong sân trường khiến những đồng bào nằm ngoài hè phải cuốn kín chăn quanh người để ngủ. Dù đang đi trong đêm lạnh, nhưng vì nghĩ đã làm được việc tốt cho cha con cụ Nam, Phan vẫn thấy ấm lòng.

 

CHƯƠNG III

Phan đứng nhìn cảnh tan hoang cuả ngôi trường học mà lòng thực chán nản. Sân cỏ đã hư hại hoàn toàn. Đó đây, những khoảng cháy đen do đồng bào bắc bếp nấu an. Đồ hộp, chai nước mắm, lọ tiêu, lọ ớt, giấy lau vất bừa bãi khắp nơi.

Phòng học, một số cánh cửa bị rỡ xuống để làm phản nằm. Bàn ghế học sinh tuy đã được xếp gọn lại, nhưng cũng có cái bị bổ ra làm củi. Khu nhà vệ sinh mới kinh khủng. Đứng từ xa đã ngửi thấy mùi hôi thối.

Hơn một tuần nay, bên Tổng Ủy ra thông cáo là đã hết máy bay dành cho đồng bào mới tới. Những người không có danh sách được đi từ Hà Nội, sẽ được cho xuống Hải Phòng, vào các trại tạm trú, đợi máy bay hoặc tàu thủy để vào Nam. Vì thế, tại đây, chỉ còn mươi gia đình đã có chuyến bay.

Phan đi vòng khắp khu nhà trường, tính nhẩm, nếu thu dọn, sửa sang lại khu này, cũng phải tốn cả tiền vạn. Không biết rồi đây, lấy đâu ra số tiền này. Mấy hôm nay ông bõ cố gắng thu vén được chút nào hay chút đó, nhưng Phan đã ngăn ông, vì sức một vài người không thể làm được gì, mất công vô ích. Phan và cha xứ có làm báo cáo lên địa phận, lên cơ quan vệ sinh thăm dò để nhờ sự giúp đỡ ...

Thầy Kính vừa dựng xe đạp ngoài cổng, thẫn thờ đi vào. Thấy Phan, thầy có vẻ hơi lên tinh thần, khẽ nói:

- Cha Hải và thầy Bình đi sáng nay rồi.

Phan lắc đầu:

- Chịu vậy thôi. Còn thầy ?

Thầy Kính nhìn ra xa:

- Gia đình tôi cũng vào tới Sài Gòn rồi. Hôm qua tôi nhận được thư, ông bà cụ cứ giục đi ... Tôi cũng phân vân quá! Còn thầy ?

- Ông ngoại và cậu mợ tôi đi vào chuyến sau ngày rằm tháng tám ... Cũng chưa vội mà. Họ có về đây, mình muốn đi, cứ xuống Hải Phòng là xong.

Đó cũng chỉ là kế hoãn binh mà Phan dùng để tự lừa dối mình. Trong thư chị cuả chàng nhờ cậu Hai đưa về, Phan thấy chị ấy cũng xiêu về giải pháp "đi". Chị ấy cho tiền để chàng lo liệu việc riêng, như thanh toán nợ nần chẳng hạn, trước khi bỏ đất Bắc, chưa biết đến bao giờ mới trở về được.

Thầy Kính nhăn mặt, gải đầu:

- Thực là khó nghĩ. Tụi mình mà bỏ đi, xứ mình chỉ còn mấy cha già.

Phan an ủi:

- Cầu nguyện đi. Nếu không ở lại cũng chẳng sao ..

Thầy Kính dắt xe đạp về bên nhà xứ. Còn lại một mình, Phan nghĩ tới bộ xa lông tầu cuả cụ Nam gửi lên tuần trước. Phan đã nhờ Hằng nói với bà bạn cuả mợ Hai cho người ra lấy về bán dùm. Hôm qua, nghe Hằng nói đã có người ngã giá hai ngàn tám. Phan nghĩ thế cũng được giá rồi nên nhờ Hằng nói với bà ấy bán đị Có thể, nếu mau mắn thì chiều nay có tiền. Bà này đã nói là chỉ bán dùm, không chia lời. Như vậy, dù không buôn chuyến nữa, Phan chỉ cần bù thêm mấy trăm nữa, Nụ cũng đủ tiền đóng cho nhà chuà.

Từ hôm đến báo tin ông Nam về quê đến nay, Phan bận lo việc cho đồng bào di cư, nên cũng chưa có thì giờ đến chuà Bích Câu một lần nữa. Không biết cô nàng làm ăn ra sao. Chắc là mong tiền lắm. Đang nghĩ vẫn vơ thì ông Mạnh từ ngoài vào, gặp Phan ông chào hỏi, vui vẻ khoe:

- Thầy Phan, sáng mai chúng tôi đi rồi. Ở đây, được cha xứ và thầy giúp đỡ, chúng tôi hết lòng đôi ơn. Hẹn gặp nhau trong Nam.

Phan cũng vui lây:

- Vâng, chúc gia đình ông bà thượng lộ bình an. Còn mấy gia đình kia ?

- Nghe nói, họ sẽ giải quyết hết trong tuần này.

- Thế hả ?

Ông Mạnh nói xong, chào vội rồi hấp tấp đi vào trong. Rác rưởi đầy dưới chân, ông ta không một lời phàn nàn giùm cho nhà xứ, hình như mọi người nghĩ rằng những gì để lại như là một thứ đồ nợ cho chính quyền mới sắp tới ... Họ không biết rằng, trong xứ, còn một số các cha phải ơ lại ... và tất cả sự khó khăn đó sẽ đổ lên đầu các ngài.

Bỗng nhiên Phan thấy buồn buồn. Họ ở đây, gây bao nhiêu phiền phức cho nhà xứ, cho mọi người ... nhưng suốt ngày, Phan vì bận rộn công việc nên ít khi nghĩ về mình để khỏi phải băn khoăn, lo lắng. Nhưng bây giờ, họ đi hết, chứng tỏ ... cái thời điểm kinh hoàng sắp đến, cái thời điểm mà thành phố này đổi chủ, một tên chủ mới rất ngạo mạn, nham hiểm và đầy quyền uy. Và tới lúc đó, Phan phải có một quyết định dứt khoát, đi hay ở. Không hiểu sao, kể từ ngày thăm quê trở về, cái quyết định đó trở nên thực khó khăn đối với chàng.

Có tiếng mở cổng. Phan mừng rở khi thấy Hằng từ ngoài đi nhanh vào.

- Em vào nhà xứ, ông bõ nói anh đang ở đây.

Phan ra đón:

- Cả mấy tuần nay cứ chết dí ở đây, chứ có đi được đến đâu.

Nhìn quang cảnh trước mắt, Hằng lắc đầu:

- Đồng bào mình ẩu thật. Anh Phan, anh sẽ phải xoay sở thế nào đây ?

- Anh cũng chưa biết tính sao. Hằng nhìn chàng một cách rất thương cảm:

- Anh Phan, bỏ vào Nam là xong.

Phan không nói, chỉ lắc đầu. Lúc này, coi bộ Hằng rất xúc động. Chính vì thế mà từ nàng toát ra một vẻ đẹp rất dịu dàng, thanh thoát trong chiếc áo măng tô màu tím đậm. Hai tay nàng thu trong túi áo. Gió thu thổi phất phơ mái tóc.

Phan nói:

- Mình sang nhà xứ uống nước đi.

Hằng lắc đầu:

- Thôi cám ơn anh, em cũng phải ra phố có chút việc.

Nàng vừa nói, vừa cúi xuống, tay phải rút khỏi túi áo măng tô, lôi ra một chiếc phong bì màu trắng, nói:

- Tiền này ...

Phan cười thành tiếng:

- Tốt quá ...

- Đúng hai nghìn tám đấy nhé. Bỗng nàng nghiêm mặt, hỏi:

- Anh không đi, định ở lại buôn bán làm giàu đấy à?

Phan lắc đầu:

- Không phải cuả anh đâu. Cuả cụ Nam đó.

Hằng ngạc nhiên:

- Cụ Nam.

Hằng lắc đầu:

- Em thực không hiểu. Rồi anh mang tiền xuống dùm ông cụ nữa. Sao mà vất vả vậy?

Phan thấy Hằng hiểu lầm, cười giải thích:

- Không, anh không phải mang về cho cụ ta, mà đưa cho con cụ ở đây.

Hằng càng hồ đồ, nói:

- Thế ra cụ ta có con ở đây. Em chưa từng nghe anh nói.

Phan vừa cười, vừa lại lấy cái ghế đẩu ngã chổng chơ ngoài vườn vào, rồi nói:

- Em ngồi tạm xuống đây, anh kể sơ qua cho em nghe.

Hằng như bị thu hút bởi vẻ bí mật cuả Phan, nên không cần Phan phải nhắc tới lần thứ hai, đã vội vàng ngồi xuống. Phan đứng tựa cột, mắt lim dim nhìn ra xa một lúc, rồi tuần tự kể câu chuyện gặp gở với cha con cụ Nam cho Hằng nghe. Suốt thời gian Phan nói, Hằng không ngắt một lần. Cô gái mới lớn lên trong nhung lụa khó có thể tưởng tượng trên đời lại có người gặp phải hoàn cảnh khó khăn như vậy. Hằng thấy cụ Nam là người nhà quê, thật thà, dễ thương. Nhưng còn vị ni cô thì thế nào. Bỗng nhiên Hằng tò mò muốn gặp cô ta. Vì thế, Phan vừa dứt lời, Hằng cười:

- Cũng tội họ nhỉ. Bao giờ anh định đến đưa tiền cho ni cô Diệu Hạnh?

- Có lẽ sáng mai.

- Cho em theo với được không?

Phan lộ vẻ lạ lùng nhìn Hằng, hỏi lại:

- Thực không?

- Thực mà.

Phan cười:

- Thế thì sáng mai, đợi ở cửa, anh sẽ đến đón.

Tiễn Hằng ra về, Phan thấy vui vui. Ừ, đưa Hằng tới gặp Nụ để hai người thân nhau, có gì, Hằng giúp đỡ Nụ dễ dàng hơn chàng. Ai lại một thầy cuả nhà xứ công giáo mà cứ lui tới chuà sư nữ mãi sao tiện.

Từ bên nhà xứ, ông bõ kéo lê cái chổi chà sang. Thấy Phan đang đứmg lớ rớ ở đàng xa, ông đã gọi lớn:

- Thầy Phan, cha xứ đang muốn gặp kià.

Phan chạy lại, hỏi:

- Chuyện gì vậy ?

- Nghe đâu bên Tổng Ủy đưa thư sang nói dành cho nhà xứ mấy chỗ trên chuyến bay chót, ai muốn đi thì lập danh sách đưa sang.

Phan nghe mà lòng hồi hộp quá. Đi hay ở đây ? Đi, liệu có sẵn phương tiện mà nhiều người cầu mà không được. Phan bỏ ông bõ ở lại, chạy mau về nhà xứ. Các cha đang ở cả trong phòng khách. Trên mặt, ai cũng tỏ vẻ ưu tư, không thấy chuyện trò vui vẻ như mọi ngày, mỗi khi có mặt đông đủ.

Thấy Phan vào, cha xứ lặng lẽ đưa cái công văn cho Phan đọc. Chàng liếc qua, nội dung tương tự như lời ông bõ. Vừa rồi ở ngoài, Phan tự nhiên có ý định rất muốn đi. Nhưng, vào đây, thấy vẻ mặt chăm chăm cuả mọi người, chàng bỗng khựng lại ... bao nhiêu ham muốn lúc ban đầu tan biến đi đâu mất, mà lúc này, trong lòng phan nhúm lên một tinh thần đoàn kết, chia xẻ vô cùng mạnh mẽ. Đi hay ở?

Đi hay ở ? Ở, không đi chuyến này, nay mai đáp xe lửa xuống Hải Phòng cũng đâu có muộn ... Nghĩ thế, Phan thản nhiên đưa trả cái công văn lại cho cha xứ, hỏi trống không:

- Thưa, cha nào, thầy nào muốn giữ chỗ, xin cho con biết để lập danh sách.

Yên lặng. Phan lắc đầu, nói ngay:

- Không có tên con đâu.

Cha quản lý cũng lắc đầu:

- Tôi bảy mươi rồi, còn đi đâu nữa.

Cha xứ cười:

- Thôi được, cứ suy nghĩ đi, ai đi thì lên danh sách rồi mai đưa sang cho họ để họ còn xếp đặt.

Bữa cơm tối thực buồn tẻ. Hình như ai cũng suy nghĩ về vấn đề đi hay ở. Trước đây, nó đã từng là vấn đề để mọi người bàn cải. Nhưng hồi đó, cái hạn chót chưa tới, quyết định cuả mọi người nếu có, chỉ là tạm thôi. Nhưng bây giờ đã đến giờ phút quyết liệt, khiến mọi người đều cảm thấy bối rối. Cuối cùng đêm hôm đó, không có ai vào danh sách cả.

Lại một đêm làm mọi người, kể cả Phan mất ngủ. Sáng hôm sau, Phan đặt tờ khai lên bàn cha xứ để ai muốn đi thì tự ý ghi vào. Sau đó, chàng lấy xe phóng xuống hiệu cuả ông ngoại chàng ở phố Hàng Bột. Phan quên hẳn cái danh sách đi máy bay, đầu óc chàng đang luẩn quẩn xem phải nói thế nào với Nụ. Sau cùng, chàng quyết định cứ nói thật cho nàng hay, nhất là có Hằng đi theo. Tuy nhiên, Phan cũng phải bỏ thêm vào đó năm trăm cho đủ số tiền nhà chuà đòi hỏi và thừa mấy trăm để nàng có chút tiền tiêu riêng những lúc cần.

Hằng đã đứng chờ Phan ở cửa. Hai anh em đi bộ sang chuà Bích Câu. Trên đường đi, Hằng bỗng thắc mắc:

- Anh Phan, ni cô có biết anh là ông thầy tu công giáo không?

Vấn đề này, bây giờ Phan mới để ý tới:

- À, anh cũng không biết nữa. Chắc là không. Các thầy bây giờ ăn mặc như người thường, khó ai nhận ra ...

Hằng yên lặng với lời giải thích cuả Phan.

Chuà vẫn vắng vẻ. Hai người đợi bà sư già vào thông báo đến mười lăm phút sau mới thấy Nụ ra. Phan giật mình, trông Nụ tiều tụy hơn trước. Mặt tái mét, môi thâm, mắt lờ đờ.

Gặp Phan, nàng rất mừng, nụ cười héo hắt:

- Anh Phan đến chơi.

Phan hơi gật đầu, giới thiệu Hằng:

- Cô Diệu Hạnh, đây là Hằng, em họ tôi.

Nụ hơi cúi đầu, khẽ nói:

- Chào cô.

Hằng thấy sắc mặt nhợt nhặt cuả Nụ, nàng tỏ ra rất quan tâm:

- Ni cô có khỏe không. Ở trên này có dễ chịu hơn dưới quê không?

Nụ đưa hai người ra góc sân để nói chuyện. Vừa đi vừa trả lời Hằng:

- Thoải mái hơn dưới quê nhiều, vì không bị nhòm ngó sách nhiễu.

Sợ Hằng không hiểu, Phan giải thích:

- Ở dưới quê, bọn kia họ kiểm soát giới tu sĩ gắt lắm. Vì thế cô Diệu Hạnh mới phải lên tu trên này , Hằng ạ.

Hằng ái ngại:

- Tội thực.

Phan chợt nhớ đến tiền, đưa mắt nhìn chung quanh, rồi nói:

- Cô Diệu Hạnh à, cụ Nam có gửi tiền lên cho cô đây.

Mắt Nụ sáng lên:

- Thực không anh ?

Phan đưa phong bì tiền cho nàng, nói:

- Đủ ba ngàn đồng cho chuà thôi nhé.

Vì số tiền đưa cho Nụ hơn ba ngàn, Phan không dám nói rõ vì có sự hiện diện cuả Hằng. Nụ sẽ hiểu số tiền dư này nàng có thể dùng.

Nụ cầm lấy tiền, sung sướng và cảm động đến rơi nước mắt:

- Thầy tôi đã nói hết với anh rồi à ?

- Cô khỏi thắc mắc, miễn sao được việc cho cô thì thôi.

- Không có nó thì tôi cũng đến khổ thôi.

Lời tâm sự đó, bỗng nhiên làm Phan cảm thông được những khó khăn cuả nàng lúc này.

Một làn gió lạnh thổi tạt qua ba người. Hằng hơi rùng mình. Bất chợt nàng để ý thấy Nụ chỉ mặc có một chiếc áo nâu sòng mong manh, buột miệng hỏi:

- Ni cô có lạnh không ?

Phan nhìn thấy đôi môi tím ngắt thì biết rồi. Nhưng Nụ lắc lắc đầu, tay chỉ vào bì tiền, gượng cười:

- Không, cô ạ, có được cái này thì tôi hết cả lạnh rồi.

Hằng khẻ lắc đầu.

Nghĩ cũng chẳng còn chuyện gì nói nữa, Phan nhìn lên chuà, nói:

- Thôi, chúng tôi về để cô còn lo Phật sự.

Bỗng Hằng nhìn Nụ, thân mật:

- Nhà em gần đây. Nếu có gì cần, xin cứ lại tìm em. Lúc nào rãnh em sẽ sang thăm ni cô. Được không ?

Nụ cười rạng rỡ:

- Tốt quá ấy chứ.

Nụ tiễn hai người ra tới cửa. Hằng chỉ cho Nụ biết đường đến tiệm thuốc nhà mình. Nụ luôn miệng cám ơn. Khách đã đi rồi mà nàng vẫn còn hé cửa nhìn theo.

Trên đường về, Hằng khẽ nói:

- Bên Phật giáo họ tu khổ thực. Trời thu lạnh thế này mà chỉ mặc có một tấm áo như vậy sao chịu nổi. Em thấy cô ấy cầm bao tiền mà tay run quá.

Phan cười:

- Cũng có thể vì sung sướng.

- Đúng. Như cô ta có nói xa xôi, nếu không có tiền thì cứ là khổ với các bà sư khác.

Hằng cứ thắc mắc về Nụ mãi dù đã về đến nhà.

 

CHƯƠNG lV

Phòng khách thực lạnh lẽo, vắng vẻ. Ông bõ xuống tinh thần trông thấy. Ông chẳng thiết làm gì, kể cả việc gây cái lò sưởi hay phải xuống nhà lo cơm chiều, ông cụ luẩn quẩn hàng giờ ở đây. Cha chính xứ thì ngồi yên như tượng, chẳng nói chẳng rằng.

Phan nhìn bản copy danh sách chuyến bay cuối cùng rời Hà Nội vào tuần tới, tiếc là không có tên mình. "Phải, nếu mình ghi tên trước, chưa chắc thầy Kính đã di cư". Mấy hôm rồi, hai người từng cam kết với nhau là cầu nguyện, và chỉ một người có thể đi mà thôi, người kia phải ở lại với xứ đạo ... Và cuối cùng, thầy Kính đã lẳng lặng ghi tên lên danh sách vào phút chót. Còn Phan, nỡ bỏ nhà mà đi không ? Thực ra chẳng ai có quyền giữ chàng lại trừ nhà cầm quyền mới, nhưng họ chưa tới mà. Không đi máy bay từ Hà Nội, Phan có thể xuống Hải Phòng, rồi tính. Dễ quá.

Cha chính xứ thì không vậy. Cái nặng nề không phải là một chuyến máy bay, mà là chức chính xứ cuả ngài ... Bỗng cha nói:

- À, Phan, cha quên chưa cho con biết, mấy hôm trước có lệnh thuyên chuyển cha phó cuả mình sang làm chính xứ Hàm Long. Nhưng bắt đầu từ hôm nay, cha phải về địa phận để giúp Đức Cha một số việc trước khi về xứ mới.

Tin này làm Phan hoang mang. Vậy xứ mình chỉ còn hai cha già và mình thôi. .. Nếu mình đi nữa thì ...

Phan lặng người. Sau cùng, chàng nói:

- Vậy chỉ còn cha và cha quản lý ... thôi.

Cha xứ gật đầu:

- Bây giờ thì tạm như vậy ...

Đến bây giờ, ông bõ mới nói:

- Thầy Phan, thầy quên con với thầy à. Mình còn lại tới bốn người ...

Có lẽ đây chỉ là lời tự an ủi hoặc là có ý ràng buộc mọi người cuả ông bõ, vì ông biết rằng bất cứ lúc nào, Phan, và kể cả hai cha nữa, có thể bỏ xứ để di cư vào Nam. Ông ta biết chỉ có mình ông là chắc chắn ở lại.

Thấy mọi người đã bắt đầu muốn nói chuyện, tuy không nhìn rõ chữ, Phan cũng rở tập hồ sơ nhà trường ra, nói:

- Thưa cha, hôm trước bên Tổng Ủy Di Cư họ có cho mình mấy nghìn để dọn dẹp nhà trường. Con đã gọi người làm rồi. Chắc mai hoặc kia họ lại. Mình cứ làm sạch sẽ đi đã, còn vấn đề sửa chữa thì cứ tạm gác lại.

Cha xứ gật đầu:

- Con tính thế nào cho tiện thì thôi. Cha nghĩ, năm nay trường mình cũng khó có thể khai giảng được. Đợi tình hình xem sao đã.

Phan nói với ông bõ:

- Từ mai, bõ phải thay tôi trông coi thợ làm đó. Khi cần, hãy gọi tôi.

Chợt nhớ ra một điều quan trọng, Phan tiếp:

- Thưa cha, bên ngoài bây giờ hơi lộn xộn. Một số người dân lao động, họ nghĩ ngoài kia vào là họ sẽ "oai" lắm nên đã bắt đầu lên mặt rồi. Tối hôm qua, mấy anh cảnh sát bị một đám xích lô vây đánh "trả thù" ở ngoài bờ hồ. Hai ba bà đi chợ bị anh xích lô hất xuống đường vì cái lỗi là thời nay mà "dám ăn mặc sang trọng". Các cha mặc áo dòng cũng nên cẩn thận khi ra ngoài.

Mới bẩy giờ chiều mà trong phòng khách không còn nhìn rõ mặt nhau, Phan với tay bật đèn, rồi nói:

- Thôi bõ đừng lo gì hết. Xuống lo cơm nước đi. Cha quản lý đi kẻ liệt cũng sắp về rồi.

Ông bõ yên lặng đi ra. Nhưng vừa định mở cửa, ông sực nhớ điều gì, quay lại bên Phan, nói:

- Thầy Phan, lúc thầy tiếp đám thợ dưới nhà trường, cô Hằng cho người đưa cái thư.

Phan giật mình. Chưa bao giờ Hằng viết thư cho chàng.

Trong lúc Phan nhận thư, cha xứ tiện miệng hỏi:

- Bao giờ bên cụ ngoại đi ?

- Thưa cha, sau Trung Thu.

Cha như không để ý tới câu trả lời cuả Phan, yên lặng bỏ đi theo lối ra nhà thờ. Còn lại một mình, Phan xé thư Hằng ra đọc. Thư vắn tắt chỉ có vài chữ:

"Anh Phan, Cô Diệu Hạnh đau nặng, em đã cho chở vào bệnh viện Bạch Mai.

Em,

Thuý Hằng".

Tự nhiên Phan thấy hoảng. Mấy hôm trước, Hằng có nói Nụ đau và đã đưa ra ông ngoại chữạ Không ngờ bệnh nặng đến nỗi phải vào nhà thương. Cái ông bõ thực lẩm cẩm. Thư đưa từ sớm, mà mãi đến bây giờ mới tới tay mình. Chắc nặng nên Hằng mới báo cho Phan. Không chậm trễ, Phan đi nhanh xuống nhà bếp. Ông bõ đang lui hui thổi cơm, Phan nói mau:

- Nhà cứ ăn cơm trước. Tôi có chuyện gấp phải đi. Nhớ xin phép cha dùm tôi.

Không cần biết ông ta đã nghe rõ chưa, Phan lật đật dắt xe ra, nhẩy vội lên đạp gấp. Mới chập tối, đường phố đã vắng tanh, chẳng bù với thời trước, giờ này mới là lúc người ta đi chơi. Phan không còn thì giờ ngắm trời đất như mọi lần có việc ra phố. Chàng cắm đầu đạp xe, không để ý cả đến cái lạnh cuả gió heo may. Mười lăm phút sau đã tới hiệu thuốc ông ngoại. Giờ này, ông cụ còn đang tiếp khách. Phan gặp Hằng ngay cửa, Hằng trách ngay:

- Sao anh tới muộn vậy.

Phan vừa thở, vừa nói:

- Cái ông bõ phải gió ấy mới đưa thư em đây này. Tình trạng cô ta ra sao ?

Hằng lắc đầu:

- Hiện giờ thì không biết. Trưa nay, người nhà chuà ra nói cô Diệu Hạnh muốn gặp em, em tới thì cô ta đã xỉu rồi. Em phải gọi gấp xích lô đưa cô ấy vào phòng cấp cứu cuả bệnh viện. Bây giờ thiếu bác sĩ ghê gớm. Ai cũng sửa soạn di cư cả. Mấy cô y tá cứu tỉnh cô ấy nói chưa biết bệnh gì, phải chờ bác sĩ khám. Em thấy không còn nguy hiểm nữa nên về nhà. Mấy ma sơ coi khu đó em quen nên cũng đã gửi gấm cô ấy. Bây giờ anh tính sao ?

Hằng rất thông cảm cho cái vị thế cuả Phan. Giữa nơi xa lạ, Nụ chỉ có mình chàng có thể gọi là "người thân". Nếu chàng không giúp đỡ nàng thì còn ai. Mấy bà sư già thì không biết gì. Họ lo cho họ cũng chưa xong. Vì thế, Phan không ngần ngại bảo Hằng:

- Anh muốn đi thăm cô ta. Em cũng đi nhé.

Hằng hơi ngần ngại, cuối cùng cũng bằng lòng. Hằng đi xích lô, Phan đạp xe theo. Từ Hàng Bột đến Bạch Mai phải đi hết phố Huế, nên mất hơn nửa giờ mới tới nơi. Đang giờ thăm viếng, kẻ ra người vào ồn ào, tấp nập. Mùi thuốc, mùi e-te lẫn với hơi người tạo thành một mùi hôi rất khó chịu. Bệnh nhân thì đông, tìm được cô y tá thực là khó khăn để hỏi thăm vì Nụ không còn ở phòng cấp cứu nữa. Đang lang thang, hai người may mắn gặp ma sơ quen Hằng ngay lối đi.

- Thưa ma sơ, cô bạn con hiện nằm ở đâu ?

Sơ Margarette thấy Hằng, vui vẻ:

- Để ma sơ đưa con đi.

Quẹo vào khu phụ nữ, sơ Margarette mới thấy Phan, hỏi:

- Đây là ...

Hằng giới thiệu:

- Anh Phan, con bác cả con. Anh đang giúp xứ ở Hà Nội.

Sơ cười:

- May mà đưa cô bạn con vào kịp, không nguy.

Phan vội hỏi:

- Thưa ma sơ biết bệnh gì không ?

- Kiệt sức, thiếu máu. Nếu để lâu, có thể tim không làm việc nữa.

- Tình trạng bây giờ sao ạ ?

Vừa tới cửa phòng 32, sơ Margarette ngưng lại, tay còn nắm quả đấm, gật đầu:

- Khá rồi. Có thể ngày mai xuất viện được. Nhưng với điều kiện là phải nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ.

Vừa nói, sơ vừa mở cửa cho hai người, nhưng không vào, nói:

- Trong này, vào đi.

Hai người vào trong, sơ Margarette đóng cửa lại. Thấy động, Nụ trở mình quay ra. Nàng mặc đồ nhà thương màu xanh nhạt. Tay đang được chuyền nước biển. Thấy Phan và Hằng, Nụ ngạc nhiên, khẽ la lên:

- Hằng ...

Nước mắt nàng tự nhiên chảy ra chan hoà. Hằng đến bên, nắm lấy tay Nụ.

- Ni cô thấy thế nào ? Đỡ mệt chưa ?

Nụ nghẹn ngào không nói được, chỉ gật đầu luôn mấy cái. Mãi sau, Nụ mới nói:

- Tôi biết chỉ có Hằng mới có thể cứu được tôi. Ở trong này, họ đối với tôi rất đặc biệt, nhất là bà gì đó... a bà ma sơ . ..

Hằng nói:

- Sơ Margarette là giáo sư cuả em ngày trước. Bác sĩ và y tá nhà thương di cư nhiều quá, thiếu người nên ma sơ tình nguyện vào đây giúp việc.

Nụ thắc mắc:

- Tôi bệnh gì vậy. Lúc đó, thấy mặt mày sây sẩm, tôi bảo bà giúp việc chạy ngay ra cô Hằng ... rồi ngất luôn, chẳng biết gì. Giá có chết cũng xong thôi !

Phan đỡ lời Hằng:

- Cô không có bệnh gì cả, chỉ do kiệt sức vì làm việc quá nhiều, mà không chịu ăn uống cẩn thận mà thôi.

Nụ lắc đầu:

- Cách nào mà nghỉ làm được. Cả một vườn rau, các sư kia thì già cả cả ... Còn ăn uống thì ... nhà chuà phải dùng đồ chay.

Hằng nghe nói coi vẻ không hiểu. Phan giải thích theo sự hiểu biết cuả mình:

- Nghiã là các sư không được ăn thịt, cá ... Suốt đời cũng chỉ rau đậu mà thôi.

Hằng hiểu ra, có phản ứng ngay:

- Thế thì tình trạng này, ni cô cũng không thể về được ... về rồi lại phải gánh nước tưới rau, nhặt cỏ ..., ăn thì những đậu phung cùng rau muống ... rồi lại phải vào đây gấp thôi.

Nụ cười buồn:

- Hằng đừng lo. Mỗi người có một nghiệp chướng mà, đi đâu cũng không thoát đâu.

Thấy Nụ không hiểu ý cuả Hằng, Phan lại phải giải thích:

- Không phải Hằng bảo cô phải bỏ chuà. Ở đây ma sơ nói nếu cô về, thì thứ nhất, phải tuyệt đối nghỉ ngơi một thời gian; thứ hai là phải ăn uống cẩn thận đầy đủ chất bổ dưỡng thì bệnh mới hết được. Nếu không, tình trạng sẽ nặng hơn. Đến lúc đó tim không còn hoạt động được nữa.

Nụ yên lặng. Hằng đề nghị:

- Để em xin ma sơ cho ni cô ở lại bệnh viện. Ni cô nghỉ ngơi và bệnh viện sẽ tiếp tục chuyền serum, cho ăn uống cẩn thận một thời gian. Khi nào khỏe hẳn hãy về.

Nụ phản đối ngay:

- Chết, tốn lắm.

Phan cười:

- Không tốn đâu ... nhà thương công mà.

Hằng nói thêm:

- Anh Phan nói đúng đó. Đây là bệnh viện nhà nước, không tốn tiền.

Nụ áy náy:

- Còn bao nhiêu việc ở chuà.

- Mấy cái vườn rau đó, mặc mấy bà sư kia. Trước đây không có ni cô thì sao, họ cũng phải làm vậy. Cần nhất bây giờ là sức khỏe cuả mình. Nếu mình mạnh thì mới giúp người khác được chứ. Cứ gắng gượng rồi mà chết à.

Nụ không cải lại Hằng, đành nín thinh. Phan nhìn sắc diện cuả Nụ, trông còn tệ hơn hồi mới lên, nên nói vào:

- Hằng nói phải đó. Cô chịu khó ở đây ít ngày để bệnh viện lo cho. Đời mình còn dài mà, khỏe rồi tha hồ mà lo Phật sự.

Nụ gượng dậy, nhưng Hằng đẩy nhẹ nàng nằm xuống:

- Ni cô nằm nghỉ đi. Thấy cô đỡ rồi, tụi này cũng yên tâm.

- Xin Hằng báo cáo với chuà dùm ...

- Được, để sáng mai. Bây giờ khuya rồi.

Nụ giật mình:

- Làm phiền anh Phan với cô nhiều quá.

Phan lắc đầu:

- Không sao. Thôi, cô nghỉ nhé. Lúc nào tiện, chúng tôi sẽ đến thăm. Cứ yên trí ở đây, mọi sự có ma sơ lo cho.

Lại một lần nữa, Nụ muốn xuống giường tiễn khách. Hằng phải đưa tay ngăn lại, nói:

- Thôi, ni cô đừng khách sáo.

Hằng khẽ lắc đầu khi thấy hai dòng nước mắt đang từ từ chảy trên đôi má xanh xao cuả Nụ.

Ra đến hành lang, Phan khẽ nói:

- Cô ta chỉ có chúng mình là người quen thôi. Số cô ta còn may, nếu không, chết rũ trong chuà rồi.

Hằng gật đầu:

- Em thấy cô này là còn người nhiều tình cảm lắm. Cũng tội, mang thân gửi vào nhà chuà cũng không xong.

- Cụ Nam nói cô ta đòi đi tu từ thuở nhỏ.

Hai người ghé qua văn phòng trực. Sơ Margarette bằng lòng cho Nụ ở lại bệnh viện với những y phí không quan trọng lắm vì Nụ không cần tới bác sĩ chuyên môn điều trị.

Ra tới cửa bệnh viện, Phan nói:

- Mai em cho chuà hay tin để họ vào thăm nom cô ta.

Hằng gạt đi:

- Thôi anh, họ không giúp gì được Diệu Hạnh, mà nhiều khi còn gây phiền phức ra. Cứ để cô ta nằm đây dăm bữa, khỏe rồi về. Trong thời gian này, nếu lúc nào rãnh rỗi, em sẽ đến thăm.

- Nhà mình sắp đi rồi, em cũng bận.

- Còn cả tuần nữa cơ.

Nói đến đây, Hằng lại buồn:

- Anh không đi chung, tụi em cũng mất vui.

Phan cười:

- Đừng nhảm. Cứ đi trước đi. Không chừng anh sẽ xuống Hải Phòng đi chung với chị cả. Mình sẽ gặp nhau trong Nam mà.

- Anh hứa đấy nhé.

Phan gật đầu đồng ý, rồi gọi xe cho Hằng. Phan đạp xe theo sau cho đến tận nhà rồi hai anh em mới chia tay.

Gần chín giờ đêm Phan mới về tới nhà chung. Đèn trong phòng ăn cơm sáng nhưng thực yên lặng. Chàng vừa gõ cửa, bên trong xon xao, tiếng kéo ghế, tiếng chân di chuyển.

Phan nghe ông bõ nói, giọng mừng:

- Chắc thầy Phan về.

- Phải đó, mở cửa đi.

Cửa mở, Phan thấy cả ba người: Cha xứ, cha quản lý và ông bõ đều đứng gần cửa ra vào. Mặt ai cũng có vẻ mừng rở. Chàng ngạc nhiên không biết họ đang làm gì.

Phan lên tiếng:

- Con xin lỗi có chút việc phải ra ngoài.

Phan chợt thấy mâm cơm vẫn còn nguyên, bốn chiếc bát và bốn đôi đũa để ngay ngắn trên bàn ăn phủ khăn trắng.

Phan ngạc nhiên:

- Kià, nhà chưa sơi cơm à?

Cha xứ không trả lời ngay câu hỏi, buồn rầu nói:

- Tối nay thầy Kính dọn đồ, xin phép ra ngoài với ông cậu để về Hà Đông thăm bà con trước khi đi. Mọi người nghĩ chắc thầy ấy không về đây nữa đâu.

Ông bõ lanh miệng:

- Chúng con cũng tưởng bên cụ ngoại gọi thầy về để ...

Phan hiểu ý, cười lớn:

- Gớm cái ông bõ này thực lẩn thẩn. Lúc tôi đi, đã nói ông thưa với cha xứ cho tôi, ông lại nghĩ quẩn.

Tuy nói thế, nhưng Phan cảm nhận ngay được sự sợ hãi bị bỏ lại cuả những người ở đây... Chàng nói lớn:

- Hai cha và ông bõ cứ yên trí đi, từ nay, mình sẽ không còn ai đi đâu nữa .. Thôi mời hai cha lại sơi cơm.

Phan nói xong, bỗng cảm thấy có một vấn đề gì không ổn. Ừ, lúc nảy nói chuyện với Hằng, chàng đã hứa là anh em sẽ gặp nhau ở trong Nam. Đến giờ, chàng lại hứa với hai cha là ở lại. Xét cho cùng cả hai lần đều là những lời thành thực thốt ra từ đáy lòng chàng. Phan có cảm tưởng như mình chưa sẵn sàng dứt khoát, và hình như chàng đang có một cái gì đó còn dang dở ở nơi này ... ở cái thành phố này. Phan vừa nghĩ, vừa đẩy hai cha lại bàn ăn. Hai cha như con nít được tặng quà, líu ríu theo Phan.

Phan kể chuyện:

- Cô Hằng nhà con có một người bạn bị đau phải vào khu cấp cứu trong bệnh viện Bạch Mai. Nó viết thư nhờ con ghé qua gửi gấm dùm với anh bạn làm y tá ở đó. Xong việc là chúng con về chứ có phải toan tính di cư đâụ Rõ thật cái ông bõ này.

Cha xứ mới thở ra:

- Thì tôi cũng đã bảo nếu thầy muốn đi thì đã nói thẳng với mọi người rồi ...

Cha quản lý cười, có vẻ yên tâm:

- Thôi, không sao, không sao ... ăn cơm đi đói rồi.

Mọi người vui vẻ ăn cơm. Nhưng, Phan nhìn chiếc bát và đôi đũa đã được dọn ra cho thầy Kính, bất giác lòng chàng thắt lại. "Nếu mai mình cũng bỏ đi ... thêm một cái ghế nữa bỏ trống ... và ở đây chỉ còn ba ông già ... gần đất xa trời. Và nếu một người lại nói con muốn di cư hay chẳng may Chuá cất về, thì không biết những người còn lại sẽ ra sao ? Có lẽ điên lên mất! Nhưng chẳng lẽ, mình ở lại đây để chờ chôn cất các cụ ấy hay sao. Thay thế họ thì cũng chưa đến lượt mình".

Trong lúc đó, cha xứ nói chuyện vui, pha trò:

- Cha phó mình được lên chức quên cả anh em. Thế nào cũng bắt ngài khao tụi mình một bữa chứ ?

Ông bõ ... góp lời:

- Đồ cuả ngài còn để cả đây ... Ngài mà không đãi, con không cho mang đi đâu. Để rồi hai cha và thầy xem, con có dám làm không.

Cả nhà cười rộ lên. Không khí vui vẻ, ấm cúng trở lại với mọi người. Sau bữa ăn, cả bốn người ngồi lại nói chuyện với nhau rất khuya. Những kỷ niệm xa xưa cuả từng người được kể lại cho nhau nghẹ Vui có, buồn có ... đau khổ cũng có. Họ như không dám rời nhau ... vì sợ rằng sẽ có kẻ bỏ anh em mà đi. ..

Đêm nay, ngoài trời mưa rơi rả rích.

 

 CHƯƠNG V

Hôm nay đã là mười bốn tháng tám rồi, chỉ còn hai ngày nữa là ông và gia đình cậu mợ hai sẽ đáp máy bay vào Sài Gòn. Nhưng khi Phan đến, hiệu thuốc cuả ông vẫn còn khách. Phan dắt xe đạp vào ngõ, đi lối cửa sau.

Mợ hai ra mở cửa, thấy Phan, bà vui vẻ:

- Nhà đang chờ cháu đấy.

- Cháu xin lỗi. Ra đến cửa rồi còn có khách tới biếu bánh cha xứ. Người không có ở nhà nên cháu lại phải tiếp.

Bà mợ lắc đầu:

- Không sao. Vào đây.

Phan theo vào nhà khách. Mâm cỗ trung thu đã sắp sẵn trên bàn ăn. Cậu hai đang ngồi đọc báo ở cỗ ngựa gần đó.

Thấy Phan vào, ông bỏ báo xuống, gọi :

- Lại đây chơi đợi ông một chút. Đã nói hôm nay đóng cửa sớm, ông không chịu. Cụ cứ muốn báo việc đóng cửa hiệu với từng người khách một cơ.

Ông thân mặt, hạ giọng nói nhỏ:

- Cháu lo tìm người bán đồ trong hiệu đi. Không kể quầy, tủ, nguyên thuốc cũng không ít đâu.

Phan gợi ý:

- Nếu bán được giá, khi vào tới Sài Gòn, cháu sẽ gửi lại ông ...

Ông cậu gạt đi:

- Thôi cháu, cứ giữ mà tiêu. Ông lớn tuổi rồi, đâu cần gì tiền nữa.

Phan yên lặng, không muốn nói đi nói lại nữa. Chàng chưa thấy Hằng đâu, nên hỏi:

- Em Hằng đâu cậu ?

- À, ra phố rồi. Nó nói anh đến ăn cơm, thế nào cũng về kịp.

Vừa lúc đó, đã thấy tiếng Hằng léo nhéo từ ngoài hiệu thuốc vọng vào:

- Anh Phan đến chưa ông.

- Tao cũng không biết.

Có tiếng Hằng thở dài, coi vẻ mệt nhọc. Phan vội bước ra. Chàng thấy Hằng đang khệ nệ ôm một bọc lớn.

- Mua gì mà nhiều thế ?

- À, anh Phan. Đến lâu chưa ?

- Chừng mười phút thôi.

Hằng cười:

- Em căn cũng trúng đấy chứ.

Phan giúp Hằng mang đồ vào trong. Cậu Hai thấy nhiều đồ cũng hỏi:

- Con mua gì nhiều vậy ?

- Ít quà cho anh Phan và bạn bè con. Anh Phan đưa nó lên phòng với em đi ... Ngoài này chẳng còn chỗ nào ngồi được nữa.

Hằng nói đúng. Cả phòng khách ngoài cái bàn ăn và cỗ ngựa ông cậu ngồi, không còn một thứ đồ nào khác. Nhưng vào đến phòng của Hằng, Phan mới thấy là ở đây cũng chỉ còn trơ trọi một chiếc nệm đơn để Hằng nằm. Phan vừa để mấy gói đồ xuống sàn nhà, Hằng đã tiện tay đóng cửa lại. Phan hơi ngạc nhiên, nhìn sững cô em.

Hằng như không biết cái thắc mắc cuả Phan, nàng nói nhỏ:

- Trưa nay em vào thăm Diệu Hạnh. Cô ấy khoẻ lắm rồi. Em có mua cho ít đồ lót và vài cái áo cánh. Thực tội. Con gái gì mà mặc đồ đâu đâu . ..

Hằng có biết đâu, Nụ chỉ là một cô gái quê muà. Dù lời ăn tiếng nói tỏ ra là con nhà gia giáo, nhưng đời sống quá bình dân, so sánh làm sao được với các cô ở thị thành. Nhưng, đó là một vấn đề rất tế nhị cuả các cô, Phan không dám góp ý. Vừa nói, Hằng vừa soạn ra một đống đồ phụ nữ. Phan là đàn ông, hơn nữa, một người đi tu, nên cũng hơi ngượng. Hằng gói đồ lại cẩn thận, rồi nói:

- Chốc nữa, em bận không đi được, anh chịu khó đưa đến cho cô ta nhé.

Từ hôm Nụ nằm bệnh viện đến nay đã cả tuần rồi, Phan đến thăm tất cả hai lần và cùng đi với Hằng.

Nghe Hằng nói, Phan không khỏi lưỡng lự. Hằng tiếp:

- Anh không cần nói gì cả, tất cả những gì em muốn dặn, sẽ viết vào giấy. Tiếc rằng em đi Sài Gòn, nếu còn ở lại, làm bạn với Diệu Hạnh cũng vui. Thật thà, hiền dịu. Sáng nay em lại chơi lâu lắm, có rủ cô ấy mai đi lên phố xem Tết Trung Thu ... nhưng Diệu Hạnh có vẻ ngần ngại.

Phan thấy ý kiến hay:

- Thế cuối cùng thì sao ?

Hằng cười:

- Nói thế chứ mình bảo sao, cô ta làm vậy mà.

Phan thắc mắc:

- Nhưng ăn mặc ni cô mà đi chơi phố ... coi bộ không ổn đâu.

Hằng lắc đầu:

- Anh cũng quê nữa. Thiếu gì các ông sư, bà vãi đi phố.

Bên mình các cha, các sơ cũng vậy mà. Nhưng thôi, em cứ mang đi bộ quần áo cuả em để cô ấy nếu chịu thì mặc hoặc khoác măng tô ra ngoài cũng xong. Bây giờ trời đã trở lạnh rồi.

Trong khi Phan suy nghĩ về vụ đi phố bất ngờ này thì Hằng đã xếp xong một gói quà thứ hai, đặt trước mặt Phan nói:

- Còn đây là cuả anh. Em mua cho anh vài cái áo sơ mi, mấy cái cà vát thời trang.

Anh ở trong nhà xứ, nhưng lúc ra ngoài hoặc lễ lạy cũng phải ăn mặc đàng hoàng một chút chứ. Mai mốt còn vào trong đó nữa.

Phan cười:

- Cô lộn rồi, lễ lạy thì người ta đã có áo lễ chứ.

Nói thế, nhưng Phan cũng cảm động vì sự đối xử rất thân tình cuả cô em họ. Nó mới mười tám, mười chín tuổi đầu mà khôn ngoan, lịch duyệt. Thực ra, những cô gái thị thành, hơn nữa được giáo dục trong những trường nổi tiếng, cũng có khác những thiếu nữ bình thường.

Xong việc, Hằng nói:

- Đồ để cả trên này. Chốc nữa về, anh hãy lên lấy.

_ Khi hai người xuống tại nhà khách thì ông ngoại và cậu mợ Hai đã ngồi vào bàn ăn. Mùi thơm cuả đồ ăn bốc lên thực hấp dẫn.

Ba mợ nhắc:

- Hai đứa tới ăn cơm đi không ông chờ ...

Bữa cơm thực vui. Mọi người đều bàn về tương lai trong Nam. Ai cũng nghĩ là sẽ đi lập nghiệp ở một nơi nào đó. Có thể phải làm ruộng, làm vườn để sống. Nhưng cho dù khó khăn, vất vả biết mấy, nhưng được sống cuộc đời tự do, không sợ bị kìm kẹp dưới một chế độ hà khắc như các người hồi cư thường kể lúc họ còn sống trong Khu Tư với chính phủ ngoài đó. Nhất là những vụ đấu tố, sự thực đã xảy ra mấy tháng gần đây ở những nơi mà chính phủ cũ vừa trao trả cho bên kia. Đặc biệt là các tôn giáo, tất cả sẽ bị cho vào khuôn vào phép ... để rồi tiêu diệt dần dần. Phan nghe qua mà cảm thấy thực không yên lòng.

Tám giờ tối thì Phan xin phép về, hẹn còn vài ngày cuối cùng nữa, chàng sẽ thu xếp đến đây chơi luôn. Trong lúc Phan đang bận từ giã thì Hằng đã mang hai gói đồ xuống cho Phan. Nàng nói đuà:

- Đồ em tặng, anh phải dùng đấy ... Thầy bà gì ăn mặc xú xứa quá ...

Ông ngoại và cậu mợ cũng cười. Mợ Hai nạt Hằng:

- Con này chỉ hỗn thôi.

- Con nói thực mà... đấy mẹ xem anh ấy đó ...

Phan cười gượng:

- Hằng nói đúng đấy mợ. Con cứ nghĩ mình đi tu, diện làm gì... nhưng cô ấy không chịu.

Ra đến ngõ, Hằng nói nhỏ:

- Anh vào ngay đi. Chín giờ nhà thương không cho thăm nữa đâu. Nói là chiều mai năm giờ mình tới đón cô ấy.

Phan trợn mắt:

- Cả anh nữa.

- Chứ sao. Mai là Tết Trung Thu cuối cùng cuả mình ở Bắc, anh thấy không. Phải đi

chơi cho thoả thích ...

Bỗng có một vài hạt mưa sa trước mặt, Hằng nhìn trời lo lắng:

- Mưa. Lại mưa ... Tới mười bốn mà chẳng thấy trăng đâu ... rõ khỉ.

Phan an ủi:

- Không sao. Mai mới rằm cơ mà.

Phan buộc đồ vào "poọc-ba-ga" rồi dắt xe ra ngoài:

- Thôi Hằng vào đi, không bị mấy hạt mưa lại cảm chết.

- Anh đi. Cẩn thận không đồ rơi giữa đường đó.

Phan vừa lên yên vừa nói:

- Yên trí đị Anh sẽ để ý.

Gần hết giờ thăm viếng, bệnh viện thực vắng vẻ Thỉnh thoảng, một vài cô y tá thoắt xuất hiện ở cuối hành lang rồi vụt biến đi ngả nào mất. Ánh đèn nê-ông làm màu xanh nhạt cuả những bức tường trở nên bệnh hoạn.

Phan đi rất nhẹ như kẻ sắp sửa làm chuyện lén lút, sợ tiếng chân mình gây sự chú ý cuả người khác. Nhất là khi đứng trước căn phòng số 32, Phan nghe cả thấy tiếng tim mình đập thình thịch trong lồng ngực. Phan chưa từng có cảm giác lạ lùng này. Chẳng lẻ có gì sau cánh cửa kia. Không, chỉ có Nu. Nụ đang ở trong đó.

Phan đứng tới hai ba phút mới gõ cửa. Đây là lần đầu tiên Phan gặp Nụ riêng một mình ở nơi thanh vắng. Hồi hộp quá! Á, không thấy ai lên tiếng. Lạ! vậy kià. Nụ đâu ? Không còn ở đây nữa à? Hay đã có chuyện chẳng lành? Sau một lúc suy nghĩ, Phan liều mở cửa.

Phan thoáng mừng vì Nụ đang nằm đó, trên giường nệm, khăn trải giường trắng tinh.

Thấy Phan vào, Nụ ngồi dậy, ngỡ ngàng:

- Hằng đâu ?

Phan lúng túng:

- Hằng không tới. Sao ?

Nụ từ ngạc nhiên tới xúc động, ngồi yên không nói gì.

Phan rất nhẹ:

- Sao không lên tiếng.

Nụ vẫn yên lặng. Phan đến bên:

- Nụ, tôi hỏi, sao không trả lời vậy.

Nụ nhìn lên:

- Tại không biết. Ở đâỵ .. y tá họ đâu có đợi trả lời.

Bỗng Phan thấy Nụ hình như dơm dớm nước mắt:

- Nụ, sao vậy. Có gì làm cho Nụ buồn vậy ?

Nụ lắc đầu:

- Không.

Phan đưa gói đồ:

- Hằng nhờ đưa quà tặng Nụ.

Nụ cười buồn:

- Vì thế anh mới phải vào đây ?

Nụ nhấn mạnh chữ "phải" làm Phan hơi bối rối, chống chế:

- Không phải.

Vừa trả lời, Phan vừa đưa gói đồ lớn bằng nửa chiếc gối cho Nụ. Nàng hững hờ cầm lấy, rồi để một bên khẻ nói:

- Bao giờ về?

Phan nhíu mày:

- Ngày kia. Mai là Tết Trung Thu rồi. Chiều, Hằng đưa Nụ đi phố chơi, rồi hôm sau Nụ sẽ xuất viện.

Nụ lắc đầu:

- Không đi đâu.

Phan ngẩn ra:

- Hằng nói Nụ bằng lòng rồi mà.

- Bây giờ thì không, có được không.

Phan ngạc nhiên khi thấy lời lẽ cuả Nụ có khác trước. Có thể sau một thời gian nằm ở đây, tiếp xúc với người thị thành, và nhất là với Hằng, Nụ khôn lanh, dạn dĩ ra.

Phan tưởng thật, dò:

- Thôi mà. Làm vậy Hằng nó buồn. Mình đi tới chừng chín giờ thì về. Sống ở đây, Nụ cũng phải biết phố xá một chút chứ.

Mắt Nụ sáng lên:

- Vậy cả ba cùng đi chứ?

Phan gật đầu:

- Ừ, cả ba.

- Vậy bằng lòng.

Nghĩ ngợi sao, Nụ lắc đầu:

- Xin lỗi, đuà một tí, anh đừng giận nhé.

Phan thấy Nụ có thần sắc hơn xưa rất nhiềụ Tĩnh dưỡng ở bệnh viện chừng một tuần mà người trông thấy khác hẳn.

Chợt nhớ lời dặn cuả Hằng, Phan nói:

- Hằng có mấy chữ cho Nụ ở trong gói quà. Hằng dặn gì, nhớ gắng theo không nó giận đấy.

Nụ không trả lời, đôi mắt còn long lanh ngấn lệ, nhưng ngời sáng nhìn Phan, khẻ gật đầụ Tự nhiên Phan vừa sợ hãi, vừa cảm thấy rất ấm áp trong lòng. Trước đây, chỉ có Hằng là người con gái độc nhất dám nhìn sâu vào mắt Phan, nhưng với nỗi niềm thương xót, ái ngại cuả một người em. Và hôm nay, Nụ, người con gái thứ hai, nhưng khác Hằng, đã nhìn Phan với ánh mắt tha thiết, như không muốn dời. Sau giây phút bỡ ngỡ, Phan nhìn lại nàng thì Nụ lại bẽn lẽn cúi xuống.

Phan nói bâng quơ:

- Ngoài trời lất phất mưa, đêm nay lạnh đó.

Nụ lắc đầu, Phan không hiểu sao Nụ lại lắc đầu, nàng nói:

- Mời anh ngồi.

Phan ngó quanh, thấy cái ghế đẩu ở góc phòng, từ chối:

- Thôi. Mai năm giờ Hằng tới đón.

- Hằng?

- À, không cả hai.

Nụ nhìn lên:

- Nhớ đừng quên.

- Nhớ chứ. Thôi về nhé.

- Vâng.

Phan sửa soạn quay ra, Nụ vẫn ngồi yên trên giường, chân co, chân duỗi, một tay chống, một tay che ngang mặt.

- Đi ngủ sớm cho khỏe.

- Vâng.

Phan không nhìn lại, hấp tấp mở cửa ra ngoàị Sau tiếng đóng cửa, Phan bỗng nghe có tiếng ai thở dàị..

Người lao công thấy Phan ra, đi theo, nói:

- Tôi dựng xe ở góc trái.

Phan giật mình quay lại:

- À, ông.

Chàng lấy năm đồng tặng người lao công, nhận lại xe và gói đồ. Bên ngoài trời đã trở lạnh, nhưng không mưa. Phan lên xe, đạp như cái máy, đầu óc đầy những hình ảnh và âm thanh trong căn phòng bệnh viện chật hẹp. Về tới nhà xứ, Phan thấy phòng khách vẫn còn đèn sáng, nhưng lúc này chàng như không muốn gặp ai, lẳng lặng dắt xe vào nhà bếp, rồi lên thẳng phòng riêng. Trong bóng tối, ánh mắt cuả Nụ như vẫn còn thấp thoáng sáng trong tâm trí Phan với một cảm giác khó diễn tả. Không phải vui, không phải buồn, càng không phải chán ghét. Nó như mang một tâm tình, một thông điệp nào đó mà Phan chưa đọc nổị. Nhưng có điều lần đầu tiên Phan nhận thấy nỗi cô đơn ... thực cô đơn trong lòng Nụ. May có Hằng. Hằng khôn ngoan và có tình, sẽ giúp Nụ. "Dù sao ở vị thế mình không thể làm gì hơn được. Mai mốt về chuà, có đồng đạo chung quanh, rồi việc làm luôn tay nàng sẽ khá hơn. Tuy nhiên, mình vẫn có cái “trách nhiệm giúp đỡ như đã hứa với cụ Nam, nên mình không thể bỏ qua những khó khăn cuả Nụ."

Suốt đêm, Phan cứ lẩn thẩn với những lý luận mãi như thế. Không có gì mới lạ hơn, nhưng Phan cứ lập đi lập lại trong đầu. Sáng nay, Phan dậy lúc trời vừa rạng đông. Chuyện hôm qua vẫn còn sôi động trong lòng chàng bằng một cái hẹn năm giờ chiều nay.

Phan ra nhà thờ sớm hơn mọi ngày. Chàng bật đèn trên cung thánh. Lễ ngày thường vốn ít người tới dự, nay, một số giáo dân đã di cư vào Nam, không biết rồi đây còn được bao nhiêu ngườị Phan quỳ trước bàn thờ cố tập trung tinh thần để cầu nguyện. Chàng xin Chuá soi sáng để có được một quyết định đứng đắn về vấn đề đi hay ở.

Chỉ vài ngày nữa, những người thân nhất sẽ bỏ thành phố này mà chưa biết đến ngày nào mới gặp lại, nếu chàng không đị Bù lại, chàng sẽ được gì, hay chỉ vì sự thương hại hai cha già ở đâỵ.. Trong lòng Phan lúc này thực bối rối khi yếu tố "Nụ" xuất hiện, như một lý lẽ biện minh thêm cho sự ở lại. Tại sao lại có Nụ ở đây ... nếu đêm qua Phan không lại thăm nàng một mình trong can phòng vắng vẻ để nhìn từ ánh mắt ấy một thông điệp mà suốt đêm suy nghĩ, Phan nghĩ đó là thông điệp cuả tình yêu. Có đúng vậy không. Bảy giờ, cha xứ và cha quản lý ra. Như mọi sáng, hai ngài yên lặng bước lên bàn thờ, dâng lễ đồng tế. Mùi hương ngây ngất toả rộng khắp cung thánh. Cho đến lúc này, từ trên Phan mới liếc nhìn xuống dưới những hàng ghế ... tất cả chỉ còn bốn người dự lễ, chỉ bằng phần nhỏ cuả những ngày tháng trước đây. Những bổn đạo ấy nay ở đâu ... có thể họ đã tới một nơi nào đó trong miền Nam tự do. Những lời dâng thánh lễ vang, thực vang trong toà nhà thờ rộng lớn. Tiếng thưa yếu ớt, rời rạc từ đâu vọng về. Thực buồn!

Xong thánh lễ, hai cha xuống thăm hỏi bổn đạo. Những người hiện diện hôm nay còn lại là cụ bà Hoàng, cụ Văn Ngõ Huyện, cụ Thái phố Nhà Thờ và chị Kim đường Gia Long.

- Hai cha có di cư không ạ ?

- Không, nếu cụ còn ở lại, chúng ta sẽ cùng giữ gìn giáo xứ này như xưa.

- Thưa cha, bổn đạo xứ mình đi đến một nửa rồi. Từ nay cho đến ngày ấy thì không biết sao.

- Ai có lý do chính đáng thì nên đi. Còn giáo dân ở lại, còn linh mục phục vụ.

- Còn thầy Phan.

Câu hỏi cuả cụ Thái làm chàng giật mình:

- Dạ, thưa chắc cháu ở lại.

Trả lời, nhưng Phan cũng không thể đo lường được mức độ xác tín cuả lời mình. Dù sao, Phan chỉ là một thầy giúp xứ, chưa có những ràng buộc như một linh muc. Có thể tới ngày nào đó, Đức Cha không gọi về trường "phi-lô" thì cũng xuất thôi. Mọi người chia tay trong nỗi ưu tư, chán nản.

Phan không ở nhà ăn sáng với các cha. Chàng xin phép ra phố lo vụ bán đồ trong tiệm ông ngoại.

- Thưa cha, hôm nay cho con nghỉ một buổi vì cụ con có nhờ gửi người bán ít đồ và giao căn nhà cho chủ mới. Có thể khuya con mới về.

Cha xứ gật đầu đồng ý:

- Thôi được, chỉ còn ngày nữa là cụ đi, thầy cũng giúp đỡ bên đó cho phải đạo. Trong nhà có nhiều bánh trung thu lắm, thầy chọn lấy một cân biếu cụ. Nhớ cho cha gửi lời thăm, chúc cụ và ông bà Hai nhiều may mắn trong Chuá và Đức Mẹ.

- Thưa cha, ông con cũng ít ăn bánh trung thu lắm. Vả lại, mai đi rồi. Chúng con xin đội ơn cha. Con xin phép đi.

Ông bõ vừa dắt xe đạp ra cho Phan, hỏi:

- Thầy có về ăn cơm tối không?

- Chắc không. À, thợ họ tới, tiếp tục cho làm. Bảo hốt than tro ngoài sân cỏ, xới đất lên để mai mốt cấy dặm lại. Bõ có muốn mua gì ngoài phố không ?

Ông bõ vừa lắc đầu, vừa trao ghi đông xe cho Phan:

- Cảm ơn thầy, con không cần gì cả.

Phan thư thả đạp xe qua những khu phố quen thuộc. Vòng qua bờ hồ. Bây giờ là giữa muà thu, hàng sấu rụng lá vàng như mưạ Mặt hồ buổi sáng sớm là là hơi nước. Xa xa trơ vơ giữa hồ, Tháp Ruà mờ ảo sau màn sương trắng đục. Phan đạp xe quẹo vào phố Hàng Đào, Hàng Ngang rồi đến cửa hiệu thuốc Trường Sinh cuả chú Sung.

Hiệu còn chưa mở hết mười phiến cửa dịch. Nhưng từ ngoài, đã thấy người làm công đang thái thuốc bên cái dao cầu. Thấy Phan bước vào, anh ta hỏi:

- Ông mua thuốc?

- Không, tôi có hẹn với ông chủ. Anh làm ơn bảo có ông Phan ...

Nhưng anh làm công chưa kịp đứng lên thì chú Sung từ trong đã vui vẻ đi ra:

- Ông Phan, vào đây.

Phan gật đầu chào, rồi theo chú ta vào trong, ngồi đối diện với chủ hiệu thuốc tại chiếc bàn nhỏ là chỗ để xem mạch cho khách.

Phan nói ngay để khỏi mất thì giờ:

- Tôi chẳng biết giá cả gì về mấy thứ thuốc đó.

Trước đây, ông cụ tôi cũng là khách hàng cuả ông, ông cứ kiểm kê rồi trả giá sao cho công bằng thì thôi.

- Còn bộ quầy, tủ thuốc.

- Tôi biết tính thế này, cũng khó khăn lắm, nhưng ông chủ lấy giúp cho.

- Thôi được, ông Phan đã tin ngộ, ngộ không để thiệt đâu. Ngộ có người em cũng sắp mở hiệu thuốc ở Hà Đông.

- Vậy trưa mai ông chủ lại.

- Được, được ngộ sẽ lại.

- Ông chủ cứ cho người chở đồ về, rồi trả tiền tôi sau cũng được. Tôi phải trao nhà

trống cho chủ mới.

Sau khi thấy chú Sung gật đầu đồng ý, Phan yên lòng ra về. Buổi sáng nay, trời thấp những mây đen. Gần mười giờ rồi mà nắng chưa làm tan hết sương mù. Đường xá mới lác đác người. Nhìn dọc phố Hàng Đào, nhiều hiệu chưa mở cửa. Tối nay ... Phan vừa nghĩ tối nay là nhớ ngay tới cái hẹn năm giờ ... Còn tới bảy tiếng đồng hồ nữa. Làm gì cho hết đây, dầu phải tới nhà ông xem ở đó có cần đỡ đần gì không. Phan thả xe, đạp từ từ dọc theo đường Nguyễn Thái Học để xuống Hàng Bột.

Hôm nay hiệu thuốc ông ngoại đóng cửa. Phải vậy chứ. Mai đi rồi, còn bao nhiêu thứ phải thu dọn. Phan vừa đưa xe vào bên ngõ, thì Hằng đã chạy ra:

- Anh Phan.

Hằng niềm nở hơn mọi ngày:

- Vào đây, nhà vừa cắt mấy chiếc bánh nướng Đông Hưng Viên ngon lắm.

Phan cũng vui lây, theo Hằng vào nhà. Ông, cậu mợ Hai đang ngồi cả bàn ăn, uống trà tàu với bánh trung thu. Hằng kéo ghế cho Phan.

Phan trình bày:

- Thưa ông và cậu mợ, cháu đã gọi chú Sung hiệu Trường Sinh tới xem cửa hiệu. Trưa mai chú ấy lại.

Cậu Hai gật đầu, dặn lại:

- Được. Tuỳ ý cháu xếp đặt. Nhớ là sau khi họ chở đồ đi, cháu thuê người dọn dẹp,

lau chùi sạch sẽ rồi giao nhà cho chủ mới dùm cậu. Chốc nữa cậu sẽ đưa chià khoá nhà này và địa chỉ ông ta cho cháu.

Ông trao tách nước cho Phan, nói:

- Trưa nay, cậu sẽ cho chở lên phi trường gửi người bạn ở đó những đồ nặng, đến sáng mai, mình chỉ di chuyển người và ít đồ tư dùng thôi.

Phan thoáng buồn. Không ngờ mọi việc lại mau chóng đến như thế. Hằng cũng buồn buồn, nhắc nhở:

- Anh cố gắng vào sớm đi nhé. Ở ngoài này còn ai nửa đâu mà lưu luyến.

Bỗng Hằng ngưng bặt ... như mình vừa nói một lời gì không đúng. Cuối cùng, nàng mỉm cười hóm hỉnh:

- Chiều này ông và ba me em đi ăn cơm khách. Vậy chốc nữa, đưa đồ ra xe, rồi chừng bốn rưỡi mình đi, anh Phan.

Bà mợ cười:

- Còn có một Trung Thu cuối cùng ở Bắc nữa thôi ... ghé qua Hàng Đào, Hàng Mã chơi không mai này lại tiếc.

Phan lắc đầu:

- Con vừa qua Hàng Ngang thấy vắng vẻ lắm. Người lo đi đã vậy, người ở lại hình như cũng bỏ cái Rằm này luôn.

Cơm trưa xong thì xe ô-tô thuê bao đi phi trường Gia Lâm tới. Cả nhà phụ với người tài xế mang đồ chất lên xe. Di cư kiểu này thì nhất rồi. Vừa thư thả, vừa mang được cả những đồ quí giá lẫn kỷ niệm theo. Phan đếm được tới ba thùng và sáu cái va ly.

Hằng đứng nhìn đồ xếp đầy lên chiếc xe ca, lắc đầu:

- Nói để lại, cái gì ông cũng mang theo. May ba em quen với mấy ông bên đó, nếu không thì cũng phải chịu thôi.

Rồi nàng nói khẽ với Phan:

- Nghe nói Sài Gòn nóng lắm. Mấy cái măng tô và áo len, chiếc nào đẹp em để lại cho Diệu Hạnh. Không biết cô ta có dám mặc không nhỉ

Phan lắc đầu:

- Anh cũng không biết, nhưng cứ đưa thử xem sao.

Đồ mang ra rồi, nhà cửa trở nên trống trải quá. Người đi thì háo hức những mới la trước mắt, người ở lại mới thật bùi ngùi. Ông ngoại và cậu mợ Phan sửa soạn đi phố. Hằng đưa Phan lên các phòng trên lầu, nàng nói:

- Ở đây, cái nệm cuả em, cuả ba me là còn mới, mua vài tháng nay thôi. Anh mang về nhà xứ, nếu ai cần, cho họ dùng không phí đi. Chăn màn cũng vậy.

- Được để anh xem.

Khi hai người xuống nhà dưới thì mọi người đã sửa soạn đi. Hằng gọi thằng nhỏ giúp việc dặn:

- Mày coi nhà. Cô và cậu Phan đi phố. Ở nhà, cứ đóng cửa đi ngủ, ai về sẽ gọi.

Phan đạp xe theo xích lô chở Hằng xuống bệnh viện Bạch Mai. Trời không mưa, nhưng không khí nặng nề, ẩm ướt. Dọc theo Phố Huế, những chuyến tàu điện đi lại, khách vắng hoe. Nghe tiếng kẻng leng keng rồi tiếng rầm rầm cuả banh xe tàu điện xiết trên đường rầy, Phan nhớ lại thuở nào mới ra Hà Nội, bọn chàng và Hằng còn bé tí teo, buổi chiều nào có tiền là nhảy xe từ Hàng Bột ra bờ hồ Hoàn Kiếm ăn thịt bò kho, đi xi-nê ở rạp Lửa Hồng. Thế mà thấm thoát đã bảy năm, nay sắp rời xa, chỉ còn lại một mình Phan ở lại cái thành phố vốn không phải là quê hương cuả chàng.

Tới bệnh viện, Phan khoá xe tại góc đường bên lối ra vào. Hằng ôm bọc quần áo đứng đợi chàng ở bậc tam cấp nhà thương. Hôm nay ngày rằm, nên bệnh nhân tới bệnh viện không nhiều như mọi ngày. Mới bước chân qua cửa, mùi e-te đã xông nghẹt mùi. Mấy bà già ngồi nhai trầu, nói chuyện rì rầm. Khi Phan và Hằng vừa rẽ vào hành lang khu phụ nữ, từ đằng xa đã thấy Nụ đứng dựa cửa phòng chờ đợi. Thấy bóng hai người, Nụ đi mau ra đón.

- Ni cô chờ lâu chưa ?

Nụ lắc đầu:

- Mới ra thôi.

- Ở trong phòng nghỉ, tụi này hẹn thì thế nào cũng tới mà.

- Sợ lại quên.

Vừa nói, Nụ hơi liếc Phan, nhưng chàng lờ đi như không biết.

Hằng kéo Nụ vào trong phòng, rồi ngoái cổ ra ngoài, bảo Phan:

- Anh Phan chịu khó chờ bọn em một chốc nhé.

Hai người lục xục ở trong đó khá lâu. Nhiều lúc, Phan thấy Hằng nói lớn:

- Không được ...

Tiếng Nụ, hốt hoảng:

- Chịu thôi ... thôi Hằng ...

Cả mười lăm phút sau mới thấy cửa mở. Hằng kéo Nụ ra ngoài như kéo cô dâu ra chào họ. Nụ thẹn thùng trong chiếc áo măng tô đen mà Hằng mới đưa tới. Đầu nàng bụm chiếc khăn san màu hạt dẻ (để che chiếc đầu trọc!) Phan sợ Nụ ngượng, không dám nhìn nàng. Hằng mỉm cười ngắm Nụ:

- Có sao đâu. Nhát như cáy.

Nụ vẫn còn lắc đầu quầy quậy, nhưng coi bộ đã bằng lòng:

- Ngượng bỏ xừ đi ấy.

Phan tránh không góp ý. Hằng bỗng nhớ ra việc xin phép cho Nụ đi chơi phố, nói:

- Chị đứng đây với anh Phan, em đi tìm sơ Margaritte để nói với ma sơ một tiếng để chị đi.

Không để ý tới sự phản đối lấy lệ cuả Nụ, Hằng đã bỏ đi ngay. Còn lại một mình với Phan, Nụ không sao được ấp úng:

- Anh đừng cười nhé.

Phan chưa dám nhìn thẳng, ngó xuống chân, bắt gặp hai ống quần trắng ló ra dưới áo măng tô, thêm đôi dép kiểu nữa, Phan suýt phì cười. Nhìn một lúc, chàng mới nói:

- Đâu có sao. Mình ra phố chơi mà .. Với lại ai biết ai cơ chứ.

Nụ phụng phịu:

- Anh còn vào huà với Hằng nữa.

- Thực mà.

- Thực không?

- Thực.

Vừa nói, Phan vừa ngẩng lên nhìn Nụ khiến nàng hơi cúi xuống để tránh tia mắt đầy quan tâm cuả chàng. Phan thấy Nụ xinh hơn chàng tưởng, tuy dáng dấp có hơi quê muà. Đôi mắt ướt sáng long lanh và một khuôn mặt tươi hồng ấy đủ khiến cho ai gặp cũng có cảm tình. Hai người quen nhau đã lâu, nhưng lúc này bỗng cảm thấy như mới gặp nhau lần đầụ Ngỡ ngàng. Với lối phục sức khác này cuả Nụ, sự bâng khuâng đến với Phan đã vậy, còn nàng, Phan có gì khác trước đâu ... nhưng có phải cũng vì sự thay đổi đó mà trong lòng Nụ cũng cảm thấy mối tương quan mới mẻ giữa nàng và Phan. Cả hai còn đang lúng túng thì may, Hằng đã ra. Hằng đứng xa ra, miệng nói, mắt nhìn Phan:

- Anh Phan, được đấy chứ?

Phan không nói, chỉ mỉm cười gật đầu cũng đủ khiến Nụ như co dúm người lại.

- Thôi mình đi.

Phan để cho hai cô gái đi trước, chàng lẽo đẽo theo sau. Dáng đi cuả Nụ bên Hằng cũng thoăn thoắt chân chim. Hai người vừa đi vừa chuyện trò to nhỏ. Ra đến ngoài, Phan đi nhanh lên trước, tới lề đường gọi xích lô. Hằng và Nụ lên xe đi được một quảng rồi Phan mới đạp xe rượt theo.

Tới bờ hồ Hoàn Kiếm, xe Hằng ngưng ở đầu Hàng đào. Phan ra xe đến bên nói:

- Hằng đợi ở đây, anh đi gửi xe.

Phan gửi xe bên bờ hồ, rồi lững thững đến chỗ Hằng và Nụ đợi. Chiều xuống, mặt hồ Gươm xám đen, gió từ phiá hồ thổi lên ào ào ngả nghiêng hàng sấu bên đường. Xen vào giữa những cành lá, ánh đèn điện mới lên, chao chao, lấp lánh. Từ đằng xa, Phan thấy hai cô gái chụm đầu vào nhau nói chuyện. Thỉnh thoảng Nụ gật đầu nhìn theo hướng tay chỉ cuả Hằng.

Vừa thấy bóng Phan tới, Hằng đã gọi lớn:

- Anh Phan, lại đây mau lên.

Phan không biết chuyện gì, lật đật chạy lại bên hai người. Hằng cười chỉ tay về phiá bên kia hồ, nói:

- Xem kià, đẹp không.

Lúc đó, bóng trăng rằm tròn vạnh vừa nhô lên khỏi mái nhà bưu điện, giữa đám mây đen lớp lớp vây quanh. Được mấy phút, bóng trăng bị che khuất, và ở đó chỉ còn lại một vùng mây vàng.

Nụ cười, nói:

- Ở nhà quê, chẳng mấy ai ngắm trăng.

Hằng lắc đầu:

- Ni cô ..

Nụ lườm xéo, huých tay vào hông Hằng, khẽ gắt:

- Lại ni cô..

Hằng cười:

- Xin lỗi, Nụ, ở đây thỉnh thoảng có năm mưa vào đêm rằm ... như hôm nay ... Thành ra trăng quý lắm đấy.

Phan nghe hai người đã đổi cách xưng hô, tự nhiên thấy vui. Lòng lâng lâng, thần trí lãng đãng như vừa nhắp hớp rượu saỵ Vì thế, hai người con gái to nhỏ với nhau những gì, chàng cũng không để tâm.

Bỗng Hằng phát vào vai, nói:

- Kià, đi chứ ở đây đợi Hằng Nga xuống nữa sao, ông.

Hằng nói xong cùng với Nụ cười rộ, bỏ đi trước. Phan giật mình, vội bước theo. Ba người sóng vai trên lề hè Hàng Đào. Phố đã lên đèn, các cửa hiệu hầu hết mở cửa bán hàng. Tuy không được bằng mọi năm nhưng cũng tấp nập hơn ngày thường. Ánh sáng từ các hiệu buôn tràn ra làm phố xá sáng suả, trong đó, mấy cô gái Hà Nội miệng tươi chào khách, tay búp măng trắng muốt thoăn thoắt xếp đồ, đo vải hoặc gói những gói hàng bao giấy màu rực rở, sang trọng. Lác đác cũng có cửa tiệm đóng cửa, chắc chủ nhân đã di cư, khiến khúc đường đó mờ tối.

Mỗi khi, vì đông người, Phan phải lui lại vài bước. Nhưng chính lúc này, Phan có thể ngắm hai cô gái. Nụ đã có áng bạo dạn, lời ăn tiếng nói trơn tru duyên dáng kèm theo tiếng cười khúc khích, trong trẻo bên cạnh Hằng với chiếc áo nhung màu rượu chát thướt tha đầy vẻ yểu điệu sẵn có cuả các cô Hà Thành. Thỉnh thoảng, hai người như chợt nhớ tới Phan, bước chân hơi chậm, ngoái cổ lại tìm kiếm. Khi bắt gặp Phan đang thả bộ theo sau, hai người như yên tâm liếc nhìn nhau mỉm cười vui thú để rồi tiếp tục đi. Đôi khi, Hằng đưa Nụ lại bên một quầy hàng, chỉ và giải thích cho Nụ một vài món hàng.

Gần tới ngã tư trước mặt, Hằng ngưng lại đợi Phan, rồi nói:

- Anh Phan này, qua Hàng Mã xem đèn kéo quân đi.

- Ừ thì đi.

Ba người rời Hàng Ngang, quẹo sang Hàng Mã. Ở đây chan hoà ánh sáng. Cửa hiệu nào cũng trưng đèn trước cửa. Từ loại đèn xếp nhiều màu sặc sỡ tới cái lồng đèn Nhật Bản, đèn Trung Hoa, và nhất là những chiếc đèn kéo quân hết sức sống động. Bên trong, bánh trái, con giống màu, đèn xếp bày la liệt trên những tấm phản phủ khăn hồng. Đứng ngoài nhìn vào, cửa hiệu nào không những trông cũng đẹp mắt mà còn thoáng mùi thơm ngan ngát.

Hằng giữ Nụ trước một cửa hàng, đợi Phan đến gần, nàng nói:

- Này anh Phan ... Có nhớ hồi nhỏ, tụi mình mới lên Hà Nội không? Cái đèn kéo quân cuả mình là cái đèn Hằng Nga-Hậu Nghệ này đây.

Hằng rán lại gần lồng đèn, lấy tay chỉ những hình dáng chuyển động trên thành giấy trắng:

- Này, Nụ xem này. Bắt đầu từ đây, vợ chồng Hằng Nga-Hậu Nghệ đang chơi Tết Trung Thụ Tiếp đây là Hậu Nghệ luyện thuốc tiên. Chỗ này Hằng Nga uống lén thuốc tiên cuả chồng. Đây, Nụ trông nhanh này, Hằng Nga đang bay lên cung Quảng ... Chỗ này Hậu Nghệ biết được, giận quá, dùng tên bắn rơi chín mặt trăng ... chỉ còn lại một mặt trăng là nơi Hằng Nga trốn ... rồi trở lại từ đầu ..

Nụ cười, thích thú:

- Hay nhỉ ... mình mới thấy đèn này lần đầu đấy ...

Hai người lại kéo nhau đi. Phan nhìn hai nàng có cảm tưởng như đôi chim tung tăng giữa đồng nội.

Bỗng Hằng khẽ reo lên:

- Này Nụ, đèn Quan Âm Thị Kính nàỵ Nụ có biết tích này không?

Không đợi Nụ trả lời, Hằng ngẩng lên, tay chỉ vào lồng đèn:

- Chỗ này Thị Kính vào tu chuà ... Chỗ này chay đàn ... Đây là cái cô nàng ... cô gì nhỉ, Nụ?

Nụ lắc đầu:

- Mình đâu biết ...

- Rõ chán, đi tu mà không biết tích Quan Âm Thị Kính ...

- Vậy mà cũng giận.

Hằng mất hứng, kéo Nụ đi. Phan bắt cười vì cái tính trẻ con cuả hai cô nàng. Kể ra Hằng cũng khá đấy chứ. Học trường ma sơ mà biết cả tích Quan Âm Thị Kính. Chắc là mợ, hoặc bà vú nói cho biết.

Sau khi lạc một đoạn đường, Phan tìm thấy hai người đang lui hui mua mấy cái đèn xếp xanh đỏ.

- Hằng, mua chi vậy ?

- Em mua để tối nay Nụ đốt trong phòng chơi cho vui. Có cả ổ lợn, mấy con giống ...

Phan thấy trên tay Nụ có những con giống nhiều màu sắc gồm một đôi gà, một con cóc, một cái thuyền có cô lái đang giữ mái chèo. Chính nhờ những thứ đồ chơi nho nhỏ này mà Trung Thu để lại nhiều kỷ niệm cuả thời thơ ấu.

Tất cả đồ được để trong một chiếc hộp giấy, Hằng đưa cả cho Nụ cầm. Mắt Nụ tươi như đứa trẻ được mẹ cho quà.

Người đi phố mỗi lúc một đông, ba người đi loanh quanh một hồi, mải xem hàng quán, cuối cùng ra trở lại Hàng Ngang rồi về bờ hồ.

Bỗng có tiếng gọi giật:

- Hằng.

Hằng đang đi, vội ngừng bước, quay lại nhớn nhác tìm kiếm. Từ trong đám đông, một bà trung niên đi với một cô gái tiến đến gần. Hằng mừng rỡ:

- Bác ạ. Gớm Nhung, "moa" tìm "toa" mấy bữa nay, tưởng "vô Nam" rồi.

Tự nhiên, Phan và Nụ hơi lùi lại để hai bên dễ nói chuyện. Một thoáng, Nụ nhận ra đang đứng riêng với Phan, khẽ kêu lên:

- Anh.

Phan ngước nhìn ánh mắt cuả Nụ long lanh trong vùng tranh tối, tranh sáng. Chàng đặt nhẹ tay sau lưng nàng, nói nhỏ:

- Nụ. Mình đợi Hằng một tí.

Chừng năm phút sau, Hằng trở lại bên hai người, nói:

- Anh Phan, đưa Nụ xem một vài nơi nữa đi ... rồi ra nhà thủy tạ uống nước, chờ em nhé. Con Nhung là bạn rất thân cuả em ... Tụi em có việc về qua nhà nó một chốc ... Nếu chẳng may em ra không kịp, mười giờ anh phải đưa Nụ về dùm ...

Hình như sợ hai người phản đối, Hằng nói xong lật đật chạy biến vào đám đông. Phan và Nụ dù có chạy đuổi theo cũng không kịp.

Nụ như rớt từ trên "cung trăng" rớt xuống, cứ đứng ngẩn ra, chả biết phản ứng ra sao. Phan thấy tình thế không thể khác hơn, nên lắc đầu, nói:

- Cái con nhỏ này nó hứng bất tử quá. Thôi Nụ, chúng mình đi.

Nụ không trả lời, lẽo đẽo theo Phan. Bỗng trời lất phất mưa. Mọi người đều bước mau hơn khiến phố xá hơi nhốn nháo. Vô tình, Phan nắm cánh tay Nụ, nói:

- Mau lên Nụ.

Nụ đành theo đà lôi kéo cuả Phan. May mà mưa chưa lớn lắm. Mười phút sau, cả hai đã lên đến nhà thủy tạ bên hồ Gươm. Dừng lại ở cửa, Phan đưa mùi soa để Nụ lau những giọt nước đọng trên mặt. Bên trong, ánh đèn vàng dịu, khách hàng ngồi rải rác ba bốn cái bàn. Phan đưa Nụ tới một chiếc bàn nhỏ gần cửa sổ nhìn xuống hồ.

Nụ như kẻ mất hồn. Nàng làm theo lời Phan, không một lời tán thành hay phản đối.

- Mình ngồi đây chơi Hằng.

Nụ khẽ gật đầu, nhưng mắt cứ nhìn xuống. Phan khẽ hỏi:

- Mình uống cái gì chứ?

Nụ lắc đầu:

- Uống gì?

Phan nói:

- Ừ, uống gì?

Nụ gật đầu:

- Vậy sữa bò nóng đi.

Từ trong tối, cô hầu bàn yên lặng đi ra, đến bên. Phan nhìn lên:

- Cho một cốc sữa nóng và một cà phê sữa nhỏ.

Cô này khẽ cám ơn, rồi quay đi. Tiếng nhạc êm dịu từ cái máy hát ở góc nhà.

- Nụ có nghe nhạc không.

Bị hỏi bất chợt, Nụ ngẩng lên:

- Nghe nhạc?

- Ừ, nghe âm nhạc, hay hát đó.

Nụ lắc đầu. Phan cười:

- Đó, như trong máy hát đang hát bản Nhìn Áng Mây Chiều kia.

- Ở quê có hát trống quân, cò lả ấy.

- Ờ, thì đó cũng là âm nhạc vậy, nhưng nhạc đó gọi là dân ca. Còn hát ở đây gọi là tân nhạc, theo lối tây phương, tức tây ấy. Lời mới, âm điệu mới.

- Hay nhỉ.

Cà phê và sữa nóng được đưa ra. Hương cà phê phảng phất, quyến rủ. Nụ trố mắt khi thấy chén điã đẹp quá:

- Sáng nhỉ.

- Ờ, đây là thủ đô, khác với hiệu cao lâu Phố Khách ở Nam Định chứ. Uống đi không để nguội mất ngon.

Nụ nâng cốc sữa uống từng ngụm ... trở nên dạn dĩ:

- Anh, hương vị cuả sữa ở đây cũng khác. Nhớ cốc sữa ở hiệu cao lâu quá.

Phan đặt cốc cà phê xuống bàn, mỉm cười khi thấy Nụ có vẻ chê sữa Hà Nội. Riêng cà phê cuả quán này rất nổi tiếng, hương vị thực đậm đà, nhưng Phan cũng ít có dịp ra đây thưởng thức. Với người bạn gái yêu kiều trước mắt, tối nay là một kỷ niệm khó quên cuả chàng.

Lúc đó, Nụ lắc đầu, tiếp tục dòng tâm sự:

- Hôm đó, nếu không gặp được anh, bô con đã trở về rồi.

- Vì thế mới có ngày nay, Nụ.

Hồi tưởng lại những kỷ niệm đó, Nụ xúc động:

- Anh ghét bố con ... này lắm phải không?

- Ai nói thế?

- Thực mà...

- Không phải.

- Ở nhà thương anh chẳng tới ..

- Có tới với Hằng đấy thôi. .

- Thế mà là tới thăm à... theo Hằng thì có.

Nụ nói thêm:

- Anh đâu có thèm ... tới.

Phan sửng sốt:

- Không phải.

- Mai Hằng đi rồi.

- Hằng nói với Nụ?

Nụ không trả lời vào câu hỏi. Nàng tiếp tục ý nghĩ cuả mình, hỏi:

- Vậy anh có vào Nam không?

- Không, chưa đâu.

Nụ ngước lên nhìn Phan, mắt chớp lấp lánh:

- Nghiã là sẽ đi ?

- Không đâu.

- Thực không đi chứ?

- Thực không đi.

- Vậy chỉ còn hai đứa mình thôi ?

- Ừ, hai đứa mình thôi.

- Rồi tương lai cuả anh.

- Phải nói là tương lai cuả hai đứa mình.

- Nụ chỉ có chuà thôi.

Tương lai. Mai mốt thành phố này đổi chủ, nói chuyện tương lai là nói chuyện mò trăng đáy nước.Trăng. Phan sực nhớ, nhìn ra bên ngoàị Trăng, chẳng có một vết tích nào cuả trăng đêm nay. Trời mưa nặng hạt. Mặt hồ đen sánh, rộng như chiếc thảm vĩ đãi lùng bùng vì những đợt mưa tới tấp đổ xuống, trải ra mãi tận bờ bên kia mờ mờ khói ước. Đâu đó, lác đác những vệt đèn vàng vọt giẫy giụa giữa vùng sân thẳm, u tối mà sự hiện diện đã có từ nhiều ngàn năm. Tháp Ruà chỉ còn lại mấy đốm đen le lói sau lớp mưa bay. Mãi bên kia, nhìn thực kỹ mới thấy khoảng sáng đèn nê-ông lạt lẽo cuả rạp chiếu bóng Ciros. Tiếng mưa ào ào như thác đổ tràn ngập... nhưng âm thanh hiện hữu chỉ còn mơ hồ viễn động.

Không lâu cơn thịnh nộ ngớt dần, nước từng giọt, từng giọt tí tách bên hiên như tiếng đàn lục huyền lạc vận, rã rời ..

- Nụ nhìn ngoài này ...

Nụ lơ đảng nhìn theo Phan.

- Nụ có thấy trăng không?

- Trăng đâu ?

- Mình không thấy nó... nhưng lúc nãy, Nụ, nó ở ngang đầu đây này ..

Phan vừa nói, vừa chỉ lên không gian, ngang trước cửa sổ nhà thủy tạ.

Nụ gật đầu:

- Có lẽ... nhưng hôm nay nó lặn sớm ...

- Ừ, Nụ nói đúng, nó lặn giữa trời, có phải không?

- Lặn giữa trời.

Chợt Phan nhớ hai câu thơ:

"Hôm nay mặt trời đi ngủ sớm, Anh nhớ em, em hỡi, anh nhớ em".

Nụ bỗng nói chơi:

- Rồi ... mình có lặn giữa trời không, anh Phan.

- Không đâu ... không đâu.

Tuy nói thế, nhưng Phan cũng cảm thấy thực chua xót ... trước sau thì mối tình cảm này cũng sẽ tức tưởi chết giữa lưng chừng trời như trăng rằm đêm nay mà thôi.

- Anh Phan ... Nụ sợ.

- Nụ, sợ gì chứ?

- Tới ngày nào đó... chỉ còn mình Nụ ở lại cái thành phố xa lạ này ...

Nước mắt Nụ tự nhiên ứa ra đầm đià, óng ánh trên hai má. Phan hơi hoảng, vội nắm tay nàng, lắc nhẹ:

- Đừng khóc ... Nụ, tôi không rời xa cái thành phố này đâu.

Nụ vừa lắc đầu, vừa gục xuống tay Phan thổn thức ... Hơi thở nóng hổi cuả người trinh nữ dồn dập tràn vào cơ thể Phan khiến chàng bàng hoàng, tê điếng cả người, một thứ cảm giác mà chàng chưa từng cảm nhận. Yên lặng trong nhịp thở cuả Nụ. Cho đến khi hai người bình tĩnh trở lại thì Nụ đã ngồi sát bên Phan. Nàng hơi ngã đầu dựa vào chàng. Mùi hương cuả tóc, cuả người Nụ làm Phan ngây ngất.

Bỗng có tiếng hát cuả Ái Liên:

"Một chiều ái ân,

Say hồn ta bao lần.

Một chiều đắm duyên tơ,

Chờ đợi ta phút ơ hờ,

Ngạt ngào sắc hương,

Tay cầm tay luyến thương.

Đôi mắt em nhìn càng say đắm mơ màng,

Nào thấy đâu sầu vương...

Một chiều bên nhau,

một chiều vui sống, quên phút tang bồng..."

Nụ khẽ hỏi:

- Bài hát gì vậy ?

- Cũng không biết.

- Hay đấy chứ ...

- Ờ ...

Phan chợt như tỉnh giấc mơ, vội nhìn đồng hồ:

- Hằng không trở lại ... con bé thực là ...

Nụ ngồi ngay lại:

- Về?

- Chín rưỡi rồi.

- Mai cô ấy đi rồi .. Tiếc quá!

- Mình đi.

Nụ ngoan ngoãn theo Phan ra về. Trong lúc Phan trả tiền, Nụ đến bên cô hầu bàn, khẻ hỏi:

- Bài hát tên gì vậy ?

Cô bé cười, có lẽ vì thấy Nụ quê:

- Bóng Chiều Xưa.

Nụ lắc đầu, mỉm cười theo Phan ra ngoài. Trời đã hết mưa, nhưng mây mù còn u ám. Hai người yên lặng đi bộ bên nhau. Mùi hoa dạ lý sực nức trong không gian. Phan biết nó bay từ ngôi biệt thự màu vàng bên rạp chiếu bóng Lửa Hồng. Càng về đêm, hương càng ngào ngạt.

- Nụ lạnh không.

- Áo này ấm lắm. Còn anh.

- Không sao.

Phan lấy xe, rồi nói:

- Đợi gọi xe cho Nụ

- Xe anh đèo được không?

Phan ngần ngại:

- Được. Nhưng khó ngồi lắm.

- Không sao đâu.

Phan không nói nữa, cứ đứng chờ xe. Nhưng khúc đường này, vào giờ khuya khó có xích lô. Sau cùng, Phan nói:

- Thôi được, Nụ ngồi cẩn thận nhé.

- Ở nhà quê, thầy Nụ vẫn đèo.

Phan ngồi lên yên, rồi chờ Nụ leo lên xe.

- Cẩn thận nhé.

- Vâng.

Phan từ từ đạp xe. Nụ ngồi xe rất quen. Bàn tay nàng hơi tựa vào hông Phan để giữ thăng bằng, nhưng từ đó, cả hai đều cảm thấy một cảm giác ấm cúng thân tình.

Trong hơi gió lạnh, Nụ hỏi:

- Mai mấy giờ Hằng đi ?

- Sớm. Chừng tám giờ.

- Làm sao Nụ tiễn.

- Thôi ...

- Anh có tới không?

- Có chứ. Vì còn phải lo cái nhà giao cho chủ mới.

Rất mau và rất mau, hai người đã tới nhà thương lúc nào không hay. Người lao công hé cửa để hai người vào. Phan gửi chiếc xe đạp, rồi đưa Nụ về phòng. Tay mở cửa, Phan dặn:

- Nụ, mai mười hai giờ Nụ xuất viện.

- Mười hai giờ.

- Phải, tôi sẽ tới đưa Nụ về.

Nụ cảm động, nước mắt rưng rưng:

- Anh Phan ...

- Ngày mai ...

Nụ thở dài:

- Mai Hằng đi .. thế là không còn ai tới chuà thăm Nụ nữa ...

- Không đâu .. Thôi mai tôi lại.

Phan vội quay đi. Nụ chợt nắm tay chàng:

- Anh ... Nhớ đừng bỏ Nụ nhá ...

- Không đâu ... Tôi không bỏ Nụ đâu ...

Dường như thấy được sự gượng gạo cuả lời Phan nói, Nụ vụt úp gói đồ lên mặt, chạy nhanh vào phòng, đóng sập cửa lại.

Phan đứng ngẩn ngơ một lúc, rồi thẫn thờ đi ra. Từ nhà thương, Phan đạp xe như kẻ mất hồn về nhà chung. Chàng thực sợ hãi khi thấy càng ngày, Nụ càng tiến gần lại mình, cơ hồ như con bạch tuộc bắt mồi, mỗi lúc một xiết chặt. Thật khó thoát khỏi những dính líu tình cảm. Rồi mai đây, mối tình này sẽ ra sao. Tìm cách trốn tránh đi. Có được không.

"Mình đã hứa với Nụ những gì. Không bỏ nàng cô độc tại thành phố này. Chỉ giản dị thế thôi sao ?" Nhưng có một điều đến bây giờ Phan mới biết chắc là từ bấy lâu nay, chính vì Nụ mà chàng không muốn bỏ Hà Nội chứ không phải chỉ vì sự thương sót hai vị linh mục già nua cuả chàng. Hình ảnh kiều mị cuả Nụ lại hiện ra trong tâm tưởng cuả Phan ... những dòng nước mắt, hơi ấm bên mình ...

Ông bõ xuất hiện ở cổng nhà chung làm Phan giật mình.

- Ai đó?

Ông bõ ngạc nhiên:

- Thầy Phan. Con. Đi đâu mà như ma đuổi vậy ?

- Ma đuổi ?

Hừ, có lẽ thực. Chàng đang bị cái ma lực cuả tình yêu khởi sự tấn công.

Phan hỏi một câu mà bình thường chàng không bao giờ nói:

- Cha xứ đâu ?

Hỏi vậy thôi, Phan không cần nghe câu trả lời vì đây chỉ là một tự kỷ ám thị giữa cơn hoạn nạn vì những cám dỗ vây quanh.

Và suốt đêm đó, Phan khắc khoải với những hình ảnh quyến rũ cuả đêm rằm đi chơi phố với Nụ.

(Xem phần tiếp theo)

Bài viết khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art